Diễn đàn tôn giáo tại
Malaysia
Malaysia |
Trong những ngày vừa qua, Đức Tổng Giám mục Simon Poh và cha
Felix Au của giáo phận Kuching, bang Sarawak, đã tham gia Diễn đàn tôn giáo thường
niên lần thứ 12 tại Trung tâm Thông tin Hồi giáo. Điều này cho thấy Giáo hội
Công giáo bang Sarawak, Malaysia luôn nỗ lực thúc đẩy sự hòa hợp liên tôn trong
xã hội.
Ngọc Yến - Vatican
Diễn đàn là một cơ hội tốt cho việc trao đổi và thảo luận nhằm
giải quyết các vấn đề quan trọng của các cộng đoàn tôn giáo ở Malaysia. Năm
nay, đại diện của các cộng đoàn tôn giáo trong khu vực đã tập trung thảo luận về
chủ đề: “Hòa bình, tình yêu và đức tin: nền tảng của một xã hội hài hòa”.
Tại Diễn đàn, cha Felix Au đã trình bày quan điểm của Kitô
giáo và tầm quan trọng của việc yêu mến Chúa và người thân cận, nhằm mang lại
“hoa trái của tình yêu” là hòa bình. Cha nói: “Yêu mến Thiên Chúa là điều răn
quan trọng nhất trong tất cả các điều răn. Biểu hiện thực tế của việc yêu mến
Chúa có mối liên hệ chặt chẽ với điều răn quan trọng khác: yêu thương người
thân cận như chính mình”. Cha cũng trích dẫn dụ ngôn Người Samari nhân hậu, áp
dụng vào bối cảnh của Malaysia và hy vọng mỗi người “có thể cởi mở, khiêm tốn
và tôn trọng các anh chị em khác”. Cha nói: “Mục tiêu của đối thoại tôn giáo
không phải là để có được cuộc thảo luận tốt hơn hay làm cho người đối thoại
thay đổi tôn giáo, mà là đến với nhau trong hòa bình, hiểu biết và tôn trọng
nhau hơn”.
Đại diện Đạo giáo, lãnh đạo Desmond Tan đã nhấn mạnh về “tầm
quan trọng của việc hòa hợp với thiên nhiên”. Và Gurdial Singh, đại diện cho
tôn giáo Sikh nói “nuôi dưỡng tình yêu trong chính mình và tình yêu dành cho
Chúa là chìa khóa để đạt được hòa bình”. Ngoài ra, Diễn đàn còn lắng nghe những
ý kiến của các đại diện của các tín đồ Hồi giáo.
Các vị lãnh đạo đều cho rằng bầu khí hiểu biết và hiệp nhất,
ở cấp độ văn hóa và tôn giáo ở bang Sarawak là một ví dụ điển hình cho xã hội
Malaysia. Một điều quan trọng khác nữa mà các vị lãnh đạo đều đồng ý, đó là việc
chính quyền dân sự cần thúc đẩy các chính sách hội nhập và thực hành xã hội
trong việc quản lý tôn giáo và quan hệ liên sắc tộc trong nước. Ngoài ra, liên
quan đến việc bảo vệ sự hài hòa giữa các tôn giáo, cần phải đưa ra ánh sáng những
ai có ý tưởng xuyên tạc tôn giáo và tìm kiếm sự đồng thuận trong việc bầu cử.
Người dân Malaysia được mời gọi nhận biết những cạm bẫy như thế. Trong lãnh vực
đức tin, văn hóa và sắc tộc, luôn phải có tinh thần khoan dung, tôn trọng và
tin tưởng người khác. Để đạt được điều này, cần phải tiếp tục cố gắng hiểu biết
lẫn nhau, chống lại những ý tưởng quá khích và cực đoan.
Malaysia là một quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tôn
giáo, với dân số gần 32 triệu người, trong đó hơn 60% là người Hồi giáo Maaya;
Công giáo chiếm 4% dân số. (Fides 19/2/2020)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét