Ơn gọi thánh hiến ở
Bangladesh gia tăng
Một buổi cầu nguyện ở Bangladesh |
Đối với Giáo hội Công giáo ở Bangladesh, trong những ngày
này thực sự là thời gian của ân phúc: Giáo hội mới có thêm 21 phó tế, và 3 chủng
sinh đang còn theo học ở nước ngoài cũng sớm được phong chức phó tế.
Ngọc Yến - Vatican News
Bangladesh là một quốc gia có đa số Hồi giáo. Công giáo có
khoảng 390 ngàn tín hữu. Chủng viện quốc gia duy nhất là đại chủng viện Chúa
Thánh Thần ở thủ đô Dhaka, hiện có 125 chủng sinh đang được đào tạo.
Trong lịch sử đất nước, đây là lần đầu tiên có 24 chủng sinh
được phong phó tế. Đối với một số linh mục, điều này như một phúc lành của
Thiên Chúa toàn năng.
Cha Anol Terence D'Costa, linh mục ở Baralu, đã tham gia
chương trình đào tạo cho các tân phó tế bày tỏ: “Chúng tôi rất hạnh phúc vì số
chủng sinh được chịu chức phó tế. Đây là một dấu hiệu tốt. Hoa trái này cũng là
nhờ sự đóng góp của cha mẹ, giảng viên, linh mục và nữ tu. Hiện nay, những người
trẻ đang có được một nền giáo dục tốt từ gia đình, linh mục và nữ tu, điều này
rất cần thiết giúp họ bước vào đời sống thánh hiến”.
Cha Anol cho biết “hàng năm việc phong chức phó tế thường diễn
ra trong đại chủng viện Chúa Thánh Thần ở Dhaka. Nhưng năm nay do đại dịch, các
cử hành diễn ra trong giáo phận mà các chủng sinh thuộc về. Hiện nay các phó tế
đang giúp các linh mục trong giáo phận, theo các chỉ thị của các giám mục. Giáo
hội đang nỗ lực giúp người nghèo trong đại dịch, các phó tế sẽ tham gia vào
công việc này, cụ thể thăm gia đình và chăm sóc mục vụ”. Cũng theo cha Anol, với
số tân phó tế này, trong khi ở các nơi khác ơn gọi đang giảm, cho thấy ơn gọi
thánh hiến của Giáo hội Bangladesh như thế là khả quan.
Giáo hội Bangladesh cũng có một số linh mục và nữ tu đang hoạt
động truyền giáo ở nước ngoài và một số khác sẽ đi trong tương lai. Cách đây 30,
Giáo hội Công giáo của đất nước này được một số nhóm truyền giáo quốc tế như Hội
Giáo hoàng Truyền giáo Hải ngoại (Pime) đến giúp đỡ. Hiện nay, số linh mục và
tu sĩ truyền giáo đến từ nước ngoài còn rất ít; và số linh mục và nữ tu địa
phương chiếm đa số. (Asia News 15/6/2020)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét