Trang

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

VATICAN II : CÁI NHÌN TỪ BÊN NGOÀI


Vatican II: cái nhìn từ bên ngoài, nhận định của một người Thệ Phản
Marc Boegner

Marc Boegner (1881-1970) là một mục sư nổi tiếng của Giáo Hội Cái Cách Pháp. Sau loạt bài giảng Mùa Chay năm 1928 về việc hợp nhất Kitô Giáo, ông được bầu làm chủ tịch đầu tiên của Liên Hiệp Thệ Phản Pháp (Fédération protestante de France), một chức vụ ông nắm giữ tới tận năm 1961, ngay trước ngày Công Đồng Vatican II nhóm họp. Năm 1938, ông được bầu làm chủ tịch đầu tiên của hội đồng toàn quốc Giáo Hội Cải Cách Pháp (l'Église réformée de France), một chức vụ ông nắm giữ tới năm 1950. Hai lần ông là giáo sư tại Viện Luật Quốc Tế tại The Hague. Giữa các năm 1938 và 1948, ông là chủ tịch ủy ban quản trị của Hội Đồng Thế Giới Các Giáo Hội (WCC) lâm thời vì đang được thành lập. Sau khi hội đồng này chính thức ra mắt, ông là một trong các đồng chủ tịch của nó tới năm 1954. 


Về văn hóa, ông là viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa Học Luân Lý Và Chính Trị (1946) và là viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp (1962) cùng thời với Henri Daniel-Rops, Jean Guitton và Đức HY Tisserant của Công Giáo. Cho đến tận nay, ông là mục sự duy nhất được bầu vào chức vụ này. Ông là tác giả của ít nhất 22 tác phẩm, trong đó có những cuốn nói về đại kết: Sự Hợp Nhất Của Giáo Hội (1914), Vấn Đề Hợp Nhất Kitô Giáo (1947), Lời Cầu Nguyện Của Giáo Hội Phổ Quát (1951), Đòi Hỏi Đại Kết Nơi Các Giáo Hội (1968). Cuốn cuối cùng viết cùng năm của ông là cuốn Con Đường Dài Tiến Tới Hợp Nhất (được dịch sang tiếng Anh năm 1970). Ông là quan sát viên tại Công Đồng Vatican II (1962-1965). Nhân dịp này, ông cùng Đức Hồng Y Aug. Bea S.J. tổ chức một cuộc đối thoại công khai tại Genève. Ông cũng đã được yết kiến riêng Đức GH Phaolô VI. 

Chúng tôi sẽ dựa vào bản tiếng Anh cuốn Con Đường Dài Tiến Tới Hợp Nhất, do nhà Collins xuất bản năm 1970, để thuật lại các nhận định của mục sư Boegner về Vatican II.

Những ngày trước Vatican II

Khỏi nói, ta cũng thấy mục sư Boegner có thiện cảm với Công Đồng thứ 21 của Giáo Hội Công Giáo. Diễn trình khai sinh ra mối thiện cảm này đã bắt đầu từ rất lâu, với việc ông giao tiếp thân thiện với một vài giới chức Công Giáo như Linh Mục Laberthonnière (qua đời năm 1932), thuộc Dòng Giảng Thuyết (Oratorians, do thánh Philíp Neri sáng lập), một người theo chủ thuyết Duy Tân (modernism) bị Giáo Hội Công Giáo kết án năm 1913, và từng là chủ nhiệm tập san Annales de philosophie chrétienne, và là bạn thân của Maurice Blondel. Thực ra, cả Linh Mục Laberthonnière lẫn Blondel đều không thuộc nhóm Duy Tân như Alfred Loisy hay Marcel Hébert, nhưng vì hay trích dẫn các tác giả này, ông bị vạ lây. Điều Boegner nhận được từ Laberthonnière không liên hệ gì tới sự tranh cãi lý thuyết này, nhưng là cái đạo Công Giáo mà rất nhiều yếu tố tín lý đã bắt rễ sâu trong Thánh Kinh và có lối sống hiệp thông với Chúa Kitô nồng nàn đến độ ông rất hy vọng tìm thấy một Giáo Hội sản sinh được những đứa con tỏa “mùi thơm” của Chúa Kitô như lời Thánh Phaolô nói trong 2Cor 2:16; một thứ Đạo Công Giáo đang thành hình, tự giải thoát mình khỏi chủ nghĩa vị kỷ, không rơi trở lại truyền thống quá trung ương tập quyền của thời hậu Tridentinô. Nhờ mối thâm giao này, ông học được cách hiểu và yêu người Công Giáo, cả giáo sĩ lẫn giáo dân. Cái hiểu và tình yêu này là chất men làm vững hơn các xác tín đại kết vốn có của ông. 

Nhưng người Công Giáo gây ấn tượng nơi ông nhiều nhất chính là linh mục Yves Congar, thuộc Dòng Đa Minh, với tác phẩm “Thế Giới Kitô Giáo Chia Rẽ: Một Nghiên Cứu Công Giáo về Vấn Đề Tái Hợp Nhất” do nhà Du Cerf xuất bản năm 1937, với việc thừa nhận sự thành công của Phong Trào Cải cách là do “trong yếu tính, đây là một phong trào tôn giáo, một cố gắng làm sống lại tôn giáo bằng cách trở về nguồn”. Trong tác phẩm này, linh mục Yves Congar trình bày “các nét chính của chương trình đại kết Công Giáo”. Hạn từ Đại Kết Công Giáo này, hai mươi lăm năm sau, sẽ bị Vatican II bác bỏ và thay thế bằng “Các nguyên tắc đại kết của Công Giáo”, dù ngài đã đem lại cho nó một sắc thái mà những người sáng lập ra phong trào đại kết của Thệ Phản vào năm 1937 thấy khó chấp nhận. 
Yves Congar


Thực vậy, theo linh mục Congar, phong trào đại kết đích thực duy nhất là phong trào nhằm dùng thần học để xác định ra “các liên hệ của các giáo hội ly khai với Giáo Hội duy nhất chân thực và sự hợp nhất của nó”, tức phong trào đại kết Công Giáo, một điều không những có thể mà ta còn có bổn phận phải cổ vũ. Như thế, sự hợp nhất của Giáo Hội không thể nào có được ngoại trừ các giáo hội ly khai, mà thực chất vốn không phải là giáo hội, trở về với Giáo Hội duy nhất chân thực của Chúa Kitô. Theo Boegner, từ năm 1937, sau nhiều tiếp xúc hơn với các giới chức Thệ Phản, chắc chắn Cha Congar đã thay đổi nhiều so với chủ trương của tác phẩm này. Tuy nhiên, các đóng góp có tính gây mầm (seminal) của ngài đã thúc đẩy Vatican II hé mở cho người Thệ Phản thấy còn có những con đường khác tiến tới hợp nhất Kitô Giáo. 

Tuy nhiên, chính bầu khí đại kết của những năm liền trước Vatican II đã tác động mạnh mẽ trên mục sư Boegner. Tại Paris lúc ấy, có những cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa các Kitô hữu Công Giáo, Thệ Phản và Chính Thống. Thủ tục thông thường là một thần học gia của một giáo hội giới thiệu đề tài thảo luận và tiếp theo, các người tham dự trao đổi quan điểm, một diễn trình thực sự đã củng cố mối hiệp thông sống động. Các nhóm nghiên cứu thần học như nhóm Les Dombes (1) giúp các tu sĩ và linh mục, các giáo sư thần học và các mục sư, với Thánh Kinh trong tay, cùng nhau nghiên cứu một khía cạnh nào đó của chân lý Kitô Giáo và đem các phát biểu đức tin của mình so sánh với các phát biểu của người khác. Nhờ thế, dù vẫn còn những trở ngại không thể vượt qua, họ đã thoáng nhận ra con đường mà trên đó, bước ra khỏi mình và vâng theo Chúa Thánh Thần, cuối cùng họ sẽ tìm lại sự hợp nhất đức tin trong sự hiệp thông viên mãn với Chúa Kitô. 

Nhiều cuộc trưng bày đại kết đã được tổ chức, do Thệ Phản bảo trợ, và lôi cuốn được nhiều công chúng. Các sơ đồ tổ chức, các cây gia phả của nhiều hệ phái khác nhau giúp người ta có cái nhìn rõ ràng và dễ hiểu hơn. Nhờ thế, người ta hiểu được phần nào các đòi hỏi của đại kết. Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Việc Hợp Nhất Kitô Giáo càng ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong sinh hoạt của các giáo xứ Công Giáo và Thệ Phản. Tuy dè dặt vẫn còn nhiều, nhưng đọc báo chí Thệ Phản lúc ấy, người ta thấy càng ngày càng có nhiều chỗ hơn để nói về phong trào đại kết. Bầu khí liên tuyên tín này đã khiến nhiều người Công Giáo tới nghe các thuyết trình của Mục Sư Boegner về hợp nhất Kitô Giáo, kể cả các bài giảng Mùa Chay của ông suốt thập niên 1950-1960. 

Mục sư Boegner cũng nhắc tới phần đóng góp của Taizé do Thầy Roger Schutz thành lập, với việc tái lập đời sống đơn tu, có đủ các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời, bên trong phong trào Thệ Phản, một điều khiến nhiều người thuộc phong trào này e ngại. Đối mặt với truyền thống Thệ Phản đã được thiết lập một cách kiên vững từ thời Luther, cộng đồng Taizé kêu gọi người ta can đảm vuợt quá thế kỷ 16 để trở về với cội nguồn của phong trào đơn tu và do đó thừa nhận rằng Phong Trào Cải Cách đã từ bỏ một nguồn phong phú của kho tàng linh đạo. Khía cạnh đại kết của cộng đồng này được liên kết một cách bẩm sinh với linh hứng nền tảng của nó. Tinh thần khó nghèo chỉ có được hữu thể của nó trong tình yêu, thứ tình yêu được Chúa chúng ta trao ban và gợi hứng; và tình yêu này mời gọi ta, đòi ta phải hợp nhất. Sống thành cộng đoàn, hợp nhất là lời mời gọi tiến tới hoà giải phổ quát, và nhất là sự hòa giải của các tuyên tín Kitô Giáo, là những tuyên tín dù đang chia rẽ, vẫn cứ tuyên xưng đức tin vào một Đức Chúa. Taizé, vì thế, có một cảm thức sâu xa đối với ơn gọi của mình về phổ quát tính, công giáo tính và đại kết tính. Ở Taizé, người ta tìm được bầu khí cầu nguyện, ngợi ca, hân hoan và yêu thương dành cho mọi người. Phụng vụ của nó dẫn người ta vào mầu nhiệm Nhiệm Thể, nơi mà cầu nguyện và yêu thương không thừa nhận bất cứ rào cản tuyên tín nào, nơi mà khi rời bỏ, người ta có cảm nhận chắc chắn này rằng “khi Thiên Chúa muốn”, lời cầu nguyện của Chúa Kitô sẽ được khứng nhậm, để “chúng nên một như chúng ta là một” (Ga 17:22). 

Trái bom ngày 25 tháng Giêng năm 1959

Dù thế, mục sư Boegner vẫn gọi công bố ngày 25 tháng Giêng năm 1959 của Đức Gioan XXIII là một trái bom. Ta biết, hôm ấy, với một mảnh giấy viết nguệch ngọac, Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan XXIII, người vừa mới được bầu vào chức vụ giáo hoàng trước đó có 3 tháng, và ở tuổi gần đất xa trời, đã dõng dạc tuyên bố cùng toàn thể thế giới rằng: Giáo Hội Công Giáo Rôma sẽ tổ chức một Công Đồng Chung. Người con của nông dân Ý, người mà trước đó Văn Phòng Thánh (hậu thân của Tòa Điều Tra và tiền thân của Bộ Giáo Lý Đức Tin) vốn hoài nghi theo phái Duy Tân đáng nguyền rủa, đã cho nổ một trái bom vang dội giữa khung cảnh vô cùng trang trọng của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành.
ĐGH.Gioan XXIII


Theo mục sư Boegner, nó là trái bom, vì lúc ấy, việc tập quyền trong Giáo Hội Công Giáo há đã chẳng đạt tới đỉnh điểm của nó? Há sự viên mãn của quyền bính đã không nằm trong tay giáo hoàng rồi ư? Cần gì một Công Đồng? Trích dẫn lời Hans Kung (Structures de l’Église, 1963): “trong đời sống Giáo Hội và nền thần học của nó, công đồng là một hạn từ đã chết”. 

Dù sao trái bom ấy cũng làm nhiều người choáng váng, không hiểu mục đích của nó làm gì. Có người đồ đoán đây là một công đồng hợp nhất, có sự tham dự của đại diện các giáo hội Kitô Giáo khác. Sự choáng váng này chẳng bao lâu sau đã được chính Đức Gioan XXIII làm tan biến khi ngài cho hay: bộ mặt của Giáo Hội đã già nua và nhăn nheo, nên một aggiornamento sẽ trả lại cho nó nét tươi trẻ và xinh đẹp; và rồi, có lẽ các “anh em ly khai” sẽ nhận ra nét quyến rũ của nó. Chữ “cải cách” vì thế đã mau chóng được sử dụng từ đấy, khiến Boegner nhớ lại lời linh mục De Tourville nói ở đầu thế kỷ 20 với một nhà thần học Thệ Phản: “Giáo Hội sẽ tự cải cách, khiến cuộc cải cách của qúi vị hết còn cần thiết”. 

Đối với Boegner, đâu là khuynh hướng cải cách nơi người Công Giáo? Hai tác phẩm Công Giáo đã phần nào trả lời câu hỏi này. Cuốn thứ nhất xuất bản năm 1950 là của linh mục Yves Congar “Cải cách thật và cải cách giả trong Giáo Hội” do nhà Du Cerf, Paris, ấn hành. Cuốn thứ hai xuất bản sau đó ít năm là của linh mục Le Guillou “Truyền Giáo và Hợp Nhất” cũng do nhà Du Cerf ấn hành. Ấn tượng mạnh mẽ của hai tác phẩm này không phải chỉ nói về Giáo Hội Rôma, mà còn về yếu tính của Giáo Hội phổ quát và tính không thể nghĩ tới việc ly dị yếu tính ấy với việc tông đồ. 

Theo Cha Congar, “Giáo Hội luôn luôn tự cải cách chính mình”. Tuy nhiên, điều làm Cha có ấn tượng hơn cả là phạm vi lớn lao của khát mong cải cách ngay sau Thế Chiến II. Cha cho rằng: ngay từ năm 1947, Giáo Hội đã không ngừng sống trong tình trạng tự cải cách. Việc cải cách này một phần do lời kêu gọi “Instaurare omnia in Christo” (Tái lập mọi sự trong Chúa Kitô) của Thánh GH Piô X. Và người ta không quên cuốn sách nhỏ của hai linh mục Godin và Daniel “La France: pays de mission?” (Nước Pháp: Một Xứ Truyền Giáo?) xuất bản năm 1943, trong đó hai tác giả không ngần ngại trình bày các lắng lo và hy vọng của họ đối với hiện tình Giáo Hội. Cuốn sách này được cha Congar trân trọng. Ngài cho rằng: ở cội rễ phong trào cải cách Công Giáo, hiện có cuộc khủng hoảng, hay đúng hơn một cơn sốt. Rất đông linh mục và giáo dân muốn có hành động cụ thể, thực sự phù hợp với những gì họ cho là mình tin. Lòng thành thực của thời hiện đại đòi hỏi điều ấy. Quá nhiều sự việc đã trở thành “nghi thức” nghĩa là những sự việc được trình bày với ta như đã được làm sẵn, không ai quan tâm hỏi xem chúng thực sự có phải là hành động của những con người thực hay không. Thành thử vấn đề khẩn thiết là sự thật của việc làm Kitô hữu, sự thật của mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa…

Có điều, theo Boegner, Cha Congar không chấp nhận lối cải cách của thế kỷ 16. Phong trào Cải Cách Thệ Phản ấy chỉ có thể là thứ cải cách giả, vì một khi tách rời khỏi thân cây Rôma, nó thiếu mất sự viên mãn mà chỉ Giáo Hội Công Giáo mới có được. Nó cũng là một cải cách giả vì tính cách hung hãn của nó trong việc đòi loại bỏ bất cứ động thái nào nhằm tìm cách phát huy sự cải cách thực trong Giáo Hội, một cải cách, bất chấp bao gồm những chỉ trích hay đòi hỏi nào, vẫn phải biểu hiện được một tình yêu và lòng tôn kính đối với Giáo Hội. Trái lại, theo Cha Congar, khí thế cải cách Công Giáo của thời kỳ này, hơn bao giờ hết, là một động thái nhằm tôn trọng hơn các đòi hỏi của hiệp thông cũng như các đặc quyền của thẩm quyền trung ương. Chưa bao giờ có được một phong trào cải cách với một gắn bó mạnh mẽ và với một lòng con thảo tín thác đối với Giáo Hội như lúc này, ngõ hầu phụng sự Chúa Kitô tốt hơn. Phong trào cải cách này nhắm vào sự trong sạch chứ không nhắm vào sự nhơ nhuốc của Giáo Hội. Boegner cho rằng cuốn sách của Cha Congar quả là một dẫn nhập đưa người ta vào Vatican II.
Lm.Le Guillou


Cuốn “Truyền Giáo và Hợp Nhất” của Cha Le Guillou đề cập trực tiếp tới lịch sử hình thành phong trào đại kết với kết luận quan yếu: yếu tính của Giáo Hội là truyền giáo, và đòi hỏi thiết yếu của truyền giáo là đối thoại đại kết: “để phục vụ việc truyền giáo này, người Chính Thống, Thệ Phản và Công Giáo, bất chấp các dị biệt từng phân rẽ họ, phải gặp nhau như những người chia sẻ ‘tính đặc thù đáng kể này: tất cả đều thừa nhận Chúa Kitô là Chúa Tể, đều tin vào lời Người và đều tuyên hứa sẽ sống theo lời ấy’”. 

Theo Boegner, hai cuốn sách trên chắc chắn có góp phần vào việc cho nổ trái bom vào ngày 25 tháng Giêng năm 1959 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành. Tuy nhiên, ông không quên nhắc đến phong trào phục hưng Thánh Kinh với một sinh khí mà cả người Thệ Phản cũng thấy hân hoan và phong trào phục hưng phụng vụ nhằm loại bỏ những tục lệ lỗi thời dù đã được tôn lên hàng vô ngộ. Với những cuộc phục hưng này, người tín hữu Công Giáo hé thấy một Giáo Hội không còn co cụm vào chính mình mà bung ra để phục vụ anh em, cụ thể hóa qua phong trào linh mục thợ. Tất cả chắc chắn đã sáng lên trong tâm trí Đức Gioan XXIII vào ngày lịch sử nói trên. 

Nhân dịp này, Boegner nhắc lại thái độ khá phổ biến lúc đó của người Thệ Phản đối với phong trào cải cách Công Giáo. Theo ông, thái độ ấy đầy ngờ vực, một thứ ngờ vực gần như bẩm sinh “họ coi mọi hành động thân hữu, mọi đối thoại, mọi buổi lễ có tính liên tuyên tín (với người Công Giáo) đều chỉ là bội thề, phản bội” (tr. 273). Mục sư Albert Gaillard ở Toulouse, lúc đó là tổng thư ký Giáo Hội Cải Cách Pháp, chẳng hạn, mặc dù rất thông thạo các sinh hoạt cải cách của Công Giáo, nhưng đã cho rằng việc canh tân Thánh Kinh và Phụng Vụ cũng như thái độ tiếp nhận thế giới chỉ đã diễn ra trong những giới hạn do thái độ phản động của hàng giáo phẩm ấn định và nói chung cốt lõi toàn bộ tín lý Công Giáo vẫn còn xa lạ đối với giáo huấn của Chúa Kitô và chứng tá của các tông đồ. Boegner nghĩ rằng các văn kiện của Vatican II đã hoàn toàn trái ngược với cái nhìn của Gaillard. 
Oscar Cullmann


Tuy nhiên, vẫn có những nhân vật như Oscar Cullmann, giáo sư thần học Tân Ước tại các ĐH Paris và Basle, với những tác phẩm như “Người Công Giáo và người Thệ Phản: một dự án liên đới Kitô Giáo” (Catholics et Protestants: un projet de solidarité chrétienne) và “Phêrô, Môn Đệ, Tông Đồng và Tử Đạo” (Pierre, disciple, apôtre et martyr). Ông rất được Đức Phaolô VI tin tưởng và trước Vatican II, vẫn thường xuyên thăm viếng Rôma, quen nhiều giới chức Công Giáo tại đây. Ông nhấn mạnh: “điều kiện đầu tiên để đem người Công Giáo và người Thệ Phản lại với nhau là sự cởi mở tuyệt đối từ cả hai phía”. Theo Cullmann, vì Giáo Hội do Chúa Thánh Thần thiết lập, nên một Giáo Hội chia rẽ là điều không thể tưởng nghĩ được. Tuy nhiên, về điểu này, Thánh Phaolô đã nêu điển hình cho ta: nhân danh hợp nhất, môn đệ Chúa Kitô phải hy sinh, nhưng các hy sinh này có giới hạn: tại Antiôkia, ngài đã phản đối Thánh Phêrô, vì nếu nhượng bộ Thánh Phêrô, nền tảng niềm tin của ngài sẽ không còn (Gl 2:11-14). Giữa niềm tin Công Giáo và niềm tin Thệ Phản cũng thế, có một giới hạn mà hai phía không thể hy sinh được đó là niềm tin vào Giáo Hội và sự hợp nhất của Giáo hội. Hiện nay, hai phía vẫn khác xa nhau trong quan điểm. Đối với Công Giáo, hợp nhất là hợp nhất dưới sự lãnh đạo của giáo hoàng, nói cách khác, hợp nhất đòi mọi Kitô hữu, trong đó có người Thệ Phản, phải suy phục giáo hoàng. “Quan điểm đại kết về hợp nhất của người Công Giáo Rôma và người Thệ Phản là điều không thể nào hòa giải được”. Tuy nhiên, cuộc thảo luận vẫn nên được tiếp tục, thảo luận chứ không tranh cãi (polemic). Vả lại, tình bạn và sự hợp tác cần phải được mưu cầu để thể hiện tình liên đới Kitô Giáo. Cullmann tiến xa hơn bằng cách đề nghị thiết lập quĩ chung để mỗi phía góp phần vào các công trình phục vụ xã hội của phía kia. 
Geoffrey F. Fisher


Boegner cũng đặc biệt nhắc tới cuộc viếng thăm Đức Gioan XXIII của Tiến Sĩ Fisher, TGM Canterbury của Anh Giáo, và Hội Nghị của Hội Đồng Các Giáo Hội Thế giới họp tại New Delhi năm 1961. Hội nghị này tuyên bố như sau về hợp nhất: “Chúng tôi tin rằng sự hợp nhất, vốn dĩ là cả thánh ý Thiên Chúa lẫn hồng phúc của Người cho Giáo Hội, đang được làm cho hữu hình khi mọi người, tại mỗi nơi, từng được rửa tội trong Chúa Giêsu và tuyên xưng Người là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi, được Chúa Thánh Thần đem vào một tình hiệp thông trọn vẹn, giữ cùng một đức tin tông truyền, rao giảng cùng một Tin Mừng, bẻ cùng một tấm bánh, tham dự cùng một lời cầu nguyện chung, và có cùng một sinh hoạt hiệp đoàn biết vươn ra để làm chứng và phục vụ mọi người và đồng thời hợp nhất với toàn thể hiệp thông Kitô Giáo ở mọi nơi và mọi thời một cách thân thiết đến nỗi mọi thừa tác vụ và mọi chi thể đều được mọi người chấp nhận, và mọi người đều hoạt động và lên tiếng với nhau khi hoàn cảnh đòi hỏi vì các trách vụ mà Thiên Chúa muốn dân Người đảm nhiệm. Chúng tôi tin rằng ta phải cầu nguyện và làm việc cho một sự hợp nhất như thế”. 

Công Đồng
Công Đồng Vatican II


Đức Gioan XXIII khai mạc Vatican II ngày 11 tháng 10 năm 1962. Đáp lại tự sắc Humanae salutis công bố dịp Giáng Sinh 1961 của ngài, nhiều quan sát viên của các giáo hội anh em đã hiện diện trong lễ khai mạc này. Và mặc dù không hài lòng với lời tuyên xưng đức tin của các nghị phụ hôm ấy, nhưng đa số các quan sát viên tỏ ra phấn khởi khi nghe Đức Gioan XXIII nhấn mạnh điểm này: bản chất học thuyết Công Giáo chứa đựng trong kho tàng đức tin là một chuyện, nhưng cách phát biểu của nó, trong ngôn từ và nhấn mạnh, do đòi hỏi của huấn quyền và cách thức phát biểu, một cách phát biểu chủ yếu có tính mục vụ, lại là một chuyện khác!

Một nhà thần học Công Giáo được Boegner tiếp xúc tỏ ra e ngại trước viễn ảnh Vatican II đề cập tới hợp nhất “Tôi cầu xin sao cho Công Đồng đừng nói gì đến hợp nhất. Đó là điều tệ nhất có thể xẩy ra”. Tuy nhiên, người ta không thể không nói tới nó. Sự hiện diện của các quan sát viên không Công Giáo rất gần với ngai của Đức Giáo Hoàng và bàn các hồng y chủ tọa là một “nhắc nhớ” hết sức hiển nhiên đối với thực tại chia rẽ và ước nguyện chấm dứt nó của người vốn được coi kế vị Phêrô. Các giám mục, mà nhiều vị chưa hề nghe nói tới phong trào đại kết, dù không muốn, cũng vẫn thấy họ, cũng giáp mặt với họ và do đó bước vào chuyện trò với họ, ít nhất cũng để hỏi thăm và trao đổi cảm nghĩ. Rồi từ từ, các ngài cũng thấy ra các người ly giáo và lạc giáo này cũng có một tầm hiểu thần học và một mức yêu thương Kitô Giáo như mình. Mỗi thứ ba hàng tuần, văn phòng Hợp Nhất Kitô Giáo của Đức HY Bea đều tổ chức các buổi gặp gỡ để các thần học gia Công Giáo thu thập ý kiến của các quan sát viên không Công Giáo, trả lời các câu hỏi của họ và ghi nhận các dè dặt của họ. Theo Boegner, sự tiếp xúc này đã góp phần rất lớn tạo nên bầu khí mới cho thảo luận và cung giọng mới cho việc hoàn thành các văn kiện. Ông cho rằng việc đức Phaolô VI, người kế vị Đức Gioan XXIII và công trình Vatican II, năng nhấn mạnh tới quyền tối thượng của Phêrô và sự duy nhất của Giáo Hội Rôma không hẳn nhắm vào người Thệ Phản mà là nhắm vào những người Công Giáo vốn sợ rằng ngài đi quá xa trong việc thỏa hiệp với “các anh em ly khai”. 
HY. Bea và Cullmann


Chứ thực ra, các văn kiện của Công Đồng cho thấy nhiều hậu quả đại kết. Ngay sắc lệnh về cải cách phụng vụ cũng đã cho thấy điều ấy khi nhấn mạnh tới việc đọc Thánh Kinh bằng ngôn ngữ thông thường. Việc thờ phượng Công Giáo từ nay trở thành hay trở về với lối thờ phượng gồm cả bí tích lẫn lời Chúa. Ngược lại, việc duyệt lại tín lý cũng như thực hành trong các giáo hội Thệ Phản đã đem lại cho các buổi lễ Chúa Nhật cả lời Chúa lẫn bí tích. 

Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium cũng có cùng một vang dội đại kết. Tuy hiến chế này có rất nhiều điểm không được Thệ Phản ủng hộ, nhưng ai cũng phải thừa nhận cố gắng đem lại cho nó một nền tảng Thánh Kinh vững chắc. Hơn nữa, Công Đồng muốn nhấn mạnh tới ý niệm Dân Thiên Chúa, một ý niệm bao gồm cả giáo dân, dù hèn mọn bao nhiêu, lẫn các linh mục, giám mục và giáo hoàng. Tuy nhiên, hiến chế này bị hoãn tới kỳ họp thứ ba. Trong khi ấy, năm 1963, Hội Đồng Thế Giới Các Giáo Hội nhóm họp tại Montreal. Chính trong hội nghị này, Thánh Truyền đã được dành một tầm quan trọng chưa từng có. Ý niệm công giáo tính, lần đầu tiên, cũng đã được đem ra mổ xẻ thấu đáo, cho thấy một xu thế mới trong truyền thống Thệ Phản. Nhân dịp này, một đề nghị chính thức đã được đưa ra nhằm tổ chức một nhóm làm việc chung giữa Giáo Hội Công Giáo và Hội Đồng Thế Giới Các Giáo Hội để đối thoại và hợp tác song phương. Đề nghị này được Đức Phaolô VI lưu ý và đó là lý do để Đức HY Bea nhận gặp mục sư Boegner tại Geneva năm 1965 trong một cuộc đối thoại công khai. Lời lẽ của Đức HY Bea trong cuộc đối thoại này, theo Boegner, đã chinh phục được mọi người hiện diện bằng sức mạnh của một tình yêu thắm thiết phát xuất từ Đức Hồng Y, khiến họ tràn trề yêu thương, hân hoan và tri ân (tr.294) . 
Mục sư Boegner được mời quan sát kỳ họp thứ ba của Vatican II. Cảm giác của ông khi được tham dự thánh lễ khai mạc kỳ họp này, một thánh lễ đồng tế giữa Đức Phaolô VI và 24 nghị phụ đại diện khắp thế giới, một dấu chỉ thành quả của canh tân phụng vụ, là một cảm giác tuyệt vời. Nhưng cảm động hơn hết là khi Đức Phaolô VI ngỏ lời với “các giáo hội ly khai, vốn là đối tượng của niềm hy vọng và nước mắt của chúng tôi”. Trong cuộc phỏng vấn của báo La Croix (18/9/1964), Boegner bày tỏ xác tín rằng lời kêu gọi ngỏ với các giáo hội là nhằm vào mọi cộng đồng không gắn liền với Rôma. “Do đó, đây là lần đầu tiên Đức Phaolô VI dành cho các giáo hội thoát thai từ Phong Trào Cải Cách danh xưng giáo hội mà họ vốn biết họ có quyền được gọi”. Ngày 26 tháng 9 năm 1964, trong buổi triều yết, ông được Đức Phaolô VI công nhận lời giải thích ấy. 

Trong kỳ họp này, điều Boegner ghi nhận là việc đa số nghị phụ không muốn có bất cứ khai triển nào mới về thánh mẫu học và tỏ ra dè dặt đối với các tước hiệu đồng công và trung gian phổ quát của Đức Maria. Tuy nhiên, cuộc thảo luận về tự do tôn giáo làm ông ngạc nhiên hơn cả, khiến ông không còn biết mình đang ở đâu: Nhất định không ở giữa các nhà thần học của Phòng Điều Tra (Inquisition), mà dường như đang ở trong một cuộc họp của những người Kitô hữu Mỹ, những người vốn đồng nhất hóa Kitô Giáo với dân chủ và nhân quyền! Đức Hồng Y Cushing của Mỹ quả đang gào vào “microphone” bằng một thứ Latinh nghe không rõ rằng: Giáo Hội, từng luôn miệng đòi hỏi tự do cho chính mình, nay phải nhìn nhận tự do cho người khác! Các Đức Hồng Y Ottaviani, Ruffini và cả Browne nữa phản công: “Vậy là ngài tuyên xưng thứ tự do lầm lạc sao! Đã đành là Thiên Chúa ban cho con người tự do, nhưng là để họ tự do gắn bó với chân lý Công Giáo!”. Câu đối đáp cũng không kém đanh thép: “lầm lạc thì luôn là lầm lạc, dưới con mắt của chúng tôi cũng như dưới con mắt của quí vị; tuy nhiên, ta phải dành cho người tìm ra chân lý trong lầm lạc cái quyền được công khai nói ra điều ấy. Nếu muốn chống lại chân lý của anh ta, ta chỉ nên làm thế bằng ánh sáng mà Thánh Phaolô đã nói tới”. 
HY. Cushing


Dĩ nhiên, các quan sát viên như Boegner rất nóng lòng muốn nghe các nghị phụ tranh luận về sơ đồ “de divino revelatione” (mạc khải). Thực ra, sơ đồ nguyên thủy, từng được mang ra thảo luận tại kỳ họp thứ nhất, có tên là “Các nguồn của mạc khải”. Rồi vì phản ứng của các nghị phụ, nó đã được Đức Gioan XXIII ra lệnh cho soạn lại. Sơ đồ mới đã loại bỏ mối lo ngại của nhiều người về hai nguồn riêng biệt của mạc khải là thánh kinh và thánh truyền. Tuy thế, trong cuộc thảo luận ngày 30 tháng 9 năm 1964, Đức Cha Florit, TGM Florence, cũng đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Chương II tức chương nói tới “việc chuyển giao Mạc Khải Thiên Chúa”. Trong chương này, Thánh Truyền đã được định nghĩa là việc chuyển giao Mạc Khải cách sống động; nó chuyển giao mọi điều liên quan đến đời sống, đức tin và việc thờ phượng của Giáo Hội do các tông đồ thiết lập. “Mọi điều Giáo Hội là, và mọi điều Giáo Hội có, đều thuộc lãnh vực của Thánh Truyền; và trước hết đó chính là Thánh Kinh, vốn là một một cách bất khả tiêu đối với Giáo Hội và do đó, rút được sự sống và sức mạnh từ chứng tá của Thánh Truyền… Thánh Truyền không ngừng được tái sinh từ nguồn Thánh Kinh, còn Thánh Kinh thì luôn được minh giải dưới ánh sáng các phát triển của Thánh Truyền” (Wenger, Chronique de la troisième session, Éditions du Centurion). Riêng Đức Cha Franic, Giám Mục Split (Croatia), còn đòi phải dành cho Thánh Truyền một chỗ xứng đáng hơn. Nhưng Đức HY Meyer của Chicago không ngại nêu ra nhiều sở đoản của Thánh Truyền. Theo Boegner, sơ đồ này không có tính bài Thệ Phản.

Boegner năng gặp gỡ các linh mục chuyên viên như de Lubac, Congar, Villain, Chenu, Refoulé, được họ cho biết nhiều cảm tưởng có lúc bi quan, có lúc hy vọng, và có lúc hân hoan. Ba hạn từ này quả nói lên hết cái sinh động của Vatican II lúc nó đang diễn ra. Nhưng sự căng thẳng tại phòng họp đã được lắng dịu nhờ những ly capucino tại quán “bar” công đồng mà vừa tới giờ mở cửa (11 giờ sáng), đã đông nghịt “khách hàng”. Sự lắng dịu này cũng diễn ra nhờ những câu truyện tâm tình chia sẻ phía sau chiếc phương du nổi tiếng của Bernini, mà không làm phiền tới cuộc tranh luận ở phía trước.
ĐGH. Paul VI
 

Tuy nhiên, cuộc gặp mặt riêng với Đức Phaolô VI gần trưa ngày 26 tháng 9 năm 1964 để lại nơi Boegner nhiều ấn tượng bản thân hơn hết. Vì ông không gặp một vị giáo hoàng mà là gặp một con người, một con người hoàn toàn “cô đơn” (tr.307) giữa cái bao la của cung điện Vatican, một con người “đau khổ”. “Chỉ cần chuyện vãn với ngài, người ta không thể không nhận ra một trái tim, một linh hồn Kitô hữu, đang chịu thử thách vì đau khổ. Dù là do quá mẫn cảm hay không, thì chắc chắc chắn đó vẫn là đau khổ. Nhưng đó là cái đau khổ của Đấng Bắc Cầu Tối Cao (Sovereign Pontiff) đang cương quyết hoàn thành dự án vĩ đại của Đức Gioan XXIII, và ngày qua ngày đang phải hỗ trợ cái áp lực ương ngạnh và đầy khôn khéo của những người chống đối nó. Họ đang hiện diện, ngay tại chính Vatican này, với quyền tự do được gặp gỡ ngài và hiển nhiên làm phiền ngài với những chống đối, hoài nghi và tiên tri thảm họa. Lắng nghe Đức Phaolô VI, tôi có được một ý niệm nào đó về trách nhiệm kinh hoàng đang đè nặng lên vai ngài, nỗi sợ chia cắt sự hợp nhất của Công Đồng, những lầm lạc mà phe đa số rất có thể để mình rơi vào, những ước mơ thầm kín mong được Công Đồng này thực hiện, một công đồng đã kéo dài quá lâu. Tôi không cầm lòng được đành thú thực với ngài rằng chúng tôi sẽ cầu xin Chúa ban cho ngài lòng can đảm lớn lao” (tr.307-308).

Sau cuộc gặp gỡ hôm ấy, Boegner cho hay: “Tôi luôn nghĩ tới nỗi cô đơn từng gây ấn tượng mạnh mẽ nơi tôi này. Đức Phaolô VI có có được những người bạn để ngài tự do thổ lộ các vấn đề phải giáp mặt hàng ngày hay không? Nhưng một con người nhân bản há lại không luôn cô đơn khi được tôn lên đỉnh chót vót đó sao? Tất cả ‘các con trai’ và ‘các con gái’ của ngài, những người không thể tới gần ngài mà không bái gối, họ có ý niệm gì về sức nặng đè trĩu lên ngài mà ngài vẫn phải đứng thẳng trước mặt Thiên Chúa, và chỉ có thể quì gối trước Người là nhờ ơn thánh? Rất nhiều lần, trong các năm qua, khi có dịp nói chuyện với người Công Giáo, tôi đều thúc giục họ phải không ngừng cầu nguyện cho người họ gọi là Đức Thánh Cha, để Chúa gìn giữ ngài có lòng khiêm nhường, can đảm, viễn kiến trong sáng nhìn thấy mục đích phải đạt và tình yêu. Cả chúng ta nữa, “các anh em ly khai”, cũng có nhiệm vụ cầu nguyện cho người tôi tớ này của Chúa Giêsu Kitô, một người tôi tớ biết rất rõ: tín điều về ngôi vị giáo hoàng là một trở ngại biết bao đối với con đường tiến tới hợp nhất. Sáng kiến, các quyết định, thái độ đối với người không Công Giáo của ngài, cũng như những điều ngài bác bỏ hay chấp nhận, đều có ảnh hưởng lớn lao đối với các cuộc đối thoại mà Rôma đã mở ra, hay sẽ mở ra sau này, với các giáo hội Kitô Giáo khác. Như thế, làm sao chúng ta lại không bao gồm ngài trong lời cầu nguyện của chúng ta?” (ibid.).

Boegner ghi nhận cuộc họp ngày 6 tháng 11 để bàn về sơ đồ truyền giáo. Hôm ấy, Đức Phaolô VI đích thân tới khai mạc và theo ngài, sơ đồ này có cơ sở vững vàng và nên được chấp thuận. Nhưng sau khi ngài rời khỏi phòng họp, trong số 16 hay 17 tham luận, chỉ trừ một tham luận, tất cả đều cho rằng phải bác bỏ sơ đồ này. Kết quả, ý kiến của họ được đa số chấp thuận, do đó, sơ đồ được gửi trả lại để sửa đổi. Sau đó ít ngày, tức ngày 13 tháng 11, Đức Phaolô làm một cử chỉ lịch sử: ngài quyết định tặng mũ ba tầng (tiara) cho người nghèo. Cả hội trường hoan hô vang dội. Quả là một dọn đường rất tốt cho việc thảo luận sơ đồ 13, sau này trở thành Gaudium et Spes, tức hiến chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay. 

Riêng sắc lệnh về tự do tôn giáo, trước đây dự định đem ra đầu phiếu ngày 20 tháng 11, nhưng được hoãn lại vào kỳ họp thứ tư. Việc này gây chấn động lớn tại Công Đồng: nhiều nghị phụ rời chỗ ngồi, tới bàn điều hướng, bàn chủ tọa và bàn tổng thư ký để phản đối. Boegner cho rằng quang cảnh này chưa bao giờ xẩy ra tại một hội đồng của Giáo Hội Cải Cách. Ngày hôm sau, sắc lệnh về đại kết được nhất trí thông qua và được Đức Phaolô VI công bố cùng ngày. Sắc lệnh này, giữa kỳ họp thứ ba và thứ tư, được đem ra thảo luận trong nhiều buổi họp chung giữa các linh mục và mục sư. Nhiều linh mục muốn công đồng đi xa hơn nữa về chủ đề này.

Kỳ họp thứ tư của Công Đồng bắt đầu từ ngày 14 tháng 9 năm 1965. Điều đặc biệt là Đức Phaolô VI đã đi bộ tới chủ lễ khai mạc, chứ không đi kiệu, trong tay là cây gậy mục tử đơn giản, và làm mọi người ngạc nhiên với lời công bố thiết lập Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới. Rõ ràng ngài muốn thi hành ngay lập tức các quyết định của Vatican II.

Sắc lệnh về tự do tôn giáo được đem ra thảo luận đầu tiên. Có tất cả 62 nghị phụ phát biểu ý kiến: các ý kiến này thường trái ngược với nhau, nhưng được phát biểu một cách bình thản. Căn cứ vào đó, Boegner thấy hai khuynh hướng rõ ràng. Khuynh hướng bảo thủ gồm các vị cao niên và chịu ảnh hưởng của Giáo Triều, nghiêng về việc chống lại Phong Trào Cải Cách và bất cứ điều gì dính dáng đến Phong Trào này; về đối nội, khuynh hướng này ngả về trung ương tập quyền, nhấn mạnh tới khía cạnh pháp chế và củng cố thẩm quyền giáo hoàng ở mọi lãnh vực. Người đại diện cho khuynh hướng này là Đức HY Ottaviani. Khuynh hướng thứ hai, gồm phần lớn các giám mục trẻ, thì tin rằng Phản Cải Cách là điều đã thuộc về quá khứ, Giáo Hội phải đáp ứng nhu cầu của thế giới, phải tản quyền và giảm thiểu đặc tính pháp chế. Truyền thống chân thực của Giáo Hội ở quá bên kia Công Đồng Trent và Phong Trào Cải Cách: sức sinh động của nó phải lấy từ các nhà thần học Thời Trung Cổ và xa hơn nữa từ các giáo phụ, nhất là Thánh Augustinô; nhất là phải trở về với nguồn chân thực là Thánh Kinh và chứng tá Tông Đồ. Cuối cùng, đa số các nghị phụ tin rằng muốn trung thành đáp ứng các đòi hỏi của tương lai, Giáo Hội phải nhìn trở lui cái dĩ vãng ấy để tìm ra ơn gọi đích thực của mình.

Cùng ngày nói trên, sơ đồ 13 mà nay có tên Gaudium et Spes được mang ra thảo luận. Theo Boegner, người Công Giáo Pháp đã đóng góp rất nhiều vào việc hoàn thành hình thức sau cùng của sơ đồ này, qua tay Đức Ông Haubtmann, sau này là viện trưởng L’Institut Catholique de Paris. Tuy nhiên, có được sơ đồ sau cùng này là do sự đóng góp của rất nhiều giám mục và thần học gia thuộc đủ mọi văn hóa, ngôn ngữ, quan điểm thần học và xã hội học khác nhau, cũng như các quan điểm khác nhau về thế giới và về sứ mệnh của Giáo Hội. Trong sơ đồ này, người ta thấy rất nhiều chủ đề quan trọng: chủ nghĩa vô thần, hôn nhân, văn hóa, kinh tế, chính trị, chiến tranh và hòa bình. Tạo thể thống nhất cho sơ đồ, đặt mọi phần của nó trên cùng một mức độ, tránh các lỗ hổng quá đáng, và sử dụng một thứ ngôn ngữ mà bất cứ người trung bình nào trên thế giới cũng có thể hiểu được quả là điều không dễ. Boegner cho rằng việc làm của Đức Ông Haubtmann và các cộng sự viên của ngài quả là “độc nhất vô nhị trong lịch sử các giáo hội Kitô Giáo” (tr.320). Dĩ nhiên, người Thệ Phản không hoàn toàn nhất trí với bản văn bị họ coi vừa mạnh vừa yếu và có nhiều thiếu sót. Nhưng nói chung, họ tỏ ra hài lòng với bản văn này, coi nó như một điều có sức mạnh cách mạng trong Giáo Hội (Georges Casalis, Vatican II: Points de vue de théologiens protestants, Paris, Éditions du Cerf, tr.265). 

Sau khi từ Liên Hiệp Quốc trở về, ngày 4 tháng 12, 1965, Đức Phaolô VI tổ chức một buổi “Phụng Vụ Lời Chúa” tại Nhà Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, dành riêng cho các quan sát viên, các khách quí của văn phòng Hợp Nhất và một số hồng y và giám mục, một buổi phụng vụ được mọi người hiện diện nhìn nhận là “một trong những giờ phút đẹp đẽ nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử Công Đồng”. Lời Đức Phaolô VI như thấm vào lòng người: “Giờ đây, chúng ta sắp sửa chia tay. Việc quí vị ra đi đang tạo nên một trống vắng quanh chúng tôi, một trống vắng chúng tôi chưa bao giờ biết đến trước ngày có Công Đồng và điều này làm chúng tôi buồn sầu: chúng tôi muốn được quí vị mãi mãi ở bên cạnh. Tuy nhiên, tình bạn vẫn còn đó. Và điều cũng vẫn còn đó, như hoa trái đầu mùa của các kỳ họp Công Đồng, là niềm xác tín rằng vấn đề lớn lao trong việc hợp nhất Giáo Hội, một sự hợp nhất hữu hình cho tất cả những ai có diễm phúc và trách nhiệm gọi mình là Kitô hữu, phải là chủ đề nghiên cứu sâu sắc nhất và nay thì giờ dành cho việc ấy đã chín mùi. Quí vị sắp rời bỏ chúng tôi để trở về nhà. Quí vị đừng bao giờ quên tấm tình yêu qua đó, Giáo Hội Công Giáo Rôma sẽ luôn tưởng nhớ và dõi theo quí vị. Quí vị đừng tin rằng Giáo Hội ấy vô cảm và kiêu căng khi tin mình có nghĩa vụ tôn giáo phải gìn giữ ‘kho tàng’ đã được ủy thác cho mình ngay từ đầu (xem 1Tm 6:20), và đừng kết án Giáo Hội ấy đã làm méo mó hay phản bội kho tàng này, nếu trong nhiều thế kỷ suy niệm vừa qua, trong thận trọng và đầy yêu thương, Giáo Hội ấy đã tìm thấy trong nó nhiều trân châu sự thật và sự sống mà nếu bác bỏ sẽ là sai lầm của mình. Xin quí vị xem sét cho việc này: chính nhờ Thánh Phaolô, vị tông đồ của đại kết tính, và hẳn quí vị biết rõ với lòng cương quyết không lay chuyển (xem Gl 1:6 tt), Giáo Hội ấy đã tiếp nhận ra sao việc đào luyện đầu hết về huấn quyền tín lý. Xin quí vị cũng nhớ cho rằng sự thật lớn lao hơn mọi người chúng ta, chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta, mà sự thật thì gần, đúng hơn, rất gần gũi với tình yêu” (Document Catholique, 19 tháng 12 năm 1965). 
TP.Athenogoras và ĐGH.Paul VI


Hai ngày sau, sơ đồ 13 được đem ra đầu phiếu. Ngày 7 tháng 12, một nghĩa cử vĩ đại khác có tính đại kết đã diễn ra trước cuộc họp khoáng đại của Công Đồng: án tuyệt thông của 9 thế kỷ trước đối với Thượng Phụ Cerularius của Constantinople được chính thức hủy bỏ giữa tiếng hoan hô vang dậy và giọng âm vang bài “ubi caritas et amor, Deus ibi est” (Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời) của ca đoàn Sistine. Boegner tiên đoán chính xác rằng: nụ hôn hoà giải của Tổng GM Meliton, đại diện Thượng Phụ Athenagoras I và Đức Phaolô VI hôm đó là dấu chỉ sẽ còn nhiều vạ tuyệt thông khác được hủy bỏ trong tương lai. Cùng lúc đó, tại Istanbul, vạ tuyệt thông đối với Công Giáo cũng được TP Athenagoras I hủy bỏ. 

Khủng hoảng trong Giáo Hội Công Giáo

Vatican II đã kết thúc trong bầu khí tràn trề hy vọng đại kết như thế. Nhưng chẳng bao lâu sau, cuộc khủng hoảng xuất hiện. Không riêng Giáo Hội Công Giáo mà là mọi giáo hội Kitô Giáo. Những sự việc mà vài năm trước được coi là không thể bị thách thức thì nay đã trở thành bị thách thức. Khoa chú giải, việc giảng dạy giáo lý, nền ‘thần học mới’ và nền ‘đạo đức học mới’ đang đảo lộn nhiều ý niệm truyền thống được đại đa số các tín hữu, bất kể thuộc tuyên tín nào, vốn coi là bất khả xâm phạm. Những khẳng định đức tin lâu đời nay trở thành chao đảo trên một nền tảng Thánh Kinh bị khoa chú giải “phi huyền thoại hóa” làm cho lung lay. Dưới mắt thế hệ trẻ ngày nay, các định chế mà trong nhiều thế kỷ vốn giám sát “kho tàng đức tin” bị coi như rơm rác, chịu trách nhiệm phần lớn trước sự phân cách giữa Giáo Hội và thế giới; điều cần làm là hủy bỏ các định chế ấy. Cộng vào đó còn là cảnh bất công lan tràn trong xã hội, sự phổ biến của chủ nghĩa vô thần, và các tiến bộ trông thấy của khoa học, nhất là khoa học xã hội cũng như kỹ thuật.

Riêng đối với Giáo Hội Công Giáo, theo Boegner, 18 tháng sau ngày trở lại giáo phận từ Vatican II, các giám mục thấy mình chạm trán với nhiều khó khăn. Tuy giới trẻ hoan nghinh cuộc canh tân phụng vụ, nhưng nhiều người lớn tuổi tỏ ra chống đối hình thức cử hành Thánh Lễ mới. Sự im lặng trong một thời gian dài của Đức Phaolô VI trước vấn đề kiểm soát sinh đẻ làm nhiều người lo ngại. Sự không nhất trí trong ủy ban tư vấn do ngài nới rộng khiến ngài càng khó đi đến một quyết định mau chóng. Trong lúc ấy, tuy số người Công Giáo tuân theo chỉ thị của huấn quyền trong phạm vi luân lý tính dục vợ chồng vẫn còn nhiều, nhưng không thiếu người từ khước chỉ thị ấy, số này càng ngày càng gia tăng. Cho tới khi cuốn sách của Boegner ra đời, Thông Điệp Humanae Vitae của Đức Phaolô VI chưa được công bố.

Dù đa số đón chào việc canh tân giáo triều cho có tính quốc tế hơn, nhưng nhiều người lo ngại trước việc gia tăng quyền hành cho Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, biến chức vụ này thành gần như chức vụ thủ tướng chính phủ và cho thấy khuynh hướng trung ương tập quyền chưa hẳn là đã bị kìm hãm. 

Nhiều người cho rằng Đức Phaolô VI quan tâm đến việc duy trì cân bằng hay đúng hơn tìm cách thỏa hiệp các bên đối nghịch. Dù tại Vatican II, đôi khi ngài can thiệp để chỉnh sửa một số điểm đã được phe đa số thông qua, gần như để làm dịu phe thiểu số, nhưng theo Boegner, những chỉnh sử của ngài phần lớn đã cải thiện rất nhiều ngôn từ của văn kiện. Thành thử, ông không tin ngài có khuynh hướng thoả hiệp. Điều ngài lo ngại là sự chia rẽ trong cơ cấu có trách nhiệm cai quản Giáo Hội, dưới thẩm quyền tối cao của ngài. Ngài không muốn có sự tách ly từ bất cứ phe nào: ngài muốn có thoả thuận trong bác ái, khiêm nhường và tình yêu. Điều làm ngài lo âu hơn cả không hẳn là kỷ luật, một việc mà ngài vẫn coi là dễ giải quyết, mà là các tranh cãi liên quan tới đức tin. 

Những tranh cãi như thế rất nhiều và thuộc đủ mọi lãnh vực: thần học, luân lý và giáo hội học. “Mọi sự xem ra đều bị thách thức”, đó là lời nhận định của linh mục Congar trong diễn văn “Analyse critique des tendances actuelles” (Phân tích có phê phán các khuynh hướng hiện nay) ngày 15 tháng 4 năm 1967. Và điều này gây nên bầu khí bất an cho người tín hữu Công Giáo. Đối với họ, ý niệm bất biến của tín điều đã ăn rễ rất sâu trong tâm khảm họ cả hàng thế kỷ trước khi có cuộc Cải Cách. Ấy thế mà các thần học gia lúc này lại lên tiếng đặt ra những câu hỏi như “Đâu là bản chất và chức năng của tín điều nói chung, và tín điều sẽ ra sao dưới ánh sáng Tin Mừng?” (Walter Kasper, Dogme et Évangile, Paris, 1967). Đối với một số thần học gia Công Giáo lúc này, tín điều được coi như một điểm khởi hành chứ không tận cùng, một tuyên xưng mà cũng là một chứng tá. Chức năng chính của nó là làm thành khả hữu lời tuyên xưng đức tin chung (homologia) trong Giáo Hội, nhờ thế cổ vũ tình yêu vốn là đặc trưng của Giáo Hội. Quan điểm tín điều mở (open dogma) này đi ngược hẳn quan điểm ‘rào cản cứng ngắc’ trước đây, nhưng nó có tác dụng gây ra một cuộc khủng hoảng nơi nhiều người Công Giáo. 

Tại Hòa Lan, người ta đi xa hơn bằng cách đòi phải duyệt lại hoàn toàn tín điều “biến thể” (transubstantiation) của Phép Thánh Thể cũng như các tín điều về Phục Sinh và việc sinh hạ đồng trinh, coi chúng như có ý nghĩa thiêng liêng, chứ không vật lý. 

Trong khi ấy, con số các linh mục thắc mắc về luật độc thân càng ngày càng gia tăng. Tại Hoa Kỳ và Hoà Lan, luật này công khai bị chỉ trích, phê phán. Hiện tượng này khiến Đức Phaolô VI phải ban hành thông điệp Sacerdotalis Caelibatus ngày 24 tháng 6 năm 1967, nhấn mạnh tới sự cần thiết và vẻ cao cả của luật này. Dù thế, Hiệp Hội Quốc Gia Canh Tân Mục Vụ (National Association for Pastoral Renewal) tại Hoa Kỳ vẫn “hy vọng tiếp tục công trình cải cách luật độc thân giáo sĩ vì chúng tôi tin rằng tình thế mới của con người đòi hỏi việc này”. 

Hans Kung nhận định như sau về thông điệp trên: “Cho dù thông điệp có công đem các khó khăn thực sự ra công khai, nhưng nó không hề giải quyết được vấn đề. Đúng hơn, nó còn làm ra tệ hơn. Trong Giáo Hội Công Giáo, sẽ không có hòa bình cho đến khi việc chọn sống độc thân trở thành việc riêng của cá nhân, như trước đây”. Dù gì, thì ơn gọi làm linh mục mỗi ngày một giảm. 

Quyền tối thượng của Phêrô, sự vô ngộ của ngôi vị giáo hoàng và quyền tài phán phổ quát của nó cũng bị tấn công. Người ta đề cao tính hợp đoàn giám mục khiến nhiều người lo ngại: ngôi vị giáo hoàng rồi ra sẽ trở thành một thứ quân chủ lập hiến, tính vô ngộ cũng sẽ không còn. Bản thân Đức Phaolô VI bị chỉ trích cả khi lên tiếng về chiến tranh Việt Nam và Trung Đông. Đến nỗi thông điệp Populorum Progressio(Tiến Bộ Các Dân Tộc), một thông điệp mà theo Boegner chính là cái hậu của Sơ Đồ 13 được viết bằng một văn phong tuyệt vời và đầy giọng nhân bản thực sự, vẫn bị người ta coi là pha mình vào chính trị. 

Tuy nhiên, giữa cơn khủng hoảng này, theo Boegner, các văn kiện và các thảo luận của Vatican II vẫn là một nhân tố tích cực. Sắc lệnh về tự do tôn giáo chẳng hạn đã có những đóng góp cụ thể khi đem ra thi hành. Tại nhiều nước, Giáo Hội Công Giáo đã cho phép một số cộng đồng Thệ Phản không có nguyện đường được sử dụng nhà thờ của mình để cử hành các buổi phụng vụ; không những thế, còn dành cả một cột báo thường xuyên cho anh em Thệ Phản. Tại Châu Mỹ Latinh, các linh mục sát cánh với các mục sư trong cuộc chiến chống nghèo đói. Theo gợi hứng của “Gaudium et Spes”, nhiều giám mục can dự vào các tranh chấp chủ thợ, đi đầu trong các diễn hành đình công, qua đó, liên kết với con người trong các vấn đề, các lo âu và đòi hỏi chống bất công của họ. 

Trong khi đó, Thượng Hội Đồng Giám Mục đầu tiên, sản phẩm của Vatican II, năm 1967 đã đặc biệt bàn tới “cuộc khủng hoảng Đức Tin” với chủ đề: “Duy trì và củng cố Đức Tin Công Giáo, sự toàn vẹn, sức mạnh, việc phát triển và sự gắn bó tín lý và lịch sử của nó”. Kết quả: vì sự lan tràn của chủ nghĩa vô thần, vì cuộc khủng hoảng đức tin và các ý kiến thần học sai lầm trên thế giới, một ủy ban quốc tế gồm các thần học gia sẽ được thiết lập để trợ giúp Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng như để mở rộng cuộc thảo luận về phương thức khảo cứu thần học. Ủy ban này thành thực nhìn nhận rằng tại một số nơi “các cải tiến võ đoán, các ý kiến sai lạc và cả lầm lẫn nữa đã được đem vào đức tin”. Các lầm lẫn này phải bị tố giác, nhưng luôn luôn với tinh thần bác ái. Nó là tiền thân của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, được thành lập năm 1969.

Cùng lúc với Thượng Hội Đồng đầu tiên này, là Đại Hội Quốc Tế Tông Đồ Giáo Dân, họp tại Rôma, gồm khoảng 3,000 đại biểu khắp thế giới, một đáp ứng rõ rệt đối với phong trào đại kết. Vì tuy chỉ bàn tới vụ việc thuộc Giáo Hội Công Giáo, nhưng khi nhấn mạnh tới chức linh mục phổ quát, Đại Hội này quả đã nói tới một nhấn mạnh rất thân thuộc đối với các giáo hội Thệ Phản. Theo Boegner, cả Thượng Hội Đồng lẫn Đại Hội Quốc Tế Tông Đồ Giáo Dân đều nhấn mạnh tới nhu cầu Giáo Hội phải canh tân về cai quản, về kỷ luật, về giáo luật, về việc giảng dạy và huấn giáo, về việc làm chứng và phục vụ trong thế giới. 

Nhưng đối với Boegner thành quả đáng kể nhất của Vatican II vẫn là sự ưu tiên nền tảng trong thế giá tối cao dành cho Lời Chúa. Ông hy vọng rằng Giáo Hội Công Giáo sẽ lấy lại tư cách Giáo Hội của Lời Chúa như các giáo hội Thệ Phản, các nhà chú giải Công Giáo cũng có được sự tự do hợp khoa học như các nhà chú giải Thệ Phản.
Ghi Chú

(1) Xem Vietcatholic, 19/10/2011
Vũ văn An (Vietcatholic.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét