Trang

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

24-01-2016 :(phần II) CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN năm C

24/01/2016
Chúa Nhật 3 Quanh Năm Năm C
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Thường Niên - Năm C
CHÚA NHẬT III MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C
Nkm 8,2-4a.5-6.8-10
1Cr 12,12-30
Lc 1,1-4; 4,14-21
CHỦ ĐỀ: CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Hôm nay đã ứng nghiệm
lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe

(Lc 4,21)
___________
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1: Nkm 8,2-4a.5-6.8-10
Bài đọc 1 cho chúng ta hay từ người đọc cho đến người nghe, tất cả đều say mê Lời Chúa: ông Ezra đọc sách Luật từ sáng sớm tới trưa, còn toàn dân chăm chú lắng nghe nội dung Lời Chúa. Quả là một hình ảnh cảm động, vì đã từ lâu rồi, kể từ thời đi lưu đày bên Babylon, toàn thể dân Israel mới có dịp tụ họp lại để nghe Luật Chúa, để được nghe giải thích Luật Chúa cách tường tận.
Dịp này, toàn dân tỏ lòng tôn kính Thiên Chúa cách công khai. Khi ông Ezra mở sách Luật thì toàn dân đứng dậy… họ đồng thanh thưa “Amen, Amen”… họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy Đức Chúa. Các vị lãnh đạo dân cũng thực hiện tốt vai trò mà Chúa trao cho họ: ông Ezra và các thầy Lêvi đọc và giải thích sách Luật cho dân. Hôm đó là ngày đáng vui mừng cho toàn dân, những giọt nước mắt được thay bằng nét rạng rỡ trên khuôn mặt. Toàn dân được truyền tổ chức tiệc mừng hoan hỉ; ai nấy học biết cách chia sẻ niềm vui cho những ai bất hạnh hơn mình; người có của ăn không quên những người thiếu thốn.
2. Bài đọc 2: 1Cr 12,12-30
Trong bài đọc 2, thánh Phaolô dùng hình ảnh “thân thể” để nói về tình hiệp nhất của các Kitô hữu. Chúa Kitô là Đầu, còn các tín hữu tạo nên Nhiệm Thể của Chúa Kitô, tức là Hội Thánh của Người. Qua bí tích Rửa Tội, các Kitô hữu trở nên chi thể của Nhiệm Thể này.
Được chịu Phép Rửa trong cùng một Thần Khí, nên chúng ta, tuy khác nhau về nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, văn hóa và dân tộc tính, nhưng cùng tạo nên một Nhiệm Thể của Đức Kitô. Trong Nhiệm Thể này, mỗi chi thể đóng các vai trò và chức năng cụ thể, như người thì làm tông đồ, kẻ khác làm ngôn sứ, thày dạy, người khác nữa lại được ơn làm phép lạ, được đặc sủng chữa bệnh, được ơn nói các thứ tiếng khác nhau, v.v.; những chức năng và vai trò này, tuy khác nhau, nhưng đều nhằm mục đích xây dựng một Nhiệm Thể duy nhất.
Như trong một thân thể, chi thể này luôn liên kết với các chi thể kia, thì trong Nhiệm Thể của Đức Kitô cũng vậy, mỗi người chúng ta đều cần đến các anh chị em khác. Chúng ta không thể sống biệt lập, không thể sống cô lập, đứng trên hay đứng ngoài Giáo Hội, nhưng gắn kết với nhau trong tình hiệp nhất yêu thương. Bởi thế, điều thánh Phaolô ao ước là các tín hữu hãy trân trọng và quý mến nhau, hãy nâng đỡ nhau, hãy làm cho nhau thêm phong phú, hãy biết cậy dựa vào nhau và phục vụ lẫn nhau, để Nhiệm Thể của Chúa Kitô là Giáo Hội ngày càng tiến triển, trở nên dấu chỉ yêu thương và hiệp nhất cho thế giới chúng ta đang sống.
3. Bài Tin Mừng: Lc 1,1-4; 4,14-21
Đoạn trích Tin Mừng Luca cho chúng ta hay: Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của Người tại Galilê. Galilê là khởi điểm và sẽ trở thành trung tâm sứ vụ công khai của Người. Tại đây, Người bắt đầu sứ mạng bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần, tức là bằng quyền năng của Đấng đã thực hiện hóa mầu nhiệm Nhập Thể nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria; bằng quyền năng của Đấng đã ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình dạng chim bồ câu trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa; bằng quyền năng của Đấng đã dẫn đưa Người vào sa mạc để cầu nguyện, để chịu cám dỗ 40 ngày, để chiến thắng tên cám dỗ, khiến hắn phải bỏ đi để chờ dịp khác.
 Tại Galilê, Người giảng dạy cho dân chúng trong các hội đường, nghĩa là ở những nơi linh thiêng mà người Do-thái tụ họp lại, nhất là vào những ngày Sabbath, để cầu nguyện, để nghe Lời Chúa và để được những người am hiểu Lời Chúa giảng giải cho họ. Chúa Giêsu thường chọn những nơi linh thiêng này làm nơi Người công bố sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa. Những ai thành tâm lắng nghe lời giảng dạy của Người đều cảm nghiệm sự khác biệt thấy rõ giữa Người với các kinh sư khác. Người ta ngỡ ngàng trước giáo huấn của Chúa Giêsu. Người nghe sửng sốt trước những lời hay ý đẹp từ miệng Người thốt ra. Người ta ca ngợi Người là một người giảng thuyết tuyệt vời; họ cũng không quên tôn vinh Thiên Chúa vì đã ban cho Người khả năng nói được những điều tốt đẹp như thế, rồi lại làm được những điều lạ thường nữa.
Với cc16-21, thánh Luca dẫn chúng ta vào quang cảnh của một lần hội ngộ như vậy giữa Chúa Giêsu và dân Do-thái. Lần này câu chuyện diễn ra tại Nazareth, vốn là nơi Người đã sinh trưởng, đúng hơn là nơi Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria; nơi Người đã được dưỡng dục sau khi thánh gia thất từ Ai-cập trở về; nơi Người đã học nghề mộc; nơi người đã quen biết nhiều người trong suốt thời gian sống ẩn dật.
Chúa Giêsu vào hội đường như thói quen tốt đẹp đã thành hình nơi Người theo dòng thời gian và tiếp tục được thực hiện khi Người thi hành sứ vụ công khai. Tại hội đường này, trước mặt mọi người, sau khi nhận lời mời của vị trưởng hội đường, Chúa Giêsu đã đọc sách ngôn sứ Isaiah. Đọc xong, Người cho dân chúng biết đoạn sách thánh được ứng nghiệm nơi Người.
Quả vậy, Thần Khí Đức Chúa đã ngự xuống trên Chúa Giêsu, xét như là Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể, ngay từ trong biến cố Truyền Tin, và nhất là trong biến cố Người chịu phép rửa. Bảy ơn Chúa Thánh Thần đã được trao ban cho Người một cách sung mãn: ơn khôn ngoan, ơn thông minh, ơn biết lo liệu, ơn can đảm, ơn hiểu biết, ơn đạo đức, và ơn kính sợ Thiên Chúa (x. Is 11,1-2; GLTHCG số 1831). Bảy hồng ân này thấm nhập trọn vẹn và phát huy sức tác động mạnh mẽ nhất nơi Chúa Giêsu, là Đấng được Chúa Cha xức dầu tấn phong Người là Đấng Cứu Độ, để Người có thể thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó một cách hoàn hảo nhất và hiệu quả nhất.
Khi thi hành sứ vụ công khai của mình, Chúa Giêsu, Đấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong, để thành Vua muôn vua, để thành vị Thượng Tế vượt trên tất cả các vị thượng tế, để trở thành vị Ngôn Sứ trổi vượt trên các vị ngôn sứ, chính Người sẽ chọn các người nghèo làm đối tượng ưu tiên lãnh nhận Tin Mừng Cứu Độ của Người. Tất cả những ai có “tâm hồn nghèo khó” đều có thể nghiệm được niềm vui lời Người loan báo: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Những ai đang bị giam cầm bởi tội lỗi và những thói đam mê xấu, đang chịu tổn thương do tội lỗi và sự dữ gây ra, nếu biết ăn năn, sẽ tìm được con đường giải thoát nơi Chúa Giêsu là Đấng giàu lòng xót thương. Nơi Chúa Giêsu, người bị tổn thương do tội sẽ tìm được nguồn an ủi, vì Người nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32).
Trong khi thi hành sứ vụ công khai của mình, Chúa Giêsu không chỉ đem lại ánh sáng cho một số người bị mù lòa; quan trọng hơn, Người còn “mở mắt” bao người đang ngồi trong bóng tối sự chết, để họ được thấy ánh sáng tình thương của Thiên Chúa. Người mở lòng mở trí cho những ai đang thao thức hiểu biết thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời mình, xóa đi bao bóng đen mê muội trong tâm hồn họ. Người loan báo một năm hồng ân của Thiên Chúa cho mọi người. Đó là một năm thánh đích thực, khi mọi tâm hồn được giải thoát khỏi ách thống trị của sự dữ, của tội, để được giao hòa cùng Thiên Chúa, khi họ biết mở lòng ra đón nhận sứ điệp cứu độ của Người, vì “hễ ai kính sợ Thiên Chúa, và ăn ở ngay lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người [Thiên Chúa] tiếp nhận” (Cv 11,35).
II. CÂU HỎI PHẢN TỈNH
1/ Trong bài đọc 1, Dân Chúa tỏ ra thao thức và sốt sắng lắng nghe Lời Chúa, còn tôi, tôi thấy mình, gia đình của mình, cộng đoàn, giáo xứ của mình có thái độ nào đối với Lời Chúa? Làm thế nào để Lời Chúa có thể được đọc lên, được lắng nghe, được giải thích một cách dễ hiểu cho con người hôm nay?
2/ Trong bài đọc 2, thánh Phaolô ví chúng ta như các chi thể tạo nên Nhiệm Thể của Chúa Kitô, qua hình ảnh này, tôi thấy mình, gia đình của mình, cộng đoàn của mình, xứ đạo của mình, đã sống được tinh thần hiệp nhất yêu thương chưa? Có những điều gì cần phải được chỉnh sửa? Có những điểm nào cần được thăng tiến?
3/ Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu chứng thực những lời của ngôn sứ Isaiah đã ứng nghiệm nơi Người. Trong các điểm ứng nghiệm đó, tôi thấy điểm nào có ý nghĩa nhất đối với tôi, đối với gia đình tôi, đối với cộng đoàn hay giáo xứ tôi đang sống? Tại sao vậy?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua Ðức Giêsu Kitô, Thiên Chúa Cha đã yêu thương giải thoát con người khỏi những khốn khổ xác hồn và khai mở mùa hồng ân cứu độ cho trần gian. Chúng ta cùng vui mừng cảm tạ Thiên Chúa và dâng lời cầu nguyện.
1. “Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh luôn ý thức sứ mạng truyền giáo, và nỗ lực thực thi sứ mạng ấy mọi nơi, mọi lúc theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
2. “Lời Chúa là thần khí và là sự sống.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa ở khắp nơi trên thế giới, biết mở lòng lắng nghe, suy gẫm và thực hành Lời Chúa, để họ cũng được nhận lãnh dồi dào hồng ân cứu độ.
3. “Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thânthể.” Xin cho tất cả những người là môn đệ Chúa Kitô trong cùng một đức tin và một phép rửa, luôn thông cảm và hiệp thông với nhau, hầu làm nên một đoàn chiên duy nhất.
4. “Hôm nay đã ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh quí vị vừa nghe.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn yêu thương hiệp nhất và tích cực dấn thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng cứu độ giữa thế giới hôm nay.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương nhận những ước nguyện chân thành của chúng con. Xin ban Thánh Thần tình yêu liên kết chúng con nên một, để chúng con biết tích cực cộng tác xây dựng Giáo hội và loan báo Tin mừng cứu độ của Chúa cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Chủ đề :
Tin Mừng được loan báo cho người nghèo

"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Ngài sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo" (Lc 4,18)
Sợi chỉ đỏ :
Bài đọc I kể chuyện tư tế Ét-ra đọc sách Luật cho dân do thái vừa từ chốn lưu đày trở về. Sau khi đọc xong, Ét-ra an ủi họ "Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em".
Bài Tin Mừng kể chuyện Chúa Giêsu đến hội đường Nadarét, đọc đoạn sách Isaia "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo". Đọc xong Ngài tuyên bố : "Hôm nay ứng nghiệm lời Thánh Kinh quý vị vừa nghe".
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của Ngài với lời tuyên bố "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho những người nghèo". Chúng ta đều là những người nghèo : kẻ thì nghèo vật chất, người thì nghèo tinh thần. Như vậy Tin Mừng của Chúa được loan báo cho chính chúng ta. Chúng ta hãy mở rộng lòng mình ra đón nhận Tin Mừng của Chúa.
II. Gợi ý sám hối
- Chúng con thường khư khư bám lấy ý riêng, không mở lòng ra đón nhận ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.
- Chúa Giêsu đã mang Tin Mừng đến cho chúng con, nhưng chúng con không nhiệt tình đón nhận.
- Do cuộc sống ích kỷ và khô cằn, chúng con không làm cho Tin Mừng của Chúa trở nên hấp dẫn đối với những người chưa biết Chúa.
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Nkm 8,1-10)
Dân do thái vừa từ chốn lưu đày trở về. Tư tế Ét-ra tập họp mọi người tại quảng trường và đọc Sách Luật cho họ nghe. Có lẽ đây chính là bộ Ngũ Thư mà Ét-ra đã sưu tập lại từ những nguồn tài liệu rải rác có sẵn trước đó (các nguồn tài liệu J, E, D, P), vì thế mà thời gian đọc kéo dài rất lâu, từ sáng tới trưa.
Khi nghe đọc, toàn dân đều khóc. Có lẽ một phần do cảm động vì thấy được tình thương của Thiên Chúa đối với họ qua dòng lịch sử ; phần khác là do hối tiếc bởi họ đã không đáp ứng tốt với tình thương Thiên Chúa.
Ét-ra an ủi dân : "Anh em đừng sầu thương khóc lóc, đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em".
2. Đáp ca (Tv 18)
Nối tiếp ý tưởng của bài đọc I, Tv 18 ca tụng Luật Chúa : "Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn"
3. Tin Mừng (Lc 1,1-4 và 4,14-21)
Sau một thời gian hoạt động, Chúa Giêsu trở về rao giảng tại chính quê hương mình là Nadarét miền Galilê. Tại đây, trong một bối cảnh trang nghiêm và chính thức (ngày Sabbat, trong hội đường), Chúa Giêsu công bố chương trình hoạt động của Ngài : Với tư cách là Messia vừa được tấn phong, Ngài được sai đi loan Tin Mừng cho những người nghèo hèn, khốn khổ. Như thế là Ngài thực hiện điều mà Thiên Chúa đã hứa từ xưa qua lời ngôn sứ Isaia.
4. Bài đọc II (1 Cr 12,12-30) (Chủ đề phụ)
Tiếp tục huấn đức cho tín hữu giáo đoàn Côrintô đang chia rẻ nhau, Thánh Phaolô dùng hình ảnh nhiệm thể Đức Kitô.
- Giáo Hội là một thân thể mầu nhiệm, trong đó Chúa Giêsu là đầu và các tín hữu là chi thể.
- Các chi thể tuy khác nhau, nhưng mỗi chi thể có chức năng riêng của mình.
- Do đó các chi thể phải bổ túc cho nhau, đoàn kết với nhau, và nhất là luôn kết hợp với đầu.
IV. Gợi ý giảng
* 1. Có phải là Tin Mừng không ?
Quyển sách ghi lại cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu ngày xưa được gọi là "Ê Vang", trước đây không lâu lắm được gọi là Phúc Âm, còn ngày nay thì thường được gọi là Tin Mừng.
Xét theo thần học Thánh Kinh thì hai chữ "Tin Mừng" là đúng nghĩa nhất. Nhưng nếu xét về ảnh hưởng của nó trên cuộc sống thì sao ?
Trên thực tế, có nhiều người không thích đọc Tin Mừng. Nhiều người ngán không muốn nghe Tin Mừng. Tại sao ? Vì họ thấy trong đó toàn là những bổn phận và những đòi buộc. Không nghe, không biết thì không phải làm theo.
Sở dĩ có cảm giác ngán và sợ như thế là vì người ta chỉ mới thấy được những chi tiết phụ, chứ chưa hiểu thấu tới cốt lõi.
Cốt lõi là một lời loan báo rất phấn khởi : Xin hãy nghe đây. Thiên Chúa rất yêu thương loài người nên đã sai Con của Ngài đến dạy cho loài người con đường hạnh phúc. Biết được con đường dẫn tới hạnh phúc chẳng phải là một Tin Mừng sao ?
Dĩ nhiên những lời Chúa Giêsu dạy là những điều ta phải làm theo, mà làm theo thì phải cố gắng, phải cực khổ, phải hy sinh v.v. Nhưng làm theo như vậy thì sẽ được hạnh phúc.
Một bà kia rất thường đọc Sách Tin Mừng và đọc rất sốt sắng. Khi được hỏi tại sao thì bà dùng một thí dụ để giải thích : Hôm qua tôi nhận được một bức thư của một người tôi rất quý mến. Tôi đã đọc rất chăm chú và đọc đi đọc lại tới năm lần. Không phải vì tôi không hiểu lời lẽ trong thư vốn đã quá rõ, nhưng vì tôi biết đó là những lời của một người rất thương tôi và tôi cũng rất thương người đó.
Chúng ta đừng coi những lời trong sách Tin Mừng là những đòi hỏi của một người xa lạ đâu đâu. Hãy xem đó là những lời khuyên dạy chí tình của Đấng đã không quản ngại từ trời xuống thế, chịu cực chịu khổ đến gần chúng ta và chịu chết vì chúng ta. Ngài đã làm tất cả chỉ vì thương chúng ta và Ngài không muốn gì khác hơn là muốn cho chúng ta được hạnh phúc.
* 2. Tin Mừng cho người nghèo
Không phải Chúa Giêsu được sai đi để loan Tin Mừng cho tất cả mọi người sao ? Vậy tại sao Ngài lại nói "Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo" ?
Chúng ta hãy phân tích kỹ toàn văn đoạn sách Isaia mà Chúa Giêsu đã áp dụng cho sứ mạng của Ngài :
Sau khi công bố "Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo",Chúa Giêsu đã đưa thêm một số thí dụ để giải thích thế nào là loan báo Tin Mừng cho người nghèo :
- Công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha
- Cho người mù biết họ được sáng mắt
- Trả tự do cho người bị áp bức
- Công bố một năm hồng ân của Chúa
Như vậy, "người nghèo" là những kẻ đang ở trong tình cảnh khổ sở, thiếu thốn như bị giam cầm, bị mù, bị áp bức… và đang mong thoát khỏi cảnh ấy. Đối với những người như thế, lời công bố của Chúa Giêsu mới thực sự là Tin Mừng. Còn những ai không khổ sở thiếu thốn thì lời Chúa Giêsu như nói với ai đó chứ chẳng liên can gì tới họ, cho nên chẳng phải là Tin Mừng gì cả. Bởi vậy Chúa Giêsu cũng chẳng cần loan báo cho họ.
Nhưng xét cho cùng, ai mà không khổ sở thiếu thốn ? Ai mà không "bị giam cầm" trong một thứ tù ngục nào đó ? Ai mà không "mù" một cách nào đó ? Ai mà không "bị áp bức" bởi một thế lực gian tà nào đó ?
Thành thử Tin Mừng của Chúa Giêsu là Tin Mừng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên Tin Mừng ấy chỉ có hiệu quả đối với những ai ý thức mình là người nghèo.
* 3. "Chúa đã sai tôi đi…"
Qua bài Tin Mừng này, Thánh Luca trình bày Chúa Giêsu như một kẻ được Thiên Chúa xức dầu Thánh Thần và sai đi.
Bất cứ ai khi được sai đi làm một nhiệm vụ thì sẽ cố gắng để làm cho thật tốt :
- Khi còn nhỏ, chúng ta thường được cha mẹ sai đi tới những nhà hàng xóm để mượn một món đồ, hay để biếu xén vài món quà. Bình thường thì ta nói năng hồ đồ, cộc lốc. Nhưng khi được sai đi làm những nhiệm vụ đó, chúng ta lựa lời nói, lựa cung cách xử sự, có khi suốt doc đường cứ lẩm nhẩm những câu lễ phép mà cha mẹ đã dạy để chút nữa nói năng cho đàng hoàng.
- Thỉnh thoảng Cha sở sai một người giáo dân trong họ đi đến một gia đình nguội lạnh rối rắm để làm việc tông đồ. Người tông đồ ấy đến gia đình bê trễ nọ phải biết cách tỏ ra lịch thiệp, giúp đỡ, phải dám nói về đạo, và đồng thời cũng phải tỏ ra mình có đôi chút đạo đức để khỏi bị người bê trễ kia hạch sách "Ông cũng bê bối như ai thôi đừng khuyên tôi".
Dĩ nhiên khi đóng vai trò một kẻ được sai đi làm tông đồ thì người ta phải cố gắng tỏ ra mình là người tốt, trong khi thực tế thì đời sống của họ chưa chắc là tốt được như thế. Điều đó xem ra là một sự giả hình, vì cái mình tỏ ra bên ngoài không đúng với cái đời sống thực sự của mình. Tuy nhiên có lẽ không nên nặng lời dùng chữ "giả hình" trong trường hợp này. Bởi vì người tông đồ ấy có tỏ ta như vậy cũng chỉ vì muốn cho sứ mạng tông đồ của mình được hoàn thành tốt đẹp thôi. Và hơn nữa, nhờ cố gắng tỏ ra tốt hơn như thế trước mắt người khác mà dần dà chính đời sống của người tông đồ thực sự trở thành tốt hơn thật.
Tất cả chúng ta đều là những kẻ được Chúa sai đi. Mỗi người chúng ta đều được Chúa sai đi. Ngày trước, Thiên Chúa đã sai Chúa Giêsu đi, rồi đến phiên Chúa Giêsu lại sai chúng ta đi. Chúa Giêsu đã phán "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai chúng con ra đi". Bởi vậy lời Thánh kinh mà Chúa Giêsu đã áp dụng cho bản thân Người " Chúa đã sai tôi đi", cũng phải được chính chúng ta áp dụng cho chúng ta "Chúa cũng sai tôi đi".
Sai đi để làm gì ? Thưa sai đi để làm tông đồ cho Chúa. Mỗi người Kitô hữu là một tông đồ. Công đồng Vaticanô 2 còn nói mạnh hơn : "Làm Tông đồ là bản tính của người Kitô hữu". Nói khác đi, nếu không làm tông đồ thì không còn phải là Kitô hữu nữa.
Nhưng sai đi làm tông đồ với ai ? Bài Tin Mừng hôm nay kể rõ những hạng người mà Chúa sai ta đến với họ :
a/ Trước tiên là những người nghèo : Số người này thật là nhiều, hàng ngày ta gặp thiếu gì người như vậy. Thế nhưng, khi ta gặp một người nghèo tôi có cư xử lễ độ với họ không hay là khinh bỉ họ ? Ta có tìm cách giúp đỡ họ, hay nếu không có khả năng giúp đỡ thì ta có vận động người khác giúp đỡ không ? hay ta tìm cách tránh xa họ, đuổi khéo họ để mình khỏi bị quấy rầy ? Ta có cố gắng an ủi họ để họ đừng vì cảnh nghèo mà phải xa đạo, xa Chúa không ? Trước những câu hỏi đó, nếu ta chỉ biết trả lời "không" thì sứ mạng tông đồ của ta như một kẻ được Chúa sai đi đã bị thất bại.
b/ Chúa còn sai ta đi tới những người đau khổ. Những người này cũng không thiếu trong khu xóm của ta, có khi ở cạnh nhà ta nữa. Nhưng phải chăng mặc dù Chúa đã sai ta đi, ta vẫn cứ ở nhà chưa đến thăm viếng họ ? Và khi đến với họ, ta có đem lại cho họ được thêm một chút bình an, một chút tin tưởng nào không ? Chúng ta đừng quên câu Tin Mừng hôm nay "Chúa đã sai tôi đi rao giảng Tin mừng, nghĩa là phải làm cho người ta được thật sự vui mừng, tin tưởng, hy vọng.
c/ Chúa còn sai ta đi đến với những người tội lỗi. Những người này cũng không thiếu trong họ đạo. Nhưng có lẽ đối với họ, chúng ta lại cũng quên lời Chúa "Chúa đã sai tôi đi đến với họ". Vì quên mà thường chúng ta cứ lảng tránh họ, cứ kết án họ. Chúng ta không thực hiện Lời Chúa dạy ta đến với họ để an ủi họ, khích lệ và dẫn họ trở về tình thương của Thiên Chúa.
d/ Cuối cùng trong xã hội ngày nay, Chúa còn sai ta đi đến với những kẻ không tin. Những người này cũng có mặt rất nhiều : trong sở làm của ta, ngoài đường phố chung với ta, trong buổi họp với chúng ta. Đừng quên Chúa sai ta đi tới họ để cũng rao giảng Tin mừng cho họ. Nếu ta ngại, hay thấy bất tiện không dám nói thẳng với họ về Chúa về đạo thì ít ra đời sống của chúng ta, cách làm việc của chúng ta, lương tâm của chúng ta có thể thay cho lời nói của chúng ta không ?
Ngôn sứ Isaia đã hát lên rằng "Đẹp thay bước chân của những kẻ được sai đi rao giảng Tin mừng". Những kẻ được sai đi rao giảng Tin mừng ấy là chính chúng ta, mỗi người hết thảy trong chúng ta. Xưa nay có lẽ chúng ta quên điều đó. Nhưng hôm nay Lời Chúa nhắc chúng ta nhớ lại. vậy dưới sự hướng dẫn và ban ơn của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy mạnh dạn bước đi. Đi đến với những người nghèo khó, những người đau khổ, những kẻ tội lỗi và những kẻ không tin. Đến với họ để rao giảng Tin mừng cho họ bằng cách này hay cách khác tùy hoàn cảnh. Và hãy an ủi mình rằng những bước chân được sai đi như vậy thật là đẹp !
4. "Ngày của Chúa"
Ngày một vị Thủ Tướng nhậm chức, ông đọc một bài diễn văn để công bố cho dân biết chương trình hoạt động của ông trong nhiệm kỳ. Khởi đầu sứ vụ của mình, Chúa Giêsu cũng làm như vậy. Tại hội đường Nadarét, Chúa Giêsu đã dùng một đoạn trích từ sách ngôn sứ Isaia để phác họa sứ mạng của Ngài. Chúa Giêsu loan báo rằng cái "Ngày của Chúa" mà dân chúng bấy lâu nay hằng mong đợi thì nay đã đến. Đó là một ngày hồng ân cho mọi người, cách riêng là những người nghèo.
Mẫu chuyện sau đây có thể giúp chúng ta hiểu lời công bố ấy của Chúa Giêsu tuyệt diệu đến chừng nào.
Ngày xưa có một ông điền chủ có đất đai rất nhiều. Ông cho các tá điền mướn đất làm ăn. Một thời gian sau, các tá điền lâm cảnh túng thiếu nợ nần. Họ rất lo lắng vì không đóng tô đúng hạn cho chủ được. Dù họ biết ông chủ rất tốt bụng không đến nỗi làm khó dễ họ, nhưng họ vẫn áy náy không biết chủ sẽ hoãn nợ cho họ bao lâu.
Thế rồi một hôm viên quản lý đi đến từng nhà các tá điền. Ông này hỏi mỗi người thiếu nợ bao nhiêu, trong nhà có bao nhiêu người, hằng ngày ăn uống thế nào, gia đình có ai già yếu bệnh tật gì không v.v. Cách chung nhà ai cũng túng thiếu và đang gặp rất nhiều khó khăn.
Một ít ngày sau, các tá điền được mời đến gặp chủ. Ai nấy đều hồi hộp, tin chắc là ông chủ sẽ lấy lại đất, bởi họ không còn khả năng đóng tô nữa. Khi mọi người đã đủ mặt, viên quản lý bước ra, bắt đầu nói : "Ông chủ biết là các người ai cũng rất nghèo nên không còn khả năng đóng tô nữa. Vì thế ông bảo tôi báo cho các người hay". Nói tới đây viên quản lý bỗng ngừng lại. Con tim của các tá điền cũng như ngừng đập. Viên quản lý nói tiếp : "Tôi có một Tin Mừng muốn loan báo cho các người". Mọi người xôn xao : "Tin Mừng ư ! Tin Mừng gì vậy ?" Lúc đó viên quản lý hô lớn : "Ông chủ tha hết nợ cho các người. Từ nay các người cứ an tâm làm ăn nuôi sống gia đình".
Thế là mọi người reo hò sung sướng. Họ ôm nhau nhảy múa hát ca. Sau đó ai nấy trở về nhà mình. Sau bao năm trời, hôm nay họ mới chợt nhận thấy ánh nắng mặt trời rất là tươi đẹp, tiếng chim hót trên cành rất líu lo, hoa cỏ hai bên đường và trên khắp cánh đồng vô cùng rực rỡ.
Lời loan báo của Chúa Giêsu tại hội đường Nadarét cũng là một Tin Mừng như thế. Chúa Giêsu là viên quản lý của Thiên Chúa. Ngài được sai đến để báo tin Thiên Chúa đã xóa nợ cho loài người.
Những người pharisêu nghĩ rằng "Ngày của Chúa" là một ngày phán xét. Còn Chúa Giêsu thì loan báo "Ngày của Chúa" là người xóa nợ, ngày hồng ân.
"Ngày của Chúa" không phải là một ngày nhất định ghi trong lịch, mà là mọi ngày. Thực vậy, ngày nào cũng là "Ngày của Chúa" hết. Tin Mừng về "Ngày của Chúa" là : ơn giải thoát chúng ta không tùy thuộc vào công nghiệp của chúng ta, mà hoàn toàn do lòng tốt của Thiên Chúa. Điều duy nhất chúng ta phải làm là mở rộng cửa lòng cho Chúa Giêsu ngự vào mang ơn đến cho chúng ta. (FM)
5. Quyển sách
Sau nửa thế kỷ bị lưu đày bên Babylon, dân do thái được hồi hương. Tư tế Ét-ra tập họp họ lại để tái hiến dâng họ cho Thiên Chúa. Ét-ra bắt đầu bằng việc đọc cho họ nghe sách luật của Môsê. Từ đó trở đi, đời sống và tín ngưỡng của dân do thái gắn chặt với quyển Sách Luật ấy. Có thể nói, đó là một dân "sống với sách".
Kitô hữu chúng ta cũng là những người "sống với sách". Chỉ khác một điều là quyển sách chúng ta sống với là quyển Tin Mừng.
Có một chuyện kể về một dân kia chưa từng nghe nói tới quyển Tin Mừng. Một hôm có một người lạ đến báo cho họ rằng "Tôi đến đây mang cho các người một tin mừng". Rủi thay người ấy mang bệnh và chết trước khi nói rõ cho họ biết tin mừng ấy là gì. Họ mới lục lúi của người ấy và gặp một quyển sách có tựa đề là "Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô". Họ đoán rằng đó chính là cái tin mừng mà người kia muốn báo cho họ biết. Thế là họ bắt đầu đọc quyển sách ấy. Sách viết về một nhân vật giàu lòng nhân ái, làm nhiều việc lạ lùng để giúp cho những người khốn khổ và dạy nhiều điều rất cao thượng.
Đọc xong quyển sách, một người trong họ nói : "Tiếc thay người mang quyển sách này đã chết. Chắc là một môn đệ của ông Kitô ấy". Một người nói : "Nhưng chắc là ở nơi ông ấy sống cũng có nhiều một đệ khác của ông Kitô". Một người khác nữa góp ý : "Chúng ta thử gởi người đến đấy xem các môn đệ ông Kitô sống những lời ngài dạy thế nào". Mọi người tán thành.
Họ cử Francis đi. Đây là một chàng trai rất chín chắn. Chàng đã tìm đến nơi, tiếp xúc với rất nhiều người, sau đó trở về. Khi chàng vừa về tới nơi thì những người đồng hương của chàng đặt những câu hỏi tới tấp :
- "Những tín đồ của quyển sách ấy có thương yêu nhau không ?"
- "Họ có hòa thuận với nhau không ?"
- "Họ có đơn sơ không ?"
- Họ có hạnh phúc không ?"
Tất cả các câu hỏi đều có thể tóm trong một câu duy nhất này : "Những môn đệ của ông Kitô ấy có sống theo quyển sách của Ông ta không ?".
Và sau đây là báo cáo của Francis :
Trên căn bản, tôi đã gặp được 5 hạng môn đệ của ông Kitô ấy :
- Hạng thứ nhất chỉ mang danh Kitô thôi. Dù họ có rửa tội nhưng họ chẳng sống theo một lời dạy nào của Ngài cả.
- Hạng thứ hai là những người làm môn đệ Đức Kitô theo thói quen. Mặc dù người ta thấy họ giữ những điều Đức Kitô dạy, nhưng những điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến cách sống của họ cả. Tôi đã quan sát cách sống của họ một thời gian lâu và thấy ra rằng thực ra họ sống theo những nguyên tắc không liên can gì tới lời dạy của Đức Kitô, một số còn ngược lại nữa.
- Hạng thứ ba gồm một số người rõ ràng là sùng mộ đức tin Kitô. Họ cố sức làm những việc tốt, nhưng xem ra họ thiếu sức sống, họ không thực sự có được những đức tính của Thầy họ.
- Hạng thứ tư có thể được gọi là những Kitô hữu thực hành. Dường như họ đã nắm được trọng tâm của Tin Mừng. Họ biết quan tâm đến người khác và không xấu hổ vì người khác biết họ là Kitô hữu. Ở một vài nơi tôi thấy họ bị bách hại. Ở một vài nơi khác tôi thấy họ phải gặp tình cảnh có lẽ còn tồi tệ hơn nữa, đó là bị đồng bào của chính họ đối xử lạnh nhạt.
- Hạng thứ năm không nhiều. Đó là những người mà tôi không ngại gọi là những Kitô hữu chính danh. Họ sống Tin Mừng cách sâu sắc. Khi gặp họ, tôi tưởng là gặp chính Đức Kitô.
Câu chuyện kết thúc ở đó, nên không biết dân chúng xứ đó có đón nhận Tin Mừng hay không.
Ngày nay rao giảng Tin Mừng cho thế giới là nhiệm vụ của chúng ta. Đó là một đặc ân to lớn nhưng cũng là một trách nhiệm nặng nề. Tuy nhiên, cũng như Đức Kitô, chúng ta được Chúa Thánh Thần giúp đỡ. Cách tốt nhất để rao giảng Tin Mừng là sống tốt đời Kitô hữu. Quyển sách duy nhất mà nhiều người chưa bao giờ đọc để hiểu Tin Mừng, đó chính là quyển sách của đời sống chúng ta. (FM)
6. Xóa nợ cho nhau
Trước lúc lìa đời, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có giao cho con cháu một cái ống tre sơn son thếp vàng gắn bít hai đầu và dặn đến đúng năm tháng ấy, ngày giờ ấy, phải để cái ống ấy vào kiệu rước lên dinh tổng đốc Hải Dương, trao cái ống này cho quan thì sẽ cứu vãn được tình thế gia đình nhưng tuyệt đối không được ai mở ra xem, trừ quan tổng đốc.
Cái ống tre ấy truyền đến người cháu bảy đời của Trạng, mới rước lên dinh quan tổng đốc, đúng vào ngày giờ đã ghi trong gia phả. Khi quan mở ống thấy một cuộn giấy, ông rút ra xem thấy có hai câu chữ nho :
Ngã cứu nhi thượng lương chi ách
Nhĩ cứu ngã thất thế chi bần !
Nghĩa là :
Ta cứu ngươi khỏi xà nhà đổ,
Ngươi cứu cháu bảy đời của ta còn nghèo.
Đang lúc bận việc, quan tổng đốc thấy hai câu nói xấc xược ấy, ông liền nổi giận. Sẵn cầm chiếc quạt trên tay, ông đứng phắt dậy, chạy lại định đánh người cháu bảy đời của Trạng. Nhưng vừa bước khỏi sập, chiếc xà nhà ngay trên đỉnh đầu đổ xuống đánh rầm một cái. Phúc bảy mươi đời, ông mới vừa bước ra, nên không sao cả.
Quan tổng đốc lúc đó mới giật mình hiểu rõ Trạng đã cứu mình khỏi cái chết bất đắc kỳ tử. Quan ân cần xin lỗi người cháu ông, mời về tư thất đãi cơm rượu rồi cho một số tiền khá lớn, để cứu giúp cho gia đình cháu của Trạng đang lâm hoàn cảnh cực kỳ túng thiếu.
*
Nói đến các bậc tiên tri ở nước ta, trước hết phải kể đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sinh thời ông đã nổi tiếng về các giai thoại tiên tri, đến nỗi các sĩ tử nô nức xin theo học và thiên hạ đua nhau tìm đến hỏi về những việc tương lai.
Tuy nhiên, các lời sấm của ông được ứng nghiệm là do trí thông minh của ông đã mách bảo. Còn hôm nay, nơi Chúa Giêsu đã ứng nghiệm sấm ngôn của Isaia do Thánh Thần linh ứng. Chính Chúa Giêsu cũng là một tiên tri được đầy tràn Thánh Thần. Một tiên tri cao cả mang ơn gọi và sứ mạng cứu độ.
Khi chịu phép rửa, Người đã nhận lãnh Thánh Thần như một việc xức dầu.
Người được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo hèn, những kẻ nghèo tiền, nghèo bạn, nghèo văn hoá.
Người được sai đến với những kẻ bị giam cầm trong lao tù, trong ích kỷ, trong tham lam.
Người cho kẻ mù được sáng mắt, kẻ u mê thoát vòng tối tăm.
Người trả tự do cho người bị áp bức, phá xiềng xích cho những tội nhân.
Người khai mở một Năm Toàn Xá, Năm Thánh, Năm Hồng Ân cứu độ.
Chúng ta cũng đã được xức dầu để trở thành tiên tri, đi loan báo Tin Mứng cứu độ.
Nếu Thánh Thần đã chi phối toàn bộ ngôn từ, hành vi của Chúa Giêsu, chúng ta cũng hãy ngoan nguỳ để Thánh Thần hướng dẫn tất cả lời nói, việc làm của mình.
Nếu sấm ngôn của Isaia đã ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu ; ước gì Lời Chúa cũng được ứng nghiệm trong cuộc đời chúng ta, bằng sự cộng tác tích cực của bản thân mỗi người.
Con người ngày nay khắc khoải trong lo âu sầu muộn, người tín hữu Kitô phải là chứng nhân của niềm vui.
Con người ngày nay ngụp lặn trong bóng tối của lầm lạc, người tín hữu Kitô phải chiếu toả ánh sáng của đức tin.
Con người ngày nay bị kìm toả trong vòng nô lệ của tiền bạc, danh vọng ; ngườt tín hữu Kitô phải loan báo sự tự do của con cái Chúa.
Nếu những người đã chịu phép Rửa trong Thánh Thần, mà còn làm ngơ trước những con người nghèo hèn, áp bức kẻ cô thân cô thế, bịt mắt những anh em dốt nát, và giam hãm tha nhân trong ngục tù dưới nhiều hình thức ; thì quả thật, Lời Chúa chẳng bao giờ được ứng nghiệm trong cuộc đời họ.
*
Lạy Chúa, xin cho chúng con cũng biết xoá nợ cho nhau, không chỉ xoá nợ tiền bạc mà còn xoá đi những bất bình, nghi kỵ thành kiến, hiểu lầm nhau..., để mọi người chung quanh chúng con được nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn, vui tươi hơn.
Xin cho chúng con luôn là những sứ giả đi loan báo và chứng tá cho tình yêu cứu độ của Chúa. Amen. (TP)
7. Giáo Hội là nhiệm thể Đức Kitô
Ngày nay trong y khoa có quá nhiều chuyên khoa khiến cho cơ thể như bị tách rời thành nhiều phần. Một số bác sĩ chuyên về tim, một số khác chuyên về não, một số khác chuyên về mắt, một số khác chuyên về tai, vân vân. Chuyên môn là tốt nhưng cũng có mặt trái của nó. Các bác sĩ ấy có thể hiểu biết rất ít về con người mà họ đang điều trị về mắt, hay tim, hay chân tay…
Cơ thể con người là một toàn thể thống nhất mặc dù nó gồm bởi nhiều bộ phận. Những bộ phận này rất khác nhau và có những chức năng khác nhau. Chắc hẳn là một số bộ phận quan trọng hơn những bộ phận kia. Tuy nhiên chúng đều cần cho cơ thể và đều cần cho nhau.
Giáo Hội cũng thế. Chúng ta tuy nhiều nhưng tạo thành một thân thể duy nhất trong Đức Kitô (Bài đọc II). Bởi Phép Rửa, chúng ta đã trở thành chi thể của thân thể Đức Kitô, tức là Giáo Hội. Có lẽ có "người" nào đó muốn sống một mình, không lệ thuộc cộng đoàn. Nhưng không thể nào có "người kitô hữu" đơn độc được. Kitô hữu nào tự ý cắt mình rời khỏi cộng đoàn thì làm cho cộng đoàn bị đau như một cơ thể bị cắt lìa một chi thể.
Cộng đoàn đòi hỏi chúng ta. Vì lý do đó nên nhiều người bị cám dỗ sống một mình, tìm ơn cứu độ một mình không cần đến người khác. Nhưng không thể như thế được. Chúng ta cần nhau, cũng như các chi thể cần nhau vậy. Và Giáo Hội cần tất cả chúng ta. Chúng ta cần ý thức tùy thuộc nhau và tùy thuộc Đức Kitô. Chúng ta vẫn liên đới với nhau dù khi chúng ta chỉ muốn nghĩ đến bản thân mình.
Sự tùy thuộc vào cộng đoàn có nhiều lợi ích rõ ràng. Hãy lấy cây sậy làm thí dụ. Nếu chỉ có một mình thì nó rất yếu và dễ gãy đổ. Nhưng nhiều cây bó chung lại với nhau thì không thể nào bẻ gãy được. Đối với con người cũng thế. Sức mạnh là do hợp quần. Người ta sẽ can đảm hơn khi quen biết nhau, khuyến khích nhau và sát cánh cùng nhau chiến đấu. Nhiều công trình to lớn đã được thực hiện nhờ người ta biết làm việc chung với nhau.
Tinh thần cộng đoàn được chính Chúa Giêsu nhấn mạnh khi Ngài kể dụ ngôn cây nho và cành nho : "Thầy là cây nho, chúng con là cành". Một hình ảnh thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu sắc về sự hợp nhất và tùy thuộc lẫn nhau.
Rõ ràng là các cành nho cần đến cây nho. Nhưng cây nho cũng cần đến cành nho vậy, bởi vì chính cành nho sinh trái. Đó là điều mà Chúa Giêsu muốn có giữa Ngài và các môn đệ của Ngài. Ngài là cây nho, chúng ta là cành nho. Hay nói như Thánh Phaolô : "Chúa Giêsu là đầu của thân thể, chúng ta là chi thể của thân thể ấy". Nếu không ý thức về sự tùy thuộc lẫn nhau, chăm sóc cho nhau và chịu trách nhiệm về nhau thì ta không còn là Kitô hữu nữa.
Hoa trái mà Chúa Giêsu mong muốn nơi chúng ta trước hết chính là sự hiệp nhất giữa chúng ta với nhau. Dấu chỉ cho mọi người biết chúng ta thuộc về Ngài là chúng ta yêu thương nhau và chăm sóc nhau. (FM)
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Chúa là núi đá cho ta trú ẩn, là thành trì bảo vệ ta. Với lòng tin tưởng Chúa là Đấng phù trợ, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
1. Thần Khí Chúa sai tôi đi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử / hết lòng yêu thương và tận tình giúp đỡ những ai khó nghèo.
2. Thần Khí Chúa sai tôi đi băng bó những tấm lòng tan nát / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho có nhiều Kitô hữu / dám xả thân phục vụ những ai đang gặp đau khổ trong cuộc sống thường ngày.
3. Ngày nay / nghèo đói và bệnh tật / dốt nát và bất công / vẫn còn ngự trị ở khắp mọi nơi / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu / biết chân thành cộng tác với hết thảy mọi người để xóa đói giảm nghèo / tiêu diệt dốt nát / giảm thiếu bất công / và khống chế bệnh tật / để ai nấy đều được sống trong hạnh phúc và an bình.
4. Hằng ngày / có biết bao lời nói độc ác / thiếu bác ái / góp phần giết chết / hoặc làm sứt mẻ tình thân hữu giữa con người với nhau / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành viên trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết luôn dùng lời nói và việc làm để kiến tạo hòa bình / xây dựng tình thương và xóa bỏ hận thù.
Chủ tế : Lạy Chúa, khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, chúng con trở nên anh em một nhà và có cùng một Cha chung trên trời. Xin Chúa cho chúng con luôn sống hiệp nhất và yêu thương nhau. Chúng con cầu xin 
VI. Trong Thánh Lễ
- Trước kinh Lạy Cha : Tất cả chúng ta đều được Rửa tội trong cùng một Chúa Thánh Thần. Giờ đây chúng ta hãy kết hợp với Thánh Thần mà dâng lên Chúa Cha lời kinh nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta.
VII. Giải tán
Chúa Giêsu đã được đầy tràn Thánh Thần và được sai đi loan Tin Mừng cho những người nghèo khó. Anh chị em cũng đã đón nhận tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần và Chúa cũng sai anh em đi. Vậy anh chị em hãy hăng hái ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người anh chị em gặp gỡ
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật III Thường Niên (C)
Chúa Nhật, 24 Tháng 1, 2016
Chúa Giêsu trình bày chương trình sứ vụ của mình
Tại cộng đoàn Nagiarét
Lc 1:1-4; 4:14-21


1. Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng ngự trên cao,
Chúa đã biến đời sống mỏng manh của chúng con thành đá tảng đền thờ Chúa ngự.
Xin hãy hướng dẫn tâm trí chúng con biết đập vỡ những phiến đá trong sa mạc,
để cho nước có thể chảy ra hầu làm dịu cơn khát của chúng con. 
Nguyện xin cho sự nghèo nàn về cảm xúc của chúng con che phủ chúng con như tấm áo choàng trong bóng tối của đêm đen.
Và xin Chúa hãy mở lòng trí chúng con để chúng con có thể nghe được tiếng vang vọng của sự im lặng cho đến lúc bình minh,
Xin hãy ấp ủ chúng con trong ánh sáng của buổi rạng đông,
Xin hãy mang đến cho chúng con,
Với than hồng từ lửa của những người chăn chiên của Đấng Tuyệt Đối
Là những người canh thức cho chúng con được gần với Thầy Chí Thánh, hương vị của kỷ niệm thánh.

2.  Bài Đọc

a)  Tin Mừng:

1 Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.
14 Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. 15 Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng.
16 Người đến Nagiarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. 17 Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: 18"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, 19 công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng". 20 Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. 21 Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe".

b)  Lời chú giải:

Một lời giới thiệu tóm tắt ngắn gọn trình bày hoạt động của Chúa Giêsu, thân thế của Người, và khung cảnh của bài Tin Mừng (Lc 4:14-21) xảy ra trong hội đường ở Nagiarét vào một ngày Thứ Bảy.  Việc Chúa Giêsu trở lại nơi mà danh tiếng của Người đã lan rộng khắp nơi trong vùng Galilêa và Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn các bước đi của Người, có một lý do đặc biệt.  Nói một cách chính xác, Luca cố gắng đưa ra lời diễn giải cứu độ cho các sự kiện bằng cách làm sáng tỏ các khía cạnh nổi bật.  Sự kiện Chúa Giêsu giảng dạy trong hội đường biểu thị nguồn gốc người Do Thái của Chúa và lòng mong muốn dự phần vào việc phụng tự để nhấn mạnh vai trò quan trọng của lề luật mà Thiên Chúa đã giao phó cho dân của Người và để hiến thân mình như lời ứng nghiệm và niềm hy vọng của dân Israel.
Đối với câu hỏi ngụ ý trong câu chuyện:  Chúa Giêsu có phải là một ngôn sứ không?  Câu trả lời trở nên rõ ràng hơn dựa theo các tiêu chuẩn nhận định được dân Do Thái sử dụng để xác định xem một người có phải là ngôn sứ được sai đến bởi Đấng Gia-Vê hay không:  lời giảng dạy của người ấy có phù hợp với giáo lý của lề luật Môisen không, công việc của người ấy có tương ứng với các điều răn của Thiên Chúa không, lời tiên tri của người ấy có liên quan đến sự thật sắp xảy ra trong tương lai không.  Tại Nagiarét, Đức Giêsu tự nhận mình là một ngôn sứ – thực ra, Người so sánh mình với các ngôn sứ Êlia và Êlisa – dù rằng Người không tự nhận mình như thế để cho phù hợp với tập quán hầu tránh được bất kỳ nỗ lực tự xưng của mình.

c)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Hãy để cho Lời Chúa vang vọng ở trong lòng chúng ta.

3.  Suy Gẫm

a)  Một vài câu hỏi gợi ý: 

-  Nghiên cứu cách chính xác trong mọi hoàn cảnh:  chúng ta có luôn vội vã trong ngày không?  Chúng ta có thực sự muốn truy cứu một cách chính xác việc gì đã xảy ra cho chúng ta không?
-  Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó:  Tôi có luôn nghĩ đến người nghèo khó như những người khác trong khi tôi thuộc về những người giàu có và hiểu biết, và do đó tôi không cần đến bất cứ ai không?
-  Hôm nay lời Kinh Thánh này đã được ứng nghiệm:  lời Kinh Thánh nào mà chúng ta biết rõ đến nỗi như công nhận nó là hóa thân trong thời đại chúng ta? 

b)  Chìa khóa dẫn đến bài Tin Mừng:

Cảnh huống lịch sử

Đoạn văn về hội đường tại Nagiarét là một phần góc cạnh được thiết kế để sau này sẽ hình thành chìa khóa của bài đọc về những gì xảy ra tiếp theo trong sách Phúc Âm của Luca.  Việc đối chiếu lời ngôn sứ Isaia là việc căn bản bởi vì trong đó được mặc khải sự liên tục lịch sử nhân loại của Thiên Chúa.  Cử chỉ của Chúa Giêsu, được đặt song song:  “Người đã đứng dậy và mở sách ra” (câu 17), “Người gấp sách lại và ngồi xuống” (câu 20), cho thấy câu chuyện về một nhân vật phụng vụ theo lệ thường nhưng lại mới mẻ.
Sự mới mẻ xảy ra trong bài giảng nói về món quà tặng báo trước.  Ngày nay, một từ ngữ quan trọng trong Tin Mừng Luca, thể hiện việc ứng nghiệm trong mục đích của Chúa Kitô.  Những phản ứng tức khắc đối với chữ ngày nay là sự ngạc nhiên và không tin tưởng, là kỳ diệu và tai tiếng thậm chí việc chối bỏ đã được tìm thấy trong câu hỏi theo sau lời công bố của Chúa Giêsu, một câu hỏi lơ lửng mà không có câu trả lời:  “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (câu 22).  Sự tương phản với Lời Chúa được công bố về một người được trao ban bởi thần khí Chúa, được thánh hiến bởi việc xức dầu, được sai đi vào một sứ vụ đặc biệt mang tính cách thiên sai:  để đem tin mừng, để tha thứ, để công bố… tạo ra một cuộc xung đột về căn tính.

Cảnh huống văn học

Đoạn văn này không có những điểm tương đồng chính xác trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm.  Chuyến viếng thăm của Đức Giêsu tại làng Nagiarét trong Tin Mừng Mátthêu 13:53-58 và trong Máccô 6:1-6a giới hạn trong câu hỏi liên quan đến nguồn gốc của Chúa Giêsu và sự từ chối của Người.  Không có một lời mô tả nào về nghi thức trong hội đường, cũng không có một ghi chép nào về những lời được công bố bởi Đức Giêsu và về sự giải thích việc hôm nay ứng nghiệm Lời Chúa.  Sự phù hợp duy nhất, ngoài sự đa dạng của bối cảnh, là việc từ chối Đức Giêsu bởi dân làng Nagiarét.
Qua bài giảng của Chúa Giêsu tại Nagiarét, Luca muốn giới thiệu và làm sáng tỏ toàn bộ mầu nhiệm công khai của Chúa Giêsu.  Sách tiên tri Isaia các câu 61:1-2 chứa một tổng hợp về các chủ đề lớn mô tả đặc điểm Tin Mừng của Luca và những việc thân quý nhất đối với ông:  Chúa Thánh Thần, việc xức dầu Đấng Thiên Sai, sự giải thoát cánh chung, niềm vui thiên sai, sự can thiệp của Thiên Chúa để giúp đỡ người nghèo khó và kẻ bị áp bức, việc công bố năm hồng ân.  Chương trình được mở đầu trong sách Tin Mừng của Máccô với lời công bố:  “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.  Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:14-15) và sách Tin Mừng Mátthêu trong bài giảng trên núi (Mt 5:1-48), xuất hiện trong sách Tin Mừng của Luca tại trung tâm thờ phượng của người Do Thái:  việc được ứng nghiệm không phải là thời gian mà là lời Kinh Thánh.  Độc giả được mời gọi để nhìn thấy việc cần thiết phải “cùng đi” với Chúa Kitô và bắt chước Người trên con đường tuân theo ý muốn của Chúa Cha.  Thành Giêrusalem, chỗ kết thúc của một cuộc hành trình dài (Lc 9:51-18:14) đã đưa Chúa Giêsu đến thời điểm quyết định cuộc đời của Người, cùng là điểm cuối cùng của sứ vụ nơi trần gian của Người (Lc 24) và bắt đầu đời sống của Giáo Hội sơ sinh (Cv 1-2).

Thể loại văn học

Trong đoạn văn này, chúng ta có thể thấy một chút thống nhất về văn học.  Sự can thiệp biên soạn của Luca bắt đầu từ những dữ kiện truyền thống, theo sau mục đích riêng của nó.  Sự thiết kế nhất thể của cả hai phần cho thấy sự phân định nội tại rõ ràng và đối ngoại chính xác.  Đối với Luca, hai lĩnh vực của vấn đề thì không thể tách rời:  Đức Giêsu là ai? Và Việc làm của Người nhắm vào ai?  Mối tương quan giữa lời nói và hành động thì rất mật thiết, hành động mạnh mẽ của việc công bố xảy ra trong đời sống.  Đoạn văn này muốn giới thiệu mầu nhiệm công khai của Chúa Giêsu, hầu như giúp cho Người có thể hành động trong sự hạn chế vì Người thuộc về dân Do Thái.  Thần Khí Chúa được ban dồi dào trên Đức Giêsu:  lúc Người được sinh ra (1:36); lúc Người chịu phép rửa (3:22), trong lúc bị cám dỗ (4:1), vào lúc bắt đầu sứ vụ của Người (4:14), là Thần Khí được nói đến trong sách tiên tri Isaia (câu 18) là Đấng làm cho hoạt động của Thiên Chúa nên rõ ràng.  Một hoạt động không có những giới hạn chủng tộc và không tìm kiếm danh vọng, mà thiên về những ai cần đến ơn cứu độ:  người nghèo khó, những kẻ bị giam cầm, kẻ mù lòa, người bị áp bức, và để bắt đầu thời gian ân sủng của Thiên Chúa.  Vị ngôn sứ được sai đến bởi Thiên Chúa thì được miễn trừ khỏi tất cả mọi giới hạn và cớ ràng buộc.  Chúng ta vượt qua từ một việc phụng tự trong hội đường không có khả năng đón nhận Lời Chúa xưa được ứng nghiệm trong ngày hôm nay, đến một sự phụng vụ dọc theo những con đường của thế giới.  Chúa Giêsu ra đi, Người đi theo con đường của mình mà từ Giêrusalem sẽ đưa Người đến tận cùng trái đất thông qua những kẻ theo Người.

Phân tích chi tiết về văn bản

Một phân tích tỉ mỉ về những câu trong đoạn Tin Mừng này sẽ tiết lộ những đặc thù quan trọng, mà trong khuôn khổ lịch sử, cung cấp cảnh tượng trong hội đường một sự tổng hợp Tin Mừng về nội dung và các sự kiện.

Câu 16:  Dường như hội đường là nơi mà Chúa Giêsu thường xuyên lui tới.  Chính nơi này từ thời niên thiếu, Người đã được nghe Lời Chúa và đã hiểu nó theo truyền thống sinh sống của người dân.  Thật là ý nghĩa Chúa Giêsu tìm đến các trung tâm phụng vụ.  Những người Do Thái trưởng thành có thể đọc được chữ, thông thường các nhà lãnh đạo của hội đường được ủy thác nhiệm vụ này, là những người thông thạo về Kinh Thánh.  Sự kiện mà Chúa Giêsu đứng lên đọc cho thấy rằng Người làm thế theo lệ thường cũng như Người có thói quen đến tham dự ở hội đường. Những chữ:  “theo thói quen của Người” làm tăng thêm sự hữu hiệu cho câu gần như là người đọc và nói không phải là bất cứ một ai khác, mà là một người thuộc dòng dõi Israel thông thạo về việc đọc và giải thích kinh Ngũ Thư và các sáchTiên Tri.  Lúc ấy đức tin Kitô hữu được khai sinh từ những người đại diện trung thành của con cái Israel, những người mà thời gian chờ đợi của họ đã đến lúc ứng nghiệm.  Tất cả các nhân vật chính trong Tin Mừng Luca là những người dân Israel thật sự:  ông Giacaria, bà Isave và ông Gioan Tiền Hô, Đức Maria, thánh Giuse và Chúa Giêsu, các tông đồ và sau đó Công Vụ Tông Đồ, Phaolô.  Đây là “một thói quen” mang theo nó một cái gì đó mới mẻ.  Hội đường là nơi từ đó sự công bố bắt đầu và lan tỏa đến các thành phố miền Giuđa và Galilêa, và toàn cõi Israel thậm chí đến tận cùng bờ cõi trái đất.

Các câu 17-19:  Chúa Giêsu mở sách gặp ngay đoạn trong sách tiên tri Isaia 61:1-2 mà có lẽ đề cập đến việc thánh hiến một tiên tri (xem 1V 19:16).  Luca bỏ qua lời trích dẫn đoạn kết răn đe từ sách Isaia bởi vì nó không dính líu đến mục đích của mình: ông nhấn mạnh rằng giáo huấn của Đức Giêsu có nguồn cội từ Kinh Thánh (17-19; 25-27) và làm cho nó hiện diện trong chính Con Người của Chúa.  Những lời của ngôn sứ Isaia trên môi miệng Người đạt được đầy đủ ý nghĩa của chúng và tóm tắt sứ vụ của Người (xem 4:1), tràn đầy Chúa Thánh Thần, được xức dầu bởi Thiên Chúa, được sai đến để công bố Tin Mừng cho người nghèo khó, đem lại sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm và người bị áp bức, cho người mù được thấy và rao giảng thời gian ân sủng của Thiên Chúa.

Câu 20:  Lời mô tả chi tiết các cử chỉ báo hiệu cho những gì sẽ đến.  Chúa Giêsu nói chuyện trong khi đang ngồi, vị thế điển hình của người giảng dạy.  Ánh mắt của dân chúng hướng về Người chuẩn bị cho chúng ta tầm quan trọng về những điều Người sắp nói.  Bài giảng của Người ngắn gọn nhưng gây lo âu.  Những cử động cho thấy các đặc tính của Luca từ đoạn Tin Mừng này.  Chúa Giêsu đến, Người bước vào, Chúa đứng dậy, Người ngồi xuống, Người băng qua giữa họ, Người đi khỏi.  Dân chúng Nagiarét cũng đứng dậy nhưng mà để lôi Người ra khỏi hội đường.  Sự tương phản rõ ràng.  Chúa Giêsu đứng dậy để đọc sách, người ta đứng dậy để đuổi Người đi.  Sự chờ đợi được mô tả trong câu này:  “Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người” thoái hóa thành sự từ chối.  Vấn đề không ở lời rao giảng, đã rất nổi tiếng và là nguồn gốc của sự hy vọng cho những người dân Israel mộ đạo, mà là người công bố nó và làm cho nó trở nên của riêng mình.

Câu 21:  Chúa Giêsu không đưa ra bất kỳ một ý kiến nào về lời của ngôn sứ Isaia, mà Người làm cho chúng trở thành thực tại.  Lời của Người là một sự kiện từ ngữ –phán ra (rhêma) – (Cv 10:37), một lời mà bây giờ là sự cứu rỗi.  Lời tiên tri trở nên sống động và đang diễn ra.  Lời giải thích của Chúa Giêsu vượt hẳn mọi sự mong đợi.  Trong Lời Chúa, hôm nay là thì hiện tại, ngày hôm nay là đặc trưng của Thánh Sử và đó là ngày hôm nay của ơn cứu độ, ngày hôm nay của việc ứng nghiệm đến từ sự lắng nghe (xem Rm 10:17).  Điều cần thiết đối với Luca là sự lắng nghe.  Việc thực hiện những lời cam kết từ ngàn xưa được lặp đi lặp lại trong toàn bộ các tác phẩm của Luca (Lc 9:51; Cv 2:1; 19:21) là dành cho những người lắng nghe:  kẻ cùng khốn (anawim), người nghèo khó, kẻ bị áp bức, những người được Đấng Gia-Vê thương mến (Is 11:4; 29:19) và bây giờ những người được Chúa Giêsu yêu thương (Mt 11:28).  
     
c)  Suy niệm:                                                                                                              

Lời chú giải Thánh Kinh của Chúa Giêsu về sách Tiên Tri Isaia chương 61 là một ví dụ của việc hiện thực hóa cho thấy sự hiện diện của Đấng Thiên Sai và sự trông cậy vào các đoạn Kinh Thánh để làm sáng tỏ tình trạng hiện tại.  Đức Kitô là Đấng thẩm quyền sáng tạo đòi hỏi người ta phải thích ứng đời sống của họ với sứ điệp, chấp nhận Đấng Được Xức Dầu của Thiên Chúa và từ bỏ giả định hạ thấp Người xuống ngang hàng với họ.  Quan điểm thực tiễn này là chìa khóa cho việc hiện thực hóa trong mọi thời đại:  ơn cứu độ của ngày hôm nay vang vọng đến bất cứ nơi nào có lời rao giảng, cùng là sự chào đón và dấn thân.
Trong hội đường ở Nagiarét, chúng ta thấy các câu trả lời căn bản của loài người, những kẻ sống trong kỳ vọng gặp gỡ với ơn cứu rỗi.  Chúa Giêsu được sai đến bởi Thiên Chúa và được duy trì bởi Chúa Thánh Thần.  Việc xức dầu nói rằng Người là Đấng Cứu Thế.  Trong Người, lời Kinh Thánh được ứng nghiệm.  Người là Thiên Chúa của ngày hôm nay, Đấng làm ứng nghiệm lịch sử trong quá khứ, bây giờ đến sự viên mãn trong Đức Giêsu và sẽ trở thành ngày hôm nay hằng ngày cho tương lai đó là thời kỳ của Giáo Hội, nó cũng gửi đi như Lời báo trước của Chúa, được duy trì bởi Chúa Thánh Thần.  Sứ điệp chính được tìm thấy trong đoạn văn này của Luca là lời Kinh Thánh.  Kinh Thánh chứa đựng toàn bộ sự bí ẩn của Thiên Chúa, Đấng hằng sống đời đời và trở thành người như chúng ta.

4.  Cầu Nguyện

Thánh Vịnh 2:6-9

"Chính Ta đã đặt vị quân vương Ta tuyển chọn,
lên trị vì Si-on, núi thánh của Ta."
Tân vương lên tiếng: Tôi xin đọc sắc phong của CHÚA,
Người phán bảo tôi rằng: "Con là con của Cha,
ngày hôm nay Cha đã sinh ra con.
Con cứ xin, rồi Cha ban tặng
muôn dân nước làm sản nghiệp riêng,
toàn cõi đất làm phần lãnh địa.
Con sẽ dùng trượng sắt đập chúng tan tành,
nghiền nát chúng như đồ sành đồ gốm."

5. Chiêm Niệm

Hôm nay:  đây là chữ quan trọng trong đời sống hằng ngày của con.  Trong ngày hôm nay lời Kinh Thánh được ứng nghiệm.  Trong ngày hôm nay Đức Kitô đi vào trong hội đường của sự nhận thức của con để công bố Tin Mừng cho sự nghèo nàn của ý nghĩ con, cho những cảm giác của con là những kẻ bị giam cầm bởi lòng ham muốn được xây dựng trên những hoang tàn của những ngày đen tối trải dài từ giờ này sang giờ kia, cho tầm mắt của con đã bị che khuất bởi tất cả những sự thiển cận của con.  Năm của ân sủng, của hoán cải, của phúc lành.  Lạy Chúa, nguyện xin cho ngày hôm nay của con là của Chúa để không một lời nào của Chúa phải trở thành vô ích trong đời sống của con, mà để cho Lời của Chúa có thể được ứng nghiệm như hạt thóc trong luống cày băng giá của quá khứ, có thể nảy chồi đâm lộc vào lúc những dấu hiệu đầu tiên của mùa xuân xuất hiện.      


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét