Trang

Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020

01-03-2020 : (phần II) CHÚA NHẬT I MÙA CHAY năm A


01/03/2020
 Chúa Nhật 1 Mùa Chay năm A
(phần II)


Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật I Mùa Chay A
St 2,7-9;3,1-7; Rm 5,12.17-19; Mt 4,1-11
LUÔN CHỌN THIÊN CHÚA
“Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi
và chỉ phụng sự một mình Ngài”
 
(Mt 4,10)

I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – St 2,7-9;3,1-17
Ý tưởng đầu tiên mà đoạn sách Sáng Thế muốn trình bày đó là lời khẳng định: con người và sự sống của con người là do chính Thiên Chúa sáng tạo nên. Sự sống nơi con người còn được Thiên Chúa duy trì bằng việc Ngài cho họ được sống trong vườn Eden. Hơn thế, lệnh truyền không được ăn quả của cây ‘biết lành biết dữ’ cho thấy Thiên Chúa còn ban cho con người quyền tự do để chọn lựa: vâng phục hay bất tuân phục Ngài. Điều này làm cho con người trở nên ‘giống hình ảnh Thiên Chúa’ hơn mọi loài thụ tạo khác mà Thiên Chúa đã dựng nên.
Nhưng dường như con người vẫn chưa hài lòng với thân phận ‘giống hình ảnh Thiên Chúa’ này, khát vọng sâu xa luôn đeo bám kiếp phàm trần của con người là muốn ‘biết thiện ác như thần thánh’. Và Satan đã khai thác triệt để khát vọng này của con người để từng bước dẫn họ đi tới chỗ bất tuân phục Thiên Chúa bằng một cơn cám dỗ với những lý luận sắc bén.
Khi Satan đã cố gắng khoét sâu vào khát vọng ‘biết thiện ác như thần thánh’ của con người để đẩy họ tới chỗ phải đạt được điều này bằng mọi giá, thì ngay lúc ấy con người đã rơi vào đúng cái bẫy mà Satan muốn giăng ra: họ quyết định bất tuân lệnh Thiên Chúa.
2. Bài đọc II – Rm 5,12.17-19
Thánh Phaolô cho thấy sự khác biệt và đối nghịch giữa Ađam, người đã phạm tội dẫn tới sự chết, và Ađam mới là Chúa Giêsu, Đấng đã chấp nhận chết để ban ơn sủng là sự sống viên mãn cho muôn người.
Vì bất tuân phục Thiên Chúa mà Ađam đã sa ngã mà phạm tội và qua đó để cho tội lỗi xâm nhập trần gian. Hậu quả của tội lỗi chính là cái chết mà không ai có thể tránh khỏi vì họ đều mang thân phận yếu đuối. Quả vậy, mọi người sinh ra đều mang trong mình bản chất mỏng dòn, mong manh trước sức mạnh cám dỗ của tội lỗi. Như thế, Ađam chính là căn nguyên và là hình ảnh của nhân loại yếu đuối, tự sức mình không thể thoát khỏi sức mạnh cám dỗ của tội lỗi và hậu quả chính là sự thống trị của sự chết trên trần gian. Tuy nhiên, Ađam yếu đuối, tội lỗi, hay chết cũng lại là hình ảnh loan báo Đấng sẽ đến (x. Rm 5,14).
Đức Giêsu Kitô dù cũng mang thân phận yếu đuối nhưng không hề phạm tội vì Người hoàn toàn tuân phục Thiên Chúa. Nhờ sự công chính của Người mà Thiên Chúa ban muôn vàn ân sủng dồi dào và cho con người được nên công chính, nghĩa là được sống (x. Rm 5,18). Như thế, nhờ hoàn toàn tuân phục Thiên Chúa, Đức Giêsu trở nên nguồn ân sủng và sự công chính làm cho muôn người được công chính hóa, nghĩa là thoát khỏi án phạt của tội lỗi mà được hưởng sự sống viên mãn.
Đứng trước sự yếu đuối, bất tuân và tội lỗi của con người, Thiên Chúa không bỏ rơi nhưng ban Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ để nhờ công phúc của Người, muôn người được cứu độ và được chia sẻ sự sống thần linh của Thiên Chúa.
3. Bài Phúc âm – Mt 4,1-11
Hình ảnh Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn vào hoang địa để chịu cám dỗ bởi ma quỷ đã đặt Chúa Giêsu vào một hoàn cảnh phải chọn lựa: hoặc Thiên Chúa hoặc ma quỷ, hoặc trung tín hoặc bất tín, hoặc sự thiện hoặc sự ác.
Satan ở đây cũng cùng một cách thức đã thực hiện đối với nguyên tổ Adam-Evà, tìm kiếm nhu cầu thâm sâu và chính đáng nhất của con người, khoét sâu vào nhu cầu đó để dẫn họ đến quyết định bất tuân phục Thiên Chúa. Điều đặc biệt hơn trong lần này là: ma quỷ còn kết hợp cả với sự nghi ngờ về căn tính ‘Con Thiên Chúa’ nơi Đức Giêsu để cám dỗ Ngài.
a. Cám dỗ thứ nhất
- Nhu cầu: Chúa Giêsu đang cảm thấy đói
- Cám dỗ: nếu là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá thành bánh
- Lý luận của Chúa Giêsu: không chỉ có cơm bánh nhưng sự sống của con người còn nhờ vào Lời Chúa
b. Cám dỗ thứ hai
- Nhu cầu: sự thái quá hay bất cập nơi lòng tín thác của con người
- Cám dỗ: tách lời Chúa trong Tv 91,12 ra khỏi văn mạch (những ai nương tựa và núp bóng Thiên Chúa, chắc chắn sẽ được Ngài che chở giữ gìn - x. Tv 91,1) để biến thành một lời cám dỗ: nếu là con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi, Chúa sẽ che chở giữ gìn!
- Lý luận của Chúa Giêsu: Chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi (Đnl 6,16)
c. Cám dỗ thứ ba
- Nhu cầu: tất cả các nước và vinh hoa phú quý
- Cám dỗ: được tất cả để chỉ phải làm một điều: bái lạy ma quỷ
- Lý luận của Chúa Giêsu: ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi, và phải thờ phượng một mình Người (Đnl 6,13).
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. ‘Ngày nào các ngươi ăn trái cây ấy… các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh.’ Cơn cám dỗ muốn giống như Thiên Chúa để có khả năng tự mình phân định tốt xấu, đúng sai đã dẫn Nguyên tổ đi tới chỗ bất tuân phục Thiên Chúa. Cơn cám dỗ ấy vẫn còn nguyên giá trị cho con người thời đại: khát vọng sống một thế giới mà ‘Thiên Chúa đã chết’, một thế giới không còn bóng dáng của Thiên Chúa, một thế giới mà con người trở nên thiên chúa của chính mình vẫn luôn là một cám dỗ thật hấp dẫn cho mỗi người chúng ta hôm nay.
2. ‘Nhờ sự tuân phục của một người duy nhất, mà muôn người sẽ được trở nên công chính.’ Thánh Phaolô muốn nhấn mạnh: nếu sự tuân phục của Chúa Giêsu thật quan trọng bao nhiêu thì sự bất tuân phục của nguyên tổ thật nghiêm trọng dường nào. Như thế thái độ tuân phục Thiên Chúa và thi hành giới luật của Ngài chính là chìa khoá làm cho người Kitô hữu trở nên công chính. Mùa chay chính là thời gian thuận tiện để mỗi chúng ta thực thi thái độ tuân phục này một cách trọn hảo.
3. ‘Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi và phải thờ phượng một mình người mà thôi.’ Nếu ‘bái lạy chỉ một mình Thiên Chúa’ chính là thái độ nền tảng của dân giao ước, thì ‘bái lạy chỉ một mình Thiên Chúa’ cũng là một thách đố khôn nguôi cho những ai xưng mình là dân riêng của Ngài. Lịch sử cứu độ cho thấy không ít lần dân Israel đã rời bỏ Thiên Chúa để bái lạy những vị thần khác chỉ vì một ít thỏa mãn thấp hèn và chóng qua. Trong Sứ điệp mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha lưu ý: “Nếu chúng ta nghe theo tiếng nói quyến rũ của “cha kẻ dối trá” (Ga 8,44), chúng ta có nguy cơ rơi vào vực thẳm vô nghĩa, và sống cảnh địa ngục ngay ở đây trên trái đất này” (số 1). Đây có phải là kinh nghiệm của chính mỗi người chúng ta trong cuộc sống hiện tại ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tếAnh chị em thân mến! Mùa Chay thánh là thời gian thuận tiện để thanh luyện và củng cố đời sống kitô hữu, qua việc hoán cải trở về sống thân tình với Thiên Chúa và hiệp thông với anh chị em. Với ước muốn và quyết tâm sống trọn vẹn mùa Chay thánh, cộng đoàn chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:
1. “Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh luôn biết lắng nghe và hành động theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần hầu đứng vững trước mọi cám dỗ và khó khăn thử thách của thời đại.
2. “Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang cậy dựa vào tiến bộ khoa học nhằm chối bỏ hay loại trừ Thiên Chúa, được ơn khôn ngoan đích thực để nhận biết giới hạn của những thực tại trần thế mà đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa.
3. Sự chết là hậu quả do tội lỗi của con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu khi đối diện với dịch bệnh, biết ý thức sự mong manh của phận người, thành tâm sám hối tội lỗi của cá nhân hay tập thể, và quyết tâm thay đổi cuộc sống, luôn quy hướng về Thiên Chúa là cùng đích cuộc đời.
4. “Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi gia đình trong cộng đoàn chúng ta biết khích lệ nhau trong bổn phận thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất, luôn quan tâm giáo dục đức tin và nêu gương sáng cho thế hệ trẻ.
Chủ tếLạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhìn đến chúng con đang tin tưởng dâng lời cầu xin mà ban ân huệ Thánh Thần giúp chúng con gặt hái thật nhiều hoa trái thiêng liêng trong mùa Chay thánh này. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.


Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 1 Mùa Chay Năm A
CHỦ ĐỀ :
CHỌN LỰA

“Bấy giờ Đức Giêsu được Thánh Thần dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ”
(Mt 4,1)
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc 1 : Ngay khi vừa được tạo dựng, các nguyên tổ loài người đã được đặt trước một sự chọn lựa (cám dỗ) : hoặc làm con Thiên Chúa và làm theo ý Ngài, hoặc theo ý riêng để hòng “trở nên như Thiên Chúa”. Tiếc thay, nguyên tổ đã chọn theo ý riêng và đã phạm tội.
– Đáp ca : Lời nguyện sám hối của kẻ biết mình có tội “Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương, vì chúng con đắc tội với Ngài”.
– Bài Tin Mừng : Vừa bắt đầu sứ vụ công khai, Đức Giêsu cũng được đặt trước một chọn lựa căn bản : làm một Messia uy quyền hiển hách theo ý loài người, hay một Messia Tôi Tớ vâng ý Chúa Cha để chịu nạn chịu chết mà cứu chuộc nhân loại.
– Bài đọc 2 : Nhờ chọn vâng theo ý Chúa Cha, Đức Giêsu trở thành Ađam mới mang lại tương lai mới cho loài người : “Chỉ vì một người không vâng lời Thiên Chúa mà muôn người bị liệt vào hạng tội nhân, thì nhờ một người đã vâng lời Thiên Chúa mà muôn người cũng sẽ được kể là công chính”.

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Chúng ta đã bước vào mùa chay, mùa sám hối. Sám hối là quay về nếu như mình đã đi lạc. Thực ra, ngay từ đầu, nguyên tổ loài người đã đi lạc do đã chọn lựa sai : chọn ý riêng thay vì ý Chúa. Rất may là Đức Giêsu, Ađam mới, đã sửa lại cái sai đó : trong những cơn cám dỗ khi bắt đầu sứ vụ của Ngài, Ngài đã nhất quyết chọn làm theo ý Thiên Chúa.
Cuộc đời chúng ta cũng dệt bằng một chuỗi những chọn lựa. Hôm nay chúng ta hãy suy gẫm về sự chọn lựa của nguyên tổ và của Đức Giêsu. Chúng ta xin Chúa soi sáng và trợ lực để khi đứng trước những cám dỗ thường xuyên trong đời, chúng ta luôn biết chọn lựa như Đức Giêsu.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
– Chúng ta là con cái Thiên Chúa vì chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Ngài. Lẽ ra chúng ta phải luôn sống trước nhan Ngài và vâng phục thánh ý Ngài. Nhưng chúng ta lại thường làm ngược ý Ngài và sống như không có Ngài.
– Chúng ta là em của Đức Kitô. Lẽ ra chúng ta phải luôn ghi nhớ và làm theo Lời Ngài. Nhưng chúng ta thường quên Lời Ngài, nhất là khi đứng trước những cơn cám dỗ.
– Chúng ta có ý thức về thân phận tội lỗi của mình và quyết tâm chiến đấu với khuynh hướng ích kỷ, tham lam, kiêu ngạo, ươn lười của mình không ?
III. LỜI CHÚA
1.     Bài đọc Cựu Ước(St 2,7-9 3,1-17)
Đây không phải là một bài tả chân đúng y sự việc đã diễn ra, mà là một vỡ tuồng mà trong đó tác giả sử dụng nhiều hình ảnh tượng trưng để chuyển đạt những ý tưởng giáo lý về tình thương của Thiên Chúa, về cám dỗ, về quyền tự do chọn lựa của con người và hậu quả của sự chọn lựa ấy. Ta có thể coi bài tường thuật này như là một vở bi kịch, vở bi kịch đầu tiên trong lịch sử loài người.
Vở bi kịch gồm 3 màn :
– Màn 1 là tình thương của Thiên Chúa : Ngài đã dựng nên loài người từ hai yếu tố là vật chất (“bụi đất”) và thần linh (“hơi thở” của Ngài). Ngài lại còn ban cho con người một cuộc sống hạnh phúc (“vườn Êđen”).
– Màn 2 là cám dỗ : Satan (“con rắn”) khéo léo lái con người sang một hướng lệch lạc : không nhớ đến tình thương Thiên Chúa mà chỉ nghĩ đến sự cấm đoán của Ngài ; không thấy những ân huệ của Ngài mà lại nghĩ rằng Ngài ganh tị sợ con người bằng Ngài ; thay vì vâng lời Thiên Chúa thì lại làm theo ý riêng để tự mình “biết lành biết dữ”. Cám dỗ đã len vào con người qua các giác quan (mắt nhìn, miệng thèm, đưa tay hái).
– Con người được đặt trước một sự chọn lựa căn bản : hoặc làm con Thiên Chúa và vâng theo ý Ngài, hoặc “muốn bằng Thiên Chúa” nên theo ý riêng mình.
– Tiếc thay, nguyên tổ loài người đã chọn sai, gây hậu quả tai hại cho cả loài người.
2.                 Đáp ca: Tv 50
Thánh vịnh 50 là tiếng kêu van thống thiết của loài người con cháu nguyên tổ : ý thức thân phận tội lỗi của mình nhưng vẫn trông cậy vào tình thương xót thứ tha của Thiên Chúa.
3.                 Bài Tin Mừng(Mt 4,1-11)
Cũng là một vở kịch với những hình ảnh tượng trưng (“sa mạc” khô cằn đối lập với “vườn Êđen” xanh tươi, những hòn đá, mỏm núi cao, tháp đền thờ). Vở kịch này tương phản với vở đầu tiên và đi đến một kết thúc tốt đẹp.
– Sau tội nguyên tổ, thân phận loài người đổi thay hẳn : không sống trong vườn Êđen tươi mát mà phải sống trong sa mạc khô cằn.
– Cám dỗ vẫn đeo bám Đức Giêsu để xúi Ngài chọn sai : a/ chuộng những thứ vật chất thỏa mãn cho nhu cầu cuộc sống thân xác (bánh) mà bỏ quên lương thực nuôi dưỡng cuộc sống thần linh (Lời Chúa) ; đối với Thiên Chúa thì không chú ý vâng theo ý Ngài mà lại bắt Ngài phải chìu ý mình ; b/ không thờ phụng một mình Thiên Chúa nhưng lại tôn thờ những vinh hoa lợi lộc của thế gian.
– Đức Giêsu là Ađam mới đã cương quyết chọn vâng phục Thiên Chúa nên đã chiến thắng tất cả các cơn cám dỗ ấy.
4.                 Bài thánh thư (Rm 5,12.17-19)
Thánh Phaolô đã nhìn lại hai vở kịch ấy và rút ra kết luận : Đức Giêsu là Ađam mới mang lại một tương lai mới cho loài người : “Chỉ vì một người không vâng lời Thiên Chúa mà muôn người bị liệt vào hạng tội nhân, thì nhờ một người đã vâng lời Thiên Chúa mà muôn người cũng sẽ được kể là công chính”. Kết luận này khuyến cáo hãy coi chừng nguy hiểm lớn nhất là sự không vâng phục, đồng thời kêu gọi một người học theo gương Đức Giêsu luôn vâng phục thánh ý Thiên Chúa.
IV. GỢI Ý GIẢNG
1.     Chọn lựa
Một tục lệ : ngày thôi nôi của một đứa bé, người ta quen đặt trước mặt nó nhiều món đồ (thí dụ một cây viết, một cái cày nhỏ, một cây súng v.v.). Người ta hồi hộp xem nó chọn món nào và từ đó suy đoán về tương lai của nó (chọn cây viết : sẽ là nhà trí thức ; chọn cái cày : sẽ làm ruộng ; chọn cây súng : sẽ đi lính). Tuy hơi dị đoan, nhưng tục lệ này nói lên hai ý tưởng khá sâu sắc : a/ con người luôn phải lựa chọn ; b/ đã quen chọn thế nào thì sẽ tiếp tục chọn thế ấy. Người ta nói “cuộc sống là một chuỗi của lựa chọn”. Quen chọn đúng thì sống tốt, quen chọn sai thì sống xấu.
2.                 Nhìn thẳng vào thực tại cám dỗ
– Chúng ta đừng nuôi ảo tưởng về một thế giới mà mọi sự đều tốt lành. Thân phận con người là sống giữa thế gian mà trong đó thiện ác, lành dữ lẫn lộn.
– Chính vì thế, khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người, chính Chúa Thánh Thần đã dẫn Người vào sa mạc để đối diện với các cơn cám dỗ.
– Người ta sống tốt không phải bằng cách che mắt dấu mặt để khỏi nhìn thấy điều xấu, mà trái lại bằng cách nhìn thẳng vào điều xấu và chiến đấu để chiến thắng nó.
– Trong Mùa Chay, mỗi người hãy nhìn thẳng vào nội tâm mình. Không phải chỉ nhìn những mặt tốt, mà nhất là phải nhìn thẳng vào những mặt xấu, những thứ “tham, sân, si” đang âm thầm nhưng mãnh liệt khống chế mình.
– Và hãy nhìn vào cuộc chiến đấu của Đức Giêsu. Người đã thắng nhờ đâu ? Nhờ làm theo Lời Thiên Chúa và thực hiện thánh ý Thiên Chúa.
3.                 Tái lập bậc thang các giá trị
– “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh…” : Qua lời này, Chúa không bảo chúng ta đừng tìm cơm bánh, nhưng Ngài nhắc chúng ta đừng chỉ tìm cơm bánh.
– Bị quay cuồng trong cuộc sống vật chất, con người dễ bị cuốn hút theo vật chất : từ tình trạng quân bình dành mối quan tâm đồng đều cho những nhu cầu tinh thần và vật chất, chúng ta dần dần bị cám dỗ xén bớt phần tinh thần để vun đắp thêm cho phần vật chất, và cuối cùng chỉ còn có vật chất và vật chất.
– Mùa chay là khoảng thời gian thích hợp cho chúng ta lùi lại để có một khoảng cách sáng suốt mà nhận định lại các bậc thang giá trị đời mình, theo tiêu chuẩn mà Đức Giêsu đưa ra : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh mà còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.
– Những việc làm được Giáo Hội khuyến khích trong Mùa Chay cũng nhằm giúp chúng ta tái lập lại các bậc thang giá trị : tự ý giảm bớt ăn uống, làm chủ những khuynh hướng của mình, quan tâm tìm hiểu ý Chúa và lắng nghe Lời Chúa hơn v.v.
4.                 Ý muốn hướng dẫn hành động
– Ý muốn là động cơ và là sức mạnh. Bởi đó người ta nói “Ý lực”. Không có những hành động ngẫu nhiên vô tình. Mọi hành động đều đi theo sau một ý muốn dẫn dắt.
– Muốn điều đúng và tốt thì sẽ hành động đúng và cuộc đời sẽ tốt.
– Nhưng ý muốn riêng không hẳn là luôn luôn đúng và tốt. Bởi thế con cái còn khờ dại thì nên làm theo ý muốn của cha mẹ, học trò còn non kém thì tốt nhất nên theo ý hướng dẫn của thầy cô. Trong những trường hợp này, vâng lời trở thành con đường khôn ngoan nhất và tốt đẹp nhất.
– Ađam Evà đã theo ý của ma quỷ và theo ý riêng dẫn đến kết quả bi thảm cho cả loài người. Ngược lại Đức Giêsu dù là Con Thiên Chúa nhưng đã quyết luôn làm theo ý muốn của Chúa Cha và đã cứu chuộc loài người : “Chỉ vì một người không vâng lời Thiên Chúa mà muôn người bị liệt vào hạng tội nhân, thì nhờ một người đã vâng lời Thiên Chúa mà muôn người cũng sẽ được kể là công chính”.
5.                 Cám dỗ của Đức Giêsu và của chúng ta
Một cuốn phim đã làm xôn xao dư luận một thời (khoảng năm 1989) là phim “Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Kitô” (The last temptation of Christ), phỏng theo quyển tiểu thuyết cùng tên của nhà văn hy lạp Nikos Kazantzakis. Cuốn phim và quyển tiểu thuyết mô tả lúc Đức Giêsu bị treo trên thập giá. Ngài đã ngất đi và thấy mình rời bỏ thập giá để trở lại cuộc sống bình thường. Ngài đi tìm lại nàng Mađalêna, cưới nàng làm vợ. Sau đó Ngài lại tìm đến với hai chị em Matta và Maria và cũng cưới luôn hai người này. Ngài có rất nhiều con và sống rất hạnh phúc.
Báo chí và các đài phát thanh đưa tin rằng khi cuốn phim được trình chiếu lần đầu, những người có đạo đã đập phá rạp chiếu bóng tan tành, đến nỗi lần chiếu sau phải chiếu ở một rạp đặc biệt được cô lập bởi chung quanh toàn là nước để khỏi bị đập phá lần nữa.
Thực ra cốt chuyện cũng chẳng có gì xúc phạm cho lắm. Tuy tác giả có nói Đức Giêsu rời khỏi thập giá và cưới 3 người vợ, có nhiều con, nhưng đó chỉ là một cơn cám dỗ của Ngài mà thôi. Cuối cùng Ngài đã lắc đầu không theo cơn cám dỗ đó. Sau đó Ngài tỉnh lại vẫn thấy mình đang bị treo trên thập giá, và Ngài hô lớn một tiếng kêu chiến thắng “Thế là đã hoàn tất”, rồi Ngài tắt thở, hoàn tất đời mình trong tâm tình luôn trung thành với Chúa Cha. Trong đoạn mở đầu quyển tiểu thuyết của mình, Nikos Kazantzakis đã trình bày rõ ý hướng của ông : Ông tin Đức Giêsu vừa là Chúa vừa là người. Và ông muốn nhìn Ngài dưới khía cạnh làm người, vì thế ông đã tưởng tượng những cơn cám dỗ và những cuộc chiến đấu vô cùng cam go mà con người Giêsu đã phải đương đầu và đã anh dũng chiến đấu như thế nào. Mục đích là để càng thấy rõ hơn Đức Giêsu chính là mẫu mực cho con người chúng ta, để chúng ta cảm phục Ngài hơn và để khuyến khích chúng ta can đảm hơn trong khi chiến đấu với những cơn cám dỗ của chính chúng ta. Tác giả đã thổ lộ : “Trong khi viết, tôi đã cảm động đến phát khóc. Tôi chưa bao giờ cảm thấy máu của Chúa rơi từng giọt vào tim tôi với sự ngọt ngào như vậy, với nỗi đớn đau như vậy”.
6.                 Chuyện minh họa
Có 3 người mục tử, mỗi người coi sóc một đàn chiên.
Một đêm mùa đông vừa gió vừa mưa. Khi 3 người đang ngủ thì nghe có tiếng chó sói.
– Người thứ nhất tung chăn thức dậy định ra ngoài xem xét tình hình. Nhưng nghe tiếng mưa rơi gió rít, anh ngại ngùng và trở vào giường ngủ tiếp.
– Người thứ hai cũng thức dậy, mặc thêm quần áo mở cửa đi ra. Nhưng một đợt nước mưa quất ngay vào mặt anh làm anh bỏ ngay ý định ra ngoài. Anh cũng trở vào giường nằm xuống, kéo chăn đắp kín và ngủ tiếp.
– Người thứ ba cũng thức dậy, cũng mặc quần áo, và cũng ra ngoài. Dù gió lạnh, dù mưa ướt, anh vẫn cố chịu đựng, đi đến tận chỗ đàn chiên của anh để xem. Khi đã thấy chiên mình an toàn, anh mới trở vào nhà ngủ tiếp.
Trong 3 người đó, ai là người hiểu biết rõ nhất về sự khắt nghiệt của gió và mưa ? Dĩ nhiên là người thứ ba.
Cũng thế, người hiểu rõ nhất về cám dỗ là người đã chiến đấu và chiến thắng nó.
Vì vậy, nếu ta muốn học cách đương đầu với cám dỗ, đừng học với những kẻ tội lỗi, mà hãy học với những vị thánh.
Như trong các bài đọc hôm nay, chúng ta đừng học với dân Israel trong thời xuất hành ở sa mạc, mà hãy học với Đức Giêsu.
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến
Mùa Chay là thời gian thuận tiện để người kitô hữu sám hối tội lỗi và quay trở về với Chúa, vì Chúa không muốn cho người có tội phải chết, nhưng muốn họ sám hối ăn năn để được sống. Với quyết tâm xa lánh tội lỗi và đổi mới đời sống, chúng ta cùng tha thiết nguyện xin.
1- Ngày xưa / Chúa đã sai ngôn sứ Giona đến kêu gọi dân Ninivê ăn năn hối cải / Ngày nay Chúa cũng bảo Hội Thánh khuyên nhủ các kitô hữu sám hối lỗi lầm / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu / biết sống trọn vẹn tinh thần khắc khổ của Mùa Chay / để đền tội và tôi luyện xác hồn.
2- Miếng ăn / danh vọng / địa vị / tiền bạc / thú vui / nhiều khi làm đảo điên lòng người / băng hoại xã hội / xói mòn niềm tin / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người / đặc biệt là giới trẻ chưa có kinh nghiệm sống / biết khôn ngoan tránh xa những cám dỗ bất chính / những cạm bẫy tinh vi đầy dẫy trong cuộc sống thường ngày.
3- Dù đã có nhiều cuộc tranh đấu cho sự bình đẳng giữa người nam và người nữ / nhưng trong thực tế / ở nhiều nơi trên thế giới này nay / người phụ nữ vẫn bị coi thường / nhân phẩm bị chà đạp / thân xác bị xem như một món hàng kinh doanh / thậm chí bị đày đọa / bị đối xử thô bạo ngay trong gia đình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai có trách nhiệm / biết luôn tìm cách giúp người phụ nữ sống xứng với nhân phẩm của mình.
4- Chúa Giêsu nói / “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh / nhưng nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết cố gắng sống theo lời Chúa dạy trong Tin Mừng / nhờ đó mà trở nên những công dân gương mẫu.
CT : Lạy Chúa, xin cho chúng con thấm nhuần lời Chúa dạy, để chúng con biết chế ngự những đam mê và dục vọng trần thế, nhờ đó mùa chay thánh này đem lại nhiều lội ích cho chúng con. Chúng con cầu xin…
VITRONG THÁNH LỄ
– Trước kinh Lạy Cha : Hôm nay khi đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta hãy đặc biệt chú ý đến lời xin cuối cùng : “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.
– Sau kinh Lạy Cha : Chủ tế đổi giọng khi đọc đến câu “Xin đừng chấp tội lỗi chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa ; xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hiệp nhất theo thánh ý Chúa
VIIGIẢI TÁN
Anh chị em sắp trở lại nhịp sống bình thường, với bao cám dỗ và bao điều phải chọn lựa. Cầu chúc anh em sẽ biết chọn ý Chúa theo gương Đức Giêsu. Anh chị em hãy ra về bình an.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI


Lectio Divina: Chúa Nhật I Mùa Chay (A)
Chúa Nhật, 1 Tháng 3, 2020

Cuộc đối mặt của Chúa Giêsu với ma quỷ trong sa mạc
Những cám dỗ trong sa mạc của cuộc đời
Mt 4:1-11


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin Chúa hãy tạo trong chúng con một không gian thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng được biết đến sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và xin sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.


2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Chúng ta hãy cùng đọc bài Tin Mừng mô tả những cám dỗ của Chúa Giêsu, những cám dỗ đó cũng là cám dỗ của tất cả loài người.  Trong khi đọc bài Tin Mừng này, chúng ta nên chú ý đến điều sau đây:  cám dỗ là gì, cám dỗ xảy ra ở đâu, và Chúa Giêsu đã đối phó với chúng ra sao?
  
b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Mt 4:1-2:  Tình trạng mà ở đâu và từ đâu sự cám dỗ nảy sinh :  sa mạc, thánh thần, ăn chay và đói    
Mt 4:3-4:  Cám dỗ liên quan đến cơm bánh      
Mt 4:5-7:  Cám dỗ liên quan đến danh vọng
Mt 4:8-11:  Cám dỗ liên quan đến quyền lực 
  
c)  Phúc Âm:

1-2:  Khi ấy Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ.  Khi Người đã nhịn bốn mươi đêm ngày, Người cảm thấy đói.
3-4:  Và tên cám dỗ đến gần và nói với Người rằng:  “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh”.  Nhưng Chúa Giêsu đáp lại:  “Có lời chép rằng:  ‘Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.’”
5-7:  Bấy giờ ma quỷ đưa Người lên thành thánh, và đặt Người trên góc tường đền thờ rồi nói với Người rằng:  “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi; vì có lời chép rằng:  ‘Ngài đã ra lệnh cho các thiên thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá.’”  Chúa Giêsu đáp:  “Cũng có lời chép rằng:  ‘Ngươi đừng thử thách Chúa, là Thiên Chúa ngươi.’”
8-11:  Quỷ lại đưa Người lên núi rất cao; và chỉ cho Người xem thấy mọi nước thế gian và vinh quang của những nước đó, rồi nói với Người rằng:  “Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi.”  Bấy giờ Chúa Giêsu bảo nó rằng:  “Hãy lui đi, hỡi Satan!  Vì có lời đã chép:  ‘Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài.’”  Bấy giờ ma quỷ bỏ Người.  Và các thiên thần tiến lại, hầu hạ Người.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện 

Để Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta suy gẫm và cầu nguyện.

a)  Cám dỗ là gì?  Sự liên hệ giữa Chúa Thánh Thần, sa mạc, nhịn ăn và cơn đói và sự cám dỗ của Chúa Giêsu là gì?   
b)  Ngày nay chữ cám dỗ gợi cho chúng ta điều gì?  Nó ảnh hưởng đến tôi trong cuộc sống hằng ngày như thế nào?
c)  Tên cám dỗ hoặc Satan có sẽ làm tôi lìa xa hay đi chệch đường của Thiên Chúa không?  Có thể nào tôi đã trở thành Satan cho ai đó, giống như Phêrô đã là Satan cám dỗ Chúa Giêsu không?
d)  Chúa Thánh Thần dẫn Chúa Giêsu vào trong sa mạc để bị cám dỗ bởi ma quỷ.  Điều này nhắc nhớ lại những cám dỗ của dân Do Thái trong sa mạc sau khi vượt thoát khỏi đất Ai Cập.  Thánh sử Mátthêu muốn đề nghị điều gì và giảng dạy điều gì qua lời nhắc nhở này về những cám dỗ của người ta trong sa mạc?    
e)  Ma quỷ dùng Kinh Thánh để cám dỗ Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu dùng Kinh Thánh để vượt qua sự cám dỗ!  Kinh Thánh có thể nào được xử dụng cho tất cả mọi việc không?  Tôi đã xử dụng Kinh Thánh như thế nào và cho mục đích gì?
f)  Cám dỗ của cơm bánh.  Chúng ta có thể nói về Thiên Chúa cho những người đã có tất cả những gì họ cần bằng cách nào?  Chúng ta có thể nói về Thiên Chúa cho những ai đang đói khát bằng cách nào?
g)  Cám dỗ liên quan đến thanh thế.  Thanh thế từ kiến thức, từ tiền bạc, từ tư cách đạo đức, từ dáng vẻ bề ngoài, từ danh vọng, từ danh dự.  Những điều này có đang hiện hữu trong đời sống của tôi không?
h)  Cám dỗ liên quan đến quyền lực.  Bất cứ nơi đâu có hai người gặp gỡ, một mối quan hệ của quyền lực sẽ đến hiện diện.  Tôi sẽ xử dụng quyền lực mà tôi có như thế nào:  trong gia đình tôi, trong cộng đoàn, trong xã hội, trong khu xóm tôi?  Tôi có sẽ nhượng bộ cho sự cám dỗ này không?

5.  Ý chính của bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu vào chủ đề

-  Chúa Giêsu đã bị cám dỗ.  Thánh Sử Mátthêu làm cho sự cám dỗ trở nên dễ hiểu:  cám dỗ của bánh, cám dỗ của danh vọng, cám dỗ của quyền lực.  Đây là những hình thức khác nhau của niềm hy vọng về Đấng Cứu Thế mà khi ấy có trong dân chúng.  Một Đấng Cứu Thế vinh quang, giống như một ông Môisen mới, sẽ nuôi sống người ta trong sa mạc:  “khiến những hòn đá này biến thành bánh!”  Đấng Cứu Thế vô danh sẽ tự đặt mình trên tất cả mọi người bằng một dấu hiệu ngoạn mục trong Đền Thờ:  “gieo mình xuống từ đây!”  Đấng Cứu Thế yêu nước sẽ đến để thống trị thế giới:  “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó!”

-  Trong Cựu Ước, những cám dỗ giống nhau đã làm cho người ta sa ngã trong sa mạc sau khi vượt thoát khỏi Ai Cập (Đnl 6:3; 6:16; 6:13).  Chúa Giêsu nhắc lại lịch sử.  Người chống lại những cám dỗ và ngăn cản chúng làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa để làm cho nó phù hợp với các ích lợi cho loài người lúc bấy giờ.  Cám dỗ hay Satan là bất cứ điều gì khiến cho chúng ta đi chệch khỏi kế hoạch của Thiên Chúa.  Thánh Phêrô đã là Satan của Chúa Giêsu (Mt 16:23).

-  Cám dỗ luôn hiện diện trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu.  Nó đã cùng đi với Người từ lúc đầu cho tới cuối, từ lúc Người chịu phép rửa cho đến lúc Người chết trên thập giá.  Bởi vì, khi việc công bố về Tin Mừng Nước Trời càng lan truyền trong dân gian, thì áp lực dồn lên Chúa Giêsu càng nặng nề để Người phải thích ứng với những mong đợi và kỳ vọng về Đấng Cứu Thế của dân chúng để là một Đấng Cứu Thế được kỳ vọng và mong đợi bởi những người khác:  “vị cứu thế dân tộc và vinh quang”, “vị vua cứu thế”, “vị thượng tế cứu thế”, “vị phán quan cứu thế”, “chiến sĩ cứu thế”, “vị cứu thế luật sĩ”.  Thư gửi cho các tín hữu Do Thái đã viết:  “Người đã chịu thử thách về mọi phương diện giống như chúng ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4:15).

-  Nhưng sự cám dỗ không bao giờ thành công trong việc khiến cho Chúa Giêsu đi sai lạc khỏi sứ vụ của Người.  Người tiếp tục vững chắc tiến bước trên cuộc hành trình của Người là “Đấng Cứu Thế Tôi Tá”, như đã được công bố bởi ngôn sứ Isaia và được trông đợi, nhất là bởi những kẻ nghèo hèn.  Trong việc này, Chúa Giêsu đã không e ngại gây xung đột với những kẻ cầm quyền và với những ai thân cận nhất với Người.  Tất cả những ai cố gắng để khiến Người đi lệch khỏi con đường của Người đều đã nhận được những câu trả lời gay gắt và các phản ứng bất ngờ:
*  Phêrô đã cố gắng lôi kéo Người rời xa khỏi thập giá:  “Xin Thiên Chúa thương đừng bao giờ để cho việc này xảy ra!”  (Mt 16:22).  Và ông đã nghe câu trả lời:  “Satan, lui lại đằng sau Thầy!”  (Mc 8:33).
*  Những thân nhân của Người, đã muốn đem Người về nhà.  Họ nghĩ rằng Người đã mất trí (Mc 3:21), nhưng họ đã được nghe những lời chói tai, dường như để tạo nên một sự rạn nứt (Mc 3:33).  Sau đó, khi Chúa Giêsu đã trở nên nổi tiếng, họ đã muốn Người xuất hiện thường xuyên hơn nơi công cộng và tiếp tục ở lại Giêrusalem, nơi thủ đô (Ga 7:3-4).  Một lần nữa, câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy có sự khác biệt căn bản giữa mục đích của Người và của họ (Ga 7:6-7).
*  Cha mẹ Người đã phàn nàn:  “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?” (Lc 2:48).  Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời:  “Tại sao cha mẹ lại đi tìm con?  Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?”  (Lc 2:49).
*  Các tông đồ đã vui mừng về đời sống công khai của Chúa Giêsu đã được đông đảo dân chúng chấp nhận và họ muốn Người hướng về phía dân chúng.  “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” (Mc 1:37).  Nhưng họ đã được nghe lời từ chối:  “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó!" (Mc 1:38).
*  Ông Gioan Tẩy Giả đã muốn nài ép Chúa Giêsu trở nên “vị phán quan cứu thế nghiêm khắc” (Lc 3:9; Mt 3:7-12; Mt 11:3).  Đức Giêsu đã nhắc nhở Gioan về những lời tiên tri và đòi hỏi ông so sánh chúng với sự thật:  “Các ông hãy về và thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe!”  (Mt 11:4-6 và Is 29:18-19; 35:5-6; 61:1).
*  Dân chúng, khi họ trông thấy những phép lạ của việc hóa bánh ra nhiều trong sa mạc, đã kết luận:  “Đây chắc chắn chính là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” (Ga 6:14).  Họ hùa với nhau nài ép Chúa Giêsu trở thành “vị vua cứu thế” (Ga 5:15), nhưng Chúa Giêsu đã lánh mặt trên núi để được ở cùng với Chúa Cha trong lặng lẽ.
*  Khi ở trong tù và trong giờ của quyền lực tối tăm (Lc 22:53), sự cám dỗ của “vị chiến sĩ cứu thế” lại xuất hiện.  Nhưng Chúa Giêsu đã nói:  “Hãy xỏ gươm vào vỏ!” (Mt 26:52) và “Các con hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22:40, 45).

-  Đức Giêsu hướng về Lời Thiên Chúa và ở đó đã tìm thấy ánh sáng và nguồn nuôi dưỡng.  Điều hơn hết cả là lời tiên tri về Người Tôi Trung, được công bố bởi ngôn sứ Isaia (Is 42:1-9, 49:1-6 ; 50:3-9; 52:13-53, 12) đã thông tri và khuyến khích Người tiếp tục tiến tới.  Tại phép rửa ở sông Giođan và trong lúc biến hình, Người nhận lãnh sự xác nhận của Chúa Cha về cuộc hành trình của Người, sứ vụ của Người.  Tiếng phán ra từ trời lặp lại những lời mà ngôn sứ Isaia đã nói về Người Tôi Trung của Đức Chúa cho dân chúng:  “Đây là Con yêu dấu của Ta, hãy nghe lời Người!” (Mc 1:11; 9:6).

-  Chúa Giêsu xác định sứ vụ của Người với những lời này:  “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người!”  (Mt 20:28; Mc 10:45).  Bài học này Người học được từ Mẹ của Người, khi bà đã nói với thiên sứ:  “Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền!”  (Lc 1:38).  Bằng cách hướng về Lời của Chúa để nhận thức sâu sắc hơn về sứ vụ của Người và đi tìm sức mạnh trong lời cầu nguyện, Chúa Giêsu đã phải đối mặt với những cám dỗ.  Sống giữa những kẻ nghèo hèn, và trong sự hiệp nhất với Chúa Cha, trung thành với cả hai, Người đã chống trả và theo đúng đường lối của Đấng Cứu Thế Tôi Tá, đường lối của phục vụ tha nhân (Mt 20:28).
                                                                                                                                                                                           
6.  Thánh Vịnh 91 (90)

Thiên Chúa, Đấng Che Chở, sẽ ở cùng chúng ta trong những lúc cám dỗ
Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao
và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối,
hãy thưa với CHÚA rằng:
"Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn,
là đồn luỹ chở che, con tin tưởng vào Ngài."

Chính Chúa gìn giữ bạn
khỏi lưới kẻ thù giăng, khỏi tai ương tàn khốc.
Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân:
lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ.
Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng
hay mũi tên bay giữa ban ngày,
cả dịch khí hoành hành trong đêm tối,
cả ôn thần sát hại lúc ban trưa.

Vì bạn có CHÚA làm nơi trú ẩn,
có Đấng Tối Cao làm chỗ nương thân.
Bạn sẽ không gặp điều ác hại,
và tai ương không bén mảng tới nhà,
bởi chưng Người truyền cho thiên sứ
giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường,
và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng
cho bạn khỏi vấp chân vào đá.
Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc,
đạp nát đầu sư tử khủng long.

Chúa phán: "Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát,
người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì.
Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại
lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên.
Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự,
cho sống lâu, tuổi thọ dư đầy
và hưởng ơn cứu độ Ta ban."

7.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa vì những Lời của Chúa đã trao ban để giúp chúng con có thể hiểu cặn kẽ hơn Thánh ý của Chúa Cha.  Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho những việc chúng con đang làm và ban cho chúng con sức mạnh để chúng con có thể thực hành những Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Chúng con nguyện xin được giống như Đức Maria, mẹ Người, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét