Trang

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

GIÁO HỘI VÀ SỰ HIỆN DIỆN TRÊN MẠNG


Giáo Hội và sự hiện diện trên mạng
Vũ Văn An11/13/2012

Theo một nghiên cứu mới được công bố của Trung Tâm Nghiên Cứu Áp Dụng Việc Tông Đồ (CARA) thuộc Đại Học Georgetown, có tới 62 phần trăm người Công Giáo trưởng thành tại Mỹ, tức ước chừng 36.2 triệu người, có dữ liệu bản thân (profile) trên Facebook; 58 phần trăm người Công Giáo tuổi 30 và trẻ hơn chia sẻ nội dung như hình ảnh, bài vở và nhận định ít nhất mỗi tuần một lần trên mạng lưới xã hội; và gần một phần ba những người được thăm dò cho hay: họ muốn thấy các mục tử và các giám mục của họ viết “blog”. 

Nghiên cứu trên, với tựa đề “Việc Sử Dụng Phương Tiện Truyền Thông Mới Của Công Giáo tại Hiệp Chúng Quốc, 2012”, đã thăm dò 1,047 người tự nhận là Công Giáo trong các ngày 10-18 tháng 9 vừa qua. Cuộc nghiên cứu này được công bố ngày 11 tháng 11 tại “Cuộc Gặp Gỡ Với Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội: Các Giám Mục và Các Bloggers Đối Thoại”, một biến cố được tài trợ bởi Văn Phòng Truyền Thông của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (HĐGMHK) song song với Đại Hội Toàn Thể hàng năm vào Mùa Thu của Hội Đồng này tại Baltimore. 
Đức Cha John Wester


Đức Cha John Wester, Giám Mục Salt Lake City, chủ tịch Ủy Ban Truyền Thông của HĐGMHK, nói rằng “Phúc trình của CARA đề nghị nhiều cơ hội để Giáo Hội nối kết với những người đang sống trong ‘Lục Địa Kỹ Thuật Số’ như Đức GH Bênêđíctô XVI vốn mô tả nền văn hóa truyền thông mới này. Ta có thể tiếp cận với nó trong tư cách những nhà truyền giáo, luôn khát mong được gặp gỡ Thiên Chúa vốn đang hiện diện giữa các cư dân của thế giới này và mời gọi họ, nhất là giới trẻ, bước vào một cuộc đối thoại có ý nghĩa về luân lý và các giá trị ngay trong quảng trường công cộng mới mẻ này”. 

Đức Tổng Giám Mục Claudio Celli, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, trong một thông điệp gửi cho các giám mục và các “bloggers” đang họp tại Baltimore, đã viết rằng “Trong ngữ cảnh này, vai trò của giáo dân trở nên quan yếu hơn bao giờ hết. ‘Tiếng nói’ của nhiều người Công Giáo đang có mặt trên các “blogs”, các mạng lưới xã hội và nhiều diễn đàn kỹ thuật số khác đang vươn tới những người đáng lẽ ra đã không gặp được thông điệp của Chúa Giêsu”.
TGM.Claudio Celli


Theo cuộc nghiên cứu của CARA, 37 phần trăm những người Công Giáo sinh trước năm 1943 có dữ liệu bản thân trên Facebook, và tỷ lệ này lên tới 82 phần trăm nơi những người Công Giáo sinh sau năm 1982. 24 phần trăm những người Công Giáo 30 tuổi và trẻ hơn sử dụng Twitter, 15 phần trăm có mặt trên LinkedIn, và 13 phần trăm sử dụng Instagram.

Người ta có thể đại khái chia các người trả lời thành 3 thành phần đều nhau: những người nhận mình là Công Giáo trong các dữ liệu bản thân trên mạng, những người không nhận mình như thế và những người không có bất cứ dữ liệu nào trên mạng. Gần một nửa (47 phần trăm) những người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội cho hay: đã vào một trang mạng ít nhất mỗi ngày một lần, và hơi ít hơn chút ít (45 phần trăm) đã chia sẻ nội dung ít nhất mỗi tuần một lần hoặc nhiều hơn. 

Mười chín phần trăm người Công Giáo 30 tuổi và trẻ hơn cho hay đã chia sẻ nội dung trên các phương tiện truyền thông xã hội ít nhất mỗi ngày một lần. Phụ nữ nhiều hơn nam giới trong việc đăng tải hàng ngày (17 phần trăm nữ so với 9 phần trăm nam), và những mạng lưới xã hội phổ thông nhất đối với các người đăng tải hàng ngày là Tumblr (50 phần trăm), Instagram (44 phần trăm), và Twitter (34 phần trăm).

Hai phần ba người Công Giáo trưởng thành (68 phần trăm) cho biết: họ từng viếng Youtube. Con số này tăng lên 84 phần trăm nơi những người Công Giáo 30 tuổi và trẻ hơn. Theo bản tường trình, sự kiện 43 phần trăm người Công Giáo sinh trước năm 1943 vẫn tiếp tục viếng Youtube cho thấy sự nổi tiếng của diễn đàn này, một diễn đàn chỉ thua Google về lượng giao lưu trên mạng. Những người nhận trả lời bản thăm dò bằng tiếng Tây Ban Nha cũng đã viếng Youtube nhiều như các người nhận trả lời bằng tiếng Anh. Chỉ có 6 phần trăm những người trả lời cho hay: họ viếng Youtube để coi các nội dung tôn giáo. Tỷ lệ này tăng tới 17 phần trăm nơi những người tham dự Thánh Lễ hàng tuần. 

Tám phần trăm người Công Giáo trưởng thành từng sử dụng các dụng cụ kỹ thuật số thường xuyên cho hay họ sử dụng ít nhất một ứng dụng (application) có liên hệ tới Công Giáo trên các dụng cụ này. Năm phần trăm (tức 2.9 triệu người) đọc và theo dõi các “blogs” nói về Giáo Hội Công Giáo, đức tin hay linh đạo. Trong số những người tham dự Thánh Lễ hàng tuần, 13 phần trăm đọc hay theo dõi các “blogs” nói về Giáo Hội. Trong số những người đọc các “blogs” loại này, 72 phần trăm nói: họ làm vậy để học hỏi thêm về giáo huấn của Giáo Hội và đức tin của họ, và 71 phần trăm cho biết: họ làm vậy để cập nhật hóa tin tức về Giáo Hội. 

Ba ưu tư hàng đầu được các người trả lời nêu ra đối với sự hiện diện của Giáo Hội trên mạng là: thiếu hệ thống để Giáo Hội kiểm chứng xem trang mạng nào hay nội dung nào là đích thực Công Giáo (45 phần trăm), thiếu cung điệu dân sự trong các cuộc đàm luận trên mạng (43 phần trăm), và việc nhiều nhà lãnh đạo Công Giáo ngần ngại không muốn sử dụng liên mạng (42 phần trăm). Vào khoảng một phần ba cho biết họ muốn các mục tử của họ (33 phần trăm) và các giám mục của họ (31 phần trăm) viết “blog”. Một phần ba người Công Giáo trưởng thành tương đương với 19 triệu người. 


Số dân Công Giáo trưởng thành gần như đồng đều giữa những người biết có sự hiện diện của Giáo Hội trên mạng và những người không biết việc này. Vào khoảng một phần tư (24 phần trăm) cho biết Giáo Hội “hơi” hiển hiện (visible) hay “rất” hiển hiện, trong khi một phần tư khác cho rằng Giáo Hội chỉ hiển hiện “chút chút” hay hiển hiện “không nhiều” (23 phần trăm). Hơn một nửa (53 phần trăm) không hề biết có sự hiện diện đáng kể. 

Trang mạng Công Giáo được viếng thường xuyên nhất bởi các người tự nhận là Công Giáo trưởng thành là các trang mạng của giáo xứ. Hiện nay, vào khoảng một trên 10 (9 phần trăm) nói là đã xem trang mạng loại này ít nhất mỗi tháng một lần hoặc thường xuyên hơn. Con số này tương đương với 5.3 triệu người.

Tám mươi tư phần trăm người trả lời bằng tiếng Anh; 16 phần trăm trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha. Mỗi phần trăm của toàn bộ mẫu thăm dò là vào khoảng 583,000 người Công Giáo trưởng thành. Văn Phòng Truyền Thông của HĐGMHK ủy nhiệm cuộc nghiên cứu này với sự hỗ trợ của Chiến Dịch Truyền Thông Công Giáo. 

Zenit 12 tháng 11, 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét