Trang

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

VATICAN II : CÁI NHÌN TỪ BÊN TRONG

Vatican II: cái nhìn từ bên trong, Đức Hồng Y A. Bea, S.J. và việc hợp nhất Kitô Giáo


Vào đầu tháng 7 năm 1962, trước ngày khai mạc Công Đồng Vatican II, linh mục Eugene C. Bianchi S.J., của Tạp Chí America, đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với Đức HY Augustin Bea, S.J., Chủ Tịch Văn Phòng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo, một trong những nhân vật Công Giáo lỗi lạc của Rôma lúc bấy giờ. Dù đã 81 tuổi, lúc nào vị giáo phẩm này cũng phản ảnh một sức năng động, một tinh thần lạc quan và những tầm nhìn xa rộng. Vốn là cha giải tội cho Đức Tiên Giáo Hoàng Piô XII, Đức HY còn là một học giả Thánh Kinh có tiếng, từng là giáo sư và viện trưởng Viện Thánh Kinh Giáo Hoàng hơn một phần tư thế kỷ. Các công trình nghiên cứu của ngài cũng như tài hướng dẫn đầy linh hứng của ngài từng để lại dấu ấn đối với cả một thế hệ những nhà chú giải được huấn luyện tại Rôma. Và không ai quên được sự đóng góp của ngài vào thông điệp thời danh Divino Afflante Spiritu của Đức Piô XII, vốn được coi là đại hiến chương tân thời của ngành nghiên cứu Thánh Kinh Công Giáo lúc đó. 

Tuy nhiên, từ năm 1960, khi ngài được Đức Gioan XXIII cử nhiệm đứng đầu Văn Phòng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo, ngài mới thực sự bước vào diễn đàn tôn giáo hoàn cầu. Mục tiêu được Đức Gioan XXIII có ý định lồng vào Công Đồng sắp tới, tức việc canh tân đời sống Công Giáo nhằm tiến tới việc hợp nhất Kitô Giáo lớn hơn, có lẽ đã được phản ảnh rõ nhất trong hoạt động không mệt mỏi của Đức HY Bea. Văn phòng của ngài được thiết lập để giúp các người không Công Giáo cập nhật hóa công việc chuẩn bị của Công Đồng, tiếp nhận các gợi ý của họ và tế nhị mời họ làm quan sát viên tại Công Đồng. Văn Phòng cũng có nhiệm vụ đưa ra các đề nghị cho Công Đồng về các chủ đề quan trọng như tự do tôn giáo, tư cách chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô và đối thoại với thế giới không Công Giáo. 

Các nhà báo lúc đó uớc tính rằng: Đức HY Bea đóng góp nhiều bài báo, nhiều cuộc phỏng vấn và nhiều cuộc hội nghị cho báo chí hơn tất cả các vị hồng y của Giáo Triều trong suốt 50 năm trước đó. Lịch trình du hành của ngài theo một nhịp độ đến làm người trẻ cũng phải chóng mặt. Với một quyết tâm không lay chuyển, ngài đã mang niềm hy vọng hợp nhất Kitô Giáo của ngài ngược xuôi khắp Âu Châu, để nói chuyện với thật nhiều Kitô Hữu thuộc các tuyên tín khác. Năm 1961, ngài làm việc tại 5 thánh bộ thường trực của Vatican, tiếp hơn 500 vị lãnh đạo không Công Giáo, luôn luôn bình thản và lôi cuốn với nụ cười muôn thuở. 

Cuộc phỏng vấn sau đây cho ta cái nhìn thông sáng đối với các hy vọng hợp nhất Kitô Giáo của Giáo Hội vào lúc sắp khai mạc Công Đồng thứ 21 trong gần 2000 năm lịch sử. 

Hợp Nhất Kitô Giáo

Câu hỏi: Thưa Đức Hồng Y, từ kinh nghiệm sâu rộng của ngài về các vấn đề đại kết, xin ngài cho biết đâu là những trở ngại còn tồn đọng đối với việc hợp nhất Kitô Giáo?

Trước nhất, có sự chồng chất mênh mông gồm giải thích sai, ác cảm và hiểu lầm giữa các Kitô hữu ly khai. Cũng có những ký ức đắng cay có tính lịch sử từng khích động người ta nghi kỵ và xa lánh nhau. Giữa chúng ta, còn có sự ngu dốt khá phổ quát đối với các chủ trương tôn giáo của nhau. Các lầm lẫn và mù mờ mà các anh em ly khai của chúng ta thuộc các giáo hội Đông Phương vốn gán cho ta xem ra không thể nào tin được. Nhưng mặt khác, người Công Giáo chúng ta cũng không có được sự đánh giá công bình cũng như tinh thần bác ái huynh đệ đối với các anh em ly khai của chúng ta; những thiếu sót này phần đông do thiếu hiểu biết. Và những gì tôi nói về mối liên hệ với Đông Phương cũng đúng cho cả các mối liên hệ của ta với các tuyên tín Tây Phương. 

Nhưng điều khích lệ đáng lưu ý là trong khi có những lời phản đối như “lại chủ nghĩa duy Rôma!” và “lại chủ nghĩa duy giáo hoàng!” nổi lên ở một số giới vào lúc công bố Công Đồng Vatican II, thì Hội Đồng Thế Giới Các Giáo Hội đã bác bỏ các cáo buộc ấy bằng lời tuyên bố sau đây: “Mọi Kitô hữu, bất kể thuộc tuyên tín nào, cũng đều hy vọng và cầu nguyện để biến cố có tính lịch sử này sẽ được dùng để phát huy chính nghĩa hợp nhất, chính nghĩa mà Chúa chúng ta từng cầu nguyện cho”. Thái độ này đã được nhiều nhà lãnh đạo các cộng đồng không Công Giáo khác khắp trên thế giới lặp lại.

Tôi cũng xin thêm rằng một trở ngại nữa cho việc hợp nhất là cuộc sống không gương mẫu của nhiều người Công Giáo. Các anh em ly khai của chúng ta không thấy ta có gì lôi cuốn vì họ thấy ta ngụp lặn trong những theo đuổi trái ngược hẳn với các giá trị của Tin Mừng.

Câu hỏi: Liệu việc thiếu cơ cấu thẩm quyền trong hầu hết các giáo hội Thệ Phản có là trở ngại cho việc hợp nhất chăng?

Có, trong hầu hết các giáo hội Thệ Phản, không hề có thẩm quyền tối cao nào về các vấn đề đức tin. Mỗi Kitô hữu được quyền tuân theo sự linh hứng mà họ nhận được một cách trực tiếp từ Chúa Thánh Thần. Thành thử, nơi người Thệ Phản không có một thẩm quyền nào giống như thẩm quyền của Giáo Hội Công Giáo để có thể chính thức xử lý các vấn nạn của đức tin. Không có một thẩm quyền nào buộc lương tâm của tín hữu Thệ Phản phải chấp nhận các thoả thuận sau cùng giữa các nhà lãnh đạo của họ và Giáo Hội Công Giáo.

Người ta bắt đầu nhận ra qui mô lớn của vấn đề khi thấy rằng riêng tại Hoa Kỳ mà thôi, đã có không dưới 250 hệ phái, một số hệ phái này thuộc Hội Đồng Thế Giới Các Giáo Hội (WCC), nhưng phần lớn không thuộc tổ chức này. Phần Hội Đồng này, họ từng công khai tuyên bố rằng mình không có vai trò nào để bước vào một cuộc đối thoại tín lý với Rôma. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản các nhà thần học của đôi bên có những cuộc thảo luận hữu ích. Về phương diện này, ta cần kiên nhẫn và chuẩn bị cẩn thận để đối thoại với một số nhóm của các anh em ly khai hay những nhóm có sự hợp nhất tương đối trong nội bộ.

Câu hỏi: Vào ngay lúc trước khi Vatican II nhóm họp, các Kitô hữu của mọi tuyên tín đều tự hỏi liệu Công Đồng có thực hiện được một số hoài mong đại kết nào đó chăng. Đức Hồng Y có muốn nói gì về điều này không? 

Trước nhất, tôi muốn minh xác điều này: Công Đồng sắp đến không trực tiếp có ý định là một công đồng hợp nhất giống như các Công Đồng Lyons và Florence thời Trung Cổ. Có lẽ cách tốt nhất để nói tới mục tiêu đại kết của Công Đồng sắp tới là cùng với Đức Thánh Cha, coi nó như “một lời mời thân ái để đi tìm và tìm ra sự hợp nhất mà Chúa Kitô đã khẩn thiết cầu xin cùng Cha của Người”. 

Nói cách khác, trách vụ đại kết chính của Công Đồng là chuẩn bị cho việc hợp nhất sau cùng, nếu Chúa muốn, bằng cách cải thiện các mối liên hệ giữa các Kitô hữu Công Giáo và không Công Giáo. Chúng ta tin rằng nó sẽ dọn đường để ta tiến tới một sự hợp nhất lớn lao hơn nhờ biết giải quyết một số nan đề hiện đang cản trở việc hợp nhất này. Nói cách khác, trước nhất, Giáo Hội phải cố gắng tự tái tạo sinh khí cho cuộc sống bên trong của mình để có thể chứng tỏ cho anh em ly khai thấy hình ảnh rõ nét hơn của một Kitô Giáo như Tin Mừng mong muốn. 

Câu hỏi: Đức Hồng Y có thể xác định rõ một số bước tích cực hướng tới sự xích lại gần nhau về đại kết không? Thí dụ, trong lãnh vực tín lý, người ta có thể mong đợi điều gì từ Công Đồng?

Dĩ nhiên, không hề có việc đi tìm thoả hiệp trong lãnh vực tín điều, như thể có thể dùng tín lý do Thiên Chúa mạc khải làm phương tiện dửng dưng cho hợp nhất. Làm như thế chỉ là một thủ tục mâu thuẫn hơn cả. Làm như thế, trên thực tế, là đi tìm sự hợp nhất của Chúa Kitô trong khi cùng một lúc lại hy sinh sự thật của Chúa Kitô. Làm như thế, ta đã thể hiện một tình bác ái hết sức sai lầm đối với anh em ly khai của ta và do đó, phá hoại sự hợp nhất đích thực. Chúa sai Chúa Thánh Thần tới với Giáo Hội, không phải để thay đổi các chân lý mạc khải, mà là để gìn giữ và giải thích chúng. Các tông đồ và các vị kế nghiệp họ không hề có quyền tối thượng nào trên kho tàng đức tin đã được ủy thác cho họ; họ chỉ là “những người quản lý và phân phối” Lời Chúa mà thôi. 

Câu hỏi: Nhưng sự không khoan nhượng nhất thiết phải có về tín lý này phải chăng có nghĩa là cánh cửa đã đóng lại đối với các bước mà Công Đồng có thể đưa ra để đẩy mạnh việc hợp nhất về tín lý với các anh em ly khai?

Không phải vậy. Công Đồng vẫn có thể giúp ta hiểu rõ hơn toàn bộ chân lý mạc khải, dù không hy sinh bất cứ chân lý mạc khải nào. Đức Piô XI đã chỉ rõ: cả người Công Giáo lẫn người không Công Giáo đều là nạn nhân của thành kiến và hiểu lầm. Các hiểu lầm này một phần phát sinh từ các tranh cãi thần học của Thệ Phản, và phần khác phát sinh từ những khai triển về sau. Tư tưởng tôn giáo và khoa thần học đã được khai triển cách khác nhau giữa Kitô hữu Công Giáo và Kytô hữu không Công Giáo. 

Phong trào Thệ Phản cũng chịu ảnh hưởng mạnh của các hệ thống triết lý hiện đại, vì nó vốn ít bị trói buộc hơn vào truyền thống và vào thẩm quyền kiểm soát. Thành thử, anh em ly khai rất khó, nếu không muốn nói là không thể, hiểu được tín lý Công Giáo khi tín lý này được trình bày bằng ngôn từ truyền thống. 

Đàng khác, người Công Giáo rất khó nắm được ý nghĩa thực sự của tư tưởng Thệ Phản, vì các nguyên nhân liên hệ tới chính lịch sử của ta. Do đó, Công Đồng có thể giải thích tín lý Công Giáo theo chiều hướng chú tâm tới các thay đổi về ngôn từ từng xẩy ra cho anh em ly khai kể từ ngày xa cách tới nay. Về phương diện này, Đức Thánh Cha đã tuyên bố rằng Công Đồng nên lưu ý tới các nguồn tinh ròng của mạc khải và thánh truyền. Nhờ thế, Công Đồng sẽ sáng suốt tập chú vào bản chất của tư tưởng và đời sống Kitô Giáo, mà Giáo Hội vốn là người gìn giữ và là thầy dạy trong nhiều thời đại qua. 

Ngoài ra, vì một diễn tiến lịch sử tương tự trong chính các phát biểu thần học của ta, nhờ đó, tín lý dứt khoát và bất biến đã được phát biểu, nên chỉ những khía cạnh đặc thù của một tín lý nào đó được khai triển mà thôi. Như thế, các đề xuất thần học của ta sẽ không luôn nói lên hết sự sâu sắc và phong phú trọn vẹn của tín lý mạc khải. Do đó, vì các hoài mong của anh em ly khai, vì các vấn đề và khó khăn của họ, Công Đồng sẽ đặc biệt khai triển các khía cạnh nào trong chân lý mạc khải có thể giải đáp các nhu cầu và các khát vọng sâu xa nhất của họ.

Câu hỏi: Thưa Đức Hồng Y, ngài nói đến việc phát biểu tín lý Công Giáo cách rõ ràng hơn. Đâu là những luồng tư tưởng hiện đại có thể góp phần một cách đặc thù vào viễn ảnh đổi mới này?

Tôi nghĩ rằng thời đại ta rất thuận lợi cho công trình này. Vì hiện đang có sự đổi mới diệu kỳ trong quan tâm đối với lịch sử và trong cấu trúc xã hội của đời sống. Các học giả đang hướng nhiều về việc khám phá ra nguồn gốc các ý niệm và diễn trình biến hóa của chúng. Họ đang chú tâm nghiên cứu các môi trường nơi phát sinh ra các ý niệm ấy, các máng chuyển qua đó các ý niệm ấy được truyền tới ta, và các ảnh hưởng chúng mặc lấy trong diễn trình này. Phương pháp lịch sử và xã hội học này đã và đang góp phần lớn lao vào việc triển khai các nghiên cứu thánh kinh trong thời đại ta. Các nghiên cứu học hỏi thánh kinh này đang giúp người Thệ Phản và người Công Giáo có khả năng hiểu biết đầy đủ hơn các tín điều như mầu nhiệm về Giáo Hội chẳng hạn. Phương thức thần học hiện đại này có thể là một phương tiện nhờ đó Công Đồng sẽ làm cho tín lý Công Giáo dễ hiểu hơn đối với người không Công Giáo. 

Câu hỏi: Như Đức Hồng Y vừa nhận xét, điều cần là trước khi Kitô hữu tiến xa trên con đường hợp nhất, ta phải nói rõ ý nghĩa của chính Giáo Hội. Vì , đối với anh em ly khai, các khía cạnh pháp chế và tổ chức của Giáo Hội thường hay che phủ hết các khía cạnh bí tích và thiêng liêng. Đức Hồng Y có dự đoán trước bất cứ hoạt động nào của Công Đồng về điểm này không?

Thưa, có. Học lý về bản chất của Giáo Hội chắc chắn là điểm gây chia rẽ chính giữa các Kitô hữu. Cả Công Đồng Trent lẫn Công Đồng Vatican I đều không có khả năng xử lý vấn đề căn bản này một cách sâu sắc và trọn vẹn như mong muốn. Công Đồng sắp tới, vì thế, có trách vụ giải thích đầy đủ hơn bản chất của Giáo Hội. Ngày nay, trách vụ này đã được nhiều nghiên cứu của các thần học gia làm cho đễ dàng hơn. Ta đặc biệt biết ơn sự giải thích sắc nét của Đức Piô XII về Giáo Hội như Nhiệm Thể Chúa Kitô. 

Một số tác giả Thệ Phản cũng phải thừa nhận rằng Thông Điệp về Nhiệm Thể đã đưa ra được một tầm nhìn của Giáo Hội Công Giáo, mà cho tới lúc đó, ít được ai biết tới. Học lý về Nhiệm Thể, đặt căn bản trên Thánh Kinh, chứ không phải chỉ có tính pháp chế và tổ chức, đã làm sáng tỏ và giải thích nhiều điểm quan trọng bị người Thệ Phản coi là khó chấp nhận. Thí dụ, học lý này đã rọi ánh sáng lên tính bất khả ngộ của Giáo Hội, của vị đứng đầu Giáo Hội, lên cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, lên các liên hệ giữa Đức GH và các vị giám mục, lên vị trí và chức năng quan trọng của hàng giáo dân, và lên tính hữu hiệu của các bí tích. 

Tôi cũng xin thêm: về vấn đề tế nhị liên quan tới tính tối thượng (primacy) của Đức Giáo Hoàng, Đức Gioan XXIII đã đóng góp rất nhiều vào việc hiểu rõ hơn qua việc ngài thi hành tính tối thượng này trong một tinh thần khiêm nhu, bác ái và thiện chí rất gây ấn tượng. Ngài chứng tỏ rằng Giáo Hội Rôma hiểu và thi hành tính tối thượng này không phải vì muốn thống trị mà là vì muốn phục vụ theo tinh thần Tin Mừng, một thứ “diaconia” (phục dịch). 

Câu hỏi: Thưa Đức Hồng Y, năm ngoái, ngài đã công bố một lời tuyên bố quan trọng về mối tương quan của mọi Kitô hữu với Nhiệm Thể Chúa Kitô. Cả điều này nữa xem ra cũng là khởi điểm hết sức quan trọng của cuộc đối thoại đại kết. Ngài có muốn bình luận gì về việc gắn bó này của Kitô hữu đối với Giáo Hội không?

Rất vui lòng. Ngày nay, ta dùng hạn từ “các anh em ly khai” khá thường xuyên. Hạn từ này không phải chỉ là cách nói lịch sự, mà còn phát biểu được một chân lý Kitô Giáo sâu xa. 

Tất cả những ai từng được rửa tội cách thành sự trong Chúa Kitô, dù là ở bên ngoài Giáo Hội Công Giáo, đều thuộc về Chúa Kitô, về Nhiệm Thể của Người một cách hữu cơ. Họ thuộc về Giáo Hội theo nghĩa thực sự, dầu chưa trọn vẹn. Những ai thành thật chấp nhận và sống đức tin mà trong đó họ đã sinh ra và được dưỡng dục, đều chỉ nhờ phép rửa mà tiếp nhận được sự trợ giúp cần thiết để sống cuộc sống Kitô Giáo đúng nghĩa. Và họ đang ở trên đường tiến tới cứu rỗi nhờ việc họ gắn bó với Giáo Hội Chúa Kitô từ trong căn bản. Ta hy vọng rằng Công Đồng sẽ làm rõ điều này. 

Tuy nhiên, về mặt khác, ta cũng phải tuyên bố rõ ràng rằng các anh em ly khai này không phải là thành phần trong cơ cấu hữu hình của Giáo Hội, và do đó, họ thiếu nhiều ơn thánh. Thực vậy, vì thiếu sự hợp nhất đầy đủ về đức tin, nên họ thiếu nhiều bí tích mà chính họ không thừa nhận cũng như thiếu sự hướng dẫn hữu hiệu của phẩm trật do Chúa Kitô thiết lập. Do đó, họ thiếu nhiều ơn thánh mà Chúa Giêsu vốn ban phát qua tay Giáo Hội cho những ai thuộc về Giáo Hội theo nghĩa đầy đủ. Bởi vậy ta phải không ngừng ước muốn, cố gắng làm việc và cầu nguyện sao cho mọi người rửa tội đều được tham dự vào sự viên mãn của sự thật và ơn thánh phát xuất từ Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. 


Câu hỏi: Thưa Đức Hồng Y, ngài có tiên đoán bất cứ bước tiến cụ thể nào mà Công Đồng sẽ đưa ra để đẩy mạnh phong trào đại kết hay không?

Tôi thiển nghĩ: Công Đồng sẽ đặc biệt nhấn mạnh tới nhiệm vụ nghiêm trọng của người Công Giáo phải biết tích cực quan tâm tới phúc lợi của các anh em ly khai. 

Có ba phương tiện mà mọi người có thể sử dụng để cổ vũ hợp nhất. Thứ nhất, phải không ngừng cầu nguyện cho anh em Kitô hữu khắp trên thế giới. Đức Thánh Cha vốn mạnh mẽ nhấn mạnh tới phương tiện này, cũng như Hội Đồng Thế Giới Các Giáo Hội nhóm họp tại Tân Đề Li. Thứ hai, lời cầu nguyện này phải kèm theo sự hy sinh, việc hàng ngày dâng các đau khổ và khó nhọc lên Chúa để cầu cho sự hợp nhất. Cuối cùng, ta phải triển khai một thái độ bác ái Kitô Giáo chân thực đối với các anh em ly khai. Thái độ bất khoan nhượng về tín điều, một thái độ tuyệt đối cần thiết để duy trì các tín lý đức tin, cũng như ký ức do các tranh chấp và mếch lòng nhau gây ra quá thường khi đã đóng cửa và làm cứng tâm hồn ta đến nỗi nếu chưa dẫn tới thù hận thì ít nhất cũng dẫn tới dửng dưng và nghi kị. 

Đức GH Gioan đã cho ta một gương mẫu chói ngời về tình bác ái vừa nói. Khi rời Bulgaria, một nước mà 85% dân số theo Chính Thống Giáo, sau 10 năm làm Sứ Thần Tòa Thánh ở đó, trong bài diễn văn từ giã, ngài có nhắc tới một tục lệ rất xưa của người Ái Nhĩ Lan. Đó là tục lệ đặt một cây nến cháy ở cửa sổ vào ngày Lễ Giáng Sinh để Thánh Giuse và Đức Mẹ thấy trong nhà đó có một gia đình sẵn sàng nghênh đón các ngài. Đức Thánh Cha nói: “bất cứ tôi ở đâu, dù là cuối chân trời góc biển, nếu có người Bulgaria vô gia cư nào bước qua nhà tôi, họ sẽ thấy cây nến cháy ở trước cửa. Họ hãy gõ và cửa ấy sẽ mở ra chào đón họ, bất kể họ là người Công Giáo hay Chính Thống Giáo. ‘Người anh em từ Bulgaria đây’, họ chỉ cần nói như thế. Họ cứ tự nhiên bước vào và tiếp nhận tình hiếu khách ấm áp và thân ái nhất trong nhà tôi”. 

Từ cái tình bác ái nồng ấm ấy sẽ nẩy sinh sự hiểu biết cần thiết, cũng như cảm tình tôn giáo sâu xa và hỗ tương nhất. Nó sẽ giúp ta vượt thắng được ganh ghét và thành kiến sai lầm. Từ đó lòng khát khao hợp nhất sẽ tuôn trào cũng như ý muốn làm mọi sự trong khả năng của mình cho các anh em ly khai. Chỉ bằng cách đó, ta mới đem lại gần hơn thời khắc mong muốn trong đó “chỉ còn một ràn chiên và một người chăn chiên”.

Câu hỏi:Công Đồng sẽ làm gì để khuyến khích việc hợp tác thực sự với các Kitô hữu không Công Giáo?

Trước nhất, trong lãnh vực thần học, Công Đồng sẽ khuyến khích các cuộc thảo luận đại kết giữa những người được chuẩn bị thích đáng cho trách vụ này. 

Cũng có lãnh vực hợp tác về dân chính và sinh hoạt xã hội. Cả trong hai phương diện này, Công Đồng cũng sẽ có chủ trương của mình. Hãy tưởng tượng điều kỳ diệu nào sẽ xẩy ra nếu các Kitô hữu thuộc mọi tuyên tín cùng làm việc hoà nhịp với nhau cho hòa bình thế giới; cho việc thực thi các nhân quyền của các nhóm thiểu số và các nhóm sắc tộc; cho việc giải giới; cho tiến bộ xã hội nơi các quốc gia đang mở mang. Quả thực, sự hợp tác như thế sẽ làm được rất nhiều cho việc hợp nhất sau cùng. Ta sẽ không bao giờ nên một trong đức tin, nếu ta không thực sự nên một trong đức ái. 
Bối cảnh Hoa Kỳ 

Câu hỏi:Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1960 tại Hiệp Chúng Quốc, một câu hỏi then chốt được đặt lên hàng đầu là: Giáo Hội Công Giáo và tự do hay khoan dung tôn giáo. Đức Hồng Y có nghĩ rằng Giáo Hội sẽ đóng góp nhiều cho đại kết nếu đưa ra một chủ trương chính thức và tích cực về khoan dung nói chung, nhất là trong một xã hội đa nguyên hay không?

Nhờ thông cáo báo chí gần đây liên quan tới buổi họp cuối cùng của Ủy Ban Trung Ương, nhóm họp hồi tháng 6 vừa qua, chắc chắn cha biết rằng một tham luận có tính chủ trương liên quan đến mối tương quan giữa Giáo Hội và Nhà Nước đã được xem sét. Trong tham luận này, văn phòng của chúng tôi có đóng góp một số đề nghị về tự do tôn giáo. 

Xin cha lưu ý: tôi không nói tới “khoan dung”, vốn là điều tiêu cực, mà nói tới tự do tôn giáo, một điều tích cực nhằm thừa nhận quyền của con người được theo tiếng lương tâm của riêng họ trong các vấn đề tôn giáo. Nó cũng hệ ở việc nhìn nhận rằng xã hội dân chính (tức nhà nước) có nghĩa vụ phải tôn trọng và che chở quyền bất khả xâm phạm của các công dân mình trong lãnh vực tự do tôn giáo. 

Trong các đề nghị của mình, chúng tôi bàn tới vấn đề từng được Đức GH đáng kính Piô XII nói tới trong diễn văn nổi tiếng với Các Luật Gia Công Giáo năm 1953. Như cha đã thấy, tham luận có tính chủ trương của chúng ta đưa ra thảo luận một chủ đề hết sức quan trọng đối với xã hội đa nguyên ngày nay. Và tôi xin thêm rằng ý niệm tự do tôn giáo của ta có một giá trị và tầm áp dụng phổ quát; nó không dành cho nước này hay nước nọ mà thôi. Dĩ nhiên, khi áp dụng các nguyên tắc này vào các hoàn cảnh đặc thù, ta cần phải rất khôn ngoan thận trọng. 

Câu hỏi: Đôi khi người ta nghe nói: người Công Giáo Hoa Kỳ có thứ não trạng “pháo đài tôn giáo” (religious enclave). Theo đó, tệ nhất, phải tránh xa người Thệ Phản; và tốt nhất phải tìm cách làm cho họ trở lại. Thưa Đức Hồng Y, tuy không quên giá trị của việc trở lại, nhưng ngài có nghĩ là ta nên mở rộng cái não trạng này hướng nó tới đối thoại và hợp tác không?

Trước nhất, ta nên có thiên hướng biểu lộ lòng kính trọng lớn lao hơn đối với các anh em ly khai của chúng ta, thành thực tìm cách hiểu chủ trương của họ, và cho họ thấy rằng ta quả có mắc nợ đức ái mà Tân Ước vốn dạy với các anh em đã được rửa tội của ta trong Chúa Kitô. Đức Thánh Cha từng làm gương cho chúng ta về thái độ này một cách tuyệt vời đến độ làm cho thế giới cảm động. Hiển nhiên, thái độ này phải được áp dụng cụ thể tùy theo từng tình huống khác nhau. Lẽ dĩ nhiên, ta phải nắm vững đức tin của ta, loại bỏ mọi vết tích của ngụy hòa (false irenics) hay duy dửng dưng. Nhưng nếu vun xới được thái độ cởi mở này, chắc chắn ta sẽ tìm được nhiều dịp để tiếp xúc và hợp tác, nhất là trong các lãnh vực không trực tiếp liên lụy đến đức tin. 


Câu hỏi:có lẽ đã có khuynh hướng nghi ngờ thiện chí của người Thệ Phản. Thưa Đức Hồng Y, ngài có cảm thấy điều ấy là thật chăng, và nếu là thật, thì theo ngài, ta nên làm gì? 

Khuynh hướng này chắc chắn đã có, và ngày nay, tôi tin nó vẫn còn thịnh hành. Vì các kinh nghiệm của quá khứ và nhiều lý do khác, ta thường để cho mình bị dẫn dắt bởi lối suy nghĩ quá duy tự nhiên, sặc mùi thế gian chứ không phải Tin Mừng. Nếu nhìn sự vật từ một tầm nhìn hoàn toàn nhân bản, ta đừng quên rằng trong các thế kỷ trước, đại đa số các anh em ly khai của chúng ta bị bó buộc phải bước vào tuyên tín này hay tuyên tín nọ là do sự quyết định của các lãnh tụ chính trị áp đặt lên họ. Họ bắt buộc phải tuân theo hay phải biệt xứ. Mặt khác, đại đa số các Kitô hữu ly khai hiện nay thấy mình bị cột chặt vào một gia tài tôn giáo từng được lưu truyền cho họ từ nhiều thế hệ qua. Người Công Giáo chúng ta không thể tự hào vì được sinh ra trong một gia đình Công Giáo thế nào, thì họ cũng đâu có lỗi gì khi là con cái của những cha mẹ ly khai khỏi Giáo Hội ta. Khi chấp nhận gia tài ấy làm gia tài của mình, những người không Công Giáo này thành thực tin rằng họ đi đúng đường. 

Nói như thế rồi, liệu ta có quyền phán đoán thiện chí của anh chị em ta không? Phán đoán kiểu này là không tuân theo đường hướng giáo huấn của Chúa Kitô; Thánh Phaolô vốn dạy ta rằng: hãy coi người khác cao hơn mình! Một thái độ như thế thật cần thiết và có giá trị khôn lường đối với cuộc tiếp xúc và đối thoại đại kết.

Câu hỏi: Hình như việc giáo dục về hợp nhất Kitô Giáo nên bắt đầu ở bậc tiểu học và trung học (và có khi sớm hơn, ngay trong gia đình). Các bậc cha mẹ và thầy cô phải truyền cho người trẻ thái độ nào để cổ vũ họ tìm hiểu hơn về đại kết? 

Nhận xét của cha thật có giá trị. Giống mọi việc giáo dục khác, việc giáo dục đại kết phải bắt đầu ngay tại nhà và tiếp tục ở nhà trường. Tôi xin nói rằng đối với việc giáo dục này, điều còn quan trọng hơn là phải bắt đầu trong gia đình vì ở đây ta đang phải xử lý vấn đề làm thế nào để vượt qua thành kiến và thù hận lâu đời. Tôi khẩn khoản yêu cầu các bậc phụ huynh đặc biệt đảm nhận trách nhiệm của họ trong vấn đề này. 

Cha nên nhớ rằng chính Đức Thánh Cha đã ban ý chỉ tổng quát cho Hội Tông Đồ Cầu Nguyện trong tháng Năm này: là cầu xin để sự kính trọng và hiểu biết lẫn nhau dọn đường cho việc hợp nhất Kitô Giáo. Vâng, điều này đã tóm lược được mọi chuyện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần được thực hiện. 

Câu hỏi: Trên bình diện đại học và chủng viện Công Giáo, đâu là cơ hội để đối thoại tích cực hơn với các giáo sư và sinh viên Thệ Phản và Chính Thống Giáo?

Trên bình diện đại học, tôi xin nói rằng: hiện có khá nhiều cơ hội cũng như môn học. Năm ngoái, nhân dịp khai mạc năm học tại Đại Học Công Giáo Fribourg, tôi đã đề cập tới việc này. Các khả thể khá hiển nhiên trong lãnh vực thần học và nghiên cứu Thánh Kinh. Triết học cũng có thể đóng góp được nhiều. Chỉ cần nhắc lại ảnh hưởng mà nhiều hệ thống triết học khác nhau vốn đã và đang tiếp tục tác động lên tâm thức, ngôn ngữ và tư tưởng tôn giáo nơi người Thệ Phản và người Công Giáo. Ảnh hưởng triết học này là một trong những lý do tại sao việc hiểu biết lẫn nhau lại không ngừng trở nên khó khăn hơn. Do đó, ta hy vọng rằng triết học không còn là trở ngại nữa mà sẽ giúp cho sự hiểu biết lẫn nhau. 

Cũng đang có sự hợp tác hữu hiệu trong hai lãnh vực khác: lãnh vực luật luân lý tự nhiên và các điều vốn tạo thành gia tài Kitô Giáo chung cho nhiều tuyên tín liên quan tới các vấn đề gia đình, sinh hoạt xã hội, sinh hoạt quốc gia và quốc tế. Ta nên cùng nhau tìm kiếm và phục vụ chân lý. Kết quả cuối cùng của việc hợp tác này nhất định sẽ tạo ra và củng cố một tinh thần huynh đệ và một não trạng hợp nhất nhiều hơn nơi những người tham dự. Hiển nhiên, ích lợi cuối cùng vừa kể có tầm rất quan trọng đối với việc tiệm tiến xích gần lại nhau, mà vẫn tuyệt đối trung thành với Chúa Kitô và chân lý của Người, ngay trong lãnh vực tín lý. 

Tôi muốn nói thêm ít điều về các chủng sinh. Các linh mục tương lai đặc biệt phải được trang bị nhiều khí cụ cần thiết cho công trình đại kết: hiểu biết các tuyên tín chính mà họ sẽ giao tiếp sau này: hiểu học thuyết, đời sống và các sinh hoạt của họ. Trên hết, các chủng sinh cần phát triển một tầm nhìn bao quát liên quan tới các cơ hội hành động và hợp tác, như ta vừa đề cập khi nói tới các đại học. 

Tôi cũng muốn nói đôi điều về các cuộc thảo luận thần học giữa các nhà thần học Công Giáo và các nhà thần học của các tuyên tín khác. Tôi đặc biệt muốn nói tới các cuộc đối thoại về các vấn đề chuyên biệt thần học. Như cha biết, những cuộc thảo luận đó đã xẩy ra bấy lâu nay rồi ở nhiều quốc gia khác nhau, thí dụ ở Bỉ, ở Đức và Thụy Sĩ. Kết quả rất đáng khích lệ. Đây không phải là những cuộc tranh luận hay tranh cãi thần học, giống như hồi thế kỷ 16 và sau đó. Trái lại, đây là những cuộc đàm đạo thân ái giữa các nhà chuyên môn trong một số phạm vi nghiên cứu. Mục tiêu của chúng không phải là để đúc kết các thoả hiệp về các vấn đề tranh cãi, giống như các cuộc thảo luận chính trị. Điều đó là bất trung với Chúa Kitô và học thuyết của Người. Đúng hơn, đây là việc hiểu quan điểm của nhau, và trình bày chủ trương của riêng mình, ngõ hầu thấy rõ hơn các lãnh vực đã được nhất trí và còn dị biệt; nhờ thế, ta sẽ điều hướng và thâm hậu hóa các nghiên cứu của mình về các điểm khác nhau. Những cuộc thảo luận như thế rất được các anh em ly khai của chúng ta coi trọng và mong ước. Thí dụ gần đây thôi, Ủy Ban Trung Ương của WCC đã bày tỏ ý muốn được tiếp diễn các cuộc thảo luận này. 

Trên hết, sự quan trọng của những cuộc đàm đạo này rõ ràng hệ ở việc chúng được tổ chức bởi các giáo sư đại học, những người, một đàng, có thế giá lớn lao, đàng khác, có thể truyền lại cho tín hữu của mình các ích lợi của những cuộc thảo luận này. Chỉ bằng cách này, ta mới dần dần thay đổi được gốc rễ của chia rẽ. 


Câu hỏi: Thưa Đức Hồng Y, ngài có nghĩ rằng sẽ có ích cho các nhà luân lý học Thệ Phản và Công Giáo nếu họ tổ chức các cuộc thương thảo chung và tìm các mục tiêu được hai bên phối hợp trong các vấn đề như viện trợ cho các dân tộc vừa được độc lập, công lý sắc tộc, phát triển hạch nhân, và v.v…?

Có, phải làm mọi cách. Giáo Hội vốn khuyến khích sự hợp tác giữa người Công Giáo và người không Công Giáo trong phạm vi luật luân lý và gia tài Kitô Giáo chung của chúng ta, điều tôi vừa trình bày trên đây. Do đó, các nhà chuyên môn cần phải tham khảo nhau về các vấn đề hiện đang làm nhân loại ưu tư lo lắng. Thí dụ: các nước đang phát triển, kỳ thị chủng tộc, giải giới và bảo vệ hòa bình.

Câu hỏi: một số giáo phận Hoa Kỳ đã thiết lập ra các ủy ban để cổ vũ việc xích lại gần nhau giữa các Kitô hữu. Đức Hồng Y có muốn bình luận gì về loại hoạt động này không?

Các sáng kiến này đáng hoan nghênh. Chúng đã đem lại khá nhiều thành quả tại các nước như Pháp, Hòa Lan và Anh. Nhưng hoạt động của các ủy ban này tùy thuộc tình thế đặc thù cụ thể, và sẽ không khôn ngoan chút nào khi quá cố gắng đi tìm sự độc dạng lớn lao cho nó, và các nước cũng không nên chỉ bắt chước lẫn nhau. Xét chung, theo tôi: các ủy ban này nên trở thành cơ quan nhằm cập nhật hóa hàng giáo phẩm và giúp các ngài đóng góp vào các khai triển đại kết. Trong công trình đại kết, ta đang bước trên một thửa đất tương đối mới nên rất dễ mắc sai lầm; do đó, điều cần là phải duy trì sự tiếp xúc gần gũi với hàng giáo phẩm, những người mà Chúa Thánh Thần đã ủy thác việc cai trị Giáo Hội của Thiên Chúa. Điều này không có nghĩa: chúng ta muốn trung ương tập quyền và tiêu chuẩn hóa. Nếu các ủy ban cấp giáo phận này được tự do đủ trong các vấn đề đại kết, ta sẽ có được sự chia sẻ lành mạnh các kinh nghiệm chung và các hoạt động hỗ tương giữa người Công Giáo và các anh em ly khai. Như thế, các ủy ban này sẽ kích thích hoạt động ở những nơi cần thiết và lo liệu sao để hoạt động đó được khôn ngoan. 

Câu hỏi: trên bình diện giáo xứ, cơ sở nào có thể hoạt động cho đại kết? 

Trên bình diện giáo xứ, loại hợp tác chính với các anh em ly khai có lẽ là hoạt động bác ái. Cũng có thể đâu đó có cơ hội cùng nhau bảo vệ luân lý công cộng và nhiều hoạt động tương tự. Một lần nữa, tôi xin nhấn mạnh rằng các sáng kiến loại này cần được thích ứng với nhu cầu của tình thế cụ thể và được thi hành phù hợp với ý muốn của hàng giáo phẩm. Dù vậy, tôi cũng xin nói thêm điều này: các cha xứ sẽ đóng góp rất nhiều cho việc hiểu biết hơn về đại kết bằng các bài giảng cũng như các giảng dạy khác của các ngài. 

Câu hỏi: Thưa Đức Hồng Y, vì phần lớn phong trào Thệ Phản Hoa Kỳ có khuynh hướng Thánh Kinh, há việc giảng dạy tôn giáo, các bài giảng và việc đọc sách của chúng ta không nên hướng về Sách Thánh hay sao?

Tôi không ở vị thế có thể phán đoán được hiện tình Công Giáo Hoa Kỳ liên quan tới việc sử dụng Thánh Kinh. Nhưng tôi biết phong trào thánh kinh của quí quốc đang phát triển rất tốt. Cùng lắm, tôi chỉ có thể nói thế này: bất kể thái độ và tình thế của Phong Trào Thệ Phản Hoa Kỳ có như thế nào, mọi hình thức Công Giáo chân chính đều dựa vào và nên dựa vào Lời Chúa trong Thánh Kinh. Thánh Kinh phải là nguồn cho đời sống thiêng liêng của mỗi người Công Giáo và nhất là của mỗi linh mục. Như thế, Thánh Kinh sẽ trở nên nguồn suối chính của bài giảng, của việc giảng dạy và của hoạt động mục vụ. Trong vòng 50 năm qua, Giáo Hội đã đặc biệt nhấn mạnh tới xu hướng Thánh Kinh cho người Công Giáo. Thí dụ, chỉ thị đầy quan phòng của Đức Piô X về việc giảng dạy Sách Thánh trong các chủng viện và việc thiết lập ra Viện Thánh Kinh Giáo Hoàng với nhiệm vụ tìm tòi các chuẩn mực thực tiễn cho việc giảng dạy Thánh Kinh trong các chủng viện ấy. 

Câu hỏi: Đức Hồng Y có nghĩ rằng, tuy không khuyến khích chủ nghĩa ba phải thế nào cũng được, nhưng Giáo Hội sẽ nới lỏng luật lệ hiện hành liên quan tới việc cầu nguyện chung với các Kitô hữu không phải là Công Giáo không?

Hiện nay, các thực hành như thế khá thay đổi từ nước này qua nước nọ, tùy theo hoàn cảnh khác nhau. Dù sao, tôi nghĩ vấn đề này sẽ được Công Đồng, hay sau đó, nghiên cứu. 

Câu hỏi: Đức Hồng Y có nhắn nhủ gì đặc biệt cho người Công Giáo Hoa Kỳ liên quan tới phong trào hợp nhất Kitô Giáo không?

Trước hết, tôi muốn thành thực ca ngợi sự phát triển kỳ diệu của Đạo Công Giáo tại Hoa Kỳ trong mấy thập niên qua, và lợi ích lớn lao mà sự phát triển ấy đã và đang đem lại cho thế giới. Và tôi cũng muốn ca ngợi người Công Giáo Hoa Kỳ một cách đặc biệt vì công trình trợ giúp bác ái của họ, mà gần đây nhất đã hướng về Châu Mỹ La Tinh. 

Cùng với lời ca ngợi ấy, tôi xin thêm niềm hy vọng này: người Công Giáo Hoa Kỳ chắc chắn sẽ tiếp tục lớn mạnh trong ý thức trách nhiệm của họ đối với thế giới. 

Vì vị trí đặc biệt của họ, người Hoa Kỳ nên cố gắng hơn nữa để hiểu sự chuyển dịch các ý niệm đang lên khuôn tương lai và các vấn đề hiêng liêng của nhân loại. Nhờ thế, họ sẽ có khả năng chọn được và cổ vũ các phương tiện có thể cung cấp câu trả lời cho các vấn nạn đang hành khổ con người. Trong số các vấn nạn này, chắc chắn ta có thể liệt kê việc chia rẽ của Kitô Giáo. 

Ta thấy: phong trào hợp nhất các Kitô hữu quả là quan trọng xiết bao! Vì Chúa Kitô luôn muốn dùng sự hợp nhất này làm dấu chỉ để thế giới nhận ra rằng Người đã được Chúa Cha sai tới và nơi Người, nhân loại sẽ tìm được ơn cứu rỗi. Bởi vậy, tôi hy vọng rằng người Công Giáo Hoa Kỳ sẽ đặt mình vào tuyến đầu của phong trào hợp nhất Kitô Giáo, vì vinh quang Thiên Chúa và vì lợi ích lớn lao hơn của mọi người.

Vũ văn An (Vietcatholic.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét