Trang

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

26-06-2017 : THỨ HAI - TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

26/06/2017
Thứ Hai tuần 12 thường niên.


Bài Ðọc I: (Năm I) St 12, 1-9
"Abram ra đi như Chúa đã truyền dạy".
Trích sách Sáng Thế.
Khi ấy, Chúa phán cùng Abram rằng: "Ngươi hãy từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa cha ngươi mà đi đến xứ Ta chỉ cho. Ta sẽ cho ngươi thành một dân lớn; Ta sẽ chúc lành cho ngươi, và Ta sẽ cho danh ngươi nên lớn lao, ngươi sẽ là một mối chúc lành. Ta sẽ chúc lành cho những ai chúc lành cho ngươi, và sẽ chúc dữ cho ai chúc dữ cho ngươi. Nơi ngươi mọi dân nước sẽ được chúc phúc".
Abram ra đi như Chúa đã truyền dạy, và có ông Lót đi theo. Khi bỏ đất Haran, Abram được bảy mươi lăm tuổi. Ông đem Sarai, vợ ông, và Lót là cháu, cùng với tất cả tài sản và gia nhân mà họ có ở Haran. Họ ra đi đến đất Canaan. Khi họ tới nơi, Abram rảo qua các xứ cho đến Sikem, thung lũng thời danh. Bấy giờ người Canaan đang ở xứ này.
Chúa đã hiện ra với Abram và phán rằng: "Ta sẽ ban đất này cho dòng dõi ngươi". Ông đã dựng ở đó một bàn thờ kính Thiên Chúa, Ðấng đã hiện ra với ông. Rồi từ nơi ấy, ông đi đến núi ở phía đông Bêthel mà cắm trại: phía tây của trại là Bêthel và phía đông là Hai. Ông cũng dựng ở đó một bàn thờ kính Chúa, và khấn cầu danh Chúa. Abram cứ tiến dần mãi về (Nageb ở) phía nam.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 32, 12-13. 18-19. 20 và 22
Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).
Xướng: 1) Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Tự trời cao Chúa nhìn xuống, Người xem thấy hết thảy con cái người ta. - Ðáp.
2) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Người, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Người, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. - Ðáp.
3) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. - Ðáp.

Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 7, 1-5
"Hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét. Các con đoán xét thể nào thì các con cũng bị đoán xét như vậy. Các con dùng đấu nào mà đong, thì cũng sẽ đong lại cho các con bằng đấu ấy. Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái đà trong mắt ngươi? Hoặc sao ngươi bảo anh em: "Ðể tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh", và này: cái đà đang ở trong mắt ngươi. Ðồ giả hình, hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã, rồi ngươi sẽ thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt anh em ngươi".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Một phương thế tốt để tự biết mình
Khi Chúa Giêsu bảo đừng xét đoán đó là một lệnh truyền khắt khe, có nghĩa: đừng bao giờ xét đoán không tốt cho kẻ khác, đừng kết án ai. Sự xét đoán này là công việc của một mình Thiên Chúa. Không ai được thay thế cho Thiên Chúa. Hơn nữa mỗi người phải xác tín rằng mình không được quyền lưu ý kẻ khác về tội của họ, vì ai nấy đều là kẻ có tội.
Chúng ta hãy đưa ra đây một nhận xét của khoa tâm lý cổ điển để làm sáng tỏ câu: người ta sẽ đong cho các ngươi đấu nào mà các ngươi đã đong cho họ. Lời nói này của Chúa vượt quá sự khôn ngoan của các giáo sĩ Do thái thời Ngài; chính họ cũng đã nói những điều tương tự. Người ta thấy trên kia lệnh truyền đặc biệt của Chúa là không được ‘đong đấu’ nào cả. Nhưng ở đây Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng: kẻ khác sẽ ‘đong đấu’ cho chúng ta, xét đoán chúng ta về tật xấu này nọ mà chúng ta có, và họ xem thấy nhưng chúng ta lại là những người duy nhất không trông thấy. Thật vậy, đặc tính của khuynh hướng xét đoán kẻ khác là làm cho con người hóa ra mù quáng về mình. Người ta biết rằng: tật xấu nào ta ghét nơi kẻ khác, tật xấu đó đáng ghét, vì người ta cũng có nơi mình. Kẻ xét đoán không ý thức rằng người khác cũng sẽ xét đoán lại họ căn cứ trên việc xét đoán họ làm. Người khác thấy điều mà chính họ không thấy. Người ta cũng có thể lật ngược lời của Chúa và quả quyết như sau: hãy tự xét đoán mình theo cách thức mình xét đoán kẻ khác.
Việc cấm xét đoán kẻ khác và việc kêu mời hãy tự xét mình, hãy lấy cái xà nơi mắt mình, quả là chính yếu trong lời rao giảng của Chúa Giêsu. Tại sao? Bởi vì khi ta xét đoán ai, ta tự tách lìa khỏi họ. Và tất cả chiều hướng của Phúc Âm là dẫn đến việc hợp nhất và thông hiệp. Hơn nữa, xét đoán là tự cướp đoạt cho mình cái thuộc về Chúa, điều này không chính trực.
Có những trường hợp người ta bị bó buộc phải phê phán về một người nào. Đó là vấn đề khác. Dầu sao đi nữa, sự phê phán này phải được lồng trong sự kính trọng và tình yêu.
Tôi có nghĩ tới cách tìm hiểu mình, căn cứ vào cái mà tôi chán ghét nơi kẻ khác không?



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 12 TN, Năm lẻ
Bài đọcGen 12:1-9; Mt 7:1-5.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Không xét đoán tha nhân và tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa.
Con người thích xét đoán vì nó là dịp để đề cao mình và giảm danh giá tha nhân. Không những xét đoán tha nhân, nhiều người còn nghi ngờ quyền năng Thiên Chúa và xét đoán luôn cả sự quan phòng của Ngài, khi họ chất vấn hay than phiền những đau khổ Thiên Chúa bắt họ phải chịu. Con người xét đoán không năng xét mình; vì thế, họ thấy họ tốt lành và dễ xét đóan tha nhân; nhưng nếu họ chịu khó xét mình, họ sẽ thấy họ mang đầy những khuyết điểm, và không dám xét đoán tha nhân. Con người dễ xét đoán, vì họ nghĩ chẳng có ai rỗi hơi kiểm điểm những lời xét đoán của họ; nhưng nếu họ biết Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, họ sẽ cẩn thận hơn khi phải xét đoán tha nhân.
Các Bài Đọc hôm nay dạy chúng ta hai bài học rất quan trọng trong cuộc đời. Trong Bài Đọc I, tổ-phụ Abram nêu gương sáng cho chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng vào những gì Thiên Chúa dạy. Khi được Thiên Chúa truyền: "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi;'' tổ phụ Abram tin tưởng lên đường ngay, vì ông hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy con người tuyệt đối không được đoán xét để khỏi bị đoán xét; vì con người không toàn thiện để đoán xét người khác.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Abram tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa.
1.1/ Abram can đảm vâng lời lên đường để xây đắp tương lai:
(1) Lời hứa của Thiên Chúa với Tổ-phụ Abraham: Đức Chúa phán với ông Abram: "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc." Đây là lời hứa khơi mào Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, và sẽ được hoàn thành bởi Đức Kitô. Lời hứa này đòi thời gian 2,000 năm để hoàn thành.
(2) Thái độ tin tưởng và hành động vâng lời của Abram: Không chút do dự về tương lai vô định, Abram ra đi, như Đức Chúa đã phán với ông. Ông Abram được bảy mươi lăm (75) tuổi khi ông rời Haran. Ông Abram đem theo vợ là bà Sarai, cháu là ông Lót, và mọi tài sản họ đã gầy dựng được, cùng với gia nhân họ đã có tại Haran. Họ ra đi về phía đất Canaan và đã tới đất đó. Có rất nhiều lý do ngăn cản Abram đừng làm theo ý Chúa: tuổi già, sức khỏe, họ hàng, tương lai vô định ... nhưng một điều duy nhất giúp Abram vượt qua mọi trở ngại là niềm tin của ông vào Thiên Chúa. Ông tin: những gì Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ làm.
1.2/ Thiên Chúa ban Đất Hứa cho giòng dõi của Abram: Đức Chúa hiện ra với ông Abram và phán: "Ta sẽ ban đất này cho giòng dõi ngươi." Đất mà Thiên Chúa hứa ban là Đất Hứa nơi mà các người Canaan đang cư ngụ. Đất Hứa này chỉ thực sự là của giòng dõi ông, khi họ xuất hành ra khỏi Ai-cập, và Thủ-lãnh Joshua lãnh đạo họ đánh bại người Canaan, và phân phối Đất Hứa cho 12 chi tộc của Israel; lúc đó, Abram không còn sống trên trần gian!
Dẫu vậy, Abram cũng vẫn đo lường giải đất mà con cháu ông sẽ làm chủ sau này: ''Tại Shechem, ông dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa, Đấng đã hiện ra với ông. Từ chỗ ấy, ông sang miền núi, ở phía đông Bethel. Ông cắm lều giữa Bethel ở phía tây và Ai ở phía đông. Tại đây ông dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa và ông kêu cầu danh Đức Chúa. Rồi ông đi từ chặng nọ qua chặng kia đến miền Negeb.''
2/ Phúc Âm: Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán.
2.1/ Tuyệt đối không xét đoán: Chúa Giêsu truyền: "Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy.'' Có ít nhất 3 lý do ngăn cấm con người xét đoán tha nhân:
(1) Con người không biết hết hoàn cảnh và các dữ kiện liên quan: Con người dễ phê phán tha nhân vì họ nhìn từ bên ngoài; nhưng để phê phán đúng, họ phải đặt mình vào bên trong để hiểu hòan cảnh của đương sự. Ví dụ, một người nghèo đói phải ăn cắp để có của ăn nuôi sống là điều hợp lý phải làm; chứ không phải trường hợp ăn cắp nào cũng xấu. Tục ngữ Việt-nam có câu: "Có ở trong chăn mời biết chăn có rận." Hay trong truyện Kiều của Nguyễn Du có câu: "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay." Nàng Kiều phải bán mình để chuộc cha để trả ơn sinh thành nuôi dưỡng là điều một người con hiếu thảo phải làm, chứ không phải trường hợp mãi dâm nào cũng bị kết án.
(2) Con người bị chi phối bởi rất nhiều thành kiến: ngôn ngữ, chủng tộc, màu da, giai cấp, liên hệ, quyền lợi ... Một khi đã có những thành kiến, rất khó để con người phán đoán cách chí công vô tư. Người Hy-lạp có thói quen phân xử nạn nhân trong phòng tối để tránh thành kiến; nhưng cả hai bên vẫn có thể nghe tiếng nói của nhau và đoán được nguồn gốc của nhau.
(3) Con người không sạch hoàn toàn để phán xét: Trong câu truyện "Người phụ nữ ngoại tình" của Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu thách thức những người đòi kết án và ném đá người phụ nữ: "Ai trong các ông sạch tội, hãy quăng viên đá trước." Và họ dần dần rút lui đến khi chỉ còn mình Chúa Giêsu, Đấng có quyền phán xét mọi người vì Ngài không bao giờ phạm tội. Nhưng Ngài nói với chị: "Tôi cũng vậy, tôi không phán xét chị. Thôi! chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa" (Jn 8:12).
Có những trường hợp con người buộc phải xét xử như: bề trên, quan tòa, cha mẹ ... Trong những trường hợp buộc phải xét xử, hãy xét xử cách rộng lượng, phải có đầy đủ các dữ kiện, và theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, vì theo Lời Chúa cảnh cáo: "Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em."
2.2/ Hãy kiểm điểm mình trước: Một trong những cách giúp con người đừng đóan xét tha nhân là năng kiểm điểm bản thân mình. Khi con người thành thật với chính mình, họ tìm ra trong người họ cũng đầy dẫy những tính hư, nết xấu, nhiều khi còn to lớn hơn của tha nhân gấp bội. Nhận ra bản thân như thế, họ sẽ dễ dàng thông cảm và không đoán xét tha nhân. Ngược lại, khi con người không năng xét mình, họ dễ dàng đoán xét tha nhân, vì họ nghĩ họ sạch tội. Chúa Giêsu đưa ra một ví dụ để cảnh cáo hạng người này: ''Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: ''Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn," trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.''

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa, và đừng bao giờ xét đoán sự quan phòng của Ngài.
- Chúng ta cần tập thói quen tuyệt đối không xét đoán tha nhân, vì đó không phải là việc của chúng ta. Trường hợp vì bổn phận phải xét xử, hãy theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, có tất cả các bằng chứng liên quan, hiểu hoàn cảnh của đương sự, và phán xét cách rộng lượng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

26/06/17    TH HAI TUN 12 TN
Mt 7,1-5

ĐỪNG XÉT ĐOÁN


“Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán.” (Mt 7,1)

Suy niệm: Con người thường quen và thích phê phán, xét đoán người khác. Hiếm ai tránh được thói xấu phổ biến này, cũng như hiếm có ai chưa một lần bị người khác xét đoán sai lầm về mình. Vì thế, Chúa Giê-su dạy ta:
1. tránh cung cách xét đoán người anh em với ý hướng khắt khe, thiếu lòng bác ái khoan dung;
2. khiêm tốn nhớ mình có những lầm lỗi có khi còn nghiêm trọng, nặng nề hơn người khác. Ngài dùng một hình ảnh cường điệu để nêu bật sự lố bịch trong việc xét nét khuyết điểm của người khác: ta nhanh chóng nhận thấy rõ cái rác nhỏ xíu trong mắt người anh em; trong khi ấy, cái xà to tướng trong mắt mình thì không thấy. Do đó, ta hãy thành thật xét mình để thấy rõ khuyết điểm của mình, nhờ đó không kết án, phê phán người khác cách bất công.

Mời Bạn: Chúa Giê-su quả quyết: “Anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy.” Bạn hãy ghi khắc lời dạy này của Chúa, xác tín Chúa sẽ dùng chính cái đấu bạn đong với người khác mà áp dụng cho mình. Từ hôm nay, bạn hãy dần dần từ bỏ thói xấu này, thay đổi cái nhìn về người khác, để không bị Chúa xét đoán, cũng như để sống công bằng hơn với anh chị em chung quanh bạn.

Sống Lời Chúa: Tránh xa những dịp “tám chuyện” nói xấu anh chị em; dành thời gian đó cầu nguyện với Chúa hay làm việc bác ái, để được ơn ích cho đời sống chúng ta hôm nay và mai sau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dạy con tránh xét đoán nhau cách bất công. Xin cho con luôn biết nhận ra lỗi lầm của mình, tránh xa thói xét đoán người khác để danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa trị đến. Amen.
(5 phút Lời Chúa)

Ly xà ra khi mt (26.6.2017 – Th hai Tun 12 Thường niên)
Phi tránh li xét đoán thiếu bao dung, khc nghit, mà quên chính mình cũng có nhng li lm ln hơn nhiu.


Suy nim:
Mỗi ngày chúng ta đưa ra biết bao nhận xét về người khác.
Thầy cô phải nhận xét về học trò, cấp trên phải nhận xét về thuộc hạ.
Việc lượng giá về từng cá nhân thường rất cần thiết và hữu ích.
Trong đời sống tu trì, vẫn có chuyện anh em sửa lỗi cho nhau.
Nói chung, sống thì phải đưa ra những phán đoán về người khác.
Nhưng làm sao để phán đoán ấy không trở nên một xét đoán lệch lạc?
Đức Giêsu dạy ta biết cách xét đoán qua bài Tin Mừng hôm nay.
“Anh em đừng xét đoán”: thật ra Đức Giêsu không cấm mọi thứ xét đoán.
Ngài còn dạy các môn đệ biết cách phân biệt ngôn sứ giả và thật (Mt 7,15),
phân biệt người xứng đáng và người không xứng đáng (Mt 10, 11),
biết cách đề phòng thói xấu của nhóm Xađốc và Pharisêu (Mt 16, 6).
Đức Giêsu chỉ đòi các tín hữu sống trong cộng đoàn huynh đệ
phải tránh lối xét đoán thiếu bao dung, khắc nghiệt,
mà quên chính mình cũng có những lỗi lầm lớn hơn nhiều.
“Anh em xét đoán thế nào, thì cũng bị Thiên Chúa xét đoán như vậy” (c. 2).
Ngài muốn ta nhẹ tay và nhân từ khi cần phải xét đoán người anh em.
Vì cái đấu ta dùng để đong cho họ, Thiên Chúa sẽ dùng để đong cho ta.
Đấu đong đi càng lớn, đấu đong lại càng đầy.
Chỉ cần thay đổi cái đấu ta vẫn quen dùng, là cuộc đời của ta thay đổi.
Đức Giêsu dùng một hình ảnh liên quan đến nghề mộc của Ngài,
để nói về chuyện người đạo đức giả.
Đó là hình ảnh bụi mùn cưa trong mắt người khác và cái xà trong mắt mình.
Một cái thì thật bé, một cái thì to đến độ khó lòng ở trong mắt được.
Hình ảnh phóng đại này hẳn làm ai cũng phải buồn cười.
Tôi thấy lỗi bé nơi anh em, nhưng lại không để ý tới lỗi lớn nơi tôi.
Tôi hăng hái xin được lấy hạt bụi ra khỏi mắt anh em,
nhưng lại rất khoan dung với cái xà trong mắt mình.
Đức Giêsu hóm hỉnh khuyên chúng ta nên lấy xà ra khỏi mắt trước đã,
rồi mới thấy tỏ tường để lấy hạt bụi mùn cưa khỏi mắt anh em.
Điều khó vẫn là thấy được cái xà trong mắt mình.
Lẽ ra tôi phải thấy ngay vì nó quá lộ liễu, ai cũng thấy.
Nhưng nó khó thấy, vì tôi không muốn thấy cái xấu của mình.
Càng có quyền, có chức, có uy tín, có tuổi tác và kinh nghiệm,
càng khó chấp nhận nếp nhăn nơi khuôn mặt mình.
Giá mà tôi thấy được cái xà nơi mắt tôi,
chắc tôi đã không dám đòi lấy hạt bụi nơi mắt người khác,
hay nếu có được ai nhờ lấy đi nữa,
thì cũng chỉ lấy một cách khiêm hạ, nhẹ nhàng.
Trong bài hát “Chúa Hòa Bình” của Phạm Duy có câu:
“Nếu có ai lầm lỡ, rồi sinh ra khắt khe…”
Chỉ mong chúng ta, nhờ thấy mình lầm lỡ và đã được Chúa thứ tha,
nên sinh ra dễ cảm thông với lỗi lầm người khác.
Cầu nguyn:

Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.

Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những khi con không cảm nghiệm được.

Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu dãi vào bóng tối của con.

Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
26 THÁNG SÁU
Mọi Sự Đều Phục Vụ Cho Điều Thiện Hảo
Đề cập đến sự quan phòng của Thiên Chúa nghĩa là nhìn nhận rằng từ nguyên thủy, trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa không có chỗ cho sự dữ. Tuy nhiên, một khi sự dữ được con người gây ra và được Thiên Chúa cho phép xảy ra, thì rốt cục nó trở thành phụ thuộc đối với sự thiện: “Tất cả đều phục vụ cho điều thiện hảo”, như lời Thánh Phao-lô Tông Đồ (Rm 8, 28). Đây là một khẳng định cần được ta tìm hiểu thêm.
Chúng ta đã ghi nhận rằng Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, bênh vực cho sự thật. Sự thật về sự quan phòng của Thiên Chúa hiện diện trong toàn bộ mạc khải cũng như trong tạo vật. Sự thật ấy chính là điểm qui chiếu đầu tiên và nền tảng của tất cả những gì mà Thiên Chúa “bằng nhiều lần nhiều cách” muốn nói với con người “qua các tiên tri và – trong những ngày sau hết – qua Người Con” (Dt 1,1). Thật rất quan trọng việc đọc và suy tư về sự thật này trong Thánh Kinh – nơi mà nó được trình bày trực tiếp cho chúng ta. Cũng rất hữu ích việc nghiên cứu những tham chiếu gián tiếp cho thấy tính chân thật của mạc khải Thiên Chúa trong Thánh Kinh.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 26-6
St 12, 1-9; Mt 7, 1-5.

Lời suy niệm: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bịThiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy.”
Đối với người Do-thái họ cũng đã từng cảnh cáo về việc xét đoán: “Ai xét đoán anh em mình rộng lượng sẽ được Chúa rộng lượng lại.” Còn đối với Chúa Giêsu khuyên dạy chúng ta: “Đừng xét đoán”. Bởi vì khi chúng ta xét đoán người anh em chúng ta có thể phạm sai lầm: trước hết: không bao giờ chúng ta biết toàn thể sự việc hay toàn diện con người; chúng ta không thể hoàn toàn vô tư do khó điều khiển bản năng của mình; và trong mỗi người không đủ tốt để mà phê phán đoán xét, dẫn đến sự sai lầm làm tổn hại đến nhân phẩm, nhân vị của người anh em.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn chú tâm đến những lỗi lầm của cá nhân mình, còn những lỗi lầm của những người anh em khác dành để Chúa lo liệu.
Mạnh Phương



26 Tháng Sáu
Bằng Lòng Về Chính Mình
Hans Christian Andersen, văn sĩ Ðan Mạch sống vào khoảng cuối thế kỷ 19, là tác giả của những câu chuyện dạy đời bất hủ. Ông có kể câu chuyện như sau:
Có một đôi vợ chồng già nọ sống bên nhau rất hạnh phúc. Thật ra người nắm giữ bí quyết hạnh phúc trong gia đình này chính là người vợ. Lúc nào bà cũng hài lòng về bất cứ hành động nào của người chồng. Một hôm, người vợ đề nghị với chồng là nên bán bớt một con bò. Thật ra tất cả tài sản của họ chỉ là đôi bò.
Người chồng tán thành ý kiến của vợ. Ngay từ sáng sớm, ông dắt bò ra chợ. Nhưng đường dài, mặt trời mỗi lúc một chói chang. Con bò già lại không thể bước nhanh. Do đó khi thấy một người nông dân khác cũng đang dắt heo ra chợ bán, người chồng mới có ý nghĩ đem đổi bò lấy con heo. May ra con heo có thể đi nhanh hơn không?
Ðổi được con heo và đi được một quãng đường, người chồng lại cảm thấy không thoải mái chút nào. Con heo cứ muốn đi theo hướng của nó. Vừa bực tức với con heo, ông lại thấy một người nhà quê khác cũng đang dắt dê ra tỉnh. Ông nghĩ rằng dê có thể là con vật ít cồng kềnh hơn con heo, cho nên ông mới nấn ná đến người chủ dê để đề nghị hoán đổi.
Ðổi được dê, người đàn ông như cảm thấy nhẹ nhõm trong người. Nhưng chỉ trong vài phút đồng hồ, ông mới khám được cái tính bất thường của loài dê. Nó chạy bên này, nhảy bên kia, nó đưa sừng húc khắp mọi nơi... Giữa lúc ông ngán ngẩm với con dê, thì bỗng đâu một người nhà quê khác tiến lại gần ông với cả một đàn ngỗng. Con ngỗng dù sao cũng ít cồng kềnh hơn con dê. Nghĩ vậy cho nên ông mang con dê đến đổi lấy một chú ngỗng trắng. Ôm lấy chú ngỗng vào lòng, người đàn ông cảm thấy thoải mái hơn bao giờ hết. Ông tin chắc là mình sẽ đến chợ sớm hơn. Nhưng chưa đến chợ, thì ông lại thấy một người buôn gà. So sánh gà với ngỗng, dĩ nhiên gà phải nhẹ hơn... Tính toán mãi, cuối cùng, ông đã đem chú ngỗng đến đổi lấy một con gà.
Mặt trời mỗi lúc một lên cao. Cơn khát như muốn đốt cháy cổ họng ông. Bụng ông lại trống rỗng. Vừa thấy một quán ăn bên vệ đường, người đàn ông không còn cầm được cơn cám dỗ. Ông đành phải đem con gà bán đi với giá một đồng bạc. Một đồng này vừa đủ cho một bữa ăn trưa cộng với một ly bia.
Những người đàn ông trong quán ăn biết chuyện mới tỏ ra ái ngại cho giây phút ông phải đối đầu với người vợ. Thế nhưng, con người luôn luôn được vợ hài lòng ấy vẫn tỏ ra bình thản. Ông tin tưởng rằng vợ ông sẽ không boa giờ trách móc ông. Một người đàn ông có máu cờ bạc, không tin ở thái độ của bà vợ ông, cho nên mới đề nghị đánh cá. Ôngta đưa ra hai mươi đồng và đi theo người đàn ông về đến nhà. Ôn núp một nơi kín đáo để theo dõi phản ứng của người vợ.
Quả thực, người đàn ông bắt đầu báo cáo lại cho vợ từng chi tiết của những cuộc trao đổi của ông. Cứ mỗi lần người đàn ông kể lại một cuộc đổi chác của mình, người vợ đều tỏ ra hài lòng. Khi người đàn ông kể đến chuyện ông bán con gà được một đồng và vào quán ăn trưa, người vợ mới mỉm cười thốt lên như sau: "Tạ ơn Chúa, cũng may là mình bán được con gà. Như vậy là mình có thể ngủ yên mà không sợ tiếng gà gáy phá giấc. Ðiều quan trọng đối với tôi là biết rằng mình thỏa mãn là được".
Người chồng thắng được vụ cá cuộc. Ông được hai mươi đồng, số tiền còn lớn hơn cả giá bán con bò.
Hãy đón nhận từng giây phút hiện tại với hân hoan, cảm mến. Hãy làm công việc trong phút giây hiện tại như là công việc quan trọng nhất. Hãy đón tiếp người trước mặt như một người quan trọng nhất. Hãy chấp nhận mọi người với cảm thông, tha thứ và lạc quan. Hãy chấp nhận chính bản thân với sự bằng lòng, thoải mái: đó là tất cả bí quyết của hạnh phúc mà chúng ta cần phải nắm lấy.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét