Trang

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

Diễn Văn Của Đức Phanxicô khi viếng mộ Don Mazzolari ngày 20 tháng 6 năm 2017

Diễn Văn Của Đức Phanxicô khi viếng mộ Don Mazzolari ngày 20 tháng 6 năm 2017
Vũ Văn An6/20/2017


Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một buổi sáng tốt!

Người ta khuyên tôi nên rút ngắn bài diễn văn này một chút, vì nó hơi dài. Tôi đã cố gắng làm thế, nhưng không thành công. Nhiều điều xuất hiện trong đầu tôi quá, đây đó… Nhưng (tôi biết) anh chị em có dư kiên nhẫn! Vì tôi không muốn bỏ lỡ mọi điều tôi muốn nói về Don Primo Mazzolari.

Tôi là khách hành hương tới đây, tới Bozzolo này rồi tới Barbiana, bước theo chân hai cha xứ từng để lại những dấu vết sáng ngời, dù có hơi “bất tiện”, trong việc các ngài phục vụ Chúa và dân của Người. Tôi đã nói nhiều lần rằng các cha xứ chính là sức mạnh của Giáo Hội tại Ý, và hôm nay tôi xin nhắc lại điều ấy. Khi là khuôn mặt của một hàng giáo sĩ không giáo sĩ trị, như vị này, các ngài quả đã đem lại sức sống cho một “huấn quyền cha xứ” đích thực, một huấn quyền tốt đẹp cho mọi người. Don Primo Mazzolari được gọi là “Cha Xứ của Ý”; và Thánh Gioan XXIII từng chào mừng ngài với danh hiệu “chiếc kèn của Chúa Thánh Thần ở thung lũng hạ Po”. Tôi tin rằng nhân cách linh mục của Don Primo không phải là một luật trừ riêng biệt, mà là hoa trái rự rỡ của cộng đồng anh chị em, mặc dù ngài không luôn được thấu hiểu và đánh giá cao. Như Chân Phúc Phaolô VI từng nói: “Cha bước đi bằng một bước quá dài, và đôi khi ta không theo kịp cha! Thành thử, cha đau khổ và chúng ta cũng đau khổ. Đó là số phận của các tiên tri” (Chào đón các khách hành hương từ Bozzolo và Cicognara, 1 tháng Năm, 1970). Việc đào tạo nên ngài là kết quả của truyền thống Kitô Giáo phong phú của Thung Lũng Po, Lombardy, Cremona. Trong các năm tháng tuổi trẻ, ngài được gây ấn tượng bởi khuôn mặt của Đức Giám Mục vĩ đại Geremia Bonomelli, người chủ đạo của học thuyết xã hội Công Giáo và là người tiên phong của việc chăm sóc mục vụ cho di dân.

Tôi không cần phải kể lại cho anh chị em hay phân tích việc làm của Don Primo. Tôi cám ơn những ai đã tận tụy với việc này trong nhiều năm qua. Tôi thích được suy niệm với anh chị em, nhất là với các anh em linh mục của tôi, những người ở đây cũng như những người ở khắp nước Ý: đây là “cha xứ của Ý mà, về tính hợp thời trong sứ điệp của ngài, một sứ điệp tôi xin đặt trước tấm phông gồm ba cảnh tượng vốn tràn ngập mắt và tim ngài mỗi ngày: con sông, căn nhà nông trại và đồng bằng.

1) Con sông là hình ảnh tuyệt vời, vốn thuộc trải nghiệm của tôi và của cả anh chị em nữa. Don Primo thi hành thừa tác vụ của ngài dọc theo những con sông, biểu tượng của tính ưu việt và sức mạnh của ơn Thánh Chúa tuôn đổ không ngừng xuống thế gian. Lời nói của ngài, được giảng hay được viết ra, rút tỉa được sự sáng sủa về suy tư và sức thuyết phục từ nguồn Lời của Thiên Chúa hằng sống trong Tin Mừng, được suy niệm và cầu nguyện, được tái khám phá nơi Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh và nơi con người, được cử hành trong các cử chỉ bí tích không bao giờ bị rút gọn vào nghi thức đơn thuần mà thôi. Don Mazzolari, cha xứ tại Cicognara và Bozzolo, không tách mình ra khỏi con sông sự sống, ra khỏi nỗi đau khổ của dân ngài, những người nặn khuôn ngài trở thành một mục tử khôn khéo và đòi hỏi, nhất là đòi hỏi chính mình. Dọc theo con sông này, ngài học cách biết tiếp nhận hồng phúc sự thật và yêu thương hàng ngày, biết làm cho mình trở thành người mang chúng một cách mạnh mẽ và đại lượng. Giảng cho các chủng sinh ở Cremona, ngài quả quyết: “làm ‘một người nhắc lại’ là sức mạnh của chúng ta. […] Tuy nhiên, giữa một người nhắc lại vô hồn, một cái loa phóng thanh, và một người nhắc lại sống động, có cả một khác biệt lớn lao! Linh mục là một người nhắc lại, nhưng việc nhắc lại của ngài không được vô hồn, thụ động, không có tình thân ái. Cùng với sự thật được tôi nhắc lại, phải có, tôi phải đưa ra một điều gì đó của riêng tôi để chứng tỏ rằng tôi tin điều mình nói; nó phải được làm một cách khiến người anh em nghe thấy lời mời mà tiếp nhận sự thật” (1). Lời tiên tri của ngài được thể hiện trong việc yêu thời đại của ngài, nối kết ngài với cuộc sống của những người ngài gặp, nắm lấy mọi cơ hội để loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa. Don Mazzolari không phải là người hối tiếc Giáo Hội trong quá khứ, nhưng cố gắng thay đổi Giáo Hội và thế giới bằng một tình yêu say mê và một lòng tận tụy vô điều kiện. Trong tác phẩm “Giáo Xứ” của ngài, ngài đề xuất một suy nghĩ về các phương pháp làm việc tông đồ; ngài xác tín rằng các bất cập của giáo xứ vào thời ngài là do thiếu việc nhập thể. Có 3 con đường không dẫn ta theo hướng Tin Mừng:

- Con đường “để mặc” ("letting go"). Đây là con đường của người đứng ở cửa sổ nhìn ra ngoài không để tay mình bị dơ, nghĩa là kẻ bàng quan thụ động đối với đời sống. Người này bằng lòng với việc chỉ trích, với việc “mô tả một cách ranh mãnh cay đắng và đầy dục vọng các sai lầm” (2) của thế giới bao quanh. Thái độ này làm lương tâm im bặt, nhưng không có bất cứ liên hệ nào với Kitô Giáo vì nó dẫn chúng ta rút lại những gì đã hứa, bằng một tinh thần phê phán, đôi khi chua cay. Ở đấy rõ ràng có sự thiếu khả năng đi tiên phong, hay phương thức xây dựng cách giải quyết các vấn đề.

- Phương pháp sai lầm thứ hai là “đấu tranh ly gián” (“separatist activism”). Chúng ta cam kết tạo ra các định chế Công Giáo (ngân hàng, hợp tác xã, câu lạc bộ, nghiệp đoàn, trường học…). Nhờ thế, đức tin trở nên có hoạt động hơn, nhưng, Cha Mazzolari cảnh cáo, việc này có thể tạo nên một cộng đoàn Công Giáo ưu tú. Nó nghiêng về quyền lợi và các khách hàng có nhãn hiệu Công Giáo. Và, một cách vô tình, nhiều rào cản được dựng lên, làm trở ngại cho tính khẩn trương của đức tin, và nguy cơ cứ thế trở nên không tài nào vượt qua được. Người ta lúc ấy có khuynh hướng khẳng nhận điều gây chia rẽ hơn là điều chúng ta có chung. Đây là một phương pháp không hề tạo điều kiện dễ dàng cho việc phúc âm hóa, mà đúng hơn, đóng cửa rút cầu và tạo ra ngờ vực, bất tín.

- Sai lầm thứ ba là “duy siêu nhiên hạ nhân phẩm” (“dehumanizing supernaturalism”). Phương thức này núp mình trong tôn giáo để trốn tránh các khó khăn và thất vọng gặp phải. Chúng ta xa lìa thế gian, vốn là lãnh vực để làm việc tông đồ đích thực, để lo việc sùng kính. Đây là cơn cám dỗ của chủ nghĩa duy linh (spiritualism). Một thứ hoạt động tông đồ cà nhắc được phát sinh, không một chút yêu thương nào cả. “Những người xa cách không thể lưu tâm tới lối cầu nguyện không trở thành bác ái, với một cuộc rước kiệu không biết giúp người ta mang các cây thập giá hàng ngày” (3). Bi kịch hệ ở khoảng phân cách này giữa đức tin và đời sống, giữa chiêm niệm và hành động.

2) Căn nhà nông trại. Thời của Don Primo, “gia đình của các gia đình” sống với nhau tại vùng quê mầu mỡ này, vì chịu nhiều khốn khổ và bất công, nên đang chờ một thay đổi sẽ dẫn họ tới việc tản cư tới các đô thị. Căn nhà nông trại, căn nhà, cho chúng ta một ý tưởng về Giáo Hội được Don Mazzolari hướng dẫn. Ngài cũng nghĩ đến một Giáo Hội đi ra ngoài khi suy niệm về các linh mục bằng những lời này: “Để bước đi, chúng ta phải ra khỏi nhà và Giáo Hội, nếu Dân Chúa không còn ở đấy nữa; và chăm sóc cũng như lo lắng các nhu cầu, dù không thiêng liêng, nhưng là các nhu cầu nhân bản và, dù các nhu cầu này có thể khiến con người ra sa lạc, nhưng chúng cũng có thể cứu vớt họ. Người Kitô hữu nào tự tách mình khỏi con người, và cách nói năng của chúng ta thì không thể nào hiểu được nếu ta không trước nhất dẫn họ vào con đường này, một con đường dường như dẫn đi rất xa nhưng lại an toàn nhất. […]Để làm được nhiều, ta phải yêu thật nhiều” (4). Đó là điều vị mục tử của anh chị em đã nói. Giáo xứ là nơi mọi người cảm thấy mình được mong chờ, một “tổ ấm không hề biết đến sự vắng mặt”. Don Mazzolari là một mục tử tin rằng “số phận thế giới chín mùi ở ngoại biên”, và ngài biến nhân tính của mình thành một dụng cụ của lòng Chúa thương xót, theo cung cách của người cha trong dụ ngôn Tin Mừng, vốn được mô tả rất hay trong cuốn “Cuộc Mạo Hiểm Đẹp Đẽ Nhất”. Ngài được gọi rất đúng là “vị mục tử của người xa cách” vì ngài luôn yêu thương và đi tìm người khác, và ngài thận trọng, không định ra bất cứ phương pháp lý thuyết nào có giá trị cho mọi người và mọi thời về việc làm tông đồ, nhưng thay vào đó, ngài đề xuất việc biện phân như cách giải thích tinh thần mỗi người. Quan điểm đầy thương xót và hợp Tin Mừng về nhân tính này dẫn ngài tới chỗ coi phương thức cần phải tiệm tiến là phương thức có giá trị: linh mục không phải là người đòi sự hoàn hảo, nhưng là người giúp mọi người hiến tặng điều tốt nhất của họ. “Ta hãy bằng lòng với những gì dân chúng của ta có thể cho. Ta hãy có lương tri!Ta không nên đặt gánh quá nặng lên vai những người tội nghiệp” (5). Tôi muốn nhắc lại điều này, và nhắc lại nó cho mọi linh mục của Ý và của cả thế giới nữa: Ta hãy có lương tri! Ta không nên đặt gánh quá nặng lên vai những người tội nghiệp. Và mặc dù, vì sự cởi mở này, ngài bị buộc phải vâng lời, nhưng ngài vẫn đứng vững trên đôi chân, như một người trưởng thành, như một con người, và cùng một lúc, qùy gối xuống, hôn tay Đức Giám Mục của ngài, người mà ngài không lúc nào ngưng yêu thương.

3) Hoạt cảnh thứ ba: họat cảnh thứ nhất là con sông, hoạt cảnh thứ hai là căn nhà nông trại, hoạt cảnh thứ ba là hoạt cảnh đồng bằng vĩ đại của anh chị em. Những người hoan nghinh Bài Giảng Trên Núi không hề sợ vượt qua đồng bằng đang trải ra mênh mông trước mắt, không bến không bờ, vì họ vừa là nhà du hành vừa là chứng nhân. Chúa Giêsu luôn chuẩn bị các môn đệ của Người để làm việc này; Người dẫn họ vào đám đông, giữa người nghèo, mạc khải cho họ rằng cao điểm sẽ đạt được ở đồng bằng nơi lòng thương xót của Thiên Chúa nhập thể (xem Bài Giảng ngỏ cùng Mật Nghị Hội, 19 tháng 11, 2016). Đức ái mục vụ của Don Primo mở ra nhiều chân trời trong các tình thế phức tạp ngài gặp phải: chiến tranh, chủ nghĩa tòan trị, các đụng độ huynh đệ tương tàn, những khó khăn của nền dân chủ đang thai nghén, cảnh khốn cùng của dân ngài. Anh chị em và các linh mục thân mến, tôi khuyến khích anh chị em hãy lắng nghe thế giới, lắng nghe những người đang sống và làm việc trong đó, tiếp nhận mọi vấn nạn có ý nghĩa và tạo hy vọng, không sợ phải băng qua sa mạc và các vùng tối tăm. Nhờ cách này, chúng ta mới trở nên một Giáo Hội nghèo cho và với người nghèo, Giáo Hội của Chúa Giêsu. Cuộc hiện sinh của người nghèo được Don Priomo định nghĩa là “cuộc hiện sinh lờ đờ”, và Giáo Hội cần hồi tâm, biết nhìn nhận đời sống của họ để yêu thương họ như họ hiện là: “Người nghèo muốn được yêu thương như người nghèo, nghĩa là, không tính toán cảnh nghèo của họ, không yêu sách hay quyền đòi nợ, kể cả việc không biến họ thành công dân nước trời, càng không cải đạo họ” (6). Ngài không cải đạo vì cải đạo không phải là Kitô Giáo. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nói với chúng ta rằng Giáo Hội, Kitô Giáo, không lớn mạnh nhờ chủ nghĩa cải đạo, nhưng nhờ lôi cuốn, nghĩa là, nhờ chứng từ. Đó là điều Don Primo Mazzolari vốn làm: ngài làm chứng. Người Tôi Tớ của Chúa sống nghèo nhưng không phải là một “linh mục nghèo (tồi)”. Trong chúc ngôn thiêng liêng của mình, ngài viết “Quanh bàn thờ của tôi, và quanh nhà cũng như việc làm của tôi, không bao giờ có âm thanh làm tiền. Số ít lọt vào tay tôi […] rơi vào chỗ nó giả thiết phải rơi. Nếu tôi có bất cứ ân hận nào về vấn đề này, thì chắc liên hệ tới người nghèo và công việc giáo xứ mà tôi vốn giúp khá nhiều”. Ngài suy niệm sâu xa về sự khác nhau về phong cách giữa Thiên Chúa và con người: “Phong cách của con người: có nhiều, nhưng họ làm ít. Phong cách của Thiên Chúa: không có gì cả, nhưng Người làm nên mọi sự” (7). Vì thế, tính đáng tin cậy của việc công bố phải vuợt qua tính đơn sơ và cái nghèo của Giáo Hội: “Nếu chúng ta muốn đem người nghèo trở lại mái ấm của họ, họ cần tìm thấy không khí của người nghèo”, nghĩa là, tìm thấy Chúa Giêsu Kitô. Trong cuốn sách của ngài, tựa là “Đàng Thánh Giá của Người Nghèo”, Cha Primo nhắc ta nhớ rằng đức ái là chuyện linh đạo và cách nhìn. “Những người ít có đức ái, thấy ít người nghèo; những người có nhiều đức ái thấy nhiều người nghèo; những người không có đức ái, không thấy người nghèo nào” (8). Và ngài viết thêm: “Ai biết người nghèo, là biết anh em mình: ai thấy anh em mình là thấy Chúa Kitô, ai thấy Chúa Kitô là thấy đời sống và bài thơ đích thực của nó, vì đức ái là bài thơ thiên quốc đem xuống cõi trần” (9).

Các bạn thân mến, tôi cám ơn các bạn đã đón tiếp tôi hôm nay, tại giáo xứ của Don Primo. Với các bạn và các giám mục của các bạn, tôi xin ngỏ lời này: hãy tự hào vì đã có được “những linh mục như thế”, và cũng đừng mệt mỏi trở nên “các linh mục và Kitô hữu như thế”, dù cho việc này đòi phải đấu tranh với chính bản thân, gọi đích danh các cơn cám dỗ đang lừa dối chúng ta, để chúng ta được lòng nhân ái của Thiên Chúa chữa lành. Nếu các bạn thừa nhận rằng các bạn chưa thu thập được bài học của Don Primo, thì hôm nay đây, tôi mời các bạn hãy qúi trọng nó. Chúa, Đấng luôn linh hứng trong Mẹ Thánh Giáo Hội các mục tử và tiên tri biết tuân theo trái im của Người, sẽ giúp chúng ta hôm nay đừng làm ngơ các vị này. Vì các vị đã thấy xa, và việc bước chân theo các vị sẽ cứu ta khỏi đau khổ và nhục nhã. Nhiều lần tôi đã nói rằng mục tử phải có khả năng đứng trước dân của mình để chỉ đường cho họ như dấu hiệu gần gũi, hoặc đứng đàng sau họ để khuyến khích những ai tụt lại phía sau (xem Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 31). Còn Don Primo thì viết: “Tôi thấy người ta trượt chân rơi xuống đường dốc hiểm nghèo nào, tôi đều dơ lưng chống đỡ phía sau; khi cần phải leo dốc, tôi đều dẫn đầu. Nhiều người không hiểu rằng cũng một đức ái đã thúc đầy người ta cách này hay cách kia, và không ai có thể làm điều này tốt hơn một linh mục” (10).

Với tinh thần hiệp thông huynh đệ này, với các bạn và mọi linh mục của Giáo Hội tại Ý, với những cha xứ tốt lành, tôi muốn kết thúc bằng lời kinh của Don Primo, một mục tử yêu Chúa Giêsu và ước muốn của Người thấy mọi người được cứu rỗi. Don Primo vốn cầu nguyện như sau:

"Chúa đã đến cho mọi người:
Cho những người tin
Cho những người nói rằng họ không tin.
Tất cả họ,
Đôi khi những người này hơn những người kia,
Họ làm việc, đau khổ, hy vọng
Cho thế giới diễn tiến tốt đẹp hơn.
Ôi, lạy Chúa Kitô, Chúa sinh ra “ở ngoài nhà”
Và Chúa chết “ở ngoài kinh thành”,
Để trở thành một cách hiển thị hơn
Những ngã tư và điểm hẹn.
Không ai bị loại khỏi ơn cứu rỗi, lạy Chúa,
Vì không ai bị loại khỏi tình yêu của Ngài
Một tình yêu không xúc phạm hay thu mình
Khỏi chống đối hay bác bỏ”.

Giờ đây, tôi ban phép lành của tôi cho các bạn. Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ trước, Ngài là mẹ ta: không có Mẹ ta, ta không tiến bước được. [Kính Mừng Maria]
________________________________________________________________________________________________________
Chú thích:

1 P. Mazzolari, Preti così, 125-126.
2 Id., Lettera sulla parrocchia, 51.
3 Ibid., 54.
4 P. Mazzolari, Coscienza sociale del clero, ICAS, Milano, 1947, 32.
5 Id., Preti così, 118-119.
6 Id., La via crucis del povero, 63.
7 Id., La parrocchia, 84.
8 Id., La via crucis del povero, 32.
9 Ibid. 33.
10 Id., Scritti politici, 195.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét