Ngày 24 tháng 12
Mùa Vọng
Bài Ðọc I: 2 Sm 7, 1-5. 8b-12. 16
"Vương quốc Ðavít sẽ tồn
tại trước mặt Chúa đến muôn đời".
Trích sách Samuel quyển thứ hai.
Khi ấy vua Ðavít ngự trong đền
và khi Chúa cho ông được bằng yên tư bề, khỏi mọi quân thù chung quanh, thì vua
nói với tiên tri Nathan rằng: "Ông thấy không? Ta ở trong nhà làm bằng gỗ
bá hương, còn hòm bia Chúa thì để ở trong lều bằng da ư?" Nathan trả lời với
vua rằng: "Ðiều gì vua nghĩ trong lòng, vua hãy đi thực hiện, vì Chúa ở với
vua".
Nhưng xảy ra (là) đêm ấy có lời
Chúa phán cùng Nathan rằng: "Hãy đi nói với Ðavít tôi tớ Ta rằng:
"Chúa phán thế này: Có phải ngươi sẽ xây cất cho Ta một ngôi nhà để ở
chăng?" Ta đã đem ngươi ra khỏi đồi cỏ lúc ngươi còn theo sau đoàn chiên,
để ngươi trở nên thủ lãnh Israel dân Ta, và Ta đã ở cùng ngươi trong mọi nơi
ngươi đi; Ta đã tiêu diệt mọi quân thù trước mặt ngươi. Và Ta sẽ làm cho danh
ngươi nên cao trọng, như danh các bậc vĩ nhân trên mặt đất. Ta sẽ đặt chỉ một
nơi cho Israel dân ta, và Ta sẽ vun trồng nó tại đó. Nó sẽ ở đó và sẽ không còn
bị quấy rối nữa. Con cái sự dữ sẽ không còn đến đàn áp nó như xưa nữa, như ngày
Ta thiết lập các vị Thẩm phán trên Israel dân Ta. Ta sẽ cho ngươi được bằng yên
khỏi mọi quân thù. Và Chúa phán trước cho ngươi biết là Chúa sẽ tạo lập cho ngươi
một nhà. Nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt
Ta; ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 4-5. 27 và 29
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới
muôn đời (x. c. 2a).
Xướng: 1) Tôi sẽ ca ngợi tình
thương của Chúa tới muôn đời, qua mọi thế hệ miệng tôi loan truyền lòng trung
thành Chúa, vì Ngài đã phán: "Tình thương của Ta đứng vững muôn đời";
trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. - Ðáp.
2) Ta đã ký minh ước cùng người
Ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Ðavít là tôi tớ của Ta rằng: "Cho tới muôn đời
Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ".
- Ðáp.
3) Chính người sẽ thưa cùng Ta:
"Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và Ðá Tảng cứu độ của con". Ðời đời
Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi
duy trì. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Lạy Ðức
Thượng Trí của Ðấng Tối Cao, Ngài an bài mọi sự cách mạnh mẽ và dịu dàng, xin
hãy đến dạy dỗ chúng con con đường khôn ngoan. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 1, 67-79
"Vầng đông từ cao thẳm tới
viếng thăm chúng ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Giacaria, cha của Gioan,
được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: "Chúc tụng Ðức Chúa là Thiên
Chúa Israel, Người đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần
Ðavít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế? để giúp ta, như Người đã
dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: Sẽ cứu ta thoát khỏi địch
thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ
lại lời xưa giao ước Chúa đã thề với tổ phụ Abraham: rằng sẽ giải phóng ta khỏi
tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước
nhan Người mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.
"Hài nhi hỡi, con sẽ mang
tước hiệu là ngôn sứ của Ðấng Tối Cao: Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,
bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên. Thiên
Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng
những ai ngồi nơi tăm tối, và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo
bình an".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Lời Ca Ngợi Thiên Chúa
Của Zacharia
Trong bài trích sách Samuel quyển
thứ II, chúng ta thấy: "Khi ấy vua David ngự trong đền và khi Thiên Chúa
cho ông được bình an tư bề, khỏi mọi quân thù chung quanh thì David nói với
tiên tri Nathan rằng: Ông thấy không, ta ở trong nhà làm bằng gỗ bá hương, còn
Hòm Bia Chúa thì để ở trong lều bằng da ư? Và xảy ra đêm ấy có lời Chúa phán
cùng Nathan rằng: "Hãy đi nói với David tôi tớ của Ta rằng, có phải ngươi
sẽ xây cất cho Ta một ngôi đền để ở chăng? Ta đã đem ngươi ra khỏi đồi cỏ lúc
ngươi còn theo sau đàn chiên để trở nên thủ lãnh Israel dân Ta, và Ta đã ở cùng
ngươi mọi nơi ngươi đi, Ta sẽ làm cho ngươi nên cao trọng như danh các bậc vĩ
nhân trên mặt đất. Nhà của ngươi và triều đại của người sẽ vững bền đến muôn đời".
Sau khi đem David ra khỏi nghề
chăn chiên để lên làm vua Israel, dẹp yên mọi quân thù thì ý Thiên Chúa muốn
David làm một ngôi Ðền Thờ để thờ phượng Thiên Chúa. Vua David cũng muốn thế và
ông đã thực hiện. Con người không thể cầu nguyện ở những nơi đông đúc giữa ngã
tư đường phố, nơi chợ búa ồn ào được, nhưng cầu nguyện ở nơi yên tĩnh để tâm sự
nói chuyện với Chúa. Chúa Giêsu đã nổi cơn thịnh nộ khi thấy dân Do Thái biến
nơi tôn nghiêm thành nơi buôn bán đổi chác tiền bạc: "Các ngươi đã biến
nhà Ta thành nơi trộm cắp. Nhà Ta là nhà cầu nguyện".
Thiên Chúa hằng vẫn ở với chúng
ta trong Nhà Tạm, Ngài luôn kêu mời mỗi người chúng ta đến với Ngài, đến để tìm
nguồn an ủi trong cuộc sống, đến để tim nguồn nghị lực và sức mạnh để lướt thắng
mọi trở ngại ngăn lối về nhà Cha. Nhưng mấy ai đã tìm đến với Ngài hay chỉ có
ngọn đèn dầu màu đỏ leo lét hẩm hiu vô tri làm bạn với Chúa hằng ngày mà thôi.
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Zacharia được đầy tràn Chúa Thánh Thần, ông nói tiên tri về Chúa Kitô là Ðấng cứu
rỗi sẽ đến. Không phải ai cũng có thể nói tiên tri được, chỉ những người thánh
thiện, sống đẹp lòng Chúa, Chúa mới cho họ quyền nói tiên tri, làm phép lạ, nói
được các thứ tiếng loài người như trong ngày lễ ngũ tuần các tông đồ chỉ giảng
bằng tiếng của mình mà những người nghe đều hiểu theo tiếng bản xứ của họ.
Nhưng Thiên Chúa yêu thích hơn nếu
chúng ta có tâm tình mến Chúa thực sự: "Nếu tôi được ơn nói tiên tri mà
tôi không có đức mến Chúa thì cũng chẳng có ích gì. Nếu làm được nhiều phép lạ
mà tôi không có lòng mến Chúa thì cũng ích gì cho tôi". Ðức tin và đức cậy
sẽ mất khi con người nhắm mắt, chỉ còn lòng mến Chúa là tồn tại mãi trong Nước
Trời. Cho nên Thập Giới của đạo Công Giáo chỉ tóm gọn trong đức "Mến Chúa
- Yêu Người", vì thế mà đạo Công Giáo còn được gọi là đạo của "Yêu
Thương".
Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán:
"Nhà Ta là nhà cầu nguyện", xin Chúa cho chúng con luôn nhớ điều đó để
chúng con luôn tìm đến với Chúa trong những lúc âu lo chán nản, đau khổ và thất
vọng để chính lúc đó chúng con biết cầu nguyện cách thật sốt sắng và chỉ biết
bám chặt, tin tưởng trọn vẹn vào Ngài.
Lạy Chúa, luật của Chúa thật
ngắn gọn và đơn sơ, đó là "Mến Chúa và Yêu Người" nhưng không dễ áp dụng,
xin Chúa cho chúng con nhìn thấy Chúa qua mọi người chung quanh để chúng con dễ
yêu mến họ hơn.
Lạy Chúa, hôm nay là ngày cuối
của Mùa Vọng, xin Chúa cho chúng con biết chuẩn bị tâm hồn và thể xác, bên
trong lẫn bên ngoài để chúng con hiệp ý với Giáo Hội hân hoan mừng đón Chúa
Giáng Sinh, vì Ngài đến để đem ơn cứu rỗi và sự bình an cho mọi người. Amen.
Veritas
Asia
24/12/16 THỨ BẢY TUẦN 4 MV
Lc 1,67-79
Lc 1,67-79
Suy niệm: Sống ở đời, con người thường bị đe doạ bởi nhiều sợ hãi: sợ đói, sợ lạnh, sợ già, sợ xấu, sợ bệnh, sợ cô đơn, sợ thất bại…, và còn sợ những “khách không mời mà tới” như thiên tai, khủng bố, tai nạn… Tất cả sợ hãi này phát xuất từ nỗi sợ lớn nhất: đó là sợ chết. Sợ chết vì ham sống, vì muốn hưởng thụ cuộc sống, dù cuộc sống “méo mó”, nhưng “méo mó có hơn không”. Vì bất lực, nên sợ rồi tìm cách chạy trốn, lẩn tránh cái chết, nhưng “nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử”…? Thiên Chúa “đã viếng thăm cứu chuộc dân Người” chính là để giải thoát ta khỏi mọi nỗi sợ hãi như thế. Ngoài Ngài ra, không ai có thể cứu thoát chúng ta, vì chỉ có Ngài là Chúa của Sự Sống, không những sự sống đời này, mà nhất là sự sống đời đời.
Mời Bạn: Bạn đang sợ hãi những gì? và Bạn làm gì trước những nỗi sợ đó? Chạy trốn lẩn tránh hay phó mặc cuộc đời như “bèo dạt mây trôi”? Bạn không tin rằng mình thuộc về “dân của Người” ư? Chúa sinh xuống làm người để trở thành Em-ma-nu-en, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Bạn chẳng còn phải sợ!
Chia sẻ: Cái sợ nào đáng sợ nhất đang ám ảnh bạn, cộng đoàn của bạn?
Sống Lời Chúa: Bạn dành vài phút trước hang đá giáo xứ để chiêm ngắm mầu nhiệm “Chúa viếng thăm và cứu chuộc dân Người” và cầu xin cho Bạn, cũng như mọi người đừng sống trong sợ hãi, nhưng được can đảm TIN và SỐNG như “dân” của Người.
Cầu nguyện: Đọc lại cả đoạn Phúc Âm hoặc những câu Phúc Âm trên đây và tâm sự với Chúa.
Thiên Chúa viếng thăm (24.12.2016 – Thứ bảy)
Mừng lễ Giáng Sinh là mừng cuộc viếng thăm của Thiên Chúa. Cách duy nhất để mừng là mở cửa lòng cho Con Thiên Chúa vào.
Suy niệm:
Sau hơn chín tháng bị câm, khi Gioan đã sinh được tám
ngày,
lời nói đầu tiên
của ông Dacaria là một bài ca chúc tụng.
Ông chúc tụng Đức Chúa,
Thiên Chúa của Israel
vì Ngài đã
viếng thăm và cứu chuộc dân Ngài (c. 68).
Mọi việc Thiên Chúa
sắp làm cho đoàn dân riêng
được gói gọn trong một
động từ rất đơn sơ: viếng thăm.
Thiên Chúa đi thăm
dân Ngài để cứu độ và ban ơn tha tội (c. 77).
Gioan, con của ông, được
hân hạnh là người đi trước mở đường (c. 76).
Dacaria vui vì niềm
vui của cả dân tộc và của riêng gia đình ông.
Thiên Chúa đi thăm
dân qua Đức Giêsu, Người Con Một.
Đó là Vị Cứu Tinh quyền
thế đến từ dòng dõi Đavít (c. 69).
Do lòng từ bi thương
xót của Thiên Chúa,
Đấng Mêsia đã được sai
đến như Vừng Đông tự chốn cao vời (c. 78).
Vừng sáng này đến
thăm những ai ngồi trong bóng tối sự chết
và đưa dắt dân Ngài
vào con đường bình an (c. 79).
Bình an
là được giải thoát khỏi tay kẻ thù (c. 71), khỏi tội lỗi (c. 77),
là được tự do phụng
thờ Thiên Chúa trên quê hương (cc. 74-75).
Cả đời sống Đức
Giêsu là một cuộc viếng thăm của Thiên Chúa.
Đây là cuộc viếng thăm
độc nhất vô nhị,
vì là cuộc
viếng thăm của đích thân Con Thiên Chúa.
Ngài không chỉ thăm
như người khách ghé qua.
Ngài đã thăm và ở
lại, dựng lều cư ngụ với loài người (Ga 1, 14).
Khi Đức Giêsu hoàn sinh
người con của bà góa thành Nain,
đám đông reo lên: Thiên
Chúa đã viếng thăm dân Ngài (Lc 7, 16).
Nhưng trong thực tế dân
Ngài đã khước từ cuộc thăm viếng ấy.
Ngôi Lời đã đến
nhà mình,
nhưng người nhà chẳng
chịu đón nhận (Ga 1, 11).
Mãi mãi con người
có tự do để ở lại trong bóng tối và sự chết,
và cũng có quyền khước từ
bình an thật của trời cao (Lc 19, 42).
Giêrusalem đã bị
sụp đổ vào năm 70 dưới tay kẻ thù,
vì đã từ khước
sự thăm viếng chở che của Thiên Chúa (Lc 19, 44).
Đó là một bi kịch và hơn
nữa, là một thảm kịch.
Tiếc thay thảm kịch ấy
vẫn tiếp diễn trên thế giới.
Hôm nay Thiên Chúa từ ái,
bao dung vẫn đến thăm con người,
và nhiều người trong
chúng ta vẫn giữ thái độ chối từ, khép kín.
Ơn cứu độ, ơn giải phóng,
ánh sáng, và bình an của trời cao,
là những điều còn xa
lạ với bao người, kể cả các Kitô hữu.
Bóng tối của sự chết, của
hận thù ghét ghen vẫn thống trị địa cầu.
Mừng lễ Giáng Sinh
là mừng cuộc viếng thăm của Thiên Chúa.
Cách duy nhất để
mừng là mở cửa lòng cho Con Thiên Chúa vào.
Hãy tiếp đón Ngài
đến với ta dưới những hình thái bất ngờ:
một trẻ thơ nghèo
hèn, yếu đuối; một Mêsia không tấc sắt trong tay;
một ông
thợ mộc ở vùng quê Nadarét; một tử tội bị đóng
đinh thập tự.
Hãy thắp lên một ngọn nến
trong đêm Noel để chào mừng Ánh Sáng.
Cầu nguyện:
Giữa giá rét của mùa đông,
xin cho con gặp Chúa.
Giữa những long đong
và bấp bênh của phận người,
xin cho con gần Chúa.
Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi,
xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.
Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ,
xin cho con cảm được sự bình an của Chúa,
ngay giữa những âu lo hằng ngày.
Xin cho con đón lấy cuộc đời con
với bao điều không như ý.
Và cuối cùng,
xin cho con dám sống như Chúa
vì Chúa đã dám sống như con.
Lm. An-tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.
–––––––––––
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
24 THÁNG MƯỜI HAI
Được Chuộc Lại Bởi Đấng Cứu Độ
Mùa Vọng, một cách tự nhiên, đem
đến cho môi miệng chúng ta lời cầu xin ơn cứu độ. Chúng ta nhìn lại nỗi thao thức
mong chờ ơn cứu độ qua suốt giòng lịch sử Cựu Ước và tiếp tục vào giai đoạn Tân
Ước. Thánh Phaolô nói: "Chúng ta đã được cứu trong lòng cậy trông"
(Rm 8,24) "Vì qua Thánh Thần, nhờ đức tin, chúng ta mong đợi niềm hy vọng
được nên công chính" (Gl 5,5). Ngay cả những lời cuối cùng của Thánh Kinh
cũng là một tiếng kêu van xin Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta, đến và tỏ hiện
hoàn toàn: "Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!" (Kh 22,20).
Ơn cứu độ! Đó là niềm khát vọng
sâu xa của con người. Mọi trang Kinh Thánh đều làm chứng điều đó. Thánh Kinh mời
gọi chúng ta khám phá nguồn gốc đích thực của ơn cứu độ. Thánh Kinh cho chúng
ta biết Đấng Giải Thoát và Đấng Cứu Chuộc thực sự của mình là ai.
Kinh nghiệm nền tảng về ơn cứu độ
mà Dân Thiên Chúa đã trải qua trong Cựu Ước là cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ
Ai cập. Thánh Kinh gọi đó là sự cứu chuộc, thục hồi, giải phóng, cứu độ. Đó là
hình thức cứu chuộc đầu tiên mà dân Thiên Chúa kinh nghiệm một cách tập thể
trong lịch sử. Hồi ức về ơn cứu độ này in sâu trong đức tin của Israel.
Biến cố cứu độ lớn thứ hai trong
Thánh Kinh là sự giải phóng khỏi cuộc lưu đày Babylon. Cả hai biến cố ấy – giải
phóng khỏi Aicập và khỏi Babylon – được đan kết với nhau trong các Sách Ngôn Sứ.
Cuộc giải phóng khỏi tình trạng lưu đày bên Babylon là sự cứu chuộc thứ hai,
hay đúng hơn đó là sự tiếp tục và hoàn thành cuộc cứu chuộc thứ nhất. Và tác
nhân của cuộc cứu chuộc ấy vẫn chính là Thiên Chúa, Đấng Thánh của Israel, Đấng
Giải Thoát và Đấng Cứu Chuộc của dân Người. Ngôn Sứ Giêrêmia nói: "Chúa
phán, đây sắp tới ngày Ta sẽ hoàn tất lời Ta đã hứa với nhà Israel và nhà
Giuđa" (Gr 33,14).
- suy tư 366 ngày của Đức
Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope
John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 24-12
2Sm 7,1-5.8b-12.14a-16; Lc
1,67-79.
Lời suy niệm: “Bấy giờ, người
cha của em, tức là ông Dacaria được đầy Thánh Thần liền nói tiên tri rằng: Chúc
tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ítraen đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.”
Dacaria mang trong mình một mạc
khải về đứa con trai của mình trong câm lặng. Giờ đây, miệng lưỡi ông đã được
Thánh Thần mở ra, ông cất tiếng ngợi ca Thiên Chúa và nói với con mình: “Hài
nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao; con sẽ đi trước
Chúa, mở lối cho Người, báo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết
mọi tội khiên.”
Lạy Chúa Giêsu. Mỗi Kitô hữu đều
phải là ngôn sứ của Chúa, xin cho mỗi người chúng con, luôn sống và học tập
theo Lời Chúa, để chúng con trở nên nhân chứng thật của Chúa nơi môi trường
chúng con đang sống và làm việc.
Mạnh Phương
24 Tháng Mười Hai
Cặp Kính Lão
Tại một viện dưỡng lão nọ, ai
ai cũng cảm thấy vui, vì ngày Giáng Sinh sắp đến. Lễ Giáng Sinh không những là
lễ của nhận quà, mà còn là của tặng quà nữa. Cho nên, dù không dư dả, các lão
ông lão bà cũng cặm cụi suốt ngày để chuẩn bị một món quà gửi tặng cho thân
nhân, người quen.
Duy chỉ có một bà lão xem chừng
như dửng dưng trước những rộn rịp xung quanh. Bà ngồi trong một góc nhà, gặm nhấm
từng nỗi cô đơn của mình. Bà không còn một người thân nào trên trần gian này. Kỳ
thực, bà còn một người con trai, nhưng người con ấy kể như đã chết với bà. Từ
lâu, anh đã bị giam trong một trại khổ sai chung thân.
Dù vậy, đối với trái tim của
một người mẹ, một đứa con, cho dù có đốn mạt đến đâu, vẫn là một người con.
Cũng như những lão ông lão bà khác, người đàn bà đáng thương cũng đã có ý nghĩ
gửi một món quà cho đứa con bạc phước của mình. Nhưng bà không có một đồng xu
dính túi. Tất cả tài sản của bà chỉ là cặp kính lão còn đeo trên mắt... Người
đàn bà ước ao được gửi cho người con của mình một gói thuốc lá. Một gói thuốc
không là bao, nhưng gói trọn tình thương mà bà vẫn dành cho anh.
Bà đi trao đổi với các cụ
già, nhưng không ai có gì để trao tặng bà. Cuối cùng, có một ông lão còn một
gói thuốc lá, loại thuốc mà có lẽ con trai bà ưa thích. Nhưng trong viện dưỡng
lão này, dường như ai cũng sống theo nguyên tắc "có qua có lại". Lão
ông chỉ trao cho bà gói thuốc với điều kiện bà cũng trao tặng cho ông một món
quà nào đó.
Người đàn bà đành lấy cặp
kính khỏi đôi mắt và trao cho ông lão. Gương mặt người đàn ông sáng rỡ lên vì
ông đã có thể đọc được tỏ tường. Cuộc trao đổi chấm dứt. Người đàn bà gói bao
thuốc lá lại thành một món quà Giáng Sinh quý giá để gửi tặng cho con.
Trở lại góc phòng của mình,
người đàn bà làm một cử chỉ máy móc: bà đưa tay lên mắt để để sửa lại cặp kính
lão. Nhưng cặp kính không còn nữa. Dù vậy, người đàn bà cảm thấy vui hơn bao giờ
hết: bởi vì người con trai của bà nơi trại khổ sai sẽ vui vì nhận được quà
Giáng Sinh, bởi vì lão ông trong viện dưỡng lão sẽ đọc được báo trong những
ngày Giáng Sinh.
Quà tặng chỉ có ý nghĩa khi nó
là biểu tượng của người tặng. Người tặng quà không chỉ gửi đi một cánh thiệp, một
cái áo, một chiếc bánh, một món đồ chơi, mà gói ghém tất cả tình cảm, sự biết
ơn, lòng ngưỡng mộ, tâm tình thương mến của mình. Một cách nào đó, khi tặng
quà, chúng ta muốn trao tặng chính bản thân mình.
Do đó, sự trao tặng nào cũng là
một mất mát: mất mát một chút tiền của, mất mát một ít thì giờ. Sự mất mát càng
lớn, thì quà tặng càng có giá trị. Bà cụ trong viện dưỡng lão trên đây quả thực
đã mất mát nhiều: bà đã mất đi một phần ánh sáng của mình. Nhưng bù lại, niềm
vui của người con và niềm vui của người đồng viện của bà sẽ lớn hơn. Mất đi một
chút ánh sáng để cho người khác được thấy, chấp nhận một chút đau khổ để cho
người khác được vui, thua thiệt một phần để cho người khác được cười: đó là tất
cả ý nghĩa của sự tặng quà đích thực.
Nhưng đó cũng là niềm vui đích
thực, bởi vì niềm vui của người chính là niềm vui của ta. Mục đích của quà tặng
là làm cho người khác được vui. Do đó, niềm vui của người khác phải là quà tặng
đích thực mang lại niềm vui cho ta.
Ðó chính là nghịch lý của Kitô
Giáo chúng ta. Càng trao ban, càng mất mát, chúng ta càng được nhận lãnh.
Chúng ta sẽ khám phá được nghịch
lý ấy trong những ngày mừng lễ Giáng Sinh. Niềm vui của Thiên Chúa, Vinh Danh của
Ngài, quà tặng cao cả nhất mà Ngài đã trao tặng cho chúng ta: đó là Người Con Một
của Ngài. Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài.
Chúng ta đón nhận qùa tặng của
Thiên Chúa với tất cả cảm mến tri ân. Nhưng mùa Giáng Sinh không chỉ là mùa của
nhận quà, mà còn là mùa của tặng quà nữa. Chúng ta hãy dâng tặng Thiên Chúa tất
cả con người của chúng ta.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Luca 1:67-79
Thứ Bảy, 24 Tháng 12, 2016
Tuần thứ tư Mùa Vọng
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, Thiên Chúa đầy yêu
thương và quyền năng
Chúa đã hoàn thành những lời hứa
của Chúa để cứu rỗi chúng con
Khi Chúa Giêsu, Con Một Chúa, đã
trở nên người phàm như chúng con.
Chúng con không còn ở trong bóng
tối,
Vì Chúa đã để cho ánh sáng của
Chúa tỏa sáng trên chúng con.
Giờ đây, xin hãy mang lại ơn cứu
độ của Chúa,
Xin hãy giải thoát chúng con khỏi
mọi tội lỗi,
Để cho chúng con trở nên con người
hoàn toàn với Chúa Giêsu
Và cùng đi với Người trong đường
lối yêu thương và hòa bình của Chúa.
Xin hãy để cho Người là sức mạnh
của chúng con,
Là người bạn đồng hành thường
xuyên của chúng con trên đường,
Để nhờ Người và tăng trưởng
trong nhân tính của Người,
Để cho chúng con có thể là các
con cái yêu dấu của Chúa.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô,
Chúa chúng con.
2. Phúc Âm – Luca
1:67-79
Khi ấy, Giacaria, cha của Gioan
được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng:
“Chúc tụng Đức Chúa là Thiên
Chúa Israel đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.
Từ dòng dõi trung thần Đavít,
Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta, như Người đã dùng miệng
các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa:
Sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù,
thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại
lời xưa giao ước Chúa đã thề với tổ phụ Ábraham:
rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch
thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan
Người mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.
Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,
bảo cho dân Chúa biết:
Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết
mọi tội khiên. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn
cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối, và trong bóng tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.”
3. Suy Niệm
- Bài Ca Vịnh của ông Giacaria là một trong nhiều
bài ca vịnh của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi mà chúng ta tìm thấy được phân tán
trong các tác phẩm của Tân Ước: trong các sách Phúc Âm (Lc 1:46-55;
2:14; 2:29-32), trong các Thư của Thánh Phaolô (1Cr 13:1-13; Êp 1:3-14;
2:14-18; Pl 2:6-11; Cl 1:15-20) và trong sách Khải Huyền (1:7; 4:8; 11:17-18;
12:10-12; 15:3-4; 18:1 cho đến 19:8). Những bài Ca Vịnh này cho
chúng ta một ý tưởng làm thế nào đức tin và phần phụng vụ hằng tuần đã được sống
trong những thời gian đầu tiên ấy. Chúng cho chúng ta đoán rằng
phần phụng vụ là việc kỷ niệm mầu nhiệm đồng thời cũng là sự tuyên xưng đức
tin, làm sống động niềm hy vọng và học hỏi giáo lý.
- Ở đây trong bài Ca Vịnh của ông Giacaria, các
thành viên của những cộng đoàn Kitô hữu, hầu hết là những người Do Thái, đã hát
lên niềm vui của việc được viếng thăm do lòng nhân hậu của Thiên Chúa, trong Đức
Giêsu, những lời hứa được thực hiện. Bài Ca Vịnh có cấu trúc tuyệt đẹp,
khéo trau chuốt. Nó có vẻ giống như một cuộc leo núi chậm dẫn dắt
các tín hữu lên đỉnh của ngọn núi, từ đó họ quan sát con đường mà họ đã đi qua
từ thời ông Ábraham (Lc 1:68-73), họ trải nghiệm được sự bắt đầu thực hiện các
lời hứa (Lc 1:74-75) và từ đó họ nhìn về phía trước; họ thấy trước con đường mà
trẻ thơ Gioan sẽ phải đi đến thời điểm giáng sinh của Chúa Giêsu: mặt
trời của sự Công Chính, người đến để chuẩn bị cho mọi người, dẫn đường vào nẻo
Bình An (Lc 1:76-79).
- Ông Giacaria bắt đầu chúc tụng Thiên Chúa bởi vì Chúa đã
viếng thăm và cứu chuộc dân Người (Lc 1:68). Người đã thiết lập
cho chúng ta một vị Cứu Tinh quyền thế từ dòng dõi nhà Đavít, tôi tớ của Người
(Lc 1:69), như Người đã dùng miệng các ngôn sứ của Người phán hứa từ ngàn xưa
(Lc 1:70). Và ông mô tả những gì mà ơn cứu rỗi quyền năng này bao gồm: rằng
Người sẽ giải phóng chúng ta khỏi tay địch thù và thoát tay mọi kẻ hằng ghen
ghét chúng ta (Lc 1:71). Ơn cứu rỗi này là kết quả, chẳng phải từ những
nỗ lực của chúng ta, mà chính là bởi lòng thương xót nhân hậu của Thiên Chúa là
Đấng nhớ lại Giao Ước thánh của Ngài và lời thề của Chúa với Ábraham, tổ phụ
chúng ta (Lc 1:72). Thiên Chúa là Đấng thành tín. Đây là
nền tảng cho sự bình an của chúng ta.
- Ông Giacaria tiếp tục mô tả những gì trong lời thề của
Thiên Chúa với tổ phụ Ábraham gồm có: đó là niềm hy vọng rằng “được
giải thoát khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta có thể phụng thờ
Người trong thánh thiện và công chính, trước nhan Người, suốt cả đời ta.” Đây
là ước muốn lớn nhất của mọi người trong tất cả mọi thời đại: sống
trong bình an, không sợ hãi, phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, trong sự
thánh thiện và công chính, mọi ngày suốt đời chúng ta. Đây là đỉnh của
ngọn núi, điển hẹn, hiện ra ở chân trời cùng với sự chào đời của Gioan Tẩy Giả
(Lc 1:73-75).
- Bây giờ sự chú ý của bài Ca Vịnh được hướng về
Gioan Tẩy Giả, hài nhi mới sinh. Em bé sẽ là ngôn sứ của Đấng Tối
Cao, bởi vì em sẽ đi trước Chúa để dọn đường cho Người, bảo cho Dân Chúa biết về
ơn cứu rỗi qua việc tha thứ các tội lỗi của họ (Lc 1:76-77). Ở đây chúng
ta có sự ám chỉ rõ ràng về lời tiên tri cứu thế nói rằng: “Chúng sẽ
không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: ‘Hãy học cho
biết Đức Chúa’, vì thết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta – sấm
ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến
lỗi lầm của chúng nữa” (Gr 31:34). Trong Kinh Thánh động từ “biết”
cũng đồng nghĩa với “cảm nghiệm”. Sự tha thứ và hòa giải khiến cho
chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa.
- Tất cả điều này sẽ là kết quả của hành động đầy
lòng thương xót của Thiên Chúa và sẽ được thực hiện đầy đủ với sự giáng sinh của
Chúa Giêsu: “Vầng Đông từ chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những
ai ngồi nơi tăm tối, và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo Bình An”
(Lc 1:78-79).
4. Một vài câu hỏi
gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
- Đôi khi chúng ta nên đọc các bài Ca Vịnh như
thể chúng ta đọc lần đầu tiên, trong một cách như vậy là để có thể
khám phá ra trong đó tất cả các tính chất mới mẻ của Tin Mừng Thiên Chúa.
- Thỉnh thoảng bạn đã có cảm nghiệm được sự tốt
lành của Thiên Chúa chưa? Đôi khi bạn đã có cảm nghiệm được sự tha
thứ của Thiên Chúa chưa?
5. Lời nguyện kết
Tình thương Chúa, đời đời con ca
tụng,
Qua muôn ngàn thế hệ
Miệng con rao giảng lòng thành
tín của Ngài.
Vâng con nói: “Tình
thương ấy được xây dựng tới thiên thu,
Lòng thành tín Chúa được thiết lập
trên trời.”
(Tv 89:1-2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét