Trang

Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020

07-06-2020 : (phần II) CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN - CHÚA BA NGÔI - LỄ TRỌNG


07/06/2020
 Chúa Nhật 10 Thường Niên
. CHÚA BA NGÔI.
Lễ trọng. 
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi năm A
(Xh 34,4b-6.8-9; 2Cr 13,11-13; Ga 3,16-18)
KHÔNG CHỈ LÀ MỘT
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một,
để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết,
nhưng được sống muôn đời”
 (Ga 3,16)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Mỗi khi chúng ta suy niệm về Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta thường hay nghĩ về khía cạnh mầu nhiệm nhiều hơn: một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi. Thế nhưng phụng vụ Lời Chúa hôm nay lại hướng chúng ta đặt trọng tâm vào khía cạnh tình yêu, được biểu lộ từ mầu nhiệm Ba Ngôi đó: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một, bởi vì Thiên Chúa là tình yêu.
Vì thế, lễ mà hôm nay chúng ta cử hành có thể gọi là lễ Thiên Chúa – Tình yêu. Lễ này chắc chắn làm cho chúng ta - những con người tội lỗi - tràn đầy niềm vui và hy vọng, bởi đã trình bày cho chúng ta một viễn cảnh rất tích cực về Thiên Chúa. Người được xem không như một pho tượng nguyên khối cô độc, nhưng là sự hợp nhất của Ba Ngôi trong tình yêu. Ba Ngôi này thấm đẫm tình yêu thương đối với mọi loài thọ tạo, và nhất là với con người chúng ta.
1. Bài đọc 1 (Xh 34,4b-6.8-9)
Bài đọc 1, trích từ sách Xuất hành, có thể làm chúng ta ngạc nhiên, bởi vì mạc khải về tình yêu Thiên Chúa diễn ra ngay sau khi dân phạm một tội nặng nề: họ đã bất trung với Thiên Chúa mà đúc bò vàng để thờ lạy.
Vậy mà, nhờ sự chuyển cầu của Môsê, Thiên Chúa đã tha thứ cho họ, và Người còn mạc khải bản tính nhân hậu và yêu thương của Người: “ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, chậm giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6).
Định nghĩa mà Thiên Chúa đưa ra về mình diễn tả tình yêu nhân hậu của Người: một tình yêu vượt thắng tội lỗi. Không thể có được một mạc khải nào đẹp hơn mạc khải này. Chúng ta có một Thiên Chúa từ bỏ trừng phạt và hủy diệt kẻ tội lỗi, thay vào đó, Người muốn bày tỏ sự yêu thương của Người cho thế giới này ở cách thế thâm sâu hơn và đầy kinh ngạc trước dịp tội của con người.
2. Bài đọc 2 (2Cr 13,11-13)
Ở bài đọc 2, một cách cụ thể đối với các tín hữu Côrintô, thánh Phaolô bày tỏ mong muốn về một cộng đoàn Kitô hữu với những giá trị Tin Mừng cơ bản như vui mừng, hoàn thiện, đồng tâm, nhất trí, ăn ở thuận hòa, và xem đó như là một sự biểu lộ sự hiện diện và ngự trị của Thiên Chúa nơi giữa họ, bởi chính Người là nguồn mạch tình yêu và mọi giá trị khác.
Thánh Tông đồ kết thúc lá thư gởi cho các tín hữu Côrintô với lời chào trong Thiên Chúa Ba Ngôi: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa, và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2Cr 13,13). Lời chào này của thánh Phaolô được lấy lại trong phụng vụ thánh lễ ngay nghi thức mở đầu, trong đó, cụm từ “tình yêu của Chúa” được làm rõ hơn bởi “tình yêu của Chúa Cha” để làm nổi bật hơn chiều kích Ba Ngôi nơi công thức này.
Ba hạn từ được nối kết với Ba Ngôi đều diễn tả một tình yêu: Chúa Cha là nguồn mạch tình yêu. Chúa Con - ân sủng - diễn tả tình yêu quảng đại. Việc trao ban một điều gì đó như là ân sủng nghĩa là trao ban cách nhưng không. Ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần diễn tả sự hiệp thông trong tình yêu. Chính Thánh Thần nối kết tất cả chúng ta trong tình yêu của Thiên Chúa.
3. Bài Tin Mừng (Ga 3,16-18)
Bài Tin Mừng hôm nay, được trích ra từ cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với Nicôđêmô, đã cho chúng ta một mạc khải đầy đủ hơn về tình yêu của Thiên Chúa.
Thế gian vẫn luôn được xem là “thế gian” và con người là những tội nhân. Và Thiên Chúa có thể can thiệp bằng việc xét xử của Người, nghĩa là hủy diệt sự ác và đánh phạt kẻ có tội. Thế mà Người vẫn yêu thế gian dẫu với tội lỗi của con người, và Người đã trao ban cho chúng ta cái quý giá nhất của Người là chính Đức Giêsu Kitô, Con Một Người.
Đáp lại tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con đã vâng lời đến trong thế gian và sống với chúng ta, để rồi cuối cùng Người hiến dâng mạng sống mình cho thế gian. Và như thế Người đã biểu lộ trọn vẹn bản tính Thiên Chúa là tình yêu, để rồi ai tin vào Người sẽ không phải chết, nhưng được giải thoát khỏi tội lỗi và hưởng một đời sống mới trong tình hiệp thông trọn vẹn với Người. Thực ra, cuộc sống đời đời chính là việc tham dự vào tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi trên trời.
Ba Ngôi là tình yêu, và tình yêu ở đây không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng chính là tương quan. Chúa Cha là Cha trong tương quan với Con của Người, cũng như Chúa Con là Con trong tương quan với Cha; mối tương quan này được kết nối trong một Ngôi vị, đó là Chúa Thánh Thần. Mối tương quan này sung mãn đến độ mở rộng ra cho chúng ta, để rồi từ đây, nhờ Chúa Con, chúng ta cũng bước vào trong chính mối tương quan hiệp thông này, và mọi người có thể gọi Chúa là Abba - là Cha, là Bố, là Ba - và chúng ta là con cái Người.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Như dân Do Thái năm xưa, ngay chính lúc phạm tội, lại là lúc Thiên Chúa biểu lộ mạnh mẽ tình yêu và lòng thương xót của Người. Tôi có cảm nghiệm được điều đó trong chính cuộc đời của tôi? Tôi đã từng bỏ cuộc và xa lánh Chúa trong những vấp ngã của đời mình hay tôi sẵn sàng mở lòng chạy đến với Chúa là Cha để tìm kiếm nguồn tình yêu và trợ lực cho đời mình?
2. Thánh Phaolô đã nhắn nhủ các tín hữu của cộng đoàn Côrintô luôn hiệp lực, hiệp nhất và hiệp thông. Là một thành viên trong một cộng đoàn dân Chúa, tôi có bị đánh động trước lời mời gọi này và thao thức về một cộng đoàn phản ánh những giá trị Tin Mừng và của Ba Ngôi Thiên Chúa?
3. Nhờ Đức Giêsu Kitô, con người được bước vào mối tương quan thân mật với Thiên Chúa, tương quan trong tình yêu. Vậy đâu là mối tương quan mà tôi có với Chúa trong thói quen sống đạo mỗi ngày: tương quan Chúa-tôi hay tương quan Cha-con?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tếAnh chị em thân mến! Qua Đức Giêsu Kitô, mầu nhiệm Thiên Chúa đã được mạc khải cách trọn vẹn cho con người, để những ai đón nhận thì sẽ được cứu độ. Với niềm tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa tình yêu, cộng đoàn chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu nguyện:
1. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là nền tảng cho sự hiệp thông trong Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hàng Giám mục, các linh mục và mọi thành phần dân Chúa luôn hợp nhất với nhau trong cùng một đức tin và một sứ vụ làm chứng cho tình thương cứu độ của Thiên Chúa.
2. Ai tin vào Con Một của Thiên Chúa thì sẽ được sống muôn đời. Chúng ta cùng cầu xin Chúa soi sáng cho các nhà lãnh đạo trên thế giới và những người có khả năng sớm tìm ra phương thuốc đẩy lùi dịch bệnh Covid-19; cũng xin Chúa thương chữa lành các bệnh nhân và an ủi gia đình của họ.
3. Thiên Chúa là nguồn mạch yêu thương và bình an. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các Kitô hữu đang bị kỳ thị và bách hại vì đức tin tại nhiều nơi trên thế giới được thêm sức mạnh và bình an giữa những gian nan đau khổ, nhờ luôn tin tưởng phó thác đời mình cho quyền năng của Thiên Chúa.
4. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh em hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở hòa thuận.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết trở nên dấu chỉ của sự hiệp thông trong Chúa Ba Ngôi, qua những cử chỉ yêu thương chân thành và bằng một đời sống dấn thân cho công bình bác ái.
Chủ tếLạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thương chúc lành cho những ý nguyện chân thành của cộng đoàn chúng con, và ban ơn giúp sức để chúng con luôn can đảm làm chứng cho tình thương cứu độ của Chúa giữa thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.


Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi Năm A
CHỦ ĐỀ :
THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người” (Ga 3,16)

Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc Cựu Ước : Thiên Chúa mặc khải cho Môsê biết Ngài là Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
– Đáp ca : Ba trẻ trong lò lửa ca tụng Thiên Chúa đã yêu thương che chở và cứu thoát mình.
– Tin Mừng : Đức Giêsu nói cho Nicôđêmô hiểu cụ thể về Thiên Chúa yêu thương : Ngài đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài cho thế gian.
– Bài đọc Tân Ước : Vì được yêu thương bởi Thiên Chúa tình yêu, kitô hữu hãy vui mừng và sống yêu thương nhau.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một trong ba mầu nhiệm căn bản của đức tin chúng ta, căn bản vì có ảnh hưởng quan trọng trên cách sống đức tin của chúng ta. Nhưng hình như từ trước tới nay chúng ta chưa ý thức bao nhiều về tầm quan trọng ấy.
Trong Thánh lễ này, chúng ta xin cho Lời Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu được tầm quan trọng ấy, và xin ơn Chúa giúp chúng ta sống đức tin của mình một cách tích cực hơn.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
– Thiên Chúa là Cha yêu thương. Nhưng chúng ta chưa mấy tin tưởng phó thác vào tình yêu Chúa.
– Chúa Con đã chịu chết để Thiên Chúa tha thứ tội lỗi chúng ta. Nhưng chúng ta không biết tha thứ cho nhau.
– Chúa Thánh Thần muốn mọi người sống yêu thương nhau như anh em cùng một Cha trên trời. Nhưng chúng ta thường nhìn người chung quanh như những kẻ xa lạ, thậm chí là những kẻ thù.
III. LỜI CHÚA
1.     Bài đọc Cựu Ước: Xh 34,4-6.8-9
Trong đoạn sách Xuất hành này, Thiên Chúa mặc khải cho Môsê biết Ngài là một Thiên Chúa giàu lòng thương xót :
– Chính Thiên Chúa đã giải thoát Israel khỏi ách nô lệ. Nhưng họ lại phản bội Ngài đi thờ lạy tượng bò vàng. Môsê đã tha thiết nài xin Thiên Chúa tha thứ cho họ.
– Đáp lại, Thiên Chúa nói Ngài là “Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, giàu ân nghĩa và thành tín”.
2.                 Đáp ca: Đn 3,52-56
Đây là trích đoạn bài ca của ba trẻ trong lò lửa. Các em chúc tụng Thiên Chúa đã yêu thương che chở và giải thoát những kẻ đặt niềm tin vào Ngài.
3.                 Tin Mừng: Ga 3,16-18
Bài Tin Mừng lặp lại ý tưởng của bài đọc Cựu Ước, nhưng cho biết cụ thể hơn : Thiên Chúa đã tỏ ra Ngài là Thiên Chúa yêu thương đến nỗi đã ban Người Con duy nhất của Ngài cho thế gian, để ai tin vào Người Con ấy thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời.
4.                 Bài đọc Tân Ước: 2Cr 13,11-13
Thánh Phaolô rút ra hệ luận từ niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi : Kitô hữu hãy vui mừng và sống hòa thuận thương yêu nhau, bởi vì họ được Thiên Chúa yêu thương và ban cho dư đầy ân sủng.
IV.GỢI Ý GIẢNG
1.     Tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi có gì hay?
Có lẽ từ trước tới nay, chúng ta nghĩ tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi quá khô khan, như một công thức toán : một Chúa ba Ngôi, ba Ngôi một Chúa !
Nhưng có đi sâu vào nội dung tín điều này thì chúng ta mới thấy chúng ta thật hạnh phúc khi Thiên Chúa chúng ta thờ là Thiên Chúa Ba Ngôi :
– Ngài là Cha chứ không phải là một vị thần độc đoán.
– Chúng ta thờ Ngài, nhưng không phải trong tâm tình sợ sệt, mà trong tâm tình yêu mến như Đức Giêsu, Con của Ngài.
– Ngài không ở xa chúng ta, nhưng ở ngay trong lòng chúng ta, bằng Chúa Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta.
– Ngài là ba Ngôi, nghĩa là Ngài sống tập thể, yêu thương nhau, kết hợp với nhau và luôn trao ban cho nhau. Do đó Ngài không phải là một mẫu khô cứng để ta tôn thờ, nhưng là một cuộc sống để chúng ta sống theo.
2.                 Sửa lại hình ảnh lệch lạc về Thiên Chúa
Lời Chúa hôm nay vẽ lên một hình ảnh Thiên Chúa rất dễ thương, có lẽ khác hẳn hình ảnh méo mó lệch lạc trong đầu chúng ta bấy lâu nay : Ngài là Thiên Chúa yêu thương, với những biểu hiện rất cụ thể của tình yêu
– Yêu thương là Cho : “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian”
– Yêu thương là làm cho Sống và sống dồi dào : “… để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.
– Yêu thương là Tha thứ : Thiên Chúa mặc khải cho Môsê biết Ngài là “Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, giàu ân nghĩa và thành tín”.
– Yêu thương là ở chung, sống chung, đi chung : Môsê đã nài xin và được Thiên Chúa chấp nhận “Dám xin Chúa cùng đi đường với chúng tôi”. Thánh Phaolô cũng cho tín hữu Côrintô biết Thiên Chúa “sẽ ở cùng anh em”.
3.                 Mầu nhiệm Ba Ngôi
Ai trong chúng ta cũng biết cầu chuyện về Thánh Augustinô ngày kia gặp một cậu bé đang cố sức lấy một chiếc vỏ sò múc nước biển đổ vào một cái hang. Thánh nhân đã chê cười cậu bé. Nhưng cậu đã đáp lại : việc tôi làm không đáng chê cười bằng việc Ngài muốn dùng trí khôn loài người để tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Mầu nhiệm là sự thật vượt quá tầm hiểu của trí khôn loài người. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chúng ta không thể biết tí gì về mầu nhiệm ấy. Mặc dù Ba Ngôi Thiên Chúa là một mầu nhiệm, nhưng Thiên Chúa cũng cho chúng ta hiểu biết đôi điều về mầu nhiệm ấy :
– Ngài đã ban rất nhiều dấu chỉ trong vũ trụ thiên nhiên. Voltaire đã nói : “Chỉ cần mở mắt ra là ta nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa”. Abraham Lincoln giải thích rõ hơn : “Tôi không hiểu làm sao người ta có thể là người vô thần được khi nhìn xuống mặt đất. Tôi cũng không thể hình dung được một người nào đó nhìn lên trời mà nói rằng không có Thiên Chúa”.
– Qua những trang Sách Thánh, Thiên Chúa còn cho ta biết thêm rằng Ngài có Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần ; rằng Ngài yêu thương loài người đến nỗi ban chính Con Một của Ngài cho chúng ta ; rằng chúng ta được Ngài nhận làm con và có quyền gọi Ngài là Cha ; rằng chúng ta có thể nói chuyện thân mật với Ngài khi cầu nguyện ; rằng Ngài để dành sẵn hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta trong nhà Ngài… Tóm lại là Ngài yêu thương chúng ta vô cùng.
4.                 Hãy hôn chào nhau một cách thánh thiện
Nụ hôn bình an trong Thánh lễ đã có từ thời Thánh Phaolô. Sau đó nó bị bỏ đi một thời gian. Rồi từ việc canh tân phụng vụ của Công đồng Vaticanô II, nó lại được tái lập.
Tại sao Giáo Hội tái lập nụ hôn bình an ? Vì đó là một cử chỉ yêu thương, đoàn kết, thông hiệp. Cử chỉ này vừa biểu lộ niềm tin của chúng ta vào một Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương nhau, vừa nhắc nhở chúng ta phải sống yêu thương như Thiên Chúa chúng ta tôn thờ.
Khi hôn bình an trong Thánh lễ, chúng ta đừng thờ ơ chỉ làm cho xong một chi tiết lễ nghi phụng vụ, cũng đừng hôn nhau mà lòng còn đố kỵ nhau. Hãy hôn nhau “một cách thánh thiện” với nguyện ước sẽ hết lòng yêu thương người mình hôn theo gương mẫu tình yêu của chính Thiên Chúa.

5.                 Chuyện minh họa
a/ Thiên Chúa mời gọi
Một tu sĩ tên là Rublev đã vẽ một bức tranh rất đặc biệt về Ba Ngôi Thiên Chúa. Ba Ngôi ngồi quanh một cái bàn, và trên bàn có một đĩa thức ăn. Nhưng nét đặc biệt là có một chiếc ghế trống. Chiếc ghế trống ấy ngụ ý một sự mời mọc, một sự sẵn sàng. Bàn ăn của Ba Ngôi còn một chiếc ghế trống nghĩa là Ba Ngôi sẵn sàng đón tiếp bất cứ ai đến thông chia sự thân mật và tình yêu thương của các Ngài.
b/ Thiên Chúa ở trong ta
Một người dân gypsy đứng gần một cái giếng uống rượu. Chốc chốc ông lại nhìn xuống giếng như nhìn một người nào đó. Một cậu bé nảy giờ quan sát người gypsy này, ngạc nhiên hỏi :
– Ai ở dưới đó vậy ?
– Thiên Chúa.
– Vậy cháu có thể nhìn Chúa không ?
– Đương nhiên rồi.
Thế rồi người gypsy bế cậu bé lên để cậu nhìn xuống giếng. Cậu bé :
– Nhưng cháu chỉ thấy mặt cháu thôi.
– Đó cũng là mặt Chúa. Chúa ở trong chúng ta mà !
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm của tình yêu : một tình yêu sáng tạo, một tình yêu cứu độ và một tình yêu thánh hóa. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.
1.     Trong lịch sử / nhiều khi hình ảnh của Hội Thánh bị méo mó lệch lạc / vì đời sống không gương mẫu của các kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho nmọi thành viên trong đại gia đình Hội Thánh / biết dùng đời sống bác ái yêu thương / mà trình bày khuôn mặt đích thực của Hội Thánh cho mọi người.
2.     Mỗi ngày có biết bao nỗ lực của những người có trách nhiệm / nhằm đem lại hòa bình cho thế giới / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa soi sáng / và hướng dẫn những nhà lãnh đạo các dân tộc / để họ biết dẹp bỏ mọi tị hiềm / và chân thành cộng tác với hau / hầu mang lại hòa bình thực sự cho thế giới.
3.     Từ xưa đến nay / lúc nào cũng có nhiều người quảng đại / luôn sẵn sàng hy sinh mọi sự / kể cả tính mạng của mình / và dùng tình thương để xoa dịu đau khổ của những người bất hạnh trong các trại phong / các bệnh viện tâm thần / các nhà nuôi người già / cũng như nơi các nhà nuôi trẻ mồ côi / các trẻ em đường phố / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa nâng đỡ những con người nhiệt thành ấy.
4.     Đời sống người kitô hữu phải phản ánh trung thực đời sống yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / luôn chân thành yêu thương nhau / cũng như hiệp nhất và nâng đỡ nhau trong mọi tình huống của đời sống thường ngày.
CT : Lạy Chúa Giêsu, trong bữa Tiệc ly, Chúa đã để lại cho chúng con một điều răn mới : “Anh em hãy thương yêu nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em”. Xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con có thể sống trọn vẹn điều răn mới này. Chúa hằng sống và hiển trị…
VI. TRONG THÁNH LỄ
– Chủ tế chú ý nhấn mạnh tất cả những đoạn kết của các lời cầu nguyện có công thức Ba Ngôi.
– Trước kinh Lạy Cha : Lời kinh Lạy Cha sau đây, chúng ta hãy cố gắng đọc lên với cả tâm tình con thảo như Đức Giêsu và do Chúa Thánh Thần khơi lên trong lòng chúng ta.
– Chúc bình an : Trong bài đọc II hôm nay, Thánh Phaolô đã khuyên : “Anh em hãy hôn chào nhau cách thánh thiện”. Giờ đây chúng ta hãy thực hiện lời khuyên đó : chúng ta hãy chúc cho nhau được luôn bình an trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
VII. GIẢI TÁN
Chúng ta đã dâng Thánh lễ tôn kính Thiên Chúa Ba Ngôi đầy tình yêu thương. “Xin chúc anh chị em được đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô, đầy tình thương của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI


Lectio Divina: Lễ Chúa Ba Ngôi (A)
Sunday 7 June, 2020
Lectio Divina | Lectio Divina Năm A
“Thiên Chúa đã yêu thế gian quá đỗi!”
Thiên Chúa Ba Ngôi là cộng đoàn tốt đẹp nhất 
Ga 3:16-18 

1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.
 2.  Bài Đọc 
a)  Chìa khóa để hướng dẫn bài đọc:
–  Một vài câu Tin Mừng này là một phần sự suy niệm của Thánh Sử Gioan (Ga 3:16-21), nơi ông đã giải thích với cộng đoàn của ông vào cuối thế kỷ thứ nhất, ý nghĩa của cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô (Ga 3:1-15).  Trong cuộc đối thoại này, Nicôđêmô cảm thấy khó mà làm theo được suy nghĩ của Chúa Giêsu.  Việc tương tự cũng đã xảy ra với các cộng đoàn.  Một số người trong bọn họ, vẫn còn chịu ảnh hưởng của các tiêu chuẩn trong quá khứ, không thể hiểu được những sự mới lạ mà Chúa Giêsu đem lại.  Đoạn Tin Mừng của chúng ta (Ga 3:16-18) là một cố gắng để vượt qua khó khăn này.
–  Giáo Hội cũng đã chọn ba câu Phúc Âm này cho ngày lễ Chúa Ba Ngôi.  Thực ra, chúng là một chìa khóa quan trọng mặc khải tầm quan trọng của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong đời sống chúng ta.  Khi đọc, chúng ta hãy cố gắng giữ trong trí và trong lòng chúng ta rằng trong đoạn Tin Mừng này Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con là Đức Giêsu, và tình yêu là Chúa Thánh Thần.  Vì vậy, chúng ta đừng cố gắng hiểu thấu mầu nhiệm.  Chúng ta hãy dừng lại trong yên lặng và trong ngạc nhiên!
b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Ga 3:16:  Chúa Giêsu nói rằng nhờ tình yêu của Thiên Chúa mà ơn cứu độ được thể hiện ở món quà tặng Con Một của Người
Ga 3:17:  Ý muốn của Thiên Chúa là để cứu rỗi chứ không phải để luận phạt.
Ga 3:18:  Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải có can đảm để tin vào tình yêu này.
c)  Phúc Âm:  
16:  Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng:  “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời.
17:  Vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ.
18:  Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt.  Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào Danh Con Một Thiên Chúa.
3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4.  Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a)  Điều gì khiến bạn hài lòng hoặc cảm động nhất?
b)  Sau khi xem xét cẩn thận đoạn Tin Mừng ngắn gọn này, đâu là những chữ chính được lặp lại nhiều lần?           
c)  Kinh nghiệm chính về cộng đoàn bởi tác giả Phúc Âm được cho thấy trong đoạn Tin Mừng là gì?
d)  Đoạn Tin Mừng nói cho chúng ta điều gì về tình yêu của Thiên Chúa?
e)  Đoạn Tin Mừng cho chúng ta biết gì về Đức Giêsu?
f)  Đoạn Tin Mừng cho chúng ta biết gì về thế gian?
g)  Đoạn Tin Mừng mặc khải cho ta điều gì?
5.  Chìa khóa của bài đọc
Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong bài Tin Mừng.
a)  Bối cảnh mà Lời của Chúa Giêsu xuất hiện trong Tin Mừng Gioan:
*  Nicôđêmô là một nhà thông thái nghĩ rằng ông biết tất cả về Thiên Chúa.  Ông quan sát Chúa Giêsu với cuốn sách Luật của Môisen trong tay ông để xem liệu những điều mới được công bố bởi Đức Giêsu có phù hợp với cuốn sách không.  Trong cuộc trò truyện, Chúa Giêsu đã chỉ ra cho Nicôđêmô (và cho tất cả chúng ta) rằng cách duy nhất để một người có thể hiểu được những việc về Thiên Chúa là phải tái sinh lần nữa!  Điều tương tự cũng xảy ra ngày nay.  Thông thường, chúng ta cũng giống như Nicôđêmô:  chúng ta chỉ chấp nhận những điều gì hợp với sự suy nghĩ của chúng ta thôi.  Ngoài ra chúng ta bác bỏ tất cả, nghĩ rằng nó trái ngược với truyền thống.  Nhưng không phải tất cả mọi việc là như thế này.  Có những người để cho mình được ngạc nhiên bởi những sự kiện và có những người không ngần ngại khi tự nhủ:  “Ta hãy tái sinh!”
*  Khi nhớ lại những lời của Chúa Giêsu, tác giả Phúc Âm đã có trước mắt của ông tình trạng của cộng đoàn vào cuối thế kỷ thứ nhất, và vì những người này mà ông đã viết.  Những nghi ngờ của ông Nicôđêmô cũng là những nỗi hoài nghi của các người trong cộng đoàn.  Vì thế, câu trả lời của Chúa Giêsu cũng là để trả lời cho cộng đoàn.  Rất có thể, cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô là một phần của giáo lý rửa tội, bởi vì văn bản nói rằng người ta phải được tái sinh trong nước và Chúa Thánh Thần (Ga 3:6).  Trong bài bình luận ngắn gọn sau đây, chúng ta tập trung vào những ý chính xuất hiện trong văn bản và là trung tâm điểm của Tin Mừng Gioan.  Chúng được dùng như những chữ chính cho việc đọc toàn bộ cuốn Tin Mừng.  
b)  Lời bình giải về đoạn Tin Mừng 
*  Ga 3:16:  Yêu là cho đi chính mình vì lợi ích của tình yêu.  Trước hết, chữ tình yêu chỉ về một trải nghiệm sâu sắc trong mối quan hệ giữa người và người.  Nó bao gồm những cảm xúc và các giá trị như hân hoan, buồn rầu, đau khổ, tăng trưởng, từ bỏ, hiến dâng, nhận thức, quà tặng, sự cam kết, cuộc sống, cái chết, v.v.  Trong Cựu Ước, những giá trị và cảm xúc này được tóm tắt trong chữ “hesed”, trong Kinh Thánh của chúng ta, thường được dịch là lòng bác ái, lòng thương xót, sự trung thành hay tình yêu.
Trong Tân Ước, Chúa Giêsu mặc khải cho thấy tình yêu này của Thiên Chúa trong những gặp gỡ của Người với dân chúng.  Người mặc khải điều này qua các cảm xúc của tình bằng hữu, sự tử tế, ví dụ như là trong mối quan hệ của Chúa với gia đình chị em bà Martha tại Bêtania:  “Chúa Giêsu quý mến bà Martha, các em bà là Maria và Lagiarô”.  Người đã rơi lệ tại mồ của Lagiarô (Ga 11:5, 33-36).  Chúa Giêsu phải đối diện với sứ vụ của Người như là sự biểu lộ của tình yêu:  “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình … Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13:1).  Trong tình yêu này, Chúa Giêsu mặc khải danh phận sâu sắc của Người với Chúa Cha:  “Như Cha đã yêu thương Thầy thế nào, thì Thầy cũng yêu thương như vậy!”  (Ga 15:9).  Người cũng nói với chúng ta:  “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con!”  (Ga 15:12).  Gioan định nghĩa tình yêu như sau:  “Điều này đã dạy chúng ta tình yêu là gì – đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta; như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng mình vì anh em chúng ta”. (1Ga 3:16).  Không có một giới răn nào khác ngoài giới răn này cho cộng đoàn, “phải sống cùng đời sống như của Đức Giêsu (1Ga 2:6).  Những ai sống, yêu và bày tỏ nó trong lời nói và thái độ, sẽ trở thành Người Môn Đệ Chúa Yêu.
*  Ga 3:17:  Chúa yêu thương thế gian và đã hiến mạng sống mình để cứu độ thế gian.  Chữ thế gian được tìm thấy 78 lần trong Tin Mừng của Gioan, nhưng với những ý nghĩa khác nhau.  Trước hết, “thế gian” có nghĩa là trái đất, không gian sinh sống bởi loài người (Ga 11:9; 21:25) hoặc vũ trụ được tạo dựng (17:5-24).  Trong đoạn Tin Mừng của chúng ta, “thế gian” có thể có nghĩa là những người sống ở trái đất này, toàn thể nhân loại, được yêu thương bởi Thiên Chúa, Đấng đã ban Con Một Người vì lợi ích của thế gian (Ga 1:9; 4:42; 6:14; 8:12).  Nó cũng có thể có nghĩa là thiên hạ, trong ý nghĩa của “toàn thể thế giới” (Ga 12:19; 14:27).  Tuy nhiên, hơn hết cả, trong Tin Mừng của Gioan chữ “thế gian” có nghĩa là nhân loại để đối lại với Chúa Giêsu và như thế trở thành kẻ “đối nghịch” hoặc “đối lập” (Ga 7:4-7; 8:23-26; 9:39; 12:25).  “Thế gian”, trái với việc giải thoát của Chúa Giêsu, bị chi phối bởi sự thù nghịch, Satan, cũng được gọi là “thủ lãnh thế gian” (14:30; 16:11), là những kẻ ngược đãi và tàn sát các cộng đoàn tín hữu (16:33), tạo ra sự bất công, áp bức, duy trì bởi những kẻ cầm quyền, bởi những kẻ cai trị trong đế quốc và hội đường.  Họ nhân danh Thiên Chúa mà thực hành sự bất công (16:2).  Niềm hy vọng mà Tin Mừng của Gioan mang đến các cộng đoàn là Chúa Giêsu sẽ chiến thắng thủ lãnh của thế gian này (12:31).  Người dũng mãnh hơn “thế gian”.  “Trong thế gian, các con sẽ phải gian nan khốn khó, nhưng hãy can đảm lên:  Thầy đã thắng thế gian” (16:33).    
*  Ga 3:18:  Con Một Thiên Chúa Đấng đã dâng hiến mạng sống mình cho chúng ta:  Một trong những danh hiệu cổ xưa nhất và trang trọng nhất mà các Kitô hữu tiên khởi đã dùng để mô tả sứ vụ của Chúa Giêsu là Đấng Che Chở.   Tiếng Do Thái gọi là Goêl.  Chữ này thường được dùng để chỉ bà con gần nhất, người anh cả, người có bổn phận phải chuộc lại những người anh em mình có thể đang bị đe dọa mất hết tài sản của họ (Lv 25:23-55).  Vào thời kỳ lưu đày ở Babylon, mọi người, luôn cả người bà con gần nhất, mất hết tất cả.  Khi ấy, Thiên Chúa đã trở thành Đấng Che Chở (Goêl) của dân Người.  Chúa đã chuộc lại dân Người khỏi ách nô lệ.  Trong Tân Ước, chính là Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa, trưởng tử, người thân nhân gần nhất, đã trở thành Đấng Che Chở (Goêl) của chúng ta.  Thuật ngữ hoặc danh hiệu này được phiên dịch một cách đa dạng như vị cứu tinh, đấng cứu chuộc, người giải phóng, đấng bào chữa, người anh cả, đấng an ủi, vân vân… (Lc 2:11; Ga 4:42; Cv 5:31; v.v.).  Chúa Giêsu lãnh lấy trách nhiệm che chở và cứu chuộc gia đình của Người, dân của Người.  Chúa đã tự hy sinh trọn vẹn và hoàn toàn để chúng ta, các anh chị em của Người, có thể được sống lại trong tình yêu thương anh em.  Đây là sự phục vụ Người ban cho chúng ta.  Điều đó cũng khiến cho lời tiên tri của ngôn sứ Isaia công bố về một Đấng Mêssia Tôi Tớ được viên mãn.  Chúa Giêsu đã nói:  “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc (goêl) muôn người!” (Mc 10:45).  Thánh Phaolô nói lên sự phát hiện này trong lời sau đây:  “Người đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi!” (Gl 2:20).
c)  Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong bài viết của Gioan:
*  Niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh là sự khởi đầu và kết thúc của đức tin chúng ta.  Bất cứ điều gì chúng ta nói hôm nay với mức độ rất rõ ràng về Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, có thể được tìm thấy trong Tân Ước.  Nó được tìm thấy ở đó dưới hình thức hạt giống và được phát triển qua nhiều thế kỷ.  Trong số bốn Thánh Sử, thánh Gioan là người đã giúp chúng ta nhiều nhất để hiểu rõ mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi. 
Gioan nhấn mạnh đến sự hợp nhất sâu xa giữa Chúa Cha và Chúa Con.  Sứ vụ của Chúa Con là mặc khải về tình yêu của Chúa Cha (Ga 17:6-8).  Chúa Giêsu đến để công bố:  “Chúa Cha và Ta là một” (Ga 10:30).  Có sự hợp nhất như thế, để cho những ai trông thấy Chúa Con tức cũng là trông thấy Chúa Cha.  Bằng vào sự mặc khải về Chúa Cha, Đức Giêsu truyền đạt một thần khí mới “Thần Khí Sự Thật phát xuất từ Chúa Cha” (Ga 15:26).  Theo lời cầu xin của Chúa Con (Ga 14:16), Chúa Cha sẽ ban cho mỗi người chúng ta Thần Khí mới này để ở lại với chúng ta luôn mãi.  Thần Khí này, xuất phát từ Chúa Cha (Ga 14:16) và từ Chúa Con (Ga 16:7-8) cho thấy sự hiệp nhất sâu xa hiện hữu giữa Chúa Cha và Chúa Con (Ga 15:26-27).  Người Kitô hữu đã nhìn thấy sự hiệp nhất trong Thiên Chúa để hiểu ra rằng sự hiệp nhất cũng cần phải thể hiện trong số họ. (Ga 13:34-35; 17:21).
Ngày nay chúng ta nói:  Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Sách Khải Huyền viết:  Người là Đấng hiện có, đã có, và đang đến, xin bảy thần khí hiện diện trước ngai của Người, và từ Đức Giêsu Kitô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian (Kh 1:4-5).  Với các danh hiệu này, Gioan nói cho chúng ta biết những gì mà các cộng đoàn nghĩ và hy vọng được nhận lãnh ân sủng từ Chúa Cha, trong Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Chúng ta hãy xem:
i)  Nhân danh Cha:  Đấng Trước Hết và Sau Cùng (Alpha và Omega), Đấng Hiện Có, Đấng Đã Có, Đấng Đang Đến, Đấng Toàn Năng.
Đấng Khởi Nguyên và Cùng Tận.  Chúng ta có thể nói Đấng từ A đến Z (xem Is 44:6; Kh 1:17).  Thiên Chúa là sự khởi đầu và kết thúc của lịch sử.  Không có chỗ nào cho một Chúa khác!  Các Kitô hữu không thể chấp nhận sự giả dối của Đế Quốc La Mã đã thần thánh hóa các hoàng đế của họ.  Không có điều gì xảy ra trong đời sống mà có thể được diễn giải chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên đơn giản, ngoài sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa chúng ta.
Đấng Hiện Có, Đã Có, Đang Đến (Kh 1:4-8; 4:8).  Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa xa vời.  Người đã ở với trong chúng ta trong quá khứ, đang ở với chúng ta trong hiện tại, sẽ ở với chúng ta trong tương lai.  Người hướng dẫn lịch sử, ở trong lịch sử, đồng hành với dân của Người.  Lịch sử của Thiên Chúa là lịch sử của dân Người.
Đấng Toàn Năng.  Đây là một vương hiệu dành cho các vua chúa sau Đại Đế Alexander.  Đối với các Kitô hữu, vị vua đích thực là Đức Chúa Trời.  Danh hiệu này thể hiện quyền năng tác tạo mà Người dùng để hướng dẫn dân Người.  Danh hiệu tăng thêm sự chắc chắn của chiến thắng và thôi thúc chúng ta phải ca hát lên, ngay cả lúc này, niềm hân hoan về một Trời Mới và Đất Mới (Kh 21:2).       
ii)  Nhân danh Chúa Con:  Vị Chứng Nhân Trung Thành, Trưởng Tử trong số những người chết, Thủ Lãnh của các vua trên trần gian.
Vị Chứng Nhân Trung Thành:  Chứng nhân đồng nghĩa với người tử đạo.  Đức Giêsu đã có can đảm làm chứng cho Tin Mừng của Thiên Chúa Cha.  Người đã trung thành cho đến chết, lời đáp trả của Thiên Chúa là sự phục sinh (Pl 2:9; Dt 5:7).
Trưởng Tử trong số những người chết:  Trưởng tử cũng giống như người anh cả (Cl 1:18).  Đức Giêsu là trưởng tử trong số những người chết chỗi dậy.  Sự chiến thắng cõi chết của Người cũng sẽ là của chúng ta, các anh chị em của Người!
Thủ Lãnh của các vua trên trần gian:  Đây là một danh hiệu được trao cho các Hoàng Đế La Mã như một sự tuyên truyền chính thức.  Các người Kitô hữu đã trao danh hiệu này cho Đức Kitô.  Tin vào Đức Kitô bị xem như là một hành động nổi loạn chống phá lại đế chế và hệ thống tư tưởng của nó.
Ba danh hiệu sau đây xuất phát từ Thánh Vịnh 89, ở đó Đấng Cứu Thế được gọi là vị Chứng Nhân Trung Thành (Tv 89:38), là Trưởng Tử (Tv 89:28), Đấng Cao Cả hơn các vua chúa trần gian (Tv 89:28).  Các Kitô hữu tiên khởi lấy nguồn cảm hứng từ Kinh Thánh để xây dựng học thuyết của họ.
iii) Nhân danh Chúa Thánh Thần:  Bảy ngọn đuốc, Bảy mắt, Bảy thần khí.
Bảy ngọn đuốc:  Theo sách Khải Huyền 4:5, điều này đã được viết rằng bảy thần khí là bảy ngọn đuốc cháy sáng trước Ngai Tòa Thiên Chúa.  Có bảy bởi vì chúng đại diện cho sự sung mãn của kỳ công Thiên Chúa trên thế gian.  Có bảy ngọn đuốc cháy sáng, bởi vì chúng tượng trưng cho tác động của Chúa Thánh Thần Đấng soi sáng, làm mới và thanh tẩy (Cv 2:1).  Những ngọn đuốc đứng trước Ngai Tòa luôn luôn sẵn sàng đáp ứng bất cứ mệnh lệnh nào của Thiên Chúa.
Bảy mắt:  Sách Khải Huyền 5:6 viết rằng Chiên Con có bảy mắt, tượng trưng cho bảy thần khí Thiên Chúa đã được sai đi khắp mặt đất.  Thật là một hình ảnh đẹp!  Chỉ cần nhìn vào Chiên Con là có thể thấy Thần Khí Chúa làm việc ở nơi mà Chiên Con nhìn đến, bởi vì mắt của Người là mắt của Thần Khí Chúa.  Chính Người là Đấng luôn dõi theo chúng ta!
Bảy Thần Khí:  Số bảy gợi lại bảy ơn của Chúa Thánh Thần được đề cập đến trong sách của ngôn sứ Isaia và sẽ ngự lại trên Đấng Cứu Thế (Is 11:2-3).  Lời tiên tri này chứng thực trong Đức Giêsu.  Bảy Thần Khí của Thiên Chúa đồng thời cũng là của Chúa Giêsu.  Cùng một danh tính của Chúa Thánh Thần với Chúa Giêsu xuất hiện ở cuối của mỗi bảy lá thư.   Chính Đức Kitô đã nói trong những lá thư, và tại cuối mỗi lá thư chúng ta đọc, Người lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần nói với các Giáo Hội.  Chúa Giêsu nói, tức là Chúa Thánh Thần nói.  Cả hai là một.        
6.  Thánh Vịnh 63:1-9       
Lạy Chúa, linh hồn con khát khao Ngài!
Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.
Linh hồn con đã khát khao Ngài,
tấm thân này mòn mỏi đợi trông,
như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.
Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện,
để thấy uy lực và vinh quang của Ngài.
Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống,
miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương.

Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng,
và giơ tay cầu khẩn danh Ngài.
Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc,
môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.
Con tưởng nhớ Chúa trên giường ngủ,
suốt năm canh thầm thĩ với Ngài.
Quả thật Ngài đã thương trợ giúp,
nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui.
Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó,
giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì.
7.  Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét