13/05/2018
Chúa Nhật tuần
7 Phục Sinh năm B
Chúa Thăng
Thiên.
(phần I)
Bài Ðọc
I: Cv 1, 1-11
"Trước
sự chứng kiến của các ông, Người lên trời".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Hỡi
Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những điều Ðức Giêsu
đã bắt đầu làm và giảng dạy, cho đến ngày Người lên trời, sau khi căn dặn các
Tông đồ, những kẻ Người đã tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau cuộc
thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng
Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước
Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi
Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người nói: "Như các
con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các
con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần".
Vậy
các kẻ có mặt hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục
Nước Israel chăng?" Người bảo họ rằng: "Ðâu phải việc các con hiểu biết
thời gian hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận
được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng
nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận
cùng trái đất". Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám
mây bao phủ Người khuất mắt các ông.
Ðang
khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai
người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: "Hỡi người Galilê, sao
các ông còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ
đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời".
Ðó là
lời Chúa.
Ðáp Ca:
Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9
Ðáp: Thiên Chúa ngự lên
giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang (c. 6).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa
là Ðấng Tối cao, khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian. - Ðáp.
2)
Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy
ca mừng, ca mừng Thiên Chúa' hãy ca mừng, ca mừng Vua ta! - Ðáp.
3) Vì
Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người. Thiên Chúa
thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người. - Ðáp.
Bài Ðọc
II: Ep 1, 17-23
"Người
đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời".
Trích
thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh
em thân mến, xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển,
ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người, xin cho mắt
tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người
kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế
nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin,
chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực
hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự
bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng
thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời
sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội
Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Ðấng chu toàn mọi sự trong mọi
người.
Ðó là
lời Chúa.
Alleluia:
Mt 28, 19 và 20
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng
các con mọi ngày cho đến tận thế". - Alleluia.
Phúc Âm:
Mc 16, 15-20
"Ðang khi Người chúc
phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời".
Bài kết
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy,
Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: "Các con hãy đi khắp thế
gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được
cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những
người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, họ đặt
tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh".
Vậy
sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa.
Phần
các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông,
và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.
Ðó là
lời Chúa.
Suy Niệm:
Thầy ra đi, nhưng Thầy sẽ trở lại
Bài đọc
I hôm nay dường như muốn thuật lại cho chúng ta nghe câu chuyện Chúa lên trời.
Cứ theo như lời sách Tông đồ Công vụ, khoảng 40 ngày sau khi sống lại, Chúa
Giêsu đã lên trời trước mắt các Tông đồ. Một đám mây đã đến rước Người đi.
Nhưng cũng chính tác giả sách Tông đồ Công vụ là thánh Luca, trong quyển Phúc
Âm III, lại kể việc Chúa lên trời liền với việc Người sống lại, hầu như trong
chính hôm Chúa nhật Phục sinh. Thánh Luca đã tiền hậu bất nhất, hay chúng ta phải
hiểu các sự việc trên đây thế nào?
Khoa
học Kinh thánh ngày nay trả lời cho chúng ta như sau: câu chuyện kể trong bài đọc
I hôm nay chỉ muốn nói lên việc Chúa lên trời cách hữu hình, trước mắt các môn
đệ. Ðó cũng là câu chuyện Chúa sống lại hiện ra lần cuối cùng, để không bao giờ
hiện một cách công khai nữa, cho đến khi Người trở lại trong ngày tận thế.
Còn
chính mầu nhiệm Chúa lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, thì đã được bao trùm
trong mầu nhiệm Phục sinh và thật sự đã xảy ra trong chính việc sống lại. Vì
lên trời là gì, nếu chẳng phải là việc Chúa Giêsu trở về cùng Thiên Chúa Cha?
Thế mà Phục sinh chính là lễ Vượt qua của Chúa Giêsu. Người vượt qua cõi đời
này để trở về cùng Cha Người. Người từ bỏ thân xác phàm trần yếu đuối để mặc lấy
ánh vinh quang sáng láng. Chính ánh sáng bao bọc thân thể Chúa Giêsu khi Người
sống lại làm chứng Người đã ở trong vinh quang của Chúa Cha.
Thế
nên không được phép tưởng tượng Chúa Giêsu sống lại rồi còn ẩn khuất nơi nào
trên trần gian trong 40 ngày, rồi sau đó mới về trời dứt khoát. Chúng ta phải
tin thật rằng Chúa Giêsu khi sống lại đã lập tức ở trong vinh quang của Chúa
Cha, đã ngự bên hữu Người và thỉnh thoảng hiện ra với các môn đệ để củng cố đức
tin của họ, như bây giờ Người hay Ðức Mẹ có thể hiện ra cùng một người nào đó.
Như vậy câu chuyện lên trời như sách Tông đồ Công vụ hôm nay, chỉ là câu chuyện
lên trời hữu hình trước mắt các môn đệ hay cũng là câu chuyện chấm dứt các lần
Chúa sống lại hiện ra một cách công khai.
Nhưng
phụng vụ của Giáo hội sung sướng nắm lấy câu chuyện lên trời hữu hình này để
giúp chúng ta hiểu biết mầu nhiệm lên trời của Chúa Giêsu. Mầu nhiệm lên trời
vô hình và đích thực đã xảy ra trong mầu nhiệm Chúa Phục sinh và có nghĩa là,
sau khi hoàn tất sứ mạng cứu thế, Ðức Kitô đã vượt qua đời này về ở trong vinh
quang Chúa Cha, làm đấng cầu bầu cho loài người và làm Chúa cứu chuộc chúng ta
ngay ở trên trời. Kiểu nói: ngự bên hữu Chúa Cha có ý nói lên cả hai ý tưởng
đó. Ðức Kitô ở trên trời thành đấng cầu bầu thế lực cho loài người; đồng thời
Người được trao quyền bá chủ để dẫn dắt toàn thể tạo vật đến chốn vinh quang.
Thánh
Phaolô trong bài đọc II hôm nay cầu xin cho chúng ta được thần trí khôn ngoan
và tâm hồn sáng suốt để nhận biết Chúa Giêsu và hiểu rõ công việc mà Thiên Chúa
đã thực hiện nơi Người cho ta. Quả vậy khi làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi
chết và đặt Người ở bên hữu mình ở trên trời, Thiên Chúa Cha đã truy phong Ðức
Kitô là Chúa, là đầu của toàn thể Hội Thánh để Người ở đâu thì cả Hội Thánh là
thân thể Người cũng sẽ được ở đó. Như vậy ngày lễ hôm nay lại nói lên lòng
Thiên Chúa Cha yêu thương loài người chúng ta. Người cho chúng ta nhìn thấy
vinh hiển của Chúa Giêsu ở trên trời ngự bên hữu Người, là để chúng ta nhìn thấy
vinh quang muôn đời đang chờ đợi chúng ta.
Thế
nên, ngày hôm nay chúng ta hãy ngước mắt lên trời như là nơi quê hương phúc lộc
đang kêu gọi chúng ta. Têrêsa Hài đồng Giêsu một đêm kia nhìn trời thấy chữ T
tên mình đã được viết ở trên đó. Mỗi người chúng ta có thể chắc chắn như thế;
tên chúng ta đã được viết sẵn trên trời rồi, không phải nơi chòm sao này, chỗ
đám sao kia, nhưng là ngay trong cơ thể sáng láng của Ðức Kitô bên hữu Thiên
Chúa Cha. Người đã mang bản tính nhân loại lên trời, để ai bằng lòng kết hợp với
Người, cũng sẽ được ở trong vinh quang Thiên Chúa. Ý nghĩa của ngày lễ Lên trời
hôm nay đã được chính Chúa Giêsu khi còn ở đời này tuyên bố: Thầy sẽ ra đi dọn
chỗ cho chúng con, để rồi Thầy sẽ trở lại đưa chúng con đến nơi Thầy đến.
Như vậy,
cùng với lòng cảm mến Chúa Cha hứa ban chỗ ở trên trời cho chúng ta trong vinh
quang, chúng ta phải cảm tạ Chúa Giêsu đã chấp nhận ra đi dọn chỗ đó cho chúng
ta. Và chúng ta biết việc ra đi dọn chỗ này thật là gian khổ, vì Người đã phải
đi qua con đường khổ nạn thập giá. Ðồng thời chúng ta cũng phải hiểu rõ: tuy về
trời nhưng Người vẫn làm việc cho chúng ta, để dọn chỗ cho chúng ta.
Tuy
nhiên, chúng ta đừng có hiểu công việc này đang được làm ở trên trời. Trời lúc
nào chẳng sẵn! Vinh quang của Chúa đã có từ đời đời! Công việc sửa soạn chỗ cho
chúng ta được hạnh phúc phải làm ngay ở trần gian này, ngay nơi chúng ta, để
chính chúng ta, chính thế giới này đang đi vào vinh quang của Chúa.
Chính
vì vậy mà trong Phúc Âm, Chúa lại nói Thầy ra đi, nhưng Thầy sẽ trở lại; Thầy
ra đi để trở lại. Thầy ra đi với thân xác yếu hèn, nhưng Thầy trở lại với thân
thể sáng láng; Thầy ra đi trong thân phận con người, nhưng Thầy sẽ trở lại
trong thần lực của Thánh Linh, để thực hiện công việc thánh hoá cho chúng con,
hầu chúng con đi đến nơi Thầy đã tới. Hiểu như vậy, nên sau khi mừng lễ Chúa
lên trời, bắt đầu ngay từ ngày mai, Giáo hội đã thúc giục chúng ta cầu xin ơn
Chúa Thánh Thần đến hoạt động trong thế gian.
Do
đó, trong ngày lễ lên trời, không ai được phép cứ đăm đăm nhìn trời mãi. Sứ thần
Chúa hôm nay đã bảo các môn đệ không được làm như vậy. Và họ đã hiểu ý, ra về
làm phận sự Chúa đã chỉ cho trước khi Người lìa xa: các con hãy ra đi, rao giảng
Tin Mừng cho mọi người. Phúc Âm hôm nay kết: các ông đi rao giảng khắp nơi, có
Chúa cùng hoạt động với các ông. Chúng ta thấy, Chúa lên trời đâu có lìa xa
chúng ta. Người đã hứa sẽ trở lại trong Thần Trí của Người, để cùng hoạt động với
các môn đệ. Vậy, mừng lễ Chúa lên trời, chúng ta hãy cầu xin Người, vì bây giờ ở
trong vinh quang Chúa Cha, Người có sức mạnh của Thiên Chúa để đến củng cố đời
sống đạo đức của chúng ta, hầu sửa soạn cho chúng ta và cho mọi người được chỗ
vinh quang sau này trên trời.
Thế
nên, chúng ta hãy can đảm, nhiệt thành như các tông đồ ngày trước, đưa Phúc Âm
của Chúa ra sống trước mặt mọi người. Chúa hứa ban các phép lạ kèm theo cuộc sống
đạo của chúng ta. Ðiều đó có nghĩa là ơn Chúa sẽ giúp đỡ thiện chí của chúng ta
đạt được những kết quả không ngờ. Chúng ta cứ thành tâm nghĩ lại quá khứ của
mình mà xem Chúa đã dẫn dắt chúng ta lướt thắng được bao cản trở, khó khăn mà
thoạt tiên nhìn vào bản tính loài người, chúng ta tưởng như phải thất vọng... Sống
đạo bao giờ cũng khó, chống trả các cơn cám dỗ không phải là dễ, thay đổi được
lòng người để họ nhận biết Chúa là công việc vược quá sức chúng ta. Nhưng không
phải chỉ có chúng ta cố gắng, Chúa Phục sinh lên trời sai Thánh Thần xuống cùng
hoạt động với chúng ta. Chính Người đốt lòng mến nơi chúng ta, soi sáng tư tưởng
hành động cho ta, dẫn đưa đời sống và công việc đạo đức của ta tới những thành
quả bất ngờ. Chính điều đó làm chứng Chúa Giêsu đã về trời, ngự bên hữu Thiên
Chúa Cha, trở thành Chúa, ban thần lực của Người xuống trong Phúc Âm của Người
và trong hoạt động của các tông đồ Người, khiến Phúc Âm và Giáo hội của Người đạt
được những thành quả kỳ diệu.
Vậy
trong ngày lễ lên trời, chúng ta chỉ nhìn lên để thấy Chúa đang ở trong vinh
quang có đầy quyền lực là Thánh Thần hầu ban xuống cho chúng ta. Người mượn mầu
nhiệm thánh lễ này để trở lại sống hùng mạnh trong ta, thúc đẩy và hướng dẫn cuộc
đời ta đi vào đường lối thánh thiện. Với ơn của Người mà chúng ta lãnh nhận
trong Thánh Thể, chúng ta sẽ nỗ lực sống tích cực, làm cho mọi người thấy giá
trị của Phúc Âm, mở lối cho mọi người tin theo Chúa, để rồi tất cả cũng sẽ được
về trời với Người.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức
cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên (Chủ
Nhật VII Phục Sinh), Năm
B
Bài đọc: Acts 1:1-11; Eph
1:17-23; Mk 16:15-20.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu lên trời.
Hai
điều chính chúng ta cần tìm hiểu trong ngày lễ Chúa lên trời:
(1)
Hiểu làm sao về biến cố Chúa thăng thiên: Phải chăng khi Chúa Giêsu lên trời là
Ngài sẽ sống cách biệt chúng ta? Phải chăng Chúa Giêsu mang thân xác con người
về Trời? Đâu là Thiên Đàng? Chúng ta sẽ hưởng những quyền lợi gì trên Thiên
Đàng?
(2) Sự
quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng: Tại sao Chúa trao cho các Tông-đồ và Hội
Thánh sứ vụ mang ơn cứu độ cho muôn người qua việc rao giảng Tin Mừng?
Các
Bài Đọc hôm nay xoay quanh biến cố Chúa lên trời và sứ vụ Ngài trao cho các môn
đệ. Trong Bài Đọc I, Thánh Lucas tường thuật hai biến cố: Chúa lên trời và sứ vụ
Ngài trao cho các môn đệ phải ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Trong Bài
Đọc II, Thánh Phaolô cầu nguyện để các tín hữu có thần trí khôn ngoan để hiểu Mầu
Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa, được thực hiện qua Đức Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa
Giêsu truyền cho các môn đệ phải rao giảng Tin Mừng, và Ngài ban quyền cần thiết
để người khác tin vào lời các ông rao giảng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc
I:
1.1/
Chúa Giêsu củng cố niềm tin cho các môn đệ trong suốt 40 ngày sau khi sống lại.
Dựa
theo Luca 1:1-4 và trình thuật hôm nay: "Thưa ngài Thêôphilê, trong quyển
thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giêsu làm và những điều Người
dạy, kể từ đầu cho tới ngày Người được rước lên trời," chúng ta có bằng chứng
để kết luận Thánh Luca là tác giả của Tin Mừng thứ ba và Sách CVTĐ.
Trước
ngày lên trời, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần.
Sau khi sống lại, Người đã hiện ra nhiều lần trong bốn mươi ngày, để chứng tỏ
cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình, và nói chuyện với
các ông về Nước Thiên Chúa.
1.2/
Chúa Giêsu nhắc lại lời hứa ban Thánh Thần: Trong những lời từ biệt của Chúa Giêsu trước Cuộc
Thương Khó, Ngài đã hứa sẽ xin Chúa Cha để gởi đến cho các Tông-đồ Thánh Thần để
ở với và hoạt động trong các ông (Jn 15 và 16). Trình thuật hôm nay nhắc lại lời
hứa đó và nhắc nhở các Tông-đồ phải ở lại Jerusalem để lãnh nhận Thánh Thần:
"Điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng
nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần."
Phép
Rửa của Gioan Tẩy Giả là Phép Rửa bằng nước để tha tội khi con người tỏ lòng ăn
năn xám hối và quay về với Thiên Chúa. Các Tông-đồ là những người Do-thái, nên
các ông có lẽ đã lãnh nhận Phép Rửa bằng nước, như Gioan Tẩy Giả đã từng làm
(Jn 1:26); nhưng có một Phép Rửa để thánh hóa con người bằng Thánh Thần mà
Gioan Tẩy Giả đã đề cập đến mà chính Chúa Giêsu đã lãnh nhận (Jn 1:32-33). Các
Tông-đồ lãnh nhận Phép Rửa này trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Acts 2:1-4).
Các
môn đệ hiểu lầm những lời Chúa nói nên hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, có phải
bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?" Họ vẫn nghĩ đến một
Đấng Thiên Sai uy quyền, cho dẫu Chúa Giêsu đã phải trải qua Cuộc Thương Khó,
cái chết, và sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Họ nghĩ, Chúa đã phục sinh, thì
giờ là lúc Ngài khôi phục vương quốc Israel bằng cách gởi Thánh Thần xuống làm
cho họ trở thành những người thống trị cùng với Đức Kitô! Nhưng Chúa Giêsu giải
thích cho họ biết mục đích của việc lãnh nhận Thánh Thần là để họ rao giảng Tin
Mừng và làm chứng cho Ngài tại Jerusalem, trong khắp các miền Judah, Samaria và
cho đến tận cùng trái đất, để con người tin và được cứu độ. Còn khi nào Ngài sẽ
khôi phục vương quốc Nước Trời là nằm trong quyền lực và kỳ hạn mà Chúa Cha đã
toàn quyền sắp đặt. Điều này cũng tùy thuộc vào việc cộng tác của con người làm
cho Nước Chúa mau trị đến, bằng việc làm cho mọi người nhận biết Chúa.
1.3/
Chúa Giêsu lên trời: "Nói
xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người,
khiến các ông không còn thấy Người nữa." Trong Phúc Âm, Luca cũng đề cập tới
việc Chúa lên trời trong những câu sau cùng (Lk 24:50-51) và phản ứng vui mừng
của các Tông-đồ (Lk 24:52-53). Làm sao chúng ta hiểu được ý nghĩa của việc Chúa
Giêsu lên trời?
(1)
Chúa Giêsu về trời với thân xác phục sinh, một loại thân xác mà từ nay sẽ không
còn bị chi phối bởi đau khổ, bệnh tật hay chết chóc nữa. Thánh Thomas Aquinas cắt
nghĩa: chính vì với thân xác phục sinh này mà Chúa Giêsu cần thiết phải lên trời,
vì thế giới chúng ta đang sống là thế giới thay đổi và sẽ bị tận diệt (ST, III,
Q.57).
(2)
Chúa Giêsu lên trời không có nghĩa là từ nay, Ngài sẽ cách biệt các môn đệ,
nhưng có nghĩa Ngài không lệ thuộc vào giới hạn của thân xác về thời gian và
không gian. Ngài luôn luôn hiện hữu ở mọi nơi và mọi thời với con người: tại Mỹ
cũng như tại Việt-nam; trong BT Thánh Thể cũng như khi cầu nguyện. Hơn nữa Ba
Ngôi Thiên Chúa không bao giờ tách biệt nhau, cho dù giai đọan hiện tại là giai
đoạn hoạt động của Thánh Thần; nhưng ai có Thánh Thần, người ấy cũng có cả Ba
Ngôi Thiên Chúa.
(3)
Theo ĐGH Gioan Phaolô II, Thiên Đàng không phải là một nơi ẩn giấu đàng sau bầu
trời, nhưng là một trạng thái vinh quang và vĩnh cửu, do sự kết hiệp hoàn toàn
giữa con người với Thiên Chúa. Nếu hiểu như thế, Thiên Đàng đã bắt đầu ngay từ
đời này, nhưng chưa đạt tới mức hoàn hảo như ở đời sau, khi con người được
chiêm ngưỡng Thiên Chúa như Chúa là.
(4)
Chúa Giêsu từ trời sẽ trở lại lần thứ hai để phán xét kẻ sống cũng như người chết:
Đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người
đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: "Hỡi những người Galilee, sao
còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời,
cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời."
2/ Bài đọc
II: Phaolô
xin Thánh Thần cho các tín hữu để hiểu biết:
2.1/ Mặc
khải quan trọng nhất của Thiên Chúa: là Kế Họach Cứu Độ con người, được thực hiện qua Đức
Kitô. Con người phạm tội và hậu quả của tội là sự chết. Để cứu con người khỏi
chết và phục hồi sự sống, Chúa ban cho con người Đức Kitô. Nhờ cái chết và sự
phục sinh của Đức Kitô, con người tìm được niềm hy vọng được sống muôn đời với
Thiên Chúa. Tác giả Thư Ephesô diễn tả những điều này như sau: "Tôi cầu
xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho
anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người
soi lòng mở trí cho anh em để thấy rõ:
(1)
"đâu là niềm hy vọng nhờ Người kêu gọi anh em": Niềm hy vọng đây
chính là hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu đã đạt được qua Đức Kitô. Nếu chúng ta
tin vào Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ được sống muôn đời với Thiên Chúa. Ngài
không ngừng kêu gọi và tạo cơ hội cho con người biết Đức Kitô.
(2)
"đâu là sự sung mãn của gia nghiệp vinh quang của Người giữa các
thánh": Gia nghiệp vinh quang của Thiên Chúa chính là ơn cứu độ mà Đức
Kitô đã chiến thắng cho con người. Các thánh là những người đã được hưởng ơn cứu
độ. Họ là những chứng nhân của niềm hy vọng của chúng ta.
(3)
"đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã làm cho chúng ta là những tín hữu,
theo như uy quyền vô biên của quyền năng Người,mà Người đã biểu dương nơi Đức
Kitô, khi làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên
trời." Nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa đã chiến thắng mọi quyền lực của ma quỉ,
tiêu diệt sự chết, và mang lại sự sống vĩnh cửu cho con người.
2.2/ Sức
mạnh của Thiên Chúa được biểu dương nơi Đức Kitô:
(1) Đức
Kitô là sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa: "Như vậy, Người đã tôn Đức
Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không
những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai." Thư
Philipphê cũng diễn tả các tương tự về uy quyền và danh xưng Giêsu (Phi
2:10-11).
(2) Đức
Kitô thiết lập Hội Thánh để tiếp tục thi hành sứ vụ cứu độ của Ngài trong trần
gian: "Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu
toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người,
Đấng làm cho tất cả được viên mãn."
Đức
Kitô cần Hội Thánh để loan truyền ơn cứu độ của Ngài cho mọi người: Câu truyện
đối thoại giữa Chúa Giêsu và sứ thần Gabriel: Sứ thần hỏi Chúa Giêsu khi Ngài về
trời: "Loài người có biết Ngài yêu họ và những gì Ngài đã làm cho họ
không?" Chúa Giêsu trả lời: "Họ chưa biết, nhưng họ sẽ biết qua các
môn đệ của tôi." "Điều gì sẽ xảy ra nếu các môn đệ mệt mỏi, hay thế hệ
sau sẽ quên, hay hết người rao giảng!" Sứ thần Gabriel hỏi. Chúa Giêsu trả
lời: "Tôi tin tưởng họ sẽ không làm như thế."
3/ Phúc
Âm: Chúa
Giêsu trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ.
3.1/
Trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng: Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên
hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu
độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án." Khi Chúa Giêsu phục sinh và lên
trời, Ngài đã hoàn tất sứ vụ mang lại ơn cứu độ cho con người. Giờ đây Ngài
trao sứ vụ loan báo Tin Mừng cho các môn đệ, để các ông mang ơn cứu độ này cho
mọi người sống trên trần thế. Để được hưởng ơn cứu độ, con người cần tin vào Đức
Kitô và chịu Phép Rửa.
3.2/ Ban
uy quyền cho các môn đệ để khán giả tin vào lời các ông rao giảng: Chúa hứa với các nhà rao
giảng: "Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy,
họ sẽ:
(1)
Khai trừ quỷ: Phaolô truyền cho quỉ xuất khỏi người đầy tớ tại Philippi (Acts
16:18)
(2)
Nói được những tiếng mới lạ: Các Tông-đồ nói tiếng của thổ dân trong ngày Lễ
Ngũ Tuần (Acts 2:1-11)
(3)
Tránh được nguy hiểm: "Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc,
thì cũng chẳng sao."
(4)
Chữa lành: "Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ
được mạnh khoẻ." Điều này đã được làm bởi Phêrô, Phaolô, và rất nhiều môn
đệ.
"Nói
xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ
ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu
lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúa Giêsu là Đầu đã lên trời, chúng ta là những chi thể của một thân thể của
Ngài là Hội Thánh, cũng sẽ được lên theo. Đó là niềm hy vọng chắc chắn của
chúng ta.
-
Chúa Giêsu tin tưởng chúng ta sẽ không quên sứ vụ Ngài trao phó là sứ vụ rao giảng
Tin Mừng. Chúng ta phải làm hết cách để cho mọi người biết và tin vào Ngài; đồng
thời chúng ta cũng phải đào tạo các thợ nhiệt thành để tiếp tục sứ vụ rao giảng
Tin Mừng cho thế hệ tương lai.
-
Chúa Giêsu về trời không có nghĩa là Ngài vắng mặt trong cuộc đời; nhưng một
khi Ngài không còn lệ thuộc vào giới hạn của thân xác, Ngài sẽ hiện diện với mọi
người ở mọi nơi và mọi lúc.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
13/05/2018 - CHÚA NHẬT TUẦN 7 PS – B
Chúa Thăng Thiên
Mc 16,15-20
HƯỚNG LÒNG VỀ TRỜI
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng
cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,15)
Suy niệm: “Thứ hai thì ngắm, Đức Giê-su lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ
những sự trên trời.” Kinh Mân Côi, ngắm thứ hai, mầu nhiệm Năm Sự Mừng này nhắc
nhở rằng ở dưới đất cũng có những đối tượng hấp dẫn khiến ta ái mộ. Tiền bạc có
thể làm ta ái mộ; vì có tiền là có quyền, có tiện nghi, đời sống được thăng tiến,
“có tiền mua tiên cũng được”... Những sự “dưới đất” ấy thật hấp dẫn, có thể mê
hoặc, trói buộc chúng ta quên mất rằng quê hương đích thực của chúng ta là ở
trên trời (x. Pl 3,20; Dt 11,16). “Chúa lên trời” nhắc cho chúng ta luôn hướng
về quê hương vĩnh hằng đó. Đó chính là động lực thúc đẩy chúng ta luôn nhiệt
thành hăm hở thực thi mệnh lệnh tối hậu của Chúa Phục Sinh giao phó cho các môn
đệ trước khi Ngài về trời: đó là loan báo Tin Mừng của Ngài cho đến tận cùng thế
giới.
Mời Bạn: Cuộc sống ở trần gian là một cuộc hành trình hướng về quê thật, nơi
Đức Giê-su Phục Sinh đang chờ đợi ta. Nước Trời là cùng đích chúng ta hướng tới.
Vậy đang khi sống tại thế này chúng ta cần có tinh thần siêu thoát, sử dụng thực
tại trần thế này như phương tiện giúp nhau đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu trên
Thiên Quốc.
Sống Lời Chúa: Lần chuỗi Mân Côi, một chục và suy gẫm Năm Sự Mừng, thứ hai: “Đức
Giê-su lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con sống ở trần gian là sống trong vị
thế “đầu đội trời, chân đạp đất.” Xin đừng để chúng con bị cuốn hút bởi những hấp
lực của trần gian, nhưng hướng lòng chúng con về trời, là quê thật Chúa đã sắp
sẵn cho chúng con.
(5
Phút Lời Chúa)
CÓ CHÚA CÙNG HOẠT ĐỘNG (13.5.2018 – Chúa nhật 7 Phục sinh: Chúa Thăng thiên)
Sống tận tình cho trái đất mà vẫn ngước lên trời cao, điều đó thật là một thách đố không nhỏ, nhưng lại là cốt lõi của đời sống Kitô hữu.
Suy niệm:
“Thứ hai thì ngắm Ðức
Chúa Giêsu lên trời,
ta hãy xin cho được ái mộ
những sự trên trời”.
Ái mộ những sự trên trời
là một ơn ta phải xin,
vì dưới đất có nhiều điều
làm ta ái mộ:
một người, một vật hay
một việc nào đó.
Ái mộ quá có thể dẫn đến
tôn thờ và làm nô lệ.
Trái đất có vẻ đẹp riêng
của nó,
vẻ đẹp làm dịu lòng ta
trong hành trình cuộc đời.
Tiếc thay nhiều lúc vẻ
đẹp ấy giữ chân ta lại,
không cho ta bước nhanh
tới đích.
Lắm khi vẻ đẹp ấy kéo ghì
ta xuống,
không cho ta ngước lên
cao.
Có vẻ trời ở xa, xa như
huyền thoại.
Có vẻ chỉ trái đất là có
thật, gần gũi.
Ta bị hút vào trái đất,
đắm đuối mê say,
quên mình chỉ là người
tạm trú trên mặt đất.
Chúa về trời, về với thế
giới của Cha,
điều đó nhắc ta nhớ đời
là một cuộc hành trình
mà đích nằm ở phía bên
kia.
Trời là đích xa nhưng chi
phối những chọn lựa gần.
Cần chọn hướng đi, chọn
phương tiện sao cho đạt đích.
Không có trời thì chẳng
biết đi đâu!
Con người cần có một
trung tâm nằm ngoài mình,
thu hút mình, nâng mình
lên,
kéo mình ra khỏi cái tầm
thường, thực dụng.
Trời là trung tâm của
đất.
Ðất cho con người sự
sống.
Trời cho con người lẽ
sống.
Nếu chỉ biết có đất, con
người sẽ rơi vào tuyệt vọng,
vì đất chẳng thể thoả mãn
con người.
Nơi lòng mỗi người đều có
một mảnh trời riêng.
Mảnh trời này cứ đòi gặp
bầu trời cao rộng
như gặp lại chốn cũ người
xưa.
Thế giới luôn gặp nhiều
bế tắc khó khăn
vì người ta đứng ở trên
trái đất mà giải quyết.
Cần nhìn trái đất từ
trời,
để thấy những giải pháp
tận căn, bao quát, hiệu quả.
“Sao các ông cứ đứng nhìn
trời?” (Cv
1,11)0
Kitô hữu không chỉ khoanh
tay ngước nhìn trời,
vì sứ mạng rao giảng Tin
Mừng đang chờ đợi họ,
vì trái đất còn bề bộn
bao việc phải làm.
Sống tận tình cho trái
đất mà vẫn ngước lên trời cao,
điều đó thật là một thách
đố không nhỏ,
nhưng lại là cốt lõi của
đời sống Kitô hữu.
Thiên đàng không phải là
bầu trời trên đầu ta.
Nhưng bầu trời cao vút,
bao la, thăm thẳm,
là một hình ảnh gợi mở về
thiên đàng.
Bầu trời càng lúc càng bị
che chắn bởi cao ốc.
Hãy tìm những giây phút
để ngước mắt lên...
Ngắm bầu trời có thể giúp
ta biết sống trên mặt đất.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến
hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được
thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày
Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của
cuộc sống ở đời
không làm chúng con quên
trời cao;
và những vẻ đẹp của trần
gian
không ngăn bước chân con
tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
13
THÁNG NĂM
Một
Nhịp Cầu Từ Lễ Phục Sinh Đến Lễ Hiện Xuống
“Khi
Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Ngài là
Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Ngài sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa,
anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15, 26 – 27).
Giờ
đây, chúng ta trở lại với những lời này của Đức Kitô. Và chúng ta trở lại với
căn gác thượng ở Giê-ru-sa-lem, nơi mà những lời ấy được nói lên. Lời hứa ấy phải
trở thành sự thật trong cùng căn gác thượng ấy, vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Lời của Đức
Kitô dẫn chúng ta đi từ Lễ Phục Sinh tới Lễ Hiện Xuống. Những lời ấy như một nhịp
cầu.
Chúa
Thánh Thần không ngừng đến với các môn đệ của Đức Kitô như Đấng An Ủi được Chúa
Cha sai đến. Ngài đến như Thần Khí sự thật để làm chứng về Đức Kitô.
- suy
tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
13/ 5
Chúa
Nhật VII Phục Sinh
Chúa
Thăng Thiên
Cv 1,
1-11; Ep 1, 17-23; Mc 16, 15-20.
Lời
suy niệm: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi
loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ
bị kết án.”
Đây
là lệnh truyền, nhưng cũng là lời mời gọi của Chúa Giêsu; mời gọi tất cả mọi
Kitô hữu phải ý thức về trách nhiệm rao giảng Tin Mừng, phát xuất từ Bí tích Rửa
tội mà mỗi người đã lãnh nhận.
Lạy
Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn biết dọn mình, học biết về
Chúa dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội Tông Truyền, để có thể giúp cho nhiều người
tin vào Chúa để cùng được ơn cứu độ của Chúa.
Mạnh
Phương
13
Tháng Năm
Ngày Của Mẹ
Ngày
Chúa Nhật thứ hai trong tháng năm, tại nhiều nước trên thế giới, được gọi là
ngày của Mẹ, ngày dành riêng để tỏ lòng báo hiếu đối với Mẹ...
Sáng
kiến dành ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng năm làm ngày của mẹ được gán cho một
thiếu nữ người Hoa Kỳ tên là Anna M.Jarvis qua đời khoảng năm 1948. Mẹ của cô
qua đời tháng năm năm 1905. Trong những năm kế tiếp, cô thường tổ chức giỗ mẹ một
cách trọng thể như mời bạn bè đến cầu nguyện tại gia đình. Cô viết thư gửi tới
các nhân vật quan trọng trong nước Mỹ để xin lập một ngày tưởng nhớ các bà Mẹ.
Tiểu bang nơi cô đang sống đã chấp nhận đề nghị năm 1913. Và ngày 10 tháng 5 ấy,
quốc hội Hoa Kỳ cũng thông qua đề nghị nhận ngày Chúa Nhật thứ hai trong tháng
5 như một ngày để ghi ơn các bà mẹ. Tổng thống Wilson của Hoa Kỳ đã công bố quyết
định này ngày 09/5/1914. Tục lệ này đã lan rộng sang nhiều quốc gia trên thế giới...
Trong ngày nhớ mẹ, người con thường cài trên áo một bông hoa cẩm chướng màu trắng
nếu mẹ đã quá cố và màu hồng dành cho những ai còn mẹ.
Trong
các tước hiệu Giáo Hội dùng để gọi Ðức Maria, có lẽ xứng hợp với tâm tình con
người hơn cả vẫn là tước hiệu Mẹ. Chúng ta có thể gọi Ðức Maria là Mẹ với tất cả
tâm tình trìu mến như khi chúng ta gọi người mẹ của chúng ta. Do lời trăn trối
của chính Chúa Giêsu con Mẹ, Mẹ đã trở thành Mẹ của Giáo Hội. Qua muôn thế hệ,
Mẹ không ngừng cưu mang, sinh ra và dưỡng dục các tín hữu trong Ðức tin.
Niềm
hạnh phúc của bất cứ người mẹ nào vẫn là thấy con mình được nên người. Mẹ Maria
chăm chú theo dõi và lo lắng cho từng người chúng ta. Niềm vui của Mẹ chính là
thấy mỗi người chúng ta được lớn lên theo hình ảnh của Chúa Giêsu con Mẹ...
Chúng
ta mang đến cho Mẹ những bó hoa trong suốt tháng 5, tháng 10 và trong từng lời
Kinh dâng lên Mẹ. Nhưng có lẽ Mẹ sẽ sung sướng hơn mỗi lần nhìn thấy sự trưởng
thành nơi chúng ta. Mỗi lần chúng ta lớn lên trong ân phúc, trong bác ái yêu
thương, trong hy vọng tin yêu: đó là những bó hoa tốt đẹp nhất mà chúng ta dâng
lên Mẹ...
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét