Trang

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

KỶ NIỆM VATICAN II : NỐI KẾT GIỮA 2 SẮC LỆNH AD GENTES VÀ THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MISSIO


Kỷ niệm Vatican II: nối kết giữa sắc lệnh Ad Gentes và thông điệp Redemptoris Missio
Vũ Văn An11/11/2012
Tại Thượng Hội Đồng về Tân Phúc Âm Hóa hồi tháng 10 vừa qua, Đức Hồng Y người Ấn, Telesphore Placidus Toppo, đã lên tiếng chỉ trích một số dòng tu chỉ đã hành động “như các công ty đa quốc khi thực hiện nhiều công trình rất tốt và rất cần thiết để thoả mãn nhu cầu vật chất của con người, nhưng đã quên mất rằng mục tiêu hàng đầu lúc họ được thành lập là đem sơ truyền (kerygma), đem Tin Mừng, đến cho một thế giới sa đọa”
HY.Telesphore Placidus Toppo


Lời chỉ trích này, thực ra, không mới lạ gì. Vì nó từng được nhiều vị giáo hoàng gần đây nói với Giáo Hội Công Giáo như một toàn thể nhằm làm sống lại tinh thần truyền giáo đang sa sút trong Giáo Hội.

Và trong vấn đề này, Vatican II chính là khúc rẽ. Thực vậy, “cho tới thời Công Đồng, Giáo Hội vốn sống qua một mùa truyền giáo sốt sắng như chưa từng có”. Đó là lời nhận định của Cha Piero Gheddo thuộc Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại (PIME). Ngài vốn là một trong các chuyên viên được Đức Chân Phúc GH Gioan XXIII mời vào Công Đồng để soạn thảo văn kiện về truyền giáo. 

Nhưng rồi, bỗng có sự sụp đổ bất ngờ. Đến nỗi năm 1990, 25 năm sau ngày công bố sắc lệnh Ad Gentes của Vatican II, Đức Chân Phúc GH Gioan Phaolô II cảm thấy nhu cầu phải dành cho việc truyền giáo một thông điệp; đó chính là Redemptoris Missio, nhằm thức tỉnh Giáo Hội khỏi cơn mê. Và Cha Gheddo cũng đã được mời để soạn thảo văn kiện mới. Ngài nói: “Với Redemptoris Missio, chắc chắn Đức Gioan Phaolô II muốn củng cố sắc lệnh Ad Gentes của Công Đồng, nhưng ngài cũng có ý định trám lỗ hổng trong văn kiện này, một văn kiện rất đẹp nhưng hơi vội vã và không đầy đủ. Tức là ngài muốn bàn tới các vấn đề, mà tại Vatican II, vốn chỉ được khảo sát một cách vội vàng hay thậm chí bị bỏ sót nữa. Và tôi có thể tin tưởng mà nói ra điều đó, sau khi được gặp đức giáo hoàng nhiều lần giữa lúc soạn 3 dự thảo cho văn kiện này trong thời gian từ tháng 10 năm 1989 tới tháng 7 năm 1990”. 

Mấy tuần nay, dù đã 83 tuổi, sau khi đã du hành tới rất nhiều lục địa, đã viết hơn 80 cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng và cho tới năm 2010, vẫn là giám đốc của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, Cha Gheddo đang sắp xếp các ký ức của mình liên quan tới Vatican II và thời gian sau đó. Một số các ký ức này đã được Zenit và Aisa News đăng tải. 

Trong thời gian Công Đồng
Piero Gheddo


Về sắc lệnh Ad Gentes của Vatican II, một văn kiện có sự đóng góp của ngài, Cha Gheddo cho hay: “Hành trình của sắc lệnh khá gian khổ và gặp nhiều trở ngại chưa từng thấy. Trước nhất, các nhu cầu và các giải pháp được các nghị phụ đề nghị ra rất khác nhau từ lục địa này qua lục địa nọ. Xin đơn cử một thí dụ mà tôi còn nhớ rất rõ: về phía các Giáo Hội Á Châu, nơi rất phong phú về ơn gọi và có truyền thống lâu đời về việc sống độc thân ngay trong các tôn giáo sở tại, nên có sự nhấn mạnh tới nhu cầu phải duy trì bậc sống độc thân cho giáo sĩ. Nhưng ngược lại, từ phía các Giáo Hội Châu Mỹ La Tinh và Châu Phi, một số hàng giám mục lên tiếng yêu cầu hủy bỏ bậc sống này, hay chấp nhận một hàng giáo sĩ có gia đình trong một số hoàn cảnh nào đó”. 

Văn kiện vì thế đã lâm vào trạng huống rất có thể bị dẹp bỏ. Cha Gheddo kể tiếp: “Khó khăn càng gia tăng khi vào ngày 23 tháng 4 năm 1964, giữa khóa hai và khóa ba của Công Đồng, văn phòng thư ký gửi một văn thư cho ủy ban của chúng tôi: sơ đồ về truyền giáo cần được thu gọn xuống còn một hai đề nghị mà thôi. Không phải là một văn kiện dài và sâu sắc nữa, mà chỉ còn là một bảng liệt kê các đề nghị. Mục đích là đơn giản hóa công việc của Công Đồng và đem Công Đồng đến chỗ kết thúc vào khóa ba. Một vài nét nền tảng của văn kiện đã đủ rồi; các nét khác, bị các nghị phụ coi là kém quan trọng, cần được giới hạn trong một vài trang đề nghị. Có lời đồn đãi rằng chi phí cho các nghị phụ, vào khoảng 2,400 vị tất cả, và guồng máy của Công Đồng đã hoàn toàn vượt quá sức chịu đựng của Tòa Thánh. 

“Ủy ban về truyền giáo làm việc cật lực, kể cả ban đêm, để thoả mãn lời yêu cầu này, bằng cách cô đọng văn kiện vào 13 đề nghị. Nhưng vừa khi tin tức lọt tới tai các giám mục, nhiều cuộc phản đối bỗng nổ ra, đôi khi khá mạnh mẽ, như cuộc phản đối của Đức HY Frings của Cologne chẳng hạn. Ngài gửi nhiều thư cho các giám mục Đức và nhiều vị khác vận động họ phản đối: Chuyện gì xẩy ra thế này! Người ta vốn cho rằng cố gắng truyền giáo là chủ yếu đối với Giáo Hội, vậy mà giờ đây nó bị thu gọn vào mấy trang giấy hay sao? Không thể nào hiểu nổi, không thể nào, không thể nào chấp nhận được.

“Một nhóm giám mục lên tiếng yêu cầu hủy bỏ văn kiện về truyền giáo và tư liệu của nó được hoà nhập vào hiến chế Lumen Gentium về Giáo Hội. Các vị khác, đông hơn và sẵn sàng đấu tranh hơn (trong đó có các nhà truyền giáo ở hiện trường, mà chỉ cần nhìn tới ta cũng không thể nào nói không với họ được), đã bắt tay vào việc liên hệ bản thân, từng người một, với mọi nghị phụ, nhờ thế nhận được nhiều ủng hộ viên. Cuộc chiến đấu trong phiên khoáng đại đã đưa đến thành công: chỉ có 311 nghị phụ ủng hộ văn kiện thu gọn thành 13 đề nghị về truyền giáo, trong khi 1,601 nghị phụ yêu cầu sắc lệnh về truyền giáo được duy trì nguyên vẹn. Số phận của văn kiện này được quyết định trong khóa bốn của Công Đồng, là khóa dài nhất, từ ngày 14 tháng 9 tới ngày 8 tháng 12 năm 1965”. 

Một trong các điểm tranh cãi liên quan tới vai trò của Thánh Bộ “de Propaganda Fide” (Truyền Bá Phúc Âm) là: “Một đàng, có yêu cầu đòi hủy bỏ thánh bộ phúc âm hóa người không phải là Kitô hữu. Nhưng ngược lại, nhiều nghị phụ yêu cầu phải cải tiến thánh bộ này, phục hồi nó trở lại vai trò lãnh đạo, vượt quá chức năng chỉ có tính pháp chế và tài trợ các giáo phận truyền giáo mà nó vẫn đảm nhiệm xưa nay. 

"Thực thế, từ lúc khai sinh năm 1622 cho tới đầu thế kỷ 20, ‘Propaganda Fide’ vốn có một vai trò mạnh mẽ và sôi động về chiến lược và tài lãnh đạo cụ thể trong công trình truyền giáo cũng như trong sinh hoạt của các định chế và của chính các nhà truyền giáo. Nhưng rồi, vai trò của nó giảm dần trong khi văn phòng quốc vụ khanh tăng thêm quyền lực, đối với các tòa khâm sứ liên hệ. Bởi thế, một số các vị giám mục truyền giáo muốn tăng cường thánh bộ truyền giáo, mà các vị cảm thấy nhất thiết phải được tự do hành động, vì tự do này đảm bảo chính tự do của các vị”. 

Cha Gheddo cho rằng lời yêu cầu như trên của các giám mục truyền giáo đã không được thỏa mãn “một phần vì khuynh hướng tập quyền hóa và độc điệu hóa việc quản trị Giáo Hội là điều không thể tránh được”. Tuy nhiên, về một điểm tranh cãi khác, các vị giám mục vùng Amazon lại đã đạt được thành công. Cha Gheddo viết: “Đây là một vấn đề đích thân tôi theo dõi. Đức Cha Arcangelo Cerqua, thuộc PIME, giám chức Parintins thuộc vùng Amazon, Ba Tây, và Đức Cha Aristide Pirovano, cũng thuộc PIME, giám chức Macapà ở Amazon, đã trở thành các vận động viên cổ vũ việc lồng ghi chú 37 của Chương 6 vào sắc lệnh Ad Gentes; ghi chú này coi các tòa giám chức của vùng Amazon ở Ba Tây (tất cả là 35 toà) và nhiều toà giám chức khác ở Châu Mỹ La Tinh tương đương với các lãnh thổ truyền giáo đặt dưới quyền giám sát của ‘Propaganda Fide.’. Nếu không, Châu Mỹ La Tinh sẽ bị loại khỏi sự trợ giúp vốn dành cho các công trình truyền giáo, việc mà hiện nó vẫn đang được hưởng. 

“Trong cuộc bầu phiếu có tính quyết định vào tháng 11 năm 1965, 117 nghị phụ thuộc châu Mỹ La Tinh bác bỏ bản văn đưa ra biểu quyết mà không nhắc chi tới các tòa giám chức. Qúa ít so với 2,153 phiếu bầu. Tuy nhiên, cùng một lúc, có 712 nghị phụ khác ủng hộ, nhưng “juxta modum” (với điều kiện sửa đổi). Do đó, bản văn phải được viết lại, vì nó không hội đủ đa số 2/3 phiếu ủng hộ. Nhờ thế, các tòa giám chức của Châu Mỹ La Tinh đã được liệt kê vào số các lãnh thổ được sự trợ giúp truyền giáo của Tòa Thánh”. 

Cha Gheddo bình luận: “Những sự kiện như trên, và còn nhiều sự kiện khác, như việc chấp nhận tính hợp đoàn của đức giáo hoàng với các giám mục đã xác nhận việc làm hiển nhiên của Chúa Thánh Thần trong việc hướng dẫn cuộc họp của Vatican II”. 

Cha Gheddo tiếp tục cho rằng điều ấy không thay đổi sự kiện này là trong khoảng thời gian giữa khóa hai và khóa ba của Vatican II, “tại ủy ban, có một cảm thức lo âu, thậm chí còn chán nản nữa. Bản văn gửi tới các giám mục vào mùa hè năm1965 dài hơn bản văn gồm 13 đề nghị trước đó đến năm lần, nên đã có cố gắng thu gọn nó lại. Thành công trong việc này xem ra không ai tin được. Nhưng trách vụ khó khăn nhất đối với ủy ban soạn thảo sẽ xẩy ra sau đó. Các tháng quyết định là tháng 10 và tháng 11. Bản văn được mở rộng để bao gồm khá nhiều nhận xét của các giám mục. Tháng 11, đa số 20 phiếu đã chấp thuận bản dự thảo này, nhưng với 500 trang “sửa đổi” gồm các gợi ý, các đề nghị tại cuộc họp khoáng đại yêu cầu phải được thêm vào hoặc sửa sai hay diễn tả cách khác. Chỉ còn non một tháng cho tới cuối tháng, và tình thế xem ra đến phải khởi sự lại từ đầu!

“Nhưng rồi, như có phép mầu, cuối cùng mọi sự cũng đã êm xuôi. Sắc lệnh này, trong toàn bộ, đã được chấp thuận vào phiên họp công cộng cuối cùng, với 2,394 phiếu thuận và chỉ có 5 phiếu chống; đây là mức nhất trí cao nhất trong các cuộc đầu phiếu của Công Đồng. ‘Chúa Thánh Thần quả đang hiện diện tại đây!’ Đó là lời phát biểu của Đức HY Agagianian, bộ trưởng ‘Propaganda Fide’ và là một trong 4 vị điều hợp viên của phiên khoáng đại”. 

Sau Công Đồng

Tuy thế, liền ngay sau Công Đồng, giấc mơ về một Ngày Hiện Xuống mới cho truyền giáo đã nhường bước cho một khuynh hướng trái ngược. Cha Gheddo nhắc lại như sau: “Bổn phận tôn giáo nhằm phúc âm hóa đã bị thu gọn lại thành một cam kết xã hội: điều quan trọng là yêu thương người lân cận của mình, là thực hiện các việc tốt, là làm chứng nhân của phục vụ, như thể Giáo Hội là một cơ quan trợ giúp và viện trợ khẩn cấp để sửa chữa các bất công và các thảm họa của xã hội. Phương pháp phân tích ‘khoa học’ của chủ nghĩa Mácxít cũng như chủ nghĩa thế giới đệ tam được nồng nhiệt hoan nghinh. Các ý tưởng hoàn toàn lầm lạc được tuyên xưng là chân lý, thí dụ việc người ta quay về với Chúa Kitô không còn quan trọng nữa, bao lâu họ chấp nhận thông điệp yêu thương và hòa bình của Phúc Âm”. 

Các khuynh hướng trên trở thành hiển nhiên cả nơi các vị giám mục tham dự Thượng Hội Đồng năm 1974 về phúc âm hóa. Nên Đức Phaolô VI, với tông huấn hậu thượng hội đồng Evangelii Nuntiandi, đã phải mạnh mẽ tái khẳng định rằng “về lâu về dài, dù các chứng nhân tươi đẹp nhất cũng tỏ ra vô hiệu nếu… không tuyên xưng tên, lời dạy, cuộc đời, các hứa hẹn, nước và mầu nhiệm của Chúa Giêsu Thành Nadarét, Con Thiên Chúa”. 

Cha Gheddo nhận định rằng: “Nhưng Đức Phaolô VI không được lắng nghe” Và do đó, vị kế nhiệm ngài là Đức Gioan Phaolô II, với thông điệp Redemptoris Missio năm 1990, đã phải chạm trán với bức tường vô tri. Cha Gheddo nhắc lại rằng ngài đã hợp tác với Đức Gioan Phaolô II trong việc soạn thảo văn kiện mới này: “Trong Giáo Triều Vatican, không ít người chống đối thông điệp này ngay trước khi nó được ban hành. Họ bảo: ‘một thông điệp là điều quá đáng, chỉ cần một tông thư là cùng, để kỷ niệm văn kiện của Công Đồng’. Nhưng cả sau khi đã được ban hành, Redemptorsi Missio vẫn bị nhiều nhà thần học, nhiều nhà truyền giáo học, và nhiều tập san truyền giáo trong Giáo Hội đánh giá thấp. Họ bảo: “Nó có nói được điều gì mới mẻ đâu!’ Nhưng sau khi nó dẫn nhập được nhiều ý tưởng mới và tuyệt đối có tính cách mạng mà ngay cả sắc lệnh Ad Gentes của Công Đồng cũng chưa đụng tới, như chương tựa là ‘Cổ Vũ Phát Triển bằng Việc Đào Tạo Lương Tâm’, Đức Gioan Phaolô II đã hoàn toàn có lý khi nhận xét rằng trong lịch sử Giáo Hội, thúc đẩy truyền giáo luôn là dấu chỉ của sinh khí, y hệt như việc giảm thiểu nó là dấu chỉ của khủng hoảng đức tin vậy”. 

Cha Gheddo nói tiếp: “Ngày nay, quan sát các tạp chí và sách vở, các hội nghị, các chiến dịch do các định chế và cơ quan truyền giáo phát động, người ta từng tự hỏi liệu Redemptoris Missio có được người ta hiểu và đem ra sống hay không. Ta phải trung thực trong vấn đề này. Việc giảm thiểu một cách trầm trọng con số ơn gọi truyền giáo một phần tùy thuộc cách người ta trình bày con số các nhà truyền giáo và việc truyền giáo tại các quốc gia. 

“Cách đây nửa thế kỷ, còn có những cuộc canh thức và diễn hành truyền giáo, với các nhà truyền giáo tại hiện trường xin Chúa ban cho nhiều ơn gọi đi truyền giáo tại các nước và khuyến khích giới trẻ hiến đời mình cho các xứ truyền giáo. Ngày nay, điều trổi hơn là việc huy động cho các vấn đề như buôn bán vũ khí, thu lượm chữ ký chống lại nợ nần ngoại quốc của các nước Châu Phi, nước nôi như tài nguyên công cộng, chống phá rừng v.v… Khi những vấn đề như thế trở thành tập chú của hoạt động truyền giáo, thì điều không thể tránh được là nhà truyền giáo sẽ trở thành tác nhân xã hội và chính trị. 

“Tôi tự hỏi: liệu ta còn có thể nghĩ rằng các thanh niên nam nữ sẽ bị lôi cuốn để trở thành các nhà truyền giáo được không khi họ chỉ được người ta dạy cách tố cáo và phản đối, cách thu lượm chữ ký chống vũ khí và nợ nần ngoại quốc? Để có được nhiều ơn gọi truyền giáo hơn, thanh niên nam nữ phải được Phúc Âm và đời sống tại các xứ truyền giáo lôi cuốn, họ phải si tình với Chúa Giêsu Kitô, vốn là trân châu bảo ngọc duy nhất của ta. Mọi điều khác sẽ tự nhiên mà đến”. 

Một chỉ thị đầy tin tưởng

Với Đức Bênêđíctô XVI, khán đài chính đã được dành cho cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa duy tương đối, chống lại ý niệm cho rằng mọi tôn giáo đều tốt như nhau và đều là đường dẫn tới ơn cứu rỗi. Trong số khá nhiều văn kiện của triều giáo hoàng hiện nay về chủ đề này, ta thấy một chỉ thị có tính tín lý của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đề cập tới một số khía cạnh của việc phúc âm hóa. 

Cha Gheddo bình luận như sau: “Chỉ thị này là ước muốn của Đức Giáo Hoàng và được ngài phê chuẩn; nó được công bố ngày 3 tháng 12, năm 2007, ngày lễ kính nhà truyền giáo tuyệt vời là Thánh Phanxicô Xavier; ấy thế nhưng nó gần như hoàn toàn bị báo chí Công Giáo và truyền giáo làm ngơ, dù đây là một văn kiện đáng được các định chế truyền giáo cấp giáo phận, báo chí, các nhóm và hiệp hội truyền giáo nghiên cứu và thảo luận hòng có được điểm qui chiếu chính xác trong bầu khí duy tục hóa và duy tương đối đang khiến ta mất hết la bàn giúp ta đi đúng đường”. 

Dù thế, Cha Gheddo vẫn tiếp tục tin tưởng và trình bày một ít con số để hỗ trợ niềm tin tưởng này: “Ngày nay đang có quá nhiều bi quan đối với sự hữu hiệu của việc truyền giáo giữa những người không phải là Kitô hữu. Thực tế có khác. Trong lịch sử hàng mấy thiên niên kỷ của Giáo Hội, chưa hề có một lục địa nào đã quay về với Chúa Kitô mau chóng bằng Châu Phi. Năm 1960, chỉ có chừng 35 triệu người Công Giáo Châu Phi với 25 giám mục bản xứ; ngày nay, con số họ là 172 triệu với khoảng 400 giám mục người Châu Phi. Theo cuộc nghiên cứu của Pew tại Hoa Thịnh Đốn, năm 2010, tại khắp Châu Phi mỗi bên Kitô Giáo và Hồi Giáo có dưới 500 triệu tín hữu, thì nay, riêng tại vùng Hạ Sahara mà thôi, ta có 470 triệu Kitô hữu và 234 triệu người Hồi Giáo. 

“Năm1960, Á Châu có 68 giám mục bản xứ và không nước nào có được sự gia tăng đều đặn con số người được rửa tội. Chỉ ở Ấn Độ là có tỷ số trở lại đáng kể, và ngày nay, ở đây có ít nhất 30 triệu người Công Giáo, gấp đôi con số chính thức. Điều ấy cũng đúng cho cả Nam Dương, Tích Lan, Miến Điện, Việt Nam, nơi người Công Giáo đang chiếm 10% trong số 85 triệu người Việt, với khá nhiều vụ trở lại và ơn gọi. Năm 1949, khi Mao lên cầm quyền, Trung Hoa có 3.7 triệu người Công Giáo; ngày nay, bất chấp bị bách hại, uớc tính vẫn có từ 12 tới 15 triệu người Công Giáo, còn tính chung Kitô hữu thì lên khoảng từ 45 tới 50 triệu người. Tại Nam Hàn, nơi có tự do tôn giáo và số thống kê đáng tin, hiện có hơn 5 triệu người Công Giáo, chiếm 10.3 phần trăm dân số Nam Hàn, còn tính chung Kitô hữu thì chiếm tới 30 phần trăm dân số. 

“Hiệu quả tích cực của Công Đồng và của đức giáo hoàng là điều hiển nhiên trong việc thăng tiến các giáo hội trẻ, mà hiện đã trở thành truyền giáo bên ngoài lãnh thổ của họ, tới tận Tây Phương. Phải loại bỏ các khuôn thước định kiến cho rằng việc truyền giáo cho các dân tộc đã chấm dứt và không còn hiệu quả nữa, vì các khuôn thước này không phù hợp chút nào với các sự kiện thực tế.

“Đức Gioan Phaolô II viết trong Redemptoris Missio rằng: ‘Việc truyền giáo cho các dân tộc chỉ mới bắt đầu’. Ta không biết kế hoạch của Thiên Chúa, nhưng thời kỳ lắng đọng của truyền giáo hiện nay hình như vẫn mang ý nghĩa tích cực của nó. Có lẽ một nửa thế kỷ sau ta sẽ hiểu được nó hơn”. 

Theo Sandro Magister, 9 tháng 11, 2012, www.chiesa.espressonline.it
(vietcatholic.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét