Trang

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Nhìn lại sinh hoạt của Đức Phanxicô năm 2016

Nhìn li sinh hot ca Đc Phanxicô năm 2016
Vũ Văn An12/21/2016


Sau đây là bài cuối cùng trong loạt bài của nữ ký giả Inés San Martín về Giáo Hội Công Giáo năm 2016. Trong bài này, cô đề cập tới Đức Giáo Hoàng Phanxicô và sáu cuộc tông du, việc công bố Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương, việc cải tổ giáo triều của ngài và việc thỉnh thoảng ngài được chứng kiến Đức Bênêđíctô XVI xuất hiện công khai.

Tóm trình các biến cố về Đức Phanxicô trong năm 2016 là điều khó khăn, vì chúng quá nhiều và quá đa diện: từ Năm Thánh Lòng Thương Xót tới các cuộc họp báo trên không với đủ mọi đề tài, lúc nào ngài cũng đều tạo tin nóng hổi, đáng lưu ý, ấy là chưa kể tới nhiều cuộc phỏng vấn trực diện. Tuy nhiên, Inés cố gắng nhìn ngài qua 4 khía cạnh sau: tông du, tỵ nạn, Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương và việc cai quản Giáo Hội.

Tông du 


Dù là người không thích du hành, Đức Phanxicô cũng đã ra khỏi nước Ý nhiều lần hơn dự tính, với 6 cuộc tông du riêng trong năm 2016.
Trước nhất là chuyến tông du Mễ Tây Cơ nặng tính chính trị, nơi không những ngài kính viếng Đức Mẹ Guadalupe, quan thầy Mỹ Châu, mà còn thực hiện cuộc hành hương suốt từ nam lên bắc, giống con đường mà hàng ngàn di dân đã đi trong hành trình tiến vào Hiệp Chúng Quốc của họ.

Chuyến đi trên bắt đầu ở Mexico City, rồi từ đó, ngài tới khu ngoại ô Ecatepec nghèo nàn, đầy tội ác, nơi ngài đưa ra lời cảnh cáo chống lại cơn cám dỗ “giầu có, phù vân, và kiêu căng”. Sau đó, ngài tiến xuống phía nam, tới San Cristóbal de Las Casas thuộc vùng Chiapas, nơi tập trung phần lớn người bản địa của xứ sở; và chính ở đây, ngài lên tiếng đòi hỏi công lý cho các cộng đồng bản địa.

Rồi ngài tới Morelia, được biết dưới danh xưng “thủ đô giết người” của Mễ Tây Cơ, nơi tung hoành của nhiều băng đảng ma túy và khủng bố. Tại đây, ngài kêu gọi các thanh thiếu niên nhớ rằng Chúa Giêsu không giờ bảo họ trở nên các tay anh chị giết người.

Cuối cùng, tại Ciudad Juárez trên biên giới Mỹ Mễ, ngài đọc bài diễn văn về nhân phẩm người di dân, trong một Thánh Lễ có nhiều vị giáo phẩm Mỹ tham dự, trong đó, có Đức Hồng Y Sean O’Malley của Boston.

Điều đáng chú ý là trước khi vào Mễ Tây Cơ, Đức Phanxicô tới Cuba nơi ngài ký tuyên bố chung với Thượng Phụ Chính Thống Nga Kirill, một thành quả sau nhiều thập niên liên hệ đại kết giữa Vatican và Kremlin.

Tuy nhiên, Mễ Tây Cơ cũng chỉ là một cuộc tông du. Tháng Tư, ngài còn làm một cuộc tông du khác tới Đảo Lesbos của Hy Lạp. Tháng Sáu, ngài tới Armenia, nơi ngài kết án tội diệt chủng người Armenia của người Thổ Nhĩ Kỳ trong Thế Chiến I và đưa ra một số bài học dạy ta tại sao phong trào đại kết lại quan trọng.

Tháng Bẩy, ngài lên đường qua Krakow, Ba Lan, nơi ngài hướng dẫn hơn 2 triệu bạn trẻ du hành tới đất nước của Thánh Gioan Phaolô II và của Thánh Faustina Kowalska tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Ở Ba Lan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thăm trại tử thần khét tiếng Auschwitz-Birkenau. Chính ở đây, ngài hiến cho thế giới một bài học mạnh mẽ về “tình người của người với người” qua việc gặp gỡ 25 “Người Công Chính Giữa Các Dân Tộc”.

Ở buổi lễ kết thúc Ngày Giới Trẻ Thế Giới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với đám đông hơn hai triệu người tụ tập tại một cánh đồng bên ngoài Krakow: đừng nhụt chí bởi những người muốn trình bầy hình ảnh một Thiên Chúa vô cảm, ngược lại nên tin tưởng vào sức mạnh của lòng Chúa thương xót.

Và trong qúy cuối cùng của năm 2016, cuộc đối thoại đại kết và liên tôn lại một lần nữa đứng đầu nghị trình du hành của Đức Giáo Hoàng, với các cuộc tông du Georgia và Azerbaijan vào cuối tháng Chín đầu tháng Mười, rồi Thụy Điển vào tháng Mười Một, để đánh dấu lễ kỷ niệm 500 năm ngày khởi đầu Phong Trào Cải Cách.

Azerbaijan có một cộng đồng Công Giáo bé nhỏ đến nỗi một số người cho rằng nếu không vì cố gắng liên tôn của Đức Phanxicô, thì chẳng thà đưa họ tới Rôma còn rẻ hơn là chuyến tới đó của Đức Giáo Hoàng.

Một lần nữa, đây cũng là dịp để Đức Giáo Hoàng tổ chức cuộc họp báo trên không trong đó, ngài trả lời đủ các câu hỏi về Ông Trump, Ông Sanders, chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo, việc Công Giáo xin lỗi cộng đồng đồng tính, linh mục nữ giới và nhiều câu hỏi khác.

Đức Phanxicô và người tỵ nạn 


Ai cũng biết cuộc khủng hoảng di dân ở Âu Châu, được coi như tồi tệ nhất kể từ Thế Chiến II, là quan tâm hàng đầu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô kể từ đầu triều giáo hoàng của ngài. Ngài vốn là con của các di dân.

Nếu cần phải chứng minh quan tâm của ngài đối với những người phải rời bỏ quê hhương của mình vì chiến tranh, bách hại, đói kém… thì chỉ cần nhớ chuyến tông du trong ngày của ngài tới Đảo Lesbos của Hy Lạp. Từ cuộc viếng thăm này, ngài mang theo về Rôma ba gia đình tỵ nạn.

Trước đó, khi dừng chân tại Ciudad Juarez, Biên Giới Mỹ Mễ, để trả lời một câu hỏi về Ông Trump, ngài bảo các chính trị gia nào muốn xây tường ngăn cách đều không phải là Kitô hữu.

Trong 4 tháng sau cùng, ngài nói rằng chào đón người tỵ nạn là phương thế giúp ta an ổn khỏi bị khủng bố. Ngài cho biết: sợ sệt là cố vấn tồi đối với các quốc gia đang cố gắng thiết lập các chính sách về di dân và tỵ nạn. Ngài thúc giục người ta khắc phục sự dửng dưng trước số phận những người này vì “rất có thể đấy là (số phận của) anh chị em. Hay (của) tôi”. Ngài gọi các Kitô hữu khước từ người tỵ nạn là “những kẻ giả hình”.

Hồi tháng Chín, Tòa Thánh công bố: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang thiết lập một siêu thánh bộ lo việc Cổ Vũ Phát Triển Con Người Toàn Diện, bảo vệ các quyền của những người bị hất hủi và “trông nom các sự thiện vô giá là công lý, hòa bình và chăm sóc môi trường”.
Nhưng điều đáng nói là Đức Phanxicô giành vấn đề tỵ nạn cho riêng ngài.

Một số người coi việc ấy không có gì mới lạ cả. Vì các vị tiền nhiệm của ngài là Thánh Giáo Hoàng Piô X và Đức Piô XII vốn cũng đã mở cửa Toà Thánh hay dinh mùa hè cho người tỵ nạn.

Dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô vốn thúc giục người Công Giáo xem xét các khuôn mặt chứ đừng xem xét các con số trong cuộc khủng hoảng tỵ nạn, nhưng nếu xét con số thống kê, thì quan tâm của Giáo Hội đối với người tỵ nạn không phải là vô cớ. Cho đến ngày 20 tháng Mười Một, ít nhất đã có 4,500 người chết chìm ở Địa Trung Hải, khi cố gắng vượt biển tới Âu Châu.

Ấy thế nhưng, Đức Phanxicô làm nhiều hơn là chỉ kêu gọi mọi định chế Công Giáo ở Âu Châu chào đón ít nhất một gia đình tỵ nạn: ngài cũng còn trở thành tiếng nói hàng đầu trong việc tìm ra các giải pháp cho vấn đề gốc rễ đứng đàng sau cuộc khủng hoảng tỵ nạn tại các nước nguyên gốc, trong đó, có vấn đề hâm nóng hoàn cầu, cảnh nghèo, chiến tranh và buôn bán vũ khí.

Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương 


Công bố hồi tháng Tư, Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một văn kiện dài 255 trang, rút các kết luận từ hai thượng hội đồng giám mục đầy biến động về gia đình hồi tháng 10 năm 2014 và tháng 10 năm 2015.

Trong văn kiện trên, Đức Giáo Hoàng, theo đúng nghĩa đen, đã chạm đến mọi vấn đề liên quan đến điều ngài gọi là "lời công bố của Kitô giáo về gia đình": Từ di trú tới ý thức hệ giới tính, thách đố đối thoại trong các gia đình và nhu cầu phải chuẩn bị hôn nhân mạnh mẽ hơn và hỗ trợ nhiều hơn cho các cặp vợ chồng mới bắt đầu sống với nhau.

Tuy nhiên, sau này, hầu hết các cuộc thảo luận đã tập trung vào chương tám, là chương, cùng với các vấn đề khác, đã bàn đến sự chăm sóc mục vụ cho các người Công Giáo vướng vào các mối liên hệ bất hợp lệ, đặc biệt là những người ly dị và tái hôn dân sự.

Về vấn đề trên, điều quái ác đúng nghĩa đen nằm ở chi tiết của chú thích 351. Chú thích này nói rằng trong một số trường hợp đặc biệt, những người trong các hoàn cảnh này có thể được chịu các bí tích.

Kể từ khi phát hành tông huấn, các giám mục bắt đầu cho công bố các chỉ dẫn, trong đó, các ngài nhấn mạnh rằng không có gì thay đổi liên quan tới giáo luật hoặc giáo huấn về tính bất khả tiêu của hôn nhân, và do đó, chỉ thị rằng trong giáo phận của các ngài, người ly dị và tái hôn dân sự vẫn không hội đủ điều kiện để lãnh nhận các bí tích, trừ khi họ sống như "anh trai em gái".

Các vị giám mục khác có một chủ trương dễ dãi hơn, như các giám mục của tổng giáo phận Buenos Aires trước đây của Đức Giáo Hoàng tại quê hương Á Căn Đình. Các vị này được Đức Phanxicô nhất trí và khuyến khích.

Vào mùa thu, bốn vị Hồng Y, trong đó có Đức Hồng Y người Mỹ Raymond Burke, đệ nạp một số “dubia” (hoài nghi), tức một số câu hỏi “có hay không”, lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô về ý nghĩa của Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương. Thoạt đầu, lá thư này có tính tư riêng, nhưng khi Đức Phanxicô từ chối trả lời trực tiếp, các Hồng Y đã công khai công bố nó cho công chúng.

Đức Hồng Y Burke còn đi xa hơn nữa khi gợi ý rằng nếu Đức Giáo Hoàng không giải tỏa những gì các vị Hồng Y mô tả như là "sự hồ đồ" và "làm mất phương hướng" do Tông Huấn tạo ra, thì một loại sửa sai hay quở trách công khai nào đó với Đức Giáo Hoàng có thể được coi là cần thiết.

Các đồng minh của Đức Giáo Hoàng nhiều lần nói rằng trên thực tế, Đức Phanxicô đã trả lời các điểm “hoài nghi” rồi, ví dụ qua việc ngài ủng hộ lập trường của các giám mục Á Căn Đình, nhưng nhiều người khác lập luận rằng lá thư bị rò rỉ dựa trên một bộ hướng dẫn mới đang ở giai đoạn soạn thảo không thể được coi là huấn quyền của một vị giáo hoàng.

Bất luận các lời qua tiếng lại trên đây, điều hiển nhiên là vấn đề chưa được giải quyết. Do đó, chắc chắn nó sẽ tái xuất hiện vào năm 2017.

Việc cai trị Giáo Hội

Khi được các hiền huynh Hồng Y bầu vào chức vụ giáo hoàng năm 2013, Đức Phanxicô, người từng công khai bày tỏ sự không ưa của mình đối với nền chính trị kiểu triều đình Rôma, biết rằng một trong những cơ sở ngài được sự ủng hộ của các hiền huynh là việc ngài biết đầu tay nền hành chánh của Vatican bị rối loạn chức năng và chậm chạp như thế nào đối với người bên ngoài.

Đó là lý do tại sao ngay sau khi được bầu, ngài đã lập ra một nhóm gồm chín Hồng Y cố vấn, hoặc C9, để giúp ngài trong cuộc cải tổ Giáo Triều Rôma. Các vị giáo phẩm này đến từ khắp các châu lục, trừ Antartica, và thuộc đủ các bối cảnh thần học khác nhau.

Vì nhóm chỉ họp trung bình bốn lần một năm kể từ khi ra đời, và ít có thông báo được đưa ra liên quan tới việc cải tổ cơ quan chủ quản của Giáo Hội, nên có người cho rằng diễn trình cải tổ đang bị mắc kẹt.

Năm nay, hai thông báo quan trọng là việc lập ra hai cơ quan vĩ đại có tính bao trùm tại Vatican. Một dành cho việc Phát Triển Con Người, và một dành cho tất cả những việc liên quan tới gia đình, giáo dân và sự sống, đứng đầu là Hồng Y người Mỹ Kevin Farrell.

Ấy thế nhưng, Đức Hồng Y Oswald Gracias, người Ấn Độ, một thành viên của C9, mô tả nhóm tư vấn này như "nội các bộ trưởng của Đức Thánh Cha”. Ngài cho rằng nó đã trở thành "ban thăm dò" của triều giáo hoàng này, và mặc dù không có nhiều tin tức hấp dẫn phát xuất từ nó, 75 đến 80 phần trăm các quyết định lớn của Đức Phanxicô đã được soạn thảo dựa trên sự tham khảo với nhóm.

Có lẽ, một trong những điều Đức Phanxicô nhờ ban thăm dò là văn kiện mới đây nhất của Thánh Bộ Giáo sĩ. Văn kiện này nhắc lại một văn kiện năm 2005, tức văn kiện nói rằng không nên nhận những người đàn ông có "khuynh hướng đồng tính sâu xa" vào các chủng viện Công Giáo và, do đó, không nên để họ trở thành linh mục Công Giáo. Văn kiện này không do ngòi bút của Đức Giáo Hoàng, nhưng đã được ngài phê chuẩn.

Cuối cùng, mặc dù, theo Đức Giáo Hoàng, đây là một vấn đề gây nhiều kích động hơn là đáng có, ta vẫn không thể không kể đến quyết định của ngài lập ra một ủy ban giáo hoàng để nghiên cứu vai trò của nữ phó tế thời Giáo Hội sơ khai.

Ngài gợi ý rằng một ủy ban như thế có thể được lập ra trong khi ngài đang họp với các bề trên của các dòng nữ ở Rôma. Mấy ngày sau, khi cho rằng việc lập ra ủy ban này là điều đáng lưu ý, ngài nói với các phóng viên tháp tùng ngài trên đường từ Armenia bay về rằng ngài ngạc nhiên trước phản ứng lớn lao của nhiều người.

Ngài bảo: “ngay ngày hôm sau, dường như Giáo Hội đã mở cửa đón các nữ phó tế rồi, nhưng đâu phải thế”. Theo ngài, vai trò hàng đầu của Ủy Ban là quyết chắc vai trò của các nữ phó tế trong Giáo Hội sơ khai.

Ngài nói thêm: “Tôi tin rằng chủ đề này đã được nghiên cứu khá nhiều rồi và sẽ không khó khăn gì khi phải làm sáng tỏ".

Các thành viên của nhóm, trong đó có Phyllis Zagano, một người Mỹ ủng hộ phụ nữ làm phó tế, đã được công bố đầu tháng Tám. Nhóm họp phiên đầu tiên hồi cuối tháng Mười Một.

Đức Bênêđictô XVI


Mặc dù giữ lời hứa sẽ ở im lặng sau khi từ chức, hồi tháng Hai năm 2013, Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI cho ta thấy: mọi quy tắc đều có ngoại lệ. Thực vậy, ngài đã để thế giới thấy ngài nhiều dịp, còn đọc diễn văn ở nơi công cộng lần thứ hai trong 3 năm.

Việc ấy xẩy ra hồi tháng Sáu, khi Vatican tổ chức một buổi lễ để kỷ niệm năm thứ 65 ngày ngài thụ phong linh mục. Đức Phanxicô chủ tọa buổi lễ này. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một vị đương kim giáo hoàng vinh danh một vị đã nghỉ hưu.

Hồi tháng Chín, Đức Bênêđíctô cũng trở thành vị giáo hoàng đầu tiên tự kiểm điểm triều đại giáo hoàng của chính ngài, trong một cuộc phỏng vấn in thành sách với nhà báo Đức Peter Seewald.

Trong cuộc phỏng vấn trên, Đức Bênêđíctô thẳng thắn thừa nhận rằng việc cai trị không phải là điểm mạnh của ngài, bất kể sự kiện này: ngài đã thực sự thực hiện nhiều cải cách có tính lịch sử.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét