Trang

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

30-01-2016 : THỨ BẢY - TUẦN III THƯỜNG NIÊN

30/01/2016
Thứ Bảy tuần 3 thường niên.

Bài Ðọc I: (năm II) 2 Sm 12, 1-7a, 10-17
"Tôi đã phạm tội đến Chúa".
Trích sách Samuel quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Chúa sai Nathan đến cùng Ðavít. Ông đến và nói với Ðavít rằng: "Trong thành kia có hai người, một người giàu và một người nghèo. Người giàu có rất nhiều chiên bò, còn người nghèo thì không có gì, ngoài một con chiên con mà ông đã mua và nuôi dưỡng, nó lớn lên trong nhà ông cùng với con cái ông, cùng ăn một bánh, cùng uống một chén và cùng ngủ một giường với ông; ông kể nó như con gái mình. Có một người khách đến thăm người giàu ấy, ông ta không muốn bắt chiên bò của mình để dọn tiệc đãi khách, nhưng lại bắt con chiên của người nghèo mà dọn tiệc đãi khách". Ðavít tức giận người đó lắm, và nói cùng Nathan rằng: "Nhân danh Thiên Chúa hằng sống! Người làm như thế là đáng chết. Nó phải bồi thường gấp bốn lần vì đã hành động bất nhân như thế!"
Nathan liền nói với Ðavít: "Ngài chính là người đó. Chúa là Thiên Chúa Israel phán rằng: Lưỡi gươm sẽ không bao giờ rời khỏi dòng dõi ngươi cho đến muôn đời, vì ngươi đã khinh dể Ta, đã cướp vợ của Uria người Hêthê làm vợ mình. Vì thế Chúa phán rằng: Từ gia đình ngươi, Ta sẽ gây nên tai hoạ đổ trên đầu ngươi. Ngay trước mặt ngươi, Ta sẽ đem thê thiếp của ngươi trao cho người khác, nó sẽ ăn ở với chúng ngay dưới ánh sáng mặt trời. Ngươi đã hành động thầm lén, còn Ta, Ta sẽ làm việc đó trước mặt toàn dân Israel và giữa thanh thiên bạch nhật".
Ðavít nói cùng Nathan rằng: "Tôi đã phạm tội đến Chúa". Và Nathan nói cùng Ðavít rằng: "Chúa cũng đã tha tội cho ngài rồi, ngài sẽ không phải chết. Nhưng vì việc này, ngài làm dịp cho quân thù của Chúa nói phạm thượng, nên đứa con của ngài sẽ chết". Rồi Nathan ra về.
Và Chúa giáng hoạ trên đứa con của Ðavít do vợ của Uria sinh ra, nên nó lâm trọng bệnh. Ðavít khẩn cầu Chúa cho đứa trẻ, ông ăn chay và lui về phòng nằm dưới đất. Các kỳ lão đến nhà vua và nài xin vua chỗi dậy, nhưng vua không chịu và không dùng bữa với họ.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 12-13. 14-15. 16-17.
Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch (c. 12a).
Xướng: 1) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. - Ðáp.
2) Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài. - Ðáp.
3) Xin cứu gỡ con khỏi đền nợ máu, ôi lạy Chúa là Chúa cứu độ con, lưỡi con sẽ ca ngợi đức công minh Chúa. Lạy Chúa, xin mở môi con, miệng con sẽ loan truyền lời ca khen. - Ðáp.
  
Alleluia: Tv 118, 27
Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 4, 35-41
"Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ". Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: "Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?" Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: "Hãy im đi, hãy lặng đi". Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: "Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?" Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: "Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?"
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Sóng gió cuộc đời
Sự kiện Chúa Giêsu và các môn đệ sang bên kia biển hồ, như được trình thuật trong Tin Mừng hôm nay, không phải chỉ có ý nghĩa địa lý: di chuyển từ nơi này sang nơi nọ, cũng như sóng gió nổi lên không chỉ mang ý nghĩa về khí tượng thuần tuý; nhưng các biến cố đó còn mang ý nghĩa thần học nữa. Chúa Giêsu và các môn đệ rời bỏ miền đất Israel để đi sang phía dân ngoại, điều đó mang ý nghĩa truyền giáo; sóng gió nổi lên tượng trưng cho sức mạnh của sự dữ, của ma quỷ nổi lên chống lại Chúa và các môn đệ.
Tuy nhiên, như trình thuật Tin Mừng cho thấy, lúc đó Chúa Giêsu đang ở đàng lái, gối đầu mà ngủ. Giấc ngủ ấy khiến ta liên tưởng đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá. Trong cái chết đó, Chúa Giêsu dường như đã thất bại, trong khi đó các quyền lực sự dữ tưởng chừng như đã thành công, vì đã thủ tiêu được người mà họ coi như kẻ thù, như kẻ quấy rầy nền đạo đức tôn giáo của họ. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã thức dậy, nghĩa là Ngài đã phục sinh, và sự Phục Sinh của Ngài loan báo cuộc chiến thắng vĩ đại của Ngài trên mọi quyền lực của ma quỷ và sự dữ cũng như của bất cứ thế lực nào chống đối Giáo Hội.
Ðời sống của Giáo Hội cũng như của mỗi Kitô hữu được ví như một cuộc ra khơi. Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện, ngay cả khi chúng ta tưởng như Ngài vắng mặt trong những thử thách, phong ba của cuộc đời. Ðiều quan trọng là chúng ta biết chạy đến cầu nguyện với Chúa để Ngài làm yên cơn sóng gió và dẫn đưa con thuyền cuộc đời chúng ta về tới bến bờ bình an.
Ước gì chúng ta luôn có được xác tín của thánh Phaolô Tông đồ: Thiên Chúa không để chúng ta bị thử thách quá sức chịu đựng, Ngài sẽ ra tay cứu giúp mỗi khi chúng ta kêu cầu đến Ngài.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 3 TN
Bài đọc: Heb 11:1-2, 8-19; 2 Sam 12:1-7a, 10-17; Mk 4:35-41.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúng ta phải tin những gì Thiên Chúa nói.
Tại sao chúng ta tin một điều là thật? Thông thường có 3 lý do: (1) vì đã thấy; (2) vì cảm thấy hậu quả dù không thấy; và (3), vì thế giá của người nói.
Các Bài Đọc hôm nay đều nhằm mục đích thuyết phục con người tin vào những gì Thiên Chúa nói. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, tiên-tri Nathan, một cách rất khéo léo, làm cho vua David nhận ra tội lỗi của ông; và Thiên Chúa bắt ông phải gánh lấy những hình phạt. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trách các tông-đồ yếu lòng tin khi các ông đã có chính Ngài, Người có quyền trên sóng gió, cùng đồng hành.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Vua David thú nhận: "Tôi đắc tội với Đức Chúa."
2.1/ Cách sửa lỗi khéo léo của Nathan: Sửa lỗi người khác là chuyện rất khó làm; sửa lỗi nhà vua còn khó khăn hơn gấp bội. Nếu không khéo, người sửa lỗi sẽ gánh những hậu quả tai hại cho mình. Đức Chúa sai ông Nathan đến với vua David. Nathan dựng nên một câu truyện thoạt nghe không liên quan gì đến tội lỗi của nhà vua: "Có hai người ở trong cùng một thành, một người giàu, một người nghèo. Người giàu thì có chiên dê và bò, nhiều lắm. Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ độc nhất ông đã mua. Ông nuôi nó, nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông, nó ăn chung bánh với ông, uống chung chén với ông, ngủ trong lòng ông: ông coi nó như một đứa con gái. Có khách đến thăm người giàu, ông này tiếc của, không bắt chiên dê hay bò của mình mà làm thịt đãi người lữ khách đến thăm ông. Ông bắt con chiên cái của người nghèo mà làm thịt đãi người đến thăm ông."
Nghe đến đó, vua David bừng bừng nổi giận với người ấy và nói với ông Nathan: "Có Đức Chúa hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết! Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót." Lúc đó, ông Nathan mới nói và chỉ vào vua David: "Kẻ đó chính là ngài!"
2.2/ Hình phạt Đức Chúa sẽ đổ xuống trên David: Như sấm sét giáng trên đầu, vua David bấy giờ mới buồn bã ngồi xuống và nói với ông Nathan: "Tôi đắc tội với Đức Chúa." Ông Nathan nói với vua David: "Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài; ngài sẽ không phải chết; nhưng nhà vua phải lãnh nhận mọi hình phạt cách tương xứng.
- Chết chóc sẽ xảy ra trong gia đình: "Gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi, bởi vì ngươi đã khinh dể Ta và cướp vợ của Uriah, người Hittite, làm vợ ngươi."
- Hãm hiếp sẽ xảy đến cho các người vợ của David: "Ta sắp dùng chính nhà của ngươi mà gây hoạ cho ngươi. Ta sẽ bắt các vợ của ngươi trước mắt ngươi mà cho một người khác, và nó sẽ nằm với các vợ của ngươi giữa thanh thiên bạch nhật. Thật vậy, ngươi đã hành động lén lút, nhưng Ta, Ta sẽ làm điều ấy trước mặt toàn thể Israel và giữa thanh thiên bạch nhật."
- Đứa con của David đang cưu mang sẽ phải chết: "vì trong việc này ngài đã cả gan khinh thị Đức Chúa, nên đứa trẻ ngài sinh được, chắc chắn sẽ phải chết." Vua David cầu khẩn Thiên Chúa cho đứa trẻ, vua ăn chay nhiệm nhặt, và khi về nhà ngủ đêm thì nằm dưới đất.
Tất cả những gì Thiên Chúa phán đều tuần tự xảy ra cho nhà David. Vua David biết tội của mình nên không bao giờ dám mở miệng kêu trách Thiên Chúa.
3/ Phúc Âm: "Sao nhát thế? Tại sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?"
Trình thuật của Marcô kể: “Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Chúng ta sang bờ bên kia đi!" Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.” Đứng trước sóng gió, chúng ta thấy có hai thái độ khác nhau:
3.1/ Thái độ nhát sợ của các tông-đồ: Phản ứng của con người là sợ chết; vì thế các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: "Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?" Chúng ta không biết Chúa Giêsu đã làm bao nhiêu phép lạ trước mặt các ông, nhưng một điều chắc chắn là chưa đủ để các ông đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Ngài. Sau này, trong chương 6, sau khi đã làm phép lạ nuôi 5000 người, Chúa Giêsu lại đi trên mặt nước đến với các ông khi bị sóng gió, các ông vẫn sợ và tưởng Người là ma. Khi Chúa Giêsu đã truyền cho gió biển phải im lặng, các ông vẫn hoảng sợ và nói với nhau: "Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?"
3.2/ Thái độ của Chúa Giêsu: hoàn toàn đối nghịch hẳn với thái độ của các môn đệ. Trong khi các môn đệ đang vất vả chống chọi với sóng gió, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ không hiểu nổi làm sao một người có thể ngủ khi sóng biển gào thét như thế! Khi các ông nói lớn đánh thức, Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: "Im đi! Câm đi!" Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.” Rồi Người bảo các ông: "Sao nhát thế? Tại sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?"
Qua trình thuật hôm nay, các môn đệ và chúng ta phải học được bài học trong cuộc đời: một khi đã có đức tin, không một sóng gió nào trong cuộc đời có thể làm lay chuyển đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Khi phải đương đầu với chúng, đó là lúc chúng ta sống niềm tin đó.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Đức tin phải biểu tỏ bằng hành động qua việc chúng ta làm những gì Chúa dạy.
- Đức tin phải được tinh luyện trong thử thách và đau khổ. Người có đức tin sẽ không hoảng hốt và đau khổ khi phải đương đầu với thử thách.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

30/01/16 THỨ BẢY TUẦN 4 TN
Mc 4,35-41

Suy niệm: Nhạc sĩ P. Kim trong một tác phẩm của mình đã tự hỏi: “Giờ này, đối với tôi, Đức Ki-tô là ai vậy?” Đó là câu hỏi mà các tông đồ thốt lên khi tận mắt chứng kiến Thầy mình chỉ nói một lời mà gió và biển đang ào ào sôi sục phải vâng lệnh lặng im ngay tức khắc. Mặc dù được phúc ở gần Chúa, nhưng mãi đến hôm nay, các tông đồ của Chúa mới đặt câu hỏi về con người Giê-su đó. Đặt câu hỏi cũng có nghĩa là đã trả lời rồi: không phải là thường nhân thì phải chăng là Người được Thiên Chúa sai đến? Thế nhưng, ngay lúc đó, các ông đã không trả lời được rành rọt, mà phải với thời gian, đặc biệt là sau khi Chúa sống lại, các ông mới hiểu và nhận ra Người đích thực là “Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”
Mời Bạn: “Đối với tôi, Đức Ki-tô là ai?” Đó cũng là câu hỏi mà mỗi người chúng ta phải thường xuyên tự hỏi mình về Đức Ki-tô và mối tương quan với Ngài. Chúa Ki-tô vẫn đang hiện diện trong mỗi người chúng ta, cùng đồng hành trong mọi vui buồn, thành công và thất bại của cuộc sống. Làm sao có thể nhận ra Chúa nếu như ta không có mối liên hệ mật thiết với Người! Mời bạn xét lại mối tương quan giữa bạn với Chúa. Những hoàn cảnh đổi thay xảy đến trong đời có làm thay đổi mối tương quan đó không? Bạn có than trách Chúa khi gặp khó khăn thử thách không?
Chia sẻ cảm nghiệm của bạn về Chúa Giê-su hiện diện trong đời bạn.
Sống Lời Chúa: Dành thời gian tâm sự với Chúa Giê-su để sống thân thiết hơn với Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là tình yêu của con, xin cho con thêm lòng yêu mến Chúa.

Tại sao anh em sợ?
Lẽ ra chúng ta phải cảm thấy yên tâm khi nhìn Chúa ngủ giấc ngủ tín thác của trẻ thơ ngay giữa cơn giông bão. Nhìn Chúa ngủ bình an, chúng ta hiểu rằng chẳng có gì đáng sợ.


Suy nim:
Chẳng hiểu tại sao lúc chiều xuống,
Đức Giêsu lại bảo các môn đệ đưa mình qua bờ phía đông của Biển hồ,
trên con thuyền mà Ngài ngồi giảng các dụ ngôn (Mc 4,1).
Do địa thế đặc biệt, hồ Galilê hay có những trận cuồng phong ập đến bất chợt,
tạo ra những cơn bão lớn trên sóng nước.
Tối hôm ấy, thầy trò đã gặp một cơn bão như vậy.
Thầy Giêsu phó thác mọi sự cho các môn đệ vốn là ngư phủ lành nghề.
Thầy mệt nên ngủ say ở đuôi thuyền, ngủ trên một cái gối.
Trong khi đó các môn đệ phải vật lộn với sóng gió, nước tràn đầy thuyền.
Họ có vẻ mất bình tĩnh khi thấy cơn giông bão không đánh thức Thầy được.
Chính họ đánh thức Thầy bằng một lời trách móc :
“Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng lo gì sao?” (c.38).
Thầy Giêsu đã thức dậy, và đã làm cho biển lặng, gió yên.
Đời con người ai tránh được sóng gió bất chợt.
Nếu biết trước sẽ gặp sóng gió, ai dám vượt biến ban đêm.
Sóng gió xảy ra trong đời riêng của mỗi người, trong gia đình,
trong đất nước, trong Giáo Hội, trên thế giới.
Sóng gió làm ta thấy mình con thuyền đời mình chòng chành, mong manh,
và khiến ta sợ hãi, hoảng loạn.
Giữa cơn sóng gió có khi người tín hữu lại thấy Chúa lạnh lùng, vô cảm.
Như các môn đệ, chúng ta không hiểu tại sao Chúa có thể ngủ được
khi đời ta bị đe dọa bởi cuồng phong,
tại sao Chúa vắng mặt, thinh lặng và khoanh tay
vào lúc chúng ta cần đến Ngài hơn cả.
“Tại sao anh em sợ? Anh em không có lòng tin sao?” (c.40).
Anh em không tin là Thầy đang ở trong cùng một con thuyền với anh em sao?
Lẽ ra chúng ta phải cảm thấy yên tâm
khi nhìn Chúa ngủ giấc ngủ tín thác của trẻ thơ ngay giữa cơn giông bão.
Nhìn Chúa ngủ bình an, chúng ta hiểu rằng chẳng có gì đáng sợ.
Vâng lời Chúa để qua bờ bên kia, và có Chúa trong con thuyền đời mình,
điều đó không làm chúng ta tránh được giông bão,
có khi lại gặp bão tố nhiều hơn.
Nhưng điều chắc chắn là chúng ta sẽ qua được bờ bên kia
với lòng tin được tôi luyện của người tín hữu dày dạn.
Chúng ta dám tin Chúa có quyền trên sóng gió của đời ta không?
Cầu nguyn:

Lạy Cha từ ái,
đây là niềm tin của con.
Con tin Cha là Tình yêu,
và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.
Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,
cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,
cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,
con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.
Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,
chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.

Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất
cũng có một đốm lửa của sự thiện,
được vùi sâu dưới những lớp tro.
Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành
cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.

Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,
thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.

Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.
Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.

Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ
đang chuyển mình tiến về với Cha,
qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu
và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.

Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,
vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,
mọi dị biệt, thành kiến,
để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời
mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.

Lạy Cha, đó là niềm tin của con.
Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG GIÊNG
Kỹ Thuật: Đồng Minh Hay Kẻ Thù?
Kỹ thuật và những máy móc tinh xảo là những sản phẩm và là công cụ của lao động con người. Chủ thể thật sự của lao động vẫn là chính con người. Không bao giờ một công cụ lại có thể được nâng lên hàng chủ thể. Nó không thể được đặt trên người lao động hay người sử dụng nó – bởi vì nếu làm thế, trật tự của thực tại đã bị đảo lộn. Đó sẽ là điều không may. Phương tiện và cứu cánh của lao động đã bị xáo trộn!
Kinh nghiệm hiện đại cho thấy rằng sự áp dụng kỹ thuật – một khi không được hướng dẫn và được soi sáng bởi một trật tự đạo đức cao hơn – có thể trở thành một kẻ thù thay vì là một đồng minh của con người. Một ví dụ của điều này đó là khi sự tự động hóa trong công nghiệp hất cẳng con người, tước đi chỗ làm của nhiều người lao động. Một ví dụ khác: những trường hợp máy móc được đề cao và con người bị hạ xuống chỉ còn là một cái gì đó phục vụ cho máy móc (Laborem exercens 5).
Chúng ta được mời gọi làm chủ trái đất và làm chủ những sự thay đổi – chứ không phải phó mặc cho nó thống trị mình. Chỉ có thể làm chủ được như vậy nếu chúng ta vượt qua được sự đứt đoạn giữa đạo đức và kinh tế – chính sự đứt đoạn này đã làm cho những thành tựu ngoạn mục của thời hiện đại không thể phục vụ hoàn toàn cho thiện ích của con người.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 30/01
2Sm 12, 1-7. 10-17; Mc 4, 35-41.

Lời Suy Niệm: “Thầy ơi! Chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: Im đi! Câm đi! Gió liền tắt và biển lặng như tờ”
Trong cuộc sống hôm nay, không một ai mà không có những sóng gió trong cuộc đời làm ảnh hưởng đến đức tin, đôi khi làm cho chúng ta quá lo lắng mà quên đi là có Chúa đang đồng hành với mình, với ơn ban đầy quyền năng của Chúa. Chúa sẽ cứu giúp, nâng đỡ để chúng ta vượt qua nguy khó. Như trong câu chuyện: “Chúa Giêsu dẹp sóng gió” (Mc 4, 35-41).
Lạy Chúa Giêsu. Trong cuộc sống của chúng con, luôn được Chúa đồng hành và ban ơn để được sống và sống đức tin. Xin cho chúng con vững tin kêu cầu Chúa mọi nơi và mọi lúc.
Mạnh Phương


30 Tháng Giêng
Tình Yêu Là Sức Mạnh Vạn Năng
Ngày 30 Tháng Giêng cách đây đúng 40 năm, Mahatma Gandhi, người cha già của dân tộc Aán Ðộ đã vĩnh viễn ngã gục sau mấy nhát gươm của một thanh niên Aán Giáo quá khích.
Hôm đó, như thường lệ, Gandhi được hai người cháu dìu đi cầu nguyện. Cả một đám đông đang đi theo đằng sau Ngài. Bỗng nhiên, một thanh niên từ trong đám đông sấn tới đâm bổ vào Người của vị cha già dân tộc. Ba nhát gươm đâm xới xả vào một thân thể khô gầy vì không biết bao nhiêu hy sinh cho đất nước.
Thinh lặng bao chùm lấy đám đông. Người ta chỉ còn nghe được hai tiếng từ miệng của vị thánh "Rama, Rama" nghĩa là "Chúa ơi, Chúa ơi". Với một cố gắng cuối cùng, Ngài giơ hai tay lên, đan lại trong một cử chỉ cầu nguyện và tha thứ, rồi ngã gục.
Người thanh niên Aán Giáo quá khích đã sát hại Gandhi vì anh không thể chấp nhận ssược sự kiện Gandhi bày tỏ lòng quảng đại yêu thương ngay cả với những người Hồi Giáo.
400 triệu người Aán Ðộ đã than khóc và để tang cho vị cha già của dân tộc. Không khí buồn thảm cũng bao trùm khắp thế giới. Mọi người đều cảm nhận rằng ngày hôm đó trái đất trở nên cằn cỗi, nghèo nàn hơn, bởi vì đã mất đi một người con vĩ đại, một người con đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc mà không cần dùng đến khí giới của bạo động và hận thù. Chính Ngài đã từng nói: Tình Yêu là sức mạnh khiêm tốn nhất, nhưng cũng là sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có.
Tình Yêu là sức mạnh khiêm tốn nhất, nhưng cũng là sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có trong tay.
Chiến tranh và không biết bao nhiêu vấn đề mà thế giới ngày nay đang phải giải quyết, dường như thế giới chỉ muốn giải quyết bằng bạo động, bằng vũ khí giết người. Sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có trong tay là tình yêu, chỉ có một số ít người đang dùng đến.
Mục sư Luther King, người da đen, đang sử dụng khí giới của tình yêu. Oâng đã ngã gục, nhưng hàng triệu người da đen được đứng lên làm người như người da trắng. Giám mục Desmond Tutu, người Nam Phi da đen cũng đang đi theo vết chân của Gandhi và Luther King. Mẹ Têrêxa thành Calcutta cũng đang dùng khí giới của tình thương để cho những người không nhà không cửa, những người hấp hối đầu đường xó chợ được sống và chết như những con người.
Tất cả những mẫu gương trên đây chỉ là những phản ánh của một tình yêu trọn vẹn hơn, đó là tình yêu của Ðấng đã chịu chết cho người mình yêu. Chính Ngài đã nói: Khi nào Ta chịu treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo tất cả mọi người về với Ta.
Người Kitô chúng ta đang ở trong sức kéo ấy. Ngài đã cho chúng ta được sát nhập vào thân thể của Ngài và truyền cho chúng ta chính sức sống của Ngài. Người Kitô chỉ có thể là người Kitô khi họ sống bằng chính Sức Sống và Tình Yêu của Ngài.
(Lẽ Sống)


SỐNG LỜI CHÚA MỖI NGÀY
NĂM THÁNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Thứ Bảy, 30 tháng 1 – Tuần III Mùa Thường Niên
2 Sa-mu-en 12,1-7a.10-17 · Thánh Vịnh 50,12-13.14-15.16-17
Mác-cô 4,35-41


Hãy Là Chính Bạn


Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền ; có những thuyền khác cùng theo Người. Mác-cô 4,36

          Hãy hình dung về cảnh tượng lúc ấy và chúng ta có thể cảm thấy đoạn Tin Mừng này khó hiểu. Chúng ta hình dung cảnh Chúa Giêsu đang ở trên thuyền và sắp dẹp tan cơn bão biển đang kéo tới. Nhưng hãy chú ý, tại sao Thánh Sử Mác-cô lại viết rằng các môn đệ chở Người đi, vì Người « đang ở sẵn » trên thuyền, mà không nói rõ làm sao Người lại ở sẵn trên đó ? Còn đoạn này thì sao : « . . . những con thuyền khác cùng theo Người. » Tại sao Mác-cô lại viết như thế ? Những con thuyền khác là thuyền nào ? Chúng theo Chúa Giêsu để làm gì ? Bạn hãy thử suy nghĩ ngược lại, có thể, Chúa Giêsu mới là người chở chúng ta đi vì chúng ta đang ở sẵn trên thuyền với Người hoặc có thể chúng ta đang ở trên những chiếc thuyền kia và cùng theo Người.

Mitch Finley


HỌC HỎI NĂM THÁNH
Dung Nhan Lòng Thương Xót – Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Hỏi 92 : Vì sao lòng Chúa thương xót có khả năng liên kết chúng ta với Do Thái giáo và Hồi giáo ?

Đáp 92 : Vì Công giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo đều coi lòng thương xót là một trong những ưu phẩm của Thiên Chúa. Các trang sách Cựu Ước thắm đẫm lòng thương xót, vì thuật lại những kỳ công mà Chúa đã thực hiện cho Dân Do Thái vào những thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử của họ. Còn Hồi giáo thì luôn kêu cầu Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót và rất mực từ bi, nâng đỡ họ trong những lúc yếu đuối hàng ngày.


CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu, xin cho những câu chữ huyền ẩn trong Tin Mừng Thánh Mác-cô tỏa sáng cuộc đời của con.
Quyết tâm : Luôn sống bình an và lạc quan trong Chúa.

(nguồn trích : Sống Lời Chúa số 2 – Mùa Thường Niên 1 của Tgp. Sài Gòn)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét