Một thời đẻ xây, một thời để phá
Sách Giảng Viên hay sách Côhếlẹt của Thánh Kinh Cựu Ước có
nhiều suy tư rất khôn ngoan sâu sắc. Nhưng có lẽ chương ba khiến cho nguời đọc
phải suy tư hơn cả.
Nó mở đầu như thế này: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có
lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế ; một thời
để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa
lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời
để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời để quăng đá,
một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để kiếm
tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; một thời để
xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một
thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để
làm hoà.”
Với giọng văn “nhấm nhẳng đối kháng” này tác giả đánh trúng
thái độ sống dại dột của sinh vật thông minh nhất là con người, và diễn tả
được “bệnh điên tập thể” của xã hội loài người văn minh: càng văn minh càng
điên. Tất cả những gì ông nói đều là những quan sát chính xác những điều xảy ra
hằng ngày khắp nơi trên trái đất này.
“Một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để
phá đổ, một thời để xây dựng” là những gì đang xảy ra từ gần 6 năm nay tại
Iraq, Siria và Libia, cũng như tại một vài nước Phi châu khác. Cuộc cách mạng
mùa xuân A Arâp đã bị sa lầy thất bại, và đẩy đưa các nước nói trên vào cảnh giết
chóc tàn phá tan hoang như hồi thế chiến thứ hai. Nó cũng nhắc lại cảnh tàn phá
xảy ra tại Beirút thủ đô Libăng hồi thập niên 1970. Không có một căn nhà hay
dinh thự nào lành lặn. Bao nhiêu thập niên xây dựng chỉ trong vòng một thời
gian ngắn biến thành các đống gạch vụ, và các thành phố chết. Đây là cảnh của
nhiều thành phố Iraq và Siria hiện nay, nhất là trong thành phố Aleppo nơi
còn có hàng trăm ngàn thường dân bị kẹt trong các khu phố do các lực lượng hồi
cuồng tín chiếm đóng. Từ nhiều tháng qua họ đã liên tục sử dụng thường dân như
thuẫn chắn đạn cho họ, và không ngần ngại tàn sát những ai dám chạy trốn.
Tuy nhiên, đây không phải chỉ là cảnh xảy ra tại các nước
vùng Trung Đông hay Bắc Phi, hoặc đâu đó bên Phi châu, mà cũng xảy ra tại Âu
châu nữa. Chiến tranh Ucraina ngay giữa lòng Âu châu là thí dụ điển hình. Cho tới
nay nó đã khiến cho hàng chục ngàn người chết, bị thương và hàng triệu người phải
di cư. Trong các năm qua chiến tranh loạn lạc, đói kém mất mùa và thiên tai tại
nhiều nơi trên thế giới đã khiến cho hàng chục triệu người phải di cư. Hàng
trăm ngàn người đã tìm cách vào Âu châu qua ngã Libia và Italia. Chỉ nội trong
năm 2016 này Italia đã phải tiếp đón gần 180.000 người di cư tỵ nạn. Và đã có
6.000 người thiệt mạng trên biển cả.
Kể từ đệ nhị thế chiến tới nay chưa từng có cuộc di cư nào lớn
lao như thế. Và suốt mấy năm qua các nước thành viên Liên Hiệp Âu châu đã không
giải quyết được vấn đề. Hơn 740 triệu dân âu châu đã không thành công trong việc
tiếp đón vài triệu người di cư tỵ nạn đến từ các nước Trung Đông và Phi châu.
Nước nào cũng tìm mọi cớ để thoái thác, có nước còn dựng hàng rào cản, và để
cho Italia phải một mình gánh chịu số người di cư tỵ nạn liên tục tìm cách vượt
biển để đến đảo Lampedusa miền nam Italia.
Thật ra trong và sau thời thuộc địa, các chính quyền Âu châu
đã chỉ nghĩ tới việc khai thác tối đa mọi thứ tài nguyên phong phú của các nước
nghèo, và đã không bao giờ thật tình trợ giúp các nước chậm tiến phát triển.
Đây là đường lối chính trị “thực dân kinh tế” tồn tại cho tới nay. Mọi hội nghị
quốc tế hay đẹp và các nghị quyết, cả trên bình diện Liên Hiệp Quốc, đã chỉ có
tính cách lý thuyết và giấy tờ, mà không thay đổi gì nhiều trên thực tế. Một
trong các lý do là hầu hết các quốc gia kỹ nghệ giầu tây Âu đều sản xuất và
buôn bán vũ khí. Và các nước nghèo Á châu, Phi châu và châu Mỹ Latinh là các
“chợ trời vũ khí” phồn thịnh nhất của họ. Đây là lý do chính giúp hiểu tại sao
thế giới đã không bao giờ có hoà bình, và các dân tộc Phi châu, tuy có rất nhiều
tài nguyên thiên nhiên, nhưng đã không bao giờ thoát ra khỏi cảnh chiến tranh
loạn lạc, nghèo đói và chậm tiến. Quốc gia càng giầu tài nguyên bao nhiêu - như
Cộng hòa dân chủ Congo chẳng hạn - thì lại càng có nguy cơ chiến tranh loạn lạc
triền miên bấy nhiêu. Các quốc gia sản xuất khí giới và các công ty khai thác
quặng mỏ đa quốc tìm mọi cách để gây ra bất ổn tại những nơi nào họ có thể bòn
rút được nhiều lợi lộc nhất. Đây cũng là trường hợp của Nam Sudan có mỏ dầu hoả
rất lớn.
Trong vùng Trung Đông hãy lấy Siria làm thí dụ. Cho tới năm
2011 Siria đã là một trong các nước A Rập phát triển và tiến bộ nhất. Và từ bao
thập niên qua Nga đã là đồng minh bán cho Siria nhiều khí giới nhất, mỗi năm mấy
tỷ đô la. Và thế là sau khi mùa xuân A rập bùng nổ, Siria trở thành nơi để thải
các loại khi giới cũ và thử nghiệm các loại khí giới mới, mặc cho dân chúng bị
tàn sát vô tội vạ. Cái tởm ở đây đó là chúng đến từ các nước tây âu kỹ nghệ tân
tiến, và các loại vũ khí này được bán cho tất cả mọi phe nhóm tham chiến. Hậu
quả là giờ đây sau 6 năm chiến tranh các thành phố làng mạc Siria chỉ còn là
các đống gạch vụn, hơn gần 400.000 người chết, hơn 7 triệu người tỵ nạn bên
trong và bên ngoài nước, phải sống khốn bổ, bơ vơ. Trẻ em và giới trẻ trở thành
các thế hệ không được học hành giáo dục và chuẩn bị làm người. Nền hoà
bình không nằm trong tay người dân Siria, mà do sự định đoạt của các cường
quốc và các nuớc tây âu chế tạo buôn bán vũ khí. Chỉ nội chuyện ngưng chiến để
cứu vớt các người bị thương và di tản thường dân ra khỏi Aleppo, mà cũng không
thành công, vì không phe nào muốn chấp nhận. Họ chỉ muốn bắn giết và tàn phá
cho đến căn nhà và dinh thự cuối cùng. Rồi nếu có may mắn đạt được hoà bình,
thì cũng chính các hãng xưởng và công ty đa quốc của các nước tây âu chế tạo
buôn bán vũ khí nhào vào đấu thầu tái thiết. Dân chúng bị lột da hai lần.
Thế mới biết lời sách Giảng Viên nói không sai về “cung cách
sống điên loạn tập thể” của con người: “chữa rồi lại giết, giết rồi lại chữa,
xây rồi lại phá, phá rồi lại xây”, biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt và máu
chảy ra vô ích và vô lý. Cho tới bao giờ con người mới biết sống khôn ngoan
đây!
Linh Tién Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét