Trang

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2020

Kinh Truyền Tin 21/06: Sợ hãi là một kẻ thù tệ hại nhất


Kinh Truyền Tin 21/06: Sợ hãi là một kẻ thù tệ hại nhất

Trưa Chúa Nhật 21/06, ĐTC đã cùng với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô đọc Kinh Truyền Tin. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, ngài có một bài huấn dụ ngắn dành cho các tín hữu.
Văn Yên, SJ - Vatican News
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin:
Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (x. Mt 10,26-33) vang lên lời mời của Chúa Giêsu nhắn gởi các môn đệ đừng sợ hãi, hãy mạnh mẽ và vững tin trước những thử thách của cuộc sống và cảnh báo họ về những nghịch cảnh đang chờ đợi họ. Bài đọc hôm nay là một phần trong diễn từ về truyền giáo mà Thầy chuẩn bị cho các Tông đồ có được kinh nghiệm đầu tiên trong việc loan báo Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu khuyến khích họ “đừng sợ”. Sự sợ hãi là một trong những kẻ thù tệ hại nhất trong đời sống Kitô hữu của chúng ta, và Chúa Giêsu nói: “anh em đừng sợ hãi”. Ngài đưa ra ba tình huống cụ thể mà họ sẽ phải đối mặt.
Trước hết, sự thù địch của những người muốn làm im lặng Lời Chúa, khi coi nhẹ nó hoặc bịt miệng người loan báo. Trong trường hợp này, Chúa Giêsu khuyến khích các Tông đồ loan truyền thông điệp cứu độ mà Ngài đã giao phó cho họ. Vào thời điểm đó, Ngài đã truyền cho họ một cách thận trọng, gần như trong bí mật, trong nhóm nhỏ các môn đệ. Nhưng họ sẽ phải loan báo Tin Mừng của Ngài “lúc ban ngày”, nghĩa là giữa thanh thiên bạch nhật và “từ trên mái nhà” - như Chúa Giêsu nói - nghĩa là giữa chốn công khai.
Khó khăn thứ hai mà các nhà truyền giáo của Chúa Kitô sẽ gặp phải là mối đe dọa thể lý chống lại họ. Đó là sự bắt bớ trực tiếp đối với người của họ, ngay cả bị giết chết. Lời tiên tri này của Chúa Giêsu đã trở thành sự thật trong mọi thời: đó là một thực tế đau đớn, nhưng nó làm chứng cho sự trung tín của các chứng nhân. Có bao nhiêu Kitô hữu bị bách hại trên khắp thế giới ngày nay! Họ đau khổ vì Tin Mừng và với tình yêu, họ là những vị tử đạo của thời đại chúng ta. Chúng ta có thể nói chắc chắn rằng thời nay có nhiều vị tử đạo hơn những thời đầu: rất nhiều vị tử đạo, chỉ vì họ là Kitô hữu. Đối với những môn đệ chịu sự bách hại của hôm qua và hôm nay, Chúa Giêsu khuyên: “Đừng sợ những kẻ giết thân xác, nhưng không có quyền giết linh hồn” (c. 28). Chúng ta không cần phải sợ hãi những người cố dập tắt sức mạnh Tin Mừng bằng sự kiêu ngạo và bạo lực. Thật vậy, họ không thể chống lại linh hồn, nghĩa là chống lại sự hiệp thông với Thiên Chúa: điều này không ai có thể lấy đi khỏi người môn đệ, bởi vì đó là một món quà từ Thiên Chúa. Điều duy nhất người môn đệ phải sợ là mất đi món quà thiêng liêng này, mất đi sự gần gũi và tình bạn với Thiên Chúa, khi từ bỏ lối sống theo Tin Mừng và từ đó kéo theo cái chết luân lý, hệ luỵ của tội lỗi.
Loại thử thách thứ ba mà các Tông đồ sẽ phải đối diện đó là sự cảm nhận mà một số người sẽ có thể kinh nghiệm, rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ, Ngài xa cách và im lặng. Ngay cả điều này, Chúa Giêsu cũng khuyên chúng ta đừng sợ hãi, bởi vì, mặc cho trải qua những cạm bẫy này và cạm bẫy khác, sự sống của các môn đệ vẫn nằm trong tay Thiên Chúa, Đấng yêu thương và gìn giữ chúng ta.
Như ba cám dỗ: thứ nhất, coi nhẹ Tin Mừng; thứ hai, bách hại; và thứ ba, cảm giác Thiên Chúa để chúng ta một mình. Chúa Giêsu cũng chịu thử thách này trong vườn ô liu và trên Thánh Giá, Chúa Giêsu phải kêu lên: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ rơi con?”. Đôi khi chúng ta cảm nhận sự khô khan thiêng liêng này. Nhưng chúng ta không nên sợ nó.
Chúa Cha chăm sóc chúng ta, vì chúng ta rất giá trị trong mắt Ngài. Điều quan trọng là sự cương trực, là sự can đảm của việc làm chứng và làm chứng cho đức tin: “nhận Chúa Giêsu trước mặt mọi người” và tiến bước làm điều thiện.
Xin Đức Maria rất thánh, mẫu gương tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa trong những nghịch cảnh và nguy hiểm, giúp chúng ta không bao giờ rơi vào tuyệt vọng, nhưng luôn luôn phó thác mình cho Thiên Chúa và ân sủng của Ngài, bởi vì ân sủng của Thiên Chúa thì luôn mạnh mẽ hơn sự dữ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét