17/06/2020
Thứ Tư tuần 11 thường
niên
Bài Ðọc I: (Năm II) 2 V 2,
1. 6-14
"Có một xe bằng lửa, và Êlia
lên trời".
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Khi Thiên Chúa muốn đem Êlia lên
trời trong cơn gió lốc, Êlia và Êlisê đang rời bỏ đất Galgala. Khi cả hai đến
thành Giêricô, Êlia nói với Êlisê rằng: "Con cứ ngồi đây, Chúa sai thầy đến
sông Giođan". Êlisê đáp: "Nhân danh Chúa hằng sống và lấy mạng sống của
Thầy, con xin thề rằng: Con sẽ không rời thầy". Thế rồi cả hai cùng đi xuống
Bêthel. Có năm mươi người đồ đệ của tiên tri cũng đi theo hai vị, và đứng xa
xa, còn hai vị thì đứng trên bờ sông Giođan. Êlia lấy áo choàng cuốn lại, đập
xuống nước. Nước liền rẽ làm hai, và hai vị cứ lối ráo mà qua sông.
Khi đã qua rồi, Êlia nói với
Êlisê rằng: "Con muốn gì thì cứ xin, để thầy làm cho, trước khi thầy được
cất đi khỏi con". Êlisê đáp: "Con muốn được gấp đôi thần trí của thầy".
Êlia nói: "Con xin điều khó quá, nhưng nếu con thấy được thầy trong lúc thầy
được cất đi khỏi con, thì con sẽ được như ý; nhưng nếu con không xem thấy, thì
không được". Hai ông tiếp tục đi và nói chuyện, thì này đây có một xe bằng
lửa và ngựa cũng bằng lửa phân rẽ hai người; và trong cơn gió lốc, Êlia lên trời.
Êlisê thấy vậy kêu lên: "Cha ơi, cha ơi, cha là xe và là người đánh xe
Israel". Và Êlisê không thấy thầy mình nữa, người liền lấy áo mình và xé
ra làm đôi, và lượm chiếc áo choàng Êlia đã thả xuống, rồi lui về, và đứng lại ở
bờ sông Giođan, lấy áo choàng Êlia đã thả xuống, đập xuống nước mà nước lại
không rẽ ra. Người kêu lên: "Thiên Chúa của Êlia bây giờ ở đâu?" Người
lại đập xuống nước, và nước rẽ làm đôi, và Êlisê đi qua.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 30, 20. 21. 24
Ðáp: Lòng chư vị hãy can trường mạnh bạo, hết thảy chư vị là
người cậy trông ở Chúa (c. 25).
Xướng: 1) Lạy Chúa, vĩ đại thay
lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những kẻ kính sợ Ngài, lòng
nhân hậu Ngài ban cho những ai tìm nương tựa Ngài, ngay trước mặt con cái người
ta. - Ðáp.
2) Chúa che chở họ dưới bóng long
nhan Ngài, cho khỏi người ta âm mưu làm hại. Chúa giấu họ trong lều trại của
Ngài, cho khỏi miệng lưỡi người đời tranh luận. - Ðáp.
3) Chư vị thánh nhân của Chúa,
hãy mến yêu Ngài, Ngài gìn giữ những kẻ trung thành. Nhưng Ngài trả miếng thực
là đầy đủ cho những ai xử sự kiêu căng. - Ðáp.
Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm
nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 6, 1-6. 16-18
"Cha ngươi Ðấng thấu suốt mọi
bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các
môn đệ rằng: "Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người
ta để thiên hạ trông thấy, bằng không, các con mất công phúc nơi Cha các con là
Ðấng ở trên trời. Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn
giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật,
Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con có bố thí, thì làm sao đừng
để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín, và Cha
con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
"Rồi khi các con cầu nguyện,
thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và
các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con: họ đã được thưởng
công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với
Cha con, Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công
cho con.
"Khi các con ăn chay, thì đừng
làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước
mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi
ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn
chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi
bí ẩn, sẽ trả công cho con".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Các việc đạo đức
Tại nhiều nơi, cứ vào mùa tranh cử,
người ta lại dễ dàng nhìn thấy những bảng hiệu ghi ơn dân biểu này, nghị sĩ nọ,
hoặc loan báo những công trình xây dựng của các nhân vật chính trị. Dĩ nhiên,
ai cũng hiểu đó là những vận động gián tiếp, những hứa hẹn với dân chúng để hy
vọng được bầu vào những chức vụ công quyền. Tâm thức và lối hành xử thường tình
của con người là như thế đó: làm việc tốt để kể công, để được trọng vọng, khen
thưởng. Người Kitô hữu cũng dễ bị cám dỗ để có tinh thần khoe khoang kể công
như trên vào đời sống đạo đức.
Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời
dạy của Chúa Giêsu về tinh thần tu đức cần phải có, với nguyên tắc sống đạo: đừng
làm việc lành có ý phô trương cho người ta thấy. Theo luật Môsê, bố thí, cầu nguyện,
ăn chay là những việc lành cao quý, và người ta thường tổ chức các việc đạo đức
đó cách công khai để thúc đẩy nhiều người tham gia. Chúa Giêsu không phản đối
các việc đó, nhưng Ngài chỉ muốn người ta thực hiện chúng với ý hướng mới, đó
là làm vì lòng yêu mến và tìm đẹp lòng Chúa hơn là để được người đời khen ngợi.
Chẳng vậy, các việc đạo đức ấy có thể chỉ có hình thức, đấy là chưa nói đến trường
hợp có nhiều người làm bộ cầu nguyện lâu giờ, ăn chay nhiều ngày, bố thí rộng
rãi để dễ lừa gạt người khác.
Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta đề
phòng thứ đạo đức vụ hình thức. Nhưng việc đạo đức tự nó rất ích lợi cho bản
thân, cho tha nhân và đáng được Thiên Chúa ban thưởng, với điều kiện chúng được
thực hiện với ý ngay lành. Chúng ta cần thực hành các việc lành với ý hướng
này, vì đó là lẽ sống, là niềm vui và là động lực cho cuộc đời hy sinh phục vụ
của chúng ta.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 11 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: 2 Kgs 2:1, 6-14; Mt 6:1-6,
16-18.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Muốn sự khen tặng của người đời
hay phần thưởng của Thiên Chúa?
Nhiều tín hữu thích được người ta
khen tặng các việc mình làm như ủng hộ một số tiền lớn vào nhà thờ hay trở
thành người bảo trợ cho chương trình từ thiện. Thiên Chúa muốn con người làm việc
lành cách thành tâm, kín đáo, bằng cách làm phúc đừng cho tay trai biết việc
tay phải làm. Người tín hữu chỉ được chọn một trong hai: hoặc được người khác
khen hoặc được Thiên Chúa trả công; chứ không thể chọn cả hai.
Các bài đọc hôm nay nêu bật việc
phải có ý hướng tốt lành trong khi xử dụng quà tặng Thiên Chúa ban. Trong bài đọc
I, Elishah xin cho được gấp đôi thần khí của thầy mình là Elijah.
Nếu Elishah dùng quà tặng đó cho
sứ vụ ngôn sứ, đó là điều tốt và Thiên Chúa sẽ ban; nhưng nếu Elishah dùng quà
tặng đó để được người khác khen tặng hay để hại người khác, chắc chắn ông sẽ
không được Thiên Chúa ban. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ khi cho
đi, cầu nguyện và ăn chay, các ông phải làm với ý hướng tốt lành thì mới mong
được hưởng phần thưởng Thiên Chúa ban; nếu không, các ông chỉ được hưởng những
lời khen tặng của người thế gian.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ngôn sứ được ban những quà tặng để chu toàn nhiệm vụ.
1.1/ Elishah xin cho được gấp hai phần
thần khí của Elijah.
Đến giờ Đức Chúa gọi Elijah về và
trao sứ vụ ngôn sứ lại cho môn đệ là Elishah. Elijah là một ngôn sứ được Đức
Chúa cho quyền làm rất nhiều phép lạ: truyền đóng cửa trời không cho mưa, hóa bột
và dầu olive ra nhiều cho bà góa thành Zarephath, truyền lửa từ trời xuống
thiêu rụi của lễ, cho mưa rơi... Mục đích của uy quyền Chúa ban là để giúp cho
con người nhận ra lỗi lầm của họ và ăn năn trở lại với Đức Chúa, chứ không phải
để dọa nạt hay để giương oai với người khác.
Môn đệ Elishah có linh tính thầy
mình sắp được Đức Chúa gọi về, nên ông bám sát thầy mình và nài xin cho được thần
khí gấp hai lần của Elijah. Ông Elijah đáp: "Anh xin một điều khó đấy! Nếu
anh thấy thầy khi thầy được đem đi, rời xa anh, thì sẽ được như thế; bằng
không, thì không được." Các ông còn đang vừa đi vừa nói, thì này một cỗ xe
đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa tách hai người ra. Và ông Elijah lên trời
trong cơn gió lốc.” Ông túm lấy áo mình và xé ra làm hai mảnh để tỏ sự buồn rầu
khi phải xa thầy.
1.2/ Elishah cũng được Đức Chúa ban
cho uy quyền làm phép lạ.
Elishah thấy thầy mình được cuốn
đi trong cơn gió lốc với một một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa.
Đó là lý do mà truyền thống Do-thái vẫn tin ngôn sứ Elijah không chết. Họ vẫn để
hai chiếc ghế một cho ngôn sứ Elijah và một cho ông Moses mỗi năm vào ngày Lễ
Xá Tội (Day of Atonement). Họ tin hai ông sẽ trở lại trước ngày Đấng Messiah tới.
Ngôn sứ Elijah cố ý để lại chiếc
áo choàng cho Elishah. Ông lượm lấy áo choàng của ông Elijah rơi xuống. Ông trở
về và đứng bên bờ sông Jordan. Ông lấy áo choàng của ông Elijah đã rơi xuống mà
đập xuống nước và nói: "Đức Chúa, Thiên Chúa của ông Elijah ở đâu?"
Ông đập xuống nước, nước rẽ ra hai bên, và ông Elishah đi qua. Ông Elishah biết
mình đã có thần khí của thầy, ông có uy quyền làm phép lạ như thầy mình.
2/ Phúc Âm: Làm việc lành với các ý hướng ngay lành
Có những việc tự bản chất rất tốt
như việc rao giảng Tin Mừng, giúp đỡ người nghèo, cầu nguyện và ăn chay; nhưng
các kinh sư và biệt phái cũng biến chúng thành xấu vì sự giả hình của họ. Chúa
Giêsu đề phòng các môn đệ cách tổng quát mọi việc lành trước khi đi vào ba lãnh
vực chính của đời sống Kitô hữu là giúp đỡ người nghèo, cầu nguyện và ăn chay.
Khi chúng ta làm việc lành, đối tượng chúng ta nhắm tới là Thiên Chúa, chứ
không phải là bất cứ ai khác; nên đừng làm để được tiếng khen của người đời,
nhưng là để được Thiên Chúa thấu suốt và ban thưởng cho chúng ta.
2.1/ Giúp đỡ người nghèo: là dùng những gì mình có để san sẻ cho những người thiếu thốn.
Cha của Tobia khuyên ông như sau: “Con hãy dùng của cải bố thí cho tất cả những
ai thực thi công chính, và khi bố thí, mắt con đừng có so đo. Đối với ai nghèo
khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi đối với con, Thiên Chúa cũng sẽ không
ngoảnh mặt làm ngơ. Tuỳ con có bao nhiêu, hãy cho bấy nhiêu; có nhiều thì cho
nhiều, có ít thì đừng ngại cho ít” (Tob 4:7-8).
Nhưng có những người cho vì miễn
cưỡng, để phô trương sự giàu có, hay để được tiếng khen. Chúa Giêsu đề phòng
cho các môn đệ: “Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả
thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo
thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay
trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng
thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” Chúng ta không thể hiểu theo
nghĩa đen câu “không cho tay trái biết việc tay phải làm” vì đó là điều không
thể xảy ra, nhưng Chúa chỉ có ý nói đừng phô trương cho người khác thấy việc
mình làm.
2.2/ Cầu nguyện: là để nâng tâm hồn lên tới Chúa để nói chuyện, bàn thảo, hay xin
ơn. Hành động cầu nguyện ám chỉ những gì xảy ra giữa hai người: Thiên Chúa và
người cầu nguyện, không có sự hiện diện của người thứ ba. Khi một người có mục
đích cầu nguyện để được người khác thấy và khen, làm sao họ có thể tập trung
vào Thiên Chúa; vì thế, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: “Còn anh, khi cầu nguyện,
hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi
kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
Khi nói những điều này, Chúa
không ngăn cấm việc cầu nguyện chung; vì Ngài đã từng vào các hội đường để cầu
nguyện chung. Điều Chúa Giêsu muốn nói hôm nay chỉ liên quan đến việc cầu nguyện
riêng: đừng đứng ở nơi công cộng cầu nguyện với mục đích cho người khác thấy.
2.3/ Ăn chay: là cố ý sống không có lương thực trong một thời gian cho mục
đích tôn giáo như để ăn năn đền tội và xin Thiên Chúa tha thứ (Jon 3:5; Joe
1:14, 2:15), để xin Thánh Thần soi sáng cho biết việc phải làm (Acts 13:2); để
cầu xin Thiên Chúa điều gì (2 Sam 12:16). Để việc ăn chay có hiệu quả, nhiều
khi nó phải đi kèm theo với việc cầu nguyện và làm việc bác ái (Isa 58:7); nếu
không, Thiên Chúa sẽ không nhận lời (Isa 58:6).
Ăn chay để người khác thấy bằng
cách rầu rĩ, ủ dột chỉ là cách thức của bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ
thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Chúa dạy các môn đệ: “Còn anh,
khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh
ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng
thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Ý hướng của chúng ta khi làm
các việc đạo đức là tiêu chuẩn để được Chúa thưởng công. Nếu chúng ta làm vì để
được tiếng khen của người đời, Chúa không cần phải thưởng công nữa.
- Đừng bao giờ cầu xin những ơn
lành Thiên Chúa ban cho để xử dụng với mục đích trần tục.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên,
OP
17/06/20 THỨ TƯ TUẦN
11 TN
Mt 6,1-6.16-18
Mt 6,1-6.16-18
ĐỂ THIÊN CHÚA NHÌN BẠN
“Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ
trả lại cho anh.” (Mt 6,6)
Suy niệm: Khi ta
nắm tay lại ta chỉ nắm được một ít không khí, khi ta mở tay ra ta đụng chạm cả
vũ trụ này. Nắm tay lại và chỉ nghĩ về mình là cám dỗ của mọi con người, vì
trong mỗi người đều có một chút “cái tôi” riêng tư khó mà dứt ra được. Những việc
đạo đức chúng ta làm như bố thí, cầu nguyện và ăn chay tự chúng đã là những việc
tốt, thế nhưng nếu bị pha lẫn một chút ý thích phô trương thôi, chúng đã mất đi
ý nghĩa đích thực của mình: Nếu bố thí là đến với tha nhân trong tình yêu
thương nhưng chỉ để thấy mình thì làm sao thấy được người khác? Nếu cầu nguyện
để gặp được Chúa mà chỉ để qui về mình thì làm sao Thiên Chúa có thể lấp đầy
chúng ta? Và nếu ăn chay là một đền bù cho những lỗi lầm và diễn tả sự khao
khát Thiên Chúa nhưng nếu chúng ta đã no thoả trong chính mình thì đâu cần đến
Thiên Chúa phải không bạn?
Mời Bạn: Nếu thực
tâm xét mình mỗi ngày chúng ta đã chẳng thấy những công việc chúng ta làm để
tôn vinh minh nhiều hơn là chúng ta tưởng? Phải chăng chúng ta thích khen tặng
nhau, thích tìm lời khen của tha nhân hơn là để cho Chúa, Đấng thấu suốt mọi
sự nhận ra?
Chia sẻ: Chúng
ta thường tuyên dương và phát huy người tốt việc tốt. Điều đó có trái với lời
Chúa dạy “làm việc tốt đừng phô trương” không ?
Sống Lời Chúa: Sống sứ
mạng truyền giáo của người Ki-tô hữu bằng cách cố gắng làm tất cả mọi việc dưới
cái nhìn của Thiên Chúa, nghĩa là phân định đánh giá theo tiêu chuẩn thẩm định
của Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Hát kinh Hoà Bình.
(5 phút Lời Chúa)
Đấng thấu
suốt
những
gì kín đáo
Đời Kitô hữu là cuộc đời kín đáo thầm lặng, như bị che khuất. Nhưng cũng là cuộc đời không che giấu được trước mắt mọi người.
Suy niệm:
“Đã mang tiếng ở trong trời đất,
phải có danh gì với núi sông.”
Danh tiếng để lại cho đời là điều
khiến nhiều người bận tâm.
Có người hiến mình để làm những
công trình lớn lao để lại cho hậu thế.
Nhưng cũng có người rơi vào thói
háo danh,
làm mọi sự chỉ để tìm cho mình
chút tiếng khen mau qua.
Trong Bài Giảng trên núi mà ta
nghe hôm nay,
Đức Giêsu tố giác thói háo danh của
những người đạo đức giả,
khi họ làm ba việc đạo đức căn bản
là bố thí, cầu nguyện, ăn chay.
Ngài cũng cho thấy cách sống đạo
của người môn đệ.
Làm các việc đạo đức để tìm tiếng
khen, là một cám dỗ có thật.
Có người thổi kèn trong hội đường
hay ngoài phố khi bố thí.
Có người thích đứng cầu nguyện tại
giữa ngã ba đường.
Có người có mang bộ mặt thiểu não
khi ăn chay.
Tất cả chỉ nhằm thu hút sự chú ý
của nhiều người khác,
chỉ nhằm “cho người ta thấy”, “để
người ta khen” (cc. 1. 2. 5. 16).
Họ làm những việc tốt lành, nhưng
lại tìm mình, co quắp trên chính mình,
trong khi lẽ ra những việc này phải
mở họ ra trước Thiên Chúa.
Đối với Đức Giêsu, được người ta
khen là nhận được phần thưởng rồi,
nên cũng chẳng được Cha trên trời
ban thưởng nữa (c. 1).
Họ được phần thưởng mau qua của
người đời,
nhưng mất phần thưởng trọng hậu
trong ngày sau hết.
Đức Giêsu mời các môn đệ đi vào
cái kín đáo, thầm lặng,
nơi đó không có con mắt của người
đời, không có tiếng khen chê.
Nơi đó kín đến mức tay trái không
biết việc tay phải làm.
Nơi đó là căn phòng đóng cửa, để
chỉ có Cha và anh gặp gỡ.
Cha là Đấng hiện diện ở nơi kín
đáo (cc. 6. 18).
Cha cũng là Đấng thấy những gì được
làm ở nơi kín đáo (cc. 4. 6. 18).
Cha thấy anh đã bố thí, cầu nguyện,
ăn chay cách thầm lặng.
Chính Cha sẽ ban thưởng cho anh.
“Hữu xạ tự nhiên hương” có thể là
một hình ảnh đẹp về người Kitô hữu.
Đời Kitô hữu là cuộc đời kín đáo
thầm lặng, như bị che khuất.
Nhưng cũng là cuộc đời không che
giấu được trước mắt mọi người.
Chính khi cái tốt được làm một
cách vô cầu, thì nó lại tỏa ngát hương.
Không hẳn là chúng ta luôn luôn
phải cầu nguyện trong phòng đóng cửa.
Cũng như không hẳn chúng ta phải
tô son đánh phấn khi ăn chay.
Nhưng điều quan trọng là chúng ta
làm mọi sự cho vinh danh Chúa.
Cầu nguyện:
Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng
dung nhan,
hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa
muôn loài,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng
dung nhan.
Dưới bầu trời
bao la,
trong cô đơn và thầm lặng,
với tấm lòng thanh tịnh,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng
dung nhan.
Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn,
huyên náo vì đấu tranh,
giữa đám đông hối hả lăng xăng,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng
dung nhan.
Và khi đã hoàn tất việc đời,
lạy Thiên Chúa muôn loài,
một mình, lặng lẽ,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng
dung nhan.
(R. Tagore,
Đỗ Khánh Hoan dịch)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
17 THÁNG SÁU
Sự Quan Phòng Của Thiên Chúa
Chúng ta được mời gọi ký thác trọn
vẹn cuộc sống mình cho Thiên Chúa Quan Phòng. Như lời tác giả thánh vịnh: “Hồn
con, con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép
mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2). Thế nhưng, lúc này lúc
khác, chúng ta xem ra không dám ký thác chính mình cho Thiên Chúa là Chúa Tể và
là Đấng Cứu Độ chúng ta. Tâm trí chúng ta bị che phủ bởi các vấn đề. Chúng ta
quên bẵng Đấng Tạo Thành. Cũng có thể chúng ta đang thực sự đắm chìm trong đau
khổ và ta nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa, Cha của chúng ta.
Kỳ thực, sự quan phòng yêu thương
của Thiên Chúa vốn rất gần gũi chúng ta khi chúng ta gặp đau khổ. Có rất nhiều
ví dụ trong Thánh Kinh. Chẳng hạn, Gióp không ngần ngại kêu van với Chúa – dù
đang ở giữa nỗi khổ đau. Gióp thể hiện niềm tin tưởng lạ lùng vào Thiên Chúa.
Niềm tin tưởng này không hề vu vơ. Lời Chúa xác nhận rằng sự quan phòng của
Thiên Chúa, quyền năng cứu độ của Ngài, đổ tràn trên Dân của Ngài trong những
giờ phút quẫn bách nhất của họ, bởi vì họ là con cái của Ngài. Trong đớn đau chất
ngất cả thân xác lẫn tâm hồn, Gióp thốt lên: “Ai sẽ cho tôi biết phải tới đâu để
tìm Ngài, và làm sao đến được nơi Ngài ngự? Tôi sẽ tỏ bày vụ việc trước nhan
Ngài, miệng tôi chất chứa lời biện bạch” (G 23,3-4). Chúng ta hôm nay cũng thế,
hãy đến trước Cha với tất cả những nhu cầu của chúng ta!
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John
Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 17 - 6
2V 2,1.6-14; Mt
6,1-6.16-18.
Lời suy niệm: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương
cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự
trên trời ban thưởng...Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rỉ như bọn đạo đức
giả; chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay.”
Thói thường của người đời luôn luôn muốn phô trương mình trước thiên hạ,
và mong được càng nhiều người biết càng thêm hãnh diện. Nhưng với Chúa Giêsu
thì không phải vậy, Người muốn con cái của Người cần có sự khiêm nhường, cần
làm nơi kín đáo thể hiện chính mình trước mặt Người và Chúa Cha, bởi tất cả
không phải là công trạng của mình, mà nhờ ơn ban của Người và qua Người mọi
công việc tốt lành được Người ghi nhận. Gần đây Đức Thánh Cha Phanxicô còn
khuyên mỗi người chúng ta khi làm việc bác ái: “Làm phúc là một cử chỉ yêu
thương đối với những người chúng ta gặp; đó là cử chỉ chân thành quan tâm đến với
những người tới gần chúng ta và xin giúp đỡ. Sự giúp đỡ ấy được thực hiện trong
âm thầm, nơi mà chỉ có Thiên Chúa thấy và hiểu giá trị của hành vi đã làm.”
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã để lại cho chúng con một giáo huấn không thể thay
thế được về việc làm phúc. Chúa yêu cầu chúng con đừng làm phúc để được người đời
ca ngợi và ngưỡng mộ lòng quảng đại của chúng con. Xin cho chúng con luôn ghi
nhớ Lời Chúa đã căn dặn chúng con.
Mạnh Phương
17 Tháng Sáu
Ðời Vẫn Có Ý Nghĩa
Một tác giả người Thụy Ðiển đã tưởng
tượng ra một cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra giữa các dân cư sinh sống tại một
khu rừng nọ. Ðề tài của cuộc tranh luận là: Ðâu là ý nghĩa của cuộc sống?...
Kẻ kên tiếng phát biểu ý kiến đầu
tiên không ai khác hơn là chú chim họa mi suốt ngày chỉ biết ca hát líu lo. Chú
khẳng định rằng: "Ðời là một cuộc ca hát không ngừng". Một chú chuột
chũi phản pháo tức khắc.
Theo chú: "Ðời là một cuộc
tranh đấu không ngừng để chống lại bóng tối". Con bướm có đôi cánh sặc sỡ
thốt lên: "Ðời là vui chơi và hạnh phúc". Con ong đang miệt mài tìm mật
bên mấy cánh hoa không tán thành ý kiến ấy chút nào. Nó bảo rằng: "Ðời là
một cuộc lao động vất vả". Con kiến cũng nhất trí với con ong để chỉ thấy
rằng đời là lao động. Từ trên cao, một con phượng hoàng cũng góp ý kiến:
"Ðời là tự do". Ðó là ý kiến của động vật.
Các thảo mộc cũng không thiếu ý
kiến để đóng góp. Cây thông cao sừng sững giữa rừng hoàn toàn tán thành ý kiến
của con phượng hoàng: "Ðời là tự do". Một cánh hoa dại giữa rừng thì
lại hùa theo con ong và con kiến để khẳng định rằng đời chỉ là lao động vất vả.
Cánh hoa hồng thì lại đồng quan điểm với con bướm để cho rằng đời là hạnh phúc
và vui tươi.
Thế giới vô tri cũng lên tiếng
phát biểu. Một đám mây đen ngao ngán thốt lên: "Ðời chỉ là đắng cay và nước
mắt". Một dòng sông hiền hòa trôi chảy cũng nhận định: "Ðời là một
dòng nước chảy không ngừng".
Lời phát biểu cuối cùng nhưng
cũng là ý kiến tổng kết của cuộc tranh luận là tiếng chuông từ một giáo đường
bên cạnh khu rừng. Thật thế, tiếng chuông ấy ngân lên những lời như sau:
"Tất cả những lời phát biểu của quí vị đều đúng cả. Ðời là hòa bình, đời
là ca hát, đời là vui tươi, đời là tranh đấu, đời là bể khổ, đời là đắng cay,
nhưng tất cả đều tươi nở trong lòng người nhờ quyền lực của Chúa Thánh Thần".
Tôi bởi đâu mà đến? Tôi sẽ đi về
đâu? Tại sao tôi đau khổ? Ðó là những câu hỏi lớn nhất mà một lúc nào đó trong
cuộc sống, chúng ta không thể tránh né được.
Cám ơn Chúa vì đã cho chúng ta giải
đáp trong chính Chúa Giêsu Kitô. Chính Ngài là Ánh Sáng chiếu rọi trên bí ẩn của
cuộc đời cũng như trên chính Mầu Nhiệm của con người. Công đồng Vatcican II
trong hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng đã nói với chúng ta rằng huyền nhiệm của con
người chỉ có thể được sáng tỏ trong chính Mầu Nhiệm của Ngôi Hai Nhập Thể.
Chúng ta chỉ có thể tìm thấy câu
trả lời cho những câu hỏi lớn của cuộc sống bằng cách nhìn vào Ðức Giêsu Kitô.
Quả thật, Ngài đã sống kiếp con người như mọi người. Nhưng chính khi tiếp nhận
mọi mùi vị của cuộc sống, Ngài đã mặc lấy cho cuộc sống một ý nghĩa, một hướng
đi.
Cuộc sống có ngọt bùi, đắng cay,
chua sót, cuộc sống có lao động, tranh đấu hay thảnh thơi... Tất cả đều mang lấy
một ý nghĩa. Trong Chúa Giêsu, mất mát trở thành thắng lợi, thua thiệt trở thành
cơ may, đau khổ trở thành dịu ngọt, cái chết trở thành khởi đầu của sự sống.
Nếu chúng ta đón nhận cuộc đời
này bằng với cái nhìn ấy, thì quả thực không một thử thách, mất mát, đau khổ
nào khiến chúng ta thất vọng. Với Quyền Lực của Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã ban
cho chúng ta, những bể khổ, những đắng, cay chua xót của cuộc sống đều có thể nở
hoa, những niềm vui nhỏ ấy sẽ mang lấy chiều kích vĩnh hằng, những việc làm vô
danh thường ngày sẽ mang lấy giá trị vĩnh cửu.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét