Trang

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

20-06-2020 : THỨ BẢY - TUẦN XI THƯỜNG NIÊN - TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ


20/06/2020
 Thứ Bảy tuần 11 thường niên
 Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. 


BÀI ĐỌC I: 2 Sb 24, 17-25
"Các ngươi đã giết Dacaria giữa đền thờ và bàn thờ".
Trích sách Sử Biên niên quyển thứ hai.

Sau khi Gioiađa qua đời, các thủ lãnh Giuđa vào lạy vua. Vì họ dua nịnh, nên vua xiêu lòng nghe theo họ. Họ bỏ phế đền thờ Chúa là Thiên Chúa tổ phụ họ, để tôn thờ những cây cọc thiêng và các tượng thần. Vì tội ấy, cơn thịnh nộ Chúa giáng trên Giuđa và Giêrusalem. Chúa sai các tiên tri đến cùng họ để họ quay về với Chúa. Các vị này tuyên chứng, nhưng họ chẳng muốn nghe. Thần trí Thiên Chúa đổ xuống trên ông Dacaria, con vị tư tế Gioiađa. Ông đứng trước mặt dân chúng và bảo họ rằng: "Đây lời Chúa là Thiên Chúa phán: Tại sao các ngươi lỗi phạm giới răn Chúa? Đó là điều bất lợi cho các ngươi. Các ngươi đã bỏ Chúa thì Chúa sẽ bỏ các ngươi". Họ liền họp nhau chống lại người, và theo lệnh vua, họ ném đá người ở hành lang đền thờ Chúa. Vua Gioas không nhớ lòng nhân từ mà Gioiađa, cha người, đã đối xử với nhà vua, mà lại giết con của Gioiađa. Khi sắp chết, người nói rằng: "Xin Chúa hãy nhìn xem và xét xử họ".

Hết năm ấy, quân đội Syria tiến lên đánh vua Gioas: họ đến xứ Giuđa và thành Giêrusalem, giết hết các thủ lãnh trong dân, và cướp lấy của cải đem về cho vua ở Đamas. Dù số người Syria chẳng bao nhiêu, nhưng Chúa đã trao vào tay họ dân đông vô số, vì chúng đã bỏ Chúa là Thiên Chúa tổ phụ mình. Quân Syria cũng làm sỉ nhục vua Gioas. Khi họ bỏ vua mà đi, thì vua lâm trọng bệnh. Thần dân nổi dậy chống lại vua, để báo thù giòng máu của con tư tế Gioiađa. Họ giết vua ngay trên giường, và ông đã chết. Họ mai táng ông trong thành Đavít, nhưng không chôn ông trong mồ các vua.      
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 88, 4-5. 29-30. 31-32. 33-34
Đáp: Đời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái (c. 29a).
Xướng:
1) Ta đã ký minh ước cùng người Ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Đavít là tôi tớ của Ta rằng: "Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ". - Đáp.
2) Đời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì. Ta sẽ gìn giữ miêu duệ người tới muôn đời, và ngai báu người như những ngày của cõi cao xanh. - Đáp.
3) Nếu con cháu người bỏ không tuân luật pháp, và không ăn ở theo huấn lệnh của Ta, nếu chúng vi phạm những thánh chỉ, và không vâng giữ các chỉ thị của Ta. - Đáp.
4) Ta sẽ dùng roi để phạt tội chúng, và Ta sẽ đánh đòn để sửa lỗi, nhưng Ta sẽ không rút lại tình thương đối với người, vì Ta cũng không phản bội lòng trung tín của Ta. - Đáp.

ALLELUIA: Mt 4, 4b
Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 2, 41-52
"Cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrsalem để tìm Người.
Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con".
Người thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?" Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng.
Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm :  Mẫu mực trong đời sống đức tin
Một người đàn bà Nigiêria bị tòa án Hồi Giáo kết án tử hình bằng cách ném đá về tội ngoại hôn đã được hoãn hành quyết hai năm để bà có thể cai sữa cho đứa con.
Hôm thứ Hai ngày 17/6/2002, tòa phá án thành phố Pontuar ở miền tây bắc Nigiêria vẫn duy trì cuộc hành quyết này sau khi xét đơn kháng cáo của bà Amila Nawanrami. Người phụ nữ này bị kết án tử hình hồi tháng 3/2002, sau khi bị tố cáo có thai với một người đàn ông không chính thức là chồng của chị. Kurami là người đàn bà thứ hai bị kết án tử hình vì có con ngoại hôn tại Nigiêria. Án tử hình của chị sẽ được thi hành vào năm 2004 sau khi đứa con của chị dứt sữa mẹ. Bản án thật bất công, nó ngược lại với mọi chuẩn mực văn minh của loài người. Tuy nhiên, vẫn còn thấy ở đây một giá trị mà cho dù có độc ác tới đâu loài người vẫn còn trân quí, đó là tình mẫu tử. Người mẹ Nawanrami sẽ chết đi nhưng ít ra đứa con của chị vẫn còn có được những giọt sữa mẹ nuôi dưỡng cho đến khi thôi bú.
Cho con bú mớm, đó là hình ảnh đẹp nhất mà người ta có thể nhìn thấy nơi bất cứ người mẹ nào. Hôm nay Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, có lẽ chúng ta cũng được mời gọi để suy niệm về tình mẫu tử của Mẹ. Mẹ đã sinh dưỡng Chúa Giêsu, Mẹ đã từng cho Ngài bú mớm. Một hôm, vào giữa lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy, có một người trong đám đông đã lên tiếng ca ngợi Mẹ: "Phúc cho kẻ đã cho Ngài bú mớm". Quả thật, cũng như bất cứ bà mẹ nào, Mẹ đã cho Chúa Giêsu bú mớm, Mẹ đã nhìn Ngài lớn lên từng ngày, Mẹ theo dõi và hân hoan với từng bước chân chập chững của Ngài, Mẹ vui với sự khôn lớn của Ngài, Mẹ buồn lo vì sự bất chấp xảy ra cho Ngài.
Câu chuyện Chúa Giêsu lạc mất trong đền thờ được thánh sử Luca ghi lại trong Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy được trái tim hiền mẫu của Mẹ: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con?" Lời trách móc này bộc lộ tất cả trái tim con người của Mẹ. Mẹ đối xử với Chúa Giêsu với tất cả tình cảm của một con người và chính vì là một con người cho nên Mẹ trở thành mẫu mực cho chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin. Nơi Mẹ, chúng ta nhận ra được một người tín hữu tiến bước trong mò mẫm, trong chiến đấu, trong tin yêu và vâng phục. Nhưng Mẹ không chỉ là mẫu mực cho chúng ta trong đời sống đức tin. Mẹ là Mẹ của chúng ta. Mẹ đã yêu thương Chúa Giêsu với tất cả trái tim nhân loại của Mẹ. Ngày nay, Mẹ cũng tiếp tục dõi theo mỗi người chúng ta với trái tim hiền mẫu ấy. Mẹ đã trải qua thử thách, Mẹ hiểu được thế nào là khổ đau. Hơn ai hết, Mẹ đồng cảm với bao nỗi lo lắng và khổ đau của chúng ta. Mẹ hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Mẹ đã từng dõi theo từng bước trong tiến trình trưởng thành của Chúa Giêsu Con Mẹ. Mẹ suy niệm từng biến cố của cuộc sống.
Ngày nay cũng thế, không có giây phút nào trong cuộc sống của mỗi người chúng ta mà không được Mẹ ôm ấp trong lòng. Với niềm tin tưởng ấy, chúng ta phó thác cuộc sống cho Mẹ.


Lễ nhớ Trái Tim Ðức Maria trong phụng vụ hiện nay
Vatican (Vat. 21-05-2015) - Tông huấn "Marialis cultus" về lòng sùng kính Ðức Mẹ của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI canh tân việc kính nhớ Trái Tim vô nhiễm nguyên tội của Ðức Trinh Nữ diễm phúc Maria giữa các lễ nhớ hay lễ kính, diễn tả các hướng đi nổi bật trong lòng đạo đức hiện đại.
Trong nguồn gốc lịch sử của ngày lễ chúng ta thấy người đã thăng tiến việc cử hành phụng vụ Trái Tim Mẹ Maria là thánh Jean Eudes (1610-1680), cũng như kết quả các lời tuyên bố tỏ tường của Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII năm 1903 và Ðức Giáo Hoàng Piô X năm 1909. Hai vị gọi thánh nhân là "cha, tiến sĩ và tông đồ đầu tiên" của lòng tôn sùng và đặc biệt của việc sùng kính phụng vụ đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Mẹ Maria. Và thánh nhân đã muốn thánh hiến các tu sĩ của dòng do ngài thành lập cho hai Trái Tim Thánh này. Ngay khoảng năm 1643, nghĩa là chừng 20 năm trước việc cử hành lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, thánh nhân và các người theo ngài đã bắt đầu cử hành lễ Trái Tim Ðức Mẹ. Năm năm sau đó, ngày mùng 8 tháng 2 năm 1648, lễ này cũng được cử hành công khai trong thành phố Autun, với thánh lễ và kinh thần vụ do thánh nhân biên soạn và được Ðức Giám Mục sở tại chấp thuận. Các văn bản phụng vụ này của thánh Eudes cũng được nhiều Giám Mục chấp thuận, mặc dù có sự chống đối của nhiều người theo phái giangsênít. Ngày mùng 2 tháng 6 năm 1668 lễ và các văn bản phụng vụ được sự đồng ý của ÐHY sứ giả của Ðức Giáo Hoàng bên Pháp. Nhưng năm sau khi xin Tòa Thánh xác nhận, thì Thánh Bộ Phụng Tự từ chối.
Vào năm 1726 linh mục Gallifet, dòng Tên, đã tái xin phép Tòa Thánh chấp nhận lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Vấn đề được cứu xét bởi ÐHY Prospero Lambertini, sau này sẽ trở thành Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XIV, lúc đó là Tổng trưởng Bộ phụng tự. Câu trả lời lần đầu tiên của bộ năm 1727 là đừng nài nỉ, vì các khó khăn đạo lý lời xin có thể bị từ chối. Nhưng cha Gallifet không chịu thua, cứ viết đơn xin, và ngày 30 tháng 7 năm 1729 Bộ trả lời không chấp nhận.
Như đã biết, năm 1765 Tòa Thánh cho phép chính thức cử hành lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhưng trong dịp đó người ta không nghĩ tới việc lôi cuốn cả Trái Tim Ðức Mẹ vào. Năm 1799 Ðúc Giáo Hoàng Pio VI cho phép giáo phận Palermo, trên đảo Sicilia nam Italia, cử hành một lễ kính Trái tim rất thánh của Ðức Trinh Nữ Maria. Năm 1805 Ðức Giáo Hoàng Pio VII quyết định ban phép cử hành lễ cho tất cả những ai làm đơn xin, nhưng phải dùng các văn bản của lễ Ðức Bà xuống tuyết mùng 5 tháng 8. Dưới thời Ðức Giáo Hoàng Pio IX năm 1855 Thánh Bộ Phụng Tự chấp nhận các văn bản mới một phần lấy lại của thánh Jean Eudes cho lễ kính Trái tim rất vẹn sạch Mẹ Maria, nhưng chỉ dành cho các giáo phận và dòng tu làm đơn xin phép. Năm 1914 nhân dịp cải tổ sách lễ Roma, lễ kính Trái Tim Ðức Mẹ bị chuyển vào phần phụ giữa các lễ ngoại lịch.
Tiếp theo đó đã có rất nhiều đơn xin Tòa Thánh cho phép cử hành lễ này trong toàn Giáo Hội. Một đàng nó được thăng tiến bởi lòng nhiệt thành đặc biệt của các Thừa sai con cái của Trái tim vô nhiễm nguyên tội Mẹ Maria là các Tu sĩ Claretiani, và đàng khác bởi việc phổ biến lòng sùng kính này đặc biệt sau các vụ Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima. Và lần này thì Tòa Thánh chấp thuận. Ngày 31 tháng 10 năm 1942, và rồi ngày mùng 8 tháng 12 năm 1942 trong Ðền Thờ thánh Phêrô, nhân kỷ niệm 25 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima, Ðức Giáo Hoàng Pio XII thánh hiến nhà thờ và nhân loại cho Trái tim vô nhiễm nguyên tội Mẹ Maria. Ðể muôn đời ghi nhớ cử chỉ này ngày mùng 4 tháng 3 năm 1944 với sắc lệnh "Cultus liturgicus" Ðức Pio XII ban phép cử hành lễ Trái tim vô nhiễm nguyên tội Ðức Mẹ trong toàn Giáo Hội Latinh vào ngày 22 tháng 8, trong Tuần Bát Nhật Lễ Ðức Mẹ hồn xác lên Trời và nâng lên thành lễ bậc nhì. Lịch phụng vụ hiện nay đã để việc cử hành vào lễ nhớ tùy ý, và đặt sau lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Việc đặt hai lễ gần nhau khiến chúng ta trở về nguồn gốc lịch sử của lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Ðức Mẹ. Thật thế, trong các bút tích của mình thánh Jean Eudes đã không bao giờ tách rời hai Trái Tim Thánh ấy. Ngoài ra trong 9 tháng sự sống của mình Con Thiên Chúa nhập thể đã đập nhịp cùng với trái tim của Mẹ Maria.
Các văn bản phụng vụ riêng của lễ ban ngày nêu bật công việc tinh thần của con tim nữ môn đệ đầu tiên của Chúa Kitô. Ca Tin Mừng và lời nguyện hiệp lễ dùng văn bản Phúc Âm thánh Luca chương 2 câu 19 và bài Phúc Âm thánh Luca chương 2 câu 1 đến 51 với kết thúc giới thiệu với chúng ta Mẹ Maria trong thái độ nội tâm hướng tới việc lắng nghe và đào sâu lời Chúa. Trong văn bản thứ nhất thánh Luca cho thấy Ðức Maria yêu thương chú ý tới những gì Mẹ trông thấy và lắng nghe các biến cố của Thiên Chúa liên lụy tới mình. Cả thánh Giuse và những người khác, đặc biệt là chứng tá của các mục đồng, nhưng theo thánh Luca trình bầy chỉ có Mẹ Maria là suy gẫm trong tim và tìm bước vào trong mầu nhiệm Mẹ đang sống. Thế rồi, trong văn bản thứ hai thánh sử Luca ghi nhận rằng Ðức Maria và thánh Giuse đã không hiểu lời Chúa Giêsu nói trong Ðền Thờ, nhưng vừa nhắc tới việc trở về Nagiarét thánh sử lôi kéo sự chú ý trên thái độ thường hằng của Ðức Maria và viết: "Và Mẹ Người gìn giữ tất cả những điều này và suy gẫm trong tim" Như thế, Mẹ Maria, Ðấng đã trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa, khi gắn bó với Lời của Thiên Chúa Cha trong ngày truyền tin, giờ đây thực hiện từ từ sự trưởng thành hiền mẫu của mình, bằng cách lắng nghe và gìn giữ trong tim các lời của Con mình. Ðây đã là mối dây sâu đậm nhất kết hiệp hai mẹ con, vì các mối dây của thịt xác và máu huyết cũng đã không đủ nữa (x. Lc 8,12; 11,28; Mt 12,49-50; Mc 3,34-35). Mẹ đã thật sự mang Chúa Giêsu trong tim hơn là trong cung lòng; Mẹ đã sinh ra Chúa với dức tin hơn là với thịt xác.
Giải thích dụ ngôn người gieo giống Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi qủy đến cất Lời ra khỏi lòng họ" (Lc 8,12). Ở dây Mẹ Maria giữ gìn lời Chúa và nghiền gẫm, suy đi nghĩ lại trong lòng. Thánh sử Luca cũng kể: Một lần kia trong khi Chúa Giêsu đang giảng thì có một phụ nữ lớn tiếng ca tụng rằng: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!" Nhưng người đáp lại: "Ðúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa" (Lc 11, 28). Chúa Giêsu cũng đang ca tụng Mẹ Maria, vì trong gia đình nhân loại đã không có ai biết lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa hơn Mẹ. Phúc Âm thánh Mátthêu và Phúc Âm thánh Marcô cũng kể rằng: "Chúa Giêsu còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy." Người bảo kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ và là anh em tôi?" Rồi Người đưa tay chỉ các môn đệ và nói: "Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em và là mẹ tôi" (Mt 12,46-50; Mc 3,31-35). Ở đây Chúa Giêsu cũng gián tiếp ca ngợi Mẹ Maria. Vì Mẹ là người đã luôn thưa lên hai tiếng "xin vâng" với Thiên Chúa và để cho Chúa hoàn thành nơi Mẹ tất cả những gì Chúa muốn trong chương trình tình yêu cứu rỗi của Người.
Như thế, Mẹ Maria đã lắng nghe và suy niệm trong tim lời Chúa, như là bánh dưỡng nuôi Mẹ trong tâm hồn, như là nước vọt lên tưới gội một mảnh đất phong phú. Dọc dài toàn thời cựu ước người ta đã thường bắt buộc dân được tuyển chọn nhớ lại và suy gẫm trong tim tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho họ, để có thể vững tin và luôn mãi đào sâu hơn đức tin của họ nơi Chúa. Giờ đây Ðức Trinh Nữ cho thấy đã xứng đáng thừa hưởng gia tài đó của cha ông. Mẹ cũng có hai thái độ trước các biến cố và các lời của Chúa Giêsu: một đàng Mẹ giữ gìn kỷ niệm, đàng khác Mẹ học đào sâu việc hiểu biết nó, bằng cách suy tư trong tim, hay theo nghĩa gốc của động từ "symbállein" mà thánh sử Luca dùng trong văn bản chương 2 câu 19, đặt để so sánh chúng trong con tim. Ðây là câu năng động trong đức tin của Mẹ Maria: nhớ lại để đào sâu, đối chiếu để nhập thể, suy tư để thời sự hóa.
Và đây là điều Mẹ dậy chúng ta. Với việc suy đi nghĩ lại lời Chúa trong tim Mẹ Maria dậy cho chúng ta biết đón tiếp Chúa trong lòng như thế nào, dưỡng nuôi mình bằng Ngôi Lời của Mẹ ra sao, làm thế nào để ăn và uống Ngài để được no thỏa. Nhất là lời nguyện trong thánh lễ chứa đựng việc quy chiếu này: "Lậy Chúa, Chúa đã chuẩn bị một nơi ở xứng đáng của Chúa Thánh Thần trong tim của Trinh Nữ diễm phúc Maria, nhờ lời bầu cử của Người, xin cũng ban cho chúng con là các tín hữu Chúa, được là đền thờ sống động của vinh quang Chúa". Như thế, Mẹ Maria trở thành mẫu gương của những kẻ lắng nghe lời Thiên Chúa và lấy đó làm kho tàng. Mẹ là mẫu gương toàn vẹn của những người mà trong Giáo Hội phải khám phá ra cái hôm nay của sứ điệp này của Chúa với việc suy niệm. Noi gương Mẹ Maria trong thái độ sống này có nghĩa là luôn luôn chú ý tới các dấu chỉ thời đại, nghĩa là chú ý tới điều lạ lùng và mới mẻ Thiên Chúa làm trong các dáng vẻ bề ngoài của sự tầm thường. Tắt một lời, nó có nghĩa là suy tư với trái tim của Mẹ Maria các biến cố thường ngày, và như Mẹ rút tỉa ra từ đó các kết luận của đức tin.
(Mẹ Maria 453)

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

20/06/2020
THỨ BẢY TUẦN 11 TN
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Lc 2,41-51

TÌM THÁNH Ý CHÚA
“Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói… Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. (Lc 2,49-51)

Suy niệm: “…Ông bà không hiểu…” Đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa không miễn trừ cho Mẹ những thử thách trong niềm tin. Mẹ đã trải qua những biến cố thật khó hiểu, khó chấp nhận đối với cái nhìn của con người: sinh con nơi hang đá, trốn chạy sang Ai Cập, sống đơn nghèo ở Na-da-rét, chứng kiến con mình chịu đóng đinh thập giá… Hôm nay trước lời nói, thái độ của Người Con yêu dấu, Mẹ không hiểu, vì thế Mẹ đã cẩn thận cất giữ và suy đi nghĩ lại trong lòng để dần dần Mẹ nhận ra ý Chúa trên cuộc đời Mẹ. Qua từng biến cố, Chúa mời gọi Mẹ vượt lên trên những liên hệ huyết thống, nhờ đó trái tim Mẹ được hoàn toàn tự do để cùng với Giê-su, Con Mẹ chu toàn thánh ý Chúa Cha.
Mời Bạn: Ngang qua những biến cố rất bình thường trong cuộc sống, Thiên Chúa bày tỏ ý muốn nhiệm mầu của Người cho chúng ta. Chúng ta chỉ nhận ra được điều đó khi biết đón nhận trong khiêm tốn, vâng phục và suy niệm sâu xa.
Chia sẻ: Một trong những cách để thấy được bàn tay Thiên Chúa trong đời bạn là nhìn lại quãng đường đời mà bạn đã đi qua.
Sống Lời Chúa: Dành một thời gian trầm lắng trong ngày nhìn lại đời sống của mình để khám phá thánh ý Chúa ẩn chứa trong đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, có những biến cố xảy ra thật khó hiểu, khó chấp nhận đối với con. Xin cho con tâm tình như Mẹ Ma-ri-a: âm thầm tìm kiếm ý Chúa và chấp nhận để Chúa hướng dẫn đời con theo Ý Người.
(5 phút Lời Chúa)

SUY NIỆM : Trái tim người Mẹ.
Suy niệm:

Nếu ai hỏi Mẹ Maria điều gì quý nhất trong đời Mẹ,
hẳn Mẹ sẽ trả lời đó là Giêsu, con của Mẹ.
Người con này Mẹ đã cưu mang, dưỡng dục, và bảo vệ giữ gìn.
Người con này đã đem lại cho Mẹ biết bao niềm vui và hãnh diện.
Nhưng Mẹ cũng chịu nhiều đau khổ vì người con ấy.
Bài Tin Mừng hôm nay vén mở một chút nỗi đau của Mẹ,
cho thấy một chút trái tim của Mẹ khi sống bên Giêsu.
Cậu Giêsu, mười hai tuổi, cùng với cha mẹ lên Đền thờ mừng lễ Vượt qua.
Kể cũng lạ khi cậu ở lại Giêrusalem mà không báo cho cha mẹ biết.
Hai ông bà đi một ngày đường mới nhận ra mình mất con,
vội vã đi tìm trong đám bà con thân thuộc,
nhưng không thấy, nên trở lại Giêrusalem mà tìm.
Phải qua ba ngày đầy lo âu và nước mắt mới tìm thấy con trong Đền thờ.
Kinh nghiệm mất- tìm kiếm- tìm thấy này thật đau đớn đối với người mẹ.
Mẹ Maria sợ mất con, mất điều rất quý đã được Thiên Chúa trao cho mình.
Nhưng khi thấy con mình ngồi giữa các vị thầy, rất bình an trò chuyện với họ,
thì Mẹ lại sửng sốt, ngỡ ngàng, thay vì vui sướng.
Như vậy là con không bị lạc, nhưng đã cố ý ở lại Đền thờ mà không báo.
Mẹ không nén được một lời trách móc: “Tại sao con làm thế với cha mẹ?
Cha con và mẹ đã khắc khoải tìm con” (c. 48).
Chuyện không ngờ là cậu Giêsu đã đáp lại câu hỏi của Mẹ bằng hai câu hỏi,
đầy vẻ sửng sốt và cũng là một lời trách: “Tại sao cha mẹ lại tìm con?
Cha mẹ không biết là con phải ở nhà của Cha con sao ?” (c.49).
Cũng có thể hiểu là: cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con sao?
Đức Giêsu, khi lên mười hai tuổi, đã bắt đầu có ý thức mình thuộc về Cha.
Người Cha trên trời này khác với người cha mà Ngài đang chung sống.
Ngài phải ở với và lo việc cho người Cha này, lẽ ra cha mẹ phải biết chuyện đó.
Dĩ nhiên hai ông bà chưng hửng, không hiểu được câu nói của cậu Giêsu (c.50).
Riêng Mẹ Maria có thói quen nghiền ngẫm về các biến cố khó hiểu.
Mẹ giữ kỹ trong trái tim mình những chuyện xảy ra (Lc 2, 19. 51b).
Chúng ta tưởng Mẹ Maria luôn luôn hiểu Con mình, hiểu ngay, hiểu trọn vẹn.
Chúng ta tưởng ai sống thánh thiện thì lúc nào cũng vui, chẳng bao giờ lo sợ.
Nhìn Mẹ Maria, chúng ta hiểu theo Chúa là bước vào một cuộc hành trình.
Có những lúc như đang chơi ú tim với Chúa, mất rồi lại tìm, tìm thấy rồi lại mất.
Chúng ta chẳng bao giờ nắm được Chúa, giữ chặt Chúa trong tay.
Chúa vẫn là Đấng không thể thấu hiểu được, và vẫn làm chúng ta sững sờ.
Mẹ Maria đã chứng kiến Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt (Lc 2, 40),
từ khi sinh ra đến khi mười hai tuổi,
và từ mười hai tuổi đến lúc trưởng thành (Lc 2, 52).
Ngài càng lúc càng ý thức mình thuộc về Cha và ý thức về sứ mạng.
Con của Mẹ là một mầu nhiệm khôn dò mà Mẹ phải tìm hiểu mỗi ngày.
Mẹ để cho Con tự do sống theo Ý Cha, dù điều đó đem lại nhiều đau khổ.
Chuyện mất Con hôm nay chuẩn bị cho việc Con sẽ chia tay Mẹ đi sứ vụ,
và chuẩn bị cho cuộc chia tay kinh hoàng trên thập giá.
Chúng ta cầu cho các bà mẹ đang đau khổ vì con.
Mong sự vâng phục của con cái làm tươi trái tim người mẹ.

Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm họa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
20 THÁNG CHÍN
Nối Những Nhịp Cầu Yêu Thương
Bạn hãy hăng say cộng tác với Đấng Cứu Độ. Người bày tỏ cho chúng ta thấy lòng thương xót của Chúa Cha. Trong Đức Kitô, Chúa Cha luôn luôn chan tưới hồng ân của Ngài trên chúng ta. Ngài ban cho chúng ta sự sống và sức mạnh. Ngài tha thứ chúng ta và đưa chúng ta vào mối quan hệ riêng với Ngài; Ngài sai Con của Ngài đến với chúng ta, qua Người Con ấy lòng thương xót của Ngài tuôn trào.
Vâng, bạn hãy học với Đức Ki-tô, hình ảnh hoàn hảo (Tổng Luận Thần Học I,35) diễn tả tình yêu vô hạn của Chúa Cha. Như Chúa Giêsu, bạn hãy gần gũi với con người. Nhất là, hãy gần gũi với những người bệnh tật, những người bị chà đạp phẩm giá. Bạn hãy trở thành người chiến sĩ xây dựng nền văn minh tình thương, hãy nhiệt thành chia sẻ lòng bác ái chân thực, để thăng tiến nhân loại này nên tốt hơn. Như vậy, bạn sẽ tham dự trọn vẹn vào công cuộc cứu độ của Đức Ki-tô.
Hội Thánh ngỏ lời với các bạn, những người xây đắp nền văn minh tình thương: “Kinh nghiệm của quá khứ và của chính thời đại chúng ta cho thấy rằng chỉ công bằng mà thôi thì chưa đủ để đảm bảo cho con người được sống trên mọi chiều kích của sự sống. Chúng ta cần phải có được năng lực sâu xa hơn nữa, đó chính là tình yêu” (Div. In Mis, 12).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


20 Tháng Sáu
Ai Hơn Ai?
Trong một khu vườn tuyệt đẹp kia có nhiều loại hoa đua nhau khoe màu tranh sắc: Hoa Hồng, hoa Hướng Dương, hoa Vạn Thọ, hoa Cúc, kể cả vài cụm bông Móng Tay và bông Mười Giờ.
Một ngày kia, có người đến nhìn ngắm những bông hoa đẹp, rồi lấy một cây thước ra đo chiều cao, chiều dài cũng như đếm số các nụ hoa. Xong ông ta bỏ đi.
Ý thức về chiều cao và độ lớn của mình, hoa Hướng Dương càng vươn cổ lên cao và nói: "Trong khắp khu vườn, không hoa nào lớn mạnh như chúng tôi". Nghe nói thế, hoa Hồng lên tiếng: "Nhưng không hoa nào đẹp và tỏa hương thơm ngát như chúng tôi". Không chịu thua ai, hoa Vạn Thọ góp lời: "Hai người nói thế nghe sao phải, to lớn và thơm tho nào có ý nghĩa gì. Hai người làm gì có được nhiều bông hoa như chúng tôi".
Nghe những loại hoa trên tranh luận, các loại hoa Cúc, hoa Móng Tay và hoa Mười Giờ cảm thấy tủi phận. Hoa Móng Tay tìm lời an ủi hoa Mười Giờ: "Bọn mình không đẹp, không thơm, nhưng được cái là dễ trồng nên được nhiều người ưa thích".
Sau đó, khu vườn trở lại yên lặng trong khoảnh khắc. Nhưng hoa Cúc phá tan sự im lặng nặng nề với những phát biểu sau đây: "Sao các anh, các chị lại có thể suy nghĩ thế? Bởi đâu các anh các chị lại tranh nhau về chiều cao, về độ lớn, về vẻ đẹp, về hương thơm. Anh chị quên rằng: Dù lớn hay nhỏ, dù mạnh hay yếu, dù đỏ hay vàng, mọi bông hoa đều nhận lãnh hình hài, vẻ đẹp và hương thơm từ bàn tay của Ðấng Tạo Hóa và dưới mắt Người chúng ta đều như sau. Mỗi chúng ta đều được Người ban cho đồng đều ánh sáng và hơi ấm của mặt trời. Mỗi bông hoa đều được Người cho mưa rơi xuống gốc và sương sa trên mình như nhau. Ðó là Mầu Nhiệm của lòng quảng đại và khoan nhân của Thiên Chúa".
Sự phân bì, ghen tuông đã và đang làm khổ đau cho con người cũng bằng tính tự cao, tự đại hay ít ra tính phân bì, ghen ghét cũng làm cho chúng ta không được thư thái, bình an. Vì thế, có người đã đề ra những phương pháp sau đây như những điều kiện để được hưởng sự bình an trong tâm hồn:
- Nếu tôi không muốn so sánh mình với người khác, tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc với những gì tốt đẹp nơi tôi.
- Nếu tôi không làm nô lệ cho sự thành công, tôi có thể sản xuất những thành quả tốt đẹp kẻ khác chờ đợi nơi tôi.
- Nếu tôi không để mình bị vướng vào mạng lưới của sự cạnh tranh, tôi sẽ thông phần và chia sẻ được những cái tốt đẹp hàm ẩn trong tất cả mọi người.
(Lẽ Sống)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét