Phân biệt chủng tộc hay là tên gọi khác của lòng 'tôn thờ bản thân'
(ANSA) |
Nước Mỹ những ngày này đang sục sôi quanh vấn đề phân biệt
chủng tộc sau cái chết của một người Mỹ gốc Phi trong tay cảnh sát. Phân biệt
chủng tộc chẳng phải là vấn đề riêng của nước Mỹ hay của người da trắng nói
chung, mà là của cả thế giới loài người.
Khắc Bá, SJ - CTV Vatican News
1. Chuyện không của riêng ai
Nước Mỹ những ngày này đang sục sôi quanh vấn đề phân biệt
chủng tộc sau cái chết của một người Mỹ gốc Phi trong tay cảnh sát. Sự giận dữ
của công chúng đã dẫn đến các cuộc biểu tình, và gây bạo loạn ở một số nơi; hơn
nữa, nó đã bắt đầu trở thành một phong trào lan rộng ra nhiều vùng trên thế giới.
Có lẽ đây là một trong những hiện tượng gây chia rẽ lớn nhất đối với nước Mỹ
nói riêng và thế giới nói chung. Đó đây người ta đã phân tích và tranh cãi về
nguồn gốc của nạn kỳ thị chủng tộc, về tính chính đáng của việc biểu tình, và về
các chính sách gây thêm căng thẳng. Nhưng dù tranh cãi theo hướng nào chúng ta
cũng phải thừa nhận rằng nó là hậu quả từ một lịch sử tội lỗi của người da trắng
đối với người da đen. Tổ tiên của những cư dân gốc Phi này đã từng bị bắt làm
nô lệ, bị xem như món hàng mua qua bán lại; và vì thế, họ bị chia cách với gia
đình, bị tách khỏi cấu trúc cộng đồng dân tộc, bị cắt đứt khỏi gốc rễ quê hương
và mất liên hệ với cội nguồn văn hoá. Nói ngắn gọn, họ bị vong thân. Vì thế, nếu
những cư dân gốc Phi có lối sống ‘lạ lẫm’ ở đất Tây Phương thì cũng chẳng có gì
khó hiểu!
Nhưng phân biệt chủng tộc (và phân biệt sắc tộc) chẳng phải
là vấn đề riêng của nước Mỹ hay của người da trắng nói chung, mà là của cả thế
giới loài người. Ngay trong lòng Châu Phi cũng không thiếu những dân tộc tỏ ra
‘kẻ cả’, xem thường những dân tộc khác, điển hình như Nigeria. Tương tự, ở Châu
Á, não trạng ‘Đại Hán’ của người Trung Quốc dường như chưa bao giờ mai một. Nội
cái tên nước cũng phần nào nói lên tính phân biệt chủng tộc của họ rồi. Nhưng
đó chỉ là những ví dụ điển hình, còn xét cho cùng thì tất cả mọi dân tộc đều ít
nhiều mang não trạng phân biệt và khinh miệt như thế, theo quy luật: nước mạnh
xem thường nước yếu, dân tộc phát triển khinh rẻ dân tộc kém phát triển hơn.
Người Việt cũng không ngoại lệ; thậm chí, não trạng phân biệt
chủng tộc của người Việt có thể được xếp vào loại mạnh. Đơn cử như nhiều người
Việt hải ngoại gọi một số sắc dân khác là ‘bọn Mễ’, ‘bọn Thổ’, ‘bọn mọi đen’,
vv. Còn ở trong nước, không ít người Kinh vẫn gọi những đồng bào dân tộc anh em
là ‘dân thượng’, hay ‘dân tộc’, với hàm ý khinh miệt.
Và nếu xét theo quy mô nhỏ hơn, nhưng lại mang tính chung
hơn, chúng ta có thể gọi vấn đề trên là não trạng ‘phân biệt đối xử’: nhóm phát
triển hơn coi khinh nhóm kém phát triển; người mạnh hơn, khôn hơn xem thường
người yếu thế hơn, kém trí hơn.
2. Vấn đề nguyên nhân
Đâu là nguyên nhân của não trạng ‘phân biệt chủng tộc’? Có một
hiện tượng đáng chú ý là khi một nhóm người bị khinh miệt, chính họ lại có nguy
cơ gia tăng lòng phân biệt chủng tộc đối với các nhóm thấp kém hơn, như một
cách tự nâng mình lên để giải toả sự ẩn ức. Nhưng nhìn chung, có thể nói nguyên
nhân chính yếu khiến người ta dễ khinh thường người khác hay dân tộc khác là vì
họ cho rằng mình thông mình hơn, tài giỏi hơn, dân tộc mình tiến bộ hơn, văn
minh hơn.
Nhưng liệu thật sự có phải có những dân tộc thông minh thượng
đẳng bên cạnh những dân tộc thấp kém trí tuệ? Có lẽ những bước phát triển của
công nghệ đã khiến người ta loá mắt, và sự giải thích sai lầm trong quá khứ của
thuyết tiến hoá và ngành di truyền học đã gây ra một tâm thức chung rằng những
dân tộc nào còn sơ khai về khoa học và công nghệ chính là những dân tộc có gen
di truyền kém cỏi hơn về trí tuệ. Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử nhân loại ở tầm
mức đủ xa và đủ rộng, đến cả trước thời gian xuất hiện chữ viết (cách nay tầm
5000 năm), chắc hẳn chúng ta sẽ có quan niệm khác. Như nhà nghiên cứu nổi tiếng
Jared Diamond đã chỉ ra, không hề có bất cứ một bằng chứng nào cho thấy có sự
khác biệt về khả năng trí tuệ ở tầm mức sinh học giữa các dân tộc trên thế giới.
Nói cách khác, về cơ bản chẳng có dân tộc nào thông minh hơn dân tộc nào. Sự
khác biệt về tiến bộ khoa học kỹ thuật không đến từ yếu tố di truyền chủng tộc,
mà từ các điều kiện tự nhiên và diễn trình lịch sử, đúng như nhận xét xác đáng
của Jared Diamond trong Súng, vi trùng và thép: “nguyên nhân nằm ở
những ngẫu nhiên về địa lý và địa sinh học, cụ thể là sự khác biệt giữa hai lục
địa [châu Âu và châu Phi] về diện tích, trục chính, chủng loại cây dại và thú
hoang ở đó… Diễn trình lịch sử của mỗi dân tộc một khác, đấy là do những khác
biệt giữa môi trường sống của các dân tộc, chứ không phải do những khác biệt
sinh học giữa bản thân các dân tộc đó.”
Còn thế nào là văn minh, thế nào là tiến bộ? Tiêu chuẩn văn
minh – tiến bộ lại do chính những người, những nước có sức mạnh về quân sự và
khoa học kỹ thuật phát triển tự đặt ra. Vì vậy, thước đo căn bản của loại văn
minh này chính là những bước tiến về khoa học công nghệ của một nhóm người, vốn
kéo theo cấu trúc xã hội và hệ thống luật lệ để vận hành, cùng những gì tích hợp
theo nó mà chúng ta có thể gọi chung là ‘văn hoá’. Chắc hẳn rằng cái hệ thống
được xây đắp qua bao nhiêu thế kỷ đó có nhiều giá trị xứng đáng được gọi là văn
minh. Nhưng liệu rằng những giá trị khác ngoài nó không được gọi là văn minh ư?
Nói cho cùng, thước đo cho trí tuệ văn minh và khôn ngoan đích thật của con người
phải thể hiện ở ‘chất lượng cuộc sống’, qua những yếu tố căn bản: hiểu biết và
hài hoà với thiên nhiên, tương quan tốt lành với tha nhân, phát triển tính tự
do và lòng thiện tâm (hay đời sống thiêng liêng nói chung). Xét trên nền tảng
này, liệu chúng ta có gì hơn khi so sánh với những sắc dân sơ khai về mặt công
nghệ, với những nhóm người có đời sống còn mang tính ‘săn bắt hái lượm’ và có cấu
trúc xã hội kiểu bộ lạc? Liệu ta còn dám lớn tiếng tự khen mình là ‘văn minh’,
khi nhìn lại sự lệ thuộc của mình vào cấu trúc xã hội hiện đại, vào những lối sống
bị kiểm soát bởi công nghệ, những tội ác giết hại giữa con người với nhau, và một
môi trường bị huỷ hoại?
3. Nhìn về hướng giải quyết
Trước cuộc khủng hoảng này, nhiều cá nhân và tổ chức khắp
nơi trên thế giới đang kêu gọi tinh thần hoà giải. Nhưng phải bắt đầu từ đâu và
phải đi tới đâu? Hiện tại, người ta đang bắt đầu bằng biểu tình. Âu đó cũng là
một cách tốt, vì nước Mỹ vốn được hình thành và phát triển từ các cuộc biểu
tình và đấu tranh, dù nó thường có nguy cơ kèm theo một số hình thức cực đoan
nhất định.
Giáo dục và thăng tiến công bình xã hội là một giải pháp tốt
lành khác. Việc gia tăng sự hiểu biết, nhất là về lịch sử nhân loại và các loại
hình thái xã hội, sẽ phần nào thu hẹp những định kiến hẹp hòi và sai lầm. Còn
khi các cơ cấu bất công được giảm thiểu, con người sẽ có điều kiện để phát triển
một cách đồng đều và cân bằng hơn.
Tuy nhiên, chắc chắn các giải pháp trên không bao giờ giải
quyết rốt ráo được vấn đề. Có thể chúng giúp giảm thiểu phần nào não trạng phân
biệt đối xử, nhưng thường thì chúng chỉ giảm thiểu ở biểu hiện bề mặt, hoặc biến
thành một số hình thức nguỵ tạo tinh vi nào đó, thậm chí có thể mang tấm mặt nạ
là ‘hành xử nhân văn’, nhưng bản chất không thay đổi nhiều. Lý do là vì căn bản
của não trạng phân biệt chủng tộc không nằm ở cấu trúc xã hội, mà là ở thâm tâm
con người. Nó là vấn đề của con người, của cái tôi.
Xét một cách sâu hơn nữa, gốc gác của não trạng đó chính là
thứ tư duy tự lấy mình làm quy chuẩn cho mọi giá trị. Nói cách khác, đó là kiểu
não trạng tự đặt mình thay cho vị trí của Thượng Đế, hay tự tôn thờ bản thân.
Quả vậy, nếu thật lòng có đức tin vào Thiên Chúa, chúng ta phải thực sự nghiệm
thấy sự bình đẳng của mỗi nhân vị, bởi tất cả đều được tạo dựng và mang hình ảnh
của Người; vì thế, ở mức nào đó, có thể nói rằng đối diện với một con người là
ta đang đối diện với Thiên Chúa. Lòng tin cũng phải thể hiện ở tâm niệm rằng
thước đo của mọi giá trị không phải đến từ phạm vi của bản thân, mà từ phạm vi
vượt trên mình. Ngoài ra, nếu không tự quy vào mình, chúng ta sẽ có tâm trí đủ
rộng mở để thấy giá trị của những khác biệt, để hiểu rằng chính điều đó làm nên
vẻ đẹp và sự phong phú của gia đình nhân loại.
Vì vậy, bên cạnh các giải pháp nói trên, thiết tưởng chúng
ta cần chú trọng thêm hai giải pháp sau đây:
Thứ nhất, làm sao giúp nhau ý thức được rằng chúng ta đang
là những thành phần của một xã hội mang cấu trúc và lịch sử của tội lỗi, của bất
công. Ý thức này không chỉ đến từ những bài học lịch sử, mà còn phải từ các hoạt
động dấn thân cho tha nhân, nhất là cho người nghèo và người bị gạt bên lề xã hội.
Có như thế thì con mắt và trái tim của mỗi người mới được soi rọi để thấy rằng
chẳng có gì đáng tự hào khi những ‘tiến bộ’, những thành công của mình hay của
dân tộc mình thực ra là kết quả của một diễn trình lịch sử hà hiếp, cướp bóc và
chinh phạt; chẳng có gì đáng kiêu ngạo khi chúng ta là hậu duệ của những kẻ giết
người và áp bức tha nhân.
Thứ hai, làm sao giúp nhau thấy được điều ‘linh thiêng’
trong mỗi người. Nghĩa là phải nhấn mạnh đến giá trị tôn giáo nội tại của bản
chất con người. Ví dụ, với Ki-tô giáo, giá trị đó là ‘hình ảnh của Thiên Chúa’,
hay với Phật giáo là ‘Phật tính’. Vì vậy, thiết tưởng phải cổ võ nhau suy nghĩ,
cảm nghiệm và thực hành những khía cạnh tinh thần thâm sâu nơi mỗi người, như
tiếng nói lương tâm, lòng yêu mến sự thiên, vv.
Cộng gộp hai điều đó, mỗi người chúng ta sẽ thấy mình được mời
gọi để xin lỗi nhau, tha thứ cho nhau, và cho nhau một cơ hội bắt đầu lại. Đó
là bước đi hoà giải đích thực, và là cách chúng ta để cho mình được giải thoát
khỏi cái vòng luẩn quẩn của thói phân biệt đối xử, vốn là tên gọi khác của thứ
não trạng loại trừ Thiên Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét