Trang

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

09-06-2020 : THỨ BA - TUẦN X THƯỜNG NIÊN


09/06/2020
 Thứ Ba tuần 10 thường niên

BÀI ĐỌC I: 1 V 17, 7-16
“Vò bột không cạn và bình dầu không giảm như lời Chúa đã dùng lời Êlia mà phán”.
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, giòng suối nơi Êlia ẩn náu đã cạn, vì trong xứ không mưa. Bấy giờ Thiên Chúa phán cùng Êlia rằng: “Hãy chỗi dậy, đi Sarephta thuộc miền Siđon và ở lại đó: Ta đã truyền cho một quả phụ nuôi dưỡng ngươi”. Ông liền lên đường đi Sarephta. Khi ông đến trước cửa thành, ông thấy một quả phụ đang lượm củi; ông gọi bà và nói với bà rằng: “Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống”. Đương lúc bà đi lấy nước, ông gọi lại mà nói: “Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh”. Bà thưa: “Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám: Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi”. Êlia trả lời bà rằng: “Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút bột ấy, trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Israel truyền rằng: “Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi, cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất”. Bà đi làm theo lời ông Êlia; chính ông và bà cùng cả nhà đều đủ ăn; từ ngày đó, hũ bột không cạn và bình dầu không vơi, như lời Chúa đã dùng Êlia mà phán. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 4, 2-3. 4-5. 7-8
Đáp: Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con (c. 7b).
Xướng:
1) Khi con cầu, nguyện Chúa nghe, lạy Chúa công bình của con, Chúa đã giải thoát con trong cơn khốn khó, nguyện xót thương và nghe tiếng con cầu. Người quyền thế, các ông cứng lòng tới bao giờ nữa? Tại sao say đắm bả phù hoa và kiếm chuyện sai ngoa? – Đáp.
2) Nên biết rằng Chúa biệt đãi thánh nhân Ngài, Chúa sẽ nghe tôi khi tôi cầu khẩn Chúa. Hãy run lên và thôi phạm tội, hãy hồi tâm nghĩ lại trên giường nằm, và hãy lặng thinh. – Đáp.
3) Nhiều người nói: “Ai chỉ cho ta thấy điều thiện hảo?” Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con. Chúa đã gieo vào lòng con niềm vui, vui hơn tụi kia khi chúng tràn đầy lúa rượu. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 5, 13-16
“Các con là sự sáng thế gian”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn xử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”. Đó là lời Chúa.


Suy Niệm : Muối và Ánh Sáng
Muối là để làm gia vị, đèn là để soi sáng. Với hai hình ảnh này, Chúa Giêsu muốn nói lên sứ mệnh của Giáo Hội trong trần thế. Ngay từ đầu lịch sử của mình, Giáo Hội đã ý thức về sứ mệnh ấy. Giáo Hội là muối và ánh sáng của thế giới, bởi vì là Thân Thể của Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Giáo Hội luôn xác tín rằng tất cả chân lý về Thiên Chúa và về con người đã được Chúa Giêsu mạc khải và ủy thác cho Giáo Hội. Qua cuộc sống của mình, Giáo Hội bày tỏ cho nhân loại biết con người là ai? Con người bởi đâu mà đến? Con người sẽ đi về đâu? Qua cuộc sống của mình, Giáo Hội chứng tỏ cho con người cùng đích của cuộc sống, đó là sống với Thiên Chúa.
Các tín hữu tiên khởi đã xác tín về điều đó, cuộc sống bác ái yêu thương của họ đã là muối và ánh sáng cho nhiều người. Những tiến bộ về khoa học, văn hóa, kinh tế và ngay cả chính trị tại Âu Châu thời Trung Cổ quả là thể hiện vai trò muối và ánh sáng của Giáo Hội. Không ai có thể vai trò hạt nhân về phát triển của các Tu viện Công giáo. Văn minh Tây phương, dù muốn hay không, vẫn là văn minh Kitô giáo. Những giá trị tinh thần mà nhân loại đạt được ngày nay, như tự do, dân chủ, nhân quyền, đều là những giá trị xuất phát từ Kitô giáo. Qua những giá trị tinh thần ấy, chúng ta có thể nói rằng muối của Giáo Hội đã ướp được phần lớn trái đất, ánh sáng của Giáo Hội đã chiếu soi vào những góc tối tăm của tâm hồn.
Tuy nhiên, hình ảnh muối và ánh sáng vẫn luôn gợi lên cho chúng ta cái tư thế nhỏ bé của Giáo Hội. Người ta chỉ cần một lượng nhỏ muối để ướp một lượng lớn thực phẩm, một cái đèn nhỏ cũng đủ để chiếu dọi một khoảng không gian lớn. Phải chăng với hình ảnh của muối và ánh sáng, Chúa Giêsu không muốn ám chỉ tới cái vị thế đàn chiên nhỏ bé là Giáo Hội? Ðã qua hơn 2,000 năm lịch sử, các môn đệ Chúa Giêsu đã đi khắp thế giới để rao giảng cho mọi dân tộc. Nếu xét về con số, thì thực tế không thể chối cãi là hơn 2/3 nhân loại vẫn chưa trở thành môn đệ Chúa Giêsu, và càng ngày xem chừng những người mang danh hiệu Kitô càng nhỏ lại, nếu so với những người ngoài Kitô giáo.
Muối và đèn soi vốn là những hình ảnh gợi lên cho chúng ta cái tư thế thiểu số của Giáo Hội trong trần thế, nhưng lại mời gọi chúng ta xác tín về sứ mệnh vô cùng to tát của Giáo Hội. Bằng mọi giá, Giáo Hội phải ướp mặn thế giới, phải chiếu soi trần gian bằng chính chân lý cao cả mà Chúa Giêsu đã mạc khải và ủy thác cho mình. Cả vận mệnh nhân loại tùy thuộc sứ mệnh của Giáo Hội, do đó không có lý do nào cho phép Giáo Hội xao lãng sứ mệnh ấy. Thánh Phaolô đã nói lên sự khẩn thiết của sứ mệnh ấy như sau: "Gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện, cũng phải luôn luôn rao giảng Tin Mừng của Chúa".
Ðã có một lúc Giáo Hội gặp nhiều dễ dàng và thuận tiện trong việc thực thi sứ mệnh: cả một quốc gia, cả một lục địa đón nhận sứ điệp Tin Mừng. Thế nhưng, cũng có biết bao thời kỳ Giáo Hội bị khước từ, bị bách hại, đây chính là lúc không thuận tiện mà thánh Phaolô nói đến và cũng là lúc Giáo Hội càng phải rao giảng mạnh mẽ và kiên quyết hơn. Chính vì là thiểu số, và là một thiểu số bị loại trừ và bách hại, Giáo Hội lại càng phải ý thức hơn về vai trò là muối và ánh sáng của mình.
Một trong những nguy cơ lớn nhất đối với Giáo Hội chính là thỏa hiệp: thỏa hiệp để được một chút dễ dãi, thỏa hiệp để được một chút đặc quyền đặc lợi. Thực ra, đã là thỏa hiệp tức là đánh mất một phần căn tính của mình: thay vì muối để ướp cho mặn, thì muối lại đánh mất chất mặn của mình đi; đã là đèn dùng để soi sáng thì đèn lại bị đặt dưới đáy thùng; thay vì rao giảng lời chân lý, Giáo Hội thỏa hiệp để chỉ còn rao giảng lời của những sức mạnh đang khống chế mình. Xét cho cùng, sứ mệnh của muối và ánh sáng cũng chính là sứ mệnh của tiên tri. Số phận của tiên tri là số phận của thiểu số, nhưng là thiểu số dám lên tiếng rao giảng chân lý, sẵn sàng tố cáo bất công, và dĩ nhiên sẵn sàng hy sinh, ngay cả mạng sống mình.
Giáo Hội là muối và ánh sáng thế gian. Mỗi Kitô hữu tự bản chất cũng là muối và ánh sáng của thế gian. Họ sẽ đánh mất bản chất mặn của muối và tia sáng của ánh sáng, nếu chỉ vì một chút lợi lộc vật chất, một chút dễ dãi, mà họ thỏa hiệp với những gì đi ngược chân lý của Chúa Giêsu. Một cách cụ thể, người Kitô hữu sẽ không còn là muối và ánh sáng, nếu theo dòng chảy của xã hội, họ cũng lọc lừa, móc ngoặc, dối trá.
Nguyện xin Chúa ban thêm sức mạnh, để dù chỉ là một thiểu số, chúng ta vẫn luôn là muối có sức ướp mặn xã hội, là đèn có sức chiếu soi xã hội.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 10 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc1 Kgs 17:7-16; Mt 5:13-16.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Các tín hữu phải soi sáng cho những người chưa biết Thiên Chúa.
Một người hay một vật hữu ích khi người đó hay vật đó làm những gì giả sử phải làm; ví dụ: học sinh phải học, cảnh sát phải giữ trật tự và bảo vệ dân, chó phải giữ nhà, cây ăn trái phải cho trái ăn, cái cuốc phải đào được đất. Nếu không làm nhiệm vụ giả sử phải làm, người đó hay vật đó trở thành vô ích. Người ta sẽ quăng đi và thay thế bằng người hay vật khác.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật bổn phận của các tín hữu là phải soi sáng cho những người chưa biết Thiên Chúa để họ cũng tin vào Ngài. Trong bài đọc I, tác giả Sách Các Vua I tường thuật niềm tin của một bà góa Dân Ngoại vào ngôn sứ Elijah và vào Thiên Chúa; trong khi vua và toàn thể con cái Israel lìa xa Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra hai biểu tượng của muối và ánh sáng như hai đặc tính của người Kitô hữu đã có, để nhắc nhở cho họ biết bổn phận của họ là phải giúp cho những người chưa biết Chúa nhận ra và tin tưởng vào Ngài. Nếu không, họ là những người vô dụng cần cất đi để lấy chỗ cho người khác sinh lợi ích cho Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Một bà góa Dân Ngoại biểu lộ niềm tin vào ngôn sứ Elijah và vào Thiên Chúa.
1.1/ Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của ông tôi thề là tôi không có bánh.
Thiên Chúa muốn ngôn sứ Elizah chứng kiến niềm tin của Dân Ngoại chưa biết Thiên Chúa nên truyền cho ông: “Ngươi hãy đứng dậy đi Zarephath, thuộc Sidon, và ở lại đấy. Này Ta truyền cho một bà goá ở đó nuôi ngươi.” Điều lạ ở đây là người đó lại là một bà góa nghèo đang đi lượm củi và cũng đang chịu cùng một cảnh khổ như tất cả các người Israel khác. Nước rất khan hiếm vì trời hạn hán; nhưng khi Elijah xin, bà cũng thương tình đi lấy cho ông chút nước. Nhưng khi Elijah xin bánh, bà thành thật nói với ông hoàn cảnh bi đát của bà: “Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của ông tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết.” Ông Elijah hứa với Bà: “Bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói. Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà. Vì Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel phán thế này: “Hũ bột sẽ không vơi vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất.” Bà ấy đi và làm như ông Elijah nói.
1.2/ Niềm tin can đảm của bà góa thành Zarephath: Hoàn cảnh và cách biểu lộ niềm tin yêu của bà góa cho Elijah và vào Thiên Chúa phải là mẫu gương cho các tín hữu. Thứ nhất, bà là người Dân Ngoại chưa biết Thiên Chúa. Bà nghe nói về Đức Chúa của Israel nhưng chưa biết Người là ai. Thứ hai, bà cũng không biết Elijah là ngôn sứ. Bà chỉ biết ông là người Do-thái và đang lâm cơn hoạn nạn giống như bà. Thứ ba, nước và bánh là hai thứ quí giá để bảo vệ sự sống cho con người khi nạn đói hoành hành; nhất là hoàn cảnh mẹ góa con côi như bà. Thế mà bà tin lời Elijah và Thiên Chúa của ông, Bà sẵn sàng chia sẻ chiếc bánh cuối cùng cho ông. Thiên Chúa đã ân thưởng niềm tin can đảm của bà: “ông Elijah và con bà có đủ ăn lâu ngày. Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Elijah mà phán.”
Chúa Giêsu dùng câu truyện này để nhắc nhở cho người Do-thái biết họ phải xấu hổ về cách sống niềm tin của họ; nhưng họ đã không nghe còn mang Ngài lên cao để xô Ngài xuống vực thẳm (Lk 4:25-26). Thời của ngôn sứ Elijah, thời của Chúa Giêsu, và thời đại của chúng ta, vẫn còn biết bao nhiêu nhiêu người chỉ mang cái vỏ “Kitô hữu;” nhưng cách sống và cách biểu lộ niềm tin cho tha nhân không bằng một phần của những người chưa bao giờ biết Thiên Chúa như trường hợp của bà góa nghèo nàn này!
2/ Phúc Âm: Anh em phải sống làm sao để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.
Đạo không phải chỉ giới hạn trong việc biết Thiên Chúa và các nghi lễ trong nhà thờ; nhưng phải thấm nhập vào mọi hoàn cảnh của cuộc sống để con người áp dụng những gì Chúa dạy. Chúa Giêsu đưa ra hai biểu tượng rất gần gũi với con người và mời gọi chúng ta cùng suy nghĩ:
2.1/ Công dụng của muối: Không có gì rẻ và căn bản hơn muối; nhưng muối làm nhiều điều hữu ích cho con người:
+ Muối tượng trưng cho trong sạch tinh tuyền: vì được kết tinh bởi ánh sáng mặt trời và nước biển. Kitô hữu là những người đã được rửa sạch bằng máu Đức Kitô và thấm nhuần mọi quà tặng của Thánh Thần, họ phải trở nên thánh thiện và tinh tuyền trước khi sinh ích cho người khác.
+ Muối dùng để ngăn ngừa đồ ăn cho khỏi hư: Vì đặc tính mặn mà của muối, nên muối được dùng để làm cho lương thực khỏi hư: thịt cá cần muối, rau cỏ cần muối như dưa, cà, kim chi, trái cây cần muối nếu muốn để lâu. Ca dao Việt-nam dùng việc muối cá để nói lên sự cần thiết của con cái phải vâng lời cha mẹ: “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.” Nếu điều này cần thiết cho con cái, những điều dạy dỗ của Đức Kitô còn cần thiết hơn cho các Kitô hữu. Nếu không có vị mặn của muối, làm sao các Kitô hữu có thể “ướp mặn lòng người. “Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.”
+ Muối dùng để thêm gia vị cho thực phẩm: Muối không thể thiếu trong việc nấu ăn, thực phẩm có ngon tới đâu mà nếu không có chất mặn của muối hay nước mắm (cũng từ muối), cũng trở thành vô vị. Người Kitô hữu đã được trang bị để trở thành muối cho đời. Điều cần chú ý ở đây là Chúa Giêsu dùng động từ ở thời hiện tại “là;” có nghĩa: người Kitô hữu đã và luôn có. Bản chất của Kitô hữu có những điều tốt để giúp cho thế gian trở nên tốt.
2.2/ Công dụng của ánh sáng: Biểu tượng này còn gần gũi với con người hơn cả muối. Ánh sáng có rất nhiều công dụng.
+ Ánh sáng dùng để soi sáng: Khi trời tối, con người cần ánh sáng để khỏi vấp ngã và tìm đồ đạc. Người Kitô hữu có sự thật soi sáng để khỏi rơi vào sai lầm.
+ Ánh sáng dùng để sưởi ấm: Khi trời lạnh, con người cần ánh sáng để sưởi ấm như ánh sáng mặt trời hay lửa. Người Kitô hữu có Thánh Thần để sưởi ấm mọi cô đơn, buồn khổ.
+ Ánh sáng bảo vệ con người khỏi nguy hiểm: Tội lỗi thường xảy ra ở nơi không có ánh sáng. Người làm tội lỗi ghét ánh sáng vì họ sợ việc làm đen tối của họ bị phơi bày…
Chúa Giêsu nói: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” Đã là ánh sáng thì không thể che giấu; nhưng phải đặt trên cao để soi sáng cho mọi người, vì “chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.” Mục đích của việc soi sáng là để những người chưa biết Thiên Chúa “thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải trở thành muối thiêng ướp mặn lòng người và thành ánh sáng soi đường cho mọi người đến với Thiên Chúa.
– Nếu chúng ta không làm được những điều này, chúng ta đã trở thành người vô dụng, và phế thải để lấy chỗ cho người khác.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


09/06/2020 – THỨ BA TUẦN 10 TN
Th. Ép-rem, phó tế, tiến sĩ HT
Mt 5,13-16


VAI TRÒ KI-TÔ HỮU
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5,13-14)

Suy niệm: Muối và ánh sáng là những thành phần thiết yếu của cuộc sống. Thực phẩm có thể thiếu một vài thứ gia vị khi chế biến, nhưng không thể thiếu muối. Cuộc sống có thể thiếu một vài thứ tiện nghi, nhưng không thể thiếu ánh sáng. Khi bảo rằng: “Chính anh em là muối cho đời… là ánh sáng cho trần gian,” Chúa Giê-su muốn nói lên vai trò quan trọng của Ki-tô hữu đối với thế gian: vì qua họ, ơn cứu độ của Chúa Ki-tô tiếp tục hoạt động; đồng thời, nhờ những việc tốt đẹp họ làm mà thế gian có thể nhận biết và tôn vinh Chúa Cha, Đấng ngự trên trời.
Mời Bạn: Không ai tự mình trở thành Ki-tô hữu, mà mỗi người được làm cho nên Ki-tô hữu. Một khi trở thành Ki-tô hữu, người môn đệ trở nên khác biệt: ở trong thế gian và không thuộc về thế gian. Chính khác biệt này làm nên nét độc đáo nơi Ki-tô hữu, có thể ví được như muối và ánh sáng. Nhưng trong vai trò là muối và ánh sáng, Ki-tô hữu được mời gọi để ‘sống cho’ và ‘sống vì’: cho thế gian và vì vinh quang của Chúa Cha. Nếu không chu toàn sứ mạng này, Ki-tô hữu bị biến chất không còn là Ki-tô hữu nữa, giống như muối, nếu mà nhạt đi thì chỉ đáng quăng ra ngoài cho người ta giẫm đạp lên mà thôi.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, bạn quyết tâm thực hiện ít nhất một hành động ‘sống cho’ và ‘sống vì’ Chúa và tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, cảm tạ Chúa đã chọn và làm cho chúng con trở thành môn đệ của Chúa. Xin cho chúng con ý thức một cách đầy đủ về ơn gọi của mình, để luôn nỗ lực sống cho thế gian và vì vinh quang Nước Trời. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)


Suy Niệm : Muối cho trái đất
Suy niệm:

Người ta thường định nghĩa Kitô hữu là người tin vào Đức Kitô,
là người sống mầu nhiệm Vượt Qua với Đức Kitô, Con Một Thiên Chúa,
hay đơn giản là người bạn của Ngài.
Chẳng thể nào nói đến Kitô hữu mà không nói đến mối dây với Đức Kitô.
Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, khi nói chuyện với các môn đệ,
những người vừa được nghe các Mối Phúc,
Đức Giêsu lại đưa ra một định nghĩa khác về họ.
“Các con là muối cho trái đất” (c. 13).
“Các con là ánh sáng cho thế giới” (c. 14).
Thế giới này, trái đất này, nằm trong định nghĩa về người Kitô hữu.
Không có Kitô hữu sống lơ lửng giữa trời và đất.
Họ thuộc về trời và thuộc về đất, về thế giới hiện tại và thế giới mai sau.
Họ được sai vào thế giới này để phục vụ bằng cách biến đổi.
Muối có nhiều công dụng.
Muối dùng để bảo quản cho khỏi hư, để nêm nếm cho đậm đà, để bón phân.
Muối cần cho sự sống thường ngày con người.
Đức Giêsu dùng hình ảnh muối để áp dụng cho các môn đệ.
Họ cần cho trái đất này,
Như muối thấm vào đồ ăn, họ phải có ảnh hưởng tích cực trên trái đất.
Điều làm cho muối là muối, đó là vị mặn.
Muối trở nên nhạt thì đánh mất chính mình rồi, chẳng đáng gọi là muối nữa.
Đức Giêsu tự nhận mình là Ánh sáng cho thế giới (Ga 8, 12; 9,5; 12, 46).
Bây giờ Ngài mạnh dạn gọi các môn đệ là ánh sáng cho thế giới.
Thế giới hôm nay đã được điện khí hóa khắp nơi.
Nhưng bóng tối và bóng mờ thì chỗ nào cũng có.
Cả bên ngoài lẫn bên trong tim con người.
Bóng tối thật là một quyền lực đáng sợ mà con người phải đối diện.
Chỉ khi môn đệ mang Ánh sáng của Đức Giêsu, và trở nên ánh sáng,
khi ấy họ mới có thể giúp thế giới này bừng sáng.
Thành thánh Giêrusalem ở trên núi, không sao giấu được.
Ngọn đèn được thắp lên cũng không để lấy thùng che lại.
Căn tính của người Kitô hữu cũng vậy.
Tự nó bừng sáng, tự nó quyến rũ, tự nó hồn nhiên tỏa hương.
Đừng sợ để người khác thấy điều tốt nơi mình,
nếu điều đó đưa người ta đến chỗ nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa.
Một phần ba thế giới là Kitô hữu,
bẩy phần trăm người Việt Nam là Công Giáo.
Chúng ta có thể làm được nhiều điều cho thế giới hôm nay.

Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu, Vua vũ trụ,
nếu Chúa là vua của hơn bốn trăm ngàn linh mục,
nếu Chúa là vua của hơn tám trăm ngàn nữ tu,
nếu Chúa là vua của một tỉ người công giáo,
thì thế giới này sẽ đổi khác,
Hội Thánh sẽ đổi khác.
Chúng con không phải là một lượng men quá nhỏ.
Nếu khối bột chẳng được dậy lên,
thì là vì men đã mất phẩm chất.
Chúng con phải chịu trách nhiệm
về sự dữ trên địa cầu :
có nhiều sự dữ do chính chúng con gây ra.
Chúng con chỉ kêu cầu cho Nước Chúa mau đến,
nhưng lại không chịu xây dựng Nước ấy trên trần gian.
Lạy Chúa Giêsu Vua vũ trụ,
chúng con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa,
giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ,
nên nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa,
dù Chúa đã đến trái đất này từ 2000 năm.
Chúng con sợ Chúa đến làm phiền chúng con,
và không cho chúng con được yên ổn.
Ước gì một tỉ người công giáo
chịu để Chúa chi phối đời mình
và đưa Chúa đi vào những nơi Chúa chưa hề đến.
Như thế vũ trụ này
trở thành vũ trụ của Thiên Chúa. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
9 THÁNG SÁU
Trật Tự Của Tạo Vật
Trong Ý Định Của Thiên Chúa
Trong trật tự của tạo vật, con người tham dự vào toàn bộ các mối tương quan: tương quan với thế giới, tương quan giữa nam và nữ, tương quan với đồng loại. Ơn gọi “thống trị mặt đất” cho chúng ta thấy đặc tính quan hệ của sự sống con người. Con người cai quản mọi loài; con người xây dựng và phát triển một gia đình cùng với người bạn đời của mình; con người hợp tác với đồng loại để hình thành một xã hội phục vụ thiện ích chung. Những mối quan hệ này thật xứng hợp với nhân vị xét như hình ảnh của Thiên Chúa. Ngay tự đầu tiên, những mối quan hệ ấy đã thiết định vai trò của con người ở giữa vạn vật.
Chính vì định mệnh ấy mà con người đã được kêu gọi vào hiện hữu trong tư cách là một chủ thể (một cái ‘tôi’ cụ thể), được ban cho trí tuệ, lương tâm và tự do. Khả năng suy nghĩ làm cho con người khác biệt một cách nền tảng so với toàn thể thế giới động vật. Động vật chỉ có thể cảm nhận các thứ qua các giác quan của chúng. Còn trí năng con người giúp con người biện biệt phân định giữa thật và giả. Khả năng ấy mở ra cho con người các lãnh vực khoa học, tư duy, triết lý, thần học. Chính nhờ bản tính của mình mà con người nắm bắt được chân lý nơi mọi sự. Con người ở trong một tương quan với chân lý – và mối tương quan này thiết định vai trò của con người xét như một sinh vật có định mệnh thuộc linh. Khả năng hiểu biết chân lý bộc lộ nơi mọi mối tương quan giữa con người với thế giới và với người khác. Nó thiết lập một nền tảng khẩn thiết cho mọi sắc dạng văn hóa.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 09/6
Thánh Ephrem, phó tế tiến sĩ Hội Thánh
1V 17, 7-16; Mt 5, 13-16.

Lời suy niệm: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.”
       Tất cả những ai đã là môn đệ của Chúa Giêsu, đều được Người gọi là: “Muối cho đời” và “Ánh sáng” của trần gian. Phẩm chất “Muôi” là ướp mặn, tăng thêm hương vị cho đời, bảo quản được sự tươi sống. “Ánh sáng” là để chiếu soi mọi người trong nhà; đánh tan bóng tối, làm phơi bày những gì xấu xa nằm trong bóng tối để mọi người thấy được mà tránh và chừa cải. Nếu phẩm chất muối không còn mặn, ánh sáng trở thành tối tăm thì sẽ bị loại bỏ.
       Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa ban những ơn cần thiết cho chúng con; để chúng con giữ được phẩm chất của người con của Chúa giữa trần gian này, để mọi người chung quanh chúng con nhận ra những công việc của chúng con làm mà tôn vinh Cha trên trời.
Mạnh Phương



Gương Thánh Nhân
Ngày 09-06: Thánh EPHREM
Phó Tế, Tiến Sĩ Hội Thánh (306 – 373)

Thánh nhân sinh tại Nisibis, miền Mesopotamia vào khoảng đầu thế kỷ thứ IV. Có truyện kể rằng: hồi nhỏ, một lần Ngài lấy đá chọi con bò mẹ gần chết. Khi chủ nhân hỏi thăm có thấy con bò ở đâu Ngài đã trả lời xấc xược để chữa lỗi. Ephrem đã khóc suốt đời về sự độc ác và hèn nhát này.
Sau này có lần vào đêm khuya bị lạc vào giữa đồng, một đứa chăn chiên cho Ngài trú ngụ trong lều của nó. Nhưng đứa chăn chiên này đã xấu bụng lại đang say rượu. Đêm ấy chó sói vào tàn sát đàn chiên. Để chữa mình, thằng chăn chiên đổ lỗi cho Ephrem. Trong tù Ngài nghe nhiều người than thở vì bị hàm oan. Một buồi chiều, trong giấc mơ, Ngài thấy thiên thần cho biết lần này Ngài vô tội nhưng phải khổ để đền bù vào những lỗi lầm khác. Thức dậy, Ephrem nhớ lại con bò và thú nhận với mọi người.
Thân phụ Ephrem là một thày cả thờ thần Abnil. Hình như Ngài bị đuổi khỏi nnhà vì có thiện cảm với các Kitô hữu. Thánh Giacôbê, giám mục Nisibis tiếp nhận dạy dỗ và rửa tội cho Ngài hồi 10 tuổi. Để sống, Ngài làm việc ở những hồ tắm công cộng. Nhưng sau đó Ngài lại vào sa mạc sống với sự hướng dẫn của thánh Abbê ẩn tu; dệt vải để sống như thói quen của các ẩn sĩ Ai cập và Mêsôpôtamia thời đó.
Ephrem thường khóc tội mình và tội người khác. Các tập “tự thú” Ngài viết cho thấy Ngài rất mực khiêm tốn, Ngài rất ghét tính kiêu căng: – Tính kiêu căng phá đổ ơn Chúa và thiêu hủy mọi nhân đức.
Thánh Ephrem luôn ao ước sống đời ẩn dật. Nhưng một cuộc chiến đã bùng ra giữa người Rôma và người Batư. Người Batư bách hại các Kitô hữu cách tàn bạo. Nghe tin này, Ephrem về Nisibis để giúp đỡ và khích lệ họ. Danh thơm nhân đức của Ngài lan rộng đến nỗi người ta cho việc giải phóng khỏi ách thống trị của Sapor II là bởi lỗi cầu nguyện của thánh nhân.
Được thụ phong phó tế, nhưng rồi thánh nhân đã từ chối chức linh mục vì khiêm tốn. Được Đức giám mục Nisibis trao cho trách nhiệm rao giảng lời Chúa, Ngài dùng hết tài lợi khẩu để khêu gợi nhiệt tình nơi các linh hồn: – “Thần dữ nói: Ta đi tìm những người khô khan là bạn hữu của ta, và ta không cần phải tìm đến mưu kế, ta chỉ cần giữ chúng trong xiềng xích mà chúng ưa thích là đủ”.
Thánh Ephrem đã gặp thánh Basiliô thánh Cappadocia. Truyền thuyết cho rằng: hai vị hiểu nhau dầu ngôn ngữ bất đồng.
Chiến tranh tái phát, Nisibis rơi vào tay người Batư, thánh Ephrem trốn đến Sdessa. Nơi đây, Ngài tận tâm phục vụ bệnh nhân và người nghèo, hoạt động trí thức bằng việc viết sách và giải thích thơ phú. Thánh Ephrem đã viết các bài giảng bằng thơ, các thánh thi ca ngôi vinh quang Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ Maria.
Người luôn được gọi là “cây đàn của Thánh Linh” là một trong những người rao truyền việc VÔ NHIỄM THAI. – Lạy Chúa, chỉ có Chúa và Mẹ Chúa là tuyệt mỹ. Nơi mẹ Chúa không vương một tì tích nào.
Một năm trước khi thánh nhân qua đời, Edessa bi một cơn đói. Ngài kêu gọi lòng quảng đại của mọi người và người ta đã rộng tay đóng góp vào công cuộc phát chẩn của thánh. Cơn đói chấm dứt, thánh nhân trở lại chòi của mình. Lên cơn sốt, Ngài nghĩ tới lúc chết: – Đừng liệm xác tôi bằng đồ quí giá, cũng đừng dựng đài tưởng niệm. Hãy đối xử với tôi như một người lữ khách vì thực sự tôi là một lữ khách xa lạ trên mặt đất này thôi.
Ngài qua đời có lẽ vào tháng 6 năm 373. Thánh Gregoriô miền Nyssa viết về thánh Ephrem: – Vinh quang đời sống và giáo thuyết của thánh nhân chiếu giãi khắp hoàn cầu.
Năm 1820, Đức Benedictô XI tôn phong Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh.
(daminhvn.net)


09 Tháng Sáu
Muôn Vàn Phép Lạ
Một vị ẩn sĩ nọ, sau 60 năm sống khắc khổ giữa sa mạc, bỗng cảm thấy chán nản khi nghĩ rằng mình chưa hề làm được phép lạ nào như các vị tiền bối.
Ông quyết định rời bỏ sa mạc để trở về đô thị sống một cuộc sống tiện nghi, bình thường như mọi người.
Nhưng đôi mắt Chúa lúc nào cũng dõi theo từng suy nghĩ, từng đường đi nước bước của ông. Biết ông đang toan tính bỏ cuộc để trở lại đô thị, Thiên Chúa bèn sai một thiên thần đến với ông. Vị sứ thần đã nói với ông như sau: “Ngài đang toan tính điều gì thế? Ngươi hãy thử nghĩ có phép lạ nào kỳ diệu nào hơn chính cuộc sống của ngươi không? Ai đã ban cho ngươi sức mạnh để có thể cầm cự được trong nơi hoang vu này trong mấy chục năm qua? Ai đã chúc lành cho cây cỏ ngươi đã dùng trong thời gian qua mà không hề gây nguy hại cho ngươi? Ngươi lại đây và xin Chúa ban cho ngươi thêm lòng kiên nhượng…”.
Ðược lời của vị sứ thần nâng đỡ, nhà ẩn sĩ ở lại trong sa mạc và tiếp tục cuộc sống tu trì của ông với niềm tin vững rằng mỗi một phút giây qua đi trong cuộc sống là một phép lạ mà Thiên Chúa đang thực hiện cho ông.
“Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ”. Giáo Hội mượn lời Kinh Thánh này để mời gọi chúng ta sống một cách sung mãn giây phút hiện tại. Mỗi một giây phút hiện tại là một hồng ân cứu độ. Thiên Chúa vẫn tiếp tục biến mỗi phút giây của cuộc sống chúng ta thành một phép lạ.
Không là phép lạ sao tim của chúng ta vẫn tiếp tục đập, mũi chúng ta vẫn tiếp tục hít thở! Còn gì kỳ diệu bằng chính sự sống mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục trao ban cho chúng ta. Còn gì kỳ diệu bằng niềm tin Ngài đã trao ban để chúng ta tiếp tục tiến bước trong cuộc lữ hành này.
Chúng ta vẫn thường nói: ngạc nhiên là khởi đầu của khám phá! Nếu tất cả những khám phá của khoa học đều bắt nguồn từ những câu hỏi mà con người tự đặt ra khi nhìn ngắm vũ trụ, thì sự ngây ngất trước những kỳ công của sáng tạo, trước cuộc sống, trước tình người cũng phải là động lực giúp người tín hữu Kitô chúng ta thấy được, cảm mến được sự hiện diện và tác động kỳ diệu của Thiên Chúa.
Cái nhìn ấy sẽ giúp chúng ta thấy được giá trị của những công việc âm thầm từng ngày của chúng ta. Cái nhìn ấy sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh để tiếp tục phấn đấu khi phải đương đầu với bệnh tật, với thử thách, với mất mát trong cuộc sống. Một Thiên Chúa luôn làm những kỳ diệu cũng chính là Ðấng có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta để đem lại cho chúng ta những điều thiện hảo đôi khi vượt quá khỏi cái nhìn nông cạn, sự thẩm định giới hạn của chúng ta.
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét