Trang

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

13-05-2018 : (phần II) CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH - CHÚA THĂNG THIÊN


13/05/2018
Chúa Nhật tuần 7 Phục Sinh năm B
Chúa Thăng Thiên.
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên, năm B

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THĂNG THIÊN - B
(Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mc 16,15-20)

TRỜI CAO BẮT ĐẦU TỪ ĐẤT THẤP

“Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông” (Mc 16,19-20).

Lễ Chúa Thăng Thiên diễn tả hai chiều kích đặc biệt: một mặt, hướng chúng ta về thực tại trên trời, là quê hương đích thực của người tín hữu; mặt khác, mời gọi những người môn đệ của Chúa, nhờ Thánh Thần thúc đẩy, biết rao truyền và làm chứng cho đức tin trong mỗi thực tại sống của mình, góp phần cải biến thế giới này theo kế hoạch của Thiên Chúa Cha.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Cv 1,1-11)

Biến cố Đức Giêsu về trời trong bài đọc 1 hôm nay có nét tương tự một trình thuật trong Cựu ước, 2V 2,9-15, ở đó, ngôn sứ Êlia được rước lên trời. Có lẽ, tác giả của đoạn Công vụ Tông đồ này đã kết hợp trình thuật về Êlia để trình bày một thực tại cao siêu không thể quãng diễn bằng lời, đó là: sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô và biến cố Người bước vào trong vinh quang Chúa Cha. Vì thế, trình thuật này chính yếu nhấn mạnh khía cạnh thần học: Đức Giêsu là người đầu tiên bước qua bức màn trướng trong Đền Thờ để nối kết con người với Thiên Chúa.

Cũng như Êlisa năm xưa, các tông đồ và những người tin theo Đức Giêsu cũng ngước nhìn về trời cao chiêm ngưỡng biến cố vinh quang của thầy mình. Cái nhìn của họ diễn tả niềm hy vọng về một sự trở lại tức thì của Đức Kitô để hoàn tất sứ mạng dang dở. Nhưng tiếng nói từ trời đã thức tỉnh các ông: không phải Đức Kitô, mà chính là các ông là những người tiếp nối sứ mạng này, bởi các ông đã trải qua thời gian bốn mươi ngày, là thời gian mà trong ngôn ngữ Do Thái là cần thiết để chuẩn bị cho các môn đệ thực thi một sứ vụ, với việc trao ban Thần khí đi kèm.

Bởi thế, biến cố thăng thiêng của Đức Giêsu diễn tả giai đoạn chuyển giao: đừng đứng đó nhìn về trời cao, nhưng chính từ nơi đất thấp mà các ông phải tiếp tục sứ mạng cứu độ của thầy mình. Đức Giêsu sẽ trở lại, chắc chắn điều đó, nhưng niềm hy vọng này không được trở thành lý do để sao nhãng những vấn nạn của thực tại trần gian, bởi lẽ, phúc cho đầy tớ nào khi chủ trở về, vẫn thấy đầy tớ ấy còn tỉnh thức và đang lao công vất vả cho những người anh chị em mình (x. Lc 12,37).

2. Bài đọc II (Ep 1,17-23)

Thánh Phaolô trong đoạn trích thư gởi tín hữu Êphêxô đã khẩn khoản nài xin Thiên Chúa ban cho các tín hữu được ơn khôn ngoan. Dĩ nhiên, khôn ngoan ở đây không phải là thứ khôn ngoan trần thế, nhưng là ơn khôn ngoan để nhận biết Thiên Chúa, và để nhận ra đâu là niềm hy vọng và gia nghiệp đích thật của người tín hữu.

Nếu như bài đọc I mời gọi các tín hữu không được sao nhãng những trách vụ cụ thể của mình trong thực tại trần thế, thì bài đọc II kiện toàn cái nhìn này khi khuyên bảo các tín hữu đừng quên rằng đời sống của họ không được giới hạn nơi chân trời nhỏ hẹp của thế giới này, bởi lẽ, những sinh hoạt và trách vụ mà ta đang có luôn phải được nối liền với thực tại tương lai trên trời, trong niềm hy vọng chắc chắn là chính Đức Kitô sẽ trở lại và hoàn tất mọi sự.

3. Bài Tin Mừng (Mc 16,15-20)

Đoạn Tin Mừng theo thánh Marco cũng bao hàm hai khía cạnh đặc biệt của Lễ Thăng Thiên, đó là mô tả ý nghĩa biến cố Đức Giêsu lên trời và sứ vụ của người môn đệ được trao phó.

Trình thuật mở đầu bằng khung cảnh Đấng Phục Sinh tỏ mình cho nhóm Mười Một và chỉ thị cho các ông sứ mạng loan báo Tin Mừng “cho mọi loài thụ tạo”. Thuật ngữ này dĩ nhiên ám chỉ cho mỗi người, nhưng còn mở rộng chân trời ơn cứu độ của Thiên Chúa cách phong phú và sung mãn cho toàn thể vũ trụ này. Thánh Phaolô cũng diễn tả điều tương tự khi nói rằng: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8,19).

Bên cạnh đó, Thiên Chúa còn bảo đảm sứ mạng của các tông đồ đi kèm với những dấu lạ (17-18); và những dấu lạ này cũng hiện diện ngay cả những người tin. Qua những dấu lạ này, Thiên Chúa muốn bảo đảm sự hiện diện của Người trong mọi công cuộc và mời gọi tất cả cùng hướng về mầu nhiệm ơn cứu độ.

Câu 19 như tóm gọn đề tài của lễ hôm nay: Đức Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Thuật ngữ “ngự bên hữu Thiên Chúa” là một diễn tả đậm chất thần học. Hình ảnh này gợi cho ta bối cảnh cung đình vùng trung cận đông cổ thời, khi một thần dân sau khi chứng thực lòng trung thành của mình cách oai hùng thì được triệu về hoàng cung và được ngồi bên hữu Đức Vua. Cách dùng này ta còn thấy thể hiện nơi Thánh vịnh 110,1 trong nghi lễ phong vương: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con.” Vì thế, do bởi sự trung tín trong thánh ý Chúa Cha, Đức Giêsu cũng được các tác giả Tân ước quảng diễn như được siêu tôn (x. Pl 2,6-11), được cất lên trời (x. Ep 4,8-9), muôn loài được đặt dưới chân Người (x. 1Cr 15,27), và “ngự bên hữu Thiên Chúa” (x. 1Pr 3,18-22; Dt 10,12-14).

Câu cuối trong đoạn trích Tin Mừng: “Các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” đã chứng thực sự xác tín của các môn đệ đầu tiên khi cho thấy các ông không đơn độc trong sứ vụ của mình, nhưng luôn có Chúa đồng hành, và cùng với họ, Người thực hiện những kỳ công ơn cứu độ cho con người.


II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. “Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19). Điều này đã khẳng định cho các Kitô hữu về một quê hương đích thật trên trời, đồng thời khai mở niềm hy vọng lớn lao cho người tín hữu. Là Kitô hữu, tôi có luôn xác tín và ý thức về cùng đích tối hậu này? và niềm xác tín đó đã ảnh hưởng gì trên cuộc sống của tôi?

2. Thánh Phaolô đã mong mỏi các tín hữu ở Êphêxô, nhờ thần khí khôn ngoan, biết nhận ra đâu là những giá trị đích thật của người Kitô hữu. Nhìn lại đời mình, đâu là những giá trị tôi đang theo đuổi và ôm ấp; và những gái trị đó có phục vụ cho Nước Trời?

3. “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời?” Thăng thiên và sứ mạng chứng tá của Giáo hội là hai biến cố không thể tách rời nhau; và quê hương trên trời của người tín hữu phải được khởi sự ngay từ đất thấp. Vậy tôi phải khởi sự điều gì nơi chính cuộc sống của tôi? Đâu là sứ mạng mà Đấng Phục Sinh đã trao phó cho riêng tôi?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên củng cố và nuôi dưỡng khát vọng nước trời cho mọi kitô hữu đang trên hành trình dương thế. Trong niềm hy vọng và xác tín Chúa Phục Sinh luôn hiện diện và đồng hành với mỗi người, chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.

1. Hội Thánh có sứ mạng thực thi lệnh truyền của Chúa Giêsu là rao giảng Tin Mừng cứu độ cho mọi dân tộc. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những nỗ lực truyền giáo của mọi thành phần trong Hội Thánh luôn gặp thuận lợi và đem lại nhiều kết quả tốt đẹp.

2. Ai tin vào Chúa Giêsu và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ. Chúng ta cùng cầu xin cho những ai chưa tin Chúa ở khắp nơi trên thế giới, biết đón nhận Tin Mừng và luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để họ cũng được hưởng hạnh phúc Nước Trời.

3. Giáo Hội chọn Lễ Thăng Thiên hằng năm làm Ngày Quốc tế về Truyền thông. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những người đang hoạt động trong lãnh vực truyền thông biết dùng khả năng và phương tiện hiện đại với lương tâm ngay lành để bảo vệ và loan báo sự thật.

4. Chúa Phục Sinh luôn cùng hoạt động và củng cố lời giảng dạy của các tông đồ. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta cũng luôn biết cộng tác với ơn Chúa, trở nên những chứng nhân sống động về tình yêu và sự hiện diện của Chúa giữa thế giới hôm nay.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã về trời và đang ngự bên hữu Chúa Cha để chuyển cầu cho chúng con. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn vững bước trên con đường mà Chúa đã đi, để mai sau chúng con cũng được chung hưởng vinh quang cùng với Chúa trong Nước Trời. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.



SCĐ LỄ THĂNG THIÊN NĂM B



Chủ đề :

Chuyển sang một giai đoạn mới

"Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo"
(Mc 16,15)

Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I (Cv 1,1-11) : Những lời dạy cuối cùng của Đức Giêsu trước khi thăng thiên.
- Đáp ca (Tv 46) : Chúa lên trời, tiếng hò reo dậy đất ; Chúa lên trời, nhịp kèn sáo trổi cao.
- Tin Mừng (Mc 16,15-20) : Trước khi lên trời, Đức Giêsu sai các môn đệ đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng.
- Bài đọc II (Êp 1,17-23) : Thánh Phaolô giải thích ý nghĩa việc Đức Giêsu "lên trời" : "Thiên Chúa đã tôn Đức Kitô lên"

I. Dẫn vào Thánh  lễ
Anh chị em thân mến
Việc Đức Giêsu thăng thiên đánh dấu một bước ngoặc trong việc loan báo Tin Mừng. Trước đây, loan báo Tin Mừng chủ yếu là việc của Đức Giêsu. Nhưng từ đây, việc này chủ yếu là của Giáo Hội, với sự hỗ trợ đắc lực của Đức Giêsu và Chúa Thánh Thần. Bởi đó, khi từ biệt các môn đệ, Đức Giêsu đã trao sứ mạng "Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần".
Hôm nay, sứ mạng này được trao cho thế hệ chúng ta. Vậy chúng ta hãy cầu xin Chúa hỗ trợ để chúng ta chu toàn sứ mạng Chúa trao.

II. Gợi ý sám hối
- Chúng ta có lỗi vì hay quên rằng Đức Giêsu là Đấng đang sống và đã được Chúa Cha trao cho toàn quyền. Do lỗi này nên chúng ta dễ chán nản và không cậy dựa vào Ngài.
- Chúng ta có lỗi vì chỉ hướng về trời mà quên trách nhiệm xây dựng thế giới của mình.
- Chúng ta có lỗi vì ít quan tâm loan báo Tin Mừng.

III. Lời Chúa

1. Bài đọc I : Cv 1,1-11 : Tường thuật việc Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm lễ Ngũ Tuần.
- Vâng theo lời căn dặn của Đức Giêsu phục sinh, các tông đồ tụ họp trong nhà Tiệc Ly để chờ đón nhận điều Ngài đã hứa.
- Sáng ngày lễ Ngũ tuần, Đức Giêsu thực hiện lời hứa ấy : Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa. Lưỡi tượng trưng cho lời nói. Lửa tượng trưng tình yêu và lòng nhiệt thành. Nhờ Chúa Thánh Thần, các tông đồ đã nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, làm chứng cho Đức Giêsu.

2. Đáp ca (Tv 46)
Đây là một Tv ca tụng vương quyền của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã chiến thắng cái chết, Ngài xứng đáng đón nhận vương quyền. Và vương quyền này đã mở rộng khắp nơi nhờ công tác loan báo Tin Mừng của Giáo Hội.

3. Tin Mừng (Mc 16,15-20)
Những lời cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ :
- Sai các ông đi loan Tin Mừng : "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo".
- Hứa hỗ trợ đặc biệt cho các ông : "Nhân danh Thầy họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu có uống phải chất độc thì cũng không bị hại ; họ đặt tay trên những người bệnh và bệnh nhân sẽ được lành mạnh". Những "dấu lạ" mà Đức Giêsu hứa có thể mang 2 nghĩa : a/ Nghĩa bóng : Chúa giúp các ông chiến thắng thế lực của sự dữ ; b/ Nghĩa đen : các ông sẽ thật sự làm được những phép lạ
Các môn đệ vâng lời Thầy, đi khắp nơi loan Tin Mừng, và những lời Chúa hứa đã thành sự thật : "Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo"

4. Bài đọc II (Êp 4,1-13)
"Thánh tông đồ gợi ý cho chúng ta một cách nhìn về sự kiện Chúa lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Rực rỡ vinh quang Thiên Chúa, sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh từ nay sẽ mang những chiều kích vĩnh hằng và vũ trụ, vượt khỏi khuôn khổ không gian và thời gian, nghĩa là bây giờ và mãi mãi Chúa vẫn hiện diện bên cạnh chúng ta để ban ơn cứu độ cho chúng ta" (CgvDt, số đặc biệt giáng sinh ’93)

IV. Gợi ý giảng

* 1. Quê hương thiên đàng và cuộc hành trình dương thế
Sách Tông đồ công vụ kể rằng khi Đức Giêsu từ từ lên trời thì các môn đệ ngước mắt trông theo, và cứ ngây ngất đứng nhìn về trời như thế, mãi cho đến khi có hai thiên thần từ đám mây hiện ra nhắc cho các ông thì các ông mới hoàn hồn trở lại. Tại sao các môn đệ ngây ngất như vậy ? Chắc hẳn là vì cảnh thiên đàng rất là hấp dẫn.
. Cũng như một lần kia, 3 tông đồ Phêrô, Gioan và Giacôbê cũng được thoáng thấy một chút vinh quang thiên đàng khi Đức Giêsu  biến hình trên núi. Ba ông đó cũng say sưa ngây ngất đến nỗi xin Chúa cho mình cất lều ở lại mãi trên ngọn núi đó.
. Còn Thánh Phaolô sau khi được Chúa cho ngất trí chiêm ngưỡng cảnh thiên đàng trong một khoảng khắc ngắn ngủi, đã mô tả lại kinh nghiệm ấy trong bức thư II gửi tín hữu Côrintô như sau "Mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe..."
. Ở Lộ Đức năm 1858, một người từ trời xuống là Đức Mẹ Maria đã hiện ra cho thánh nữ Bernadette. Sau đó thánh nữ đi tu. Một lần kia có một em bé đơn sơ hỏi thánh nữ "Thưa Ma sơ, Ma sơ đã được thấy Đức Mẹ, chắc là Đức Mẹ đẹp lắm nhỉ ?" Thánh nữ trả lời với em bé bằng một lời diễn tả cũng rất đơn sơ "Đẹp lắm con ạ, đẹp đến nỗi ai đã thấy được một lần thì chỉ mong chết để lại được thấy nữa".
. Còn ở Fatima năm 1917, Đức Mẹ hiện ra cho 3 em Luxia, Phanxicô và Giaxinta. 3 em đó cũng đơn sơ hỏi Đức mẹ "Thưa Bà, Bà ở đâu đến vậy ?" Đức Mẹ đưa tay lên cao và nói "Từ trời xuống". 3 em liền xin "Vậy xin Bà cho chúng con cũng được lên trời đi". Đức Mẹ mỉm cười đáp "Phanxicô và Giaxinta thì Ta sẽ cho về trời trong một ngày gần đây ; còn Luxia thì hãy chịu khó ở lại trần thế này một khoảng thời gian nữa. Kể từ ngày đó 2 em kia lúc nào cũng mơ ước tới ngày được lên trời. Dù sắp chết 2 em cũng chẳng chút lo sợ, lại còn mừng vì mình sắp được lên trời.
Đó là một vài tia sáng yếu ớt giúp chúng ta thoáng thấy một phần nào cảnh tượng thiên đàng. Những chứng nhân vừa kể chỉ thoáng thấy một vài tia sáng yếu ớt ấy là đã say sưa ngây ngất, chỉ muốn sớm chết đi để được hưởng thiên đàng, huống chi khi thực sự hưởng thiên đàng và hưởng trọn vẹn còn hạnh phúc ngất ngây đến chừng nào !
Khi về trời, Đức Giêsu đã hứa rằng Ngài về trời là để dọn chỗ cho chúng ta, thiên đàng hạnh phúc vô biên ấy sẽ là quê hương vĩnh viễn của chúng ta.
Thế nhưng không phải vì quê hương vĩnh viễn ấy của chúng ta hạnh phúc vô biên mà ta chỉ biết ngóng trông quê trời và sao lãng nhiệm vụ ở trần thế. Tất cả những chứng nhân vừa kể trên, sau một thoáng giây chiêm ngưỡng thiên đàng đều được nhắc nhở phải trở lại với nhiệm vụ trần thế :
. Hai thiên thần đã hiện ra từ đám mây nhắc nhở các môn đệ "Hỡi những người xứ Galilê sao còn mãi mê đứng đó nhìn trời, hãy trở lại Giêrusalem và bắt đầu nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng mà Chúa đã giao phó..."
. Còn 3 ông Phêrô, Gioan và Giacôbê, sau những giây phút say sưa trên núi Tabôrê, đã được Chúa thức tỉnh dẫn xuống núi để tiếp tục nhiệm vụ.
. Thánh nữ Bernadette, cũng như Nữ Tu Luxia sau khi được thấy Đức Mẹ thì được Đức Mẹ giao nhiệm vụ ở trần gian, Đức Mẹ còn cho biết trước ; chúng con sẽ phải đau khổ nhiều.
Nghĩa là làm sao ? Nghĩa là : Thiên đàng là quê hương vĩnh viễn của chúng ta, nhưng trần thế chính là con đường dẫn tới quê hương hạnh phúc đó. Chỉ đứng đó mà ngóng nhìn thiên đàng thì có lẽ không bao giờ ta tới thiên đàng được. Muốn tới được thiên đàng thì trước hết phải đi hết con đường dương thế bằng cách chu toàn những nhiệm vụ của mình ở đời này.
Trong khi chờ đợi tới ngày hưởng phúc Thiên Đàng, chúng ta vẫn còn phải tiếp tục sống ở trần gian này. Mà trần gian thì vẫn còn biết bao đau khổ : Khổ về vật chất như nghèo đói, bệnh tật ; khổ về tinh thần như ganh ghét hận thù đố kỵ nhau. Mà nguồn gốc của tất cả những khổ sở vật chất và tinh thần ấy là vì người ta còn tội lỗi, người ta còn chưa thực hành theo những Lời Chúa dạy. Chuẩn bị đi về quê trời là hết sức cố gắng góp phần xoá đi bớt những đau khổ đó ở trần gian như : chia sớt cho những người túng thiếu, chăm sóc những kẻ bệnh tật, ủi an những người đau khổ, hoà giải những kẻ bất thuận với nhau, giúp cho người ta tránh bớt tội lỗi, làm cho người ta biết Chúa và thực hành những Lời Chúa dạy.
"Hỡi những người xứ Galilê, sao còn cứ đứng đó mãi nhìn trời..." Khi các thiên thần nhắc cho các môn đệ trở về với nhiệm vụ hằng ngày, thì cũng là nhắc các ông làm những việc vừa kể trên. Những việc đó chính là nội dung của việc rao giảng Tin Mừng mà Đức Giêsu cũng đã căn dặn một lần nữa cho các môn đệ trước khi Người về trời "Chúng con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho nhân loại".
Trong ngày lễ Chúa Thăng Thiên, chúng ta đã để ra ít phút ngước nhìn lên quê trời để nhìn ngắm hạnh phúc vô biên mà Chúa sẽ ban cho chúng ta. Những phút đó thật là quý giá, là niềm vui, là nguồn an ủi, là sự khích lệ cho chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ không thụ động mãi mê chiêm ngắm hạnh phúc tương lai ấy. "Hỡi những người xứ Galilê, sao còn đứng mãi nhìn trời..." Chúa nhắc chúng ta hãy quay về với bổn phận của chúng ta trong cuộc hành trình nơi dương thế : Làm cho cuộc đời này bớt đau khổ hơn, giúp cho người đời biết thương nhau hơn, và góp phần cho cuộc sống này tươi đẹp hơn. Đó chính là bổn phận hiện tại của chúng ta trong khi chờ đến ngày ta được về quê trời hưởng hạnh phúc vô cùng với Chúa.

* 2. "Củng cố lời giảng bằng những dấu lạ kèm theo"
Việc loan Tin Mừng sẽ có sức thuyết phục hơn nếu có những dấu lạ kèm theo. Những dấu lạ này không hẳn là các phép lạ lớn lao, mà còn là cách sống có sức thu hút của chúng ta.


Thủ lãnh của một bộ tộc kia nằm hấp hối trên giường. Ông cho gọi ba người có thể thay thế ông và nói :
- Ta phải chọn một người kế tục. Các ngươi hãy leo lên đỉnh núi linh thiêng của chúng ta, và mang về cho bộ tộc một món quà quí giá nhất.
Người thứ nhất trở về đem theo một thỏi vàng lớn. Người thứ hai mang về viên ngọc vô giá. Còn người thứ ba trở về với hai bàn tay trắng. Hết sức ngạc nhiên, vị tù trưởng mới hỏi :
- Món quà quí giá của ngươi đâu ?
Người này điềm tĩnh trả lời :
- Khi tôi lên tới đỉnh núi, tôi thấy ở phía bên kia một vùng đất phì nhiêu màu mỡ, tại đó dân chúng có thể hưởng một cuộc sống sung túc tốt đẹp.
Người tù trưởng nói :
- Ngươi sẽ nối nghiệp ta. Ngươi đã mang về món quà quí giá nhất : Một viễn tượng tương lai tốt đẹp.
*
Đó cũng là viễn tượng Đức Giêsu mời gọi chúng ta đem lại cho thế giới qua bài Tin mừng hôm nay : "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật" (Mc.16,15)
Chúa về trời là về với Chúa Cha – Cuộc đời chúng ta là một cuộc hành trình, mà đích đến nằm ở phía bên kia. Trời là đích xa xôi nhưng chi phối những bước chân gần gũi. Những bước chân đi đến với anh em, những bước chân đi vào lòng thế giới, những bước chân đi loan báo Tin mừng.
- Tin mừng chính là Thiên Chúa yêu thương con người.
- Tin mừng chính là ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ.
- Tin mừng chính là có Chúa cùng hoạt động với những dấu lạ kèm theo.
Vậy người tín hữu Kitô không chỉ ngước mắt nhìn trời, nhưng hăng say đi loan báo Tin mừng, vì trái đất còn mênh mông những đồng lúa chín vàng.
Chúa về trời, nên Người đã mượn miệng lưỡi chúng ta để rao giảng, mượn đôi tay chúng ta để thi ân, mượn đôi chân chúng ta để đi đến với người cùng khổ.
Chúa về trời nhưng người vẫn hiện diện và hoạt động trong cuộc sống chứng nhân của mỗi người tín hữu.
Chúa về trời, nhưng Người vẫn thực hiện những dấu lạ trong cuộc đời những con người biết sống tận tình cho tha nhân.
Chúa về trời, nhưng Người vẫn canh cánh bên lòng một ước mơ : "Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha ban cho con cũng sẽ ở đấy với con" (Ga.17,24).
Đã ước mơ thì lúc nào cũng nghĩ tới điều mình mơ ước. Nếu Chúa đã ước mơ ở cùng chúng ta trên trời thì bao lâu chúng ta chưa về trời với Chúa, là bấy lâu trong lòng Chúa còn hình bóng chúng ta.
Đã ước mơ bao giờ cũng mong đạt được điều mơ ước. Nếu Chúa đã mong chúng ta có mặt nơi Chúa ngự, thì không lẽ gì chúng ta không hiện diện ở đó.
*
Lạy Chúa, con đường lên trời là con đường hẹp, con đường về trời là con đường yêu thương. Xin cho tất cả mọi nẻo đường chúng con đi, đều dẫn chúng con về quê trời. Ước gì qua cuộc sống chúng con, người ta nhận ra Nước Trời đang tỏ hiện. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

* 4. Những cách giảng đạo
Ngày xưa, một đạo sĩ gọi 6 người đệ tử của mình lại và bảo họ hãy đi khắp nơi chiêu mộ môn đệ. Một thời gian sau, tất cả đều trở về.
- Người thứ nhất trở về với 500 môn đệ. Khi được hỏi bằng cách nào anh chiêu mộ được số môn đệ đông như thế, anh trả lời : "Con rảo khắp mọi nơi nghèo nàn và hứa sẽ chu cấp mọi nhu cầu cần thiết cho ai theo đạo của chúng ta"
- Người thứ hai đem về 400 môn đệ. Anh nói : "Con hứa ai theo đạo thì sẽ được phúc thiên đàng".
- Người thứ ba đem về 300 môn đệ. Anh nói : "Con đe dọa rằng nếu ai không theo đạo thì sẽ bị phạt trong hỏa ngục. Thế nhưng người ta không tin lắm. Cho đến một hôm con đã nguyền rủa một con chó điên khiến nó chết liền tại chỗ. Thấy thế những người này đã theo con".
- Người thứ tư đem về 200 môn đệ. Anh nói : "Con tìm đến những người đơn sơ ít học và dùng nhiều lý luận khiến họ say mê và đi theo".
- Người thứ năm đem về 100 môn đệ. Anh nói : "Đây là những người trẻ. Họ đang chờ một người lãnh đạo họ. Con đã thuyết phục họ đi theo con và họ đã theo. Con nghĩ rằng nếu mình không chiêu mộ họ thì cũng có những messia giả đến chiêu dụ họ mà thôi".
- Người thứ sáu chỉ đem về 12 môn đệ. Anh giải thích : "Con không thể gieo những hạt giống ngay mà phải chờ, vì đang là mùa đông, phải đợi đến lúc tuyết tan thì đất mới mềm và gieo mới được. Thế là con chờ. Đang lúc chờ như thế, con kết bạn với một số người. Con cố gắng sống cho họ thấy cách sống của đạo chúng ta. Và con cũng chia xẻ cuộc sống của họ. Đang khi chia xẻ cuộc sống như thế, con khám phá rằng họ rất coi trọng tự do đến nỗi nếu tước mất tự do của họ thì cũng là tước đi phẩm giá của họ. Con cũng học được nơi họ những điều tốt, chẳng hạn họ rất quảng đại và không sợ hy sinh. Con thành thật nói cho họ biết cái giá phải trả nếu muốn theo đạo chúng ta, nhưng con nhấn mạnh rằng nếu họ theo đạo chúng ta thì họ có thể làm được nhiều điếu tốt cho tha nhân và cho Thiên Chúa. Xem ra những điều con nói đã làm họ cảm động. Tuy nhiên khi đến lúc phải quyết định thì chỉ có 12 người này chịu theo con".
Vị đạo sĩ khen người thứ sáu này.
Năm người trước đã giảng đạo bằng cách khai thác sự yếu đuối và sợ hãi của người ta. Những cách đó thật quá dễ, nhưng lại xâm phạm đến tự do nên người ta có theo đạo cũng vì miễn cưỡng. Còn người thứ sáu thì biết kêu gọi thiện chí bằng cách kết bạn với người ta và thuyết phục họ bằng chính gương sống của mình. Cách này tuy chậm và khó nhưng kết quả sẽ vững chắc và lâu bền. (Viết theo Flor McCarthy)

* 5. Chúng ta là dụng cụ Chúa dùng
"Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc", đó là mệnh lệnh của Chúa khi Ngài từ biệt chúng ta.
Bây giờ Ngài không còn có ai trên thế gian ngoài chúng ta.
Ngài không còn tay để nâng người sa ngã ngoài tay của chúng ta.
Ngài không còn chân để đi tìm kẻ hư mất ngoài chân của chúng ta.
Ngài không còn mắt để nhìn những giọt lệ khổ đau âm thầm ngoài mắt của chúng ta.
Ngài không còn lưỡi để an ủi kẻ buồn sầu ngoài lưỡi của chúng ta.
Ngài không còn trái tim để yêu thương những người không được yêu thương ngoài trái tim của chúng ta.
Lạy Chúa xin thương xót chúng con là những môn đệ nhút nhát và sợ sệt của Chúa. Xin ban cho chúng con lòng can đảm để làm chứng cho Chúa giữa thế gian, hầu Tin Mừng được rao giảng và người ta tìm được đường vào Nước của Chúa. (Flor McCarthy)

* 6. Loan Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo
Trong bài Tin Mừng này, có một câu mà nếu đọc kỹ từng lời thì ý nghĩa rất lạ. Đức Giêsu bảo "Hãy loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo".
- "Thọ tạo" nghĩa là được Thiên Chúa tạo dựng nên. Mọi loài thọ tạo là tất cả những gì đã được Thiên Chúa tạo dựng nên. Không phải chỉ là loài người, mà còn là loài động vật, loài thực vật, đất đai, sông núi, bầu trời, tinh tú… Tóm lại là tất cả.
- Trong tất cả mọi loài đó, chỉ có loài người là vừa nghe vừa hiểu vừa cảm được. Cho nên loan báo Tin Mừng cho loài người thì có thể. Còn loan báo Tin Mừng cho những loài khác, thì làm sao mà làm được ? Tôi nghĩ ra rằng tuy những loài ấy không thể đón nhận Tin Mừng theo cách của loài người đón nhận, nhưng chúng cũng có thể hưởng nhờ lợi ích của những giá trị Tin Mừng. Chính vì thế mà có những lời hô hào làm đẹp thiên nhiên, bảo vệ sinh vật, giữ sạch bầu khí quyển v.v.
- Rốt cuộc, loan báo Tin Mừng mang một chiều kích rất bao la. Loan báo Tin Mừng là sống vui bằng niềm tin của mình giữa mọi người khác, giữa thiên nhiên và giữa vũ trụ ; đồng thời làm cho tất cả chung quanh mình đều tốt đẹp, vui tươi.

V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, mầu nhiệm Đức Giêsu về trời được tôn vinh bên Chúa Cha, luôn luôn là điều khích lệ và nâng đỡ cho mọi Kitô hữu còn đang tại thế. Chúng ta cùng nhau dâng lên Chúa những lời nguyện sau đây :

1. Chúng ta cầu xin Chúa cho mọi người Kitô hữu / biết luôn làm vinh danh Đức Giêsu Phục sinh / trong khi thì hành những trách nhiệm trần thế nơi gia đình và xã hội.
2. Chúng ta cầu xin Chúa cho nhiều người trên thế giới / đang mất dần ý thức về Thiên Chúa hoặc cố tình dửng dưng với Thiên Chúa / được nhận biết Thiên Chúa là Cha và là nguồn hạnh phúc của họ.
3. Chúng ta cầu xin Chúa cho nhiều anh chị em chung quan chúng ta / đang gặp nhiều khó khăn thử thách trong việc xây dựng đời sống cá nhân, gia đình và xã hội / được luôn kiên trì và hy vọng rằng / Đức Giêsu Phục sinh và lên trời là bảo đảm cho hạnh phúc thật của họ.
4. Chúng ta cầu xin Chúa cho nhiều anh chị em chung quanh chúng ta / đang gặp nhiều khó khăn thử thách trong việc xây dựng đời sống cá nhân, gia đình và xã hội / được luôn kiên trì và hy vọng rằng / Đức Giêsu Phục sinh và lên trời là bảo đảm cho hạnh phúc thật của họ.
5. Chúng ta cầu xin Chúa cho cộng đồng xứ đạo chúng ta đã tin Đức Giêsu Phục sinh về trời / thì cũng luôn sống theo niềm tin đó / để cũng được sống lại và lên trời như Chúa.

Chủ tế  : Lạy Chúa là Cha toàn năng, Chúa đã cho Đức Giêsu Kitô phục sinh và về trời, xin giúp chúng con biết sống theo lối sống của Người, để mai sau cũng được hưởng vinh quang với Người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

VI. Trong Thánh lễ
- Kinh Tiền Tụng riêng cho lễ Thăng Thiên
- Trước kinh Lạy Cha : Đức Giêsu phục sinh đang ở bên cạnh Chúa Cha để làm trung gian cho chúng ta. Chúng ta hãy nhờ Ngài và với Ngài dâng lên Chúa Cha lời kinh Lạy Cha.
- Trước lúc rước lễ : Chúng ta sắp rước Đức Giêsu vào lòng. Hãy xin Ngài thêm sức giúp chúng ta chu toàn sứ mạng Ngài trối lại cho chúng ta tiếp nối. "Đây Chiên Thiên Chúa…"

VII. Giải tán
Hôm nay Đức Giêsu lặp lại với anh chị em lời Ngài đã bảo các môn đệ ngày xưa : "Anh em hãy đi đến với muôn dân…", "Anh em hãy làm chứng cho Thầy". Chúc anh chị em bình an.

Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI


Lectio Divina: Lễ Thăng Thiên (B)

Chúa Nhật, 17 Tháng 5, 2015
“Đi khắp thế gian; rao giảng Tin Mừng!”
Chúa sống ở giữa chúng ta!   
Mc 16:15-20

1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Phần Phụng vụ ngày lễ Thăng Thiên giới thiệu chúng ta cảnh nơi Chúa Giêsu xuất hiện với các môn đệ và trao cho các ông sứ vụ đi khắp thế gian để rao giảng Tin Mừng.  Văn bản của Phúc Âm Máccô (Mc 16:9-20) là đoạn cuối của phần phụ lục của sách Tin Mừng (Mc 16:15-20).  Chúng ta khai triển phần bình giải ngắn gọn để bao gồm toàn bộ phần phụ lục.  Trong khi đọc, chúng ta cần phải chú ý đến điểm sau đây:  “Chúa Giêsu hiện ra với ai, các khía cạnh khác nhau của sứ vụ là gì và những dấu chỉ sự hiện diện của Chúa trong cộng đoàn là gì?      
b)  Phân đoạn để trợ giúp cho bài đọc:
Mc 16:9–11:  Chúa Giêsu hiện ra với bà Maria Mađalêna.
Mc 16:12–13:  Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ.
Mc 16:14–18:  Chúa Giêsu hiện ra với nhóm mười một môn đệ và ban cho các ông một sứ vụ.
Mc 16:19–20: Chúa Giêsu lên trời trước sự chứng kiến của các môn đệ.  

c)  Phúc Âm:
9 Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mađalêna, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. 10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. 11Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.
12 Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. 13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.
14 Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa.  Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy.  Và Chúa Giêsu phán với các ông: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật. 16 Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. 17 Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, 18 cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh".
19 Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời rao giảng bằng những phép lạ kèm theo.  Amen.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

a)  Điều gì trong đoạn Tin Mừng đã làm bạn hài lòng nhất hay là tạo sự chú ý của bạn nhất?  Tại sao?
b)  Chúa Giêsu chứng tỏ cho ai thấy là Người đang sống và họ đã phản ứng ra sao?          
c)  Trong văn bản này, ai là người có khó khăn lớn nhất trong việc tin vào sự sống lại?
d)  Như thánh Phaolô nói:  “Thiên Chúa đã đem chúng ta cùng sống lại với Chúa Kitô… và cho chúng ta một nơi với Người trên trời” (Êp 2:6).  Điều khẳng định này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa Chúa Lên Trời như thế nào?
e)  Các dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa cộng đoàn là gì?  Ý nghĩa của từng dấu hiệu là gì?
f)  Ngày nay, đâu là những dấu hiệu tốt nhất để thuyết phục người ta về sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta?


5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề.

i)  Bối cảnh:

Phần phụ lục của Tin Mừng Máccô cung cấp một bản danh sách các cuộc hiện ra của Chúa Giêsu (Mc 16:9-12).  Có những danh sách khác nhưng chúng không luôn luôn trùng hợp.  Danh sách mà thánh Phaolô đưa ra trong thư gửi tín hữu Côrintô thì thật là khá khác nhau (1Cr 15:3-8).  Những khác biệt này cho thấy rằng vào lúc ban đầu, các Kitô hữu không phải lo ngại về việc mô tả hay chứng minh về sự sống lại.  Đối với họ, niềm tin vào sự phục sinh rất là sinh động và rõ ràng, không cần phải chứng minh điều đó.  Còn các cộng đoàn, sống và kiên trì trong rất nhiều thử thách và sự bách hại từ đế chế La Mã, là bằng chứng sống về sự thật của sự phục sinh.       

ii)  Lời bình giải về đoạn Tin Mừng:

a)  Mc 16:9-11:  Chúa Giêsu hiện ra với bà Maria Mađalêna, nhưng các môn đệ không tin bà.
Chúa Giêsu hiện ra đầu tiên với bà Maria Mađalêna và bà loan báo điều này với các môn đệ.  Để nhập thể vào thế gian, ước muốn của Thiên Chúa phụ thuộc vào tiếng xin vâng của Đức Maria thành Nagiarét (Lc 1:38).  Để được công nhận như Đấng Hằng Sống ở giữa chúng ta, ý muốn của Người phụ thuộc vào lời của bà Maria Mađalêna là kẻ đã được Chúa trừ cho khỏi bảy quỷ ám.
Thánh Máccô nói rằng Chúa Giêsu xuất hiện lần đầu tiên với bà Maria Mađalêna. Về điều này, ông đồng ý với ba Thánh Sử kia (xem Mt 28:9-10; Ga 20:16; Lc 24:9-11).  Nhưng trên danh sách những lần hiện ra trong Thư gửi tín hữu Côrintô (1Cr 15:3-8), không có lời nào đề cập đến bất kỳ sự xuất hiện nào với những người phụ nữ.  Các Kitô hữu tiên khởi đã thấy khó mà tin được lời chứng của những người phụ nữ.

b)  Mc 16:12-13:  Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ. 
Câu chuyện của Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ khi họ đang trên đường đi về miền quê có thể là một ám chỉ đến việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ từ Emmau là những người khi trở về, chia sẻ kinh nghiệm của họ về sự sống lại với “Nhóm Mười Một và các bạn hữu của họ” (Lc 24:33-34).  Chỉ có ở đây, Máccô khác với Luca bởi vì những người khác không tin vào lời chứng của hai môn đệ này.

c)  Mc 16:14:  Chúa Giêsu quở trách Nhóm Mười Một vì họ cứng lòng tin.
Cuối cùng Chúa Giêsu hiện ra với Nhóm Mười Một môn đệ đang khi các ông dùng bữa và khiển trách các ông bởi vì các ông đã không tin những người đã trông thấy Chúa sống lại.  Đây là lần thứ ba, Máccô nhắc đến sự cứng lòng của các môn đệ không tin vào lời chứng của những người đã được gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh. Tại sao Máccô lại nhấn mạnh quá nhiều đến việc ngờ vực của các môn đệ?  Có lẽ là để giảng dạy cho hai điều.  Thứ nhất, đức tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh được truyền đạt qua lòng tin của những người làm chứng.  Thứ hai, người ta không cần phải từ bỏ niềm hy vọng khi mà lòng nghi ngờ hoặc bối rối dấy lên trong tim người ấy.  Ngay cả Nhóm Mười Một cũng đã có những hoài nghi!   

d)  Mc 16:15-18:  Những phép lạ đi chung với việc loan báo Tin Mừng.  
Chúa Giêsu lập tức trao sứ vụ đi rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật.  Điều kiện cho bất cứ ai muốn được cứu rỗi là:  tin tưởng và chịu phép rửa.  Đối với những ai có can đảm tin vào Tin Mừng và chịu phép rửa, Chúa hứa hẹn những phép lạ sau đây:  (1) họ sẽ trừ quỷ, (2) họ sẽ nói được các tiếng lạ, (3) họ sẽ cầm rắn trong tay, (4) nếu họ uống phải chất độc, thì cũng không bị hề hấn gì, (5) họ sẽ đặt tay trên những người bệnh và bệnh nhân sẽ được lành mạnh.  Những phép lạ này vẫn còn xảy ra ngay cả ngày nay.   

*  Trừ quỷ:  là để chiến đấu chống lại quyền lực của sự dữ bóp nghẹt sự sống.  Đời sống của nhiều người đã được cải thiện kể từ khi họ gia nhập vào cộng đoàn và đã bắt đầu cuộc sống Tin Mừng về sự hiện diện của Thiên Chúa.  Bằng cách tham gia vào đời sống cộng đoàn, họ xua trừ ma quỷ khỏi cuộc đời họ.
*  Nói được các thứ tiếng lạ:  là bắt đầu thông tri với những người khác theo một phương cách mới.  Thỉnh thoảng chúng ta gặp một người nào đó mà chúng ta chưa hề gặp bao giờ, nhưng lại dường như chúng ta đã quen biết nhau từ lâu rồi.  Điều này bởi vì chúng ta nói cùng một ngôn ngữ của tình yêu thương.
*  Cầm rắn trong tay và khắc phục chất độc:  có rất nhiều thứ mà chất độc sống cùng.  Rất nhiều những chuyện ngôi lê đôi mách đã phá vỡ những mối quan hệ. Những người sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa có thể khắc phục được điều này và không bị ảnh hưởng bởi chất độc chết người ấy.
*  Chữa lành người bệnh:  bất cứ nơi nào chúng ta có một nhận thức rõ ràng về sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ tìm thấy sự săn sóc ân cần cho những kẻ bị loại trừ và bị thiệt thòi, đặc biệt là các bệnh nhân.  Điều khiến cho sức khỏe phục hồi hữu hiệu nhất là sự chào đón và ân cần chăm sóc. 

e)  Mc 16:19-20:  Qua cộng đoàn, Chúa Giêsu tiếp tục sứ vụ của mình.
Ở miền Palestine, Đức Giêsu đã đón tiếp người nghèo khó và mặc khải cho họ về tình yêu của Chúa Cha, cũng giống như Chúa Giêsu bây giờ tiếp tục hiện diện ở giữa chúng ta, trong cộng đoàn chúng ta.  Qua chúng ta, Chúa tiếp tục sứ vụ của mình về mặc khải Tin Mừng của tình yêu Thiên Chúa cho người nghèo khó.  Cho đến ngày nay, sự sống lại vẫn xảy ra.  Không một quyền lực trần thế nào có thể vô hiệu hóa được sức mạnh đến từ niềm tin vào sự sống lại (Rm 8:35-38).  Một cộng đoàn muốn chứng kiến sự sống lại phải là một dấu hiệu của sự sống, phải chiến đấu chống lại quyền lực của sự chết.  Để cho thế gian có thể trở thành một nơi của sự sống, cộng đoàn phải tin rằng có đời sau.  Hơn hết cả, nơi mà sự sống người ta đang gặp nguy hiểm bởi vì một hệ thống của sự chết đang áp trị, cộng đoàn phải là một bằng chứng sống động của sự hy vọng để chinh phục thế gian, mà không sợ bất hạnh! 

iii)  Những điều biết thêm về Tin Mừng Máccô – những bất ngờ của Thiên Chúa:

Ngay từ khởi đầu, Tin Mừng Máccô đã khẳng định:  “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.  Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15).  Lời yêu cầu ban đầu này về việc hoán cải và đức tin, cho thấy nó là cánh cửa mà qua đó chúng ta có thể gặp gỡ Đức Giêsu và Tin Mừng của Thiên Chúa mà Người đem đến.  Không có con đường nào khác.  Đức tin đòi hỏi niềm tín thác vào Chúa Giêsu, vào Lời của Người, chấp nhận Người vô điều kiện.  Chúng ta được mời gọi không nên tự khép kín trong bất kỳ một danh xưng hay tước hiệu nào, bất cứ học thuyết hay phong tục nào, và giữ cho mình luôn sẵn sàng cho những sự bất ngờ của Thiên Chúa, điều này đòi hỏi một sự thay đổi liên tục.  Các danh xưng và tước hiệu, những học thuyết và phong tục, những tôn sùng và cầu xin thì giống như một tấm thẻ mà chúng ta đeo trước ngực để nhận dạng.  Thẻ này quan trọng bởi vì nó giúp chúng ta và hướng dẫn chúng ta khi cần thiết để gặp được người chúng đang tìm kiếm.  Nhưng khi đã gặp rồi, thì chúng ta không nhìn vào thẻ nữa, mà nhìn vào mặt!  Rất thường, khi chúng ta gặp được người chúng ta tìm kiếm, người ấy lại khác hẳn so với những gì chúng ta tưởng tượng từ trước.  Cuộc gặp gỡ luôn luôn mang lại những bất ngờ!  Cuộc gặp gỡ của chúng ta với Thiên Chúa trong Đức Giêsu còn nhiều bất ngờ hơn nữa.  Trong suốt quyển Tin Mừng của Máccô, có nhiều điều bất ngờ cho các môn đệ và những điều này xảy ở nơi mà các ông không mong đợi nhất:   
*  Từ một người ngoại giáo cho Phêrô một bài học bởi vì ông ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong người đang bị đóng đinh (Mc 15:39);
*  Từ người góa phụ nghèo đã dâng cúng tất cả những gì bà có để chia sẻ với những người khác (Mc 12:43-44);
*  Từ một người mù đã làm phiền các môn đệ bằng cách kêu lên và thậm chí không có một tín ngưỡng nhất định (Mc 10:46-52);
*  Từ những kẻ thiệt thòi thấp kém, nhưng là những người tin vào Đức Giêsu (Mc 9:42);
*  Từ những người dùng danh thánh Chúa Giêsu trừ quỷ nhưng không thuộc về “Giáo Hội” (Mc 9:38-40);
*  Từ một người phụ nữ vô danh làm chướng tai gai mắt các môn đệ vì phong cách hành động của cô ta (Mc 14:3-9);
*  Từ một người cha trong gia đình đã phải vác phụ cây thập giá và trở thành người môn đệ mẫu mực (Mc 15:21);
*  Từ ông Giuse xứ Arimathê là người bất chấp mọi nguy hiểm mà xin xác Chúa Giêsu đem đi mai táng (Mc 15;43);
*  Từ những người phụ nữ, vào thời ấy không thể được xem là những chứng nhân chính thức nhưng đã được chọn bởi Chúa Giêsu như những nhân chứng thành thạo về sự phục sinh của Người (Mc 15:40,47; 16:6,9-10).

Nói tóm lại:  Mười hai môn đệ, những người được Chúa Giêsu gọi cách đặc biệt (Mc 3:13-19) và được Chúa sai đi trong một sứ vụ (Mc 6:7-13), đã thất bại.  Phêrô chối Chúa (Mc 14:66-72), Giuđa phản bội Thầy (Mc 14:44-45) và tất cả đã trốn chạy (Mc 14:50).  Nhưng chính thông qua những lỗi phạm của các ông để cho thấy sức mạnh đức tin của những người khác là những kẻ không thuộc về nhóm mười hai đã được chọn.  Cộng đoàn, Giáo Hội, phải nhận thức rõ ràng rằng họ không sở hữu Chúa Giêsu cũng như họ không sở hữu tất cả các tiêu chuẩn hành động của Thiên Chúa ở giữa chúng ta.  Chúa Giêsu không thuộc về chúng ta, nhưng chúng ta, cộng đoàn, Giáo Hội, thuộc về Chúa Giêsu, và Đức Giêsu là Thiên Chúa (1Cr 3:23).  Điều ngạc nhiên lớn nhất hơn hết là sự sống lại!

6.  Thánh Vịnh 27 (26)                                                                                                  
Lòng can đảm sinh ra đức tin
CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ người nào?
CHÚA là thành lũy bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa?

Khi ác nhân xông vào, định nuốt sống thân tôi,
ai ngờ chính đối phương, chính những thù địch ấy,
lại lảo đảo té nhào.

Dù cả một đạo quân vây đánh, lòng tôi chẳng sợ gì.
Dù có phải lâm vào chiến trận, tôi vẫn cứ cậy tin.
Một điều tôi kiếm tôi xin,
là luôn được ở trong đền CHÚA tôi
mọi ngày trong suốt cuộc đời,
để chiêm ngưỡng CHÚA tuyệt vời cao sang,
ngắm xem thánh điện huy hoàng.

Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn,
Người che chở tôi trong lều thánh,
đem giấu tôi thật kín trong nhà,
đặt an toàn trên tảng đá cao.

Nên giờ đây tôi ngẩng đầu đắc ý,
nhìn quân thù vây bủa chung quanh.
Tôi sẽ dâng lễ tế trong thánh điện,
lễ tạ ơn, nhã nhạc vang lừng,
tôi sẽ đàn ca mừng kính CHÚA.

Lạy CHÚA, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu,
xin thương tình đáp lại.
Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan.
Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Ngài,

Xin Ngài đừng ẩn mặt.
Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy,
chính Ngài là Đấng phù trợ con.
Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi,
lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con.
Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa,
thì hãy còn có CHÚA đón nhận con.

Xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy CHÚA,
dẫn con đi trên lối phẳng phiu,
vì có những người đang rình rập.
Xin đừng phó mặc con cho kẻ thù hung hãn,
vì lũ chứng gian đứng dậy tố con,
giương bộ mặt hằm hằm sát khí.

Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống!
Hãy cậy trông vào CHÚA, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!
Hãy cậy trông vào CHÚA.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét