Bà Anuradha Koirala và việc
giải cứu 18 ngàn phụ nữ thoát khỏi ngành công nghiệp tình dục
Phụ nữ Nepal (ANSA) |
Từ một cuộc đời bị tổn thương với nhiều đau khổ, là nạn nhân
của bạo lực hôn nhân nhưng đã trở thành ân nhân, người giúp các phụ nữ thoát khỏi
những hoàn cảnh đau thương, đó là câu chuyện của bà Anuradha Koirala người được
gọi là Mẹ Têrêsa của Nepal.
Ngọc Yến - Vatican
Năm nay (2020) bà Anuradha Koirala đã 70 tuổi nhưng trong mấy
chục năm qua bà đã một mình rảo quanh trên đường phố để cứu và chuộc lại những
phụ nữ trẻ bị tổn thương. Khi được hỏi nguồn cảm hứng, động lực nào thúc đẩy bà
làm việc bác ái này. Bà trả lời chính là Mẹ Têrêsa thành Calcutta.
Vào những năm 90, mỗi sáng Bà Koirala thường đi bộ xung
quanh ngôi đền Pashupatinath ở Kathmandu và bà gặp các phụ nữ ăn xin ở đó. Sau
khi trò chuyện với họ, bà phát hiện ra rằng các phụ nữ này phải ngồi đây ăn xin
vì họ bị chồng đánh đập và phải trốn ra đây. Nghe những điều này bà thực sự xúc
động vì bản thân đã từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, bà hiểu rõ nỗi đau
thương này và tự nhủ lòng phải làm điều gì cho cho các phụ nữ này.
Bà kể lại: “Tôi bị đánh mỗi ngày, bị sảy thai ba lần. Vào thời
điểm đó rất khó khăn, tôi không biết phải đi đâu và nói với ai”.
Bà Koirala bắt đầu với một nhóm gồm tám phụ nữ, bà khuyến
khích họ ngừng ăn xin. Bà giúp mỗi người 1.000 rupe để có vốn làm việc. Rồi từ
từ những người đã thành công tiếp tục trợ giúp những người khác.
Từ những phụ nữ này, năm 1993, bà thành lập Maiti Nepal, một
tổ chức phi lợi nhuận trợ giúp phụ nữ và trẻ em bị khai thác. Cái tên
"Maiti" tạm dịch là "nhà cha mẹ của thiếu nữ". Đối với các
phụ nữ bị ngược đãi, Maiti có thể trở thành một ngôi nhà, một nơi ẩn náu thực sự
cho họ.
Tổ chức này mang đến cho phụ nữ cơ hội học hỏi các kỹ năng mới,
quản lý các chiến dịch nâng cao nhận thức và các chương trình trao quyền. Vào
năm 2012, với sự giúp đỡ của cơ quan thực thi pháp luật địa phương, tổ chức đã
giải cứu 18.000 cô gái và bà Koirala không có ý định dừng lại. Bà chia sẻ:
"Khi tôi thấy nỗi đau của họ, ngoài nỗi đau thể xác còn là nỗi đau tinh thần,
điều đáng lo ngại đến mức tôi không thể quay lưng lại. Điều này cho tôi sức mạnh
để chiến đấu và xóa bỏ tội ác này".
Tổ chức của bà cũng quản lý các chiến dịch nâng cao nhận thức
và các sáng kiến đào tạo chuyên nghiệp cho các phụ nữ đã được giải cứu. Mục
đích là để khuyến khích một khoản tiền chuộc cho họ, để họ có thể có một cuộc sống
tự lập và đem lại những điều thiện ích cho xã hội.
Đế cứu số lượng lớn các phụ nữ trở thành nô lệ tình dục ở Ấn
Độ, tổ chức này còn kêu gọi những phụ nữ đã từng là nạn nhân thực hiện các cuộc
điều tra giám sát để xác định các nạn nhân mới của nạn buôn người.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua bà con mở một quán cà phê ở
Kathmandu, nơi đây các phụ nữ đã được giải cứu có thể tìm việc làm như phục vụ
bàn, pha chế hoặc thu ngân.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, Tổ chức Maiti Nepal còn quản
lý ba cơ sở gọi là nhà phòng ngừa. Tại đây các thiếu nữ được học hỏi, dạy để biết
cách phòng ngừa cho chính mình, để không bị những kẻ buôn người dụ dỗ. Bà còn
cho mở hai trung tâm dành cho các trẻ mồ côi và trường học cho khoảng một ngàn
em.
Maiti Nepal cũng làm việc để đoàn tụ những người phụ nữ được
giải cứu cùng với gia đình của họ, tuần tra biên giới Ấn Độ-Nepal với cảnh sát
và các cơ quan thực thi pháp luật khác và cũng giải cứu những phụ nữ bị buôn
bán từ các nhà thổ ở Ấn Độ với sự giúp đỡ của chính quyền Ấn Độ. Bà đã giúp cảnh
sát điều tra bắt giữ hơn 700 người có liên quan đến tội phạm buôn người.
Trong những năm hoạt động xã hội, bà Koirala đã nhận được sự
ủng hộ của nước ngoài, nhận được 500.000 đô la từ chính phủ Hoa Kỳ, nhận được
nhiều giải thưởng khác nhau và cũng tham gia đảng Quốc hội Nepal vào năm 2017.
Tuy nhiên, thực tế thành công lớn nhất của bà có lẽ là chúng ta gọi bà là
"Mẹ Têrêsa của Nepal".
https://www.vaticannews.va/vi
https://www.vaticannews.va/vi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét