19/02/2020
Thứ Tư tuần 6 thường
niên
BÀI ĐỌC I: Gc 1, 19-27
“Anh em hãy thực thi lời đã
nghe, chớ đừng nghe suông”.
Trích thư của Thánh
Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, anh em hãy biết rằng: Mọi người hãy mau nghe, nhưng đừng
vội nói và vội nóng giận, vì sự nóng giận của người ta không thực hiện sự công
chính của Thiên Chúa. Cho nên anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy
gian ác; anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, là lời
có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe
suông mà lừa dối chính mình.
Vì chưng, ai nghe lời mà không thực hành, thì giống như người soi mặt
mình trong gương: soi rồi, ra đi, và không nhớ mình thế nào. Còn kẻ suy ngắm luật
tự do hoàn hảo, và bền đỗ trong lề luật, thì không phải là kẻ nghe rồi quên, mà
là nghe rồi thực hành; kẻ đó sẽ có phúc vì đã thực hành.
Nếu ai tưởng mình đạo đức mà lại không kìm hãm miệng lưỡi mình, nhưng lừa
dối lòng mình, thì lòng đạo đức của nó vô giá trị. Lòng đạo đức trong sạch và
tinh tuyền đối với Thiên Chúa Cha là: thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn
bách, và giữ mình khỏi mọi ô uế đời này. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 14, 2-3ab.
3cd-4ab. 5
Đáp: Lạy Chúa, ai
được cư ngụ trên núi thánh của Chúa? (c. 1b)
Xướng:
1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ
điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống. – Đáp.
2) Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận.
Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa. – Đáp.
3) Người không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người
hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay. –
Đáp.
ALLELUIA: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia!
– Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự
sống đời đời. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 8, 22-26
“Người mù khỏi hẳn và thấy được
mọi vật rõ ràng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ đến Bếtsaiđa, người ta dẫn tới Chúa một
người mù và xin Chúa đặt tay trên người ấy. Chúa cầm tay người mù, dắt ra khỏi
làng, Chúa phun nước miếng vào mắt anh và đặt tay trên anh mà hỏi: “Ngươi có thấy
gì không?” Anh nhìn lên và trả lời: “Tôi thấy người ta như những cây cối đang
đi”. Chúa lại đặt tay trên mắt người mù, anh liền thấy rõ và khỏi hẳn, thấy được
mọi vật rõ ràng. Chúa Giêsu cho người ấy về nhà và căn dặn: “Ngươi hãy về nhà,
và nếu có vào làng thì đừng nói với ai”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Ðôi mắt
đức tin
Có một người đàn bà đạo đức nọ suốt đời chỉ có một khát vọng, đó là được
thấy dung nhan Chúa trước khi chết. Một đêm kia, trong giấc mơ, Thiên Chúa cho
biết Ngài sẽ đến thăm bà nội đêm mai. Thế là ngày hôm sau, người đàn bà dọn dẹp
nhà cửa và chuẩn bị bữa tiệc thịnh soạn để đón vị khách quý. Thế nhưng suốt buổi
tối người đàn bà chờ đợi vẫn không thấy Chúa đến, bà thiếp ngủ đi trong chán nản.
Bỗng có tiếng nói với bà rằng:
- Tại sao Ta đến mà con không đón tiếp Ta"
Người đàn bà giải thích cho Chúa là bà đã chờ Ngài ở trước cổng nhà. Người
đàn bà ngạc nhiên khi Chúa nói là Ngài đã đến ở cửa sau.
Thế là cả ngày hôm sau, người đàn bà lại chuẩn bị với hy vọng sẽ gặp được
Chúa. Ðêm đến, bà hết chạy ra cửa trước lại vào cửa sau, nhưng tuyệt nhiên vẫn
không thấy Chúa. Lần này trong giấc mơ, Chúa lại hiện đến và trách người đàn
bà. Ngài cho biết là Ngài đã đến qua cửa sổ. Ngài giải thích cho bà hiểu như
sau:
- Nếu con chỉ muốn thấy Ta ở một nơi nào đó mà thôi, con sẽ không bao giờ
có thể thấy Ta ở mọi nơi. Ta muốn cho con thấy Ta, nhưng không phải một lần trước
khi con chết, mà là mỗi giây phút cuộc đời con. Và điều kiện để được thấy Ta là
con hãy từ bỏ khát vọng được thấy Ta bằng con mắt xác thịt, vì con mắt ấy qua yếu
ớt để có thể nhìn thấy sự vô biên của Ta. Con chỉ có thể xem thấy Ta bằng đôi mắt
của quả tim mà thôi.
Con người chỉ có thể thấy Chúa bằng đôi mắt của quả tim, và đôi mắt này
chính là đôi mắt đức tin mà chỉ Thiên Chúa mới có thể ban cho con người.
Tin Mừng theo thánh Marcô mà chúng ta lắng nghe hôm nay, thuật lại việc
Chúa Giêsu cho một người mù được thấy. Ðặt câu truyện này vào bối cảnh cuộc
tranh luận giữa Chúa Giêsu với nhóm Biệt phái cũng như với các môn đệ, thánh
Marcô muốn cho chúng ta thấy rằng đức tin tức ơn sáng mắt là một ơn nhưng không
của Thiên Chúa. Những người Biệt phái đã tự giam hãm trong sự mù quáng tức
trong ánh sáng riêng của họ để khước từ Chúa, đồng thời chối bỏ chính ánh sáng
của Thiên Chúa; trong khi đó, các môn đệ lại lơ đễnh đến độ không thể thấy được
ý nghĩa các phép lạ của Chúa Giêsu. Chữa lành cho người mù, Chúa Giêsu vừa tỏ
quyền năng của Ngài, vừa cho thấy chỉ mình Ngài mới có thể ban cho con người
ánh sáng mới, nhờ đó con người có thể thấy được Thiên Chúa.
Qua phép Rửa, chúng ta nhận được ánh sáng của Thiên Chúa, Ngài ban cho
chúng ta chính đôi mắt của quả tim để có thể nhìn thấy Ngài trong mọi sự và
trong từng phút giây cuộc sống. Ước gì chúng ta luôn nhận ra sự hiện diện của
Chúa, để chúng ta có thể vượt thắng mọi gian nan thử thách trong cuộc sống và
luôn tin vững nơi tình yêu của Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần VI TN2
Bài đọc: Jam 1:19-27; Mk 8:22-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần kiên nhẫn
trong mọi việc.
Con người thường có khuynh hướng làm việc gì là muốn phải nhìn thấy kết
quả ngay; nếu không sẽ dễ dàng chán nản và bỏ cuộc. Nhưng “dục tốc bất đạt,”
làm việc gì cũng cần có thời gian, vội vã quá sẽ không mang lại kết quả mong muốn.
Hơn nữa, việc càng khó, thời gian chờ đợi càng lâu. Ví dụ, để có thể tốt nghiệp
đại học, con người cần ít nhất 16 năm, qua những giai đoạn: tiểu học, trung học
đệ nhất cấp, đệ nhị cấp, và đại học. Mỗi giai đoạn đều phải qua một kỳ thi để
chứng tỏ khả năng để tiến tới giai đoạn mới. Trong việc luyện tập các nhân đức
cũng thế, con người phải kiên nhẫn với mình và với người khác; bắt đầu luyện tập
bằng các việc nhỏ dễ làm, rồi tiến dần đến những nhân đức khó khăn hơn, trước
khi có thể sống các nhân đức cách dễ dàng.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong đề tài phải kiên nhẫn chờ đợi trong mọi
sự. Trong Bài Đọc I, tác giả Thư Giacôbê khuyên các tín hữu cần kiên nhẫn trong
việc luyện tập các nhân đức; nhất là đức tự chủ trong việc kiềm chế miệng lưỡi
của mình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chữa người mù qua hai giai đoạn. Lần đầu,
anh mù chỉ thấy người ta đi đi lại lại như những cây cối. Lần thứ hai anh mới
nhìn thấy tất cả rõ ràng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Anh em hãy đem Lời Chúa ra thực
hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.
2.1/ Phải biết tự chủ con người: “Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết
rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận.”
(1) Kiềm chế miệng lưỡi: là dấu chỉ của người khôn ngoan. Người thiếu
khôn ngoan là người nói búa xua, nói không kịp thở, nói như sợ người khác giành
nói hết. Vì nói không kịp suy nghĩ nên dễ bị bắt bẻ, khuyếch đại, nói hành người
khác, và chẳng có việc nào liên quan đến việc nào. Có người cho Thiên Chúa rất
khôn ngoan khi dựng nên con người có hai tai và hai mắt; nhưng chỉ có một miệng
và một lưỡi. Người khôn ngoan là người biết lắng nghe và quan sát kỹ lưỡng trước
khi cho người khác biết ý kiến của mình. Các Sách Khôn Ngoan cho chúng ta rất
nhiều lời khuyên về việc kiềm chế miệng lưỡi để tránh những hậu quả tai hại cho
mình.
(2) Kiềm chế tính nóng giận (orgê): “vì khi nóng giận, con người không thực
thi đường lối công chính của Thiên Chúa.” Chữ Hy-lạp tác-giả dùng ở đây (orgê),
không phải tính nóng giận do lòng nhiệt thành khi thấy điều sai trái; mà là
tính nóng giận vượt quá sự khôn ngoan của của con người—nóng giận cách vô lý.
Thiên Chúa là Đấng duy nhất có quyền nóng giận với con người, thế mà Ngài vẫn
kiên nhẫn chờ đợi và ban mọi cơ hội để giúp con người ăn năn tội lội của mình.
2.2/ Thực hành Lời Chúa: Lời Chúa tự nó có tiềm năng giúp con người từ bỏ
tội lỗi và tập tành nhân đức để mỗi ngày một trở nên thánh thiện hơn. Để thực
hiện được những điều này, con người cần phải chuẩn bị, khiêm tốn đón nhận Lời
Chúa, và đem ra thực hành. Dụ ngôn người gieo giống và 4 chỗ mà hạt giống được
gieo vào giúp chúng ta thấu hiểu điều này. Vì thế, tác giả khuyên các tín hữu:
“Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính
mình.” Ông đưa ra hai áp dụng cụ thể của Lời Chúa:
(1) Lời Chúa là gương soi giúp con người nhận ra tội lỗi của mình: “Thật
vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy
khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ
mặt mình thế nào.” Như ai cũng phải soi gương mỗi ngày trước khi ra đường,
chúng ta cũng phải soi gương bằng việc đọc hay lắng nghe Lời Chúa mỗi ngày để
nhận ra con người thật của mình. Khi soi gương, con người không chỉ soi gương
cho qua lần chiếu lệ; nhưng còn phải sửa sang sạch sẽ những gì nhơ bẩn và luộm
thuộm trên thân thể của mình. Cũng vậy, chúng ta cũng không thể nghe Lời Chúa
cho qua lần chiếu lệ; nhưng phải để Lời Chúa thấm nhập, xét đoán, và tinh luyện
những tật xấu trong con người.
(2) Lời Chúa mang lại sự sống cho con người: Tác giả Thư Giacôbê chú trọng
đặc biệt đến việc thực hành Lời Chúa; vì nếu chỉ nghe suông rồi quên mất, Lời
Chúa sẽ chẳng sinh lợi ích gì cho bản thân: “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm
chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão.” Lề Luật
không giới hạn tự do của con người; nhưng giúp con người nhận ra những nguy hiểm
của tội lỗi và đừng làm nô lệ cho chúng. Vì thế, việc thực hành Lề Luật giúp
con người tránh tội, tự do thực sự, và thành công trong mọi việc mình làm.
Tôn giáo thực thụ không chỉ hời hợt bằng các lễ nghi bên ngoài; nhưng phải
sinh lợi ích cho tha nhân và cho chính mình. Yêu Chúa phải chứng tỏ qua việc
yêu thương tha nhân; nhất là việc thăm viếng và giúp đỡ các “cô nhi quả phụ lâm
cảnh gian truân” và luyện tập con người sao cho càng ngày càng tốt lành thánh
thiện hơn.
2/ Phúc Âm: Chúa chữa người mù qua hai
giai đoạn.
2.1/ Điểm đặc biệt của phép lạ: Phép lạ này chỉ được tường thuật bởi
Marcô mà thôi. Trong các phép lạ Chúa Giêsu làm, rất ít khi Ngài dẫn bệnh nhân
ra nơi khác như trình thuật hôm nay và trình thuật khi Chúa Chúa Giêsu chữa người
điếc và ngọng. Tác-giả không cho biết lý do, nhưng có lẽ cho lợi ích của bệnh
nhân. Người mù ở trong bóng tối lâu năm, nên rất nhạy cảm với ánh sáng. Đức
Giêsu chữa anh qua hai giai đoạn:
(1) Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt
anh, đặt tay trên anh và hỏi: “Anh có thấy gì không?” Anh ngước mắt lên và
thưa: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại.”
(2) Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy
tỏ tường mọi sự.
Giống như những trình thuật khác trong Marcô, để bảo đảm “bí mật Đấng
Thiên Sai,” Chúa Giêsu cho anh về nhà và dặn: “Anh đừng có vào làng.”
2.2/ Hành trình đức tin trong việc nhận ra Thiên Chúa: Nếu so sánh phép lạ
này với phép lạ Chúa chữa người mù từ lúc mới sinh trong Tin Mừng Gioan, chúng
ta thấy có những điểm tương đồng và khác biệt: Điểm giống nhau là Chúa Giêsu lấy
nước miếng trộn với đất và đem xức vào mắt người mù; điểm khác biệt là Chúa
Giêsu lại đặt tay trên mắt anh trong Marcô và anh thấy rõ ràng; trong khi Chúa
Giêsu sai anh mù đi rửa mắt ở Hồ Siloam trong Gioan, và sau khi rửa, anh được
sáng.
Trình thuật Gioan nhấn mạnh đến sự khai mở niềm tin của người mù qua những
giai đoạn khác nhau. Trong mỗi giai đoạn, anh tuyên xưng Chúa Giêsu bằng những
tên khác nhau theo sự thật đầy đủ hơn: Lần thứ nhất khi được hỏi bởi hàng xóm
ai đã chữa anh, anh tuyên xưng “Người tên là Giêsu.” Lần thứ hai, khi bị tra vấn
bởi nhà cầm quyền, anh tuyên xưng: “Người là một tiên-tri.” Lần thứ ba, khi bị
tra vấn bởi các kinh-sư, anh nói: “Người phải đến từ Thiên Chúa.” Lần cuối
cùng, khi được hỏi bởi chính Chúa Giêsu, anh nhìn nhận: “Người là Đấng Thiên
Sai.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thời gian chờ đợi là kẻ thù của con người. Rất nhiều người đã chán nản
bỏ cuộc vì phải chờ đợi quá lâu, nhưng như lời Chúa phán: “Ai bền vững đến
cùng, kẻ ấy mới được cứu thoát.”
– Để có thể thành công, chúng ta đừng vội phải nhắm ngay đích điểm, nhưng
biết chia thành những giai đoạn với những đích nhỏ hơn. Người kiên nhẫn, tuy chậm,
nhưng bò lâu ngày rồi cũng tới đích.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
19/02/2020 – THỨ TƯ TUẦN 6 TN
Mc 8,22-26
TÌM LẠI ÁNH SÁNG
Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn;
anh thấy tỏ tường mọi sự. (Mc 8,25)
Suy niệm: Đôi mắt sáng giúp người
ta phân biệt người và cảnh vật. Anh mù trong bài Phúc Âm thấy người “như cây cối”
(Mc 8,25), nên biết mình mù lòa, anh đến xin Chúa cứu chữa. Chúa Giê-su làm
phép lạ trả lại cho anh đôi mắt sáng nhờ đó anh thấy tỏ tường mọi sự. Qua phép
lạ này, Chúa Giê-su tỏ ra Ngài là Đấng Thiên Sai đến đem ánh sáng cứu độ cho trần
gian. Ngài là mặt trời chiếu soi những người ngồi trong tối tăm (Lc 1,78).
Chính Chúa Giê-su xác nhận: “Ta là ánh sáng thế gian đến trong thế gian và ai
tin vào ta sẽ không bước đi trong tối tăm” (Ga 12,46).
Mời Bạn: Do tội nguyên tổ lưu truyền,
ai trong chúng ta cũng sinh ra trong tội lỗi. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta được
Chúa Giê-su đưa ra khỏi vùng tối tăm tội lỗi và sự chết để dẫn vào cõi ánh sáng
của ân sủng và sự sống trong Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi từ bỏ những việc
làm đen tối của tội lỗi, và bước đi trong ánh sáng chân lý của Chúa. Nếu không
có ánh sáng Chúa soi dẫn, chúng ta sẽ mù lòa, không nhận thức rõ ràng điều thiện,
điều ác, điều nên làm và điều không nên làm.
Sống Lời Chúa: Tôi sống và hành động dưới
ánh sáng Lời Chúa. Tôi không để cho những dục tình, đam mê đen tối dẫn dắt làm
cho mình ra mù quáng không nhận ra điều Chúa mong muốn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su. Cuộc sống
trên trần gian là cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối. Xin Chúa ban cho con sức
mạnh và ơn khôn ngoan để con bền tâm chiến đấu chống lại thế lực đen tối sự dữ.
Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Suy Niệm : Anh có thấy
gì không?
Suy niệm :
Trong phong trào hướng đạo có ngành Ấu.
Các em thuộc ngành này được gọi là sói con.
Các em sói con qua hai giai đoạn huấn luyện: mở một mắt, rồi mở hai mắt.
Sau khi được mở hai mắt, các em đã tiến bộ về kỹ năng hơn trước nhiều.
Trong bài Tin Mừng hôm qua, Thầy Giêsu đã phàn nàn về sự mù lòa của môn đệ:
“Anh em có mắt mà không thấy sao?” (Mc 8, 18).
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu chữa anh mù ở vùng Bếtsaiđa.
Chuyện này có một số nét giống chuyện Chúa chữa người câm điếc (Mc 7,
31-37).
Cả hai anh đều được người ta đem đến cho Đức Giêsu và xin Ngài đụng đến.
Cả hai anh đều được dẫn đến một nơi riêng và được chữa lành bằng bôi nước
miếng.
Chỉ mình Máccô kể lại hai câu chuyện lý thú trên.
Đức Giêsu đã không chữa người mù khỏi ngay lập tức.
Ngài phải chữa lần thứ hai anh mới thấy rõ hẳn.
Đây là chuyện lạ, vì nơi các sách Tin Mừng, chẳng bao giờ có chuyện như
thế.
Đặc biệt nơi Tin Mừng Máccô, mọi sự đều xảy ra rất nhanh.
Trong chương 1, có 8 từ lập tức (euthus) ở các câu 12, 18, 20, 23, 28,
29, 30, 42.
Sau khi được Đức Giêsu bôi nước miếng trên mắt và đặt tay lần đầu
anh mù mới chỉ thấy lờ mờ, thấy người ta như những cái cây biết đi (c.
24).
Sau khi được Đức Giêsu đặt tay lần thứ hai trên mắt
anh mới thấy tỏ tường mọi sự (c. 25).
Đức Giêsu phải chữa đến hai lần, chắc không phải vì trường hợp này khó
hơn.
Nhưng vì chuyện anh mù được sáng mắt ở đây
tượng trưng cho hành trình mở mắt đức tin của các môn đệ.
Họ sẽ phải đi từng bước một để nhận ra con người của Thầy Giêsu.
Lúc đầu họ chỉ thấy một phần con người Ngài, thấy không rõ như anh mù.
Phải đợi sau này, khi Thầy Giêsu được phục sinh, họ mới thấy Ngài trọn vẹn.
“Anh có thấy gì không?”
Hôm nay Đức Giêsu cũng hỏi chúng ta như vậy.
Hãy để tay Ngài nắm lấy tay ta mà dắt vào chỗ riêng tư kín đáo.
Hãy để Ngài chạm đến sự mù lòa của ta để ta được sáng mắt,
nhờ đó ta thấy được Ngài, thấy được sự thật về mình và về tha nhân.
Nhưng ta cũng cần kiên nhẫn vì con đường giác ngộ là con đường dài.
Chỉ mong hôm nay tôi sáng hơn hôm qua, và ngày mai hơn hôm nay.
Cầu nguyện :
Như thánh Phaolô trên đường về Đamát,
xin cho con trở nên mù lòa
vì ánh sáng chói chang của Chúa,
để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.
Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,
ánh sáng phá tan bóng tối trong con
và đòi buộc con phải hoán cải.
Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối
chỉ vì chút tự ái cỏn con.
Xin cho con khiêm tốn
để đón nhận những tia sáng nhỏ
mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.
Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý
để Chân lý cho con được tự do. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
19 THÁNG HAI
Khám Phá Tận Sâu Thẳm
Con Người Mình
Làm thế nào chúng ta có thể hoán cải, trở về với Thiên Chúa? Hoán cải bắt
đầu bằng việc nhìn lại nội tâm mình và lắng đọng tâm hồn trong sự hiện diện của
Thiên Chúa. Rồi, trái tim và lương tâm bạn có thể bắt đầu sực tỉnh.
“Hãy vào phòng, đóng kín cửa lại”, Đức Giêsu đã dạy chúng ta như thế (Mt
6, 6). Hoán cải trở về với Thiên Chúa – điều đó không thể xảy ra giữa những xao
động chộn rộn của lòng trí. Cần phải hồi tâm và qui hướng về Chúa. Chúng ta phải
khám phá ra con người thật của mình ở mức độ cao nhất và sâu xa nhất.
Tại sao phải khám phá ra con người thật, cao nhất và sâu xa nhất? Bởi vì
sự nhận hiểu này về con người có liên hệ với thế giới tạo vật. Trong tương quan
với tất cả tạo vật chung quanh mình, con người là chủ. Con người được kêu gọi
làm chủ mọi vật và thống trị trái đất. Đây là mệnh lệnh đầu tiên mà con người
nhận được từ Đấng Tạo Hóa.
Thiên Chúa không chỉ trao cho con người địa vị thống trị tạo vật, Ngài
còn định hình con người theo chính hữu thể Ngài. Vì con người cũng là tinh thần,
nên con người có thể đạt đến tầm mức mà mọi tạo vật khác không thể đạt đến được.
Bản tính căn bản của con người – vừa tinh thần vừa thể xác – không cho phép con
người tìm kiếm ý nghĩa cuối cùng duy chỉ nơi những gì là vật chất.
Khát vọng thâm sâu nhất của con người không thể được lấp đầy bởi thế giới
vật chất hữu hình này. Con người cũng không thể gặp được hạnh phúc sâu xa đích
thực ngay cả nơi việc chinh phục tạo vật và nơi việc tăng triển khả năng khám
phá và sáng tạo của mình. Đức Giêsu đã nêu dấu hỏi: “Được cả thế gian thì ích
gì?” (Mt 16, 26). Không, con người không thể lấp đầy khát vọng của mình bằng
con đường ấy.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 19/2
Gc 1,19-27; Mc
8,22-26
Lời Suy Niệm: “Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giêsu sờ vào anh ta.”
Chúa Giêsu chữa mắt
cho người mù ở Bết-sai-đa, cho chúng ta thấy được tình yêu thương của những con
người sống quanh người mù.
Lạy Chúa Giêsu.
Xin cho mỗi người trong chúng con luôn biết thể hiện tình yêu thương trong cầu
nguyện, với việc làm tốt đối với những người đang sống cận kề với chúng con.
Mạnh Phương
19 Tháng Hai
Thiên Chúa Quan Phòng
Người Do Thái thường nói đến sự Quan Phòng của Thiên Chúa bằng mẩu chuyện
như sau: Có hai người bộ hành đi lên đường đi đến một phương xa. Họ dùng một
con lừa để chuyên chở hành lý. Ðể cho con lừa có bạn, họ mang theo một chú gà cồ.
Và đêm đến họ đốt đuốc để soi đường.
Một người bộ hành là một tín hữu rất đạo đức. Trên miệng ông lúc nào cũng có câu nói: “Thiên Chúa là Ðấng tốt lành trong tất cả mọi sự”. Người bạn đồng hành của ông thì lại là một người rất cứng lòng tin. Ông rất bực mình mỗi khi ông nghe người bạn ông thốt lên những lời ca tụng lòng thiện hảo của Thiên Chúa. Lên đường chừng vài phút đồng hồ, ông đã cảnh cáo người bạn có lòng tin như sau: “Rồi đây anh sẽ thấy anh tin Chúa đến độ nào”.
Một người bộ hành là một tín hữu rất đạo đức. Trên miệng ông lúc nào cũng có câu nói: “Thiên Chúa là Ðấng tốt lành trong tất cả mọi sự”. Người bạn đồng hành của ông thì lại là một người rất cứng lòng tin. Ông rất bực mình mỗi khi ông nghe người bạn ông thốt lên những lời ca tụng lòng thiện hảo của Thiên Chúa. Lên đường chừng vài phút đồng hồ, ông đã cảnh cáo người bạn có lòng tin như sau: “Rồi đây anh sẽ thấy anh tin Chúa đến độ nào”.
Trước khi mặt trời lặn, họ đến một ngôi làng nhỏ. Họ tìm một nơi để qua đêm.
Họ gõ cửa khắp nơi, nhưng không có ai đón tiếp họ. Cuối cùng họ đành phải ra khỏi
làng và tìm đến bìa rừng để qua đêm. Trong cảnh màn trời chiếu đất, người bạn cứng
lòng tin mới thốt lên: “Nào, Chúa của anh có tốt không?”. Người bạn đồng hành
luôn tin tưởng ở Chúa quan phòng bình tĩnh đáp lại: “Ðây là chỗ tốt nhất Chúa
dành cho chúng ta ngủ qua đêm này”. Ðêm đó, họ nằm ngủ dưới một gốc cây lớn nằm
sát bìa rừng. Họ cột chú lừa vào một gốc cây gần đó. Họ chưa kịp đốt lên ngọn
đuốc thì một tiếng mạnh từ xa vang lại. Thì ra, chỉ trong chớp nhoáng, một chú
sư tử đã đến cắn xé con lừa và mang đi. Vừa thương tiếc cho chú lừa, vừa lo sợ
cho thân phận của mình, hai người bộ hành chỉ còn biết leo lên cây để tránh tai
họa.
Vừa tức giận, vừa mỉa mai, người bạn cứng lòng tin mới thốt lên: “Nào,
Chúa của anh còn tốt nữa không?”. Người tín hữu ngoan đạo dõng dạc tuyên bố: “Nếu
con sư tử không bắt gặp con lừa trước, thì chắc chắn nó đã bổ nhào trên chúng
ta rồi. Chúa là Ðấng tốt lành”.
Một vài phút sau, con gà cồ bỗng kêu la thất thanh. Hai người bộ hành mới
trèo cao hơn. Họ nhận ra con gà cồ đang nằm trong nanh vuốt của một chú mèo rừng.
Người bạn cứng lòng tin chưa kịp thốt ra một lời cay đắng nào, thì người tín hữu
ngoan đạo đã chúc tụng như sau: “Tiếng kêu thất thanh của con gà cồ lại một lần
nữa giúp chúng ta thoát nguy hiểm. Cám ơn Chúa là Ðấng tốt lành”.
Họa vô đơn chí. Chỉ vài phút sau đó, một cơn gió mạnh ùa đến, ngọn đuốc bỗng
tắt ngụm đưa hai người vào trong cảnh tối tăm ghê rợn. Lần này con người cứng
lòng tin lại lên tiếng mỉa mai như sau: “Xem chừng như Chúa của anh làm việc phụ
trội trong đêm nay”. Lần này, người tín hữu ngoan đạo chỉ biết giữ thing lặng.
Sáng hôm sau, hai người mon men trở lại làng để mua thức ăn. Họ mới hay
biết rằng đêm hôm đó một băng cướp đã vào làng và họ đã vơ vét tất cả tài sản của
dân làng. Nhìn cảnh tượng hoang tàn của ngôi làng và nhìn lại sự toàn vẹn của
mình, người tín hữu ngoan đạo mới đắc thắng giải thích cho người bạn như sau:
“Anh đã chứng kiến từ đầu đến cuối. Giá như đêm hôm qua, chúng ta thuê được một
chỗ trọ trong làng, thì có lẽ chúng ta cũng không thoát khỏi tay của bọn cướp.
Nếu cơn gió lớn không làm tắt ngọn đuốc của chúng ta, thì hẳn bọn chúng đã nhìn
thấy chúng ta. Bạn thấy chưa, trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa là Ðấng thiện hảo”.
Tin ở Thiên Chúa quan phòng không có nghĩa là bảo rằng tất cả mọi tai họa
rủi ro xảy đến trong cuộc sống đều do Chúa gửi đến, nhưng có nghĩa là, khi đứng
trước một bất hạnh mà mình không thể tránh khỏi, chúng ta phải tin rằng Thiên
Chúa thiện hảo và quyền năng đến độ có thể biến sự bất hạnh ấy thành khởi điểm
của một hồng ân cao cả hơn.
Trong ánh sáng Phục Sinh của Ðức Kitô, chúng ta được mời gọi để nhìn vào
biến cố trong cuộc sống bằng cái nhìn lạc quan và tin tưởng ấy. Cái chết ô nhục
của Ðức Kitô trên thập giá quả là một bất hạnh và là một tội ác, nhưng Thiên
Chúa quyền năng và yêu thương đã biến thành khởi điểm của nguồn ơn cứu thoát.
Giữa muôn nghìn thử thách và đớn đau của cuộc sống, chúng ta hãy tin tưởng
rằng Thiên Chúa đang dành cho chúng ta một ân huệ cao cả hơn ngoài sự chờ đợi của
chúng ta. Chúng ta hãy xưng tụng tình yêu quan phòng của Ngài.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét