13/02/2020
Thứ Năm tuần 5 thường
niên
BÀI ĐỌC I:
1 V 11, 4-13
“Bởi ngươi không giữ giao ước,
Ta cất vương quốc khỏi ngươi; nhưng vì Đavít thân phụ ngươi,Ta sẽ dành một chi
tộc cho con trai ngươi”.
Trích sách Các Vua
quyển thứ nhất.
Khi vua Salomon đã về
già, các bà vợ của ông mê hoặc lòng ông, kéo ông theo các thần dân ngoại, lòng
ông không còn trọn vẹn với Chúa là Thiên Chúa của ông, như lòng Đavít thân phụ
ông. Salomon tôn thờ nữ thần Astarthê của dân Siđon, và thần Môlốc của dân
Ammon. Và Salomon đã làm điều không đẹp lòng Chúa và không trọn niềm theo Chúa,
như Đavít thân phụ ông. Bấy giờ Salomon xây am trên núi đối diện với Giêrusalem
cho Khanios, thần của dân Moab, và cho Môlốc, thần của dân Ammon. Ông cũng làm
như thế cho tất cả các bà vợ ngoại bang của ông, để các bà dâng hương và tế lễ
cho các thần của các bà. Vậy Chúa thịnh nộ với Salomon, vì tâm hồn ông đã bỏ
Chúa là Thiên Chúa Israel, Đấng đã hiện ra với ông hai lần, và cấm ông không được
chạy theo các thần khác, nhưng Salomon không tuân giữ điều Chúa truyền dạy ông.
Do đó, Chúa phán cùng
Salomon rằng: “Bởi ngươi đã ăn ở như thế, và đã không tuân giữ giao ước và lề
luật mà Ta đã truyền cho ngươi, Ta sẽ phân chia vương quốc của ngươi, và trao
cho tôi tớ ngươi. Nhưng vì nể Đavít, thân phụ ngươi, Ta sẽ không thi hành điều
đó khi ngươi còn sống. Ta sẽ phân chia vương quốc ngươi ngay trên tay con của
ngươi. Vì Đavít, tôi tớ Ta, và vì Giêrusalem Ta đã tuyển chọn, Ta sẽ không lấy
tất cả vương quốc: Ta sẽ dành một chi tộc cho con trai ngươi”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 105, 3-4.
35-36. 37 và 40
Đáp: Lạy Chúa, xin
nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài (c. 4a).
Xướng:
1) Phúc cho ai tuân giữ
những lời huấn lệnh, và luôn luôn thực thi điều công chính. Lạy Chúa, xin nhớ
chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài; xin mang ơn cứu độ đến thăm viếng chúng
con. – Đáp.
2) Họ đã hoà mình với
người chư dân, và học theo công việc chúng làm. Họ sùng bái tà thần của chúng,
những tà thần đã hoá thành lưới dò hại họ. – Đáp.
3) Họ đã giết những
người con trai và con gái, để làm lễ cúng tế quỷ thần. Chúa đã bừng cơn thịnh nộ
với dân tộc, và tởm ghét phần gia nghiệp của Ngài. – Đáp.
ALLELUIA: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia!
– Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự
sống đời đời. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 7, 24-30
“Những con chó ở dưới gầm bàn
cũng ăn những mụn bánh rơi của con cái”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến
địa hạt Tyrô và Siđon. Vào một nhà kia, Người không muốn ai biết Mình, nhưng
Người không thể ẩn náu được. Vì ngay lúc đó, một bà kia có đứa con gái bị thần
ô uế ám, bà nghe nói về Người liền đến phục lạy Người. Bà đó là người dân ngoại,
dòng giống Syrô-phênixi, và bà xin Người trừ quỷ ra khỏi con bà. Người nói:
“Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho
chó”. Nhưng bà trả lời và thưa Người rằng: “Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó
con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái”. Người liền nói với bà:
“Vì lời bà nói đó, bà hãy về; quỷ đã ra khỏi con gái bà rồi”. Khi bà về đến
nhà, thì thấy cô gái nhỏ nằm trên giường và quỷ đã xuất rồi. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Ơn cứu
độ đại đồng
Trong nhật ký của
mình, Mahatma Gandhi cho biết khi còn theo học ở Nam Phi, ông rất say mê đọc
Kinh Thánh, nhất là Bài Giảng Trên Núi, đến nỗi ông xác tín rằng Kitô giáo
chính là câu trả lời cho nạn kỳ thị giai cấp đã từng hành hạ dân Ấn suốt bao thế
kỷ, thậm chí ông còn muốn trở thành Kitô hữu nữa. Thế nhưng, một ngày nọ, khi đến
nhà thờ dự lễ, ông bị người giữ cửa chặn lại và bảo ông phải đi lễ ở nhà thờ
dành cho người da đen, kể từ đó, ông không bao giờ quay trở lại nhà thờ nữa.
Chúa Giêsu không bao
giờ tỏ ra kỳ thị con người như thế. Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng. Cũng
như các tác giả Tin Mừng khác, thánh sử Marcô cho thấy phần lớn hoạt động và thời
giờ của Chúa Giêsu được dành cho người Do thái; chỉ sau khi sống lại, Ngài mới
chính thức sai các Tông đồ truyền giảng Tin Mừng cho mọi người, bất luận là Do
thái hay không Do thái. Thật ra ngay những năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu
đã hé mở cho thấy chiều kích phổ quát của giáo lý và của ơn cứu độ mà Ngài mang
lại. Ngoài những giáo huấn về tình huynh đệ đại đồng và thái độ không bài ngoại
của Chúa Giêsu, Tin Mừng còn thuật lại các chuyến đi của Ngài tới vùng đất ngoại
giáo, tại đây, Ngài cũng đã làm nhiều phép lạ, như trừ quỷ cho một thanh niên ở
Gêrasa, cho một người câm ở miền Thập tỉnh nói được, và lần này trừ quỷ cho con
gái của một phụ nữ Hy lạp gốc Phênixi.
Dựa vào những yếu tố
trên, câu nói của Chúa Giêsu: "Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném
cho chó con" không thể giải thích đó là dấu biểu thi sự khinh miệt của
Ngài đối với người khác đạo và khác tổ quốc; đúng hơn, Chúa muốn mọi người đừng
quên ưu thế của người Do thái trong việc thừa hưởng ơn cứu độ, bởi vì Thiên
Chúa đã chọn cha ông họ và muốn tỏ lòng trung thành với cha ông họ. Người Do
thái được ưu tiên, chứ không phải là những người duy nhất được hưởng ơn cứu độ;
vì thế, dù quan tâm săn sóc người Do thái nhiều đến đâu, Chúa Giêsu cũng không
để trở thành vật sở hữu độc quyền của họ, Ngài vẫn có tự do bày tỏ tình thương
đối với người khác.
Chúng ta chấp nhận sự
tự do của Thiên Chúa trong việc ban phát ơn huệ và tình thương của Ngài. Dù ý
thức mình chẳng là gì, chúng ta hãy tin rằng mình luôn là đối tượng yêu thương
của Thiên Chúa. Với một Ðấng vô biên như Thiên Chúa, thì bất cứ hành vi nào của
Ngài cũng có chiều kích vô hạn và quà tặng của Ngài cũng tràn trề sung mãn. Xin
cho chúng ta cảm nhận được rằng Chúa đang yêu thương chúng ta và như thế là đủ
cho chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm, Tuần V TN
Bài đọc: Gen
2:18-25; I Kgs 11:4-13; Mk 7:24-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phẩm giá của
phụ nữ
Người tị nạn Việt-Nam
bị giằng co giữa 2 kiểu mẫu: nên theo kiểu Âu Tây, mà 5 thứ tự liên hệ được sắp
xếp ưu tiên như sau: “đàn bà trước tiên, con nít, chó, cỏ, đàn ông;” hay theo
kiểu Việt-Nam: “chồng chúa vợ tôi?” Điều quan trọng không phải việc phải đòi
cho được sự ngang hàng, nhưng làm sao cho cuộc đời cả hai và gia đình được hạnh
phúc. Cả hai kiểu mẫu trên đều dẫn tới những xáo trộn trong cuộc sống gia đình:
Theo kiểu Âu Tây, đàn ông được xếp hạng sau cả con nít, chó, và cỏ, hỏi còn tư
cách gì để hướng dẫn gia đình; và điều này hoàn toàn trái ngược với ý định ban
đầu của Thiên Chúa. Theo kiểu Việt-Nam, người vợ chỉ được coi như người tớ nữ của
chồng, và hậu quả là người vợ bị quên lãng và đối xử rất tàn tệ; điều này cũng
đi ngược lại với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Thánh Phaolô trong Thư gởi các
tín hữu Êphêsô đã đưa ra một kiểu mẫu Thánh Kinh: “Người vợ hãy vâng lời chồng
như Giáo-Hội vâng lời Đức Kitô; và người chồng hãy yêu thương vợ như chính bản
thân mình, và như Đức Kitô đã yêu thương và hy sinh mạng sống mình cho Giáo-Hội.”
Các Bài Đọc hôm nay tập
trung trong vai trò người phụ nữ. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Sách Sáng Thế
Ký trình bày việc tạo dựng người nữ và ý định của Thiên Chúa từ ban đầu là cho
Bà trở nên người trợ giúp bất khả phân ly của người nam. Trong Bài Đọc I, năm
chẵn, vua Solomon bị các bà vợ mê hoặc để phản bội Thiên Chúa khi về già, mặc
dù Thiên Chúa đã hiện ra để cảnh cáo hai lần. Sau cùng, Thiên Chúa buộc phải phạt
bằng cách chia cắt vương quốc của nhà vua, chỉ để cho giòng dõi của vua một phần.
Trong Phúc Âm, người phụ nữ xứ Phoenician kiên nhẫn vượt qua bức tường Dân Ngoại
và tự ái, để xin Chúa Giêsu chữa lành con gái mình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm lẻ): Thiên Chúa tạo dựng người nữ.
1.1/ Ý định ban đầu của
Thiên Chúa: Đức Chúa là Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt.
Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn
ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng
là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt
tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được
cho mình một trợ tá tương xứng.” Theo trình thuật này: (1) Chúa không muốn cho
người nam ở một mình; (2) không có tạo vật nào dưới quyền con người có thể trở
nên “trợ tá tương xứng cho người nam.” Điều này nói lên phẩm giá của người nữ:
Bà, tuy là trợ tá, nhưng tương xứng với người nam; và không dưới quyền của người
nam như những thú vật.
1.2/ Thiên Chúa tạo dựng
người nữ từ người nam: “Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống
trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con
người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút
từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người
nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi
là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.”
Khác với các ngôn ngữ
khác, trong tiếng Do-Thái, đàn ông (ish) và đàn bà (ishah), chỉ sự liên hệ đơn
nhất về bản tính giữa hai giống. Đó là lý do tại sao người nam thốt lên “đây là
xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!”
Hôn nhân nam nữ nằm
trong kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn
bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” Hôn nhân ban đầu cũng đòi
hỏi một chồng một vợ, vì cả hai trở nên một xương một thịt.
Trước khi sa ngã, con
người không có mặc cảm tội lỗi: “Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng
mà không xấu hổ trước mặt nhau.” Đây không phải là sự bất bình thường về tình dục,
nhưng vì cả hai hoàn toàn tin tưởng nhau và không có gì phải giấu diếm, che đậy.
2/ Bài đọc I (năm
chẵn): Ta sẽ giựt lấy vương quốc ngươi
mà trao cho một thuộc hạ của ngươi.
2.1/ Vua Solomon phản
bội Thiên Chúa: Trong lịch sử thế giới, xưa cũng như nay, biết bao nhiêu anh
hùng đã bị tiêu tan sự nghiệp vì mỹ nhân. Lịch sử của Do-thái cũng đầy dẫy những
câu truyện tương tự: Tuần trước, chúng ta được biết vua David đã bị Thiên Chúa
để cho biết bao tai ương xảy ra cho nhà vua, cho gia đình, và cho quốc gia; sau
khi David phạm tội ngoại tình với bà Bathsheba và tội thủ tiêu Uriah chồng bà để
phi tang. Tuy nhiên, vì David hết lòng ăn năn trở lại, Thiên Chúa đã xót thương
và chúc lành cho Solomon, con kế vị của David.
Trong mấy ngày qua,
chúng ta được nghe sự khôn ngoan và vinh quang tuyệt đỉnh của vua Solomon;
nhưng rồi lại một lần nữa, anh hùng bị tiêu tan cơ nghiệp vì các mỹ nhân. Nhà
Vua phản bội Thiên Chúa bằng cách xây dựng đền thờ cho tất cả các thần của những
bà vợ. Theo truyền thuyết, Solomon có tới 700 vợ và 300 cung phi; chắc là ông
không xây cả 100 bàn thờ. Trình thuật chỉ liệt kê 4 bàn thờ chính: nữ thần
Ashtoreth của dân Sidon, thần Milcom ghê tởm của dân Ammon, thần Chemosh ghê tởm
của dân Moab, và thần Molech ghê tởm của con cái Ammon. Một người có thể tự hỏi
tại sao một người khôn ngoan như Solomon, đã biết nguồn gốc và mục đích của mọi
sự việc, lại phản bội Thiên Chúa? Trình thuật đưa ra hai lý do:
(1) Lú lẫn của tuổi
già: Trí khôn và cơ thể con người chắc chắn bị suy sụp theo thời gian. Khi về
già, vua Solomon chắc không còn tinh anh để phán xét sự việc cách khôn ngoan
như khi còn trẻ. Điều này phải là bài học cho những người đi sau để đừng quá tự
tin vào sự khôn ngoan của mình; nhưng phải cậy nhờ vào ơn thánh Chúa qua cuộc sống
cầu nguyện và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa.
(2) Áp lực của những mỹ
nhân: Các ông chồng có tuổi thường dễ bị lung lay vì sắc đẹp của những người vợ
trẻ, nhất là khi các nàng biết dùng vũ khí nguy hiểm là đổ những giọt lệ. Người
đi sau có thể học nơi vua Solomon và đừng quá tham lam đèo bồng. Thân trai hai
vợ đã bị xẻ làm hai rồi, vua Solomon khổ thế nào khi bị xẻ thành ngàn mảnh!
2.2/ Hậu quả của việc
nghe lời các vợ: Đức Chúa nổi giận với vua Solomon, vì lòng vua rời xa Đức
Chúa, Thiên Chúa của Israel, Đấng đã hiện ra với vua hai lần, và truyền cho vua
là đừng đi theo các thần ngoại, nhưng vua không giữ điều Đức Chúa đã truyền. Đức
Chúa phán với vua Solomon: “Vì ngươi đã như vậy và đã không giữ giao ước cũng
như các giới răn Ta truyền cho ngươi, thì chắc chắn Ta sẽ giựt lấy vương quốc
ngươi mà trao cho một thuộc hạ của ngươi.”
Tuy thế, vì tình nghĩa
và những gì Thiên Chúa đã hứa với vua cha David, Thiên Chúa đã không làm điều
đó trong đời vua Solomon; nhưng sẽ chờ tới thời con của Solomon. Dòng dõi của
Solomon chỉ còn giữ lại được một chi tộc và sẽ trở thành vương quốc Judah, với
thủ đô đặt tại Jerusalem.
Nhìn lại cuộc đời của
các vua Saul, David, Solomon, trong lịch sử Israel; một người có thể học được
bài học phải biết đặt mối liên hệ với Thiên Chúa trên tất cả mọi sự. Khi họ
trung thành với Thiên Chúa, họ được Thiên Chúa ban ơn, bảo vệ, và chúc lành;
nhưng khi họ bất tuân và phản bội Ngài, họ phải lãnh nhận biết bao đau khổ xảy
đến, không chỉ trên cá nhân, nhưng còn trên gia đình và quốc gia nữa. Sự phản bội
chỉ xảy ra về phía con người; về phía Thiên Chúa, tất cả những gì Ngài hứa,
Ngài đã thi hành.
3/ Phúc Âm: Người phụ nữ Phoenician vượt qua xấu hổ để cầu xin cho
con gái.
Trong 3 năm rao giảng
của Chúa Giêsu, Ngài rất ít khi đi ra ngoài lãnh thổ của Do-thái. Lý do không
phải vì Ngài không muốn Tin Mừng của Ngài được lan rộng đến Dân Ngoại; nhưng vì
Ngài đã có kế hoạch rõ ràng. Bổn phận của Ngài là loan báo Tin Mừng cho các
chiên lạc của nhà Israel. Các Tông-đồ, nhất là Phaolô và Barbara, sẽ loan truyền
Tin Mừng đến cho Dân Ngoại. Đó là lý do tại sao trình thuật kể: “Đức Giêsu đứng
dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tyre. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết,
nhưng không thể giấu được. Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ
ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người.” Tuy không có ý
định loan báo Tin Mừng và chữa bệnh cho Dân Ngoại, nhưng đứng trước cách biểu lộ
niềm tin và sự kiên trì của Bà, Chúa Giêsu đã chữa lành cho con gái của Bà.
3.1/ Bà vượt qua bức
tường ngăn cách Dân Ngoại: Thánh Marcô nói rõ về lai lịch của người phụ nữ: “Bà
là người Hy-lạp, gốc Phoenician thuộc xứ Syria. Bà xin Người trừ quỷ cho con
gái bà.” Bà biết rõ Chúa Giêsu là người Do-thái, và theo truyền thống, Bà không
có lý do gì để cầu xin Chúa Giêsu, vì người Do-thái không muốn làm một điều gì
với Dân Ngoại. Nhưng vì lòng thương con, Bà đã đạp đổ bức tường kỳ thị giữa hai
dân tộc, để đến và cầu xin với Chúa.
3.2/ Bà vượt qua bức
tường tự ái: Vượt qua được bức tường kỳ thị chủng tộc, Bà phải đương đầu với một
bức tường khác khó khăn để vượt qua hơn: tính tự ái. Chúa Giêsu nói với Bà:
“Phải để cho con cái
ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.”
Chúa Giêsu so sánh con của Bà với chó con, và như thế, Bà cũng bị so sánh như
loài chó. Khi một người bị so sánh như thế, thử hỏi bao nhiêu người có can đảm ở
lại để tiếp tục nài xin như Bà: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm
bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” Đứng trước một người Dân Ngoại,
thấy cách biểu lộ niềm tin và tình thương của Bà cho con như thế, Chúa Giêsu
nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.”
Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Các Bài Đọc hôm nay
đòi hỏi chúng ta phải suy xét lại mối liên hệ giữa nam nữ, và liên hệ vợ chồng;
và biết cách đối xử sao cho phù hợp với ý định của Thiên Chúa ban đầu.
– Chúng ta đừng dễ
dàng chạy theo những trào lưu hiện hành của xã hội: “trọng nữ khinh nam” của Âu
Tây, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” của Trung-hoa, hay “chồng chúa vợ
tôi” của Việt-nam; vì cả hai giới đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. Tất cả
các trào lưu này đều dẫn tới tình trạng mất quân bình trong đời sống gia đình.
– Cả hai giới đều cần
nhau và có những quà tặng bổ xung cho nhau. Thánh Phaolô khuyên vợ phải vâng lời
chồng, không phải như người nô lệ phải vâng lời chủ, nhưng ai cũng biết một gia
đình không thể có 2 người lãnh đạo. Đồng thời, Ngài cũng khuyên chồng phải yêu
thương vợ như yêu chính thân mình. Điều này loại trừ tất cả những ích kỷ, hành
hung, và bất trung với vợ mình. Chỉ có thế, gia đình chúng ta mới có thể tiến mạnh,
hoà hợp yêu thương, và sống theo đường lối Thiên Chúa đã vạch định từ ban đầu.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
13/02/2020 – THỨ NĂM TUẦN 5 TN
Mc 7,24-30
NHỮNG VỤN BÁNH NHỎ
Một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến
Chúa Giê-su, liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà là người Hy lạp, gốc
Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri-a. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. (Mc 7,25-26)
Suy niệm: Có vẻ như Chúa Giê-su mắc chứng kỳ thị chủng tộc nặng:
người Do thái được coi là “con cái trong nhà”, được hưởng nguyên miếng bánh to;
còn người phụ nữ Phê-ni-xi này là người Hy lạp thì bị coi như “con chó con”, chỉ
trông chờ những vụn bánh nhỏ từ bàn ăn rơi xuống. Nhưng thực ra chính cái gút
khúc mắc đến cực điểm ấy lại được giải kết thật “có hậu”: người đàn bà “ngoại
giáo” này lại có niềm tin thật mãnh liệt, và nhờ đó bà được toại nguyện. Ở nhiều
nơi hành hương như Trà Kiệu, La Vang chẳng hạn, chính những người lương dân lại
chứng kiến những phép lạ, được hưởng những ơn lành chẳng kém gì người công
giáo. Phải chăng đó là “những vụn bánh nhỏ” giúp kiểm nghiệm những niềm tin lớn
đang hiện hữu nơi tâm hồn biết bao anh em lương dân?
Mời Bạn: Chúa vẫn thực hiện những phép lạ lớn lao một cách âm
thầm như ngày nào. Và Ngài đang mời bạn tiếp tay với Ngài dẫn đường cho những
anh em đó trở thành “con cái trong nhà” cách trọn vẹn để họ không chỉ hưởng một
vài “vụn bánh nhỏ” phép lạ mà còn được cả tấm bánh to là chính Thánh Thể Đức
Giê-su Ki-tô.
Chia sẻ: Có gì khác giữa niềm tin của một người lương dân và
đức tin của người Ki-tô hữu?
Sống Lời Chúa: Đem “bánh Tin Mừng” hằng ngày đến cho anh em lương
dân bằng cách mỗi ngày làm một việc tốt cho họ.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.
(5 Phút Lời Chúa)
Suy Niệm : Những mảnh
vụn
Suy niệm :
Để có được cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với người phụ nữ,
hai bên đã phải vượt qua nhiều đường ranh, nhiều rào cản.
Đức Giêsu đã bỏ đất Ítraen để đến vùng Tia, vùng đất ô uế của dân ngoại.
Người đàn bà dân ngoại đã vượt qua sự ngăn cách với người đàn ông Do
thái.
Qua câu đáp của bà, bà cũng vượt qua được sự lụy phục thường gặp nơi phụ
nữ
sống trong một nền văn hóa do đàn ông làm chủ ở thế kỷ đầu.
Trong Tin Mừng Máccô, đây là phép lạ duy nhất nhắm đến dân ngoại.
Rõ ràng Đức Giêsu không có ý làm phép lạ trừ quỷ này,
Chúng ta ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu từ chối giúp bà ta, rồi lại đổi ý.
Nhiều người không tin đây là cách cư xử vốn có của Đức Giêsu
trước nỗi đau của trái tim người mẹ có đứa con bị quỷ ám.
Tuy nhiên, nên nhớ rằng sứ vụ của ngài không bao gồm dân ngoại.
Ngài chỉ được sai đến với dân Ítraen,
để rồi chính môn đệ ngài sẽ chịu trách nhiệm đến với dân ngoại.
Hãy lắng nghe cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người phụ nữ.
Bà nài xin ngài đuổi quỷ ra khỏi con gái của bà,
nhưng bà đã phải nghe một câu trả lời rất khó chịu và có thể gây tổn
thương.
“Hãy để con cái ăn trước,
vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó con” (c. 27).
Đức Giêsu ví dân Do thái với những đứa con trong nhà,
còn dân ngoại là mẹ con bà, được ví với những chó con.
Con cái dĩ nhiên là có quyền ưu tiên rồi, được ăn bánh trước.
Bánh của con cái đương nhiên không nên ném xuống đất cho chó con.
Với người khác, câu trả lời gây sốc của Đức Giêsu có thể khép lại mọi hy
vọng.
Nhưng đối với bà, chính câu này lại mở ra niềm hy vọng mới.
“Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn
cũng được ăn những mảnh vụn của lũ trẻ nhỏ” (c. 28).
Bà khiêm tốn nhận mình là chó con,
được nuôi trong nhà, nằm dưới gầm bàn lúc mọi người ăn uống,
nên thỉnh thoảng cũng được đám con cái cho ăn những mảnh bánh vụn.
Như thế những đứa con cũng chẳng giữ riêng tấm bánh cho mình.
Chúng cũng biết chia sẻ, thậm chí cho mấy chú chó con.
Hôm nay bà chẳng xin ngài cho tấm bánh trên bàn dành cho con cái,
Bà chỉ xin ngài cho vụn bánh dành cho chó con nằm dưới bàn.
Đức Giêsu hẳn hết sức bất ngờ với câu trả lời này,
vừa tin tưởng, hy vọng, vừa khiêm tốn, khôn ngoan.
Chính câu trả lời này đã chinh phục và làm cho Đức Giêsu đổi ý.
“Vì bà nói thế, bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi” (c. 29).
Phép lạ này rất “lạ” vì Đức Giêsu đã đuổi quỷ từ xa,
và ngài cũng chẳng đưa ra một lời uy quyền nào để đuổi quỷ.
Khi người mẹ này về nhà, thì thấy con gái mình đã được bình an.
Chúng ta học được gì nơi cách cư xử của người phụ nữ?
Chúng ta học được gì nơi thái độ của Đức Giêsu?
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
có những ngày con cảm thấy
đời sống thật nặng nề;
có những lúc con muốn buông trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy;
có những khoảng thời gian dài,
con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.
Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.
Xin cho con tấm bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.
Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin.
Xin cho con sự sống của Chúa
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm vui và sáng tạo.
Lạy Chúa Giêsu,
con thấy mình cần Chúa
trong mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp được sự hiện diện của Chúa. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
13 THÁNG HAI
Theo Đuổi Kỷ Luật Bản
Thân
Thánh Phao-lô nhấn mạnh
đến ý nghĩa tâm linh của thể thao: “Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều”
(1Cr 9, 25). Ngài nhận thức rằng sự quân bình, kỷ luật bản thân, sự điều độ và
nhất là nhân đức là những yếu tố không thể thiếu trong hoạt động thể thao.
Để trở thành một vận động
viên chân chính, người ta cần phải trung thực với chính mình và với người khác.
Người ta cần có lòng trung thành và nghị lực tinh thần hơn cả sức lực thể lý.
Người ta phải biết kiên trì, phải có tinh thần cộng tác, tính cách hào hiệp,
lòng quảng đại, thái độ cởûi mở bao dung. Tất cả những điều ấy đều là những đòi
hỏi của một căn bản đạo đức. Nhưng, Tông Đồ Phao-lô còn thêm: “Các vận động
viên làm thế để chiến thắng một triều thiên tạm bợ chóng qua, còn chúng ta,
chúng ta nhắm đến một triều thiên vĩnh cửu”. Qua những lời ấy, chúng ta tìm thấy
sự phác họa một nền đạo đức thể thao và thậm chí một nền thần học soi sáng cho
tất cả các giá trị của thể thao.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 13/2
1 V 11,4-13; Mc 7,
24-30
Lời Suy Niệm: “Người nói với
bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.” Về đến
nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất,”
Trong câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người con gái của một bà gốc Phênixi xứ
Xyri, bị quỷ ám; cho chúng ta thấy được cử chỉ cần phải có khi cầu xin: “Sấp
mình dưới chân Người.” Biết lắng nghe lời Chúa: “Phải để cho con cái ăn no trước
đã; vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Và vững
tin trong cầu xin: “Thưa Ngài đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được
ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.”
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con thật là hạnh phúc khi được Chúa ưu tiên dành để ơn
thánh của Chúa cho chúng con. Xin cho chúng con biết quý mến và đón nhận với
lòng tạ ơn.
Mạnh Phương
13 Tháng Hai
Mang Tên Một Vị Thánh
Hiện nay, những người
vẽ bản đồ tại Liên Xô đang phải điên đầu vì tên của các thành phố. Khắp nơi
trong toàn lãnh thổ, dân chúng yêu cầu hoàn lại tên cũ cho thành phố, tên mà
Stalin và những người kế vị của ông đã xóa bỏ. Tại Leningrat chẳng hạn, dân
chúng yêu cầu đòi lại đô thị của họ với tên cũ là Petersburg hay St.
Petersburg, nghĩa là đô thị của Thánh Phêrô. Ðây là một trong những đề tài nóng
bỏng mà hội đồng thành phố đang đưa ra thảo luận. Trong một chương trình truyền
hình địa phương người hướng dẫn chương trình đã tránh dùng tên Lenigrat mà lại
gọi tắt là Peter, nghĩa là tên gọi cũ của đô thị. ngững người yêu cầu hoàn trả
tên cũ lại cho các đô thị nói rằng: cũng như những người có quyền giữ tên cha
sinh mẹ đẻ của mình, thì cũng thế, một đô thị cũng phải được quyền giữ tên khai
nguyên của nó.
Tại cộng hòa
Georgia, trường đại hoạc kỹ thuật Tbilisi đã xóa bỏ tên của Lênin và ngay cả tượng
của ông cũng bị đạp đổ. Tại nhiều nơi khác, người ta cũng xóa bỏ tên mới của
các đô thị để lấy lại tên cũ vốn đã có từ thời các đô thị này được thiết lập.
Gorky sẽ được phục hồi lại như trước kia là Novgorod. Bezhnev sẽ được mang tên
cũ là Nabereznye, Zhadanov sẽ được phuc hồi là Mariupol, nghĩa là đô thị của Ðức
Maria.
Mỗi người chúng ta,
khi chịu phép rửa cũng đều mang một tên mới. Chúng ta thường gọi đó là tên
thánh. Thánh bởi vì đó là tên của một vị Thánh, nhưng thánh bởi vì tất cả chúng
ta đều được mời gọi để nên thánh, hay nói như Thánh Phaolô, tất cả chúng ta đều
là những người thánh. Thật thế, nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô được tham dự
vào chính sự thánh thiện của Thiên Chúa; nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô trở
thành Ðền Thờ thánh thiện của Chúa Thánh Thần.
Ðó là nguồn gốc, là
căn tính của người Kitô chúng ta. Mang lấy tên của một vị thánh, người Kitô
luôn được nhắc nhở rằng bản chất của họ chính là nên thánh, nguồn gốc của họ
chính là sự thánh thiện. Chính vì nguồn gốc ấy, cho nên họ luôn được mời gọi để
làm việc thiện, để cầu nguyện, để chịu đựng, để sống tử tế, để sống vui tươi, để
sống phục vụ. Nói tóm lại, vì thông dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, người
Kitô luôn được mời gọi để sống như Ðức Kitô, Ðấng qua cái chết và sự Phục Sinh,
đã thể hiện chính sự thánh thiện của Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét