Trang

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

24-01-2016 : (phần I) CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN năm C

24/01/2016
Chúa Nhật 3 Quanh Năm Năm C
(phần I)


Bài Ðọc I: Nkm 8, 2-4a. 5-6. 8-10
"Họ đọc trong sách Luật và người ta hiểu được điều đã đọc".
Trích sách Nơ-khe-mia.
Ngày ấy, thầy tư tế Esdras mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật. Thầy thư ký Esdras đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa, và người ta hiểu được điều đã đọc. Nơ-khê-mia là tổng trấn, Esdras là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: "Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta; anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc". Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật. Họ nói với dân chúng rằng: "Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gửi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh, dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh chị em!"
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 15
Ðáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6, 64b).
Xướng: 1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. - Ðáp.
2) Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. - Ðáp.
3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy. - Ðáp.
4) Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên nhan, lạy Chúa là Tảng Ðá, là Ðấng Cứu Chuộc con. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 12-30 (bài dài)
"Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Nếu chân nói rằng: "Vì tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc thân xác", có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Và nếu lỗ tai nói rằng: "Vì tôi không phải là con mắt, nên tôi không thuộc về thân xác", có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Nếu toàn thân xác là một, thì đâu là thính giác? Nếu toàn thân xác là tai, thì đâu là khứu giác? Vậy, Thiên Chúa đã đặt các chi thể, và mỗi chi thể ở trong thân xác như ý Người muốn. Nếu tất cả đều là một chi thể, thì còn đâu là thân xác? Thật vậy, có nhiều chi thể, nhưng có một thân xác. Con mắt không thể nói với bàn tay: "Ta không cần mi". Ðầu cũng không thể nói với chân: "Ta không cần các ngươi". Nhưng hơn thế nữa, các chi thể thân xác xem như yếu hơn, lại cần thiết hơn. Và những chi thể ta coi là ít vinh dự nhất, lại là những chi thể chúng ta đặt cho nhiều vinh dự hơn; và những chi thể thiếu trang nhã lại được ta trang sức hơn, còn những chi thể trang nhã lại không cần như thế: nhưng Thiên Chúa đã sắp đặt thân xác, cho cái thiếu vinh dự được vinh dự hơn, để không có sự bất đồng trong thân xác, mà là để các chi thể đồng lo công ích cho nhau. Nếu một chi thể phải đau, tất cả các chi thể khác đều phải đau lây; hoặc một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi thể cùng chia vui.
Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể của Người, mỗi người có phận sự mình. Có những người Thiên Chúa đã thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các tông đồ, rồi đến các tiên tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư?
Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: 1 Cr 12, 12-14. 27
"Anh em là thân xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể Người, mỗi người có phận sự mình.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 4, 18-19
Alleluia, alleluia! - Chúa đã sai con đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 1-4; 4, 14-21
"Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.
Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:
"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng".
Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Ðức Giêsu rao giảng Tin Mừng trong nguyện đường ở Nadarét
Trọng tâm của bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe cũng là đề tài chính của toàn thể Lời Chúa hôm nay: chúng ta thấy Ðức Giêsu đứng công bố Tin Mừng trong nguyện đường ở Nadarét. Như vậy, câu chuyện Ezra đứng đọc luật pháp Môsê ở trước mặt con cái Israen như bài đọc I hôm nay kể lại, chỉ là hình ảnh báo trước việc Chúa Kitô sẽ rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Và như thế sinh hoạt của Hội Thánh hiện nay như thư Côrintô kể, cũng chỉ là hiệu quả của việc công bố Tin Mừng này. Chúng ta hãy suy nghĩ về cả ba bài đọc để hiểu rõ Lời Chúa muốn nhắn nhủ chúng ta những gì chung quanh việc công bố Tin Mừng.

1. Công Bố Tin Mừng Ðể Triệu Tập Dân Chúa
Bài sách Nêhêmya đưa chúng ta trở về thời sau lưu đày trong lịch sử Israen, vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Ðức Giêsu giáng sinh... Nhà cầm quyền Ba Tư bấy giờ cho phép các dân bị trị được phục hồi các truyền thống của dân tộc mình. Con cái Israen được khuyến khích bỏ đất Babylon để trở về quên quán. Họ dựng lại đền thờ và tái thiết Giêrusalem. Công việc gặp nhiều khó khăn.
Trước hết phần lớn những người Do Thái làm ăn được ở đất khách, không muốn trở về. Những người yêu nước và tha thiết với quê cha đất tổ, muốn trở về nhưng lại ít phương tiện. Rồi về đến nơi, họ lại gặp thái độ thù địch của dân đã đến sinh sống tại Giêrusalem trong thời gian lưu đày. Do đó việc trùng tu thánh điện tiến hành rất chậm. May có Ezra và Nêhêmya.
Hai người có uy tín với triều đình Ba Tư. Ezra là tư tế. Nhưng ở đất lưu đày không có nơi phụng thờ Giavê, ông đã chuyên khảo và suy niệm luật pháp Môsê. Ðang khi ấy Nêhêmya được giữ chức tiến rượu trong đền Vua, nhưng lòng vẫn hướng về Giêrusalem. Khi được tin công việc phục hưng xứ sở gặp nhiều khó khăn, ông đã xin phép hồi hương và được nhà vua phong làm Tổng đốc Giêrusalem. Nhờ sắc phong này ông đã giúp đồng bào xây dựng lại được tường thành để có thể sống yên ổn đối với dân đã đến lập cư tại Giêrusalem trong thời gian lưu đày. Nhưng thành quách chỉ là giới hạn bên ngoài. Muốn củng cố tinh thần của đồng bào ông và xây dựng lại cộng đồng con cái Israen, cần phải có luật pháp. Và đây là phần đóng góp của Ezra.
Bài đọc I hôm nay giới thiệu ông trong vai trò luật sĩ hơn là tư tế. Và rõ ràng con cái Israen đã cử hành phụng vụ Lời Chúa chứ không phải là phụng vụ tế lễ.
Ðó là đặc điểm của Do Thái giáo sau lưu đày. Toàn dân tập họp lại đủ mọi thành phần già trẻ, trai gái. Và trăm người như một. Tất cả đều chăm chú nhìn vào thầy Ezra đang "kiệu" sách Luật lên đứng trên một bục gỗ cao, kê quay xuống quần chúng... chung quanh thầy có các phụ tế, tăng thêm vẻ trang trọng cho việc công bố Lời Chúa sắp cử hành. Thầy Ezra bắt đầu bằng mấy lời chúc tụng danh Chúa. Cộng đoàn sốt sắng đáp lại bằng những chữ "Amen, Amen", kèm theo lễ nghi phủ phục thờ lạy. Rồi Thầy Ezra bắt đầu đọc Lời Chúa trong sách Luật. Thầy đọc dễ dàng, trang trọng. Nhưng sách viết bằng chữ Hipri. Rất nhiều người trong dân chúng không hiểu thứ tiếng ấy một cách dễ dàng nữa. Ít ra họ cũng thấy có nhiều điều khó hiểu khiến Nêhêmya và các phụ tế phải giúp thầy Ezra giải nghĩa cho dân. Càng nghe con cái Israen càng bùi ngùi xót xa. Họ thấy Chúa thương dân đến như vậy mà cha ông họ đã không nghe tiếng Người. họ thấm thía những hình phạt mà Người đã buộc lòng phải gửi đến. Nước mắt họ trào ra... Cả Nêhêmya và Ezra phải vội vàng tuyên bố: Hôm nay là ngày thánh, không được khóc như vậy... Ðúng hơn phải biến những giọt lệ xót xa vì tội lỗi nên niềm tin và ơn Chúa cứu độ. Nên hãy ăn uống và chia phần cho mọi kẻ đang túng thiếu.
Rõ ràng buổi phụng vụ Lời Chúa theo sách Nêhêmya chúng ta vừa đọc có những nét rất gần với nghi thức công bố Lời Chúa trong các buổi phụng vụ của chúng ta ngày nay. Ðó là khởi nguyên để chúng ta hoàn thành. Chúng ta nhất định phải làm tốt hơn con cái Israen ngày xưa. Họ đã tập họp đầy đủ, các thành phần già trẻ, trai gái. Gia đình chúng ta có thể làm được như vậy chứ! Họ đã nghiêm chỉnh, chăm chú nhìn vào người đọc và lắng nghe Lời Chúa. Họ lại chẳng chịu để lời nào nghe mà không hiểu, nhưng đã đòi được giải thích. Chúng ta có làm như vậy không? Nhất là họ để cho Lời Chúa, lương tâm khiến họ có thái độ thống hối ăn năn và quyết tâm sửa mình. Chúng ta cũng cần biến việc đọc và nghe Lời Chúa nên như cơ hội để thực hiện mầu nhiệm tử nạn phục sinh hầu tìm thấy ơn cứu độ của Chúa trong việc đọc và nghe Lời sách thánh.
Ước gì Lời Chúa từ nay trở thành sức mạnh tập họp và thánh hóa gia đình chúng ta và giáo xứ chúng ta. Có như vậy chúng ta mới hơn được con cái Israen ngày xưa.
Tuy nhiên chúng ta phải dành cho việc công bố Lời Chúa trong nhà thờ một địa vị quan trọng hơn. Và cho được như thế chúng ta hãy xem bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Ðức Giêsu rao giảng Tin Mừng trong nguyện đường ở Nadarét.

2. Dân Chúa Hiểu Tin Mừng Theo Ðức Giêsu
Chúng ta hãy tạm không nói đến những lời đầu tiên trong bài Tin Mừng hôm nay. Ðó cũng là những lời mở đầu của sách Tin Mừng theo thánh Luca. Rồi đây, chúng ta sẽ thấy rất ý nghĩa. Nhưng chúng ta hãy nhìn thẳng vào trọng tâm của bài Tin Mừng này.
Luca tóm tắt cho chúng ta thấy, Ðức Giêsu bấy giờ đầy Thánh Thần. Người ra khỏi sa mạc hẻo lánh sau 40 ngày đêm chay tịnh. Người trở về Galilê. Chắc chắn đi đến đâu Người cũng rao giảng Tin Mừng và chữa nhiều bệnh tật. Thế nên tiếng tăm Người đã đồn ra khắp nơi. Người ta đã nhiều lần hoan hô Người khi Người lên tiếng giảng dạy trong các hội đường. Vậy, Người đến Nadarét nơi Người sinh trưởng. Và theo tục lệ, người ta trao sách Thánh cho Người đọc... Người mở ra gặp trúng đoạn Isaia nói về người tôi tớ. Ðọc xong, Người gấp sách lại. Và trước mắt của trăm người như một đang hướng về Người. Người đã khởi sự giải thích Lời Chúa bằng những lời dễ dàng sau đây: "Lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe đọc, nay đang diễn ra".
Là vì người Tôi Tớ mà Thiên Chúa đã xức dầu Thánh Thần trong sách Isaia, không ai khác chính Người đang nói trước cử tọa trong nguyện đường ở Nadarét. Có lẽ khi viết những lời này, tác giả Isaia chỉ muốn chép quan niệm của các tiên tri về ơn gọi và sứ mạng của những người được Thiên Chúa cử làm ngôn sứ cho Người. Hết mọi người được trao phó sứ mạng rao truyền Lời Chúa đều được Người đổ Thần Linh của Người trong nghi lễ xức dầu mà sách các Vua I còn kể lại (19,16). Và sứ điệp mà họ phải tuyên bố chính là tin mừng cứu độ dành cho người khó nghèo, tù đày, để mọi nơi như được hân hoan cử hành những năm hồng ân đại xá mà nhân dân hằng mong ước. Những lời Isaia ấy hợp cho mọi ơn gọi ngôn sứ. Nhưng chắc chắn phải được dành riêng để nói về Người Tôi Tớ Ðức Giavê, một nhân vật mầu nhiệm trong sách Isaia mà chắc chắn chính là hình ảnh về Ðức Giêsu Kitô cứu thế.
Quả thật, ai đã được xức dầu Thánh Thần rõ ràng và dồi dào phong phú như chính Người sau khi chịu phép rửa ở sông Hòa Giang? Và vị tiên tri nào đã giảng dạy mà gây được niềm vui cứu độ như Người đã làm khi bỏ sa mạc trở về Galiêa? Nhiều bệnh nhân đã khỏi. Có những kẻ mù được trông thấy. Con người khó nghèo, tù đàuytrong cảnh lầm than không đang được giải thoát đó sao? Và khắp nơi đang nổi lên bầu khí hân hoan của những năm hồng ân đại xá. Ðức Giêsu thật có lý để tuyên bố: những lời tiên tri đang được thực hiện... và được thực hiện nhờ Người, do Người. Và người ta phải công nhận như vậy.
Có điều người ta chưa nhận ra đủ là Ðức Giêsu còn muốn đồng hóa mình với Người Tôi Tớ của Thiên Chúa mà Isaia muốn nói đến trong đoạn tiên tri này. Người không phải chỉ là tiên tri nhưng còn hơn tiên tri. Người đến không phải để chỉ công bố năm hồng ân, nhưng còn để thực hiện ơn cứu độ. Bà con thân thuộc của Người ở Nadarét chưa nhận ra điều ấy và sẽ không chấp nhận như chúng ta sẽ thấy trong ngày Chúa nhật sau. Họ không bằng lòng khi vừa nghe Người khẳng định Người là Ðấng Thiên Chúa sai đến vì trong thâm tâm, họ chỉ chờ được hưởng thụ những phép lạ mà Isaia đã loan báo và nghe rằng Người đã làm ở những nơi khác.
Luca viết đoạn Tin Mừng này không nhằm vào chúng ta đó sao? Lòng tin của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô dường như chưa thật vững chắc vì âm thầm có lẽ chúng ta cũng đang tiếc xót việc người không làm nhiều phép lạ ở giữa chúng ta. Người đã làm ở đất thánh ngày xưa, cho những người thời bấy giờ. Còn ngày nay đối với chúng ta, dường như Người không làm gì cả nhưng chỉ đòi chúng ta tuyên xưng Người là Ðấng Thiên Chúa xức dầu và sai đến...
Chính vì vậy Luca đã viết đoạn Tin Mừng này. Người viết cả quyển Tin Mừng thứ ba để, như trong lời mở đầu, chúng ta được am tường rằng giáo huấn chúng ta thụ lĩnh thực là đích xác. Và cho được như vậy Luca đã phải truy tầm gốc ngọn về mọi sự một cách tường tận rồi theo thứ tự đầu đuôi mà viết lại theo như các kẻ từ đầu đã được chứng kiến và phục vụ Lời Chúa đã truyền lại. Luca đã muốn cho tác phẩm của Người có giá trị đích xác để giúp chúng ta tin.
Nhưng thiết tưởng Người cũng đã làm gương để những ai muốn tin Chúa Giêsu Kitô cũng phải đào sâu giáo lý đã thụ lãnh. Không có sự truy tầm và suy niệm này, đức tin sẽ không chắc chắn và đích xác. Chúa Giêsu Kitô sẽ không rõ rệt ở trước mắt chúng ta. Người sẽ trở thành một nhân vật thuộc quá khứ hơn là hiện tại. Chúng ta sẽ thấy Người sống với dân Do Thái hơn là sống với chúng ta. Là vì chúng ta không thấy lời tiên tri đang thực hiện ở giữa chúng ta. Chúng ta đọc Kinh Thánh như những sự việc đã xảy ra mà đồng thời không thấy chúng diễn tả mầu nhiệm Ðức Kitô đang muốn ban ơn cứu độ cho mọi người. Nghĩa là không những chúng ta phải biết cử hành phụng vụ Lời Chúa như bài đọc I hôm nay đã cho chúng ta thấy. Nhưng chúng ta còn phải biết cử hành mầu nhiệm Ðức Kitô để Lời Chúa trở nên bánh nuôi tinh thần nữa. Và chúng ta chỉ làm được công việc này nhờ Hội Thánh và trong Hội Thánh vì chỉ ở đây mới có phụng vụ Lời Chúa. Nhưng phải làm thế nào để có thể ở trong Hội Thánh?

3. Chúa Giêsu Kết Hợp Chúng Ta Trong Hội Thánh
Bài thư Phaolô hôm nay viết về Hội Thánh một cách đơn sơ nhưng không kém phần sâu xa, và nhất là có giá trị rất thực tiễn. Tất cả chúng ta ở trong Chúa Giêsu như các chi thể khác nhau ở trong cùng một thân thể. Thế thì cũng như các chi thể của một thân thể không phủ nhận và từ chối nhau, thì chúng ta cũng phải chấp nhận và mật thiết kết hợp với nhau ở trong Chúa Giêsu. Các phận vụ ở trong Hội Thánh rất khác nhau, vì Người được ơn gọi làm tông đồ, kẻ được Chúa gọi làm tiên tri... nhưng đó là để ai theo phận nấy mà làm bộ phận cho thân thể. Không do một thân thể con người? Chẳng bao giờ mắt muốn mọi bộ phận khác trong con người phải như mình... vì như vậy chỉ có ngàn mắt mà không có thân thể.
Cũng thế muốn có thân thể mầu nhiệm của Ðức Kitô, mỗi người phải chấp nhận cho người khác đóng vai trò của họ và hơn nữa phải biết đau với bộ phận đau, vinh dự với bộ phận cinh dự. Nói cách khác, theo kiểu so sánh này, muốn thấy Chúa Giêsu Kitô còn tiếp tục hoạt động trong Hội Thánh để chúng ta được kết hợp với Người, ai ai cũng phải tôn trọng người khác và liên kết cộng tá với họ như các bộ phận trong một thân thể.
Hơn nữa, như lời Phaolô ám chỉ trong bài thư hôm nay mọi người phải chiếu cố hơn đến những bộ phận được coi như yếu hơn và không trang nhã mấy.
Ðó chẳng phải là thái độ và sứ mệnh của chính Ðức Kitô sao? Người được sai đến như người tôi tớ được xức dầu Thánh Thần để đem Tin Mừng đến cho người nghèo khó, kẻ tù đày... Bài Tin Mừng Luca đã cho chúng ta thấy rõ Người đến thực hiện mọi lời Tiên Tri. Người thật là vị được tuyển chọn để công bố lời cứu độ mà Ezra xưa chỉ là hình bóng xa xôi. Người còn tiếp tục sứ mạng ấy trong Hội Thánh là thân thể có đầy đủ mọi bộ phận khác nhau nhưng bổ túc cho nhau. Chính khi kết hiệp với nhau mà các phần tử trong Hội Thánh thấy mình đang được thần trí của Chúa Giêsu Kitô làm cho sống động và mới thấy Người dang sống động trong Hội Thánh.
Thế nên chúng ta họp nhau lại để nghe Lời Chúa như con cái Israen xưa, thì chưa đủ. Chúng ta cùng nhau tham dự vào Mình Máu Chúa Giêsu để kết hợp với Người, như Người đã ở giữa cử tọa hội đường Nadarét xưa cũng chưa đủ. Nhận lãnh thần trí của Người rồi, chúng ta còn phải tôn trọng và muốn hợp tác với anh em, trong các công việc chung nữa, thì mới hiện đại hóa mầu nhiệm Chúa Giêsu đang cứu độ và cứu thế.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật III Thường Niên, Năm C
Bài đọc: Neh 8:2-4a, 5-6, 8-10; I Cor 12:12-30; Lk 1:1-4, 4:14-21.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sách Thánh giúp con người giải quyết mọi vấn nạn của cuộc đời.
Thiên Chúa không để con người lầm lẫn trong tối tăm của thế giới, Ngài ban cho con người một tấm gương soi là Kinh Thánh, Lời của Người. Con người có thể nhìn vào đó để nhận ra lỗi lầm quá khứ, để phiên dịch những gì đang xảy ra trong hiện tại, và để biết chuẩn bị cho tương lai đang tới. Điều cần là con người phải bỏ thời giờ để học hỏi và hiểu biết Kinh Thánh; nếu không, con người sẽ lầm lẫn trong bóng tối của cuộc đời, và không biết cách giải quyết những vấn nạn của cuộc sống.
Các Bài Đọc hôm nay nêu bật những ví dụ cụ thể của việc áp dụng Kinh Thánh trong cuộc đời. Trong Bài Đọc I, nhiều người Do-thái không hiểu lý do Thiên Chúa để Đền Thờ bị phá hủy, quốc gia bị xâm lăng, và dân chúng phải chịu lưu đày cực khổ khắp nơi. Trong ngày khánh thành Đền Thờ mới, tư tế Ezra cho đọc Sách Luật và các thầy Lêvi thay phiên nhau cắt nghĩa cho dân chúng. Họ hiểu ra lý do của những tai ương là tội của toàn dân đã khinh thường Lời Chúa và đã không thi hành Lề Luật. Họ khóc vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa hằng yêu thương và săn sóc họ.
Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô đưa ra một ví dụ về thân thể mà con người có thể áp dụng trong cuộc sống để bảo trì sựhiệp nhất, thực thi đức bác ái, và cùng nhau xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô đến mức thập toàn. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng lời ngôn sứ Isaiah để nói cho khán giả biết Ngài chính là sự ứng nghiệm của những lời ấy.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Toàn dân đều khóc khi nghe lời sách Luật.
1.1/ Sách Thánh giúp dân chúng hiểu biết những gì đang xảy ra trong cuộc đời: Hoàn cảnh lịch sử của trình thuật hôm nay là ngày khánh thành Đền Thờ thứ hai. Sở dĩ có ngày khánh thành Đền Thờ thứ hai là Thiên Chúa đã đổi lòng vua Ba-tư là Cyrus và Darius, để hai vua này ban chiếu chỉ phóng thích cho dân Israel được hồi hương và giúp đỡ tài chánh để xây dựng lại Đền Thờ. Tư tế Ezra "đem sách Luật ra trước mặt cộng đồng gồm đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đứng ở quảng trường phía trước cửa Nước, đọc sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻem đã tới tuổi khôn. Ông đọc từ sáng sớm tới trưa, và toàn dân lắng tai nghe sách Luật."
Sự kiện đọc Sách Luật và giải thích cho dân chúng nghe hôm nay là một hiện tượng mới. Trước năm 538 BC, người Do-thái chỉ biết nghe theo lời những người lãnh đạo và các ngôn sứ của Thiên Chúa gởi tới, cầu nguyện và dâng lễ vật đền tội trong Đền Thờ. Sau biến cố này, người Do-thái thiết lập các hội đường để thường xuyên cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh trong ngày Sabbath. Việc nghe Kinh Thánh giúp dân chúng nhận ra tội lỗi của họ đã xúc phạm đến tình thương của Thiên Chúa; đó là lý do dân chúng khóc vì nhận ra họ đã không trung thành với Thiên Chúa.
1.2/ Khinh thường Kinh Thánh là nguyên do của mọi đau khổ trong cuộc đời: Trong trình thuật hôm nay, dân chúng phải nghe giảng giải Kinh Thánh từ sáng sớm tới trưa, chứ không phải chỉ 15 phút trong thánh lễ mỗi tuần như nhiều người quan niệm. "Ông Ezra và các thầy Lêvi đọc rõ ràng và giải thích sách Luật của Thiên Chúa, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì các ông đọc."
Điều mọi người đều nhận ra là Kinh Thánh không dễ hiểu, và có rất nhiều những giải thích sai lạc. Để hiểu, con người cần có thời giờ chuẩn bị tâm hồn cho tâm hồn lắng đọng và xin Thánh Thần soi sáng trước khi nghe Lời Chúa. Ngoài ra, dân chúng cần có những người chuyên môn am tường Kinh Thánh như các thầy Levi, để cắt nghĩa cho dân chúng về ý nghĩa và cách áp dụng Kinh Thánh trong cuộc sống.
Kinh Thánh không phải là thứ sách đọc qua rồi bỏ; nhưng là tấm gương soi để con người thường xuyên dựa vào đó để xét mình xem coi mình đã thực hành Lời Chúa được đến đâu. Kinh Thánh giúp con người nhận ra những lỗi lầm họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa và đến tha nhân.
Kinh Thánh là nguồn khôn ngoan giúp con người dựa vào đó để tìm ra những giải pháp cụ thể cho mọi vấn nạn của cuộc đời. Thực hành những điều Thiên Chúa dạy dỗ sẽ giúp con người tránh được tội lỗi và những đau khổ sẽ xảy đến trong tương lai. Ngoài ra, Kinh Thánh giúp con người nhận ra tình thương Thiên Chúa và trung thành với Ngài trong suốt cuộc đời.
2/ Bài đọc II: Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn.
Trình thuật hôm nay muốn nhấn mạnh đến mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và với tha nhân nằm trong kếhoạch quan phòng của Thiên Chúa. Hiểu biết nền thần học thân thể của Phaolô sẽ giúp chúng ta loại bỏ những chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, kỳ thị, và hưởng thụ; đồng thời sẽ giúp chúng ta biết xây dựng gia đình, cộng đoàn, xã hội và Giáo Hội được bình an, tăng trưởng, và hạnh phúc.
2.1/ Phận vụ của các chi thể trong một thân thể: Thánh Phaolô liệt kê những kiến thức căn bản về thân thể:
- thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều chi thể, mà các chi thể của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể;
- các chi thể đều thuộc về thân thể cho dù chúng muốn hay không. Ví dụ, giả như chân có nói: "Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể", thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như tai có nói: "Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể," thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể;
- mỗi chi thể đều cần thiết cho thân thể hoạt động theo ý định của Thiên Chúa: "Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? Giả như tất cả chỉ là một chi thể, thì làm sao mà thành thân thểđược?"
- những chi thể xem ra yếu đuối nhất lại được coi là cần thiết nhất; và những chi thể coi là tầm thường nhất, lại được tôn trọng hơn cả;
- tất cả các chi thể đều góp phần trong việc xây dựng thân thể: nếu một chi thể đau, thì toàn thân đều đau.
2.2/ Mỗi người tín hữu là chi thể của một Nhiệm Thể là Hội Thánh và Đức Kitô là Đầu: Thánh Phaolô áp dụng sự phân tích về thân thể vào Nhiệm Thể của Đức Kitô. Ngài dùng câu so sánh: "Đức Kitô cũng vậy."
- tất cả chúng ta, dầu Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trởnên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.
- mỗi người được Thánh Thần ban cho mỗi đặc sủng khác nhau: người được ơn làm phép lạ, người được đặc sủng đểchữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ.
- đặc sủng khác nhau đưa đến những ơn gọi khác nhau: Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy...
- đừng bắt người khác giống mình, vì điều đó đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa và không mang lại kết quả tốt đẹp: "Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ, ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao?"
3/ Phúc Âm: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe."
3.1/ Mục đích của thánh sử Lucas khi viết Tin Mừng: Tin Mừng được viết cho một khán giả đặc biệt và mục đích được Lucas tuyên bố rõ ràng: "Thưa ngài Theophile đáng kính ... mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc."
Theo truyền thống Do-thái, lời chứng của hai, ba, hay nhiều người, là lời chứng vững chắc. Lucas nhắc nhở lời chứng của thế hệ thứ hai, những người đã nghe thế hệ thứ nhất thuật lại: "Có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta." Và Lucas thêm vào lời chứng của mình: "Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài." Điều cần lưu ý ở đây về cách cấu trúc văn chương của đoạn văn: cả đoạn đều là một câu; việc chia thành 4 câu là công việc của các học giả Kinh Thánh sau này.
3.2/ Chúa Giêsu đọc và giải thích Kinh Thánh.
(1) Chúa Giêsu nhận ra tầm quan trọng của việc đọc và dạy dỗ Kinh Thánh: Trình thuật kể: "được Thánh Thần thúc đẩy Ngài đi khắp miền Galilee để giảng dạy dân chúng trong các hội đường." Như đã nói trên, kể từ thời Ezra trở đi, người Do-thái có thói quen thành lập các hội đường tại địa phương để cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh mỗi ngày Sabbath. Trong trình thuật hôm nay, "Đức Giêsu trở về Nazareth, nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabbath, và đứng lên đọc Sách Thánh."
(2) Ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaiah. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa." Đây là lời của ngôn sứ Isaiah, 61:1-2a, về sứ vụ của ông nhận được từ Thiên Chúa, để loan tin cho dân Do-thái nơi lưu đày biết họ sắp được phóng thích để hồi hương.
Chúa Giêsu bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." Đoạn văn của Isaiah không chỉđúng cho Isaiah và người đương thời của ông, mà còn đúng cho Chúa Giêsu và khán giả thời của Ngài. Thánh Thần cũng xức dầu cho Đức Kitô trong biến cố Ngài chịu phép rửa tại sông Jordan. Ngài cũng được sai đi để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, không chỉ cho dân Do-thái, mà còn cho tất cả mọi người. Ngài giải thoát con người không phải khỏi ách nô lệ của ngoại bang, nhưng là ách nô lệ của tội lỗi và các quyền lực của ma quỉ.
Lời Kinh Thánh vẫn tiếp tục ứng nghiệm mỗi ngày trong cuộc đời cho đến tận thế. Là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta cũng nhận lãnh sứ vụ rao truyền Tin Mừng để giải thoát con người khỏi ảnh hưởng của những gian trá và tội lỗi. Khi chúng ta thực hành những gì Kinh Thánh dạy, chúng ta tìm thấy niềm vui và được hưởng những hiệu quả tốt đẹp. Ngược lại, khi chúng ta không làm những gì Kinh Thánh dạy, chúng ta không có sự bình an và phải lãnh nhận mọi đau khổ do tội lỗi mang lại.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Lời Chúa là ánh sáng soi đường, là tấm gương soi chiếu cuộc đời, là nguồn khôn ngoan giúp chúng ta nhận ra sự thật và giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống.
- Chúng ta cần biết tận dụng thời giờ để học hỏi và cố gắng thực thi Lời Chúa để tránh được những đau khổ không cần thiết trong cuộc đời. Nếu không chịu học hỏi, chúng ta sẽ lầm lũi trong đêm tối và phải lãnh nhận mọi hậu quả không tốt đẹp.
- Lời Chúa giúp chúng ta không những nhận ra những gian trá của ba thù, mà còn giúp chúng ta biết cách thức xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô, mang bình an và hạnh phúc đến cho cá nhân và cộng đoàn.
- Lời Chúa vẫn tiếp tục ứng nghiệm hằng ngày trong cuộc đời mỗi người, gia đình, và nhân loại.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

24/01/16 CHÚA NHẬT TUẦN 3 TN – C 
Lc 1,1-4;4,14-21

Suy niệm: Tại một số thành phố lớn, trên những tuyến đường sang trọng mọc lên những tấm biển cấm đánh giày, cấm bán hàng rong, cấm lưu thông các loại xe thô sơ, xe ba bánh, xe đẩy… Để đảm bảo vẻ mỹ quan thành phố, vì sự nghiệp phát triển, đám lê dân “trán dồ, răng hô” không có chỗ trên sân chơi “đẳng cấp” đó. Bức tranh thế giới hiện đại được khắc hoạ bằng những nét thật khốc liệt: Hố ngăn cách ngày càng lớn giữa một thiểu số chiếm hữu phần lớn tài nguyên trong khi đại đa số nhân loại chia nhau phần nhỏ còn lại. Ngay từ đầu cuộc sống công khai, Chúa Giê-su đã xác định đường hướng cho sứ vụ của Ngài là loan báo Tin Mừng cho người nghèo, không loại trừ ai. Lời tiên tri I-sa-i-a ứng nghiệm khi chính Ngài mặc lấy thân nô lệ, hạ mình vâng lời chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2,7-8) để mở ra “một năm hồng ân của Chúa.”
Mời Bạn: Năm Thánh “Lòng Thương Xót” là thời gian cao điểm để Hội Thánh là hiền thê của Đức Ki-tô “noi theo cách sống của Ngài, Đấng đến với mọi người không trừ ai,”tiếp tục sứ mạng “loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa” để nhờ đó Thiên Chúa có thể “đụng chạm tới con tim và khối óc của con người” (Tông Sắc, số 12).
Sống Lời Chúa: Từ bỏ hưởng lợi cách ích kỷ để sẵn sàng chia sẻ với tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin biến đổi chúng con nên giống Chúa, là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình, để chúng con, với lòng hăng say mới, sẵn sàng đem Tin Mừng đến cho người nghèo, bị áp bức, bị lãng quên.

NĂM HỒNG ÂN CỦA CHÚA
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Chúng ta phải có thể nói một câu tương tự như Ðức Giêsu. Có nhiều đoạn Lời Chúa chẳng được ứng nghiệm bao giờ vì thiếu sự cộng tác của bản thân...


Suy nim:
Khi đã khá có tiếng tăm ở vùng Galilê,
Ðức Giêsu trở về Nadarét, nơi Ngài sinh trưởng.
Làm sao Ngài quên được mảnh đất làng quê đã ấp ủ mình,
nơi có bà con họ hàng, láng giềng, bè bạn.
Hơn nữa Ngài cũng không cắt đứt với tôn giáo của cha ông.
Ngài vẫn là một người Do Thái ngoan đạo,
quen lui tới hội đường cùng với dân làng vào ngày sabát,
để thờ phượng Thiên Chúa mà Ngài âu yếm gọi là Cha.
Chúng ta cần chiêm ngắm Ðức Giêsu đứng đọc Sách Thánh.
rồi ngồi xuống giải thích Lời Chúa cho mọi người.
Cử chỉ của Ngài thật trang trọng, đĩnh đạc,
khi nhận sách, mở sách, cũng như khi cuộn sách để trả lại.
Có một bầu khí cầu nguyện sâu lắng ở hội đường.
Mọi người đều chăm chú nghe lời Ngài giảng.
Ðoạn sách Ngài đọc hôm ấy là của ngôn sứ Isaia.
Isaia đã nói lên ơn gọi và sứ mạng của mình.
Ông được xức dầu để trở thành ngôn sứ
cho những người Do Thái mới thoát khỏi cảnh lưu đày.
Ông được sai đi để loan báo thời cùng khốn đã chấm dứt
và công bố khai mở một thời kỳ đầy ân sủng và tự do.
Ðức Giêsu đã bị đánh động bởi đoạn sách này.
Ngài thấy nó phản ánh chính ơn gọi và sứ mạng của mình.
Ðây là một hướng đi mà Ngài phải theo đuổi,
một chương trình hành động mà Ngài muốn hoàn thành.
Ðức Giêsu là người đầy tràn Thánh Thần cách đặc biệt.
Thánh Thần chi phối toàn bộ lời nói, việc làm của Ngài.
Ngài được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo,
nghèo tiền bạc, nghèo sức khỏe, nghèo tiếng nói.
Ngài được sai đến với những kẻ bị giam cầm
bởi nỗi lo sợ, bởi thành kiến, bởi ích kỷ tham lam.
Ngài cho người mù được sáng mắt và thấy trong niềm tin.
Ngài trả lại tự do cho cả người bị áp bức
lẫn người gây áp bức bóc lột.
Ngài mời gọi cả hai sống thanh thoát như Ngài,
sống như con của Cha và anh em của nhau.
Ngài khai mạc một Năm Thánh, Năm Hồng Ân cứu độ.
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”
Chúng ta phải có thể nói một câu tương tự như Ðức Giêsu.
Có nhiều đoạn Lời Chúa chẳng được ứng nghiệm bao giờ
vì thiếu sự cộng tác của bản thân tôi.
Con người hôm nay khao khát niềm vui, ánh sáng, tự do,
nhưng ít người chịu tin vào Ðức Kitô
chỉ vì đời tôi đầy sầu muộn, bóng tối và nô lệ.
Thậm chí có khi tôi lại là kẻ áp bức anh em,
kẻ bịt mắt và giam hãm tha nhân trong ngục tù.
Lời ngôn sứ Isaia đã được ứng nghiệm trong đời Ðức Giêsu.
Ước gì Lời Chúa cũng được ứng nghiệm trong đời tôi,
để ngày hôm nay của Chúa được kéo dài đến tận thế.
Năm Thánh Lòng Thương Xót vừa khai mở là cơ hội cho tôi
“chiêm ngắm lòng thương xót của Chúa cách chăm chú hơn,
để chính tôi cũng trở thành dấu chỉ hữu hiệu
cho hành động của Chúa Cha” (x. Misericordiae Vultus, 3).
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Thánh Thần,
Xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Ngài
giữa lòng thế giới,
trong lòng mọi người.
Thế giới hôm nay còn nhiều điểm tối,
nhưng vẫn có những đốm sáng rực rỡ:
khi con người ngồi lại gần nhau
để giải quyết tranh chấp, tìm kiếm hòa bình;
khi cả thế giới lo chung một mối lo:
bảo vệ trái đất, ngăn chận sida,
tận diệt ma tuý;
khi có những người nghèo
quan tâm đến những người nghèo hơn;
khi trẻ thơ và người già được chăm sóc;
khi hàng rào ngăn cách các nước được tháo gỡ;
khi không còn nạn kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, màu da;
khi những tiến bộ của khoa học kỹ thuật
làm cho con người sống hạnh phúc;
khi mọi người nhận ra mình là anh em của nhau,
liên đới với nhau và chịu trách nhiệm về nhau,
sống trên cùng một hành tinh,
dưới mái nhà bầu trời.
Lạy Chúa Thánh Thần,
xin cho chúng con thấy Ngài
nơi nụ cười người ta trao cho nhau trên đường phố,
nơi những hy sinh vô vị lợi,
và cả nơi những thao thức của ai đó,
muốn xây dựng một thế giới huynh đệ hơn.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
24 THÁNG GIÊNG
Sống Để Làm Việc - Hay Làm Việc Để Sống?
Con người được mời gọi trân trọng phẩm giá của mình trong công việc mình làm.
Đáng tiếc, rất nhiều hiện trạng lao động dường như đang phản nghịch lại mục tiêu quan trọng ấy. Tình trạng làm việc quá nặng, quá căng thẳng, quá chú trọng đến tính ganh đua hay sức sản xuất của người công nhân, và rất nhiều những khía cạnh cơ giới hóa khác … đều đang nhất tề ‘thọc gậy bánh xe’! Nhiều khi chúng đi đến mức biến công việc thành chủ của con người chứ không phải con người làm chủ công việc.
Nhiều người bắt đầu cảm thấy rằng dường như mình sống để làm việc chứ không phải là làm việc để sống.
Có người đã đặt câu hỏi với tôi: Phải đối phó thế nào với tình hình như vậy? Rõ ràng vấn đề có liên hệ đến người lao động, đến gia đình của họ và điều kiện làm việc của họ. Tôi tin rằng – một cách căn bản – tôi có thể chỉ ra câu trả lời cho vấn đề. Đó chính là một tuyên bố rất hàm súc của Công Đồng Vatican II: “Điều quan trọng hệ tại ở chỗ con người là gì chứ không phải ở chỗ con người có gì” (MV 35). Một châm ngôn đệ nhất!
Người ta phải không ngừng tự tra xét mình để hiểu sự thực mình là ai. Mỗi người phải lặn sâu xuống đáy lòng mình để khám phá sự thực về hướng đích của mình trong lao động. Phải nhận ra những giới hạn của mình và cố vượt qua chúng càng nhiều càng tốt. Phải nhận ra những khả năng của mình và làm cho chúng sinh hoa trái phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Càng nhận hiểu sự thực về mình, chúng ta sẽ càng hiểu hơn mình phải làm gì để quân bình và hòa điệu các quyền và các bổn phận của chúng ta trong tư cách là những con người .
Làm người – đó phải là nền tảng để đánh giá cả những gì mình làm lẫn những gì mình có. Đó là điểm qui chiếu mà mọi hoạt động của chúng ta phải hướng về. Đó là cơ sở để bảo đảm mối thống nhất trong chính con người chúng ta. Mọi khía cạnh của con người phải hòa hợp chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn, những trách nhiệm mà người công nhân đảm nhận ở sở làm phải giúp cho người ấy trưởng thành hơn trong đời sống gia đình cũng như trong sự đóng góp của đương sự đối với cộng đồng.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 24/01
Chúa Nhật III Thường Niên
Nkm 8, 2-4.5-6.8-10; 1Cr 12, 12-30; Lc 1, 1-4.

Lời Suy Niệm: “Sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.”
Luca nguyên là một thầy thuốc gốc Xy-ri, được trở nên KiTô hữu nhờ các vị truyền giáo đầu tiên thuộc giáo đoàn Giêrusalem, khi đã là KiTô hữu, Luca vẫn tiếp tục tìm hiểu và làm quen với Thánh Phêrô và Máccô. Trên hành trình rao giảng, Luca còn tiếp tục thu gom những trình thuật khác được các giáo đoàn đầu tiên Giêrusalem và Xê-da-rê lưu giữ. Đã giúp cho Luca trở thành một vị Thánh Sử. Với mỗi KiTô hữu, chúng ta không chỉ lãnh nhận bí tích Rửa Tội và các Bí Tích kế tiếp cho như vậy là đủ; không phải vậy, mỗi người phải ra sức học hỏi, tìm hiểu nhiều nguồn từ Giáo Hội, mới giúp cho đức tin của chúng ta ngày càng trưởng thành và yêu mến Chúa nhiều hơn và có thể cọng tác trong việc truyền giáo của Giáo Hội.
Lạy Chúa Giêsu. Ơn Chúa luôn đổ trên chúng con, những ai khát vọng về Chúa. Chúa sẽ ban cho dư đầy; Xin ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con được ơn này, để đời sống đức tin của chúng con ngày càng trưởng thành và vui sống trong tình yêu của Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 24-01: Thánh PHANXICÔ SALÊ
Giám Mục Tiến Sĩ (1567-1622)

Một đứa trẻ giận dữ nhất cũng phải nói rằng: thánh Phanxicô Salêciô là vị thánh hiền hoà nhất thế giới, Ngài đã biết cách để sửa mình và do đó đưa ra phương thức tốt đẹp để nên thánh: "Tôi chỉ nghĩ tới sự dịu hiền, dĩ nhiên, không phải chỉ có điều đó mà thôi. Sau này các bạn hữu Ngài đã ngạc nhiên vì sự im lặng thánh nhân giữ được trước những lăng nhục.
Ngài nói: - "Gì vậy, bạn muốn tôi bỏ mất trong giây lát một chút dịu dàng mà tôi đã mất 20 năm để thu thập sao ?"
Sự dịu dàng Ngài đã thực hiện với bao nghị lực, bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, Ngài đã có thể nói với bạn bè sau một cảnh thô tục mà một lãnh Chúa đã làm cho Ngài rằng: - Tôi giận sôi người lên, nhưng tôi thích chết đi còn hơn là nói lên một điều nhỏ nào có thể làm buồn lòng Thiên Chúa.
Thật khó hiểu nổi cách thế mà trong Ngài, một lòng nhân hậu dịu dàng như vậy đã thay thế cho bạo lực. Đối với người dọa nạt, Ngài trả lời: - Thưa ông, nếu ông có một con mắt, tôi sẽ nhìn ông bằng con mắt kia với lòng trìu mến.
Cả thánh Vincentê Phaolô cũng nói: - Khi muốn chiêm ngưỡng sự dịu hiền của Thiên Chúa, tôi nhìn về giám mục thành Ghênêva.
Chào đời ngày 21 tháng tám năm 1567 ở lâu đài Sales, Phanxicô từ trong nôi đã gặp được đức tin và đức ái. Ngài học được từ người mẹ đã từng dẫn Ngài đi thăm các người nghèo khó, để yêu thương và giúp đỡ họ. Năm 1582, Ngài theo học khoa hùng biện và ôn triết tại Paris. Vào tuổi 17 một cơn dằn vặt thiêng liêng kinh khủng ám ảnh Ngài: người tưởng rằng: mình không còn sống trong tình trạng ơn thánh nữa, hoả ngục dành cho Ngài và nơi khủng khiếp này không còn tình yêu Chúa nữa.
Phanxicô cầu khần: - Lạy Chúa ít ra cuộc sống vắn vỏi này con biết dành để yêu mến Chúa.
Kiệt sức, Ngài chạy đến xin đức Trinh nữ gìn giữ mình được trinh trong và cứu thoát cho khỏi cơn thử thách gay go này. Ngài đọc kinh "hãy nhớ" và sau cùng tìm lại được bình an.
Từ năm 1586 -1591, Ngài theo học luật tại Padua và đậu bằng tiến sĩ. Trở lại gia đình gia đình, Ngài được đón tiếp trong niềm hân hoan phấn khởi. Cha mẹ Ngài vui sướng về đám cưới của Ngài. Nhưng Ngài đã từ khước mọi dự định của gia đình. Hạnh phúc và danh vọng trần thế không đáng kể gì đối với Phanxicô, con người đã được tình yêu tuyệt đối chiếm đoạt, Ngài muốn trở thành linh mục. Được phong chức vào ngày 31 thắng 5 năm 1593, Ngài trở thành linh mục hoàn hảo, luôn có Chúa Giêsu ngự trong mình, Ngài sống gần dân làng như một người cha hiền, có mặt trong mọi sự. Gặp cơn dịch hạch lan tràn, ngày đêm người ta thấy Ngài đi từ bệnh nhân này tới bệnh nhân khác, chú ý tới những thể xác lẫn tinh thần đau khổ.
Một sứ mệnh lớn lao kêu gọi tới Phanxicô. Những người theo phái thệ phản thêm nhiều trong xứ sở, phá hủy nhiều nhà thờ và tu viện, lòng nhiệt thành đã đưa Ngài tới với đức Cha Granier, giám mục Ghênêva, Ngài được phép hiến mình thực hịên một nỗ lực dường như không thể được, là đưa dân chúng Chablais trở lại khỏi ảnh hưởng phái ở Calvinnô. Không có đe dọa hay bạo lực nào bắt Người ngừng giảng được. Nơi nào không thể đến rao gảing, Ngài phân phát truyền đơn. Suốt ba năm dưới ảnh hưởng của thánh nhân, 72 ngàn người theo thệ phản đã hoán cải.
Năm 1602, vua Henri IV đã muốn thánh Phanxicô làm giám mục thành Paris nhưng Ngài đã từ khước danh dự này và nói: - Thưa Ngài, tôi đã đính hôn với một bà Chúa nghèo, tôi không thể từ giã bà để theo một bà khác giàu có hơn.
Nhà vua rất thán phục sự độc lập của Ngài và tuyên bố rằng: Phanxicô vĩ đại hơn ông là kẻ làm vua nhiều. Dầu vậy tháng 6 năm 1602, Ngài Ngài đã phải nhận tòa giám mục Annecy - Gheneva.
Các bài giảng thuyết của Ngài sớm lừng danh, đến độ những thành phố lớn đòi được nghe tiếng Ngài. Nhưng giám mục người Xa-voa (Savoie) thích giảng cho dân nghèo hơn. Ngài còn cho họ cả tới áo mặc của mình. Người ta thấy Ngài không giữ lại gì cho mình. Ngài chỉ thánh giá và nói: - Người ta có thể từ chối điều gì được, đối với một Thiên Chúa đã tự đặt mình vào trạng huống này vì chúng ta ?
Đối với các tội nhân, Ngài thân tình đón tiếp họ: - Các con hãy đến đây để cha ôm ẵm và đặt các con vào lòng cha. Cha chỉ đòi các con một điều là không được thất vọng, phần còn lại cha lãnh tất cả.
Đi tìm kiếm một linh hồn, nếu cần Ngài vượt qua rừng trong đêm tối, bất chấp bọn cướp giật hay thú rừng độc dữ, chân Ngài thường rớm máu vì băng giá. Một lần bọn sát nhân nhào tới, Ngài âu yếm bảo họ: - Các bạn không cần đòi mạng tôi làm chi, bởi vì tôi đã hiến mạng sống tôi để bảo tồn sự sống của các bạn.
Người ta có thể thấy rõ là Ngài đã nói thực. Bao người sát nhân đã làm như bao người khác: họ trở thành bạn hữu của Phanxicô. Và làm sao yêu Ngài, mà lại không yêu tôn giáo đã làm cho Ngài hiến thân trọn vẹn cho mỗi tâm hồn như vậy. Ngài nói: - Một linh hồn là một giáo phận rộng đủ cho một giám mục rồi.
Phanxicô không ngừng rao giảng, ngồi tòa, thăm viếng bệnh nhân, giúp đỡ người cùng khổ. Giữa những công việc bề bộn, Ngài còn viết nhiều tác phẩm được nhiều Kitô hữu mến chuộng như quyển: "Đường trọn lành", quyển "Dẫn vào đời sống nhiệt thành" (cuốn này đã được chuyển sang Việt ngữ với tựa đề: sống thánh giữa đời), chứng tỏ rằng: đời nhiệm hiệp và các nhân đức cao cả nhất, đều có thể nảy nở, ngay trong cuộc sống từ cung điện, lẫn "trong binh đội và trong các xưởng máy", Ngài truyền "dệt nên những sợi dây nhân đức nhỏ bé". Cuốn "khảo luận về tình yêu Thiên Chúa" của Ngài đáng cho Ngài được vinh quang như ở giữa bầu lửa, trong khi chuẩn bị viết về tình yêu của Ngôi Lời vĩnh cửu.
Thánh Phanxicô đã lập nhiều tu viện và tiếp tục hứơng dẫn các tu viện ấy. Hai ngàn bức thư của Ngài vẫn còn, Ngài trao dòng "Thăm viếng" cho thánh nữ Chantal, Đấng mà Ngài hiệp nhất bằng một tình yêu trắng hơn tuyết, trong sáng hơn ánh mặt rời.
Thánh nhân kiệt sức khi Ngài nhận giảng dạy tại Lyon dịp lễ Giáng sinh. Ngài ngã bệnh lúc lên đường. Vừa tới nơi Ngài biết mình sắp chết. Người ta chỉ còn nghe thấy Ngài nói: - Lạy Chúa là tất cả của con.
Với các bạn bè đang khóc lóc Ngài nói: - Các bạn lại không muốn ý Chúa được thực hiện sao ?
Trọn đời thánh Phanxicô yêu mến hoàn thành thánh ý Chúa. Bí quyết đời thánh thiện của Ngài diễn tả như sau: - Với giá vĩnh cửu, cái gì chấm đứt với thời gian lại có thể ảnh hưởng trên chúng ta được ? Phải ước muốn một mình Thiên Chúa thôi, một cách tuyệt đối không thay đổi và bất khả xâm phạm.
Ngài qua đời ngày 28 tháng 12 năm 1622 và được Đức Gáio hoàng Alexandre VII tôn phong hiển thánh năm 1665.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
24 Tháng Giêng
Hãy Triệt Hạ Thập Giá
Gibert Keith Chesterton, một văn sĩ Công giáo người Anh, qua đời năm 1936, đã mô tả thảm họa của vua thần trong một quyển tiểu thuyết mang tựa đề: "Bầu trời và Thập Giá". Một giáo sư vô thần tên là Lucifer được ông cho ngồi bên cạnh một tu sĩ tên là Michel trên một chuyến máy bay xuyên qua Anh quốc.
Khi máy bay đi qua London, giáo sư Lucifer bỗng nhìn thấy thập giá trên tháp chuông nhà thờ chánh tòa. Không tự chế được, ông đã thốt lên lời sỉ vả đối với Kitô Giáo. Vị tu sĩ mới xin phép kể câu chuyện như sau: "Tôi cũng biết có một người thù ghét thập giá như ông. Bất cứ nơi nào có thập giá, ông ta cũng tìm đủ mọi cách để triệt hạ cho bằng được. Bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật có hình thập giá ông đều xé nát. Ngay cả chiếc thập giá bằng vàng trên cổ người vợ, ông cũng tìm cách giành giật để kéo ra khỏi người bà. Oâng nói rằng thập giá là một biểu trưng của sự độc ác dã man, hoàn toàn đối nghịch với niềm vui, với cuộc sống.
Ngày nọ, không còn chịu đựng nổi hình thù của thập giá nữa, ông đã leo lên tháp chuông nhà thờ của giáo sứ, tháo gỡ thập giá và ném xuống đất. Sự thù hận đối với thập giá không mấy chốc đã biến thành điên loạn… Một buổi chiều mùa hè nóng bức nọ, ông đứng tựa vào một balcon gỗ, miệng phì phà khói thuốc. Bỗng chốc, ông thấy nguyên chiếc balcon gỗ biến thành một đạo binh thánh giá. Rồi trước mặt, đằng sau lưng ông, nơi nào cũng có thập giá. Hoa cả mắt lên, ông cầm chiếc gậy trên tay để đánh đổ tát cả những cây thập giá. Vào trong nhà, bất cứ những gì làm bằng gỗ cũng được ông nhìn thấy với hình thù của thập giá. Không còn dùng gậy để đạp đổ nữa, người đàn ông đành phải dùng đến lửa mới may ra tiêu diệt được thập giá. Ngọn lửa bốc cháy thiêu chụi căn nhà. Ngày hôm sau, người ta tìm thấy xác của người đàn ông đáng thương trong dòng sông bên cạnh nhà.
Câu  kết luận mà văn sĩ đã đặt trên môi miệng vị tu sĩ là: "Nếu bạn bắt đầu bẻ gãy thập giá, bạn sẽ không chóng thì chày phá hủy chính cái thế giới có thể sống được này". Với cái chết của Ðức Kitô, thập giá trở thành biểu trưng của một sự chiến thắng: đó là chiến thắng của Tình yeu trên hận thù. Nơi nào có thập giá, nơi đó có người còn tin ở sức mạnh của tình yêu. Ðạp đổ thành giá có nghĩa là nâng cao hận thù chết chóc lên cao và chối bỏ tình yêu. Một thế giới không có tình yêu là một thế giới của chết chóc. Bất cứ một con người có lý luận bình thường nào cũng có thể thấy được điều đó.
Ngày nay, con người vẫn còn tiếp tục chối bỏ và chà đạp thập giá. Không cần phải leo lên tháp chuông nhà thờ để có thể triệt hạ thập giá; hình thù của thập giá, dấu chỉ của Tình Yêu, đã được vẽ trên mỗi một con người. Xúc phạm đến con người cách này hay cách khác cũng đã là một triệt hạ thập giá rồi.
(Lẽ Sống)


SỐNG LỜI CHÚA MỖI NGÀY
NĂM THÁNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Chúa Nhật, 24 tháng 1 – Chúa Nhật III Thường Niên
Nơ-khe-mi-a 8,2-4a.5-6.8-10 · Thánh Vịnh 18b,8.9.10.15 · 1 Cô-rin-tô 12,12-30
Lu-ca 1,1-4;4,14-21

Nhiều Chi Thể Nhưng Chỉ Có Một Thân Thể


Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. 1 Cô-rin-tô 12,12

          Là thành viên của một dòng tu quốc tế, tôi đã có những trải nghiệm rất sống động về sự đa dạng mà Thánh Phaolô nói ở đây. Chúng tôi là những nữ tu của Dòng Đức Bà, trong độ tuổi từ 20 đến 90. Một vài chị em người da trắng, một số khác da màu. Vài chị em có hình xăm trên mặt do đến từ quốc đảo Papua New Guinea. Một số chị em đội lúp và mặc áo dòng đen. Một số chỉ mặc áo cánh và váy đơn giản. Một số chị em khác mặc những bộ Sari màu nghệ. Chúng tôi nói đủ mọi thứ tiếng, theo những phong tục khác nhau, và dấn thân trong đủ loại mục vụ. Tuy thế, chúng tôi lại hiệp nhất nên một với nhau nhờ giữ các lời khấn trong Dòng Đức Bà.
          Mặc dù sự đa dạng làm phong phú cho cuộc sống, nhưng nó cũng có thể mang lại nhiều thách đố. Chẳng hạn như việc đánh đồng giữa tính hiệp nhất và tính đồng đều. Tôi phải mở lòng mình thế nào đối với những ai khác biệt với tôi ngay trong gia đình, hang xóm, đất nước và trong cả Giáo Hội nữa?

Nt. Melannie Svoboda,S.N.D.


HỌC HỎI NĂM THÁNH
Dung Nhan Lòng Thương Xót – Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Hỏi 85 : Việc trở lại với Chúa Giêsu đã thay đổi thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, như thế nào?

Đáp 85 : Việc trở lại với Chúa Giêsu đã thay đổi hoàn toàn cái nhìn của thánh Phaolô về công lý, đến nỗi ngài đã viết trong thư gửi tín hữu Galát: “Chúng ta được nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Kitô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy” (Gl 2,16). Công lý của Thiên Chúa giờ đây trở thành sự giải phóng cho những ai bị áp bức bởi nô lệ tội lỗi và những hậu quả của nó (Số 20).


CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu tình yêu, xin giúp con luôn nhận ra rằng mỗi một thành viên trong gia đình hay một cá thể trong cộng đoàn đều là một phần của thân thể Chúa.
Quyết tâm : Chấp nhận sự khác biệt hay cá tính nơi người khác.


(nguồn trích: Sống Lời Chúa số 2 – Mùa Thường Niên 1 của Tgp. Sài Gòn)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét