Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

21-02-2016 : (phần II) CHÚA NHẬT II MÙA CHAY năm C

21/02/2016
Chúa Nhật tuần 2 Mùa Chay năm C
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật II Mùa Chay - Năm C
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM C
St 15,5-12.17-18; Pl 3,17-4,1; Lc 9,28b-36
CHỦ ĐỀ:
LẮNG NGHE VÀ TÍN THÁC
VÀO THIÊN CHÚA
Đây là Con Ta, người được Ta tuyển chọn,
hãy vâng nghe lời Người.

(Lc 9,35)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Hằng năm, Giáo Hội dành thời gian 40 ngày trong Mùa Chay Thánh để mời gọi các tín hữu gia tăng việc chay tịnh, đào sâu đời sống cầu nguyện, thúc đẩy việc hãm mình-thống hối-ăn năn, tập bỏ mình nhiều hơn và gia tăng những việc bác ái đối với tha nhân. Đây là khoảng thời gian tuyệt vời để người tín hữu sống tinh thần siêu thoát, thoát tục, hướng thiện và hướng thiên, để chuẩn bị lòng mình xứng đáng đón nhận Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô.
Với tinh thần này, Phụng Vụ Thánh Lễ Chúa Nhật II Mùa Chay Năm C, tiếp tục mời gọi chúng ta đọc và suy niệm về ý nghĩa lời Chúa muốn nói với chúng ta.
1. Bài đọc 1: St 15,5-12.17-18 - Lời Hứa và Giao Ước với Abraham
Bài đọc 1 chứa đựng nội dung hai cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Abraham. Cuộc gặp gỡ lần thứ nhất xảy ra vào ban đêm (15,5), trong một thị kiến (15,1), với nội dung liên hệ đến việc Thiên Chúa hứa ban cho Abraham một dòng dõi đông đảo như sao trên trời. Còn cuộc gặp gỡ lần thứ hai xảy ra vào lúc chập tối, lúc mặt trời gần lặn (15,12), khi giấc ngủ mê ập xuống trên Abraham (15,12), với nội dung liên hệ đến việc Thiên Chúa hứa ban đất cho con cháu Abraham làm sở hữu. Câu 6 “Ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính” chính là câu nối kết hai sự kiện này.
Đến thời điểm này trong câu chuyện về tổ phụ Abraham, chúng ta biết được ông và vợ ông là bà Sarah đã già, n
hưng họ vẫn chưa có con (x. St 15,2-3). Lời hứa về dòng dõi của Abraham đã xảy ra trước đó, ở St 12,2, khi Thiên Chúa truyền gọi Abraham đi đến vùng đất Người sẽ chỉ cho ông, Người đã hứa với ông: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi”. Sau khi Abraham chia tay với Lót, cháu mình, Thiên Chúa hứa thêm: “Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi nhiều như bụi trên mặt đất; nếu người ta đếm được bụi trên mặt đất, thì mới đếm được dòng dõi ngươi” (St 13,16). Và lúc này, Thiên Chúa đưa Abraham ra ngoài và phán: “Hãy ngước mắt lên trời, và đếm thử các vì sao, xem có đếm nổi không”. Rồi Thiên Chúa lại phán: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó” (St 15,5).
Abraham hiển nhiên không thể đếm nổi các vì sao trên trời, cũng như người ta không thể đếm được bụi trên mặt đất. Một cách loại suy, dòng dõi phát xuất từ Abraham, theo lời hứa của Thiên Chúa, sẽ trở nên đông đảo, không sao đếm nổi. Tuy nhiên, đây đã là lời hứa lần thứ ba rồi. Abraham có đủ lý do để không tin, hay ít là, khó tin trước lời Thiên Chúa hứa. Nhưng một lần nữa, chúng ta lại thấy Abraham xứng danh là tổ phụ của các kẻ tin. Ông đã tin Đức Chúa, và được Đức Chúa kể là người công chính, vì niềm tin của ông vào lời hứa này của Người.  
Mùa Chay là thời gian để người tín hữu đào sâu tương quan với Thiên Chúa. Đây là thời gian người tín hữu được mời gọi hướng thiên nhiều hơn. Abraham nhìn lên trời cao, với hằng hà sa số các vì sao, đến độ ông không sao đếm nổi. Abraham chắc hẳn đã nhận thấy quyền năng sáng tạo cách lạ lùng của Đấng đang nói với mình. Nếu trời cao đầy huyền nhiệm kia, mà Thiên Chúa còn tạo ra được, thì không có lý gì, Người không thể tạo cho ông một dòng dõi đông đảo, dù rằng ông và Sarah đã già. Tin vào lời Thiên Chúa hứa, là tin vào một Thiên Chúa toàn năng, siêu việt, nhưng cũng rất gần gũi, luôn dành sự ưu ái với mình. Mùa Chay đối với chúng ta cũng vậy, đó là thời gian để chúng ta đào sâu ba nhân đức đối thần – Tin, Cậy, Mến – trong tương quan với Thiên Chúa. Chúng ta thử tự vấn lòng mình: trước những điều tưởng chừng như vô vọng, tôi có đặt đủ niềm tin vào Thiên Chúa, như Abraham đã làm không?
Một khi Abraham được Thiên Chúa kể là công chính, Abraham xứng đáng bước vào tương quan giao ước với Thiên Chúa. Trước lời hứa của Thiên Chúa về vùng đất mà Người sẽ ban cho Abraham và con cháu ông làm sản nghiệp riêng (x. St 15,9; đ/c St 13,12.14-15), Abraham đã thắc mắc: “Lạy Chúa, làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu?” (St 15,8). Đây không phải là thái độ kém lòng tin, vì ông không bị Thiên Chúa khiển trách trước câu hỏi này. Sau này, Đức Trinh Nữ Maria cũng từng thưa với sứ thần trong biến cố truyền tin: “Việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1,34). Đức Maria cũng không hề bị thiên sứ khiển trách. Sở dĩ như vậy, vì Thiên Chúa là Đấng thấu suốt cõi lòng con người. Người biết câu hỏi của Abraham hay thắc mắc của Đức Maria không phản ánh thái độ kém lòng tin. Tuy nhiên, trường hợp của ông Zacaria, cha của Gioan tẩy giả thì lại khác. Trước việc sứ thần loan báo là bà Elizabeth sẽ sinh cho ông một người con trai, ông Zacaria đã thưa lại: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già và nhà tôi đã lớn tuổi” (Lc 1,18). Vấn đề mà ông Zacaria nêu ra, có lẽ không khác gì so với chuyện ông Abraham hay Đức Trinh Nữ Maria nêu lên, nhưng ông Zacaria bị sứ thần khiển trách, vì sứ thần đã “đọc được” qua những lời này thái độ kém lòng tin của Zacaria, “bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi” (Lc 1,20).
Lời nói của Abraham - “Lạy Chúa, làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu?” - tương tự như lời nguyện xin một dấu chỉ để chứng thực lời hứa của Thiên Chúa. Thiên Chúa đáp lại điều này bằng việc ký kết với Abraham một giao ước. Trong đó, Người đoan chắc với Abraham: “Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ai-cập đến sông Cả, tức sông Euphrates” (St 15,18). Nhưng trước đó, Người tiên báo về tình trạng của dân Israel trước khi tiến về và sở hữu Đất Hứa: “Dòng dõi ngươi sẽ trú ngụ trong một đất không phải của chúng. Chúng sẽ làm tôi người ta, và người ta sẽ hành hạ chúng bốn trăm năm. Nhưng Ta sẽ xét xử dân tộc chúng phải làm tôi, và sau đó chúng sẽ ra đi với nhiều tài sản” (St 15,13-14).
Lịch sử dân Israel chứng thực điều này. Lịch sử ấy chứng thực rằng việc dân Israel ra khỏi Ai-cập, việc họ tiến bước trong sa mạc, để tiến về Đất Hứa, việc họ chiếm được Đất Hứa, đều năm trong chương trình cứu độ nhiệm mầu của Thiên Chúa dành cho họ. Điều mà Thiên Chúa muốn nơi họ là tin tưởng vào quyền năng cứu độ của Thiên Chúa: Người biết thời điểm nào cần phải giải thoát họ, và hoàn tất lời Người đã hứa với các tổ phụ của họ. Thái độ tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa chẳng phải là lời mời gọi dành cho cả chúng ta hôm nay nữa hay sao?  
2. Bài đọc 2: Pl 3,17-4,1 - Quê Hương đích thực
Trong thư gửi tín hữu Philiphê, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta một điểm rất quan trọng trong Mùa Chay Thánh này, một điểm mà chúng ta có thể hay quên, đó là, quê hương đích thực của chúng ta không phải ở dưới thế này, nhưng ở trên trời. Như thế, người tín hữu chúng ta, tuy sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian; tuy sống và làm việc ở đời này, nhưng không vì thế mà cố bám víu vào cuộc sống chóng qua cho bằng được, càng không thể vì thế mà chỉ lo mải mê tìm kiếm cuộc sống trần thế mau qua này, mà ngó lơ hay đánh mất sự sống đích thực của chúng ta ở trên thiên quốc với Thiên Chúa.
Thiên Chúa chúng ta thờ, vì thế, không thể là “cái bụng”; điều chúng ta tìm kiếm, vì thế, không thể là “những sự thế gian” (Pl 3,19). Trái lại, điều mà chúng ta cần phải lo tìm kiếm trước tiên, là “Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn những điều khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Điều mà chúng ta cần ngóng lòng mong chờ là được Chúa Kitô đến cứu độ chúng ta, Đấng đến giải thoát chúng ta khỏi mọi xiềng xích của tội lỗi và của tử thần, để đưa chúng ta về quê hương đích thực.
Mùa Chay là thời gian để làm sâu sắc thêm cảm thức thuộc về Thiên Chúa nơi chúng ta; thời gian sống kết hợp với Thiên Chúa một cách mật thiết hơn; thời gian hướng lòng mình về với Thiên Chúa và lo tìm kiếm những giá trị thiêng liêng; thời gian chân nhận ơn gọi đích thực của từng người chúng ta là sống cho Thiên Chúa và cho mọi người. Đây cũng là thời gian chúng ta cần ý thức hơn về những giới hạn của chúng ta, nhưng không vì thế mà nản lòng; trái lại, chúng ta trông chờ vào ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, là Đấng có quyền năng biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên thân xác vinh hiển của Người, khi Người đến trong vinh quang của Người.
3. Bài Tin Mừng: Lc 9,28b-36 - Đức Kitô hiển dung
Trong bài đọc 1, Thiên Chúa hứa với Abraham, là Người sẽ ban cho dòng dõi ông có đất làm sản nghiệp riêng, một vùng đất trải dài từ sông Ai-cập đến sông Cả. Nhưng để tiến vào vùng Đất Hứa này, dân Israel, con cháu của tổ phụ Abraham, sẽ phải trải qua một cuộc Xuất Hành từ Ai-cập. Trong cuộc Xuất Hành đó, vị thủ lãnh đích thực của họ, không ai khác hơn là Thiên Chúa Yahweh, Đấng đã dùng cánh tay mạnh mẽ của Người để giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ bên Ai-cập, và dẫn dắt họ vượt qua bao thăng trầm thử thách trong hành trình sa mạc, để tiến về vùng đất mà Người đã hứa ban cho họ qua tổ phụ Abraham.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, với biến cố Đức Kitô biến hình, chúng ta cũng được nói đến một cuộc Xuất Hành khác, cao trọng hơn và có ý nghĩa hơn đối với toàn thể nhân loại, đó là cuộc hành trình đi xuyên qua Cuộc Khổ Nạn và Sự Chết để đạt tới Vinh Quang Phục Sinh của Đức Giêsu. Nhưng trước khi Đức Giêsu bước vào cuộc Xuất Hành này, như để củng cố đức tin của các môn đệ trước những thử thách lớn lao mà họ sẽ phải đối diện trong Cuộc Thương Khó của Người, Đức Giêsu đã tỏ lộ vinh quang của Người cho ba vị đại diện các môn đệ, là Phêrô, Gioan, và Giacôbê.
Biến cố này đã tạo ra sự ngất ngây hạnh phúc nơi các môn đệ, đến độ Phêrô xin dựng ba lều, một cho Đức Giêsu, một cho Môsê và một cho Êlia, để ba môn đệ này có thể lưu lại thêm chút thời gian trong cảnh giới vinh quang này của Đức Giêsu. Nhưng tiếng Chúa Cha phán từ trong đám mây - “Đây là Con Ta, người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” - nhắc nhở các môn đệ một điều hệ trọng: Đây không phải là lúc để các môn đệ làm theo ý muốn của mình, cho dù ý muốn đó có tốt đẹp thế nào đi nữa; nhưng là thời gian họ cần biết lắng nghe và thi hành điều Chúa Giêsu dạy bảo, trong mọi hoàn cảnh sống thường ngày, ngay cả khi vinh quang rạng ngời của Chúa Giêsu như còn đang che khuất trước mắt họ. 
Áp dụng vào Mùa Chay Thánh này, đoạn Tin Mừng như thể nói với chúng ta: Mùa Chay là thời gian để chúng ta gia tăng việc lắng nghe và thi hành thánh ý của Thiên Chúa cho cuộc đời chúng ta. Việc này cần được thực hiện một cách rõ nét nhất trong đời sống cầu nguyện. Nhưng không phải chỉ khi nào chúng ta được hạnh phúc, khi mọi sự diễn ra êm xuôi cho chúng ta hay cho gia đình chúng ta, thì chúng ta mới biết lắng nghe và thi hành thánh ý của Người. Việc lắng nghe tiếng Chúa cần được thực hiện trong mọi hoàn cảnh sống thường ngày. Chỉ như vậy, chúng ta mới có khả năng cùng bước vào cuộc Xuất Hành của Chúa Giêsu, nghĩa là cùng chịu đau khổ, vác thập giá với Người hằng ngày, để cùng được sống lại với Người. Liệu chúng ta có dám thực hiện điều này không, nhất là trong Mùa Chay Thánh này? Làm thế nào để chúng ta có thể gia tăng việc lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy?
II. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Khi tỏ vinh quang cho các môn đệ, Chúa Giêsu muốn củng cố niềm tin của các ông trước mầu nhiệm thập giá. Trong niềm tin tưởng và cậy trông vào lòng thương xót của Chúa, cộng đoàn chúng ta cùng hiệp ý cầu xin:
1. Xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn vững tin vào vinh quang của Đức Kitô, biết sẵn sàng chết đi cho tội lỗi và tích cực trở nên chứng nhân cho quyền năng và tình thương của Thiên Chúa ở giữa thế gian.
2. Xin Chúa cho những tổ chức và cá nhân đang dấn thân đấu tranh cho công lý và mưu cầu hạnh phúc cho con người ở khắp nơi trên thế giới, tìm được sự đồng tình cộng tác và đạt được nhiều thành quả qua những nỗ lực của mình.
3. Xin Chúa cho những người tội lỗi lầm lạc tìm được niềm tin yêu hy vọng nơi tình thương quan phòng của Chúa, biết thành tâm sám hối và nhiệt tâm biến đổi đời sống để xứng đáng với phẩm giá làm người và làm con cái Chúa.
4. “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa trong đời sống hằng ngày, để ngày càng gắn bó mật thiết với Đức Kitô và nên giống Người hơn.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa bày tỏ vinh quang để củng cố đức tin cho các môn đệ và tất cả chúng con. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban cho chúng con một đức tin kiên cường cùng đức cậy vững chắc, để trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, chúng con luôn tiến bước trên con đường thập giá theo chân Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Chủ đề : Biến đổi

Chúa Giêsu biến hình
(Lc 9,28b-38)
Sợi chỉ đỏ :
Việc Thiên Chúa kết giao ước với tổ phụ Abraham (Bài đọc I) là nền tảng của sự biến đổi thân phận loài người : Vì loài người phàm hèn mà được vinh dự kết giao ước với Thiên Chúa ; Việc biến đổi được thực hiện một cách mẫu mực nơi Chúa Giêsu (Bài Tin Mừng) : nhân tính của Ngài lu mờ đi để thiên tính hiển lộ ; Thánh Phaolô (Bài đọc II) hứa hẹn với các tín hữu rằng "Đức Kitô sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài"

I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Chắc hẳn nhiều lần chúng ta phải thất vọng vì con người của mình sao mà tồi tệ xấu xa quá. Nhiều lần chúng ta cố gắng sửa đổi bản thân cho tốt hơn. Nhưng cũng nhiều lần chúng ta thất bại.
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu biến hình ra vinh quang ; Thánh Phaolô hứa chúng ta cũng sẽ được biến đổi như thế nhờ quyền năng Thiên Chúa.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy kết hợp với Chúa Giêsu và xin Ngài biến đổi chúng ta.

II. Gợi ý sám hối
- Chúng ta đã được dựng nên giống hình ảnh Chúa, nhưng do tội lỗi, càng ngày chúng ta càng khác xa Ngài.
- Sở dĩ chúng ta ngày càng khác xa Chúa là vì chúng ta hay dung dưỡng con người xác thịt mà không bồi dưỡng con người thần linh trong chúng ta.
- Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Chúng ta gần gũi tội lỗi nhiều hơn là gần gũi với ơn Chúa.

III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (St 15,5-12.17-18)
Các bài đọc Cựu Ước từ Chúa nhật II Mùa Chay trở đi tuần tự nhắc lại những chặng đường quan trọng của Lịch sử Cứu độ. Hôm nay, đoạn sách Sáng thế đề cập đến chặng đầu tiên : Thiên Chúa kết giao ước với Abraham. Nhân loại cũ do nguyên tổ Ađam kể như đã hư mất vì tội lỗi. Thiên Chúa quyết định thành lập một nhân loại mới bắt đầu từ Abraham. Nếu Abraham chọn Thiên Chúa là Chúa của mình và tin vào Ngài, thì Thiên Chúa sẽ là Đấng bảo vệ ông, Ngài sẽ làm cho có một dòng dõi đông đức, là dân riêng của Ngài.
Giao ước được ký kết theo nghi thức thời xưa : Một số con vật được xẻ đôi đặt ở hai bên ; những người kết ước đi giữa những con vật xẻ đôi ấy, ngụ ý rằng nếu không tuân giữ giao ước thì cũng sẽ bị chết phanh thây như những con vật ấy. Trong bài tường thuật này, chỉ có Thiên Chúa (được tượng trưng bởi lửa và khói) đi qua những con vật ấy, Abraham không đi qua, bởi vì đây là giao ước đơn phương : chỉ mình Thiên Chúa cam kết thôi.
Hình ảnh những mãnh cầm tượng trưng cho những thế lục thù địch. Chúng xà xuống trên những con vật để phá việc ký kết giao ước ấy. Nhưng Abraham đã xua đuổi được chúng.
2. Đáp ca (Tv Tv 26)
Thánh vịnh 26 được phụng vụ chọn đọc tiếp theo bài đọc I vì nó diễn tả đúng tâm tình của Abraham : quyết chọn Chúa là chỗ nương tựa của mình và tuyệt đối tin tưởng nơi Ngài.
3. Tin Mừng (Lc 9,28-36)
Chúng ta nên để ý tới bối cảnh của việc Chúa Giêsu biến hình :
1. Ngài biến đổi hình dạng ra vinh quang sáng láng đang lúc cầu nguyện.
2. Có một số chi tiết cho thấy cuộc biến hình này có liên quan tới việc Chúa Giêsu chịu chết và sống lại :
- Việc biến hình xảy ra "khoảng 8 ngày sau", tức là sau việc Ngài báo tin chịu nạn lần thứ nhất (xem Lc 9,22)
- Hai ông Môsê và Êlia đàm đạo với Ngài "về cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem.
- Tiếng Chúa Cha từ trời phán "Đây là Con Ta, người Ta tuyển chọn" là trích những đoạn Cựu Ước nói về Người Tôi Tớ của Giavê chịu khổ để chuộc tội cho loài người.
Như thế Chúa Giêsu hôm nay biến hình để cho 3 môn đệ thân tín thấy trước một chút vinh quang thật của Ngài, nhờ đó các ông sẽ đỡ hoang mang khi sau này thấy Ngài chịu nạn chịu chết.
4. Bài đọc II (Pl 3,17--4,1)
Mở đầu trích đoạn này, Phaolô kêu gọi tín hữu Philipphê hãy noi gương bắt chước Ngài. Sở dị Phaolô dám kêu gọi như thế vì Phaolô cũng đã bắt chước tổ phụ Abraham, đặt trọn niềm tin tưởng cậy trông nơi Thiên Chúa.
Phaolô còn khuyến khích rằng nếu chúng ta đặt trọn niềm tin tưởng cậy trông nơi Thiên Chúa thì Ngài sẽ dùng quyền năng của Ngài mà chế ngự tất cả những yếu đuối của thân phận con người và biến đổi chúng ta thành vinh hiển như Ngài.

IV. Gợi ý giảng
* 1. Ơn gọi và Biến hình
Ơn gọi của Abraham là bỏ xứ Ur thuộc Mesopotamie tiến vào Canaan. Người không đức tin sẽ cho Abraham là kẻ lắm tham vọng và tin hão huyền : bỏ cái đang có, đi tìm cái viển vông. Abraham bỏ ruộng vườn, nhà cửa theo ơn gọi, tìm sự vất vả, sống thiếu thốn và khó khăn. Ông lùa đàn vật và dẫn gia nhân vào chốn vô định. Trước mặt ông là giải sa mạc mênh mông, nắng cháy da diết, cỏ cây úa vàng, giọt nước quí hơn kim cương. Vì tín trung với ơn gọi, Abraham đã thành công, trở thành anh hùng lập quốc, được chúc phúc và biến hình.
Ơn gọi của Phaolô là quên đi dĩ vãng, diệt cái kiêu căng và cuồng tín Biệt Phái. Từ thái cực là một kẻ hung hăng bắt đạo, Phaolô đã mềm nhũn và ngoan hiền dưới ánh sáng kỳ diệu với lời trách nhẹ nhàng : "Saulê, sao người bắt bớ Ta ?". Phaolô làm bạn với nhóm 12 và trở thành Tông Đồ Dân Ngoại. Phaolô vui nhận thử thách, không ngừng thuyết giảng, và trung thành đến giọt máu cuối cùng. Phaolô đã được lột xác và biến hình.
Lịch sử Giáo hội ghi nhận nhiều cuộc biến hình khác. Từ say rượu đến say Chúa ; từ gái giang hồ thành thánh nhân ; từ trai tứ chiếng nên đấng lập dòng ; từ kẻ khô khan đến người sốt mến ; từ người tham lạm, hà khắc trở thành kẻ rộng lượng và khoan nhân... Đó là những cuộc canh tân và biến hình đã, đang và còn tiếp tục xảy ra trong Giáo hội. Đồng thời chứng minh rằng ơn Chúa dư đủ cho mọi người và Chúa đang thắng ma quỉ, xác thịt và thế gian nơi cung lòng mỗi cá nhân.
Phúc Âm hôm nay hé lộ một chút vinh quang và sự cả sáng của Cứu Chúa khi Ngài đàm đạo với hai nhân vật lịch sử nổi tiếng và kính yêu là Elia và Môisen. Tại thế, vì sứ mệnh cứu độ, Chúa Giêsu che giấu tất cả uy quyền và dũng lực của Ngôi Lời, để sống đời hèn mọn, bất lực và tầm thường của một thế nhân. Ngài cần ăn uống, nghỉ ngơi. Ngài phải đau buồn, bị chê bai và chỉ trích. Ngài lo lắng, và bồn chồn về cuộc thảm tử sắp đến. Nhưng điều khác biệt là Ngài vui đón ý Chúa Cha. Bởi vậy, một lần nữa, Chúa Cha đã khen thưởng "Đây là Con Ta Dấu Yêu, hãy nghe lời Ngài". Trong phút giây ngút ngàn thân thương ấy, Ngài bước ra khỏi cuộc đời lam lũ và ô trọc để vui hưởng phút vinh quang ngây ngất và tuyệt vời của Ngôi Hai Thiên Chúa.
Không phải chỉ có Abraham, Môisen, Êlia, Tông đồ mới có ơn gọi và được biến hình. Trái lại, ơn gọi phổ quát "Hãy nên hoàn thiện như Cha các con ở trên trời" đã được trao tặng và mời gọi mỗi cá nhân. Thực thi ơn gọi ấy một cách hoàn hảo và trọn vẹn thì chúng ta ắt sẽ được biến hình.
Giám mục John Quinn trong lễ Thêm sức cho 50 em tại Sacramento năm 1983 đã mô tả ơn gọi và sứ mạng của người Việt Nam tại Mỹ như sau : "Cha rất hài lòng khi thấy các con họp nhau tôn thờ và ca tụng Chúa bằng tiếng mẹ đẻ. Các con hãy duy trì nền văn hóa và truyền thống cổ truyền, đừng để nó mai một đi. Cha vui mừng vì hình thức đạo đức bên ngoài biểu lộ đức tin anh hùng và sâu xa chúng con thừa hưởng do công quả của các Đấng tử đạo Việt Nam. Cha cảm động vì sự hiện diện của chúng con ở đây nên ánh sáng và muối đất cho những người khác".
Tin đạo, thực hành đạo là ơn gọi của chúng ta. Sống đạo và mang đạo vào đời là phương thế trong lành, thánh thiện và vĩ đại chúng ta phải thực hiện để "danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến và ý Cha thể hiện". Đừng để phú quý tạo tâm kiêu và bất cần Chúa. Đừng để ghen tương đốt cháy và tiêu hủy thiện chí. Đừng để tị hiềm gây bất mãn, đố kỵ và tranh chấp. Đừng để ích kỷ hủy hoại tình đồng hương và khóa cửa lòng. Hãy nhận diện ra ai là đồng chí để cùng nắm tay, dìu nhau bước tới và biến hình và ai là kẻ thù đang khai trừ và bắt bớ Đức Kitô trong Giáo hội để cẩn trọng, đề phòng và cảm hóa. Và nhất là hãy can đảm cùng Chúa Kitô "vạn lý trường chinh" trong âm thầm, chịu đựng. tự hủy, hy sinh, khiêm tốn, tin tưởng và phó thác. Chúng ta không bao giờ lầm đường khi bước trên những dấu chân của Đức Kitô. Đó là con đường biến hình duy nhất của ông bà, anh chị và của tôi. (Lm Nguyễn Bình An, Nguyệt san "Dân Chúa Mỹ Châu")
2 * Hai ngọn núi
Hãy so sánh cảnh hôm nay với cảnh trên núi Cây Dầu :
            - cùng xảy ra trên một ngọn núi : núi biến hình (Tabor ?) và núi Cây Dầu.
            - ở 2 nơi Chúa Giêsu đều biến hình : ở núi biến hình, Chúa Giêsu từ hình dáng loài người biến thành hình dáng Thiên Chúa ; ở núi Cây dầu, từ hình dáng Thiên Chúa biến ra hình dáng con người yếu đuối.
            - Cả 2 sự biến hình đều diễn ra trước 3 nhân chứng : Phêrô, Giacôbê và Gioan. Và 2 điểm phụ : 2 lần ấy, họ đều ngủ, còn Chúa Giêsu đều thức và cầu nguyện.
            Nhưng 2 cuộc biến hình này bổ túc ý nghĩa cho nhau : Trên núi biến hình, các môn đệ thấy được thiên tính của Chúa Giêsu vinh quang hơn bao giờ hết, khiến họ ngất ngây sung sướng, muốn ở mãi trong tâm trạng ngất ngây đó ; Trên núi Cây dầu, họ thấy Thầy trong nhân tính yếu đuối hơn bao giờ hết. Con người thật của Chúa Giêsu vừa có thiên tính vừa có nhân tính. 2 biến cố bổ túc nhau giúp ta hiểu được con người thật của Ngài.
            * Suy gẫm 2 biến cố này, ta cũng thấy được con người thật của ta : trong ta có một phần là Adam con của xác thịt, một phần là Con của Chúa.
            - Cũng như Chúa Giêsu xưa trên núi biến hình, có nhiều lúc chúng ta cảm thấy ngất ngây sung sướng ; thấy mình sốt sắng quá, gần Chúa qua, yêu thương anh chị em quá, sẵn sàng làm những điều tốt cho anh chị em, sẵn sàng tha thứ cho kẻ làm hại mình...
            - Nhưng cũng như Chúa Giêsu trên núi Cây dầu, lại có những lúc chúng ta suy sụp trầm trọng ; phần Adam nổi lên lấn áp phần Con của Chúa. Khi đó ta thấy đời thật buồn nản, thấy không ai thương mình, không ai hiểu mình, Chúa hình như cũng xa mình... Từ đó ta nguội lạnh với Chúa, ích kỷ với anh chị em, khe khắt với những kẻ làm khổ mình.
            + Nhưng có một điều rất quan trọng ta hãy nhớ : Chúa Giêsu luôn cầu nguyện khi biến hình vinh quang trên núi biến hình cũng như khi biến hình thảm não trên núi Cây dầu. Cầu nguyện giúp thống nhất con người chúng ta đúng theo kế hoạnh Thiên Chúa. Đặc biệt nhớ cầu nguyện trong lúc suy sụp.
            + Và nếu ta biết cầu nguyện để thống nhất hóa con người mình như thế thì ta sẽ cũng như Chúa Giêsu được Chúa Cha âu yếm nói "Đây là con yêu dấu của Ta" (trên núi biến hình), và được thiên thần Chúa an ủi (trên núi Cây Dầu).
"Lạy Chúa
Xin cho con được nếm những giây phút ngất ngây như Chúa Giêsu xưa trên núi biến hình.
Trong những giây phút đó, xin cho con biết làm như Chúa Giêsu xưa : con sẽ hướng về Chúa để cầu nguyện và con sẽ được nghe lời Chúa nói : Con là con yêu dấu của Cha.
Và lạy Chúa
Khi con gặp những lúc suy sụp, xin cũng cho con biết làm như Chúa Giêsu xưa : Con cũng hướng về Chúa để cầu nguyện. Và khi đó con cũng được bàn tay Chúa an ủi, nâng đỡ và xoa dịu con."(Viết theo Mark Link, Sunday homilies)
* 3. Nét mặt con người
Nét mặt con người rất quan trọng. Nhớ ai là nhớ mặt người đó. Khi ta không nhớ mặt người nào thì kể như người đó đã trở thành một chiếc bóng.
Những sắc thái của nét mặt diễn tả được rất nhiều điều đến độ đáng ngạc nhiên, bởi đó nét mặt là đối tượng nghiên cứu rất thú vị. Nét mặt luôn biểu lộ cho biết ta là ai và cuộc sống của ta như thế nào. Điều này giải thích lý do người ta hay dùng tiếng "mặt" để nói về người khác. Chẳng hạn : "Từ lâu rồi tôi không thấy mặt nó". Nhìn nét mặt một người, ta có thể đoán được cảm giác bên trong của người ấy : họ đang vui hay buồn, hay thờ ơ…
Chúng ta cũng thường nói "mất mặt". Trong trường hợp này, ‘mặt" chính là danh dự của con người. Khi ta nói người nào đó có "hai mặt" thì có nghĩa đó là một con người dối trá…
Mỗi người chúng ta có nhiều nét mặt, được biểu lộ trong nhiều tình huống khác nhau : khi thì hạnh phúc, khi thì buồn rầu, khi thì bạo dạn, khi thì nhút nhát, khi thì bình thản, khi thì sợ sệt, khi thì đau đớn, khi thì vui mừng, khi thì thân thiện, khi thì giận dữ… Điều này chẳng có gì đáng xấu hổ cả, vì đó là một phần của thân phận làm người của chúng ta. Điều duy nhất đáng xấu hổ là nét mặt giả tạo, vì tất cả những nét mặt được kể trước đó đều nói lên sự thật, còn nét mặt giả tạo nói lên sự dối trá.
Tại sao người ta ngại cho kẻ khác thấy mét mặt thật của mình ? Tại sao người ta hay mang mặt nạ ? Phải chăng vì người ta sợ người khác biết sự thật yếu kém của mình ? Có lẽ chính vì thế mà nhiều khi người ta cố làm một nét mặt tươi cười đang khi trong lòng thì muốn khóc.
Bài Tin Mừng hôm nay nói khi Chúa Giêsu ở trên núi thì mặt Ngài trở nên sáng chói như mặt trời. Thật lầm khi nghĩ rằng đó chính là nét mặt thật của Chúa. Thực ra, điều mà các môn đệ đã thấy là thật, nó tỏ lộ vinh quang bên trong của Ngài, sự vinh quang mà thường khi Ngài che dấu. Nhưng nói rằng nét mặt vinh quang trên núi hôm ấy là nét mặt thật thì khiến người ta tưởng rằng những nét mặt khác là không thật, là giả.
Nét mặt mà Chúa Giêsu tỏ lộ trên núi là một nét mặt đặc biệt nhưng không phải là nét mặt duy nhất của Ngài. Ngài có tất cả những nét mặt như chúng ta ta có, chỉ trừ những nét mặt giả tạo. Chúng ta đã thấy có khi Ngài mệt, có khi Ngài giận, có khi Ngài buồn, có khi Ngài vui, có khi Ngài trìu mến, có khi Ngài cảm thông… Tất cả những nét mặt ấy đều thật, vì đàng sau những nét mặt ấy là bản chất thật của Ngài : vừa là người hoàn toàn giống chúng ta (chỉ trừ tội lỗi), vừa là Thiên Chúa vinh quang, như tiếng từ trời phán "Đây là Con yêu quý của Ta".
Mặc dù người ta nói nét mặt là cửa sổ của tâm hồn, nhưng mỗi nét mặt che dấu nhiều hơn là biểu lộ. Điều cốt lõi của con người vẫn còn vô hình không thấy được. Mỗi người là một huyền nhiệm.
Cũng như Abraham, chúng ta phải sống bằng đức tin. Đức tin dạy rằng đàng sau những nét mặt bình thường của một người là thân phận của một người con của Chúa, một người anh chị em của Chúa Giêsu, hướng tới một vinh quang đời đời. (FM)
* 4. Một thoáng vinh quang
Trên núi Tabor, ánh vinh quang của Thiên Chúa đã tỏa chiếu từ thân xác Chúa Giêsu, và Ngài được biến hình. Các môn đệ đã ngây ngất trước vẻ đẹp và sự sáng ngời ấy. Đó không phải chỉ là vẻ bề ngoài, mà là vinh quang thật từ bên trong thoáng tỏ lộ ra. Nói tắt một lời : Đó là chính Thiên Chúa ở trong Chúa Giêsu.
Chúng ta cũng có vinh quang thần linh ở trong chúng ta, bởi vì chúng ta đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta cũng có những thoáng biến hình. Van Gogh nói : "Một người tiều phu hay một người thợ mỏ nghèo nhất cũng có thể có những thoáng cảm hứng khiến anh ta cảm thấy gần như đang ở thiên đàng".
Một người nghèo sống trong khu nhà dành cho những kẻ vô gia cư đã kể câu chuyện sau đây. Một hôm ông đi dạo trên phố và tình cờ vào một ngôi nhà thờ lúc nào không hay. Ông không nhớ là lúc đó ông có cầu nguyện không, nhưng ông nhớ là cảm thấy tâm hồn mình chìm ngập trong ánh sáng. Mọi buồn chán đều tan biến hết, chỉ có bình an. Ông cảm thấy mình rất gần Chúa và được Chúa yêu thương. Cảm nghiệm này rất sâu đậm mặc dù chỉ thoáng qua trong phút chốc. Ông nói rằng ông sẵn sàng đánh đổi cả đời để có được một thoáng cảm nghiệm ấy. Khi ông rời nhà thờ, cảm nghiệm ấy tan loãng dần. Về sau, ông trở lại nhà thờ nhiều lần để mong có lại cảm nghiệm tuyệt vời ấy, nhưng không được.
Điều sai lầm của người vô gia cư trên là muốn bám cứng vào một cảm nghiệm thoáng qua. Nói cách khác, ông muốn đi lùi chứ không đi tới. Nói rõ hơn nữa : lẽ ra ông phải biết dùng cái cảm nghiệm thoáng qua ấy để soi sáng cuộc đời tăm tối của mình, và nhờ đó mà can đảm tiến bước trong hy vọng.
Phêrô cũng sai lầm như thế. Ông muốn ở lại mãi trên núi. Ông muốn bám cứng vào cảm nghiệm vinh quang hạnh phúc. Ông không muốn xuống núi tiếp tục cuộc sống thường ngày. Nhưng Chúa Giêsu đã giục ông xuống núi để đối diện với tương lai. Ngài không muốn cảm nghiệm trên núi ấy trở thành chỗ cho Phêrô ẩn trốn khỏi cuộc chiến đấu đang đợi chờ phía trước. Một thoáng ánh sáng Ngài ban cho ông là để giúp ông trực diện với giờ tăm tối sắp đến.
Nghe lời Chúa, Phêrô đã xuống núi. Nhưng lạ thay, cảm nghiệm thoáng qua hôm ấy vẫn còn sáng mãi trong lòng ông. Nhiều năm sau ông còn viết : "Chúng ta đã được chứng kiến vinh quang của Ngài trên núi… Khi ấy có tiếng phán từ trời rằng : Đây là Con yêu quý của Ta, Ta hài lòng về Ngài" (1 Pr 1,17-18).
Chúng ta cũng những thoáng cảm nghiệm được ánh sáng và niềm vui. Những thoáng cảm nghiệm ấy cho ta thấy được đất hứa mà chúng ta phải tiến đến trong đức tin. Nhưng nên biết rằng Chúa ban những thoáng biến hình ấy là để thêm sức cho chúng ta sống những nhiệm vụ hằng ngày.
Tín ngưỡng và sự cầu nguyện không phải là những chỗ ẩn trốn, mà là những trợ lực giúp chúng ta đương đầu với gian lao thử thách. (FM)
5. Người vẫn đồng hành
Truyện ngụ ngôn kể về một nhà thiên văn có thói quen mỗi buổi tối lại nhìn lên các ngôi sao, nghiên cứu các vì tinh tú đang xoay vần, chuyển đổi trong vũ trụ bao la.
Một lần kia, đang đi dạo mát quanh vùng, mải mê suy nghĩ những chuyện trên trời, ông ta vô ý ngã xuống giếng cạn. Tiếng kêu cứu thất thanh, khiến một người đi ngang qua đó nghe được. Ông vội vàng chạy đến miệng giếng, liền đoán được việc gì đã xay ra, bèn nói với nhà thiên văn : "Này ông, ông cứ muốn biết những việc xảy ra trên trời, còn những việc sờ sờ dưới đất sao ông không thấy ?"
*
Đêm hôm ấy, Chúa Giêsu cùng với ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện.
Trong lúc Người thân mật cầu nguyện với Chúa Cha thì các ông lại mê mệt trong giấc ngủ say. Nhưng khi tỉnh dậy, thấy Chúa Giêsu vinh quang chói loà, cả hai ông Môsê và Êlia đàm đạo với Người cũng rạng ngời vinh hiển, thì Phêrô mau mắn thưa : "Thưa Thầy, chúng con ở đây, hay quá !" (Lc 9,33). Các ông thích ở chốn vinh quang sáng láng, nhưng lại không tỉnh thức cầu nguyện. Các ông muốn cắm lều trên núi cao, nhưng lại chìm sâu trong cơn ngủ mê. Sau này trong vườn Cây Dầu, cũng chính ba môn đệ này vẫn còn mê ngủ, cho đến khi kẻ thù đến bắt mất Thầy. Đó là thân phận yếu hèn của mỗi người chúng ta…
Chính vì biết các môn đệ yếu chuối mà Chúa Giêsu đã cho các ông được chiêm ngắm vinh quang của Người, dù chỉ trong chốc lát, để củng cố niềm tin của các ông trong cuộc khổ nạn mà Người sắp thực hiện tại Giêrusalem. Đồng thời để các ông có bằng chứng loan báo về việc Người phục sinh sau này.
Việc biến hình sáng láng hôm nay cũng là để chứng thực cho lời tuyên xưng của Phêrô ở Xêdarê cách đây tám ngày : "Thầy là đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16).
Nếu cuộc biến hình vinh quang của Chúa Giêsu là sự đáp trả của Chúa Cha qua việc Người chấp nhận cuộc khổ nạn, thì sự vâng theo ý Chúa hôm nay, xem ra vất vả nặng nề, cũng sẽ trở nên nguồn vui bất diệt cho chúng ta ngày mai.
Nếu đang khi cầu nguyện, dung mạo Người bỗng biển đổi, thì việc gặp gỡ, kết hiệp với Chúa trong suy niệm và cầu nguyện sẽ biến đổi tâm hồn, cuộc sống và cả con người chúng ta mỗi ngày để nên giống Chúa hơn.
Nếu sau cuộc biến hình, Chúa Giêsu trở lại với khuôn mặt bình thường, Thầy trò lại tiếp tục cuộc sống thường nhật, thì sau những niềm vui khôn tả Chúa ban trong cầu nguyện, chay tịnh và bác ái, Người vẫn tiếp tục đồng hành với chúng ta trong mọi biến cố của cuộc sống.
*
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã biến hình sáng láng trên núi Tabo và đã hấp hối bi thảm trên núi Cây Dầu. Nhưng trong hai lần ấy, Chúa đều cầu nguyện mật thiết với Chúa Cha. Xin cho chúng con biết cầu nguyện, lúc hạnh phúc cũng như khi đau khổ, khi an vui cũng như lúc gặp thử thách, để chúng con luôn kết hiệp với Chúa và để Chúa nâng đỡ chở che. Amen. (TP)
6. Chuyện minh họa
a/ Biến đổi
Một người bán gỗ cho xưởng mộc. Anh thường thủ lợi bằng cách đo gỗ thiếu. Ngày kia, có tin đồn đến xưởng là anh ta nhập đạo. Nghe thấy thế, mọi người bán tín bán nghi rồi bàn thảo mỗi người mỗi ý. Có một người lặng lẽ ra kho gỗ, một lúc sau trở vào dõng dạc tuyên bố :
- Đúng, anh ta nhập đạo thật.
- Sao anh biết ?
- Tôi vừa xem lại số gỗ anh ta chở tới hôm qua. Tôi thấy là đúng với qui cách ta đặt, không thiếu nữa.
            Người nào tiếp nhận đức Kitô cũng phải thay đổi cuộc đời và sống ngay chính.
b/ Đổi tiền
Đến nước khác, việc đầu tiên mà du khách phải làm là đổi tiền của mình thành tiền đang lưu hành tại nước đó. Tiền của ta trên trái đất chẳng có giá trị gì trên trời, nếu nó không đổi thành việc lành. Đó là ý nghiã Lời Chúa nói với chàng thanh niên giầu có : cho đi gia sản của anh để mua Nước Trời.

V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, nhờ mầu nhiệm Hiển dung, Chúa mời gọi chúng ta vâng nghe lời Đức Kitô và đổi mới cuộc đời. Tin tưởng vào ơn trợ giúp của Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
1. Chúa Giêsu phải trải qua đau khổ thập giá / rồi mới bước vào vinh quang phục sinh / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần Dân Chúa hiểu rằng / đó cũng là con đường mà mỗi Kitô hữu phải đi qua.
2. Như thánh Phêrô / ai cũng đều mong muốn được hạnh phúc trọn vẹn / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người hiểu rằng / họ chỉ được hạnh phúc thật sự / khi tận tụy phục vụ tha nhân.
3. Trong đời sống thường ngày / con người gặp biết bao nhiêu là thử thách gian truân / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu / trong những giờ phút đen tối nhất của cuộc đời / được ánh vinh quang Chúa tỏ hiện nơi Đức Kitô soi sáng đỡ nâng.
4. Đây là Con yêu dấu của Ta / Ta hết lòng quý mến / Các ngươi hãy vâng nghe lời Người / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết chăm chỉ lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành.
Chủ tế : Lạy Chúa, xin cho chúng con biết cởi bỏ con người cũ và loại trừ những việc làm xấu xa tội lỗi, để mặc lấy con người mới theo hình ảnh Đức Kitô là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. Trong Thánh Lễ
Trước kinh Lạy Cha : Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha. Chúa Cha rất yêu thương Ngài và vừa lòng về Ngài. Chúng ta được hạnh phúc thông chia quyền làm con của Chúa Giêsu. Vậy chúng ta hãy cùng với Ngài dâng lên Chúa Cha những tâm tình hiếu thảo của chúng ta.
Lúc chúc bình an : Chúng ta hãy chúc bình an cho nhau trong tâm tình mến yêu nhau thực sự ; và cũng hãy nghĩ đến những người xích mích với chúng ta mà hiện không có mặt trong Thánh lễ này, với quyết tâm cũng muốn hòa giải với họ nữa.

VII. Giải tán
Sau khi các môn đệ được chứng kiến vinh quang Chúa Giêsu trên núi, Chúa Giêsu đã bảo các ông xuống núi tiếp tục cuộc sống hằng ngày. Chúng ta cũng vừa chứng kiến vinh quang Chúa trong Thánh Lễ. Giờ đây chúng ta hãy trở lại cuộc sống, tiếp tục những nhiệm vụ thường ngày với một sức mạnh mới.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật II Mùa Chay (C)
Chúa Nhật, 21 Tháng 2, 2016
Chúa Giêsu Hiển Dung
Phương cách mới làm viên mãn những lời tiên tri
Lc 9:28-36


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tác Tạo và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc  

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Một vài ngày trước đó, Đức Giêsu đã nói rằng chính Người, Con Một Thiên Chúa, phải chịu xét xử và bị đóng đinh bởi những kẻ có thẩm quyền (Lc 9:22; Mc 8:31). Dựa theo các dữ kiện trong các sách Tin Mừng Máccô và Mátthêu, các môn đệ, đặc biệt là ông Phêrô, đã không hiểu được những điều Chúa Giêsu nói và đã cảm thấy bất an bởi lời ấy (Mt 16:22; Mc 8:32).  Đức Giêsu đã phản ứng mạnh mẽ và quay sang Phêrô gọi ông là Satan (Mt 16:23; Mc 8:33).  Do bởi vì những lời của Chúa Giêsu đã không tương ứng với ý tưởng một Đấng Cứu Thế vinh quang mà họ đã mường tượng.  Luca không đề cập đến phản ứng của Phêrô và câu trả lời mạnh mẽ của Chúa Giêsu, nhưng ông có mô tả, như những Thánh Sử khác, cảnh Chúa Biến Hình.  Luca xem việc Chúa Biến Hình như là một sự hỗ trợ cho các môn đệ để cho các ông có thể vượt thắng được sự bất an và thay đổi ý tưởng của họ về Đấng Cứu Thế (Lc 9:28-36).  Đem ba môn đệ cùng đi với Người, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện và, trong khi Người đang cầu nguyện, Người biến hình.  Khi đọc văn bản, tốt hơn chúng ta nên lưu ý đến những điểm sau đây:  “Ai xuất hiện cùng với Chúa Giêsu trên núi để đàm đạo cùng Người?  Chủ đề của cuộc đàm đạo là gì?  Thái độ của các môn đệ ra sao?”

b)  Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Lc 9:28:  Giây phút khủng hoảng
Lc 9:29:  Sự thay đổi diễn ra trong lúc cầu nguyện
Lc 9:30-31:  Sự xuất hiện của hai người đàn ông và cuộc đàm đạo của họ với Chúa Giêsu
Lc 9:32-34:  Phản ứng của các môn đệ
Lc 9:35-36:  Tiếng nói của Chúa Cha

c) Tin Mừng:

28 Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. 29 Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. 30Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, 31 hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. 32 Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. 33 Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. 34 Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. 35 Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". 36 Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến. 

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý 

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.

a)  Điểm nào trong câu chuyện Chúa Biến Hình đã làm bạn hài lòng nhất?  Tại sao?
b)  Những ai cùng đi lên núi với Chúa Giêsu?  Tại sao họ lại đi?         
c)  Ông Môisen và tiên tri Êlia xuất hiện trên núi bên cạnh Chúa Giêsu.  Tầm quan trọng của hai vị này trong Cựu Ước đối với Chúa Giêsu, đối với các môn đệ, đối với các giáo đoàn trong thập niên 80 là gì?  Và đối với chúng ta ngày nay là gì? 
d)  Lời tiên tri nào trong Cựu Ước được viên mãn trong lời của Chúa Cha nói về Chúa Giêsu? 
e)  Thái độ của các môn đệ trong câu chuyện này là gì?
f)  Đã có hiện tượng biến hình trong cuộc sống của bạn chưa?  Kinh nghiệm về hiện tượng biến hình đã giúp bạn hoàn thành sứ vụ của mình tốt đẹp hơn như thế nào?
g)  Hãy so sánh lời mô tả của Luca về việc Biến Hình của Chúa Giêsu (Lc 9:28-36) với lời mô tả về nỗi lo buồn của Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu (Lc 22:39-46). Hãy cố gắng tìm xem có bất kỳ điểm tương đồng nào không.  Ý nghĩa của những điểm tương đồng này là gì?

5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề

a)  Bối cảnh về bài giảng của Chúa Giêsu:  

Trong hai chương trước của sách Tin Mừng Luca, sự đổi mới được đem đến bởi Chúa Giêsu thì nổi bật và mối căng thẳng giữa Mới và Cũ ngày càng tăng.  Cuối cùng, Chúa Giêsu nhận ra rằng không có ai hiểu được ý của Người và lại càng không hiểu về chính con người của Chúa.  Người ta đã nghĩ rằng Người giống như Gioan Tiền Hô, tiên tri Êlia hay một tiên tri thuở xưa (Lc 9:18-19).  Các môn đệ chấp nhận Người là Đấng Cứu Thế, nhưng là Đấng Cứu Thế vinh quang, theo như lời tuyên truyền bởi nhà cầm quyền và những chức sắc tôn giáo của Đền Thờ (Lc 9:20-21).  Đức Giêsu đã cố gắng giải thích với các môn đệ của Người rằng cuộc hành trình được dự kiến bởi các tiên tri là cuộc hành trình đau thương bởi vì sự ràng buộc của nó với những kẻ bị hắt hủi trong xã hội và người môn đệ chỉ có thể là môn đệ nếu người ấy tự vác lấy thập giá của mình (Lc 9:22-26).  Tuy nhiên, Người đã không thành công cho lắm.  Trong một bối cảnh khủng hoảng như thế, việc Chúa Hiển Dung xảy ra.
Trong những năm của thập niên 30, kinh nghiệm Chúa Biến Hình đã có một ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của Chúa Giêsu và cũng như của các môn đệ.  Nó đã giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng đức tin và thay đổi ý tưởng của họ về Đấng Cứu Thế.  Vào những năm của thập niên 80, khi Luca đang viết sách cho các giáo đoàn Kitô hữu ở Hy Lạp, ý nghĩa của cuộc Biến Hình đã được đào sâu và mở rộng.  Trong ánh sáng sự Phục Sinh của Chúa Giêsu và của việc truyền bá Tin Mừng giữa dân ngoại trong hầu hết các quốc gia, từ miền Paléstine đến nước Ý, kinh nghiệm của việc Chúa Biến Hình đã bắt đầu được xem như là một lời xác tín của các cộng đoàn Kitô hữu vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.  Hai ý nghĩa được hiện diện trong lời mô tả và diễn giải của việc Chúa Biến Hình trong Tin Mừng theo thánh Luca.

b)  Lời bình luận về văn bản:

Lc 9:28:  Thời khắc khủng hoảng
Có vài lần, Chúa Giêsu gặp phải rắc rối với dân chúng, với các giới chức tôn giáo và các nhà cầm quyền thời ấy (Lc 4:28-29; 5:20-21; 6:2-11; 7:30,39; 8:37; 9:9). Người biết họ sẽ không để yên cho Người làm những việc Người đã làm.  Chẳng chóng thì chầy họ sẽ bắt Người.  Ngoài ra, trong xã hội thời ấy, việc công bố về Vương Quốc Nước Trời, như Chúa Giêsu đã làm, là việc không thể nào được dung thứ.  Người hoặc giả phải rút lui hay là sẽ phải chết!  Không có sự chọn lựa nào khác.  Chúa Giêsu đã không rút lui.  Do đó, cây thập giá đã thấp thoáng xuất hiện, không chỉ là chuyện có thể xảy ra mà là một điều chắc chắn (Lc 9:22).  Cùng với cây thập giá, cũng có xuất hiện sự cám dỗ với ý nghĩ về một Đấng Cứu Thế Vinh Quang, thay vì Đấng Cứu Thế Chịu Đóng Đinhngười tôi tớ chịu đau khổ, được công bố bởi ngôn sứ Isaia (Mc 8:32-33).  Vào lúc khó khăn này, Chúa Giêsu đi lên núi để cầu nguyện, đi theo cùng với Người có các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Qua lời cầu nguyện của mình, Chúa Giêsu tìm kiếm sức mạnh để khỏi bị mất khả năng định hướng trong sứ vụ của mình (xem Mc 1:35).

Lc 9:29:  Sự biến đổi xảy ra trong lúc cầu nguyện  
Ngay khi Chúa Giêsu bắt đầu cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi và Người xuất hiện vinh quang.  Dung mạo Người thay đổi và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng.  Đó là sự vinh quang mà các môn đệ mường tượng về Đấng Mêssia.  Việc biến hình này cho các ông biết rõ ràng rằng Đức Giêsu đích thực là Đấng Thiên Sai được tất cả mọi người mong đợi.  Nhưng những gì xảy ra tiếp theo sau việc Chúa Biến Hình sẽ chỉ ra rằng con đường đi đến vinh quang thì khá khác so với những gì họ đã tưởng tượng.  Việc biến hình sẽ là lời mời gọi để hoán cải.

Lc 9:30-31:  Hai người xuất hiện đàm đạo với Chúa Giêsu
Cùng với Chúa Giêsu và trong cùng một trạng thái vinh quang có sự xuất hiện của các ông Môisen và Êlia, hai nhân vật lớn của Cựu Ước, đại diện cho Lề Luật và các Ngôn Sứ.  Họ đàm đạo với Chúa Giêsu về “cuộc Xuất Hành đem lại sự viên mãn tại Giêrusalem”.  Như vậy, trước mặt các môn đệ, Lề Luật và các Ngôn Sứ xác nhận rằng Đức Giêsu chính là Đấng Mêssia vinh quang, được hứa hẹn trong Cựu Ước và được chờ đợi bởi toàn dân.  Các ông cũng còn xác nhận rằng con đường dẫn đến sự Vinh Quang là con đường đau khổ của sự xuất hành.  Cuộc Xuất Hành của Chúa Giêsu là cuộc thương khó, cái chết và sự sống lại của Người.  Qua “cuộc xuất hành” của mình, Chúa Giêsu đánh đổ sự thống trị của tư tưởng sai lầm về Đấng Mêssia được tuyên truyền bởi nhà cầm quyền và bởi các viên chức tôn giáo và gài bẫy mọi người trong điều mơ ước về một vị Mêssia anh hùng dân tộc và vinh quang.  Kinh nghiệm Chúa Biến Hình đã xác nhận rằng Đức Giêsu là Đấng Mêssia Tôi Tớ được chỉ định như một sự trợ giúp để giải thoát họ khỏi những ý tưởng sai lầm về Đấng Thiên Sai và để khám phá ra ý nghĩa thực sự của Vương Quốc Nước Trời.

Lc 9:32-34:  Phản ứng của các môn đệ
Các môn đệ đã ngủ say.  Khi các ông thức dậy, nhìn thấy Chúa Giêsu trong vinh quang và có hai người đàn ông cùng với Người.  Nhưng phản ứng của Phêrô cho thấy rằng các ông đã không nhận thức được ý nghĩa thực sự của vinh quang mà Chúa Giêsu đã hiện ra cho các ông.  Như thường cũng xảy ra với chúng ta, các ông chỉ nhận thức được những gì liên quan đến họ.  Ngoài những điều ấy thì họ không chú ý đến.  “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm!”  Và các ông không còn muốn đi xuống núi nữa!  Khi vấn đề là cây thập giá, cho dù trên Núi Biến Hình hay là Núi Cây Dầu (Lc 22:45), các ông ngủ say!  Các ông ưa chuộng sự Vinh Quang hơn là Thập Giá!  Các ông không muốn nói đến hoặc nghe về cây thập giá. Các ông muốn nắm chắc giây phút vinh quang trên núi, và các ông đề nghị xin dựng ba lều.  Phêrô không biết mình đang nói gì.
Trong khi Phêrô còn đang nói, thì có một đám mây hạ xuống từ trên cao và bao phủ các Ngài.  Thánh Luca nói rằng các môn đệ đã kinh hoảng khi đám mây bao phủ họ.  Đám mây là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa.  Đám mây đi theo đám đông dân chúng trên cuộc hành trình của họ qua sa mạc (Xh 40:34-38; Ds 10:11-12).  Khi Chúa Giêsu lên trời, Người đã được bao phủ bởi một đám mây và họ không còn nhìn thấy Người (Cv 1:9).  Đây là dấu hiệu cho thấy rằng Đức Giêsu đã mãi mãi tiến vào thế giới của Thiên Chúa.   

Lc 9:35-36:  Tiếng nói của Chúa Cha
Một giọng nói từ trong đám mây phán rằng:  “Đây là Con Ta Yêu Dấu, Đấng Được Tuyển Chọn, các ngươi hãy nghe lời Người”.  Với cùng một câu mà ngôn sứ Isaia đã công bố Đấng Mêssia-Tôi Tớ (Is 42:1).  Đầu tiên là các ông Môisen và Êlia, bây giờ đến chính Thiên Chúa trình diện Đức Giêsu như là Đấng Cứu Thế-Tôi Tớ, Đấng bước tới vinh quang qua cây thập giá.  Tiếng nói kết thúc với một lời khuyên cuối cùng:  “Các ngươi hãy nghe lời Người!”  Đang lúc tiếng nói từ trời phát ra, các ông Môisen và Êlia biến mất, và chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu.  Điều này có nghĩa rằng từ giờ trở đi sẽ chỉ có Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh và ý muốn của Thiên Chúa.  Người là Lời Thiên Chúa dành cho các môn đệ:  “Các ngươi hãy nghe lời Người!”
Lời tuyên bố “Đây là Con Ta Yêu Dấu, Đấng Được Chọn, các ngươi hãy nghe lời Người” rất quan trọng cho các giáo đoàn vào những năm cuối thập niên 80.  Qua sự khẳng định này, Thiên Chúa Cha đã xác nhận niềm tin của các Kitô hữu vào Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa.  Vào thời Chúa Giêsu, đó là những năm 30, từ ngữ Con Thiên Chúa được dành riêng cho một người có phẩm giá và sứ vụ rất cao.  Chính Đức Giêsu đã đưa ra ý nghĩa liên quan đến từ ngữ này bằng cách nói rằng tất cả đều là con cái Thiên Chúa (xem Ga 10:33-35).  Tuy nhiên đối với một số người thì danh hiệu Con Thiên Chúa đã trở thành bản tóm gọn tất cả mọi danh hiệu, hơn một trăm danh hiệu mà các Kitô hữu tiên khởi đã đặt cho Chúa Giêsu vào hậu bán thế kỷ thứ nhất.  Trong những thế kỷ sau đó, danh hiệu Con Thiên Chúađã được Giáo Hội tập trung tất cả niềm tin vào con người của Đức Giêsu.

c)  Phần phụ chú:

i)  Việc Chúa Biến Hình đã được ghi lại trong ba sách Tin Mừng:  Mátthêu (Mt 17:1-9), Máccô (Mc 9:2-8) và Luca (Lc 9:28-36).  Điều này cho thấy rằng cảnh này chứa một sứ điệp rất quan trọng.  Như đã nói, đó là điều trợ giúp rất nhiều cho Chúa Giêsu, cho các môn đệ và cho các cộng đoàn tiên khởi.  Nó xác nhận rằng Đức Giêsu trong sứ vụ của Người là Đấng Cứu Thế-Tôi Tớ.  Nó đã giúp cho các môn đệ vượt qua cuộc khủng hoảng mà cây thập giá và sự đau khổ đã gây ra cho họ.  Nó hướng dẫn các cộng đoàn để đào sâu thêm đức tin của họ vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã được mặc khải bởi Chúa Cha và Đấng đã trở nên chìa khóa mới để giải thích Lề Luật và lời các Ngôn Sứ.  Sự kiện Chúa Biến Hình tiếp tục là sự trợ giúp trong việc khắc phục khủng hoảng mà cây thập giá và sự đau khổ đem đến vào ngày nay.  Ba môn đệ say ngủ là sự phản ảnh của tất cả chúng ta.  Tiếng nói của Chúa Cha được nói với chúng ta như đã nói với các ông:  “Đây là Con Ta Yêu Dấu, Đấng Được Chọn; các ngươi hãy nghe lời Người!”

ii)  Trong Tin Mừng của Luca, có một sự tương đồng giữa cảnh Chúa Biến Hình (Lc 9:28-36) và cảnh Chúa Giêsu buồn sầu trong Vườn Cây Dầu (Lc 22:39-46).  Chúng ta có thể lưu ý những điều sau đây:  trong cả hai cảnh, Chúa Giêsu đi lên núi cầu nguyện và đem theo ba môn đệ, Phêrô, Giacôbê và Gioan.  Trong cả hai trường hợp, diện mạo của Chúa Giêsu được biến đổi và Người biến hình trước mặt các ông; vinh quang tại lúc Chúa Biến Hình, đổ mồ hôi máu trong Vườn Cây Dầu.  Cả hai lần những nhân vật trên trời xuất hiện để an ủi Người, các ông Môisen và Êlia và thiên thần từ trời.  Trong cả hai lần Chúa Biến Hình và Chúa Lo Buồn, các môn đệ say ngủ, dường như các ông đứng ngoài sự kiện và dường như họ không hiểu được gì.  Tại phần cuối của cả hai câu chuyện, Chúa Giêsu tái hợp với các môn đệ.  Không còn nghi ngờ gì, Luca muốn nhấn mạnh đến sự tương đồng giữa hai cảnh này.  Đó là điều gì?  Đó là trong sự suy gẫm và cầu nguyện, chúng ta sẽ thành công trong việc hiểu được ý nghĩa mà nó vượt khỏi phạm vi từ ngữ, và để cảm nhận được chủ đích của tác giả.  Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta.

iii)  Thánh Luca mô tả việc Chúa Biến Hình.  Có những lần trong đời chúng ta khi đau khổ đến nỗi mà chúng ta có thể nghĩ rằng:  “Thiên Chúa đã bỏ tôi!  Người không còn ở với tôi nữa!”  Và sau đó đột nhiên chúng ta nhận ra rằng Người chẳng bao giờ bỏ rơi chúng ta, mà là mắt của chúng ta đã bị bịt kín và đã không nhận thức được sự hiện diện của Thiên Chúa.  Rồi thì mọi việc được thay đổi và biến dạng. Đó là sự biến hình!  Điều này xảy ra hàng ngày trong đời sống chúng ta.

6.  Thánh Vịnh 42 (41)

“Linh hồn tôi khao khát Thiên Chúa hằng sống!”

Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.
Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?

Châu lệ là cơm bánh đêm ngày,
khi thiên hạ thường ngày cứ hỏi:
"Này Thiên Chúa ngươi đâu? "
Tôi thả hồn miên man tưởng nhớ
thuở tiến về lều thánh cao sang
đến tận nhà Thiên Chúa,
cùng muôn tiếng reo mừng tán tạ,
giữa sóng người trẩy hội tưng bừng.

Hồn tôi hỡi, cớ sao phiền muộn,
xót xa phận mình mãi làm chi?
Hãy cậy trông Thiên Chúa, tôi còn tán tụng Người,
Người là Đấng cứu độ, là Thiên Chúa của tôi.
Lạy Chúa, con chìm sâu trong phiền muộn,
nên chi từ giải đất Giođan,
cũng như rặng Khéc-môn cao ngất, và núi nhỏ Mi-xa,
con tưởng nhớ đến Ngài.
Kìa vực thẳm kêu gào vực thẳm,
khi tiếng thác của Ngài tuôn đổ ầm vang.
Sóng cồn theo nước cuốn,
Ngài để cho tràn ngập thân này.

Ban ngày CHÚA gửi tình thương xuống,
con ngâm nga bài thánh nhạc thâu đêm
thành kinh nguyện dâng Chúa Trời nguồn sống.
Con thưa cùng Thiên Chúa,
là núi đá bảo vệ đời con: "Chúa quên con sao đành?
Sao con phải lang thang tiều tuỵ,
bị quân thù áp bức mãi không thôi? "
Xương cốt con gãy rời từng khúc,
bởi đối phương lăng nhục thân này,
khi thiên hạ thường ngày cứ hỏi:
"Này Thiên Chúa ngươi đâu? "

Hồn tôi hỡi, cớ sao phiền muộn,
xót xa phận mình mãi làm chi?
Hãy cậy trông Thiên Chúa, tôi còn tán tụng Người,
Người là Đấng cứu độ, là Thiên Chúa của tôi. 

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét