Trang

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2020

03-02-2020 : THỨ HAI - TUẦN IV THƯỜNG NIÊN


03/02/2020
 Thứ Hai tuần 4 thường niên

Bài Ðọc I (Năm II): 2 Sm 15, 13-14. 30; 16, 5-13a
"Chúng ta hãy trốn khỏi Absalon. Hãy để Sêmê nguyền rủa theo lệnh của Chúa".
Trích sách Samuel quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, có kẻ đến báo tin cho Ðavít rằng: "Toàn dân Israel hết lòng theo Absalon. Ðavít liền nói cùng các cận thần của ông ở Giêrusalem rằng: "Hãy chỗi dậy, chúng ta trốn đi, vì chúng ta không sao thoát khỏi tay Absalon. Các ngươi hãy ra mau đi, kẻo nó đến bắt chúng ta, gây tai hại cho chúng ta và dùng gươm giết hết dân thành". Ðavít trèo lên núi Cây Dầu, ông vừa leo vừa khóc lóc, đi chân không, đầu phủ khăn. Toàn dân theo ông cũng trùm đầu, vừa leo vừa khóc. Vậy vua Ðavít đến Bahumrim. Và này xuất hiện một người thuộc dòng họ Saolê, tên là Sêmê, con ông Giêra. Anh ta vừa đi vừa nguyền rủa, rồi ném đá Ðavít và những cận vệ của vua. Toàn thể dân chúng và tất cả binh sĩ đều đi hai bên tả hữu nhà vua. Vậy Sêmê nguyền rủa nhà vua rằng: "Hỡi kẻ khát máu, người của Bêlial, xéo đi, xéo đi! Chúa đã đổ trên đầu ngươi tất cả máu của nhà Saolê mà ngươi đã tiếm vị. Thiên Chúa đã trao vương quốc vào tay Absalon, con ngươi. Này tai hoạ hành hạ ngươi, vì ngươi là một tên khát máu". Bấy giờ Abisai con trai của Sarvia, tâu vua rằng: "Cớ sao thằng chó chết này nguyền rủa đức vua tôi? Ðể tôi đi lấy đầu nó". Vua phán rằng: "Hỡi con của Sarvia, Ta với khanh có liên hệ gì đâu? Cứ để mặc nó nguyền rủa. Vì Chúa bảo nó: 'Hãy nguyền rủa Ðavít', ai dám hỏi nó: 'Tại sao ngươi hành động như vậy?'" Và Ðavít nói với Abisai và toàn thể các cận vệ rằng: "Kìa, con trai bởi lòng ta sinh ra, mà còn tìm giết ta, phương chi con của Giêmini đây. Hãy để nó nguyền rủa theo lệnh Chúa. Biết đâu Chúa sẽ nhìn thấy nỗi khổ tâm của ta, và hôm nay, Người sẽ đổi lời dữ ra hạnh phúc cho ta". Ðavít và các cận vệ của ông cứ tiếp tục đi.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 3, 2-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Lạy Chúa! Xin Chúa đứng lên, xin cứu vớt con! (c. 8).
Xướng: 1) Thân lạy Chúa, nhiều thay người bách hại con, nhiều thay người nổi dậy chống con. Về con, nhiều kẻ thốt ra lời: "Hết trông hắn được Chúa trời cứu độ". - Ðáp.
2) Nhưng, lạy Chúa, Chúa là thuẫn hộ thân con, là vinh quang con, Chúa cho con ngẩng đầu lên. Con lên tiếng kêu cầu tới Chúa, và Chúa đã nghe con từ núi thánh của Ngài. - Ðáp.
3) Con nằm xuống và đã ngủ ngon, rồi thức khoẻ vì Chúa đỡ nâng con. Con không kinh hãi ức triệu người ở chung quanh đồn trú hại con. Lạy Chúa! Xin Chúa đứng lên, xin cứu vớt con! - Ðáp.


Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 5, 1-20
"Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ sang bờ biển bên kia, đến địa hạt Giêrasa. Chúa Giêsu vừa ở thuyền lên, thì một người bị quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra gặp Người. Người đó vẫn ở trong các mồ mả mà không ai có thể trói nổi, dù dùng cả đến dây xích, vì nhiều lần người ta đã trói anh ta, gông cùm xiềng xích lại, nhưng anh ta đã bẻ gãy xiềng xích, phá gông cùm, và không ai có thể trị nổi anh ta. Suốt ngày đêm anh ta ở trong mồ mả và trong núi, kêu la và lấy đá rạch mình mẩy. Thấy Chúa Giêsu ở đàng xa, anh ta chạy đến sụp lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: "Hỡi ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, ông với tôi có liên hệ gì đâu? Vì danh Thiên Chúa, tôi van ông, xin chớ hành hạ tôi". Nhưng Chúa Giêsu bảo nó rằng: "Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này". Và Người hỏi nó: "Tên ngươi là gì?" Nó thưa: "Tên tôi là cơ binh, vì chúng tôi đông lắm". Và nó nài xin Người đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy.
Gần đó, có một đàn heo đông đảo đang ăn trên núi, những thần ô uế liền xin Chúa Giêsu rằng: "Hãy cho chúng tôi đến nhập vào đàn heo". Và Chúa Giêsu liền cho phép. Các thần ô uế liền xuất ra và nhập vào đàn heo, rồi cả đàn chừng hai ngàn con lao mình xuống biển và chết đuối. Những kẻ chăn heo chạy trốn và loan tin đó trong thành phố và các trại. Người ta liền đến xem việc gì vừa xảy ra. Họ tới bên Chúa Giêsu, nhìn thấy kẻ trước kia bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo, và họ kinh hoảng. Những người đã được chứng kiến thuật lại cho họ nghe mọi sự đã xảy ra như thế nào đối với người bị quỷ ám và đàn heo. Họ liền xin Chúa Giêsu rời khỏi ranh giới họ. Khi Người xuống thuyền, kẻ trước kia bị quỷ ám xin theo Người. Nhưng người không cho mà rằng: "Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con". Người đó liền đi và bắt đầu tuyên xưng trong miền thập tỉnh, tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho anh ta, và mọi người đều thán phục.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Số Phận Của Chúa Giêsu
Người Do thái thời Chúa Giêsu có một cái nhìn rất miệt thị đối với dân ngoại, họ xem dân ngoại là những kẻ sống dưới ách nô lệ của ma quỷ, do đó cũng cư trú trong những vùng nhơ bẩn chẳng kém gì bãi tha ma. Nhưng đối với Chúa Giêsu, ranh giới giữa Do thái và dân ngoại không còn nữa. Ngài không chỉ đến với dân Do thái, mà cả với dân ngoại nữa. Chính cho dân ngoại mà Chúa Giêsu cũng mang ơn cứu độ đến, và ơn cứu độ ấy được thánh Marcô mô tả bằng những hình ảnh rất sống động: Chúa Giêsu trục xuất cả một đạo binh ma quỉ ra khỏi người bị quỉ ám, nguyên một bầy heo lao mình xuống biển. Tin Mừng được loan báo cho dân ngoại qua miệng người vừa được chữa lành.
Thế nhưng, sự thành công của Chúa Giêsu dưới cái nhìn của Marcô thật là yếu ớt. Dường như tất cả những người mà Ngài tìm đến đều có thái độ dè dặt đối với Ngài. Chỉ có ma quỉ là kẻ duy nhất biết rõ Ngài là ai nhưng chẳng bao giờ có thể hoán cải được nữa. Các luật sĩ và biệt phái thì càng lúc càng tỏ ra chai lỳ, bà con thân thuộc thì chỉ nhìn về Ngài với những tính toán vụ lợi, đám đông dân chúng thì không nhận ra được ý nghĩa đích thực của sứ mệnh thiên sai của Ngài, còn dân ngoại thì nài nỉ Ngài quay trở lại quê hương Ngài để họ khỏi phải mang họa vào thân, và khi Chúa Giêsu chiến thắng được ma quỉ, thì đó cũng là lúc loài người tẩy chay Ngài. Trong một tình thế bi đát như vậy, cái chết trên Thập giá là chuyện tất yếu đối với Chúa Giêsu. Trong cái nhìn của Marcô, mỗi cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người đương thời của Ngài là một tiên báo vê cuộc tử nạn của Ngài, Ngài là một con người triền miên bị khước từ.
Suy nghĩ về số phận của Chúa Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại thân phận của người Kitô hữu chúng ta trong trần thế. Là môn đệ Chúa Giêsu, là chấp nhận lội ngược dòng. Không thể đi theo Chúa Giêsu mà lại sống theo triết lý: người ta sao, tôi vậy. Làm chứng cho Ðấng đã từng bị khước từ, người Kitô hữu bị khước từ đã đành, mà ngay cả khi phục vụ một cách vô vụ lợi, họ cũng không hẳn được người đời thương mến. Nói như thánh Phaolô: bổ khuyết những gì còn thiếu trong cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu, đó là số phận của người Kitô hữu trong trần thế này.
Nguyện xin Chúa ban thêm can đảm và sức mạnh, để chúng ta kiên trì trong mọi khô đau vì Danh Ngài.
Veritas Asia



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 4 TN
Bài đọc: II Sam 15:13-14, 30, 16:5-13a; Mk 5:1-20.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Gian nan thử luyện đức tin.
Cuộc đời con người là bãi chiến trường chống lại ba kẻ thù: ma quỉ, thế gian, và xác thịt. Để chống lại ba kẻ thù nặng ký này, con người cần luyện tập để có một đức tin vững mạnh nơi Thiên Chúa. Để luyện tập đức tin, con người cần có những gian nan thử thách, bắt đầu từ những thử thách nhỏ, dần dần tới chỗ to lớn hơn. Nếu phải đương đầu ngay với thử thách to lớn, con người sẽ ngã quị ngay.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc thử luyện đức tin. Trong Bài đọc I, năm chẵn, David phải đương đầu với rất nhiều thử thách trong gia đình cũng như ngoài xã hội sau khi phạm tội; nhưng ông vẫn kiên nhẫn tỏ lòng ăn năn sám hối. Ông hy vọng Thiên Chúa sẽ đoái thương nhìn tới và tha thứ tội lỗi cho ông. Trong Phúc Âm, một người hầu như đã hoàn toàn bị điều khiển bởi quyền lực của quỉ thần, được Chúa Giêsu chữa lành. Sau khi đã được giải thoát, anh muốn đi theo làm môn đệ Chúa; nhưng Ngài truyền cho anh ở lại địa phương, và loan truyền cho dân chúng biết những gì Ngài đã làm cho anh.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
2/ Bài đọc I (năm chẵn): "Lòng người Israel đã theo Absalom."
2.1/ Những nỗi khổ của vua David: Truyền thống Đông phương tin thứ tự của việc cai trị bắt đầu từ tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nếu con người chưa tu thân, họ không thể tề gia, trị quốc hay bình thiên hạ. Trường hợp của vua David là một ví dụ cho tiến trình này.
(1) Bị dằn vặt vì tội lỗi: Trong một giây phút yếu lòng, David đã để cho tình dục thống trị và đã ăn nằm với bà Batsheba. Từ tội này kéo qua tội khác, ông đã phạm tội giết Uriah, chồng bà Batsheba để chạy tội và đoạt vợ người, bằng cách truyền cho Joab gởi Uriah ra tuyến đầu mà không có đủ sức mạnh hậu thuẫn để ông phải tử thương. Tất cả những việc làm mờ ám của David không thoát khỏi con mắt Thiên Chúa, Đấng nhìn thấu tâm can; Ngài sai ngôn sứ Nathan đến phơi bày tội lỗi của David. Tuy Ngài hứa sẽ tha tội; nhưng David phải chịu mọi hình phạt.
(2) Xáo trộn gia đình: Vì đã mang tội ngoại tình, David không thể phân xử công minh khi con vua là Amnon hãm hiếp em cùng cha khác mẹ của mình là Tamar, em ruột của Absalom. Khi thấy vua cha không làm gì cả, Absalom tức giận nên đã bày mưu giết Amnon. Từ đó, mối hận thù giữa hai cha con ngày càng thêm nặng. Trong trình thuật hôm nay, David phải chạy trốn Absalom, vì nghe tin "lòng người Israel đã theo Absalom."
(3) Xáo trộn quốc gia: Từ xáo trộn gia đình dẫn tới xáo trộn quốc gia. Vua David bảo toàn thể triều thần ở với vua tại Jerusalem: "Đứng lên! Chúng ta chạy trốn đi, vì chúng ta sẽ không thoát được Absalom. Đi cho mau, kẻo chẳng mấy chốc nó đuổi kịp chúng ta, giáng tai hoạ xuống chúng ta và dùng lưỡi gươm giết dân thành." Vua David lên dốc Cây Olive, vừa lên vừa khóc, đầu trùm khăn, chân đi đất, và toàn dân đi với vua ai cũng đầu trùm khăn, vừa lên vừa khóc.
2.2/ Chỉ có David là người hiểu rõ lý do của tất cả sự việc.
(1) Vua David bị Shimei nguyền rủa: Khi vua David chạy trốn đến Bahurim, có một người tên là Shimea, con ông Gera, thuộc cùng một thị tộc với nhà Saul. Y vừa đi ra vừa nguyền rủa và ném đá vào vua David và tất cả bề tôi vua, mặc dầu có toàn thể quân đội và toàn thể các dũng sĩ ở bên phải và bên trái vua. Shimea nguyền rủa vua David: "Cút đi, cút đi, tên khát máu, thằng vô lại! Đức Chúa đã đổ xuống đầu mày tất cả máu của nhà Saul, người đã bị mày chiếm ngôi, và Đức Chúa đã trao vương quyền vào tay Absalom, con mày. Và này, mày phải tai hoạ, vì mày là tên khát máu!"
(2) David biết bàn tay Thiên Chúa trong những việc đang xảy ra: Thấy sự việc xảy ra, ông Abishai thưa với vua: "Tại sao thằng chó chết này dám nguyền rủa đức vua là chúa thượng tôi? Xin cho tôi qua chặt đầu nó!" David trả lời: "Chuyện của ta can gì đến các ngươi, Nếu nó nguyền rủa và nếu Đức Chúa bảo nó: "Hãy nguyền rủa David," thì ai dám hỏi: "Tại sao mày làm như thế?" Rồi vua David nói với ông Abishai và tất cả bề tôi: "Này con trai ta, do chính ta sinh ra mà còn tìm hại mạng sống ta, huống chi là tên Benjamin này! Cứ để nó nguyền rủa, nếu Đức Chúa đã bảo nó. May ra Đức Chúa sẽ đoái nhìn đến nỗi khổ cực của ta và Đức Chúa sẽ trả lại cho ta hạnh phúc, thay vì lời nguyền rủa của nó hôm nay."
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu giải thoát một người khỏi làm nô lệ cho quỉ thần.
3.1/ Người bị quỉ ám sống trong nghĩa trang: Gerasa là Kursi ngày nay, nằm phía bên kia của Biển Hồ. Vùng này có rất nhiều núi đá, thích hợp cho việc chôn cất người chết. Hiện nay, còn rất nhiều dấu vết của mồ mả. Như đã đề cập đến trong bài trước, nghĩa trang là chỗ ở của quỉ thần, và đêm tối là thời gian hoạt động của họ. Khi Chúa Giêsu đã dùng quyền năng để truyền cho sóng biển phải im lặng để sang tới vùng đất của dân Gerasa; người lại dùng quyền năng để giải thoát một người khỏi làm nô lệ cho quỉ thần.
3.2/ Chúa Giêsu đương đầu với quyền lực của quỉ thần: Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và thần ô uế cho chúng ta thấy quyền lực của quỉ thần trên con người. Có lúc người bị quỉ ám xưng mình là tôi: "Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!" Có lúc, anh xưng mình là chúng tôi: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm.” Một đạo binh của quân đội Rôma có khỏang 6,000 binh lính; điều này xác định con người có thể bị giam giữ bởi rất nhiều quỉ thần. Việc quỉ thần xin cho nhập vào đàn heo có khỏang chừng 2,000 con cũng là một bằng chứng cho thấy số đông của quỉ thần.
3.3/ Chúa Giêsu đương đầu với cám dỗ của thế gian: Với một phép lạ như thế, một người chờ đợi dân làng sẽ mừng vui và mời Chúa Giêsu ở lại với họ; nhưng phản ứng của dân Gerasa hoàn toàn ngược lại. Họ không muốn thay đổi vì đã quá quen với quỉ thần: “Họ đến cùng Đức Giêsu và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo, chính người này đã bị đạo binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ.” Thay vì phải sợ quyền lực của quỉ thần, họ sợ Người có quyền lực trên quỉ thần! Họ coi của cải vật chất hơn linh hồn con người: Họ không muốn phải hy sinh của cải vật chất, cho dù cứu được một mạng người. Họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức tin là quà tặng quí giá Thiên Chúa ban để giúp chúng ta chiến đấu chống lại ba thù. Nếu không có đức tin, chúng ta không thể đứng vững trước những gian nan của cuộc đời.
- Để có một đức tin vững mạnh, chúng ta cần luyện tập. Gian nan không thể thiếu để giúp chúng ta luyện tập đức tin.
- Tội lỗi không chỉ mang đến những đau khổ cho cá nhân; nhưng còn làm thiệt hại đến gia đình, quốc gia và xã hội.
- Chúng ta cần luyện tập đức tin mỗi ngày và bắt đầu bằng vượt qua những gian nan thử thách nhỏ. Nếu không chịu luyện tập, chúng ta không thể nào đương đầu với gian nan thử thách lớn sẽ đến trong cuộc đời.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

03/02/2020
THỨ HAI TUẦN 4 TN
Th. An-ga-ri-ô, giám mục
Mc 5,1-20


GIÁ TRỊ MỘT MẠNG NGƯỜI
Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra và thấy kẻ trước đây bị quỉ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo. (Mc 5,14-15)

Suy niệmThế là quá rõ Chúa Giê-su đánh giá trị một con người cao như thế nào! Để cứu chỉ một mạng người, Ngài dám “chơi” luôn cả một đàn heo hai ngàn con cho đâm đầu xuống biển! Chưa hết, Ngài còn bị dân địa phương trục xuất, chịu mất đi một cơ hội tốt để rao giảng Tin Mừng cho vùng đất ngoại giáo này. Thế cũng còn quá rẻ bởi Ngài còn sẵn sàng trả giá đắt hơn nữa để cứu thoát chúng ta: Ngài sẵn sàng trả giá bằng chính mạng sống Ngài nữa, mạng sống của một vị Thiên Chúa!

Mời Bạn thử liệt kê xem có bao nhiêu cách người ta coi những thứ khác trọng hơn mạng sống con người: Nhân danh công ăn việc làm? Nhân danh sức khoẻ, sắc đẹp, lợi nhuận? Nhân danh sự an ninh và thịnh vượng quốc gia? Bạn nhớ và nhắc người khác nhớ rằng nếu như một “người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm” như anh chàng bị quỉ ám kia mà Chúa còn ra tay cứu vớt thì người nào chà đạp lên phẩm giá con người - dù đó là một thai nhi, một người tội lỗi - người đó đang chống lại chính Chúa!

Chia sẻ: Trong môi trường nghề nghiệp, sinh sống của bạn đang có những hình thức hạ giá nhân phẩm nào?

Sống Lời Chúa: Bắt đầu thực thi sự kính trọng con người qua lời nói: tuyệt đối loại bỏ những lời thô lỗ, cục cằn, tục tĩu; trái lại luôn dùng những lời lịch sự, có văn hoá, có bác ái để nói với nhau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa coi trọng phẩm giá con người mà Chúa tạo dựng nên Chúa đã xuống thế làm người chịu chết để cứu độ, xin dạy con biết luôn tôn trọng anh chị em con như tôn trọng chính Chúa.
(5 phút Lời Chúa)

Tên tôi là đạo binh

Suy nim:
Trừ quỷ là việc Đức Giêsu vẫn hay làm.
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Ngài trừ quỷ ở vùng đất dân Ngoại.
Tài kể chuyện của Máccô được thể hiện rõ nét qua bài Tin Mừng này.
Hiếm khi có câu chuyện sống động và ly kỳ đến thế!
Đức Giêsu và các môn đệ vượt biển để đến vùng đất Ghêrasa.
Vừa ra khỏi thuyền thì gặp ngay người bị ám bởi thần ô uế.
Anh sống ở nơi mồ mả, nơi thường được coi  là chỗ ở của quỷ ma.
Anh mạnh ghê gớm đến nỗi không xiềng xích nào có thể kiềm chế được.
Sống cô độc, đe dọa người khác, tự hành hạ và làm hại chính bản thân,
đó là thân phận bi đát mà anh không sao thoát khỏi (cc. 3-5).
Rõ ràng anh hoàn toàn bị quỷ dữ chiếm đoạt, chẳng còn chút tự do.
Nhưng lạ thay, chính anh lại chạy đến với Đức Giêsu để gặp Ngài.
Quỷ dữ nơi anh biết rõ Đức Giêsu là ai, là Con Thiên Chúa Tối Cao.
Nhưng cái biết đó lại khiến nó phải run sợ xin Ngài đừng hành hạ (c. 7).
Quỷ dữ biết danh tánh của Đức Giêsu, nhưng không chế ngự được Ngài.
Bây giờ Ngài bắt nó phải khai danh tánh của nó, trước khi Ngài hành động.
Hóa ra đây không phải là một quỷ, mà là một lũ quỷ đông đảo (c. 9).
Đạo binh quỷ này khẩn khoản xin Đức Giêsu một ơn,
đó là chỉ đuổi chúng ra khỏi người này, chứ đừng đuổi ra khỏi vùng này,
vì chúng hy vọng sẽ tìm được một con mồi khác (c. 10).
Đạo binh thần ô uế xin được nhập vào đàn heo vốn bị coi là ô uế.
Sự đồng ý của Đức Giêsu khiến toàn bộ những gì ô uế bị hủy diệt.
Ngài đã thanh tẩy chẳng những anh bị quỷ ám, mà cả vùng anh ở nữa.
Khi người bị quỷ ám được tự do, anh ấy trở nên khác xưa.
Anh ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi, trí khôn tỉnh táo (c. 15).
Người dân trong vùng khiếp sợ nên xin Đức Giêsu đi khỏi đất của họ.
Chỉ có anh vừa được trừ quỷ là xin ở với Ngài như môn đệ (c. 18).
Nhưng ơn gọi làm môn đệ phải đến từ Thầy Giêsu.
Ngài khuyên anh nên về nhà, ở lại vùng đất của mình,
để loan báo mọi điều Chúa đã làm cho anh và thương xót anh (c. 19).
Anh đã vâng lời và trở nên người loan báo về Đức Giêsu nơi dân Ngoại.
Đối với anh, Đức Giêsu chính là Chúa.
Thế giới chúng ta sống thì văn minh hơn, khoa học hơn, hạnh phúc hơn,
nhưng vẫn không thiếu cảnh những người sống như bị ám, như bị ma nhập.
Có những người sống trong cô độc và trở nên nguy hiểm cho tha nhân.
Có những kẻ tự giết mình từng ngày trước khi tự tử.
Tru tréo và lấy đá rạch mình không phải là chuyện hiếm (c. 5).
Ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo
là niềm mơ ước của biết bao gia đình có người thân bị bệnh.
Bệnh tâm thần là căn bệnh mà ít nhiều chúng ta đều dễ mắc.
Lắm khi con người thấy bó tay, không tự mình giải thoát mình được.
Xin Chúa Giêsu tiếp tục trừ quỷ cho chúng ta, cho vùng đất chúng ta sống.
Xin Ngài tiếp tục tẩy trừ sự ô uế đang thao túng ở lòng con người.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.
 

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
3 THÁNG HAI
Trong Lãnh Vực Y Tế …
Trong các chuyến viếng thăm mục vụ của tôi, nhất là tại những nước đang phát triển, tôi nhận thấy rằng lãnh vực y tế là một lãnh vực đang khẩn thiết đòi ta phải đấu tranh cho con người. Chẳng hạn, người ta ngày càng chú ý đến kỹ thuật, nhưng lại không phải bao giờ cũng quan tâm bảo vệ quyền của con người.
Đau khổ, bệnh tật và chết chóc là những thực tại rất căn bản của cuộc nhân sinh. Tất cả chúng ta phải cộng tác với nhau để giải quyết – một cách đầy nhân tính – những vấn đề hệ lụy của các thực tại ấy. Giúp đỡ các bệnh nhân vượt qua cơn bệnh của họ một cách bảo đảm phẩm giá – đó chắc chắn là điều mà nhân loại kỳ vọng từ khoa học, từ kỹ thuật và từ việc sử dụng thuốc men. Nhưng để được như thế, không thể không có một nhãn quan sáng tỏ về bổn phận phải tuyệt đối tôn trọng con người. Con người là tạo vật duy nhất siêu vượt trên thực tại vật chất – bởi vì con người không chỉ là vật chất mà còn là tinh thần. Đó phải là điểm qui chiếu thường xuyên của chúng ta trong lãnh vực y khoa, nếu chúng ta thực sự muốn tránh những hậu quả khôn lường gây ra cho xã hội. Tôn trọng phẩm giá của nhân vị – đó là bổn phận của tất cả chúng ta.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Gương Thánh Nhân
Ngày 03-02
Thánh ANSGARIÔ
Giám mục tông đồ các xứ Bắc Âu
(801-865)

Ansgariô (hay là Anskar theo Anh ngữ) đã trở thành biệt danh Oscar ngày nay, có nghĩa là "cây lao của Thiên Chúa". Ansgario gốc người Đức, sinh tại Picardia. Cha Ngài là một viên chức trong triều đình vua Charlemagne, đã gởi Ngài theo học tại tu viện thánh Phêrô ở Corbia. Cậu thiếu niên đã gặp được ở đó những bậc thầy có thế giá. Các môn học trần tục làm Ngài say mê đến độ nơi tâm trí Ngài ý nghĩa tôn giáo ngày một lạc phai. Nhưng một biến cố đã đánh động Ngài mạnh mẽ, nhà vua mà Ngài biết được là rất nổi danh nơi triều đình đã chết.
Cái chết đó cho Ngài thấy được tính cách hư không của mọi cái gọi là nhân bản và trần tục, Ngài cũng nhớ lại rằng: hồi nhỏ khi mất mẹ, trong một giấc mơ, Ngài thấy Đức Trinh Nữ Maria hứa sẻ bảo vệ Ngài luôn mãi, nếu biết giữ gìn đức tin và lòng mến. Sau cùng Ngài cảm thấy rằng: Chúa muốn mình làm tông đồ. Từ đó Ngài không ngừng tiến tới trong việc học hành cả về đạo lý lẫn việc đời, Ngài nhiệt thành làm tất cả những gì là tốt đẹp. Những tiến bộ và nhiệt tâm ấy lớn lao đến nỗi chẳng mấy chốc tới phiên Ngài phải dạy lại cho các tu sĩ trẻ và trẻ em. Vào tuổi hai mươi mốt, Ngài trở thành một trong những thủ lãnh tu viện Corvey. Ở Saxe hay là Corbia-Nova, được thiết lập ngay giữa trung tâm trí thức. Là giáo sư thần học, Ngài cũng đảm nhận việc giảng dậy cho dân chúng nữa.
Vào thời này, Harold là vua miền Nam Đan mạch, khi bọn phản loạn săn đuổi, đã xin trú ngụ tại triều đình vua Lu-y đặt tại Mayence. Ong đã trở lại đạo và lãnh nhận phép rửa. Khi trở về quê hương, ông đã xin các nhà truyền giáo tới rao giảng Phúc âm cho xứ sở mình. Ebbon, giám mục Reims đã dấn thân trước hết, rồi một khi gần trở lại nước Pháp, Ngài đã chỉ định Ansgario. Ansgario lên đường với một tu sĩ khác nữa. Họ làm liều đi vào miền còn hoàn toàn ngoại giáo. Những người trẻ bị bắt làm nô lệ đã trở thành các Kitô hữu đầu tiên của xứ sở. Công việc tông đồ thật vất vả nhọc mệt. Các Ngài bị trục xuất. Các tu sĩ trở lại lãnh trách nhiệm.
Một tòa đại sứ Thụy Điển xin các thừa sai. Lần này Ansgariora đi với một tu sĩ người Corbia. Vì người bạn đường cũ đã chết. Khi đi nagng qua biển Baltique, họ bị bọn cướp tấn công bóc lột hết và bị người Nang lấy trọn quà tặng họ mang dâng nhà vua ở Upsala. Các nhà truyền giáo tới biệt thự của Birca, hoàn toàn trơ trụi. Tại đây các Ngài đã thiết lập một cộng đoàn Kitô hữu. Sau một năm rưỡi mệt nhọc làm việc tông đồ, các Ngài trở về Pháp. Nhà vua đã đặt Ansgario làm tổng giám mục Hambourg bao gồm miền Scandinavia (Bắc Âu) Ansgario đi Roma để được Đức Thánh Cha bổ nhiệm và Đức Gregôriô IV đã đặt Ngài làm đại diện tại cả Na-uy và Thụy Điển. Ngài xây cất một nhà thờ chính tòa ở Hambourg, thiết lập một tu viện cho các tu sĩ Corbia.
Người ta thấy Ngài quỳ lạy dưới chân người nghèo và khiêm tốn phục vụ họ. Ngài cũng rao giảng trong các miền lân cận bất kể những thủ địch hung ác. Khi ấy như một đám mây người Normandie đặt Hambourg vào vòng máu lửa, Ansgario chỉ còn là một kẻ lang thang sống vất vưởng. Vharles de Chauve đã chiếm một tu viện miền Flandre là nơi Ngài đã thiết lập một trường truyền giáo. Giữa cao điểm của cuộc sống khốn cực âu lo, Ngài đã không hề đánh mất lòng trông cậy vào Chúa. Cuối cùng những kẻ bách hại bị xua đuổi. Xứ truyền giáo Thụy Điển lại vùng lên.
Một cộng đồng ở Constane đã đặt Ansgario làm giám mục Brême. Ngài trở lại truyền giáo ở Đan mạch, thiết lập một trung tâm tôn gíao mới, cải hóa nhà vua.
Ansgario muốn hiến trọn đời mình cho Thiên Chúa bằng việc tử đạo nhưng Ngài đã qua đời êm ái tại Brême năm 865. Cuộc tử đạo của Ngài chính là cuộc chiến kiên trì suốt đời với nhiều những thất bại, lại ít có những thành công rực rỡ. Nhưng sự nhẫn nại của vị anh hùng giám mục lang thang này đã chuẩn bị cho cuộc trở lại các xứ vùng Bắc Âu.
********************
Ngày 03-02
Thánh BLASIÔ
Giám mục Tử đạo (.... - 316)

Có nhiều câu chuyện vây quanh thánh Blasiô. Ngài là giám mục Sêbasta, miền Armênia; Ngài hiến cả xác hồn cho dân chúng... nhất là dân nghèo, Ngài đã học nghề thuốc, nhưng không bao giờ chữa bệnh cho ai mà không xin Chúa giúp trước đã, dường như vị y sĩ vĩ đại này muốn nói rằng: "Tôi băng bó cho họ nhưng Thiên Chúa chữa lành cho họ". Ngài rao giảng, day dỗ, nhưng không có bài học nào hay hơn chính gương mẫu đời Ngài.
Năm 315, một cuộc bách hại bùng ra dưới triều đại vua Luciniô. Đức giám mục giúp đỡ các vị tử đạo. Rồi để trốn thoát các kẻ thù địch, Ngài ẩn mình ở hang núi Agêa, là nơi Ngài sống bằng rễ cây và nước lã. Thú rừng thân tình bao quanh Ngài và Ngài chữa lành cho những con bệnh tật. Mỗi ngày một đông dân chúng tuốn đến với với Ngài. Nếu thấy Ngài đang cầu nguyện chúng lặng lẽ không ngăn trở và đợi cho đến khi Ngài cầu nguyện xong. Khi đó Thánh nhân quay lại với đoàn vật và chúc lành cho chúng và đoàn vật mãn nguyện trở lại sa mạc.
Agricôla, quan cai trị Cappadecia tìm thú rừng sống trong các khu rừng gần Sêbasta, để xé các Kitô hữu. Đoàn người đi săn ngạc nhiên khi thấy cả bầy sói, gấu, sư tử trong một cái hang vây quanh một người, đang cầu nguyện. Họ vội về báo tin cho Agricôla và ông này đã truyền bắt vị tu rừng này.
Thấy binh sĩ của nhà vua. Blasiô bình thản nói:- Tôi đã sẵn sàng. Đêm qua Chúa hiện ra và nói với tôi, là Ngài ưng nhận lễ hy sinh của tôi.
Trên đường Ngài đi qua, dân chúng tuốn đến, trong số ấy có cả các lương dân. Họ khóc lóc xin người chúc lành. Một người mẹ đặt đứa trẻ đang hấp hối dưới chân Blasiô và nhìn trời bà la: - Lạy Chúa nhân từ, xin đừng bỏ qua lời cầu của tôi tớ Ngài. Xin hãy trả lại sức khỏe cho tạo vật bé bỏng của Ngài.
Blasiô cúi xuống đứa trẻ hấp hối, cầu nguyện. Trời cao đã nghe Ngài, và người mẹ hân hoan đón nhận lại đứa con tràn đầy sức sống.
Khi đức Giám mục xuất hiện, Agricôla đưa nhiều hứa hẹn lẫn lời đe dọa. Nhưng điều này đã luống công. Thánh nhân nói: - Tôi không sợ các cực hình Ngài đe dọa vì thân xác tôi nằm trong tay Ngài, nhưng linh hồn tôi thì không.
Ngài đã bị đánh đập tàn nhẫn và bị tống ngục. Các Kitô hữu tới thăm, Ngài an ủi khích lệ và chữa lành cho họ. Ngài đã giải cứu cho một đứa trẻ gần ngộp thở vì mắc xương cá. Vì kỷ niệm này và cũng vì lời cầu nguyện sau cùng khi đưa cổ cho lý hình, thánh Blasiô được kêu cầu cách đặc biệt để xin Ngài chữa lành các bệnh nhân đau cổ họng.
Những tường thuật về các phép lạ đi kèm với cái chết của Ngài thành gia sản truyền tụng rất được các giáo phụ ưa thích. Sau mỗi cuộc tra xét với một cực hình mới lại có một phép lạ đánh dấu cuộc trở lại ngay trong phòng giam của Ngài. Phép lạ lừng danh nhất là phép lạ về ngẫu tượng. Các Kitô hữu đến săn sóc những vết thương cho Ngài, đã ném xuống hồ các thần tượng của nhà cầm quyền. Họ bị tố giác và chịu tử dạo. Blasiô cũng bị kết án dìm vào hồ này, nhưng Ngài làm dấu thánh giá và đi trên mặt nước, rồi Ngài mời các quan tòa đi theo để minh chứng uy quyền các thần linh họ thờ. Những người nhận lời bị chết chìm ngay.
Vị tử đạo vừa mới cho thấy vinh quang Thiên Chúa, liền được một thiên thần mời trở lại bờ hồ để chịu cực hình, Ngài vâng lời ngay. Agricôla bối rối liền truyền chém đầu Ngài. Blasiô trước khi chết, đã nài xin Chúa tỏ lòng nhân từ với những ai nhờ lời Ngài bầu cử mà xin cứu giúp.
(daminhvn.net)


03 Tháng Hai
Ngôn Ngữ Của Tình Yêu
Có lẽ cái tên của Helen Keller, một cô gái câm điếc người Mỹ, đã trở thành bậc khoa bảng, không còn xa lạ với chúng ta nữa. Vừa được 19 tháng, sau một cơn đau màng óc, cô gái bất hạnh này trở thành mù lòa và câm điếc. Thế giới của âm thanh và màu sắc đã khép hẳn cánh cửa lại với cô.
Làm thế nào để truyền thụ kiến thức cho một người đã câm điếc lại còn mù lòa? Cha mẹ của cô bé dường như muốn bó tay. Nhưng có một cô giáo tên là Anna Sullivan đã không muốn bỏ cuộc. Hy vọng duy nhất mà cô giáo này còn đó là còn có thể truyền thông và liên lạc với cô gái mù lòa và câm điếc này qua việc tiếp xúc với bàn tay của cô. Chỉ có thể tiếp xúc với thế giới bằng đôi tay, nhưng Helen Keller đã có thể học xong Ðại Học, tốt nghiệp Tiến sĩ và trở thành văn sĩ.
Cho người mù lòa và câm điếc chạm vào một sự vật và viết lên tên gọi của sự vật ấy: đó là phương pháp của cô giáo Anna Sullivan. Dạy về những sự vật cụ thể như cái bàn, cuốn sách, cành cây, con chó xem ra không hẳn là điều khó. Nhưng làm thế nào để diễn tả cho Helen hiểu được những ý niệm trừu tượng như tình yêu chẳng hạn?
Ngày kia, cô giáo Anna Sullivan đã viết lên tay của Helen Keller hai chữ "Tình Yêu" rồi ôm trầm lấy cô bé hôn lấy hôn để với tất cả sự thành thật và nhiệt tình của cô. Lần đầu tiên trong đời, cô gái câm điếc mù lòa bỗng cảm thấy tim mình đập mạnh và cô hiểu được thế nào là Yêu Thương.
Ngôn ngữ của Tình Yêu là những hành động cụ thể.
Ánh mắt trìu mến, những âu yếm vuốt ve của người mẹ đối với đứa con mới lọt lòng có giá trị hơn bất cứ một quyển sách biên khảo nào về tình yêu. Nhưng mồ hôi và nước mắt, những hy sinh hằng ngày của người cha giúp con cái hiểu được thế nào là Yêu thương hơn bất cứ lời dẫn giải nào về Tình Yêu. Và có lẽ cũng thừa thãi để bảo rằng khi hai người yêu nhau thì sự thinh lặng và những cử chỉ âu yếm có sức mạnh hùng hồn hơn những lời nói hoa mỹ, những trống rỗng.
Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài tỏ tình, Ngài bộc lộ tình yêu với con người không chỉ bằng những lời nói suông, mà bằng cả lịch sử của những can thiệp, những thể hiện cụ thể.
Một tình yêu không được chứng tỏ bằng những hành động cụ thể là một tình yêu giả dối, lừa bịp.
Ðạo Kitô của chúng ta là Ðạo của Tình Yêu. Một người kitô không sống Tình Yêu, không viết lên hai chữ Tình Yêu bằng những hành động cụ thể đối với tha nhân, người đó chỉ là một người Kitô giả hiệu, một Ðức Tin không việc làm là một Ðức Tin chết. Một lòng Mến không được thể hiện bằng hoa trái của lòng Mến chỉ là lòng Mến giả tạo.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét