Trang

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

30-06-2017 : THỨ SÁU - TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

30/06/2017
Thứ Sáu tuần 12 thường niên


Bài Ðọc I: (Năm I) Gen 17,1.9-10.15-22
"Mọi đứa con sẽ chịu cắt bì để làm dấu giao ước. Sara sẽ sinh cho ngươi đứa con trai".
Bài trích sách Sáng Thế.
Khi Abram vừa được chín mươi chín tuổi, Chúa hiện ra với ông và phán bảo ông rằng: "Ta là Chúa toàn năng, hãy đi trước mặt Ta và hãy nên trọn lành".
Chúa lại phán bảo Abram rằng: "Vậy ngươivà dòng dõi ngươi qua muôn thế hệ, hãy giữ giao ước của Ta. Ðây là giao ước phải giữ giữa Ta với ngươi, nghĩa là dòng dõi ngươi sau này: Tất cả con trai của các ngươi sẽ chịu cắt bì".
Chúa lại bảo Abraham rằng: "Ngươi sẽ không còn gọi Sarai vợ ngươi là Sarai nữa, nhưng gọi là Sara. Ta sẽ chúc phúc cho Sara; và Sara sẽ sinh một con trai; Ta sẽ chúc phúc đứa con đó, nó sẽ làm đầu nhiều dân, và do nó sẽ sinh ra nhiều vua nhiều nước".
Abraham cúi mặt cười, nghĩ trong lòng rằng: "Già đã trăm tuổi mà còn có con được sao? Sara đã chín mươi tuổi sẽ sinh con ư?"
Rồi ông thưa cùng Chúa: "Xin Chúa cho Ismael được sống trước mặt Chúa!"
Chúa phán bảo Abraham rằng: "Sara vợ ngươi sẽ sinh cho ngươi một con trai, ngươi đặt tên nó là Asaac. Ta sẽ lập giao ước muôn đời với nó, và dòng dõi nó. Ta cũng nghe lời ngươi cầu cho Ismael: này Ta sẽ chúc phúc cho nó sinh sản nhiều. Nó sẽ sinh ra mười hai tướng quân, và Ta sẽ làm cho nó nên một dân tộc lớn. Còn lời giao ước của Ta chỉ ký kết với Isaac, do Sara sẽ sinh ra cho ngươi mùa này sang năm".
Sau khi nói hết lời cùng Abraham, Thiên Chúa biến đi.
Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: 127,1-2,3,4-5
Ðáp: Ðó là ơn phúc dành cho người kính sợ Chúa. (4)
Xướng 1) Phúc cho ai biết kính sợ Chúa, và bước đi trong đường lối Người. Ngươi sẽ hưởng công khó của tay ngươi, ngươi có phúc và sẽ được may mắn. - Ðáp.
2) Vợ ngươi như cây nho sai trái, trong nội cung gia thất nhà ngươi. Con cái ngươi như chồi non cây dầu ở chung quanh bàn ăn của ngươi. - Ðáp.
3) Ðó là ơn phúc dành cho người kính sợ Chúa. Từ Sion xin Chúa chúc lành cho ngươi. Chúc ngươi thấy Giêrusalem thịnh đạt suốt mọi ngày trong đời sống của ngươi. - Ðáp.

Alleluia: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 8, 1-4
"Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi Chúa Giêsu ở trên núi xuống, đám đông dân chúng theo Người. Có một người cùi đến lạy Người mà thưa rằng: "Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch". Chúa Giêsu giơ tay ra chạm đến anh ta và phán: "Ta muốn. Anh hãy lành bệnh". Tức thì anh ta liền lành khỏi bệnh phong cùi. Chúa Giêsu phán bảo anh ta: "Hãy ý tứ, đừng nói với ai. Hãy đi trình diện với tư tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng cho họ biết".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Chữa người phong cùi
Cho đến thế kỷ 20, bệnh phong cùi vẫn còn là một huyền thoại đối với con người. Một bác sĩ làm việc tại một trại Y khoa bên Ấn Ðộ đã tình cờ khám phá ra rằng người mắc bệnh phong cùi không cảm thấy đau đớn trong những tế bào đã bị vi trùng xâm nhập. Ngày nọ, ông không thể mở được cửa phòng, ông mới trao chìa khóa cho cô bé 12 tuổi. Ông không ngờ nó đã vặn chìa khóa một cách dễ dàng. Xem xét những ngón tay của nó, ông nhận thấy chìa khóa đã làm mất đi một mảng thịt trong lòng bàn tay và chạm đến xương, thế mà nó không cảm thấy đau đớn.
Nhờ khám phá này, viên bác sĩ đã giúp cho những người phong cùi biết cách đề phòng để tránh gây thương tích cho thân thể của họ. Ông đã giải phẫu những giây thần kinh của bàn tay và dạy họ cách điều khiển các cơ bắp của bàn tay. Ông cũng giải phẫu mũi của bệnh nhân để mang lại cho họ một gương mặt dễ coi hơn. Ngoài ra, ông cũng khám phá ra rằng những người mắc bệnh phong cùi dễ bị mù mắt, lý do vì họ không còn cảm nhận được đau đớn khi những chất dơ bẩn xâm nhập vào mắt, nhờ đó ông cũng giúp họ lo vệ sinh mắt một cách chu đáo hơn. Với những khám phá này, ông đã đánh đổ được huyền thoại cho rằng phong cùi là căn bệnh bất trị.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đánh đổ được huyền thoại của người đương thời với Ngài về bệnh phong cùi. Thật thế, trong quan niệm của người Do Thái lúc đó, bệnh tật là một hình phạt trực tiếp của Thiên Chúa đối với tội lỗi của con người. Người mắc bệnh phong cùi là người đã từng mắc tội ác khủng khiếp đến độ đã bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề. Thế nên, khi bị đẩy ra bên lề xã hội, người phong cùi không những chịu đớn đau trong thân xác, mà còn phải gánh chịu sự tủi nhục do người đồng loại gây ra. Khi chữa lành người phong cùi, Chúa Giêsu muốn nói rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và chính tình yêu là sức mạnh chữa trị bệnh tật cho con người.
Sứ điệp ấy của Chúa Giêsu, trải qua các thế hệ, đã có biết bao nhiêu người chuyển đạt và thực thi cho những người phong cùi trên khắp thế giới. Những bàn tay săn sóc, những lời nói an ủi, và nhất là sự hiện diện chia sẻ bên cạnh các người phong cùi. Tất cả những cử chỉ ấy là để khẳng định với những người phong cùi rằng Thiên Chúa yêu thương họ.
Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm được rằng những đau đớn thân xác không xâu xé và đè bẹp con người cho bằng nỗi cô đơn và bị bỏ rơi. Bệnh phong cùi là tột điểm của nỗi cô đơn mà con người có thể rơi vào. Tựu trung, cô đơn cũng đồng nghĩa với vắng bóng tình yêu.
Không có cơ hội hoặc không đủ can đảm để phục vụ những người phong cùi, thì ít ra chúng ta xin Chúa cho chúng ta có thể mang lại sứ điệp yêu thương của Chúa đến mọi người, nhất là những ai đang sống trong cô đơn thử thách.

Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 12 TN1, Năm lẻ
Bài đọcGen 17:1, 9-10, 15-22; Mt 8:1-4.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa có thể làm mọi sự.
Có những điều tuy không thể làm được bởi con người; nhưng luôn có thể làm bởi Thiên Chúa; chẳng hạn: làm cho có mưa có nắng, cho người cao niên được sinh con, chữa lành các bệnh tật mà con người phải bó tay đầu hàng. Lý do đơn giản: chẳng có gì là chuyện không thể đối với Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay tường thuật 2 phép lạ chứng tỏ uy quyền của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Sáng Thế tường thuật việc Thiên Chúa làm cho tổ-phụ Abraham. Ngài cho ông có con trong khi cả ông và vợ ông đã quá tuổi sinh con, và Ngài lập giao ước với ông và giòng dõi của ông. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chữa lành một người bị bệnh phong hủi, khi thấy anh biểu lộ một niềm tin vững mạnh vào Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo.
1.1/ Giao Ước Thiên Chúa làm với tổ-phụ Abraham: Khi ông Abram được chín mươi chín tuổi, Đức Chúa hiện ra với ông và phán: "Ta là Thiên Chúa Toàn Năng. Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo.''
(1) Giao ước được ký kết, không phải chỉ với một mình Abraham, nhưng còn với toàn giòng dõi ông: Thiên Chúa phán với ông Abraham: "Phần ngươi, hãy giữ giao ước của Ta, ngươi và giòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đây là giao ước của Ta mà các ngươi phải giữ, giao ước giữa Ta với các ngươi, với giòng dõi ngươi sau này: mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì.'' Dấu hiệu bề ngoài của giao ước là mọi đàn ông con trai của người Do-thái sẽ phải chịu cắt bì.
(2) Thiên Chúa đổi tên cho hai ông bà: Thiên Chúa phán với ông Abraham: "Sarai, vợ ngươi, ngươi không được gọi tên là Sarai nữa, nhưng tên nó sẽ là Sarah.'' Abram có nghĩa "cha được tôn vinh" thành Abraham, có nghĩa "cha của nhiều dân tộc." Sarai có nghĩa "công chúa" thành Sarah, có nghĩa "mẹ của nhiều dân tộc."
1.2/ Thiên Chúa hứa sẽ ban cho Abraham một người con trai: ''Ta sẽ chúc phúc cho nó (Sarah), Ta còn cho nó sinh cho ngươi một con trai. Ta sẽ chúc phúc cho nó, nó sẽ trở thành những dân tộc; vua chúa các dân sẽ phát xuất từ nó.''
(1) Ông Abraham không hiểu lời hứa ban con của Thiên Chúa: Ông Abraham cúi rạp xuống; ông cười và nghĩ bụng: "Đàn ông trăm tuổi mà có con được sao? Còn bà Sarah đã chín mươi tuổi mà sinh đẻ được sao?" Ông nghĩ chắc Thiên Chúa muốn nói tới Ismael, người con ông có với Hagar, nàng hầu của bà Sarah, nên Abraham thưa với Thiên Chúa: "Ước chi Ismael được sống trước nhan Ngài!"
(2) Thiên Chúa cắt nghĩa rõ ràng lời hứa ban con của Ngài: Nhưng Thiên Chúa phán: "Không đâu! Chính Sarah, vợ ngươi, sắp sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ đặt tên cho nó là Isaac. Ta sẽ lập giao ước của Ta với nó; đây sẽ là giao ước vĩnh cửu cho giòng dõi nó sau này.
Còn về Ismael, Ta nghe lời ngươi xin: Này Ta chúc phúc cho nó, Ta sẽ cho nó sinh sôi nảy nở ra nhiều, thật nhiều. Nó sẽ sinh ra mười hai hoàng tử, Ta sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn. Nhưng giao ước của Ta thì Ta lập với Isaac, đứa con mà Sarah sẽ sinh cho ngươi vào độ này sang năm."
2/ Phúc Âm: "Tôi muốn, anh sạch đi."
2.1/ Phép lạ Chúa chữa người phong hủi:
(1) Người phong hủi biết cách xin: Ông tiến lại, bái lạy Người và nói: "Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Chỉ với câu một ngắn ngủi, ông đã lột tả được hai điều quan trọng:
+ Ông luôn sẵn sàng vâng theo thánh ý Thiên Chúa: Khi nói "nếu Ngài muốn," ông cũng biết điều đối ngược có thể xảy ra là Thiên Chúa có thể không muốn, và ông sẵn lòng vâng theo thánh ý Thiên Chúa để chịu bệnh. Con người không biết chuyện tương lai nên không biết cách xin làm sao cho đúng; vì thế, điều khôn ngoan là cứ việc xin, nhưng phải khôn ngoan cho thêm câu như người phong hủi hôm nay "nếu Ngài muốn." Lý do: có thể những điều con người muốn sẽ đưa họ đến chỗ thiệt hại hơn; chẳng hạn, nguy hiểm cho phần linh hồn. Thiên Chúa biết những gì ích lợi cho con cái, Ngài sẽ ban điều tốt nhất cho những ai tin tưởng tuyệt đối vào Ngài.
+ Ông tin Chúa Giêsu có thể làm được mọi sự: Khi nói "Ngài có thể làm cho tôi được sạch," người phong hủi không một chút nghi ngờ quyền năng của Chúa Giêsu. Đây là điều kiện tiên quyết để được lành bệnh, như Chúa Giêsu vẫn thường đòi hỏi nơi bệnh nhân.
(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Thấy cách biểu lộ niềm tin và lối sống của người phong hủi, Chúa Giêsu giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi." Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi.
Đây là hành động rất can đảm và biểu lộ lòng thương xót của Chúa Giêsu, vì Lề Luật ngăn cấm không cho sự tiếp xúc giữa người lành mạnh và người bị phong hủi. Khi Chúa Giêsu giơ tay đụng anh, Ngài đã làm cho mình trở nên không thanh sạch. Người không thanh sạch bị ngăn cấm không được vào Đền Thờ; nhưng lòng thương xót của Chúa Giêsu dành cho anh đã thắng vượt tất cả những ràng buộc của Lề Luật. Tiên tri Isaiah diễn tả rất hay về lòng thương xót như sau: ''Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta'' (Isa 53:4a).
2.2/ Lệnh truyền của Chúa Giêsu:
(1) "Coi chừng, đừng nói với ai cả:'' Thông thường, nhiều người sẽ không hiểu tại sao Chúa Giêsu ngăn cấm anh không được tiết lộ; lẽ ra phải để anh rao truyền quyền năng của Chúa Giêsu để giúp nhiều người tin vào Ngài. Lý do Chúa Giêsu ngăn cấm anh vì Chúa không muốn dân chúng tin Ngài như một Đấng Thiên Sai uy quyền như truyền thống vẫn tin; nhưng là một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ để cứu độ con người.
(2) ''Hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Moses đã truyền, để làm chứng cho người ta biết." Ngày xưa, xã hội không có bác sĩ như bây giờ; các tư tế có bổn phận khám xét những người bị bệnh phong, để tuyên bố một người có bệnh hay được lành bệnh. Bệnh phong không những nghiêm trọng về thể lý vì tính hay lây; nhưng còn nghiêm trọng hơn trong việc tế lễ. Lề Luật không cho phép người bị bệnh phong vào Đền Thờ dâng của lễ, vì họ được xếp vào hạng người không sạch. Khi tư tế tuyên bố người mắc bệnh đã lành, anh phải dâng của lễ tạ ơn như Lề Luật truyền (Lev 14:4-5).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần có một niềm tin vững mạnh nơi Thiên Chúa trong mọi trạng huống của cuộc đời, vì mọi sự đều có thể xảy ra dưới bàn tay uy quyền của Ngài.
- Không phải những điều chúng ta xin đều đẹp ý Ngài; vì thế, hãy mở lòng để đón nhận lời từ chối của Thiên Chúa, và can đảm vâng theo thánh ý Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

30/06/17    TH SÁU TUN 12 TN
Các thánh tử đạo tiên khởi giáo đoàn Rô-ma     Mt 8,1-4

NẾU CHÚA MUỐN, CHÚA CÓ THỂ


“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mt 8,3)

Suy niệm: Các nữ tu phục vụ một trại phong ở miền Trung nói với khách tham quan rằng mỗi gia đình người phong có một ngôi nhà nhỏ xinh xắn, nhưng kiểu nhà và màu sắc khác nhau một chút. Tại sao vậy? Để người phong không cảm thấy bị đối xử như “cá mè một lứa.”  Các nữ tu ấy đã điều trị cho người phong không chỉ bằng thuốc men, nhưng với cả tấm lòng của mình. Cũng vậy, Đức Giê-su luôn tế nhị, sẵn lòng đón tiếp và chữa lành cho các người phong. Ngài đụng vào người phong này không phải chỉ bằng đôi bàn tay, nhưng với cả tấm lòng trắc ẩn của mình. Còn người phong, hiếm có lời cầu xin nào khiêm tốn và đầy tin tưởng cho bằng lời của người phong này: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Người phong ấy đến với Chúa với ước mong được Ngài chữa lành, với lòng phó thác, đặt ý Chúa trên ý muốn của anh.

Mời Bạn: “Tôi muốn, anh hãy được sạch.” Khi bạn phó thác cho ý muốn của Chúa, Ngài sẽ ban cho bạn những gì tốt đẹp nhất. Bạn hãy xét lại lời cầu nguyện của mình, phải chăng lâu nay bạn thường “ép” Chúa phải làm theo ý muốn bạn, hay tin tưởng, phó thác nơi ý muốn nhân lành của Ngài?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ thêm chữ “Nếu Chúa muốn…” vào các lời cầu nguyện của mình, để tập sự khiêm tốn và phó thác hơn vào lòng nhân hậu của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chắc hẳn Chúa hài lòng trước lời cầu xin lịch lãm và phó thác của người phong lạ đời ấy. Xin cho con noi theo lời cầu xin mẫu mực này: lúc nào cũng biết thưa “Nếu Chúa muốn, Chúa có thể…” khi cầu xin, để lòng con thuận theo ý Chúa muốn, chứ không phải bắt Chúa theo ý con.
(5 phút lời Chúa)

Nếu Ngài mun (30.6.2017 – Th sáu Tun 12 Thường niên)
 Khi con người tin vào Thiên Chúa như mt đa con thơ phó thác, Thiên Chúa s chn cho con người điu tt nht. 


Suy nim:
Sau Bài Giảng trên núi thì đây là phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu
trong chuỗi mười phép lạ ở chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.
Người phong chẳng rõ từ đâu đã dám lại gần Đức Giêsu,
dù lẽ ra anh không được phép làm như thế (Lv 13, 45-46).
Ai đã nói cho anh về Ngài, ai đã dạy anh bái lạy và khấn xin?
“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm tôi được sạch” (c. 2).
Một lời cầu xin mẫu mực đáng chúng ta suy nghĩ.
“Nếu Ngài muốn”: anh đặt ý muốn của Đức Giêsu lên trên ý muốn của anh.
Dù rất muốn được khỏi, nhưng anh vẫn để Ngài tự do làm theo ý của Ngài.
Chữ “nếu” thật đơn sơ, nhưng nói lên sự phó thác trọn vẹn của anh
cho ý muốn tốt lành của Đức Giêsu.
Ngài được tự do muốn hay không muốn, làm hay không làm.
Đức Giêsu không thấy mình bị áp lực phải chiều theo ý muốn của anh.
Sau này trong Vườn Dầu, Đức Giêsu cũng dùng chữ “nếu”
khi nài xin Cha cất chén đắng cho mình.
“Lạy Cha, nếu có thể được…” (Mt 26, 39. 42).
Nhưng trong trường hợp này, Cha đã không cất chén Khổ nạn của con.
“Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”
Anh tin vào quyền năng phi thường từ nơi Ngài,
quyền năng có thể làm cho những nhơ uế trên người anh biến mất,
và da thịt anh phút chốc được lành sạch.
Khi con người tin vào Thiên Chúa như một đứa con thơ phó thác,
Thiên Chúa sẽ chọn cho con người điều tốt nhất.
Thái độ phó thác, tuy có vẻ liều lĩnh, vì Thiên Chúa có thể nói không,
nhưng thật ra lại rất khôn ngoan, vì biết mình sẽ được điều tốt hơn cả.
“Tôi muốn, anh hãy được sạch” (c. 3).
Đức Giêsu được tự do để muốn, thoải mái để bày tỏ lòng quảng đại.
Ngài chẳng những chữa lành bằng ý muốn được nói ra lời,
Ngài còn làm một điều không cần thiết và bị cấm (Lv 5, 3),
đó là đưa tay đụng đến người phong.
Cả tình yêu của Ngài diễn tả qua cái đụng nhẹ đó.
Da thịt của Ngài chạm vào da thịt không lành lặn của anh.
Ngài không bị nhiễm uế, trái lại Ngài làm cho anh được sạch.
Rõ ràng người phong ở rất gần Đức Giêsu và không làm Ngài kinh tởm.
Đức Giêsu muốn anh trở về với đời sống bình thường,
hội nhập trở lại với Đền thờ, gia đình và xã hội.
Vì thế Ngài sai anh đi trình diện với các tư tế và dâng của lễ (c. 4).
Dù không là người phong, nhưng ai trong chúng ta tránh được ô nhơ?
Ai trong chúng ta lại không có lần xin Chúa tẩy mình cho sạch?
Thân xác người phong bị tàn phá và làm cho dị dạng, đáng sợ.
Chỉ mong tâm hồn chúng ta tránh được bệnh phong.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách :
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa ;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương ;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương ;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này :
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính Ta”

(Thánh Têrêxa Calcutta)

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG SÁU
Để Sống Trọn Vẹn, Chúng Ta Phải Ký Thác Chính Mình Cho Thiên Chúa
Đức tin vào sự quan phòng thần linh vẫn luôn gắn kết chặt chẽ với chính ý nghĩa của đời sống con người. Người ta có thể đối diện với cuộc sống khi họ nắm chắc rằng mình không phó mặc cho định mệnh mù quáng. Thay vào đó, người ta có thể cậy dựa vào Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và là Cha của mọi người. Như vậy, đức tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa giải phóng chúng ta khỏi sự sai lầm của thuyết định mệnh. Đức tin này được tóm tắt trong phần mở đầu Kinh Tin Kính: “Tôi tin vào Thiên Chúa, là Cha Toàn Năng.”
Đức tin ấy được nhấn mạnh trong giáo huấn của Giáo Hội, nhất là nơi Công Đồng Vatican I và II. Chẳng hạn, Công Đồng Vatican II dạy rằng Thiên Chúa là Đấng “có lòng quan tâm từ phụ đối với mọi loài” (MV 24), cách riêng “đối với loài người” (MK 3). Một biểu hiện của mối quan tâm từ phụ này chính là “luật vĩnh cửu, khách quan và phổ cập của Thiên Chúa – qua luật này, Ngài xếp đặt, hướng dẫn và điều khiển cả hoàn vũ cũng như các hướng đi của cộng đoàn nhân loại trong ý định đầy khôn ngoan và yêu thương của Ngài” (TDTG 3).
“Con người hiện hữu chỉ là do Thiên Chúa đã vì yêu thương nên tạo dựng con người, và cũng vì yêu thương mà luôn luôn bảo tồn con người; hơn nữa, con người chỉ sống hoàn toàn theo chân lý một khi tự ý nhìn nhận tình yêu ấy và phó thác cho Đấng tạo dựng mình” (MV 19).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 30-6
Các Thánh tử đạo tiên khởi của giáo đoàn Rôma
St 17, 1.9-10.15-22; Mt 8, 1-4.

Lời suy niệm: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. Người giơ tay đụng vào anh và bảo: Tôi muốn, anh sạch đi. Lập tức, anh được sạch bệnh phong.”
Vào thời Chúa Giêsu. Bệnh phong là một căn bệnh làm hủy hoại con người từ từ bằng sự lở loét với mùi tanh hôi. Và theo thói tục của người Do-thái: Nhưng người này không được chung đụng với bất cứ ai, dưới bất cứ hình thức nào. Nếu ai đụng đến hay giao tiếp với người mắc bệnh phong đều bị ô uế; không được tham dự buổi thờ phượng. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy được giữa Chúa Giêsu và người mắc bệnh phong không có sự ngăn cách nào cả. Người và người mắc bệnh phong tiếp xúc và trao đổi qua đối thoại, và Chúa Giêsu đã giơ tay đụng vào anh ta, để thể hiện ý của Người và ước muốn của anh ta. Nhờ thế chứng phong đã rời khỏỉ trên thân xác anh ta.
Lạy Chúa Giêsu. Mỗi người trong chúng con, đều đang mang trên mình những chứng của bệnh phong. Xin cho chúng con biết chạy đến với Chúa, và trình bày ý muốn của chúng con, để nhận được sự chữa lành theo Thánh ý của Chúa.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 30-06: CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI
CỦA HỘI THÁNH RÔMA

Các Thánh tử đạo tiên khởi của Hội Thánh Rôma là nạn nhân của Bạo chúa Nêrô. Lệnh bách hại được ban hành tiếp ngay sau vụ cháy ngày 18 tháng 7 năn 64. Không hiểu đâu là nguyên nhân của tai hoạ khủng khiếp, lan rộng tới biên thùy Dalatin và Celius, tàn phá thành đô suốt trong 6 ngày 7 đêm.
Nhưng Nêrô đã qui trách nhiệm cho các Kitô hữu, phần lớn là nô lệ, những nô lệ đã được giải phóng và những kiều bào ngoại quốc. Cuộc đàn áp thật bất công và tàn bạo. Các nạn nhân bị bắt làm mồi cho thú dữ sâu xé hay bị thiêu đốt như những ngọn đuốc sống. Thảm cảnh gây bất mãn đối với cả các lương dân như Tacite chẳng hạn.
Giáo hội đã muốn dành ngày hôm nay, ngay sau lễ trọng kính hai thánh Tông đồ của Phêrô và Phaolô để kính nhớ con số đông đảo các vị thánh tử đạo tiên khởi của Hội Thánh Roma như những bông hoa đầu mùa mà dâng lên Chúa.
Các Ngài cũng là những nền tảng xây dựng cho Giáo hội bằng gương trung kiên với đức tin, bằng chính dòng máu làm cho hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái.
(daminhvn.net)


30 Tháng Sáu
Chiếc Cầu Của Gặp Gỡ
Vào khoảng năm 1850, họa sĩ tài ba của Hoa Kỳ là James McNeil Whisler đang còn là một thanh niên đầy nhiệt huyết. Mặc dù có tâm hồn nghệ sĩ, Whisler cũng đăng ký vào trường đại học quân sự West Point.
Người ta kể lại rằng khi giáo sư ra đề tài vẽ về một chiếc cầu, dĩ nhiên, các sinh viên phải hiểu đây là một chiếc cầu cần được thiết kế trong mục tiêu quân sự. Thế nhưng, tâm hồn nghệ sĩ của Whisler đã không đếm xỉa gì đến khía cạnh quân sự. Anh vẽ một chiếc cầu thơ mộng bắc qua một mỏm núi thơ mộng. Dọc theo hai bên bờ sông là một tấm thảm cỏ xanh tươi. Nhưng thơ mộng hơn nữa là có hai đứa bé đứng câu cá trên chiếc cầu ấy.
Ông giáo sư cầu cóng không ưng ý chút nào, nên đã ra lệnh cho anh phải bôi đi hình ảnh của hai đứa bé. Viên sĩ quan bèn di chuyển hai cậu bé từ chiếc cầu xuống thảm cỏ bên bờ sông. Lần này, ông giáo sư lại càng giận giữ hơn. Ông quát tháo ầm ĩ: "Tôi đã bảo anh phải cất chúng ra khỏi bức tranh".
Nhưng con người có tâm hồn nghệ sĩ xem chừng như không thể vẽ cảnh thiên nhiên mà thiếu bóng dáng của con người. Không được sáng tác theo ý mình muốn, Whisler bèn vẽ hai cái mộ trên thảm cỏ dọc theo dòng sông và muốn ông giáo sư hiểu ngầm rằng anh đã chôn hai cậu bé trong hai cái mộ ấy.
Chiếc cầu được bắc qua dòng sông là để nối liền hai bờ sông và chiếc cầu nối liền hai bờ sông là để cho con người ở hai bên bờ sông được liên lạc với nhau. Thiếu sự đi lại của con người thì chiếc cầu trở thành vô nghĩa.
Chúa Giêsu là chiếc cầu nối liền Trời cao và Ðất thấp. Nơi Ngài, con người và Thiên Chúa gặp gỡ nhau. Chỉ trên chiếc cầu của Ðức Kitô con người mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau.
Ngài sinh ra trong một gia đình, Ngài lớn lên trong một gia đình. Ngài đến để quy tụ tất cả nhân loại thành một gia đình. Con đường cứu rỗi của Ngài là con đường mở rộng cho mọi người cùng nắm tay đi với nhau. Chiếc cầu nối liền Thiên Chúa và con người là chiếc cầu của gặp gỡ, của cảm thông, của yêu thương. Chúng ta chỉ có thể đi về cõi phúc trên chiếc cầu của gặp gỡ, của yêu thương ấy.
(Lẽ Sống)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét