Trang

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

Sự Tự do của Kitô hữu, Khảo luận của Martin Luther: Xác minh của Tòa Thánh về học lý công chính hóa


Sự Tự do của Kitô hữu, Khảo luận của Martin Luther: Xác minh của Tòa Thánh về học lý công chính hóa
Vũ Văn An


Xác minh của Tòa Thánh về học lý công chính hóa

Chúng tôi nhận thấy khảo luận “Sự Tự Do của Kitô Hữu” có nhiều tầm nhìn thấu suốt về đức tin đến nỗi nếu bỏ được cụm từ “chỉ...mà thôi” trong công thức cốt lõi và nổi tiếng của Luther “công chính hóa chỉ nhờ đức tin mà thôi”, và các chỉ trích có tính bút chiến nhắm vào ngôi vị giáo hoàng Rôma thì đây là một khảo luận hàng đầu về đức tin mà Kitô hữu nào cũng nên học hỏi. Chúng tôi cho chuyển khảo luận sang tiếng Việt vì nghĩ rằng đức tin của người tín hữu Việt Nam đã trưởng thành đủ để không bị chao đảo trước các sai lầm minh nhiên hay mặc nhiên ẩn nấp đàng sau các trước tác Thệ Phản. Vả lại, muốn phê phán cho chính xác quan điểm của họ, ta cần biết thực ra họ nói gì. Đàng khác, nay là lúc, Giáo Hội đã nhìn ra các đóng góp đáng kể của Luther song song với các thiếu sót sai lầm của Ông. Muốn cổ vũ phong trào đại kết để hy vọng một ngày nào có được sự hợp nhất hữu hình, người tín hữu cũng nên bước theo chân Huấn Quyền để khám phá cả các ưu điểm lẫn khuyết điểm của các giáo hội anh em.

Tuy nhiên, trước khi đi vào chính khảo luận của Luther, tưởng nên nhắc lại: sau nhiều năm đối thoại tích cực, năm 1999, Tòa Thánh và Liên Đoàn Luther Thế giới đã đạt được một thỏa thuận về học lý Công Chính Hóa. Tuyên bố chung đã được công bố vào ngày 31 tháng Mười năm 1999. Kèm theo Tuyên Bố chung này, còn có 1 phụ lục, và hai tuyên bố riêng của mỗi Giáo Hội, cho thấy đây là 1 vấn đề chưa hẳn đã được giải quyết dứt khóat.

Thực vậy, trong “Trả Lời của Giáo Hội Công Giáo Đối Với Tuyên Bố Chung của Giáo Hội Công Giáo Và Liên Đoàn Lutherô Thế Giới Về Học Lý Công Chính Hóa”, Giáo Hội Công Giáo cho rằng Tuyên Bố Chung xác nhận nhiều điểm trùng hợp nhau nhưng vẫn còn nhiều điểm khác biệt nhau về học lý công chính hóa. Bởi thế, Giáo Hội Công Giáo xin minh xác một số điểm quan trọng. Trong phạm vi của chúng ta, các điểm sau đây có liên hệ:

Thứ nhất: đối với Giáo Hội Công Giáo, trong phép rửa, mọi tội lỗi được cất bỏ, nên, nơi người tái sinh không còn gì đáng ghét đối với Thiên Chúa nữa. Nên công thức “là người công chính và đồng thời là người tội lỗi” như được giải thích trong số 29: “các tín hữu hoàn toàn công chính, theo nghĩa Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của họ nhờ Lời và Bí Tích... Tuy nhiên, nhìn vào chính họ, họ cũng nhận thấy họ vẫn hoàn toàn là các tội nhân. Tội lỗi vẫn sống trong họ” là điều không thể chấp nhận được.
........

Thứ ba, tuy Công Giáo và người Lutherô đều nhất trí rằng đời sống mới phát sinh từ lòng Thiên Chúa thương xót chứ không do bất cứ công trạng nào của chúng ta, nhưng như thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô (5:17) đã viết, lòng Chúa thương xót đem đến một sáng thế mới và do đó làm cho con người có khả năng đáp trả ơn phúc của Thiên Chúa, hợp tác với ơn thánh. Về phương diện này, Giáo Hội Công Giáo hài lòng ghi chú rằng số 21, phù hợp với điều 4 của Sắc lệnh về Công Chính Hóa của Công Đồng Trent (DS 1554) quả quyết rằng con người có thể từ khước ơn thánh; nhưng cũng phải khẳng định rằng, với tự do từ khước này, cũng có khả năng tuân theo thánh ý Thiên Chúa, một khả năng có tên rất đúng là “cooperatio” (hợp tác). Khả năng mới này được ban cho trong sáng thế mới không cho phép chúng ta dùng kiểu nói “chỉ có tính thụ động” (số 21) trong đồng văn này. Thành thử, số 24 khi nói rằng “hồng ân ơn thánh Thiên Chúa trong công chính hóa vẫn luôn độc lập đối với sự hợp tác của con người” phải được hiểu là ơn thánh này không lệ thuộc việc làm của con người, chứ không theo nghĩa công chính hóa có thể diễn ra không có sự hợp tác của con người. Cả số 19 theo đó tự do của con người “không phải là tự do trong tương quan với sự cứu rỗi” cũng phải liên hệ tới việc con người không thể đạt tới công chính hóa bằng cố gắng riêng của họ.

Hơn nữa, Giáo Hội Công Giáo chủ trương rằng việc làm tốt của người đã được công chính hóa luôn luôn là hoa trái của ơn thánh. Nhưng đồng thời, và không cách chi giảm thiểu sáng kiến hoàn toàn của Thiên Chúa, chúng cũng là hoa trái của con người, đã được công chính hóa và biến đổi bên trong. Do đó, chúng ta có thể nói sự sống đời đời, cùng một lúc, vừa là ơn thánh vừa là phần thưởng được Thiên Chúa ban vì việc làm tốt và công đức. Học lý này là kết quả của sự biến đổi bên trong của con người mà chúng tôi đã nhắc đến ở số 1 “nhận định” này...

Bản minh xác cũng nhấn mạnh rằng cần nhiều suy tư hơn nữa để đi đến thoả thuận chung nhiều hơn. Việc suy tư này nên dựa vào toàn bộ Tân Ước chứ không chỉ các thư của Thánh Phaolô mà thôi. Vả lại, ngay các thư Thánh Phaolô cũng nhắc đến các khía cạnh quan trọng khác như tư cách con cái và thừa hưởng gia nghiệp của tín hữu (Gl 4:4-7; Rm 8:14-17).

Riêng về vấn đề “việc làm tốt”, Luther không quên nhấn mạnh đến sự cần thiết của nó, không phải để được công chính hóa, nhưng vẫn là những bổn phận đích thực của một Kitô hửu đích danh, vì trong khảo luận này, chính Ông đã viết như sau:

“Đó là điều biến việc chăm sóc thân xác thành một việc làm của Kitô hữu, nghĩa là nhờ có sức khỏe và tiện nghi, chúng ta có thể làm việc, mua sắm, và để dành quĩ để giúp đỡ người túng thiếu, nhờ cách này, chi thể mạnh có thể phục vụ chi thể yếu hơn, và chúng ta có thể trở nên con cái Thiên Chúa, mỗi người biết chăm sóc và làm việc cho người khác, mang gánh nặng của nhau và nhờ thế chu toàn lề luật của Chúa Kitô (Gl 6:2). Đó mới là cuộc sống Kitô hữu đích thực. Ở đây, đức tin thực sự tích cực nhờ tình yêu (Gl 5:6), nghĩa là, nó tìm được biểu thức trong các việc làm trong việc phục vụ tự do nhất, thực hiện một cách vui vẻ và đầy yêu thương, với tình yêu này, người ta sẵn lòng phục vụ người khác không hy vong được ban thưởng; và cho riêng họ, họ hoàn toàn hài lòng với sự viên mãn và phong phú của đức tin”.

Như trên đã nói, về phần mình, cái nhìn của Giáo Hội Công Giáo đối với chính Martin Luther đã thay đổi rất nhiều và với một vận tốc ngày càng nhanh hơn dưới triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô. Năm 1983, nhân kỷ niệm 500 năm ngày sinh của Luther, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã giảng tại một nhà thờ Luthêrô ở Rôma. Dịp ấy, ngài gọi Luther là một người “có lòng đạo sâu sắc” luôn được “thúc đẩy bởi việc khảo sát ơn cứu rỗi đời đời”. Tại Erfurt năm 2011, Đức Bênêđíctô XVI cho hay: tâm điểm nền thần học của Luther là Kitô học. Với ông, Thiên Chúa chân thật và sống động không còn là một giả thuyết triết học nữa. Thiên Chúa ấy có một bộ mặt, và Người đã lên tiếng với chúng ta. Người trở nên một người giữa chúng ta dưới cái tên Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật. Suy tư của Luther, trọn nền linh đạo của ông, hoàn toàn là qui Kitô: ‘điều gì cổ vũ chính nghĩa của Chúa Kitô’, với Luther, đều là tiêu chuẩn giải thích dứt khoát đối với khoa giải thích sách thánh”.

Thực ra từ năm 1939, Linh mục Joseph Lortz, Dòng Tên, tác giả cuốn The Reformation in Germany (Phong Trào Cải Cách tại Đức), vốn dọn đường cho Sắc lệnh về Đại Kết, Unitatis Redintegratio (21 tháng 11 năm 1964) của Vatican II, đã cho rằng “Trong chính ông, Luther đã vật lộn và ném bỏ thứ Đạo Công Giáo không Công Giáo chút nào”.

Trong một tường trình dài 276 trang tựa là The Reformation in Ecumenical Perspective (Phong Trào Cải Cách trong Viễn Ảnh Đại Kết) của Ủy Ban Đại Kết, Hội Đồng Giám Mục Đức, để kỷ niệm 500 năm Phong Trào Cải Cách, Martin Luther được ca tụng như một “chứng nhân Tin Mừng và là thầy dậy đức tin”.

Đức Cha Farrell, Thư Ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo, rất đúng khi nhận định rằng: điều rõ ràng là Luther nói sự thật khi ông phản kháng nhiều lạm dụng trong Giáo Hội, những lạm dụng mà Công Đồng Trent thời đó đã cố gắng sửa chữa. Trong các cuộc đấu tranh và tranh chấp tiếp theo sau Cuộc Cải Cách, hai bên trở nên cứng rắn trong việc bác bỏ nhau “đến nỗi ý niệm cho rằng Luther đúng” trong một số vấn đề đã bị mất hút.

Còn Đức Phanxicô? Phát biểu đáng lưu ý của ngài là trong cuộc họp báo trên không trên đường từ Armenia trở về Rôma hồi tháng 6 năm 2016: “Tôi nghĩ rằng các ý hướng của Martin Luther đã không lầm lẫn. Ông là một nhà cải cách. Có lẽ một số phương pháp không đúng. Nhưng vào thời đó... Giáo Hội chính xác không phải là một mẫu mực để noi theo... và ông phản đối việc này. Rồi ông thông minh... đưa ra một số biện pháp... Còn ngày nay, người Luthêrô và người Công Giáo, người Thệ Phản, tất cả chúng ta đều đồng ý về học lý công chính hóa. Về điểm này, một điểm quan trọng, ông không lầm. Ông tạo thuốc chữa cho Giáo Hội”.

Sau đó mấy tháng, Đức Phanxicô đích thân qua Lund, Thụy Điển, mừng 500 năm việc thành lập Phong Trào Thệ Phản do Martin Luther khởi xướng, một biến cố có chủ đề là “Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông” với lời cầu nguyện chung khởi đầu bằng việc cảm tạ Chúa “về các hồng phúc của Phong Trào Thệ Phản”. Ngày 1 tháng 4 năm 2017, trong gặp gỡ các tham dự viên cuộc hội thảo tại Vatican do Uỷ Ban Giáo Hoàng về Khoa học Lịch Sử tổ chức với chủ đề: “Luther: 500 Năm Sau: Việc Hiểu Lại Cuộc Cải Cách Luther trong Bối Cảnh Lịch Sử Giáo Hội", Đức Phanxicô nói rằng “Việc nghiên cứu nghiêm túc về nhân vật Luther và sự phê bình của ông đối với Giáo Hội và triều giáo hoàng thời đó chắc chắn sẽ góp phần vượt thắng bầu khí không tin tưởng lẫn nhau và tranh cãi mà đã quá lâu đánh dấu trên các mối quan hệ giữa Công Giáo và Tin Lành”.

Ngài nói thêm: “một sự nghiên cứu chú tâm và nhiệt thành, thoát khỏi thành kiến và những vấn đề” là cách đúng đắn để tìm kiếm “tất cả mọi điều tích cực và hợp pháp trong Cuộc Cải Cách, trong khi tách bản thân chúng ta ra khỏi những sai lỗi, những thái cực và những thất bại, và nhìn nhận tội lỗi dẫn đến sự chia rẽ”.

Với các “caveat” (thận trọng) như trên, xin mời qúy độc giả đọc chính khảo luận của người sáng lập ra Phong Trào Thệ Phản trong Kitô Giáo, chuyển sang tiếng Việt từ bản tiếng Anh trong bộ The Great Ideas Today, 1962, của Nhà Xuất Bản The Encyclopaedia Britannica, Inc.

Kỳ sau: Sự Tự Do của Kitô Hữu, khảo luận của Martin Luther

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét