Trang

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

04-06-2020 : THỨ NĂM - TUẦN IX THƯỜNG NIÊN


04/06/2020
Thứ Năm đầu tháng, tuần 9 thường niên


BÀI ĐỌC I: 2 Tm 2, 8-15
“Lời của Thiên Chúa không bị xiềng xích đâu, Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta sẽ cùng sống lại với Người”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho Timô-thêu.
Con thân mến, con hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô bởi dòng dõi Đavít đã từ cõi chết sống lại, theo như Tin Mừng cha rao giảng. Vì Tin Mừng đó mà cha phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích. Vì thế, cha cam chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn, để họ được hưởng ơn cứu độ cùng với vinh quang trên trời trong Đức Giêsu Kitô.
Đây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống lại với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không tin Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người.
Con hãy ghi nhớ những điều đó khi làm chứng trước mặt Chúa. Con chớ tranh luận: vì cái đó không ích lợi gì cả, chỉ làm hại người nghe mà thôi. Con hãy cố gắng đến trước mặt Chúa như một người đã chịu thử thách, như một công nhân không bị khiển trách, như người ngay thẳng rao giảng lời chân lý. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 24, 4bc-5ab. 8-9. 10 và 14.
Đáp: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa (c. 4b).
Xướng:
1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. – Đáp.
2) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. – Đáp.
3) Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành, dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa. Chúa thân mật với những ai tôn sợ Chúa, và tỏ cho họ biết lời minh ước của Ngài.  – Đáp.

ALLELUIA: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mc 12, 28b-34
“Thiên Chúa của ngươi là Thiên Chúa duy nhất và ngươi hãy kính mến Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: ‘Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi’. Còn đây là giới răn thứ hai: ‘Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi’. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”. Luật sĩ thưa Người: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất, và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác. Yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”. Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa. Đó là lời Chúa.


Suy Niệm : Mối quan tâm hàng đầu
Văn hào Léon Tolstoi có kể câu chuyện như sau:
Hai người đàn ông nọ quyết tâm hành hương về Yêrusalem để dự Ðại lễ Phục Sinh ở đó. Một người đặt mối quan tâm hàng đầu là đích điểm của cuộc hành trình, vì thế ông cương quyết không dừng lại bất cứ nơi đâu, và trong suốt cuộc hành trình, tâm trí ông chỉ nghĩ đến thành thánh. Còn người thứ hai, trên mọi nẻo đường, nhìn thấy nhiều người cần được giúp đỡ và ông đã tốn nhiều tiền bạc và thời giờ, đến nỗi ông không đến được đích điểm như đã dự định; thế nhưng, một cái gì đó từ Thiên Chúa đến với tâm hồn ông mà người hành hương kia không nhận được, cũng như một cái gì đó từ Thiên Chúa qua đôi tay ông, ảnh hưởng cuộc đời của nhiều người mà người kia không có được qua những nghi lễ ông tham dự tại thành thánh kéo dài suốt mùa Phục Sinh.
Mối quan tâm hàng đầu là một danh từ thời đại. Nhà nước đặt mối quan tâm hàng đầu vào chính sách kinh tế; một học sinh đặt mối quan tâm hàng đầu vào đèn sách để thi đậu vào đại học... Ðâu là mối quan tâm hàng đầu của tôi, đó là câu hỏi hợp lý có thể áp dụng vào mọi sinh hoạt cuộc sống, nhưng thiết nghĩ quan trọng hơn cả là câu hỏi: Ðâu là mối quan tâm hàng đầu của tôi đối với cuộc sống của một người Kitô hữu?
Ðó cũng là vấn nạn mà một luật sĩ đặt ra cho Chúa trong Tin Mừng hôm nay, khi ông ta hỏi: "Thưa Thầy, trong các giới răn, giới răn nào đứng hàng đầu?" Câu trả lời của Chúa Giêsu rất rõ ràng và đơn sơ, giới răn đứng đầu, mối quan tâm hàng đầu của người Kitô hữu chính là tình yêu.
Nếu tình cờ chúng ta được một người nào đó đặt câu hỏi như trên, liệu chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Chúng ta có phát biểu được câu trả lời tuyệt diệu, nghe êm tai và nêu bật giá trị cao đẹp của con người chúng ta không? Và thành thật với lương tâm, liệu câu trả lời đó có phản ánh chính cuộc sống chúng ta không, bởi lẽ khi cho một câu trả lời đúng, chúng ta có thể lừa dối người khác và tự lừa dối mình? Thành thật với lòng mình có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ phải ngạc nhiên khi khám phá ra rằng cho đến nay mối quan tâm hàng đầu của chúng ta là tiền bạc, sức khỏe, danh vọng.
Như vậy, điều trước tiên chúng ta phải làm để hoán cải và canh tân là thành thật thú nhận rằng cho đến nay chúng ta đã đặt sai mối quan tâm hàng đầu của cuộc sống, kể cả mối quan tâm hàng đầu trong cách thức chúng ta biểu lộ niềm tin qua việc đọc kinh, dự lễ, bởi vì những cách thức này thường được sử dụng như những phương thế giúp chúng ta giữ đạo, chứ không dẫn chúng ta đi xa hơn trong việc sống đạo, nhất là giúp chúng ta tìm gặp được Thiên Chúa và tha nhân.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta đổi hướng cuộc sống và đặt lại bậc thang giá trị của mối quan tâm hàng đầu của chúng ta. Xin cho tình yêu mến là nguồn mạch và sức mạnh để chúng ta thực sự gặp gỡ Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 9 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc2 Tim 2:8-15; Mk 12:28b-34.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa.
Khi con người làm điều sai, thay vì chấp nhận tính yếu đuối của xác thịt để tìm cách sửa sai; con người lại đi tìm những lý do để biện minh cho sự sai trái của mình; một trong những cách đó là cãi chữ. Một ví dụ dẫn chứng: Trong ngày thành hôn, hai người có đầy đủ tự do đã cầm tay nhau thề hứa trước bàn thờ Chúa sẽ trung thành với nhau suốt đời, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nguy, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu để trung thành với nhau suốt đời. Họ biết là họ không thể vịn vào bất kỳ lý do nào để ly dị. Nhưng sau vài năm, một trong hai tự động ra tòa xin hủy bỏ lời thề vì những lý do như: “Chịu đựng hết nổi rồi!” hay “Không ai có thể trung thành với một người suốt đời!” hay “Lỗi không phải tại tôi!” hay “Nếu cả hai đều không thấy hạnh phúc bên nhau thà đường ai nấy đi tốt hơn.”
Các bài đọc hôm nay nêu bật việc thực hành lời Chúa như điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa. Trong bài đọc I, Phaolô nhắc nhở cho Timothy, người môn đệ yêu quí, phải trung thành rao giảng Lời Chúa cho dù có bị xiềng xích lao tù, để mưu cầu phần rỗi cho chính mình và cho tha nhân; chứ đừng cãi chữ để biện minh cho sự bất trung của mình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhận ra một người trong các kinh sư thành tâm tìm sự thật đến hỏi Chúa: “Điều nào quan trọng nhất trong các giới răn?” Ngài bảo ông ấy: Điều răn thứ nhất, Phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai, Phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người.
1.1/ Tôi cam chịu mọi sự để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn.
(1) Chịu đựng đau khổ để mưu cầu phần rỗi linh hồn cho người khác: Một trong những điểm quan trọng của thần học Phaolô là hãy bắt chước Phaolô như Phaolô bắt chước Đức Kitô. Chúa Giêsu không có tội nhưng Ngài sẵn sàng chịu đựng đau khổ cho phần rỗi linh hồn của mọi người. Thánh Phaolô sẵn sàng chịu đau khổ như một tên gian phi vì rao giảng Tin Mừng, “để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, và được hưởng vinh quang muôn đời.” Ngài viết Thư này cho Timothy khi đang bị xiềng xích tại Roma để khuyên nhủ Timothy phải sẵn sàng chịu đựng đau khổ để rao giảng Tin Mừng.
Điều quan trọng chúng ta nhận ra ngay nơi Đức Kitô và Phaolô: cả hai đều đặt phần rỗi linh hồn phải làm ưu tiên hàng đầu của cuộc sống đời này. Noi gương Đức Kitô, Phaolô sẵn sàng rao giảng Lời Chúa để cứu độ mọi người cho dù phải đau khổ trong chốn lao tù. Ngài khuyên Timothy noi gương ngài đừng xiềng xích Lời của Thiên Chúa. Người ta có thể cầm tù người rao giảng; nhưng không ai có thể cầm tù Lời của Thiên Chúa, vì đó là Lời tồn tại muôn đời.
(2) Chịu đựng đau khổ để chứng minh lòng trung thành với Thiên Chúa: Chỉ trong gian nan một người mới biết ai là người trung thành với mình. Người trốn chạy bạn hữu khi gặp gian khổ không phải là bạn nghĩa thiết. Chúa Giêsu từng nói với các môn đệ: “Ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, Thầy cũng tuyên xưng người ấy trước mặt Cha Thầy. Ai chối Thầy trước mặt người đời, Thầy cũng chối bỏ người ấy trước mặt Cha Thầy” (10:32-33). Thánh Phaolô lặp lại lời tuyên xưng ấy với một nghĩa tương tự: “Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta.”
1.2/ Chú trọng đến nội dung của những giáo huấn, đừng cãi chữ!
(1) Đừng cãi chữ: Phaolô khuyên Timothy: “Anh hãy nhắc nhở lại những điều đó, trước mặt Thiên Chúa, hãy tha thiết khuyên người ta đừng cãi chữ: chuyện không có ích lợi gì, chỉ làm cho người nghe phải diệt vong.” Điều quan trọng Phaolô khuyên là hãy chú trọng đến sự thật đàng sau chữ. Sự thật đây là phải kiên trì chịu gian khổ để mưu cầu phần rỗi linh hồn cho người khác và chứng minh lòng trung thành của mình với Thiên Chúa. Người hay cãi chữ có thể lý luận họ cũng yêu mến Thiên Chúa và không bao giờ làm hại tha nhân; nhưng Ngài sẽ phán với họ: Không phải chỉ có ai nói Lạy Chúa! Lạy Chúa! Mà được vào Thiên Đàng; nhưng chỉ có những ai nghe và thực hành Lời Chúa.
(2) Hãy thành thật rao giảng lời chân lý: Phaolô khuyên Timothy: “Hãy cố gắng ra trước mặt Thiên Chúa như một người đã được thử luyện, một người thợ không có gì phải xấu hổ, một người thẳng thắn dạy lời chân lý.” Người đã được thử luyện là người đã trải qua gian khổ mà không vấp ngã; người thợ làm việc cho mục đích mở mang Nước Chúa không có gì phải xấu hổ; và người thẳng thắn dạy lời chân lý sẽ không sợ hãi bất cứ lời tố tụng nào, vì biết Lời sự thật sẽ giải thoát họ.
2/ Phúc Âm: Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình.
2.1/ Những cách hỏi khác nhau: Trình thuật mấy ngày qua dẫn chứng cho chúng ta thấy những hạng người đến hỏi Chúa Giêsu với những mục đích khác nhau.
(1) Hỏi để “chụp mũ”: Những người Pharisees và Herodians hỏi Chúa “Có nên nộp thuế cho Caesar không?” để tìm cớ bắt Chúa hoặc vì lý do chống lại “đế quốc” hoặc chống lại “nguyện vọng của dân.” Điều này vẫn đang xảy ra cho những nhà lãnh đạo tôn giáo!
(2) Hỏi để “biện minh” cho cách sống chỉ biết đời này: “Người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong 7 anh em đó?” Những người Sadducees không muốn tin đời sau để có lý do hưởng thụ tối đa đời này, cho dù đã có những chứng từ của Kinh Thánh. Ngày nay vẫn còn biết bao người như thế, không muốn tin Thiên Chúa để khỏi phải giữ những gì Ngài dạy, để an lòng ở trong tối tăm!
(3) Hỏi để tỏ ra mình là người “hiểu biết”: Có những người hỏi để xem đối phương có biết những gì mình biết không. Mục đích là để khinh thường hay làm cho đối phương phải bẽ mặt.
2.2/ Hỏi để biết sự thật: Những hạng người trên có thể qua mặt con người; nhưng không thể qua mặt Thiên Chúa vì Ngài dò thấu tâm can. Ngài biết những ai thật lòng muốn đi tìm sự thật. Đối với những người như thế, Chúa Giêsu vạch trần sự dối trá của họ. Còn đối với những ai thành tâm đi tìm sự thật như ông kinh-sư hôm nay đến hỏi Chúa đâu là điều răn đứng đầu trong số các điều răn? Đức Giêsu trả lời ông mà chúng ta có thể tóm tắt là: “mến Chúa và yêu người.”
Người kinh sư đồng ý với Chúa Giêsu. Ông nhận ra nguyên lý đứng đàng sau các điều răn là tình yêu con người dành cho Thiên Chúa và dành cho tha nhân biểu lộ cụ thể qua các hành động con người tuân giữ những gì Thiên Chúa dạy và giúp đỡ tha nhân. Ai hiểu và làm như thế, họ sẽ không còn xa Nước Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Nếu chúng ta hãy thành tâm đi kiếm sự thật, chúng ta sẽ được Thiên Chúa cho tìm thấy sự thật. Một khi tìm thấy sự thật, hãy có can đảm sống và làm chứng cho sự thật.
– Đau khổ là phương tiện Thiên Chúa dùng để thử sự trung thành của các tín hữu; chỉ những ai kiên trì trong đau khổ mới chứng minh họ là bạn nghĩa thiết của Ngài.
– Chúng ta hãy tìm cho được nguyên lý đàng sau Lời Chúa dạy. Đừng quá chú trọng đến ngôn ngữ, vì ngôn ngữ chỉ dùng để diễn tả sự thật, chứ ngôn ngữ không phải là sự thật.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


04/06/2020 – THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
Mc 12,28b-34

GIỚI RĂN ĐỆ NHẤT
Đức Giê-su nói: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” (Mc 12,28-30)

Suy niệm: Cha Voilleaume nói: “Cả khi ta tận tuỵ đến kiệt sức, điều ấy cũng chẳng ích lợi gì nếu tình yêu Đức Giê-su không có nơi ta.” Điều này cho thấy, không thể nào lấy việc ăn ngay ở lành, từ thiện, công bằng xã hội để thay thế cho bổn phận kính mến Chúa. Kính mến Chúa là giới răn đệ nhất, là giới răn không thể được đo lường nơi một số công việc. Giới răn này đòi hỏi dâng hiến tâm hồn, toàn thể con người mình cho Đấng mình yêu. Người ta có thể cho tất cả những gì mình có hơn là dâng hiến bản thân mình. Nơi giới răn này, Thiên Chúa muốn chúng ta dâng nốt điều chúng ta còn ngại ngùng không muốn, đó là dâng trọn trái tim cho Chúa cách vĩnh viễn, không so đo. Phải có một lòng thương yêu nồng nhiệt và sâu rộng mới có hành động đáp trả này.
Mời Bạn: Lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự chẳng để bạn yên bao giờ. Một sáng kiến yêu thương này vừa xong, một sáng kiến yêu thương khác đã nảy sinh thôi thúc bạn. Bạn có cảm nghiệm được điều này không?
Chia sẻ: Khi xét mình, bạn có xét đến nồng độ mến Chúa trong công việc của bạn, trong ngày sống của bạn không?
Sống Lời Chúa: Với lòng kính mến Chúa, bạn hãy chọn quyết chiến với một tội lỗi mà bạn thường chào thua.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con được nhớ đến Chúa, hiểu biết Chúa, yêu mến Chúa. Xin gia tăng trong con ba ước vọng đó cho tới khi nào tâm hồn con được Chúa hoán cải. (Thánh Augustin)
(5 Phút Lời Chúa)


Suy Niệm : Hai điều răn
Suy niệm :

Trong những ngày cuối tại Giêrusalem,
Đức Giêsu bị kéo vào những cuộc tranh luận với nhiều nhóm
về quyền, về chuyện nộp thuế, về sự sống lại (Mc 11, 27- 12, 27).
Ít có một cuộc đối thoại đúng nghĩa khi người ta chỉ muốn giăng bẫy,
và không thực sự muốn kiếm tìm chân lý.
Chính vì thế bài Tin Mừng hôm nay là một bất ngờ thú vị.
Một kinh sư nghe Đức Giêsu trả lời các đối thủ của mình
thì ông có cảm tình và muốn hỏi Ngài câu hỏi mà ông bận tâm.
“Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu ?” (c. 28).
Đức Giêsu thấy thiện tâm của ông, và Ngài đã trả lời nghiêm túc.
Ông kinh sư như reo lên khi nghe câu trả lời của Ngài.
“Thưa Thầy hay lắm, Thầy nói rất đúng.”
Câu trả lời của Đức Giêsu chạm đến điều dường như đã có nơi ông.
Ông thích thú lặp lại những lời Ngài đã nói (cc. 32-33).
Theo ông, những điều răn đó còn quý hơn hy lễ và lễ toàn thiêu (c. 33).
Đức Giêsu vui sướng khi đứng trước một vị kinh sư khôn ngoan và cởi mở.
Ngài nói với ông một câu mà chúng ta thèm muốn :
“Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (c. 34).
Vị kinh sư hỏi Đức Giêsu về một điều răn đứng đầu.
Ngài đã trả lời tới hai điều răn (c. 31).
Hai điều răn này gắn kết với nhau chặt chẽ, nhưng vẫn là hai.
Cả hai đều đòi hỏi một thái độ, một chọn lựa diễn tả qua động từ “yêu”.
Yêu Thiên Chúa bằng tất cả con người mình
bằng trọn cả trái tim, linh hồn, trí khôn và sức lực,
và yêu tha nhân như yêu chính mình (cc. 29-31).
Tình yêu đối với tha nhân không thay thế được tình yêu đối với Thiên Chúa.
Tình yêu đối với Thiên Chúa như thanh dọc của thập giá
đỡ lấy thanh ngang là tình yêu tha nhân.
Sống trọn tình yêu là chấp nhận cả hai thanh gỗ làm nên cây thập giá.
Nếu lễ toàn thiêu đòi đốt hoàn toàn lễ vật, và hy lễ đòi giết chết con vật,
thì tình yêu đối với Chúa và tha nhân
cũng đòi thiêu rụi và giết chết cái tôi kiêu ngạo, ích kỷ của mình.
Chẳng thể nào yêu mà đòi giữ nguyên cái tôi khép kín.
Người Kitô hữu hôm nay cũng có thể hỏi Chúa câu hỏi tương tự :
Điều răn nào quan trọng hơn cả chi phối mọi lề luật trong Giáo Hội?
Chúa cũng sẽ giữ nguyên câu trả lời như ngày xưa.
Ngài vẫn tóm mọi điều răn và giới răn trong một động từ đơn giản: yêu.
Xin để tình yêu chiếm lấy trái tim của tôi, chi phối mọi chọn lựa,
và biến đời tôi thành tình yêu.

Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con,
nếu Hội Thánh được ví như một thân thể
gồm nhiều chi thể khác nhau,
thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu
một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất.
Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.
Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.
Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu,
thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng,
các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình...
Lạy Chúa Giêsu,
cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con,
ơn gọi của con chính là tình yêu.
Con đã tìm thấy
chỗ đứng của con trong Hội Thánh :
nơi Trái tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu,
và như thế con sẽ là tất cả,
vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.
Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con,
mọi ước mơ của con được thực hiện. Amen.
(dựa theo lời của thánh Têrêxa)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4 THÁNG SÁU
Một Quá Trình Suy Tư Chậm Rãi
Chúng ta có cơ sở Thánh Kinh để xem con người như một ngã vị duy nhất, và đồng thời như một luỡng diện gồm hồn và xác. Quan điểm này đã được trình bày trong toàn bộ truyền thống và trong giáo huấn của Giáo Hội. Giáo huấn này bao gồm không chỉ Thánh Kinh mà cả những chú giải thần học về Thánh Kinh nữa.
Sự nhận hiểu này đã phát triển dưới ảnh hưởng của một số trường phái tư tưởng Hi lạp – trong đó có trường phái Aristôte. Một tiến trình suy tư chậm rãi đã đạt đến một mức tròn đầy nơi các tác phẩm của Thánh Tôma Aquinô. Chúng ta nhận thấy điều này trong các tuyên bố về con người tại Công Đồng Vienne vào năm 1312. Trong các văn kiện Công Đồng, linh hồn được gọi là “mô thức” của thân xác: “mô thức của thân xác con người, bởi chính nó và một cách thiết yếu” (DS 902). “Mô thức” này ấn định chính bản chất của hữu thể con người và nó có bản tính thiêng liêng. Xa hơn nữa, mô thức thiêng liêng ấy của con người – tức linh hồn – thì bất tử. Điều này đã trở thành giáo huấn chính thức của Công Đồng La-tê-ra-nô V năm 1513: “Linh hồn thì bất tử, trái lại, thân xác thì khả diệt” (DS 1440).
Trường phái suy tư do Thánh Tôma Aquinô đặt nền móng cũng dạy rằng do bởi tính hiệp nhất trong bản thể giữa xác và hồn, nên sau khi chết linh hồn mãnh liệt hướng đến tái hiệp nhất với thân xác. Và quan điểm thần học này được củng cố bởi chân lý mạc khải về sự phục sinh của thân xác.
Ngay cả dù các thuật ngữ triết học mà chúng ta dùng để diễn tả tính duy nhất và tính phức hợp (hay lưỡng diện) của con người có thể bị chất vấn lúc này lúc khác, thì tính duy nhất của ngôi vị con người và tính lưỡng diện (tinh thần – xác thể) của nó cũng hoàn toàn có nền tảng trong Thánh Kinh và trong truyền thống. Người ta thường cho rằng con người là “hình ảnh của Thiên Chúa” bởi vì con người có khía cạnh “hồn”. Tuy nhiên, giáo huấn truyền thống không hề loại trừ quan điểm rằng thân xác cũng tham dự vào phẩm giá “hình ảnh của Thiên Chúa” – cũng như nó tham dự vào trọn vẹn phẩm giá của ngôi vị xét như cả tinh thần lẫn xác thể.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 04/6
2Tm 2, 8-15; Mc 12, 28b-34.

Lời Suy Niệm: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây hỡi Ítraen. Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của Ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.”
          Điều răn của Chúa Giêsu không những chỉ nói với dân tộc Ítraen, nhưng Chúa đang nói với tất cả nhân loại phải học biết, để nhận ra Thiên Chúa mà tôn thờ Ngài. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài, và Ngài còn trao ban tất cả những gì cần thiết liên quan đến cuộc sống và sống đúng với nhân phẩm của mình; Ngài còn rộng lòng tha thứ khi con người lỗi phạm bằng ơn cứu độ của Chúa Giêsu qua sự Thương Khó và Phục Sinh của Người.; để ngày sau gặp được Chúa Cha và vui hưởng hạnh phúc đời đời trong Nước Trời.
       Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con biết dùng lý trí khôn ngoan của mình mà nhận ra Thiên Chúa. Tin thờ Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực của mình; hầu giúp nhau sống yêu thương, nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Và ngày sau cùng được vui hưởng hạnh phúc trên Thiên Đàng.
Mạnh Phương


04 Tháng Sáu
Bóng Tối
Raoul Follereau đã thuật lại một câu chuyện về một người phong cùi như sau: Từ nhiều năm qua, ông ta sống chui rúc trong căn lều tối tăm của ông. Xa tránh ánh sáng, đôi mắt ông đã trở thành mù lòa. Bóng tối trên đôi mắt đã đành, ông còn tự giam hãm bóng tối của tâm hồn. Người đàn ông như đang tự chôn vùi mình trong chính đáy mồ của ông… Mỗi ngày, có một nữ tu đến để tẩy rửa và băng bó các vết thương cho ông. Ông chấp nhận cho người nữ tu săn sóc, vì nghĩ rằng ít nhất người nữ tu cũng nở được nụ cười mãn nguyện.
Ngày tôi đến thăm, người nữ tu cho tôi biết rằng người đàn ông đã không bao giờ muốn ra khỏi căn lều tối tăm của mình… Tôi tiến lại gần con người khốn khổ ấy và đưa cánh tay ra mời mọc. Tôi nắm lấy cánh tay của ông và dìu ông đứng dậy. Chúng tôi ra khỏi căn lều tăm tối.. Vừa đến bên cánh cửa nơi ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua, người đàn ông dã có một thái độ mà mãi mãi tôi không bao giờ có thể quên được. Ra khỏi căn lều, đứng giữa ánh sáng, ông hô lên một tiếng kêu lớn: “Tôi thấy!”
Kể từ khi bóng tối của bệnh phong cùi ụp phủ xuống trên cuộc đời, thì đây là lần đầu tiên, người bệnh mới cảm nhận thực sự có ánh sáng xung quanh mình. Lấy tất cả sức lực còn lại, người đàn ông thét lên với cây cỏ, với núi non, với trời cao, với tất cả mọi người: Tôi thấy! Tôi thấy!
Có những người tự giam mình trong bóng tối. Có những người bị người khác đầy ải vào trong bóng tối…
Vô tình hay hữu ý, có lẽ chúng ta cũng đã xô đẩy không biết bao nhiêu người vào trong bóng tối. Một cuộc sống thiếu chứng tá, một khước từ giúp đỡ: đó có thể là những hành động xô đẩy người khác rơi vào bóng tối, chúng ta cũng tự giam mình vào bóng tối hay giảm bớt cường độ ánh sáng trong chúng ta…
“Các con là ánh sáng thế gian”. Lời của Chúa Giêng nói lên bản chất của người Khô. Người Kitô chỉ là Khô khi họ là ánh sáng thế gian… Ánh sáng không thể sáng soi nữa, ánh sáng ấy sẽ trở thành tăm tối.
Hãy chiếu ánh sáng bằng những việc làm của ánh sáng. Một cuộc sống đầy gương sáng, một lờ nói nâng đỡ ủi an, một nụ cười thông cảm, một bàn tay đưa ra để dìu dắt, để đồng hành: đó là bao nhiêu việc làm của ánh sáng mà bao nhiêu người đang chờ đợi nơi chúng ta. Và chúng ta cũng tin rằng, một ánh lửa càng được chia sẻ, thì càng sáng lên…
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét