Trang

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

29-11-2012 : THỨ NĂM TUẦN XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Năm sau Chúa Nhật 34 Quanh Năm

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 18, 1-2, 21-23; 19, 1-3. 9a
"Thành Babylon vĩ đại đã sụp đổ rồi".
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Tôi là Gioan đã nhìn thấy một thiên thần từ trời xuống, có quyền năng cao cả, và đất rực sáng lên bởi vinh quang của Người. Người dõng dạc kêu lên rằng: "Thành Babylon vĩ đại đã sụp đổ rồi, đã sụp đổ rồi: nó đã trở thành nơi ma quỷ ở, hang mọi thần ô uế ẩn trú, và nơi mọi thứ chim dơ bẩn gớm ghiếc làm tổ".
Rồi có một thiên thần dũng lực nhắc bổng hòn đá như cối xay lớn, và quăng xuống biển mà rằng: "Thành Babylon sẽ bị quăng xuống dữ tợn như vậy, và không còn tìm thấy nó nữa". Tiếng người gảy đàn và kẻ hát ca, tiếng kẻ thổi sáo thổi kèn sẽ không còn nghe thấy nơi ngươi nữa. Những người thợ bá nghệ không còn tìm thấy nơi ngươi nữa; và tiếng cối xay cũng chẳng còn nghe thấy nơi ngươi nữa. Ðèn sáng không còn chiếu sáng nơi ngươi nữa. Tiếng tân lang tân nương không còn nghe thấy nơi ngươi nữa, vì những tay buôn của ngươi là bọn kỳ hào trên hoàn vũ, và bởi phù phép ngươi, mọi dân tộc phải lầm lạc".
Sau đó, tôi nghe như có tiếng nhiều đoàn người trên trời tung hô rằng: "Alleluia! Ơn Cứu độ, vinh quang và quyền năng đều thuộc về Thiên Chúa chúng ta: vì sự xét xử của Người thật chính trực và công minh, Người luận phạt gái điếm khét tiếng đã từng làm cho địa cầu ra hư nát bởi trò dâm dật của nó; Người đã báo oán máu các tôi tớ Người do tay nó đã đổ ra. Họ lại cất tiếng rằng: "Alleluia! Khói nó bốc lên cho tới muôn đời".
Và thiên thần bảo tôi: "Hãy viết rằng: Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 4. 5
Ðáp: Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên (Kh 19, 9a).
Xướng: 1) Hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. - Ðáp.
2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. - Ðáp.
3) Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người. - Ðáp.
4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn thế hệ. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Lc 21, 28
Alleluia, alleluia! - Các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 21, 20-28
"Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho các dân ngoại chấm dứt".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi các con thấy Giêrusalem bị các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá. Bấy giờ những ai ở trong đất Giuđa, hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành; vì những ngày ấy là những ngày báo oán, để ứng nghiệm mọi lời đã ghi chép.
"Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân, và Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt.
"Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Thánh Luca trình bày biến cố Giêrusalem bị sụp đổ, tượng trưng cho cuộc phán xét cuối cùng của Thiên Chúa - Ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh được ứng nghiệm. Và đó cũng là ngày mà sự can thiệp cuối cùng có tính cách quyết liệt của Thiên Chúa vào lịch sử.
Giêrusalem sẽ bị dân ngoại thống trị, nhưng khi dân Israel trở về với Ðấng Kitô thì cũng hết thời của dân ngoại.
Tất cả những sự kiện trên xảy ra đều chuẩn bị và tập trung vào cuộc quang lâm của Ðức Kitô.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một đức tin vững mạnh, và xin Chúa giúp cho chúng con hiểu được lời Chúa muốn nói gì với mỗi người chúng con hôm nay. Từ đó, chúng con can đảm sống và tỉnh thức để chuẩn bị xứng đáng đón Chúa đến trong ngày sau hết. Amen.
 (Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Giờ Cứu Rỗi Gần Ðến
(Lc 21,20-28)
Suy Niệm:
Giờ Cứu Rỗi Gần Ðến
Từ năm 44 TCN đến năm 66 SCN, các quan toàn quyền Rôma cai trị xứ Giuđê một cách độc ác, dã man, đến nỗi dân Do thái đã nổi dậy, mặc dù họ biết sẽ bị nghiền nát dưới gót giầy của Ðế quốc xâm lăng. Năm 66, tướng Julianô chỉ huy ba đạo quân sang đánh dẹp những cuộc nổi dậy. Năm 70, Julianô lên ngôi Hoàng đế tại Rôma, ông sai con cả là Titô tiếp tục cuộc bình địa Giuđê. Nghe tin Titô kéo quân về Giêrusalem, 25,000 người Do thái thuộc các phe kháng chiến đang tranh giành ảnh hưởng đã hợp lực tổ chức chống cự. Tuy nhiên, lực lượng của Rôma quá hùng hậu: 80,000 quân với đầy đủ quân trang đã bao vây Giêrusalem suốt 6 tháng trời. Ðầu tháng 7 năm 70, Titô lập một tường thành chiến lược vây hãm Giêrusalem. Ngày 6/8 việc tế tự trong Ðền thờ bị đình chỉ. Ngày 28/8 quân Rôma đánh phá và đốt Ðền thờ. Hai ngày sau, tức ngày 30/8 năm 70 thành Giêrusalem bị thất thủ và bị đốt phá bình địa. 90,000 người Do thái bị bắt làm nô lệ. Tất cả đã xảy ra đúng như lời tiên báo của Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, lời của Chúa không chỉ ứng nghiệm với thành thánh bị phá hủy vào năm 70, mà còn tiên báo về ngày tận cùng của thế giới. Khi Ngài đến trong vinh quang để xét xử, có các tai biến làm cho con người lo âu sợ hãi: "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh tượng biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các tinh tú bầu trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ Con Người sẽ xuất hiện uy nghi trên đám mây... Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi đã đến gần".
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về ngày sau cùng của mỗi người chúng ta. Trước khi từ giã cõi đời, con người cũng thường bị vây hãm: bởi những lo âu run sợ trước cái chết, bởi những tiếc nuối cho những ngày đã qua, bởi những hành hạ của căn bệnh, bởi sức tấn công của lực lượng sự dữ. Trong những giây phút ấy, Lời của Chúa Giêsu sẽ là kim chỉ nam: "Bấy giờ ai ở miền Giuđê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê thì chớ vào thành". Ðành rằng, bấy lâu nay thân xác đã cho con người có được niềm vui, sự hãnh diện, tình yêu thương; thế nhưng, giờ đây thân xác sắp bị hủy hoại, con người không còn lý do gì để cứ bám lấy thân xác, nhưng hãy biết thoát ly những ràng buộc của thân xác, để đi vào ơn cứu độ của Chúa.
Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết chuẩn bị cho mình một thái độ thích hợp trong ngày Chúa đến.
(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 34 TN2
Bài đọc: Rev 18:1-2, 21-23, 19:1-3, 9; Lk 21:20-28.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Các quyền lực thế gian sẽ qua đi.

Sống trong cuộc đời, con người luôn bị thống trị bởi các quyền lực thế gian: tư sản, cộng sản, quỉ thần, và ngay cả tử thần; nhưng những quyền lực này sẽ không tồn tại muôn đời, và sẽ có ngày bị xụp đổ. Người Kitô hữu chúng ta tin chắc sẽ có ngày Thiên Chúa thu thập tòan thể con người lại, và chính Ngài sẽ lãnh đạo dân trong công bình và thương yêu, như các Bài đọc chúng ta đã suy niệm trong Chủ Nhật Lễ Chúa Kitô Vua vừa qua. Triều đại của Thiên Chúa sẽ vững bền muôn đời, và các tín hữu sẽ sống hạnh phúc trong vương quốc của Thiên Chúa.
Các Bài đọc hôm nay nói đến sự suy xụp của các vương quốc trần gian. Bài đọc I nói tới sự xụp đổ của Đế quốc Babylon và hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên! Phúc Âm nói tới sự xụp đổ của Đền Thờ Giêrusalem, những gì sẽ xảy ra trong Ngày Phán Xét, và những người tin Chúa được hưởng ơn cứu độ muôn đời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên!
1.1/ Sự xụp đổ của Đế quốc Babylon: đã được đề cập đến 2 lần (Rev 14:8, 16:19), nhưng không diễn tả chi tiết. Trong chương 17, Gioan mô tả chi tiết hình ảnh Con Điếm nổi danh ngồi trong lòng một Con Thú (Rev 17:1-6); tác giả coi sự xụp đổ của Babylon là một biến cố quá khứ, và ghi lại cho chúng ta sự than khóc theo sau biến cố này (Rev 18:1-24), trong khi một bài ca chiến thắng vọng tới từ trời (Rev 19:1-10). Sự suy xụp của các quyền lực này được dùng như một sự chuẩn bị cấp tốc cho đỉnh cao của Sách Khải Huyền, trong đó bao gồm chiến thắng của Đức Kitô và Giáo Hội của Ngài (Rev 19:11-22:5).
Babylon được gọi là Con Điếm, ngược lại với hình ảnh của Người Phụ Nữ, đại diện cho Dân Thiên Chúa (x/c Chương 12 của Sách KH). Truyền thống Cựu Ước quen gọi những ai thờ bụt thần, những kẻ gian ác hay thành phố tội lỗi là những con điếm (Tyre trong Isa 23:16; Nineveh trong Nah 3:4; Israel trong Eze 16; Samaria và Giêrusalem trong Eze 23). Trong phần kết luận của chương 18:18, thiên thần đã ám chỉ rõ ràng, Con Điếm được mô tả là chính Roma.
Con Thú là hình ảnh của Đế-quốc Rôma, người cai trị thế giới là Hòang đế Rôma. Trình thuật chúng ta đang đọc dùng “Babylon,” thành phố đã xụp đổ trong quá khứ; để ám chỉ “Đế-quốc Rôma,” sẽ bị suy xụp trong tương lai. Gioan tường trình sự xụp đổ của Babylon như sau: “Bấy giờ một thiên thần dũng mãnh nhắc một tảng đá to như chiếc cối xay lớn mà ném xuống biển và nói: "Babylon, thành vĩ đại, sẽ bị thẳng tay ném đi như thế đó, và người ta sẽ chẳng bao giờ còn tìm thấy nó nữa!”” Tiên tri đã Jeremia tiên đóan Babylon sẽ bị buộc vào một tảng đá và bị quăng xuống sông Euphrates (Jer 51:63-64). Tương tự như thế, Roma sẽ bị tiêu diệt.
Babylon vĩ đại bị xụp đổ vì “Nó đã trở nên sào huyệt của ma quỷ, hang ổ của mọi thứ thần ô uế, hang ổ của mọi thứ chim chóc ô uế và đáng ghét.” Roma sẽ bị xụp đổ tan tành đến độ không còn dấu hiệu nào của dân cư sinh sống trong đó như Gioan mô tả như sau:
“Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn nghe tiếng nhạc sĩ gảy đàn, ca hát, thổi sáo và thổi kèn. Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn thấy thợ thủ công thuộc mọi ngành nghề. Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn nghe tiếng cối xay bột nữa. Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn thấy ánh sáng đèn chiếu rọi. Trong thành ngươi, sẽ chẳng bao giờ còn nghe tiếng cô dâu chú rể. Bởi vì các con buôn của ngươi từng là kẻ quyền thế trên mặt đất, bởi vì ngươi đã dùng phù phép mà làm cho muôn nước mê hoặc.”
1.2/ Sự vui mừng của Dân Thiên Chúa: hòan tòan trái ngược những lời than ai óan trong Chương 18 vì bắt bớ và bạo lực. Tác giả so sánh những đau khổ mà con người phải chịu đựng vì bắt bớ với vinh quang tương lai con người sẽ được hưởng trên Nước Trời, nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa cho dân của Người. Con người vui mừng vì 2 lý do:
(1) Babylon không còn nữa: Sau đó, tôi nghe như có tiếng hô lớn của đoàn người đông đảo ở trên trời vang lên: "Halêluia! Thiên Chúa ta thờ là Đấng cứu độ, Đấng vinh hiển uy quyền! Những lời Người phán quyết đều chân thật công minh! Vì Người đã xét xử Con Điếm khét tiếng từng dùng chuyện gian dâm mà làm cho mặt đất ra hư hỏng, và Người đã bắt nó phải đền nợ máu các tôi tớ của Người mà chính tay nó đã giết."
(2) Được dự tiệc cưới Con Chiên: Lần thứ hai họ lại hô: "Halêluia! Khói lửa thiêu nó cứ bốc lên đời đời kiếp kiếp! Thiên thần bảo tôi: "Hãy viết: Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên!" Người lại bảo tôi: "Đó là những lời chân thật của chính Thiên Chúa."

2/ Phúc Âm: Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.
2.1/ Sự xụp đổ của Đền Thờ Giêrusalem: Năm 70 AD, quân đội của Đế-quốc Rôma đã đem quân vây hãm Thành Giêrusalem một thời gian dài trước khi san bình địa Thành. Điều này chứng thực những gì Chúa Giêsu đã tiên đóan 37 năm trước đó như trình thuật hôm nay nói: “Khi anh em thấy thành Giêrusalem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành. Bấy giờ, ai ở miền Giuđê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành. Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm.”
Điều này chứng minh sự phá hủy của Giêrusalem nằm trong Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa: Vì dân Do-Thái từ chối không tin Đức Kitô là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa gởi tới, nên Tin Mừng được loan báo cho Dân Ngọai; nhưng sau cùng như Thánh Phaolô loan báo, Thiên Chúa sẽ cứu dân tộc Israel. Điều này cũng phù hợp với trình thuật hôm nay: “Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của Dân Ngoại.”
2.2/ Ngày Phán Xét: Chúa Giêsu cho các môn đệ biết những gì sẽ xảy ra trong Ngày này:
- Các điềm lạ trên trời: "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.”
- Con Người xuất hiện: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Các quyền lực của thế gian chỉ có quyền trên chúng ta khi còn sống trong thế gian này, nhưng những quyền lực này không tồn tại muôn đời; mọi quyền lực sẽ phải nhường bước trước quyền lực của Thiên Chúa khi triều đại của Ngài đến.
- Chúng ta đừng lui buớc hay chạy theo những quyền lực của thế gian, nhưng phải can đảm sống và làm chứng cho triều đại của Thiên Chúa; để xứng đáng được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa muôn đời.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Thứ Năm tuần 34 thường niên
Sứ điệp:Thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá, khắp địa cầu sẽ ngập sâu trong cảnh khốn cùng. Thiên Chúa sẽ thi hành án xử công minh dành cho kẻ khước từ Đức Kitô. Người Kitô hữu phải vững lòng cậy tin trông chờ ngày cứu thoát.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con run sợ vì những gì đã xảy ra cho thành Giêrusalem cũng như sẽ ập đổ xuống trên khắp địa cầu trong ngày thế mạt. Lời Chúa không nhằm để hù dọa con, nhưng là để cảnh giác lối sống của con hôm nay. Con mường tượng ra cảnh khốn khổ mai ngày, nhưng con vẫn an tâm thực hiện Lời Chúa, vì Chúa muốn con tỉnh thức cầu nguyện, ngẩng cao đầu giữ vững niềm tin và đợi trông ơn cứu rỗi.
Lạy Chúa, thực tế cuộc sống con hôm nay sẽ xác định con chọn lựa hay khước từ Chúa. Thời giờ Chúa ban, con dành cho Chúa trọn vẹn hay chỉ để chiều theo những sở thích riêng mình? Tiền bạc, địa vị, chức quyền, cùng những may mắn con đang có là cơ hội giúp con hăng hái rao giảng Tin Mừng hay chỉ để sung sướng cho bản thân con? Con có vì Chúa mà quyết tâm chừa tội và đi đàng nhân đức chăng?
Lạy Chúa, Đấng quyền phép và công minh, xin giúp con mạnh mẽ quyết tâm sống một đời vững tin, trung kiên giữ luật Chúa, cương quyết xa đàng tội và chăm lo lãnh nhận các bí tích thần thiêng của Chúa, và cùng với anh chị em làm sáng Danh Chúa trước mặt mọi người. Xin giúp con luôn nhớ rằng ngày tận cùng của con đang được định đoạt từ hôm nay. Con trông cậy Chúa, xin cứu giúp con. Amen.
Ghi nhớ : "Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho các dân ngoại chấm dứt".
www.phatdiem.org

29/11/12 THỨ NĂM TUẦN 34 TN
Lc 21,20-28 

SỐNG NIỀM TRÔNG CẬY
“Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21,28)
Suy niệm: Những biến cố mà con người cho là đổ vỡ, tang thương, lại là dấu hiệu báo trước Nước Thiên Chúa đã gần đến. Đó là thái độ cậy trông mà các Kitô hữu tiên khởi được mời gọi phải có khi sống và loan báo Tin Mừng trong một thế giới đầy nhiễu nhương, xáo trông. Chắc chắn họ sẽ gặp nhiều chống đối, bách hại, nhưng chính trong lúc này, lời tiên báo của Chúa Giê-su sẽ bắt đầu được ứng nghiệm: “Khi các biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên. Vì anh em sắp được cứu chuộc.”
Mời Bạn: Ngày nay, mỗi người Kitô hữu cũng được mời gọi nhìn vào các biến cố cuộc sống bằng cái nhìn của Chúa Giê-su. Sự mất mát, đổ vỡ nào cũng mang đến cho con người sự buồn phiền, đau xót. Nhưng trong tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, thì đó lại là lúc con người nhận ra được tình yêu Chúa lớn lao hơn bao giờ hết. Một cái thái độ lạc quan, phó thác trước những biến cố của cuộc sống, một niềm hy vọng kiên trì và tỉnh thức, đó là tính cách của đức trông cậy, điều mà Chúa Giê-su muốn chúng ta phải có đang khi mong đợi ngày Chúa lại đến.
Sống Lời Chúa: Hãy tập chấp nhận một cách vui vẻ, bình thản những biến cố dù vui hay buồn, dù may hay rủi xảy đến trong cuộc sống của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn muốn chúng con sống tin tưởng, phó thác vào tình yêu quan phòng của Chúa. Xin Chúa hãy ban cho chúng con niềm tin ấy để trong mọi sự và mọi lúc, chúng con luôn cảm nhận được Nước Chúa trị đến. Amen.
www.5phutloichua.net

Sắp được cứu chuộc
Người ta vẫn hay đoán già đoán non về ngày tận thế. Nhiều người tưởng là năm 2000, gần đây có người lại nói là 2012. Điều quan trọng là làm sao tôi có thể đứng thẳng, ngẩng đầu khi Ngài đến... 
Suy nim:
Theo Josephus, một sử gia người Do Thái đáng tin cậy,
bốn quân đoàn của vị tướng Rôma là Titus
đã vây hãm thành phố Giêrusalem vào lễ Vượt Qua năm 70,
khiến người dân trong thành rơi vào cảnh đói khát cùng cực.
Ông kể chuyện một phụ nữ quê ở Pêrêa vì quá đói
đã túm lấy đứa con còn thơ dại, giết con và nướng để ăn.
Cũng theo sử gia này, quân Rôma đã dùng gươm
để giết hơn một triệu người ở Giêrusalem và Giuđê.
Những người Do Thái bị bắt làm tù binh là gần một trăm ngàn.
Ai có thể tưởng được điều khủng khiếp như vậy đã xảy ra
chỉ bốn mươi năm, sau khi Đức Giêsu nói những lời tiên báo.
Giêrusalem là thành trì vững chắc, nơi trú ẩn an toàn,
bây giờ lại là nơi nguy hiểm, cần phải tránh xa (c. 21).
Tai họa ập xuống trên phụ nữ mang thai và cho con bú (c. 23).
trên cả tội nhân lẫn trẻ thơ vô tội.
Thành đô đã bị bao vây, bị thiêu rụi, bị quân Rôma giày xéo.
Dân thành bị ngã gục, bị đi đày, phải tản mác khắp nơi.
Sự sụp đổ của thành đô đã là một biến cố trên đất Israel.
Nhưng trước khi Đức Giêsu ngự đến trên mây trời
như Con Người đầy quyền năng và vinh hiển (c. 27),
sẽ có những dấu lạ đáng sợ khác trên bầu trời và ngoài biển cả (c. 25).
Thánh Máccô nói đến hiện tượng mặt trời, mặt trăng mất sáng,
và các vì sao sa xuống từ trời (Mc 13, 24-25).
Thánh Luca nói đến cảnh biển gào, sóng thét.
Những điều đó làm muôn dân hoang mang, hồn xiêu phách lạc,
nhưng không làm các môn đệ hoảng hốt, âu lo.
Ngược lại họ mừng vui vì Đấng họ chờ đợi từ lâu nay đã đến.
“Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (c. 28).
Đứng thẳng để đón Đấng mà họ đã suốt đời thắp đèn chờ đợi.
Ngẩng đầu để mừng giây phút ơn cứu chuộc đã đến gần.
Chỉ khi Đức Giêsu phục sinh trở lại như Đấng xét xử quyền năng,
Ngài mới trọn vẹn hoàn thành Nước Thiên Chúa trên mặt đất.
Vào cuối năm phụng vụ, Lời Chúa nói với chúng ta về ngày tận thế.
Đó là ngày vừa đáng sợ, vừa chan chứa niềm vui,
ngày được gặp mặt Đấng chúng ta đã tin tưởng, mến yêu và hy vọng.
Người ta vẫn hay đoán già đoán non về ngày tận thế.
Nhiều người tưởng là năm 2000, gần đây có người lại nói là 2012.
Điều quan trọng là làm sao tôi có thể đứng thẳng, ngẩng đầu khi Ngài đến,
làm sao nhân loại trên trái đất này sẵn sàng ra nghênh đón Ngài
như đón Đấng Cứu Tinh mà họ nóng lòng chờ đợi.
Nếu ngày mai Ngài đến với cả thế giới hay đến với riêng mình tôi,
tôi có sẵn sàng chưa hay còn bị còng lưng, cúi đầu vì bao gánh nặng?
Mỗi người đều có ngày tận thế của mình.
Xin cho tôi được bình an khi ngày ấy đến mà không có điềm lạ nào báo trước.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào...
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho các dân ngoại chấm dứt".

Chúc Tụng Ðấng Nhân Danh Chúa
Ðoạn Phúc Âm hôm nay gợi lên trong chúng ta hai ý tưởng chính: lời loan báo thành Giêrusalem bị quân địch bao vây và tàn phá, yếu tố thứ hai là những dấu chỉ báo trước biến cố Chúa Kitô trở lại trong vinh quang và đầy quyền năng. Ðây không phải là những dấu chỉ đáng làm cho chúng ta hoang mang lo sợ, mà ngược lại chúng làm cho chúng ta luôn thức tỉnh và hy vọng hướng đến tương lai huy hoàng được Thiên Chúa cứu rỗi.
Như là một biến cố lịch sử, thành Giêrusalem đã bị tàn phá hai lần, lần thứ nhất vào năm 70, do bởi đạo quân viễn chinh Rôma dưới quyền chỉ huy của tướng Titô, và lần thứ hai là vào năm 135, thời của hoàng đế Adriano. Ða số các nhà chú giải hiện nay cho rằng Phúc Âm theo thánh Luca phải được viết ra trong khoảng năm 80-90, vì thế khi viết những dòng Phúc Âm trên, tác giả Phúc Âm theo thánh Luca có biết những biến cố về thành Giêrusalem bị tàn phá năm 70, và tác giả nhìn vào biến cố này không phải một cách thuần túy như là một biến cố chính trị mà thôi, nhưng còn như là một biến cố có ý nghĩa tôn giáo nữa.
Việc thành bị tàn phá là do hậu quả của tội lỗi mà thành đã phạm, bởi vì thành đã từ chối lãnh nhận ơn cứu rỗi Thiên Chúa mang đến cho. Và như thế, ứng nghiệm lời than trách và lời tiên tri của Chúa Giêsu về thành Giêrusalem được tác giả Phúc Âm theo thánh Luca ghi lại trước đó nơi chương 13, câu 34-35 như sau: "Giêrusalem, Giêrusalem, ngươi giết các tiên tri và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi. Ðã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh mà ngươi không chịu, thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi, mà Ta nói cho các ngươi hay các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến".
Lời Chúa trách Giêrusalem phản bội, chối từ ơn cứu rỗi không kết thúc trong tuyệt vọng nhưng được hướng đến một viễn tượng hy vọng lớn, Chúa sẽ trở lại mang niềm vui và ơn cứu rỗi, và con người sẽ chấp nhận Ngài, sẽ hát lên bài ca "chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến".
Nơi phần hai của bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta đọc được những loan báo hãi hùng của Chúa Giêsu về thế giới, đó là chiến tranh, tàn phá, những biến chuyển đầy lo âu, những tai ương thiên nhiên. Nhưng chúng ta cần hiểu đây là những hình ảnh của một ngôn ngữ được gọi là ngôn ngữ khải huyền của truyền thống Kinh Thánh, để nhắc nhở cho người đồ đệ của Chúa biết rằng thế giới vũ trụ này không phải là một nơi cư ngụ vẹn toàn cho con người. Hơn nữa, những tội lỗi của con người làm cho thế giới vũ trụ không vẹn toàn này thay vì trở nên tốt hơn nhờ có sự cộng tác của con người với ơn Chúa ban, thì lại trở nên tồi tệ hơn và chắc chắn sẽ đi đến lúc tan biến. Trong cái nhìn của lịch sử cứu rỗi thì đây không phải là một sự tan biến vào hư vô mà là một sự biến đổi trong Chúa, nhờ quyền năng của Thiên Chúa mà trở thành trời mới đất mới khi Con Người đầy quyền năng và vinh quang từ trong đám mây mà đến. Cuối cùng, Thiên Chúa ngự đến. Ngài là khởi đầu và là cùng đích của mọi loài, mọi sự.
Trong dòng lịch sử đang diễn ra, chúng ta có thể nói và xác tín rằng Thiên Chúa phạt lỗi theo sự công bằng. Ngài cho phép sự dữ xảy ra, nhưng trong và qua mọi sự, mọi biến cố, Ngài luôn làm chủ và cứu rỗi theo lượng từ bi vô cùng của Ngài. Chính vì thế mà không bao giờ người Kitô được phép để mình rơi vào trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Chúng ta cần nhìn lịch sử theo cái nhìn của Chúa, theo cái nhìn của lịch sử cứu rỗi để niềm hy vọng Kitô không bao giờ bị tắt mất đi trong tâm hồn người đồ đệ của Chúa. Chắc chắn sẽ đến lúc chúng ta vui mừng lên mà hát bài ca "Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến".
Lạy Chúa
Xin thương giải thoát chúng con khỏi mọi sự dữ. Xin chớ để chúng con sa vào chước cám dỗ phản bội Chúa. Xin đừng để chúng con sống trong tuyệt vọng nhưng luôn hy vọng vào Chúa và hát lên bài ca Chúc Tụng Chúa, Chúc Tụng Ðấng Nhân Danh Chúa Mà Ðến.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 Người sẽ trở lại.
“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (21, 27-28)
Sau khi mô tả cảnh sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu nói với chúng ta về những điềm báo tận thế và sự trở lại của Người trong vinh quang.
Tận thế
Người ta thường suy tư về tính chất các tai họa và những xáo trộn của vũ trụ trước lúc trở lại của Đức Kitô. Luôn luôn thấy có người dựa vào điểm này điểm kia được loan báo trong bốn Tin mừng để dự đoán tận thế sắp đến. Tuy nhiên tận thế vẫn chưa đến.
Đức Giêsu hẳn đã không muốn cho phép người ta nhận định rõ được khi nào xảy ra tận thế. Người đã quả quyết nhiều lần: Trừ Chúa Cha ra, không ai biết được khi nào điều đó xảy đến. Chỉ có một điều chắc chắn: Sẽ xảy ra những đảo lộn quan trọng, rồi Đức Giêsu sẽ lại đến với loài người. Sự quan trọng và lớn lao của những cuộc đảo lộn làm nổi bật sự quan trọng và vinh quang của ngày Đức Kitô hiện đến gấp bội mọi mô tả theo kiểu khoa học về ngày tận thế.
Đức Kitô lại đến
Đức Kitô đã đến với loài người trong cảnh nghèo khó và khiêm hạ, thì có ngày Người lại đến với họ. Nhưng lần này, Người hiện đến “đầy quyền năng và vinh quang lạ lùng”. Chính là Đấng phục sinh sẽ tỏ mình ra lúc tận thế.
Những ai đã sống mong đợi Người lại đến sẽ không còn sợ hãi, vì đối với họ, đây là ngày cứu độ, ngày những người thiện chí mong đợi sẽ tràn đầy hân hoan.
Thiên Chúa không muốn một thế giới bị quay cuồng trong tai họa. Ngài đã không tạo dựng một loài người phó mặc cho hư vô. Ngài muốn một thế giới và một loài người được phục sinh trong ân sủng của Đức Kitô, và được phát triển dồi dào trước mặt Thiên Chúa.
Lo lắng mong chờ được lại thấy Đức Kitô và được sống trọn vẹn trong Người. Những người Kitô hữu đầu tiên nồng nhiệt hy vọng ngày tận thế. Còn chúng ta, chúng ta có là những người mong đợi như các ngài không?
RC.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 11
29 THÁNG MƯỜI MỘT
Sự Giải Thoát Của Chúng Ta
Đang Đến Gần
Theo Tin Mừng Luca, khi Chúa Giêsu đề cập đến hồi tận thời trong bài giảng của Người, Người cảnh giác chúng ta về những đại họa khủng khiếp, về các dấu hiệu của sự hủy diệt, và về tất cả những gì sẽ gây ra “nỗi khốn khổ cho các dân tộc”. Chúa muốn nói với những người của thời ấy và cả của thời chúng ta, vì lời của Người là lời phổ quát. Người nói: “Anh em hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì ơn cứu chuộc của anh em đã gần đến” (Lc 21,28). Tiếng gọi này là thách đố của Mùa Vọng. Ở đây, Chúa đúc kết tất cả ý nghĩa của từ “Vọng” cho chúng ta.
Như vậy, Thiên Chúa không chỉ được tôn vinh trên tạo vật của Ngài. Không chỉ mọi tạo vật làm chứng cho Ngài là Đấng Tạo Hóa toàn năng. Không chỉ thế giới đang thay đổi xung quanh chúng ta làm cho chúng ta nghĩ về bản tính vĩnh hằng, bất biến của Ngài. Không, Ngài cũng đích thân đi vào trong lịch sử thế giới chúng ta nữa. Ngài trở thành một với chúng ta trong thân phận con người của chúng ta.
Chúng ta sẽ nhìn thấy Ngài trong tư cách là “Con Người” (Lc 21,27). Mùa Vọng hướng chỉ sự đến ấy của Ngài. Mùa Vọng tiên vàn nói rằng Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm. Mùa Vọng hướng về mầu nhiệm Nhập Thể. “Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavít …” (Gr 33,15).
Hiểu một cách chính xác, ơn cứu chuộc là sự hiện diện của Đấng Công Chính giữa các tội nhân. Vì thế, Mùa Vọng gắn kết chặt chẽ với mầu nhiệm tội lỗi – tội lỗi đã đi vào trong lịch sử loài người ngay tự ban đầu. Thiên Chúa đến và đem ơn cứu độ cho chúng ta. “Ngài sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực” (Gr 33,15).
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Kh 18, 1-2. 21-23; Lc 21, 20-28.

LỜI SUY NIỆM: Chúa Giêsu cho biết những điềm lạ trước ngày Ngài quang lâm: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét” (Lc 21,25).
          Đối với người Ki-tô hữu của chúng ta, ai cũng tin là sẽ có ngày Tận Thế, những rồi ngày đó sẽ xãy ra lúc nào thì không ai có thể biết được. Nên tạo cho mỗi người chúng ta luôn phải tỉnh thức, chuẩn bị cho ngày đó đến với mỗi người hay là của toàn thể nhân loại. Chúng ta có rất nhiều dấu chỉ để nhận ra trong đời sống của chúng ta. Chỉ cần chúng ta quan tâm đến những gì đang xãy ra với thân xác của mình; qua sự biến đổi của thiên nhiên. Để khi ngày giờ đó đến chúng ta tin là chúng ta được cứu thoát, để được sống.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
29 Tháng Mười Một
Cái Dũng Của Thánh Nhân
Thánh Clêmentê Hofbauer, nổi tiếng là một người nóng tính.
Ngài được cử làm bề trên một cô nhi viện. Một hôm trong nhà không còn lương thực, Clêmentê đã phải đích thân đi xin ăn. Ngài vào nhà một người giàu có đang tổ chức  một sòng bạc. Người chủ nhà vừa gặp cơn đen lại vừa bị người hành khất quấy rầy. Ông không kiềm nổi cơn bực bội nên đã nhổ tung nước bọt vào mặt thánh nhân. Bình thường có lẽ Clêmentê đã có phản ứng mạnh. Nhưng vốn luyện tập nhẫn nại, nên ngài đã đứng lên lau mặt rồi vui vẻ nói với người đã phỉ nhổ mình: "Ðó là qùa ông dành cho tôi, xin cảm ơn ông. Thế còn qùa của các trẻ mồ côi đâu?". Bị đánh động bởi cử chỉ điềm nhiên vui vẻ của thánh nhân, người chủ nhà đành  phải lấy tiền trao cho ngài để giúp đỡ các em mồ côi.
Cái dũng của thánh nhân chính là biết dùng sự thinh lặng, nhẫn nhục để biến cải tâm hồn con người. Cổ nhân thường nói: "Một câu nhịn bằng chín câu lành". Không có sức mạnh nào có thể thắng nổi sự bất bạo động. Bởi vì, khí giới dù có tối tân và có sức đe dọa đến đâu cũng không thể thuyết phục được tâm hồn con người. Chỉ có lòng tha thứ mới có thể bẻ gãy được thứ vũ khí ác hại nhất là hận thù.
(Lẽ Sống)
Ngày 29
 

Dĩ nhiên, tôi tin rằng Thánh Thể là "nguồn gc và là tột đỉnh" của đi sng kitô giáo, như Công đng Vaticăng II đã nhn mạnh. Phải chăng là điều kỳ diệu, khi nghĩ rằng Thiên Chúa tự hiến hoàn toàn cho chúng ta và mời gọi chúng ta trở nên ging như Người, nhờ ân sủng? Chúng ta có ý thức rằng: không phải chúng ta hấp thụ thân mình Đức Kitô, mà chính Người hấp thụ chúng ta?
 
Dĩ nhiên, tôi tin rằng người ta không thể đành tiếc vì tỷ lệ người giáo dân "ngoan đạo" tiếp tục xung thp mỗi năm... Một hiện tượng như vậy, đi với tt cả các người công giáo và các mục tử, là một thách đ phải "chất vấn" chúng ta, theo thành ngữ đã được thừa nhận.
 
Nhưng chúng ta có cắt nghĩa hoặc chứng minh đủ, rằng việc cử hành Thánh Thể, như được quan niệm ngày nay, thể hiện một cuộc hành trình nội tâm tuyệt vời không? Như vậy, nếu chúng ta tới đích mệt mỏi, có khi còn xa Thiên Chúa, thì Người lại nâng chúng ta dậy, phục hi và tái sinh chúng ta, để thành một con người mới, và tự hiến cho chúng ta bằng Lời và thân mình của Người.
 
Lúc đó, chính trong bình an mà chúng ta ra khỏi nhà thờ, và một khi đã bước qua cửa, thì mọi sự bắt đầu, mọi sự bắt đầu lại, nhưng trong ánh sáng.

Patrice Gourrier-Jérôme Desbouchages
Ngày 29 tháng 11
 THÁNH SATUNINÔ TỬ ĐẠO

Hôm nay Giáo hội làm lễ theo mùa, nhưng cũng nhớ thánh Satuninô tử đạo từ thế kỷ thứ IV.
Thánh nhân là một trong những thánh tử đạo ở Rôma có một lịch sử hết sức ly kỳ và còn được bàn cãi nhất. Theo sách sử tử đạo dòng thánh Giêrônimô thì ngài cũng được phúc tử đạo với nhiều vị thánh khác, và cùng được cất xác một trong ba nghĩa trang Grysabtu, Daria hay Maur. Nhưng theo một niên lịch khác thì thánh Satuninô được mai táng tại nghĩa trang riêng của ông Tharason, nằm về phía bắc thành Rôma, trên đường Saparia mới. Tại nơi đây người ta đã xây một thánh đường dâng kính ngài. Dưới thời Đức Giáo Hoàng Fêlicê IV, thánh đường này bị cháy và được trùng tu lại. Nhưng đến đời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IV (827-844), một đại giáo đường khác được xây lên thay thế thánh đường thánh Satuninô. Hài cốt thánh nhân bấy giờ để tại nhà thờ hai thánh tông đồ Gioan và Phaolô tại Caeliô. Ngoài ra, vào thế kỷ XI, các cha dòng Bênêđitô cũng xây một nhà thờ dâng kính thánh Satuninô. Tuy nhiên hiện nay tại Rôma không còn một thánh đường nào, hay nhà nguyện nào mang tên thánh tử đạo Satuninô nữa.
Về gốc tích và thân thế thánh nhân, chúng ta không có một tài liệu nào chắc chắn, trừ một tấm bia có ghi bài văn rất thường, có lẽ là của thánh Giáo Hoàng Đamasô (366-384) đã đặt tại giáo đường thánh Satuninô, trên đường Salaria mới, theo đó chúng ta biết thánh Satuninô gốc người Carthagô đến Rôma vào thời cấm đạo. Vì hạnh phúc tử đạo mà thánh nhân trở thành công dân Rôma. Tên đao phủ Gaxianô đã hành hung và sau cùng lấy móng sắt xé xác thánh nhân. Gaxianô đã cố ép thánh nhân chối Chúa Kitô nhưng vô hiệu, và sau cùng vì cảm phục cái chết của ngài và vì bởi ngài bầu cử, ông đã trở lại, nhận đức tin và cũng được phúc tử đạo.
Ngoài ra, chúng ta cũng còn một văn liệu khác coi như truyền khẩu, đề cập đến đời sống và cuộc tử đạo của thánh Satuninô. Đoạn văn này chép trong cuốn thương khó mà tác giả có lẽ là thánh Marcel hay thánh Cyriacô: “Vậy hai phó tế Cyriacô và Sisinniô cùng với hai giáo dân tên là Large và Maragde lén vào trại giam giúp đỡ anh em công giáo bị kết án. Các ngài gặp một ông lão già tên là Satuninô, mặc dầu đã cao niên, ông cũng phải vác những bị cát rất nặng như những anh em khác. Cảm động, Sisinniô đến vác đỡ. Nhưng không may Sisinniô bị lộ diện và bị bắt giải về cho quan lớn Exupêrê, ông này làm biên bản báo cáo về cho Maximianô, Maximianô cho gọi Sisinniô đến ép phải tế thần Hêrculê. Nhất định không tế thần, Sisinniô bị tống giam vào ngục Marmetimê cùng với ông già Satuninô. Hai người lợi dụng thời cơ mang đức tin đến cho nhiều tù nhân ngoại giáo và ông quan cai ngục Áprônianô (kính ngày 02.02). Công việc đến tai quan án, hai thánh nhân bị điệu ra toà.
Vừa khi quan án Laođaciô hỏi cung và đòi các ngài phải xông hương tế thần, thánh Satuninô đã mạnh bạo tuyên bố trước quan toà và số đông khán giả: “Nguyện Thiên Chúa hằng sống đập tan các tà thần của mọi dân tộc”. Dân chúng nổi nóng vì lời tuyên bố mạnh bạo của ông già, họ hò la đòi quan trảm quyết ông ngay. Trấn tĩnh lòng dân, Laođaciô cho ông về ngục. Tại đây, Sisinniô và Satuninô bị tra tấn bằng những roi gân bò và roi giây gai quấn. Sau cùng các ngài bị thiêu và bị chém đầu tại đường Nomentanê.
Một giáo hữu tên là Trasông lấy xác các ngài đem về an táng trong nhà ông.
Hằng năm giáo hữu kính nhớ thánh nhân vào ngày 29 tháng 11.
Hợp ý với Giáo hội trong ngày lễ mừng thánh Satuninô tử đạo bước vào quê trời, xin Chúa cho chúng con được nâng đỡ bởi công nghiệp ngài, để chúng con vững bước luôn trên đường phụng sự Chúa.
www.tinmung.net
Thứ Năm 29-11
Thánh Gioan ở Monte Corvino
(1247-1328)

V
ào lúc Giáo Hội dính líu vào những cuộc xung đột giữa các quốc gia ở Âu Châu, thì đó cũng là lúc Giáo Hội đến với Á Châu để loan truyền Tin Mừng của Ðức Kitô cho người Mông Cổ. Thánh Gioan ở Monte Corvino đến Trung Cộng vào khoảng thời gian khi Marco Polo chuẩn bị rời khỏi đây.
Trước khi là một tu sĩ, Thánh Gioan đã từng là một quân nhân, một quan tòa và một bác sĩ. Vào năm 1278, trước khi đến Tabriz, Persio (ngày nay là Iran), ngài đã nổi tiếng về rao giảng và giáo dục. Năm 1291, ngài là đại diện cho Ðức Giáo Hoàng Nicholas IV để đến Mông Cổ bệ kiến vua Kublai Khan. Trong chuyến đi ấy, cùng đi với ngài còn có một thương gia người Ý và một linh mục Ðaminh. Khi phái đoàn đến được phía tây Ấn Ðộ thì vị linh mục Ða Minh từ trần. Còn lại Cha Gioan và người thương gia Ý, họ đến Trung Cộng vào năm 1291 thì vừa lúc ấy Kublai Khan từ trần.
Các Kitô Hữu theo phái Nestoria, là con cháu của những người bất đồng quan điểm với Công Ðồng Ephêsô, đã từng cư ngụ ở Trung Cộng từ thế kỷ thứ bảy. Cha Gioan đã giúp họ trở lại với Giáo Hội, cũng như giúp một số người Trung Hoa ở đây đón nhận đức tin Kitô Giáo, kể cả Thái Tử George của tỉnh Tenduk, nằm về phía tây bắc của Bắc Kinh. Sau này, Thái Tử George đặt tên cho con trai của ông theo tên vị linh mục thánh thiện này.
Cha Gioan thành lập trụ sở truyền giáo ở Khanbalik (bây giờ là Bắc Kinh), là nơi ngài xây cất hai nhà thờ; đó là những nhà thờ truyền giáo đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Cộng. Vào năm 1304, ngài chuyển dịch Thánh Vịnh và Kinh Thánh Tân Ước sang tiếng Tatar.
Ðể đáp ứng với thỉnh cầu của Cha Gioan, vào năm 1307, Ðức Giáo Hoàng Clement V đã đặt ngài làm Tổng Giám Mục của Khanbalik, và bài sai bảy giám mục Âu Châu đến trông coi các giáo phận lân cận. Một trong bảy vị này chưa bao giờ rời khỏi Âu Châu. Ba vị khác từ trần trên đường đến Trung Cộng; ba vị giám mục còn lại và các tu sĩ khác đến Trung Cộng vào năm 1308.
Khi Cha Gioan từ trần năm 1328, ngài được người Kitô Hữu cũng như người không có đạo vô cùng thương tiếc. Sau đó không lâu, ngôi mộ của ngài trở thành nơi hành hương. Vào năm 1368, Kitô Giáo bị cấm ở Trung Cộng khi người Mông Cổ bị trục xuất và triều đại nhà Minh bắt đầu. 
Lời Bàn
Khi Thánh Gioan đến Trung Cộng, ngài tượng trưng cho niềm khao khát của Giáo Hội muốn loan truyền Tin Mừng đến một nền văn hóa mới và sẽ được phong phú bởi nền văn hóa ấy. Các chuyến tông du của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II cho thấy tính cách hoàn vũ của Tin Mừng, và nhu cầu cần phải tiếp tục các công cuộc đầy thử thách để Tin Mừng bén rễ vào các nền văn hóa khác biệt.
Lời Trích
Năm 1975, Ðức Giáo Hoàng Phao-lô VI viết, "Qua sức mạnh thần thánh của Tin Mừng mà Giáo Hội rao giảng, hoạt động truyền giáo là để tìm cách thay đổi lương tâm con người về phương diện cá nhân cũng như tập thể, thay đổi các sinh hoạt họ tham dự, và đời sống cũng như môi trường cụ thể của họ" (Truyền Giáo trong Thế Giới Ngày Nay, #18)
www.nguoitinhuu.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét