30/12/2016
Ngày thứ sáu trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh
THÁNH GIA THẤT: CHÚA GIÊSU, ĐỨC MARIA, THÁNH GIUSE.
BÀI ĐỌC I: Hc 3,
3-7. 14-17a
"Ai kính sợ Chúa, thì thảo
kính cha mẹ".
Trích sách Huấn Ca.
Thiên Chúa suy tôn người
cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha
mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho
tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người
ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời
cha, sẽ làm vui lòng mẹ.
Hỡi kẻ làm con, hãy
gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu
tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành
khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ,
sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 127,
1-2. 3. 4-5
Đáp: Phúc
thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người (x.
c. 1).
Xướng: 1) Phúc thay những
bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay
bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. - Đáp.
2) Hiền thê bạn như
cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như những chồi
non của khóm ô-liu ở chung quanh bàn ăn của bạn. Đó là phúc lộc dành để cho người
biết tôn sợ Đức Thiên Chúa. - Đáp.
3) Nguyện xin Thiên
Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem
hết mọi ngày trong đời sống của bạn, và để bạn nhìn thấy lũ cháu đoàn con! -
Đáp.
BÀI ĐỌC II:
Cl 3, 12-21
"Về đời sống gia đình
trong Chúa".
Trích thư Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, như
những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu
thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà,
nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện
phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha
thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng
buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh
em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em
hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. Với
tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những
bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để
hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời
nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa
Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.
Hỡi các bà vợ, hãy phục
tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ
mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự,
vì đó là đẹp lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái,
kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA:
Cl 3, 15a. 16a
Alleluia, alleluia!
- Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em. Nguyện cho lời
Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. - Alleluia.
BÀI PHÚC ÂM NĂM
A: Mt 2, 13-15. 19-23
"Hãy đem Con Trẻ và mẹ Người
trốn sang Ai-cập".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi các đạo sĩ đã đi rồi,
thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: "Hãy thức
dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại
ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người". Ông thức dậy,
đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại
đó cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu làm cho trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri
mà phán rằng: "Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập".
ĐBấy giờ Hêrôđê thấy
mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả
con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua
đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại
Rama, người ta nghe những tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than
khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.
Khi Hêrôđê băng hà,
thì đây thiên thần Chúa hiện ra cùng Giuse trong giấc mơ bên Ai-cập và bảo:
"Hãy chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm hại
mạng sống Người đã chết". Ông liền chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất
Israel. Nhưng nghe rằng Arkhêlao làm vua xứ Giuđa thay cho Hêrôđê là cha mình, thì
Giuse sợ không dám về đó. Được báo trong giấc mộng, ông lánh sang địa phận xứ
Galilêa, và lập cư trong thành gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua
các tiên tri rằng: "Người sẽ được gọi là Nadarêô". Đó là lời
Chúa.
SUY NIỆM : Gia đình nhân loại
Giáo Hội đặc biệt quan
tâm tới việc xây dựng gia đình Kitô hữu thành một cái nôi của tình thương,
thành một mái trường dạy cho chúng ta những bài học làm người. Trong chiều hướng
đó, Thánh Gia với Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse vốn được coi là những mẫu
gương sáng chói của gia đình công giáo.
Thế nhưng, Chúa Giêsu
đã không muốn đóng khung nhãn giới của chúng ta trong khuôn khổ một gia đình
theo huyết thống. Bài học lớn nhất Ngài để lại cho chúng ta đó là bài học làm
người trong xã hội. Ngài không vun xới cho gia đình riêng của mình, nhưng Ngài
lại xây dựng đại gia đình nhân loại được cứu chuộc.
Tin Mừng cho thấy Chúa
Giêsu ngay từ lúc lọt lòng mẹ đã phải trải qua một cuộc bôn ba, đã là một con
người bị ruồng bắt bởi quyền lực thế gian. Con đường trốn qua Ai Cập cũng chính
là con đường dân riêng của Chúa đã đi qua thuở xưa, con đường dẫn tới cuộc sống
nô lệ trong suốt 400 năm. Nhưng rồi Ngài cũng được đưa về lại Galilê tượng
trưng cho cuộc xuất hành của dân riêng khỏi đất nô lệ Ai Cập. Như thế Phúc Âm
đã tóm gọn cuộc đời Chúa Giêsu và đặt cuộc đời ấy trong lịch sự của dân Chúa.
Qua Ai Cập và từ Ai Cập
trở về, Chúa Giêsu đã không chỉ đi với cha mẹ Ngài mà còn đi với dân của Ngài.
Qua cái chết và sống lại của Ngài, một dân mới được thiết lập và các môn đệ của
Ngài được sai đi đến tận cùng trái đất để mọi người, không phân biệt màu da, tiếng
nói, ý thức được mình là con Thiên Chúa và là anh em với nhau.
Việc xây dựng đại gia
đình nhân loại nhiều khi vượt lên trên quyền lợi của gia đình ruột thịt hay
dòng họ. Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó một cách thật rõ ràng. Ngài đã từng
cho người ta hiểu rằng Ngài đến không phải để đem hoà bình mà là gươm giáo, đến
để chia rẽ con cái khỏi cha mẹ, nàng dâu khỏi mẹ chồng và làm coh những người
trong gia đình trở thành kẻ thù của nhau. Những lời lẽ quả là lạ lùng, khó
nghe. Dĩ nhiên chúng ta không thể coi Ngài như một kẻ chủ trương phá hoại gia
đình hay coi nhẹ giá trị gia đình. Nhưng Ngài muốn cho người ta hiểu rằng: Còn
một gia đình khác lớn hơn phải được xây dựng. Cái mối quan hệ lớn lao, cao quý
mà người ta cần phải quan tâm thiết lập và vun xới, không phải là mối quan hệ
cha con, anh em theo máu huyết. Mà là mối quan hệ cha con, anh em theo việc thực
thi ý định của Chúa: Ai là mẹ Ta và ai là anh em Ta. Đó là người nghe và thực
hành lời Chúa.
Nếu mọi thành phần
trong gia đình cùng nhìn về một phía, cùng theo đuổi một lý tưởng phục vụ hạnh
phúc của con người trong xã hội. Đó chính là gia đình gương mẫu, thánh thiện
theo cái nhìn của Tin Mừng. Để đạt tới lý tưởng ấy, mỗi người trong gia đình cần
phải tìm hiểu và đào sâu những đòi hỏi của Tin Mừng, thấy rõ trách nhiệm làm
người và làm môn đệ của Chúa trong xã hội và trong thế giới hiện tại, đồng thời
cố gắng giúp nhau chu toàn trách nhiệm ấy.
Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Thánh Gia, Năm ABC
Bài đọc: Sir 3:2-6, 12-14;
Col 3:12-21; A: Mt 2:13-15, 19-23, (B: Lk 2:22-40, C: Lk 2:41-52).
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bí quyết
để có một gia đình Thánh
Mọi người trong chúng
ta đều đã nhìn thấy và cảm nghiệm được sự khủng hỏang của gia đình hôm nay.
Chúng ta phải đương đầu với bao nhiêu những vấn nạn liên quan đến gia đình như:
săn sóc và báo hiếu cha mẹ già, cho vào viện dưỡng lão, giết người già bằng cái
chết êm dịu; ly dị, ly thân, và độc thân; hạn chế sinh sản và phá thai; con cái
bỏ học, bỏ nhà, và bỏ đạo.
Gia đình Thánh cũng có
những vấn đề như gia đình chúng ta: Thánh Giuse cũng toan bỏ Đức Mẹ cách kín
đáo để bảo tòan sự công chính; Đức Mẹ cũng có những quyết định riêng cho đời
mình bằng cuộc sống độc thân để phục vụ Chúa trong Đền Thờ; Chúa Giêsu cũng để
cho cha mẹ vất vả mệt nhọc đi tìm kiếm mình, khi cha mẹ tìm thấy trong Đền Thờ
lại còn hỏi: “Tại sao cha mẹ đi tìm con? Cha mẹ không biết con phải lo việc của
Cha con sao?” Nhưng làm sao Gia Đình Thánh có thể vượt qua những trở ngại trong
đời sống gia đình? Câu trả lời đơn giản là họ biết lắng nghe và làm theo ý
Thiên Chúa.
Các vấn nạn xảy ra khi
con người quá ích kỷ chỉ biết lo cho mình, và đánh mất tính tương giao với người
khác. Họ không biết định giá, cám ơn, và trả ơn những gì Thiên Chúa và những
người khác đã làm cho họ. Họ không biết kiên nhẫn và tha thứ cho người khác như
Thiên Chúa và những người khác vẫn tha thứ cho họ. Họ quên đi rằng nếu Thiên
Chúa và những người khác cũng ích kỷ như thế, họ sẽ không có cơ hội để có mặt
trên trái đất này.
Hậu quả phải lãnh nhận:
Vì gia đình là nền tảng của xã hội và Giáo Hội, nên khủng hỏang gia đình đứa tới
khủng hỏang trong xã hội và Giáo Hội. Một ví dụ cụ thể: Việc hạn chế sinh sản dẫn
tới việc mất quân bằng dân số trong quốc gia, các thống kê cho biết mỗi gia
đình cần có 2.2 người con thì mới giữ được sự thăng bằng về dân số, các nước Âu
Châu, Bắc Mỹ, và một số nước kỹ nghệ đã không có đủ tỉ lệ này. Hạn chế sinh sản
cũng là lý do chính của việc khan hiếm linh mục và tu sĩ; nếu chỉ có một hay
hai con, rất khó cho cha mẹ dâng con để phục vụ Chúa!
Các Bài đọc hôm nay
cung cấp cho chúng ta những chất liệu suy tư và nhìn lại hòan cảnh gia đình của
mỗi người chúng ta. Trong Bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca khuyên con cái phải
săn sóc và báo hiếu cha mẹ già, dẫu các ngài đã lú lẫn và không tự săn sóc mình
được nữa. Trong Bài đọc II, Thánh Phaolô liệt kê những đức tính và các cách cư
xử cần có để bảo đảm hạnh phúc gia đình. Trong Phúc Âm, Thánh Luca tường thuật
Ngày Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ của Thánh Gia. Một gia đình hạnh phúc phải
biết kính sợ Thiên Chúa, và giữ cẩn thận Lề Luật của Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già.
1.1/ Giới răn thứ tư: Phải
thảo kính cha mẹ.
(1) Lời Thiên Chúa dạy:
“Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống,
chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình
sung sức mà khinh dể người.”
(2) Lập luận của con
người: Quá bận, không có thời giờ lo cho cha mẹ! Già yếu bệnh họan như thế đưa
vào viện dưỡng lão tốt hơn. Có bác sĩ và y tá săn sóc thường trực. Thỉnh thỏang
vào thăm tí được rồi. Thực tế: Có những viện dưỡng lão cả ngày không thay tã
cho cha mẹ; có những y tá đã không săn sóc, chẳng để ý cha mẹ có ăn không, lại
còn đánh luôn cha mẹ. Chúng ta cứ thử hỏi: Nếu cha mẹ đứt ruột đẻ ra và hy sinh
chăm sóc cho mình, mình còn không chịu đựng săn sóc được, sao chờ đợi người
khác chăm sóc cẩn thận? Điều chúng ta cần nhận ra là người già rất dễ cô đơn và
tủi nhục. Họ không cần những chăm sóc bên ngòai, nhưng cần tình thương của con
cháu. Chúng tôi đã từng đi xức dầu, và từng thấy các bậc cha mẹ từ giã cuộc đời
trong cay đắng của nước mắt.
(3) Điều nên làm: Mọi
người trong gia đình sẽ học được rất nhiều điều khi săn sóc cha mẹ già. Tất cả
đều nhận ra sự mong manh của cuộc sống và biết nương tựa vào nhau hơn. Các anh
chị em biết đòan kết với nhau để chia sẻ trách nhiệm. Các trẻ học biết cách chia
sẻ bổn phận với cha mẹ: Khi thấy cha mẹ quá vất vả trong việc làm ăn và săn sóc
ông bà, chúng sẽ tình nguyện chia sẻ gánh nặng với cha mẹ; điều này sẽ giúp
chúng trưởng thành hơn so với những trẻ không có cơ hội thực tập. Các trẻ cũng
sẽ học kinh nghiệm chăm sóc và đối xử với người già, và chúng sẽ áp dụng những
gì chúng học được khi săn sóc cha mẹ.
1.2/ Ơn lành Thiên Chúa
ban cho những ai hiếu thảo với cha mẹ: Sách
Huấn Ca liệt kê những ơn lành như sau:
(1) Con cái cũng hiếu
thảo với mình: “Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ
thêm uy quyền đối với các con.” Tục ngữ Việt Nam cũng khuyên: “Sóng trước đổ
đâu, sóng sau theo đó.” Người biết hiếu thảo và chăm sóc cha mẹ cũng sẽ được hưởng
sự hiếu thảo và chăm sóc từ con cái mình. Ngược lại, người đối xử tàn tệ với
cha mẹ, sẽ bị con cái mình đối xử tàn tệ hơn nhiều.
(2) Tội lỗi được tha
thứ, ân sủng được thương ban: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì
tích trữ kho báu… Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền
bù tội lỗi cho con.”
(3) Lời cầu xin được
Thiên Chúa nhận lời: “Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ
sẽ được lắng nghe.”
(4) Được sống trường
thọ: “Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ
an lòng.” Khi một người săn sóc cha, người ấy cũng làm vui lòng mẹ.
2/ Bài đọc II: Những đức tính và cách xử thế cần có để giữ gia đình hạnh
phúc.
2.1/ Những đức tính cần học:
(1) Đức bác ái yêu
thương: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên
kết tuyệt hảo… Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh, và
yêu thương.” Bí-tích Thánh Thể là nguồn mạch yêu thương; gia đình nào năng tham
dự Thánh-lễ và lãnh nhận Mình Thánh, sẽ có tình yêu của Thiên Chúa. Chỉ có tình
yêu này mới mạnh đủ để xóa tan những bất hòa và khác biệt trong gia đình, và
liên kết mọi người trong gia đình với nhau.
(2) Kiên nhẫn chịu đựng
và tha thứ cho nhau: “Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người
này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em
cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.” Mọi người trong gia đình cùng nhau
năng lãnh nhận Bí-tích Hòa Giải là cách thức để học và thực hành 2 nhân đức
quan trọng này.
(3) Tâm tình biết ơn:
“Ước gì sự bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể
duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng sự bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết
dạ tri ân.” Trước tiên là biết ơn Thiên Chúa đã lo lắng mọi sự cho con người.
Thứ đến là biết ơn cha mẹ đã có công sinh thành, dưỡng dục, và cầu nguyện cho
mình. Sau cùng là biết ơn tất cả những ai đã góp phần làm cuộc đời mình được
thăng hoa và ý nghĩa.
2.2/ Tầm quan trọng của
Thiên Chúa trong đời sống gia đình:
(1) Lời Chúa: “Ước chi
lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo
nhau với tất cả sự khôn ngoan.” Để làm được điều này trong gia đình, cha mẹ cần
học hỏi để hiểu biết Lời Chúa và gây phong trào học và áp dụng Thánh Kinh trong
gia đình; vì cha mẹ không thể cho con cái mình không có.
(2) Thánh Ca: “Để tỏ
lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh
vịnh, thánh thi, và thánh ca, do Thánh Thần linh hứng.” Điều này cũng nhắc nhở
chúng ta tránh nghe và hát những bài hát vô nghĩa và lãng mạn, những chương
trình hài hước và kịch nghệ vô bổ, có chủ tâm khinh thường Thiên Chúa và các
giá trị đạo đức.
(3) Cầu nguyện: “Anh
em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà
cảm tạ Thiên Chúa Cha.” Mẹ Têrêxa cũng quả quyết điều này: “Gia đình nào dành
thời giờ cùng nhau cầu nguyện sẽ ở với nhau lâu dài.”
2.3/ Cách cư xử trong gia
đình: Tất cả các mối liên hệ đều đòi hỏi hai
chiều thì mới có kết quả tốt đẹp được. Thánh Phaolô liệt kê 2 mối liên hệ chính
và cách cư xử cần có:
(1) Liên hệ vợ chồng:
“Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về
Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ.”
(2) Liên hệ cha con:
“Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những
bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.”
3/ Phúc Âm: Những tâm tình biết ơn
Năm A:
3.1/ Sự vâng lời làm theo
thánh ý Thiên Chúa của Giuse: "Khi các
nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng:
"Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến
khi tôi báo lại, vì vua Herode sắp tìm giết Hài Nhi đấy!" Ông Giuse liền
trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến
khi vua Herode băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta
đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập."
Chúng ta học được rất
nhiều nơi cách hành xử của Giuse: Ông không hiểu nổi kế hoạch của Thiên Chúa:
Hài Nhi vừa mới được các nhà đạo sĩ tôn thờ và dâng lễ vật như một vì vua; giờ
lại phải lẩn trốn như một tội nhân! Ông không than trách Thiên Chúa tạo hoàn cảnh
khó khăn hay xin Thiên Chúa sai sứ thần bảo vệ gia đình. Ông không suy nghĩ đi
Ai-cập rồi phải làm gì để sinh sống, nhưng ông hoàn toàn tin tưởng vào sự quan
phòng của Thiên Chúa. Ông không trì hoãn để sáng mai; nhưng trỗi dậy trong đêm
rét mướt và đưa gia đình đi ngay.
3.2/ Giuse bảo vệ Hài Nhi
khỏi mọi nguy hiểm: Định cư bên Ai-cập chưa
được bao lâu, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Ai-cập, báo mộng cho ông
rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm
giết Hài Nhi đã chết rồi." Giuse liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về
đất Israel. Khi nghe biết Archelaus đã kế vị vua cha là Herode, cai trị miền
Judah, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền
Galilee,
và đến ở tại một thành
kia gọi là Nazareth, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người
sẽ được gọi là người Nazareth."
Di chuyển chỗ ở không
phải là điều dễ dàng vì nó liên quan tới nghề nghiệp, nhà cửa, đồ đạc, trường học
của con cái... nhưng Giuse vững tin nơi sự quan phòng của Thiên Chúa cho gia
đình, ông vâng lời sứ thần bỏ đất Ai-cập trở về quê hương, ông can đảm tránh
nơi nguy hiểm cho dù là quê cha đất tổ, gần Đền Thờ, để đi đến Nazareth, một
nơi xa lạ, để tránh nguy hiểm cho con.
Những người cha hôm
nay phải học nơi gương Giuse: Họ cần can đảm tránh những nơi gây nguy hiểm cho
con cái và chọn những môi trường lành mạnh để con cái có thể lớn lên tốt đẹp. Họ
không thể hy sinh tương lai của con cái bằng lý do việc làm hay nhà cửa.
Năm B:
3.1/ Gia Đình Thánh cảm
tạ Thiên Chúa: Thánh Giuse và Mẹ Maria cám ơn Thiên Chúa về món quà gia đình,
cho hai người thành vợ chồng; và món quà sự sống, Chúa Giêsu. Họ cùng nhau lên
Đền Thờ để dâng Con cho Thiên Chúa như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi
con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa." Tuy nghèo,
nhưng họ cũng cố gắng chuẩn bị một đôi chim gáy và một cặp bồ câu non để dâng của
lễ theo Luật Chúa truyền. Sau khi hòan tất, họ trở về Nazareth, còn Hài Nhi
ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng
Thiên Chúa.
3.2/ Ông Simeon cảm tạ
Thiên Chúa: Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi
của Israel, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh hứng
cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức
Chúa. Được Thánh Thần thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu
đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm
lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: "Muôn lạy Chúa, giờ
đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt
con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường
cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài."
Cha mẹ Hài Nhi ngạc
nhiên vì những lời ông Simeon nói về Người. Ông Simeon chúc phúc cho hai ông
bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này
làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu
cho người đời chống báng; và vì thế, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ
ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà."
3.3/ Nữ Ngôn-sứ Anna cảm
tạ Thiên Chúa: Bà là con ông Penuel, thuộc chi tộc Aser. Bà đã nhiều tuổi lắm.
Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám
mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ
phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và
nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc
Jerusalem.
Năm C:
3.1/ Phải vâng lời làm
theo thánh ý Thiên Chúa: Có nhiều điều chúng ta cần học nơi gia đình thánh hôm
nay:
(1) Mọi người trong
gia đình phải tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa: Thánh Luca mô tả gia đình thánh
tuân giữ Luật Thiên Chúa: "Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền
Jerusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên
đền, như người ta thường làm trong ngày lễ." Nếu muốn con cái giữ Luật
Thiên Chúa, cha mẹ phải tuân giữ trước và tạo mọi cơ hội cho con giữ Luật. Cha
mẹ không thể bắt con đi lễ, nếu cha mẹ không đi và không tạo cơ hội cho con.
(2) Phải kiên nhẫn và
tôn trọng nhau cho dù phải đương đầu với thử thách của cuộc sống; nếu không, sự
hiệp nhất trong gia đình sẽ có nguy cơ bị tan vỡ. Trong trình thuật hôm nay, mặc
dù hai ông bà đau buồn và có thể tức giận vì phải vất vả lo lắng tìm con suốt
ba ngày; nhưng thái độ kiên nhẫn của Mẹ Maria phải trở thành gương mẫu cho các
cha mẹ học hỏi: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy
không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!"
(3) Cha mẹ phải tôn trọng
con cái khi chúng muốn làm theo thánh ý Thiên Chúa: Chúa Giêsu đáp lời Mẹ
Maria: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà
của Cha con sao?" Bổn phận của con người đối với Thiên Chúa là bổn phận
hàng đầu phải chu toàn. Các cha mẹ đừng bắt buộc con cái phải chu toàn bổn phận
với cha mẹ trước khi chu toàn bổn phận với Thiên Chúa; nhưng phải vui mừng khi
thấy con cái làm điều đó. Cha mẹ không bao giờ được ngăn cản con cái khi chúng
muốn tận hiến cuộc đời để làm việc cho Thiên Chúa.
(4) Khi chưa hiểu
thánh ý Thiên Chúa, hãy giữ thái độ thinh lặng, cầu nguyện, và suy niệm trong
lòng để tìm ra thánh ý. Trình thuật hôm nay kể "nhưng ông bà không hiểu lời
Người vừa nói;" tuy vậy họ không lớn tiếng tranh cãi hay đổ lỗi cho nhau.
3.2/ Chúa Giêsu vâng
phục thánh Giuse và Mẹ Maria: Trình thuật Luca tiếp tục: "Sau đó, Người đi
xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazareth và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người
thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm
khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta."
(1) Chúa Giêsu tuy là
Thiên Chúa, hạ mình và khiêm nhường vâng phục loài người: Thiên Chúa tôn trọng
sự thật, cho dẫu sự thật đòi Ngài phải vâng phục con người. Để có bình an thực
sự trong gia đình, mọi phần tử trong gia đình đều phải tôn trọng và sống theo sự
thật; nếu không, sự bình an có được chỉ là giả tạo và sớm muộn gì cũng tan vỡ.
Ví dụ, con cái có thể vâng lời cha mẹ làm điều sai trái vì sợ hãi; nhưng khi có
dịp, chúng sẽ không ngần ngại phản ứng và thoát ly gia đình.
(2) Vâng phục Thiên
Chúa và cha mẹ làm con người lớn lên trong khôn ngoan và gặt hái được mọi điều
tốt đẹp cho cuộc đời: Nhiều người cho vâng phục là nhu nhược hay hèn kém; nhưng
kinh nghiệm khôn ngoan cho thấy khi tuân phục luật của Thiên Chúa và những lời
dạy dỗ khôn ngoan của cha mẹ, con cái tránh được tội lỗi và những cám dỗ nguy
hiểm trong cuộc đời; nhất là được đẹp lòng Thiên Chúa, sống thuận hòa với tha
nhân, và gặt hái nhiều thành công.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải diệt
trừ tính ích kỷ trong con người, vì đó là mầm mống của mọi khủng hỏang trong
gia đình. Đồng thời, chúng ta cần biết rộng lượng để yêu thương và lo lắng cho
người khác như Thiên Chúa và người khác đã yêu thương và lo lắng cho chúng ta.
- Chúng ta cần biết
xét mình và xưng tội thường xuyên để nhận ra những yếu đuối và tội lỗi của con
người chúng ta. Nếu chúng ta có can đảm xin Thiên Chúa tha thứ tôi lỗi và kiên
nhẫn với chúng ta, chúng ta cũng phải sẵn sàng kiên nhẫn và tha thứ những yếu
đuối và tội lỗi của tha nhân; vì họ cũng là những con người yếu đuối và tội lỗi
như chúng ta. Người không năng xét mình và xưng tội sẽ dễ rơi vào thái độ tự nhận
mình tốt lành để dễ phê phán, kết tội, và khai trừ tha nhân.
- Chúng ta cần khiêm nhường
nhìn nhận: chúng ta không khôn ngoan hơn Thiên Chúa. Nếu chúng ta muốn làm môn
đệ của Đức Kitô, chúng ta phải “từ bỏ ý riêng mình, làm theo ý Thiên Chúa, và
vác Thập Giá hằng ngày để theo Ngài.”
- Chúng ta có tự do để
làm theo ý chúng ta; nhưng đồng thời chúng ta cũng phải lãnh nhận mọi hậu quả
do sự cố chấp, thờ ơ, và khinh thường những lời giảng dạy của Thiên Chúa.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
30/12/2016
THỨ SÁU – NGÀY THỨ
SÁU TUẦN BÁT NHẬT
GS
Kính
Thánh Gia Thất Mt 2,13-15.19-23
SỐNG
THÁNH
NHƯ THÁNH GIA
Ông
Giu-se liền
chỗi
dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập. (Mt
2,14)
Suy
niệm: “Khi mọi
sự trở
nên
như hỏa
ngục, có những
người đứng bên cạnh
bạn mà chẳng
hề nao núng – họ
là
gia đình
của bạn” (J. Butcher). Khi tính mạng Hài
Nhi bị bạo chúa Hê-rô-đê đe dọa tựa như “ngàn cân
treo sợi tóc,” thánh Giu-se đang đêm
đã đưa hai mẹ
con trốn sang Ai Cập.
Khi bạo chúa
qua đời,
thánh
nhân
lại đưa
Hài Nhi trở
về quê
quán.
Thế nhưng, biết Ác-khê-lao là người bạo ngược lên kế
vị cha mình,
thánh
nhân
đã cẩn
trọng đem
Hài Nhi về
Na-da-rét,
xa lãnh
thổ của Ác-khê-lao. Sự
sống Hài
Nhi được
bảo vệ nhờ người cha nuôi công chính.
Đời sống Thánh Gia Thất
hạnh phúc,
an bình
nhờ việc mọi thành
viên
gia đình
đồng tâm,
đồng thuận và đồng lao cộng
khổ trong việc
sống tình
con thảo với Chúa và sống vẹn nghĩa
với nhau.
Mời Bạn: Có nơi
chốn để đi về
là nhà; có
những người để yêu
là gia đình. Cả hai đều là
phúc
lành của
Chúa.
Bạn hạnh phúc vì có
một mái
ấm gia đình,
hãy tạ ơn Chúa. Bạn
buồn phiền vì gia đình chưa là tổ ấm, đừng
ngồi nguyền rủa “bóng tối,” nhưng
cố gắng xây dựng
hạnh phúc
dựa trên
Lời Chúa
dạy.
Sống Lời Chúa: Tôi cố
gắng ít
nhất mỗi tuần đọc
kinh chung gia đình
với nhau một
lần trước khi đi ngủ.
Tôi xác tín
gia đình
hạnh phúc
là gia đình sống đạo đức
theo gương Thánh
Gia.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa
Giê-su,
Chúa
đã
tôn
kính,
vâng
lời Mẹ
và
cha nuôi
dưới mái nhà Na-da-rét. Xin cho những người
con biết nhìn vào mẫu
gương ấy
để
sống hiếu
thảo với
cha mẹ mình. Xin cho những
bậc cha mẹ
biết noi theo mẫu
gương thánh thiện,
tốt lành của
Đức
Mẹ và thánh Giu-se. Amen.
Trốn sang Ai Cập (30.12.2016 – Thứ sáu - Thánh gia: Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse)
“... Nếu chúng ta đưa tình yêu trở lại gia đình, thế giới này sẽ đổi khác”. Ước gì mỗi gia đình Kitô hữu đều là một mái ấm, đầy ắp tình yêu, đầy ắp Thiên Chúa.
Suy niệm:
Ðoạn Tin Mừng trên đây kể
lại một biến cố không vui.
Con Thiên Chúa bị Hêrôđê
đe dọa tính mạng.
Ðược mộng báo, đang đêm
Giuse phải đem gia đình đi trốn.
Ðất Ai cập vẫn được coi
là chỗ trú ẩn an toàn…
Nhưng ngay cả khi vua
Hêrôđê lìa đời,
mối đe dọa vẫn còn tồn
tại.
Ackhêlao kế nghiệp vua
cha, là người tàn ác không kém,
khiến Thánh gia chẳng dám
về ở vùng Giuđê,
mà phải trở về quê nhà ở
Nadarét.
Như thế cuộc sống của
Thánh gia chẳng phải là êm ả.
Ðâu phải có Chúa là tránh
được căng thẳng, long đong.
Chỉ có một điều Thánh gia
đã không để mất,
đó là niềm tín thác vững
vàng vào Thiên Chúa,
ngay giữa những hiểm nguy
từ phía bạo quyền,
đó là tình yêu thương gắn
bó với nhau,
giữa những lúc khó khăn
chồng chất.
Rồi mọi sự sẽ qua, rồi
bình an sẽ trở lại.
Nhìn lại cuộc sống Thánh
gia, ta thấy có nhiều sóng gió.
Có lúc tưởng như tan vỡ,
khi thánh Giuse định rút lui…
Có lúc bối rối khi ở
Bêlem không tìm ra chỗ trọ.
Có những ngày đôn đáo tìm
con trong nước mắt.
Có lúc họ hàng tưởng Ðức
Giêsu mất trí, nên đi bắt về.
Và nhất là có lúc Mẹ phải
đứng bên xác con…
Thánh gia chẳng được
hưởng một chút ưu đãi nào.
Một gia đình vô cùng
thánh thiện và gương mẫu
cũng phải chịu bao khổ
đau và nghịch cảnh,
nhờ đó mọi gia đình Kitô
hữu khác
có thể yên tâm đứng vững
giữa những lúc mây mù.
Các gia đình hôm nay cũng
bị đe dọa.
Có những gia đình quá
nghèo túng và nợ nần.
Có những trẻ thơ bị thất
học, bị bỏ rơi, bị lạm dụng
Mối đe dọa lớn nhất là
thiếu vắng tình yêu.
Có những xung đột giữa vợ
chồng, giữa cha mẹ và con cái.
Kết quả là nạn phá thai,
ngoại tình, ly dị.
Gia đình chẳng còn là
dòng suối ngọt ngào,
nơi mọi người lớn lên nhờ
yêu và được yêu,
nhờ kiên nhẫn lắng nghe,
nhờ dịu dàng đối thoại,
nhờ bầu khí cảm thông
khiến người ta dám chấp nhận nhau.
Trong một cuộc phỏng vấn,
mẹ Têrêsa phát biểu:
“Tôi nghĩ rằng không phải
ai cũng ý thức
về tầm quan trọng của gia
đình.
Nếu chúng ta đưa tình yêu
trở lại gia đình,
thế giới này sẽ đổi
khác.”
Thế giới băng hoại vì gia
đình thiếu tình yêu.
Giới trẻ nghiện ngập và
hư hỏng vì bơ vơ, buồn chán.
Ước gì mỗi gia đình Kitô
hữu đều là một mái ấm,
đầy ắp tình yêu, đầy ắp
Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nadarét,
Chúa đã thành một người chín chắn
và trưởng thành,
sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.
Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ
trong việc hình thành nhân cách của Chúa.
Chúa đã học nơi thánh Giuse
sự lao động miệt mài,
sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa,
sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.
Chúa đã học nơi Mẹ Maria
sự tế nhị và phục vụ,
sự buông mình sống trong lòng tin phó thác
và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.
Xin nhìn đến gia đình chúng con,
xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt,
biết yêu thương tha thứ,
biết cầu nguyện và phục vụ.
Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn,
Giáo hội chúng con thánh thiện hơn,
nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan
và tràn đầy ơn Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG MƯỜI HAI
Từ Trong Đêm Tối Vụt
Lên Một Ánh Sáng Huy Hoàng
Đêm Bê-lem xem có vẻ
giống như muôn ngàn đêm khác, cũng theo nhịp vận hành bất biến của hành tinh
này: hết ngày lại đêm!
Nhưng đó là một đêm đặc
biệt, vì trong một góc nhỏ của địa cầu, chính xác là trong vùng phụ cận của
Bê-lem, phía nam Giê-ru-sa-lem, bóng tối của màn đêm đã được biến đổi thành ánh
sáng.
Aùnh sáng này soi chiếu
đêm tối với một mầu nhiệm vĩ đại khôn tả. Trong vẻ huy hoàng của nó, ánh sáng
này bao trùm một số người chăn chiên đang có mặt tại vùng phụ cận ấy để “canh
giữ súc vật ban đêm”. Và ánh sáng này đã khiến họ “vô cùng sợ hãi”.
Từ giữa ánh sáng rực rỡ
ấy vang vọng tiếng nói của thiên thần: “Anh em đừng sợ, tôi loan báo cho anh em
một tin mừng trọng đại … Hôm nay, trong thành của Vua Đa-vít, Đấng Cứu Thế đã
sinh ra cho anh em” (Lc 2,10-11).
Đứa con của lời hứa đã
được sinh ra.
Aùnh sáng huy hoàng
kia và tiếng nói của thiên thần đã chỉ rõ nơi chốn và ý nghĩa cuộc chào đời của
Người. Người đã thực sự được sinh ra. Người đã được sinh ra trong một chuồng
súc vật, vì chẳng có nhà ai còn chỗ cho Người. Người đã được sinh ra vào lúc
đang diễn ra cuộc tổng kiểm tra dân số ở It-ra-en – khi Xêdarê Augustô cai trị
đế quốc Rôma và Quirinô làm tổng trấn Xyria. Người thuộc dòngdõi Đa-vít, vì thế
Người sinh ở Bê-lem, “thành của Vua Đa-vít”. Người được sinh bởi Ma-ri-a, một trinh
nữ. Cô là vợ của Giuse, người thuộc dòng Đa-vít; và cả hai từ Na-da-rét đi về
đây để khai sổ.
Và, từ giữa ánh sáng kỳ
diệu bao phủ những người chăn chiên đã vang lên tiếng nói: “Anh em sẽ gặp thấy
một đứa trẻ vấn tã, được đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 30-12
Lễ Thánh gia: Chúa
Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse
Hc 3,3-7.14-17a; Cl
3,12-21; Mt 2,13-15.19-23.
Lời suy niệm: “Khi các nhà
chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: Này
ông, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại,
vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi.”
Thánh Giuse là người
công chính, thánh nhân luôn biết lắng nghe lời sứ thần của Chúa và thực thi một
cách mau lẹ, không viện dẫn bất cứ một lý do nào để trì hoãn.
Lạy Chúa Giêsu. Trong
ngày Lễ Thánh Gia Thất. Xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình chúng con
siêng năng trong việc đọc và suy niệm Lời Chúa để chúng con dễ nhận ra tiếng
Chúa nói với chúng con trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mà đón nhận và thực
thi.
Mạnh Phương
30 Tháng Mười Hai
Sự Chọn Lựa Của Chúa
Vào dạo tháng 12
năm 1987, Ðức Hồng Y Jean Marie Lustiger, đương kiêm Tổng Giám Mục Paris, Pháp
Quốc, đã cho xuất bản một quyển sách mang tựa đề " Sự chọn lựa của Thiên
Chúa". Qua tựa đề này, ai cũng đoán được đây là một quyển tự thuật ghi lại
cuộc hành trình Ðức Tin của ngài.
Sinh ra trong một
gia đình Do Thái sùng đạo, ông ngoại là một thầy Rabbi uyên thâm, Jean Marie
Lustiger đã tự ý trở lại với Ðức Tin Công Giáo vào năm 14 tuổi. Hành động này của
Jean Marie dĩ nhiên đi ngược lại với xác tín của gia đình, nhất là mẹ cậu. Trước
khi bị đưa lên xe chở đi qua trại tập trung Ðức Quốc Xã ở Auschwitz, bà còn nói
với các con: "Các con hãy giữ mình, chớ theo đạo Công Giáo. Ðây là một cơn
bệnh hiểm nghèo".
Nhưng tiếng Chúa
còn mạnh hơn sự cảnh cáo của người mẹ. Cũng giống như thi sĩ Paul Claudel khi
ngắm nhìn ánh nến lung linh trên bàn thờ, bỗng nhận ra tiếng gọi của Chúa, Jean
Marie Lustiger cũng đã nghe được tiếng gọi thầm kín ấy một ngày thứ năm tuần
thánh nọ khi cậu bước vào nhà thờ chính tòa Orleáns. Dân chúng đứng chen chúc
đông nghẹt trong nhà thờ. Nhưng ngày hôm sau, khi cậu trở lại, nhà thờ bỗng trống
vắng... Nhưng chính trong nỗi trống vắng của ngày thứ sáu tuần thánh đó mà Jean
Marie Lustiger đã nhận ra tiếng gọi của Chúa.
Qua quyển tự thuật
trên đây, Ðức Hồng Y Jean Marie Lustiger tuyên xưng rằng: "ơn cứu rỗi và sự
hiện diện thầm kín của Ðấng Cứu Thế trong nhân loại là một Mầu Nhiệm của lòng
thương xót". Thiên Chúa yêu thương con người một cách lạ lùng. Ngài mời gọi
con người trên muôn vạn nẻo đường của con người. Do đó, theo Ðức Hồng Y
Lustiger, Hy Vọng, chính là tin rằng Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con
người.
Tin Mừng được loan báo
như một vết dầu loang. Chính nhờ trung gian của nhiều người khác nhau mà Thiên
Chúa ngỏ lời với con người. Nói như thi sĩ Pau Claudel, Thiên Chúa viết bằng những
đường cong.
Những đường cong mà
Thiên Chúa không ngừng viết để ngỏ với chúng ta chính là cuộc sống hằng ngày của
chúng ta. Mỗi một biến cố xảy đến, mỗi một cuộc gặp gỡ là một lời ngỏ của Thiên
Chúa. Chính qua trung gian của những biến cố đó mà Thiên Chúa ngỏ lời với chúng
ta. Do đó, người Kitô sẽ không ngừng thức tỉnh để lắng nghe tiếng nói của Thiên
Chúa. Trong giấc ngủ say như cậu bé Samuel, trong một buổi trống vắng của ngày
thứ sáu tuần thánh như trường hợp của Jean Marie Lustiger, trong niềm vui của gặp
gỡ, của thịnh đạt, trong đau khổ của bệnh tật, mất mát: tiếng nói của Thiên
Chúa vẫn vang dội trong lòng người.
Chúng ta cũng biết rằng
cuộc đời của mỗi người chúng ta là lịch sử của một ơn gọi. Mỗi người chúng ta
không phải là một con số trong năm tỷ người đang sống trên mặt đất, nhưng là một
lịch sử các biệt trong Tình Thương của Chúa. Tiếng Chúa gọi chỉ ngỏ với từng
người mà thôi. Tên gọi của từng người chúng ta có một âm vang đặc biệt trong tiếng
gọi của Chúa. Mỗi người chúng ta chỉ có thể nói: Thiên Chúa yêu thương tôi và
chỉ mình tôi mà thôi... Trong muôn nghìn đau khổ của cuộc sống, mỗi người chúng
ta hãy lập lại lời tuyên xưng của thánh Gioan tông đồ: "Thiên Chúa là Tình
Yêu", Ngài đang yêu thương tôi.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Lễ
Thánh Gia (A)
Thứ Sáu, 30 Tháng 12,
2016
Cuộc chạy trốn
sang Ai Cập và trở về Nagiarét
Mt 2:13-23
1. Bài Đọc
a) Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa, Đấng Tạo Dựng
trời đất và là Cha của chúng con, Chúa đã sai Con Một Chúa, Đấng đã hiện hữu
trước bình minh của thế gian, phải nên giống như chúng con trong tất cả mọi việc
qua việc nhập thể của Người trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria do bởi quyền
năng của Chúa Thánh Thần. Xin Chúa hãy sai cùng một Thần Khí ban sự
sống đến trên chúng con, để chúng con có thể trở nên ngoan ngoãn với công việc
thánh hóa của Chúa hơn bao giờ hết, để cho bản thân chúng con được biến đổi một
cách nhẹ nhàng bởi cùng Chúa Thánh Thần và nên giống như Đức Kitô, Con Một
Chúa, anh của chúng con, Chúa Cứu Thế và là Đấng Cứu Chuộc chúng con.
b) Bài
Phúc Âm theo thánh Mátthêu:
13 Sau
khi các đạo sĩ ra đi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo
ông: “Hãy thức dậy, đem hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai-Cập, và ở
đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm hài nhi để sát hại
Người.” 14 Ông thức dậy, đem hài nhi và mẹ Người lên
đường trốn sang Ai-Cập đang lúc ban đêm. 15 Ông ở lại đó
cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu làm trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán
rằng: “Ta gọi Con Ta ra khỏi Ai-Cập.” 16 Bấy
giờ Hêrôđê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân
đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận từ hai tuổi trở xuống, tính theo
thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. 17Thế là ứng nghiệm
lời tiên tri Giêrêmia đã nói: 18 Tại Rama, người ta
nghe những tiến khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhen than khóc con mình, bà
không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa. 19 Khi
Hêrôđê băng hà, thì đây thiên thần Chúa hiện ra cùng Giuse trong giấc mơ, bên
Ai-Cập 20 và bảo: “Hãy chỗi dậy, đem con trẻ và
mẹ Người về đất Israel; vì những người tìm hại mạng sống Người đã chết!” 21 Ông
liền chỗi dậy, đem con trẻ và mẹ Người về đất Israel. 22 Nhưng
nghe rằng Arkhêlao làm vua xứ Giuđêa thay cho Hêrôđê là cha mình, thì Giuse sợ
không dám về đó. Được báo trong giấc mộng, ông lánh sang địa phận xứ
Galilêa, 23 và lập cư trong thành gọi là Nagiarét: để ứng
nghiệm lời đã phán qua các tiên tri rằng: Người sẽ được gọi là
Nagiarêô.
c) Giây
phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa có
thể thấm nhập vào lòng và soi sáng đời sống chúng ta.
2. Suy Gẫm
a) Chìa
khóa dẫn đến bài đọc:
Tin Mừng của thánh
Mátthêu đã được gọi là “Tin Mừng Nước Trời”. Mátthêu mời gọi chúng
ta suy nghĩ về việc Vương Quốc Nước Trời sắp đến. Có một số người đã
thấy trong cấu trúc sách Tin Mừng của ông tường thuật một bộ trường bi kịch gồm
có bảy màn nói về sự sắp xuất hiện của Vương Quốc này. Bộ trường bi
kịch bắt đầu với việc chuẩn bị cho sự ra đời của Vương Quốc trong con người của
cậu bé Đấng Cứu Thế và kết thúc với sự ra đời của Vương Quốc trong sự đau khổ
và chiến thắng của cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô,
Con Thiên Chúa.
Đoạn Tin Mừng được đưa
ra để cho chúng ta suy gẫm là một phần được gọi là màn đầu tiên nơi Mátthêu giới
thiệu với chúng ta con người của Đức Giêsu như là việc thực hiện những lời của
Kinh Thánh. Tin Mừng của Mátthêu là Tin Mừng thường trích dẫn lời Cựu
Ước để cho thấy rằng trong Đức Kitô, lề luật và các lời tiên tri đã được ứng
nghiệm. Chúa Giêsu, sự ứng nghiệm và hoàn thiện của Kinh Thánh, đến
thế gian để tái lập Vương Quốc Nước Trời đã được công bố trong giao ước của
Thiên Chúa với dân Người. Với sự ra đời của Đức Kitô, giao ước này
không còn được chỉ dành riêng cho dân Do-Thái mà được mở rộng ra cho tất cả mọi
dân tộc. Mátthêu viết Tin Mừng cho cộng đoàn Kitô hữu gốc Do-Thái, bị
bách hại bởi hội đường, và mời gọi Tin Mừng được mở rộng ra cho các dân ngoại. Ông
là người ký lục khôn ngoan biết cách phân biệt từ kho tàng của mình những gì cũ
và mới. Tin Mừng của ông đã được viết lần đầu tiên bằng tiếng
Aramaic và sau đó được chuyển ngữ sang tiếng Hy-Lạp.
Đoạn Tin Mừng Mt
2:13-23 là một phần của chương nói về sự Giáng Sinh và thời thơ ấu của “Đức
Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Abraham” (Mt 1:1). Chúa
Giêsu thuộc dòng dõi của dân Do-thái nhưng Người cũng thuộc dòng dõi của cả
nhân loại. Trong gia phả của Người, chúng ta thấy có những ảnh hưởng
của cả dân ngoại (Mt 1:3-6). Sau Đức Maria, mẹ Người, những người đầu
tiên được gọi để đến bái lạy Đức Cứu Thế hài nhi là những nhà đạo sĩ (Mt
2:11). Với ánh sáng của Người, Đức Cứu Thế thu hút những đạo sĩ tìm
đến Người và ban cho họ ơn cứu rỗi (Mt 2:1-12). Các nhà đạo sĩ nhận
được ơn cứu rỗi này, không giống như Hêrôđê và các dân bối rối của thành
Giêrusalem (Mt 2:3). Ngay từ lúc sinh ra, Chúa Giêsu đã bị đàn áp bởi
các kẻ thủ lãnh của dân tộc Người và đồng thời khơi dậy những kinh nghiệm
thương đau của dân Người.
Ngay từ lúc sinh ra,
Chúa Giêsu đã làm khơi dậy những kinh nghiệm đau thương của dân Người trong cuộc
sống lưu đày, bị hạ nhục lần nữa và lần nữa. Phúc Âm cho chúng ta thấy
điều này bằng cách kể lại cho chúng ta biết về việc chạy trốn sang Ai Cập và cuộc
tàn sát những trẻ thơ vô tội. Bộ trường bi kịch của những sự kiện này mở ra trước
chúng ta trong các chi tiết sau đây:
i) Thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong
giấc mộng sau khi các đạo sĩ ra đi, và cuộc chạy trốn sang Ai Cập (Mt 2:13-15).
ii) Vua Hêrôđê biết mình bị các đạo sĩ đánh lừa
và sai quân đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem (Mt 2:16-18).
iii) Cái chết của vua Hêrôđê và cuộc trở về “bí mật”
của Thánh Gia không về lại Bêlem mà lánh sang xứ Galilê (Mt 2:19-23).
Chủ đề các vị vua ra
tay tàn sát những kẻ mà họ sợ thì rất thông thường trong lịch sử của mỗi triều
đại vua chúa. Ngoài cảnh vua Hêrôđê lùng kiếm để sát hại hài nhi
Giêsu ra, trong Kinh Thánh phần Cựu Ước, chúng ta cũng tìm thấy những câu chuyện
tương tự. Trong sách Samuel quyển thứ nhất, vua Saul, người đã bị Đức
Chúa từ chối, lo sợ Đavít và tìm cách sát hại ông (1Sm 15; 18; 19; 20). Bà
Mikhan và ông Giônathan đã giúp Đavít chạy thoát (1Sm 19; 20). Lần nữa
trong sách Các Vua quyển thứ nhất, vua Salômôn trong tuổi già của mình, đã bất
trung với Thiên Chúa của cha ông và với một trái tim hoang đàng, đã làm những
điều tội lỗi dưới con mắt của Thiên Chúa (1V 11:3-13). Vì lý do này,
Thiên Chúa đã xui khiến cho có một người đối nghịch chống lại vua Salômôn (1V
11:14), Hađát là người dưới triều đại vua Đavít đã chạy trốn sang Ai Cập lánh nạn
(1V 11:17). Một người đối nghịch khác với vua Salômôn là Gia-róp-am
cũng đã trốn chạy sang Ai Cập khi nhà vua muốn tìm cách giết ông (1V
11:40). Những sự nguy hiểm như thế của một vương quốc suy
thoái. Trong sách Các Vua quyển thứ hai, lần này trong bối cảnh
thành Giêrusalem bị vây hãm, “Ngày mồng mười, tháng mười, năm thứ chín dưới triều
đại [vua Na-bu-cô-đô-nô-xo]” (2V 25:1) năm 589, chúng ta đọc thấy thành
Giêrusalem bị cướp phá và cuộc lưu đày biệt xứ lần thứ hai của người dân vào
năm 587 (2V 25:8-21). Những người dân “còn sót lại trong xứ Giuđêa” (2V
25:22) bị đặt dưới quyền cai trị của Gơđan-gia-hu, người được vua
Na-bu-cô-đô-nô-xo đặt làm tổng trấn. “Ông Ít-ma-en […] và cùng với
mười người […] giết chết ông Gơđan-gia-hu cũng như các người Giuđêa và Canđê
đang cùng ở với ông”. Sau đó vì sợ người Canđê, họ chạy trốn sang đất
Ai-cập (2V 25-26). Trong sách của tiên tri Giêrêmia, chúng ta cũng
tìm thấy câu chuyện của Uria “Cũng có một người nữa đã tuyên sấm nhân danh Đức
Giavê” (Gr 26:20). Uria đã trốn sang Ai-cập vì vua Giơ-hô-akim đang
tìm cách giết ông. Cuối cùng nhà vua đã tìm thấy ông ở Ai-cập và đã
giết ông (Gr 25:20-24).
Với những sự kiện này
như là bối cảnh cho cuộc chạy trốn của Thánh Gia vào đất Ai-cập; Mátthêu cho
chúng ta thấy Đức Giêsu, từ thuở còn rất thơ ấu, như đã tham dự vào vận mệnh của
dân tộc Người. Đất Ai-cập, đối với Chúa Giêsu, trở thành một nơi
lánh nạn, như đã từng được dùng cho các tổ phụ xưa kia:
- Abraham
“xuống trú ngụ ở Ai-cập trong thời gian đó, vì nạn đói hoành hành trong xứ” (St
12:10).
- Giuse đã
bị đe dọa bởi các anh mình, những người đã tìm cách giết cậu vì lòng ghen tị,
và sau đó bán cậu cho những người lái buôn đã đưa cậu vào đất Ai-cập và bán cậu
lại cho Pô-ti-pha (St 37:12-36).
- Israel
(Giacóp) đi đến Ai-cập theo lời mời của con trai ông là Giuse (St 46:1-7).
- Gia đình
của Israel (Giacóp) đi đến Ai-cập để định cư tại đó (St 46-50; Et 1:1-6).
Mátthêu xoay qua trích
dẫn ngược lại từ sách tiên tri Hôsê 11:1 “Từ Ai-cập Ta đã gọi Con Ta về”, và giải
thích như là nếu Thiên Chúa đã gọi Con của Người là Đức Giêsu phải trốn sang Ai
Cập (Mt 2:15). Ý nghĩa nguyên thủy của Hôsê là Thiên Chúa đã gọi Con
của Người là Israel rời khỏi đất Ai-cập để bắt đầu một quốc gia mới. Cuộc
trốn chạy của Chúa Giêsu vào đất Ai-cập và việc tàn sát những trẻ vô tội tại
Bêlem nhắc nhớ chúng ta việc dân Israel bị đàn áp ở Ai-cập và việc tàn sát tất
cả những bé trai mới sinh (Xh 1:8-22).
Lời tiên tri được áp dụng
vào vụ giết hại những người vô tội được trích ra từ sách an ủi gồm các chương
30 và 31 của sách tiên tri Giêrêmia. Tiếng than khóc được nối kết với lời hứa của
Chúa an ủi bà Rakhen, vợ ông Giacóp (vợ ông Israel), mẹ của Giuse, người mà
theo thánh truyền được chôn cất gần Bêlem, và hứa với bà rằng bà sẽ được đền bù
vì sự than khóc của bà cho những người con sẽ không còn trở về nữa (Gr
31:15-18).
Khi họ trở về từ Ai-cập
sau khi vua Hêrôđê băng hà, thánh Giuse quyết định sang lập cư ở xứ Galilê
trong thành Nagiarét. Chúa Giêsu sẽ được gọi là Nagiarêô (Cv
24:5). Ngoài việc chỉ ra tên của một thành, tên này cũng có thể nói
đến như “một nhánh nhỏ”, đó là “neçer” của sách tiên tri Isaia
11:1. Hoặc nó có thể ám chỉ phần còn lại của Israel, “naçur” (xem
Is 42:6).
b) Những
câu hỏi cho phần suy gẫm cá nhân:
i) Điều gì trong đoạn Tin Mừng này của Mátthêu
đánh động bạn nhất?
ii) Vương Quốc Nước Trời có ý nghĩa gì đối với bạn?
iii) Vương Quốc Nước Trời khác với các vương quốc
trần thế như thế nào?
iv) Mátthêu giới thiệu với chúng ta về con người
của Đức Giêsu như là Đấng trở thành một người chịu cùng một số phận với dân của
Người. Bạn hãy đọc đoạn Tin Mừng được trích dẫn trong phần chìa khóa
dẫn đến bài đọc để suy gẫm và cầu nguyện về các sự kiện về dân riêng của Chúa,
với những người mà Chúa Giêsu đã tự gắn bó. Những tình trạng gì
tương tự trong thế giới chúng ta? Hãy tự hỏi chính bạn rằng bạn có
thể làm được gì để cải thiện các điều kiện nơi bạn sống và làm việc, đặc biệt
là nếu chúng không đúng với Vương Quốc Nước Trời.
3. Cầu
Nguyện
a) Cầu
nguyện cá nhân trong thinh lặng.
b) Kết
thúc buổi “đọc sách thánh trong tinh thần cầu nguyện” (Lectio Divina) với lời
nguyện này:
Lạy Cha nhân từ, xin
Cha cho chúng con có thể noi theo gương Thánh Gia của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và
Thánh Giuse để chúng con có thể luôn được bền vững trong các thử
thách của đời sống cho đến ngày khi chúng con có thể được chung hưởng vinh
quang của Cha trên Nước Trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô là Chúa
chúng con. Amen.
4. Chiêm
Niệm
Ước gì ơn bình an của
Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em. (Cl 3:15)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét