03/01/2016
Chúa Nhật Lễ
Chúa Hiển Linh năm C.
Lễ Trọng. Lễ HỌ.
Cầu cho giáo dân.
(phần II)
Phụng vụ Lời Chúa:
Chúa Nhật Lễ Hiển Linh - Năm C
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA HIỂN LINH
(Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12)
(Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12)
ƠN CỨU ĐỘ PHỔ QUÁT
“Chúng tôi đã thấy vì sao của
Người
xuất hiện bên phương Đông,
nên chúng tôi đến bái lạy Người”
(Mt 2, 2)
xuất hiện bên phương Đông,
nên chúng tôi đến bái lạy Người”
(Mt 2, 2)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Is
60,1-6)
Bài
đọc I hôm nay nằm trong những chương của sách ngôn sứ Isaia nói hoàn toàn về ơn
cứu độ. Trong các chương 60-62 này, chúng ta không đọc thấy những lời kết tội
hay đe dọa, cũng không có điều kiện cho những người đón nhận ơn cứu độ ngoài
lòng muốn đón nhận ơn cứu độ. Do đó, bài đọc hôm nay là một bài ca tuyệt vời
tràn ngập niềm vui, niềm hi vọng của ơn cứu độ. Nó diễn tả cảnh huy hoàng của
thành Sion vào ngày Đức Chúa xuất hiện. Sion bừng sáng không phải tự nó, nhưng
là nhờ ánh sáng của Đức Chúa. Các dân tộc đang sống trong bóng tối của đau khổ
tội lỗi sẽ lần bước tìm về với ánh sáng của Sion, vì đó chính là ánh sáng cứu
độ mà Thiên Chúa mang đến. Hình ảnh các dân tộc kéo về Giêrusalem cùng với muôn
vàn thú vật và vàng bạc trầm hương diễn tả sự giàu có sung túc và hạnh phúc của
thành thánh trong ngày Đức Chúa xuất hiện.
Hình
ảnh ánh sáng và vinh quang thường gặp thấy trong các Thánh vịnh ca ngợi vương
triều của Thiên Chúa, hát mừng ngày đăng quang của Đức Chúa. Trong Is 6,3-5
ngôn sứ Isaia cũng đã nói về vinh quang của Đức Chúa được tỏ hiện khi vương
quốc của Người được thiết lập và khi vương quyền Người được loan báo ở Sion.
Bài đọc hôm nay công bố sự thiết lập vương triều của Đức Chúa ở Giêrusalem qua
sự xuất hiện của ánh sáng và vinh quang của Người. Và khi đó các dân sẽ tìm về
theo ánh sáng của Người để được ơn cứu độ. Ánh sáng của Người chiếu soi mọi
dân, soi những người đang ngồi trong bóng tối; vinh quang của Người nâng dậy
những ai mệt mỏi rã rời. Mọi người đến với Người để được yêu thương che chở và
cùng chia sẻ những hạnh phúc và niềm vui. Ở Giêrusalem, thành đô Sion, Thiên
Chúa quy tụ và mang đến niềm vui và ơn cứu độ cho mọi người tìm đến với Người,
không phân biệt màu da tiếng nói hay giai cấp địa vị. Mọi người cùng được mời
gọi vui lên, bừng sáng lên cùng Sion, cùng Giêrusalem, thành đô thiên quốc
trong ngày Đức Chúa xuất hiện.
2. Bài đọc II (Ep
3,2-3a.5-6)
Thánh
Phaolô trong bài đọc II đã khẳng định rằng ơn cứu độ không dành riêng cho dân
Do thái theo huyết thống, nhưng cả những người dân ngoại, những người không
phải là Do thái, cũng được “cùng thừa kế gia nghiệp với người Do thái, cùng làm
thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”. Dân mới của Đức Chúa,
dân Người quy tụ trong thành Giêrusalem thiên quốc sẽ bao gồm mọi sắc dân thuộc
mọi ngôn ngữ, tất cả những ai tin vào Người. Họ không phải chỉ là những thành
phần thêm vào trong dân của Thiên Chúa, nhưng chính là những người đồng thừa
hưởng gia nghiệp và phúc lành mà Thiên Chúa đã hứa ban, điều mà Người đã mạc
khải cho các thánh Tông đồ và ngôn sứ.
3. Bài Tin Mừng (Mt
2,1-12)
Đoạn
Tin Mừng theo thánh Mátthêu chúng ta vừa nghe tường thuật lại việc các nhà
chiêm tinh theo ánh sao đi tìm Hài Nhi Giêsu vừa chào đời và cuộc gặp gỡ của họ
với Vua Hêrôđê và các nhà lãnh đạo Do thái. Đoạn Tin Mừng thuật lại những hình
ảnh, những thái độ và những hành động trái ngược của các nhà chiêm tinh và “dân
Do thái” trước sự kiện ngôi sao lạ xuất hiện báo tin sự ra đời của Đức Vua dân
Do thái.
Trước
hết, các nhà chiêm tinh là những học giả Đông phương, thông thạo chiêm tinh; có
thể họ đã biết về trào lưu chờ đợi Đấng Mêsia nơi dân Do Thái, nên khi thấy
ngôi sao lạ xuất hiện, họ đã nghĩ đến “Vua dân Do thái”, Đấng Mêsia đã đến.
Truyền thống sau này đã nghĩ rằng họ là ba vị vua với ba loại lễ vật khác nhau;
người ta còn gán cho các vị ấy tên Gaspar, Balthasar và Melchior. Các nhà chiêm
tinh nhìn thấy ánh sao xuất hiện bên phương Đông nên đã đi tìm, nhưng vì không
biết chính xác nơi Đấng Mêsia sẽ xuất hiện nên họ đã đến hỏi Vua Hêrôđê về nơi
Đức Vua dân Do thái mới sinh. Được Vua Hêrôđê dặn dò họ đã tiếp tục ra đi, và
ngôi sao họ nhìn thấy trước kia đã tiếp tục hướng dẫn họ đến tận nơi Hài Nhi
đang ở. Nhìn thấy Hài nhi, họ đã lấy lễ vật để dâng tiến Người.
Những
nhà chiêm tinh là những người dân ngoại, chỉ biết về Đấng Mêsia qua những kiến
thức không chắc chắn, nhưng họ đã khao khát, mau mắn tìm kiếm Đấng Mêsia, nên
đã đi tìm hiểu để có thể gặp được Người. Họ ra đi ngay trong đêm vì nao nức tìm
gặp Hài nhi, vì có ánh sao chỉ đường cho họ. Gặp được Hài Nhi họ đã nhận ra đây
chính là vị Cứu Thế nên đã bái lạy và dâng những lễ vật thường được dâng tiến
cho một vị Vua. Những người ngoại giáo này đã tìm gặp được Đấng cứu Thế nhờ
lòng chân thành yêu mến của mình.
Còn
Vua Hêrôđê và các nhà lãnh đạo khác thì sao? Họ đã phản ứng hoàn toàn trái
ngược với các nhà chiêm tinh. Phản ứng đầu tiên chúng ta đọc thấy chính là sự
bối rối của Vua Hêrôđê, cũng như tâm trạng xôn xao của dân thành Giêrusalem. Họ
không vui mừng như các nhà chiêm tinh, không ra đi tìm Hài Nhi, nhưng lại lo
lắng. Vì sao? Vì sự xuất hiện của Vua dân Do thái sẽ đe dọa ngai vàng của Vua
Hêrôđê, vì sự xuất hiện của vị Vua mới đòi những thay đổi nơi dân chúng. Họ cảm
thấy bất an sợ hãi. Chính dân Do thái là những người đã được mạc khải, được
loan báo về sự ra đời của Đấng chăn dắt Israel. Họ đã biết những lời các ngôn
sứ loan báo về sự ra đời của vị Mục tử này. Họ đã có thể giải thích cho các nhà
chiêm tinh và hướng dẫn các vị này đi đến Bêlem để gặp Hài Nhi, còn chính họ
thì dửng dưng trước sự kiện này, hay đúng hơn họ đang có những tính toán, lo
lắng cho cuộc đời của mình.
Nếu
như các nhà chiêm tinh đã để cho ánh sao của Đấng Cứu Thế hướng dẫn mình, để
cho những lời Thánh kinh soi sáng mình, thì ngược lại, Vua Hêrôđê cùng các
thượng tế và kinh sư lại nhắm mắt, bịt tai trước các mạc khải, các sứ điệp và
các lời mời gọi về tin vui cứu độ. Các nhà chiêm tinh là những đại diện của dân
ngoại, đã trở thành những người đón nhận ơn cứu độ. Ngược lại, Vua Hêrôđê và
các nhà lãnh đạo Do thái, những người thừa hưởng lời hứa cứu độ, lại tự đặt
mình ra ngoài chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đã trở nên thù địch với ơn
cứu độ.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Các
nhà chiêm tinh đã nhận được sự thúc đẩy đầu tiên khi nghiên cứu thiên văn. Đến
Giêrusalem, các vị lại nhận được một thông tin chính xác hơn rút từ Kinh Thánh.
Các vị đã can đảm lấy quyết định lên đường và cứ dò dẫm từng bước, và Thiên
Chúa đã dẫn dắt các vị đạt tới mục tiêu bằng “ngôi sao” dẫn đường. Bởi vì các
vị không kháng cự lại và không quản ngại mệt nhọc, trái lại đã chấp nhận được
hướng dẫn, các vị đã vui sướng đạt tới mục tiêu. Thiên Chúa luôn đáp ứng những
ai tha thiết tìm ơn cứu độ, dù đôi khi người trong cuộc cảm thấy đường đi không
rõ và mục tiêu mịt mù. Chúng ta có khao khát tìm kiếm Thiên Chúa như các nhà
chiêm tinh không? Giữa những nghi ngại của thế giới hôm nay, giữa những trào
lưu dửng dưng tôn giáo và tục hóa mọi điều thánh thiêng, chúng ta có còn kiên
vững theo Chúa không?
2. Các
nhà chiêm tinh không thấy vinh quang hay uy quyền của Hài Nhi Giêsu, nhưng các
vị đã bái lạy mà nhìn nhận Người là Chúa tể, là Đức Vua và vị Mục Tử của Dân
ngoại, vì các vị tin. Đức tin cần thiết cho từng bước đi tới chỗ nhận biết Đức
Chúa. Mỗi khi chúng ta cảm thấy lạc lối trong đời sống đạo, không nhìn thấy
Chúa hay cảm thấy không có Chúa trong cuộc đời mình, thử xét lại xem mình có
xác tín, có đủ niềm tin để nhận ra Chúa trong những điều xem ra tầm thường hay
ngay cả không thể chấp nhận được.
3. Hình
ảnh các nhà chiêm tinh đến gặp Vua Hêrôđê để được biết thêm về nơi sinh của Vua
dân Do thái, Đấng Mêsia cũng nhắc chúng ta về nghĩa vụ giới thiệu về Đấng Cứu
Thế cho những ai chưa nhận biết Người. Chúng ta đã chuẩn bị cho mình một sự
hiểu biết cần thiết, nhất là một xác tín về Người để có thể trình bày và dẫn
đưa những ai khao khát tìm về với Người chưa?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên
Chúa muốn tỏ mình cho nhân loại trong Đức Giêsu Kitô để bất cứ ai tin nhận
Người là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế thì được ơn cứu rỗi. Cộng đoàn chúng
ta hãy thành tâm cảm tạ Chúa và tin tưởng cầu xin:
1. Chúa
đã dùng ánh sao lạ dẫn đường cho các đạo sĩ phương đông đến thờ lạy Hài Nhi
Giêsu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh được đầy ơn
khôn ngoan và lòng nhiệt thành, trở nên ánh sáng soi lối cho mọi người nhận
biết Thiên Chúa.
2. Nhiều
người trên thế giới và tại đất nước Việt Nam chưa tin nhận Chúa. Chúng ta cùng
cầu nguyện cho những người thành tâm thiện chí được ánh sáng của Chúa soi dẫn
biết tìm kiếm và tin nhận Đức Kitô là đường, là sự thật và là sự sống cho cuộc
đời họ.
3. Các
đạo sĩ đã sấp mình thờ lạy và dâng tiến lễ vật cho Hài Nhi Giêsu. Chúng ta cùng
cầu xin cho mọi kitô hữu biết thành kính tôn thờ và phụng sự Chúa qua đời sống
cầu nguyện cùng các cử hành phụng vụ, đồng thời, luôn nỗ lực thực thi công bình
bác ái trong đời sống.
4. Nhận
ra và dõi theo ánh sáng chân lý sẽ đưa con người đến gần Thiên Chúa. Chúng ta
cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn yêu mến, năng suy
niệm cùng thực hành Lời Chúa, hầu trở nên men muối cho đời và chiếu tỏa ánh
sáng cho trần gian.
Chủ tế: Lạy Chúa, xin nhận tâm tình
cảm tạ và lời cầu nguyện của dân Chúa tha thiết kính dâng. Xin giúp chúng con
trong cuộc sống hằng ngày biết nỗ lực trở nên chứng tá cho tình thương cứu độ
của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
SCĐ LỄ HIỂN LINH A,B,C
CHÚA GIÊSU
LÀ ÁNH SÁNG CỦA MUÔN DÂN
LÀ ÁNH SÁNG CỦA MUÔN DÂN
"Khi Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem, có mấy
đạo sĩ từ Phương đông đến bái lạy Ngài" (Mt 2,1-2)
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I : "Hỡi
Giêrusalem hãy tỏa sáng, các dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi."
- Đáp ca : "Lạy
Chúa, các dân nước sẽ ca ngợi Ngài."
- Tin Mừng :
"Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài ở phương Đông và chúng tôi đến để
triều bái Ngài."
- Bài đọc II :
"Nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và
đồng thông phần với lời hứa của Ngài trong Chúa Giêsu Kitô."
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Chúa Giêsu là ánh sáng.
Trong dịp lễ Giáng sinh, Ngài đã chiếu sáng các nhà thờ và các gia đình tín
hữu. Nhưng Ngài còn muốn là ánh sáng cho tất cả mọi người nữa.
Ngày hôm nay chúng ta mừng
lễ Hiển linh, kỷ niệm việc ngày xưa Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho các đạo sĩ,
đại diện cho lương dân. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người ngoài Kitô giáo
cũng nhận được ánh sáng Chúa ; và cho chính chúng ta ý thức bổn phận mang
ánh sáng Chúa đến cho mọi người.
- Chúng ta có tội vì quá thờ
ơ với việc mang ánh sáng Tin Mừng đến cho lương dân.
- Chúng ta có tội vì cộng
đoàn xứ đạo chúng ta không nêu gương sáng trước mặt mọi người.
- Chúng ta có tội vì không
quan tâm tìm ý Chúa qua những đấu chỉ hằng ngày.
Mặc dù đang sống trong chốn
lưu dày, ngôn sứ Isaia đã mơ tới ngày hồi hương. Khi đó Giêrusalem sẽ được tái
thiết lại huy hoàng và là nơi thu hút muôn dân tuôn đến :
- Trong khi cả trái đất ngập
chìm trong tăm tối thì Giêrusalem lại bừng sáng, vì có Chúa là Ánh sáng đang
ngự ở đó.
- Bởi thế, muôn dân từ khắp
nơi sẽ tuốn về ánh sáng của Giêrusalem.
Trên thực tế, dân do thái đã
được hồi hương và Giêrusalem đã được tái thiết. Nhưng Giêrusalem đâu có được
đúng như Isaia đã mơ. Giấc mơ của Isaia chỉ được thực hiện trọn vẹn nơi Đức
Giêsu. Ngài chính là Ánh sáng đến trần gian.
Tv này cầu nguyện cho một vị
vua lý tưởng mà trong triều đại ngài hòa bình và công lý ngự trị, mọi người đều
hạnh phúc.
Vị vua lý tưởng ấy cũng
chính là Chúa Giêsu.
Các "đạo sĩ" là
những nhà trí thức ở vùng Babylon phía Đông xứ Palestine. Do niềm tin có phần
mê tín rằng ngôi sao lạ là điềm báo một Đấng cứu tinh đã sinh ra, họ đã đi theo
ánh sao và tìm đến với Hài nhi Giêsu.
Nhưng cuộc hành trình của
các vị cũng không phải là trơn tru dễ dàng vì có lúc ánh sao biến mất. Nhưng
nhờ các vị kiên trì, ánh sao đã xuất hiện lại và cuối cùng các vị đã tìm đến
nơi.
Như thế, qua ánh sao lạ,
Chúa Hài nhi đã tỏ mình ra cho đại diện lương dân, đang khi các nhà trí thức do
thái ở Giêrusalem tuy thông thạo Thánh Kinh nhưng đã không nhận ra Chúa.
Để thấy được nét độc đáo của
đoạn thư này, trước hết chúng ta hãy lưu ý đến tâm thức của người do
thái : họ cho rằng dân tộc họ được Thiên Chúa đặc biệt tuyển chọn, cho nên
ơn cứu độ là độc quyền của họ.
Thánh Phaolô thì không nghĩ
như vậy. Trong thư viết cho dân thành Êphêxô, một "dân ngoại", ngài
tiết lộ cho họ biết một "mầu nhiệm", đó là Thiên Chúa đã trao sứ mạng
cho ngài đem ân sủng của Tin Mừng phân phát cho tất cả các dân. Nhờ Tin Mừng
này, mọi dân tộc đều trở thành "đồng một thân thể" với nhau và với
Đức Giêsu Kitô, hơn thế nữa họ trở nên "đồng thừa tự" để hưởng gia
tài của Đức Giêsu Kitô và "đồng thông phần" với lời hứa cứu độ của
Ngài.
Chúa Giêsu là Ánh Sáng, ánh
sáng huy hoàng hơn cả mặt trời.
Nếu mặt trời không phải là
của riêng ai, thì Chúa Giêsu cũng là của mọi người, mọi dân. Ngài mang ơn cứu
độ đến cho muôn dân. "Không ai thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt
trên giá để soi cho mọi người".
Bởi thế, ngay sau khi giáng
sinh, tỏ mình ra cho những kẻ chăn chiên nghèo hèn, Chúa Giêsu cũng sớm tỏ mình
ra cho các đạo sĩ đại diện cho lương dân.
Vì Chúa muốn tỏ mình ra cho
muôn dân, cho nên lương dân có quyền được biết Chúa, và những người
đã biết Chúa có bổn phận giúp cho lương dân biết Chúa.
Lời Chúa trong Thánh lễ hôm
nay dùng một hình ảnh vừa rất đẹp vừa rất hay để dạy chúng ta cách giúp cho
người khác biết Chúa, đó là Ánh Sáng :
- Hãy đưa cao Tin Mừng như
người ta nâng cao ngọn đuốc sáng để soi chiếu mọi vùng tăm tối.
- Cách sống của những người
đã biết Chúa phải là một ngọn đèn sáng gương mẫu cho những người chung quanh.
Chúa Giêsu nói : "Sự sáng của chúng con cũng hãy tỏa sáng trước mặt
mọi người. Còn Thánh Phaolô thì nói : "Anh em hãy chiếu sáng như
những tinh tú trên bầu trời".
Hành trình của các đạo sĩ là
hình ảnh minh họa cho hành trình của mọi kẻ tin :
a/ Hành trình khởi đầu bằng
một điều gì đó lạ lùng khiến người ta chú ý (thí dụ ánh sao lạ đối với các đạo
sĩ). Điều lạ lùng này mời gọi người ta từ bỏ nếp sống đã quen để dấn thân đi
tìm một cái gì đó cao hơn, xa hơn, tốt đẹp hơn.
b/ Tiếp theo là những bước
thăng trầm trong cuộc hành trình : có khi con đường rất bằng phẳng êm ái,
có khi lại quanh co gồ ghề, có lúc ánh sao sáng tỏ trên bầu trời, có lúc nó vụt
biến mất.
c/ Nhưng miễn là người ta
không nản lòng mà cứ kiên trì dấn bước thì cuối cùng người ta sẽ gặp được Chúa.
Đó là cuộc hành trình của kẻ
chưa có đức tin tìm đến với Chúa, mà cũng là cuộc hành trình của kẻ đã tin rồi
nhưng muốn đến với Chúa một cách gần gũi thân tình hơn.
Có những người tìm kiếm như
các đạo sĩ, lên đường như Abraham. Cũng có những người ngồi một chỗ như Hêrôđê.
Muốn biết ư ? Ông đã có các chuyên viên. Muốn tiêu diệt đối phương
ư ? Ông có cả ngàn quân lính dưới quyền. Thiên Chúa hướng dẫn những ai
muốn tìm Người cách lạ lùng. Người trốn thoát khỏi những kẻ muốn tìm bắt. Người
không hung hãn chống lại những kẻ muốn huỷ diệt Người. Người tự xóa mình đi và
biến mất.
Người ở đâu, Đức Giêsu ẩn
dấu của thời đại ? Trong làng quê heo hút nào, trong gia đình nghèo khó
nào có ánh sáng Thiên Chúa mời ta nhận ra Người ? "Ta đói các ngươi
đã cho Ta ăn… Thực, Ta bảo các ngươi : mỗi lần các ngươi làm cho một trong
những kẻ bé nhỏ nhất là anh em Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta" (Mt
25,35-40). Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng có lời kinh thánh : Ta đã không
bị cám dỗ dùng lời Kinh Thánh để át giọng kẻ quấy rầy ư ? Đức Giêsu đâu để
cho ta đền bù. Nếu ta muốn nắm lấy Người để được an tâm, Người sẽ thoát khỏi
tầm tay ta. Nếu ta chấp nhận lên đường tìm kiếm Người, ta sẽ như các đạo sĩ,
được đầy tràn niềm vui và tìm thấy Người (…) Đọc kỹ Kinh Thánh thôi chưa đủ,
còn phải để Kinh Thánh gợi hứng cho đời ta, để ta đem ra thực hành, để ta đặt
mình dưới sự điều khiển của Kinh Thánh. Các luật sĩ và các thầy thượng tế biết
lời sấm lắm chứ. Nhưng họ chỉ biết trưng dẫn thôi… Hêrôđê thì dùng Kinh Thánh
để tìm cách giết Hài nhi… Còn các đạo sĩ, bản thân chẳng biết Kinh Thánh, chỉ
được Hêrôđê chỉ dẫn, đã lên đường tìm kiếm Đức Giêsu và họ đã gặp Người… (Mgr
Lucien Daloz, Le Règne des cieux s’est approché, Trích dịch bởi Fiches
dominicales, trang 55-56).
Ánh sáng và bóng tối
Các đạo sĩ đã đi trong
bóng tối nhờ tia sáng của một ánh sao dẫn đường.
Các ông đã tìm được Chúa vì
không sợ bóng tối nhờ tin vào ánh sáng.
Thực ra, ta chỉ thấy được
ánh sáng của ngôi sao khi trời tối
Trời càng tối thì
sao càng sáng.
Tất cả chúng ta cũng là
những khách lữ hành đi trong đêm tối
Nhưng chúng ta đừng sợ vì
Đức Kitô là ánh sáng đã đến trần gian :
- Ánh sáng bừng
lên trong đêm tối
- Ánh sáng xóa tan
tăm tối
- Ánh sáng mà
không sự tối tăm nào dập tắt được.
a/ Tôn giáo nào có
Chúa ?
Ngày nọ, Chúa và tôi đến một
hội chợ, không phải hội chợ thương mại, mà là Hội chợ Tôn giáo. Nhưng những
người tham dự luôn tỏ ra hung bạo và tuyên truyền ầm ĩ.
Tại quầy hàng của người Do
thái, chúng tôi nhận được những tờ quảng cáo nói rằng Chúa là Đấng thương xót
và dân Do thái là dân được Ngài tuyển chọn. Ngoài những người Do thái, không ai
khác được chọn như họ.
Tại quầy hàng của người Hồi
giáo, chúng tôi học biết rằng Chúa đầy lòng khoan dung và Mohammed là ngôn sứ
duy nhất của Ngài. Sự cứu độ đến nhờ việc nghe ngôn sứ duy nhất của Chúa.
Tại quầy hàng của người Kitô
giáo, chúng tôi khám phá ra Chúa là tình yêu và không có sự cứu độ ở ngoài giáo
hội. Hoặc gia nhập giáo hội hoặc phải chịu kết án đời đời.
Trên đường trở ra, tôi hỏi
Chúa : "Ngài nghĩ gì về những điều nói về Chúa ?"
Chúa nói : "Ta
không tổ chức Hội chợ đó. Ta thấy xấu hổ ngay cả khi đến thăm nó".
b/ Các tôn giáo
Chúa Giêsu nói rằng Ngài
chưa bao giờ xem bóng đá. Vì thế, bạn tôi và tôi dẫn Ngài đi xem một trận. Đó
là trận đấu gay cấn giữa những người Tin lành và những người Công giáo.
Người Công giáo ghi bàn
thắng trước. Chúa Giêsu reo hò và tung mũ lên. Rồi đến người Tin lành ghi bàn
thắng, Chúa Giêsu cũng reo hò và tung mũ. Điều này gây khó chịu cho anh thanh
niên ngồi sau chúng tôi. Anh vỗ nhẹ lên vai Chúa Giêsu và hỏi : "Này
anh bạn tốt, anh ủng hộ bên nào ?"
Lúc này Chúa Giêsu thấy hứng
thú vì trận đấu, Ngài trả lời : "Tôi hả ? Ồ, Tôi không đứng về
bên nào. Tôi chỉ thưởng thức trận đấu".
Anh quay sang người bạn bên
cạnh, nhếch mép cười : "Hừ, kẻ vô thần".
Trên đường trở về, chúng tôi
cho Chúa Giêsu biết về tình trạng các tôn giáo trên thế giới ngày nay :
"Chúa ạ, thật buồn cười về những người trong các tôn giáo. Dường như họ
luôn nghĩ rằng Chúa chỉ đứng về phía họ và chống lại những người khác".
Chúa Giêsu đồng ý :
"Đó là lý do tại sao Ta không ủng hộ các tôn giáo. Ta ủng hộ con người.
Con người quan trọng hơn tôn giáo. Con người quan trọng hơn ngày Sabát".
Một trong chúng tôi nói với
vẻ lo lắng : "Ngài phải thận trọng. Ngài biết, Ngài đã một lần bị
đóng đinh vì nói như thế".
CT : Anh chị em thân
mến
Thiên Chúa yêu thương và
muốn cứu độ hết thảy mọi người. Người đã dùng ngôi sao hướng dẫn muôn dân đến
gặp gỡ Đấng Cứu Thế. Với tâm tình cảm tạ tri ân Thiên Chúa là Cha nhân hậu,
chúng ta cùng dâng lời cầu xin.
1- Chúa là Vua lãnh đạo muôn
dân / Người đã mời gọi các hiền sĩ / là những người ngoại giáo đầu tiên đến thờ
lạy Người tại Bêlem / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người trong Hội Thánh /
biết tôn thờ và phụng sự Chúa hết lòng.
2- Chúa là Vua công bình chính trực / Người đến
giải thoát người nghèo cô thân cô thế / chúng ta hiệp lời cầu xin cho những
người cùng khổ sầu đau / luôn được Chúa thương xót đỡ nâng.
3- Chúa đến làm ánh sáng chiếu soi muôn người /
Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những người đang tìm Chúa / qua những bóng mờ và
hình ảnh / được ánh hào quang của Đức Kitô soi sáng và hướng dẫn / để họ thêm
phấn khởi trên đường tìm chân lý.
4- Mỗi tín hữu phải là một ngôi sao dẫn đường cho
người khác tìm về với Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho công đoàn giáo xứ
chúng ta / biết dùng đời sống bác ái yêu thương / phục vụ khiêm tốn / mà giới
thiệu Chúa cho những anh chị em chưa nhận biết Chúa.
CT : Lạy Chúa Giêsu
Kitô, Chúa đã sai chúng con mang sứ điệp Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Xin
cho đời sống thường ngày của chúng con thể hiện một cách trung thực tình yêu
bao la của Chúa đối với nhân loại. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
- Trước kinh Lạy Cha :
Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho lương dân vì Ngài muốn quy tụ tất cả mọi người
trong Nước của Ngài. Chúng ta hãy cùng với Ngài thiết tha cầu xin cho Nước Chúa
mau trị đến.
Ngày xưa Chúa đã dùng ánh
sao lạ dẫn đường các đạo sĩ đến với Ngài. Ngày nay Ngài muốn dùng mỗi người
chúng ta như một ánh sao lạ dẫn đường cho anh em lương dân đến với Ngài. Rồi
nhà thờ trở về với cuộc sống, chúng ta hãy sống như một ánh sao trước mặt mọi
người. Chúc anh chị em bình an.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio Divina: Chúa
Hiển Linh (C)
Chúa Nhật, 3 Tháng 1, 2016
Mùa Giáng Sinh
Cuộc viếng thăm của các vị Vua từ phương Đông
Mt 2:1-12
1. Trong im lặng trước Thiên Chúa
Lắng nghe Lời Chúa trong cầu nguyện đòi hỏi sự
chú tâm; nó đòi hỏi rằng sự lắng nghe của bạn chỉ được hướng tới Thiên Chúa mà
thôi với tất cả sự sẵn sàng mà tâm hồn bạn có thể. Phẩm chất lời cầu
nguyện tùy thuộc rất nhiều vào sự chú tâm mà chúng ta dành cho
nó. Người ta nói rằng sự chú tâm là “thực chất của lời cầu
nguyện”. Nếu việc tìm kiếm Thiên Chúa của bạn thành khẩn, chân
thành, trung thực, thì bạn sẽ có thể tìm thấy Thiên Chúa. Hôm nay,
trong ngày Chúa Nhật này Chúa được biểu thị như là ánh sáng cho nhân loại,
chúng ta muốn cầu xin Chúa cho có được “sự say mê lắng nghe Lời Người” với
những lời của Thánh Êlisabéth Ba Ngôi: “Ôi lạy Ngôi Lời hằng hữu,
Ngôi Lời của Thiên Chúa con, con ước ao được dành trọn cuộc đời con để lắng
nghe Người, con muốn được hoàn toàn khuất phục để học hỏi tất cả mọi thứ từ
Chúa. Rồi sau đó, suốt mỗi đêm, mọi sự trống vắng, mọi nỗi bất lực,
con luôn luôn ước ao được dồn sự tập trung vào Chúa và ở lại dưới ánh sáng
tuyệt vời của Chúa” (Ngước nhìn lên Thiên Chúa Ba Ngôi, 21 tháng
11 năm 1904).
2. Lời Chúa được soi sáng
a) Bối cảnh của đoạn Tin Mừng
Nếu trong chương đầu tiên của sách Tin Mừng
Mátthêu ý định của tác giả Phúc Âm là để cho thấy danh tánh của Đức Giêsu (Chúa
Giêsu là ai), thì trong chương thứ hai Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu nhập thể đã
được nối vào một số nơi cho thấy sự khởi đầu cuộc sống nơi trần thế của Người.
Đoạn Phúc Âm phụng vụ của Chúa Nhật tuần này
là phần đầu của chương 2 trong Tin Mừng Mátthêu (2:1-29) được nối tiếp bởi ba
câu chuyện khác: cuộc chạy trốn sang Ai Cập (2:13-15), việc sát hại các Thánh
Anh Hài (2:16-18) và chuyến trở về từ đất Ai Cập (2:19-23).
Để hiểu rõ hơn về sứ điệp của bài Tin Mừng
trong các câu 1-13, có lẽ sẽ ích lợi hơn nếu chúng ta chia đoạn Phúc Âm lễ Chúa
Hiển Linh này thành hai phần dựa theo tiêu chuẩn của việc thay đổi địa
điểm: thành Giêrusalem (2:1-6) và Bêlem (2:7:12). Cũng
nên lưu ý rằng tại tâm điểm của câu chuyện Ba Vua chúng ta thấy một câu trích
dẫn từ Kinh Thánh trong đó tập trung vào sự quan trọng của thành Bêlem trong
thời thơ ấu của Đức Giêsu: “Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa,
không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi
sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel, dân tộc của Ta” (Mt
2:16).
Hai thành phố tạo nên bối cảnh cho chuyến viễn
du của ba nhà Đạo sĩ và được kết hợp bởi hai mạch của chủ đề: ngôi
sao (các câu 2, 7, 9, 10) và việc triều bái Hài Nhi Giêsu (2:11).
b) Phúc Âm:
1 Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem, thuộc xứ Giuđêa, trong đời vua
Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông Phương tìm đến Giêrusalem. 2 Các
ông nói: “Vua người Do-Thái mới sinh ra hiện đang ở
đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông Phương, và
chúng tôi đến để triều bái Người.” 3 Nghe nói thế,
vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. 4 Vua
đã triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân, và hỏi họ cho biết nơi
mà Đức Kitô sinh hạ.
5 Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ
Giuđêa, vì đó là lời do đấng tiên tri đã chép: 6 “Cả ngươi
nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì
của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi
Israel dân tộc của Ta.” 7 Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu
mấy nhà Đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. 8 Rồi
vua phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn
thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho trẫm, để cả trẫm cũng
đến triều bái Người.” 9 Nghe nhà vua nói, họ lên
đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông Phương, lại đi trước họ,
mãi cho tới khi tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. 10 Lúc
nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. 11 Và khi tiến
vào nhà, họ đã gặp thấy Đức Maria mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống, sụp lạy
Người. Rồi, mở bảo tráp ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng,
nhũ hương, và mộc dược. 12 Và khi nhận được lời mộng
báo “Đừng trở lại với Hêrôđê”, họ đã qua đường khác, trở về xứ sở mình.
3. Giây phút thinh lặng trước Thiên
Chúa
Bạn hãy đặt mình trước Thiên Chúa với lòng đơn
sơ, ngập chìm trong một sự im lặng nội tâm sâu thẳm; hãy gạt sang một bên tất
cả những tò mò, những suy nghĩ và trí tưởng tượng; hãy mở lòng bạn cho sự tác
động Lời của Chúa.
4. Đọc chăm chú
a) Biểu tượng ngôi sao:
Ba vua, các Đạo sĩ từ Đông Phương, thông thạo
về khoa thiên văn và tiên đoán được vận mệnh hoặc tương lai, thường xuyên được
vấn kế về các thiên thể. Bấy giờ khi họ đã đến thành Giêrusalem, họ
nói rằng họ “đã nhìn thấy vì sao của Người xuất hiện”. Chữ “xuất
hiện”, từ tiếng Hy-lạp anatolê, khi không có mạo từ, có nghĩa là Đông Phương
hoặc phía Đông (hướng mặt trời mọc); nhưng trong văn bản tiếng Hy-lạp có mạo từ
và chữ này có nghĩa là sự xuất hiện của một vì sao thực sự và có
thật. Điều này được xác nhận bởi lời Kinh Thánh: “Một vì
sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel” (Ds
24:17). Vì sao trở thành biểu tượng của một vị vua mới vừa được sinh
ra và hướng dẫn họ đi đến nơi Người được hạ sinh và được tìm
thấy. Thật thú vị khi lưu ý rằng ngôi sao này không thể thấy được ở
Giêrusalem nhưng lại xuất hiện lần nữa với các nhà Đạo sĩ khi các ông rời khỏi
thành: thật sự, ngôi sao là một yếu tố quan trọng hơn trong sự việc
này.
Hơn hết tất cả, các vị Đạo sĩ trong cuộc hành
trình dài của họ đã không đi theo ngôi sao mà đã thấy nó xuất hiện và lập tức
kết nối ngôi sao này với sự giáng sinh của Đấng Mêssia. Ngoài ra,
cuộc hành trình không phải là không có phương hướng nhưng mục tiêu là thành
Giêrusalem, thành phố mà tất cả mọi dân tộc hội tụ về trong cuộc hành hương như
theo lời tiên tri Isaia.
Thành phố khi nghe tin này từ các Đạo sĩ đã
đến để triều bái Đấng Mêssia thì xôn xao và bối rối. Dân thành
Giêrusalem dường như không mấy tha thiết và không quan tâm lắm về việc đi triều
bái “vị vua người Do Thái mới sinh”. Thực ra, Hêrôđê còn có ý định
sát hại Người.
Tuy nhiên theo sách tiên tri Isaia, Chương
60:1-6, thành Giêrusalem đã được kêu gọi “Hãy đứng lên, vinh quang của Đức Chúa
như bình minh chiếu toả trên ngươi” và bây giờ trong Mt 2:2, chúng ta chứng
kiến phản ứng chối từ của nhà vua và của dân thành Giêrusalem về Đấng
Thiên Sai được hạ sinh tại Bêlem. Một thái độ như vậy báo trước cho
sự bắt đầu của việc thù nghịch dẫn đến việc Chúa Giêsu bị lên án tại chính
Giêrusalem. Không chịu đựng được phản ứng ngăn cản các Đạo sĩ có cơ
hội tìm đến với ơn cứu chuộc ngay tại thành phố được chọn là công cụ của sự
hiệp thông tất cả các dân tộc với Thiên Chúa, việc ra đời của Chúa Giêsu dời
chuyển tất cả mọi việc đến Bêlem. Thiên Chúa là Đấng hướng dẫn các
sự kiện lịch sử khiến cho các vị Đạo sĩ rời thành Giêrusalem và họ lại lên
đường tiếp tục cuộc hành trình và tìm thấy Đấng Thiên Sai tại Bêlem, thành phố
quê hương của vua Đavít. Trong thành này, vua Đavít đã nhận được sự
tấn phong thiêng liêng: không bằng dầu nhưng bằng quyền năng Chúa Thánh Thần
(Mt 1:18, 20). Các dân tộc, bấy giờ đi lên thành phố này, được đại
diện bởi các vị Đạo sĩ, đến chiêm bái Đức Êmmanuel, Đấng
Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, và để có được kinh nghiệm của sự bình an và đức
tin.
b) Biểu tượng cuộc hành trình của
các vị Đạo sĩ:
i) Một cuộc hành trình vất vả với
nhiều khó khăn, nhưng cuối cùng cũng đạt đến thành công
Động lực thúc đẩy cuộc hành trình của họ là sự
xuất hiện của một ngôi sao, được nối kết với sự ra đời của một vị vua
mới: “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện”. Ở
đây, ngôi sao chỉ là một dấu hiệu, một chỉ dấu thông tri với các vị Đạo sĩ ý
tưởng bắt đầu cuộc hành trình. Khởi thủy, có lẽ họ đã bị thúc đẩy
bởi tính tò mò, nhưng sau đó việc này đã trở thành một ước muốn tìm kiếm và
khám phá. Thực sự là dấu hiệu của ngôi sao đã đánh động người ta và thúc
đẩy họ đi tìm câu trả lời: có lẽ là một niềm mong ước sâu sắc
chăng? Ai mà biết được! Bài Tin Mừng cho thấy các vị Đạo
sĩ có một câu hỏi trong lòng, và không hề ngại ngùng lặp lại nó, thậm chí nó
còn làm cho họ trở thành lạc lõng: “Vua dân Do Thái ở đâu?”
Họ đặt câu hỏi đó với vua Hêrôđê và, một cách
gián tiếp, với thành Giêrusalem. Câu trả lời được đưa ra bởi những người
chuyên môn, các thượng tế, các kinh sư: thật là cần thiết phải đi tìm cho
được vị vua mới ở Bêlem của xứ Giuđa, bởi vì đây là lời tiên tri của ngôn sứ
Isaia: “Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, trong đất Giuđa, không lẽ gì ngươi
bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một
thủ lãnh. Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta” (Mt
2:6). Lời tiên tri đến để giải quyết những khó khăn của các vị Đạo
sĩ: Lời của Chúa trở thành ánh sáng cho cuộc hành trình của họ.
Với sức mạnh của dữ kiện đó, được trích từ lời
tiên tri của ngôn sứ Isaia, và được an ủi bởi sự tái xuất hiện của ngôi sao,
các Đạo sĩ một lần nữa lại lên đường tiếp tục cuộc hành trình của họ với mục
tiêu là Bêlem. Ngôi sao dẫn họ đến dừng lại ngôi nhà nơi họ tìm thấy
Chúa Giêsu. Thật là lạ vì những người sống tại Bêlem hoặc các vùng lân cận nơi
Hài Nhi Giêsu được tìm thấy đã không nhìn thấy dấu hiệu ấy. Ngoài
ra, những người có kiến thức về Kinh Thánh biết tin về sự ra đời của vị vua mới
của Israel, nhưng đã không buồn đi tìm Người. Thay vào đó, câu hỏi
của các Đạo Sĩ đã khơi lên trong lòng họ nỗi lo sợ và bối rối. Một
cách dứt khoát, những kẻ rất gần với sự kiện giáng sinh của Chúa Giêsu đã không
nhận thức được việc gì đã xảy ra, trong khi đó những người ở rất xa sau khi đã
trải qua một cuộc hành trình đầy gian nan, cuối cùng đã tìm thấy những gì họ
đang tìm kiếm. Thế nhưng, trong thực tế, chính mắt những vị Đạo sĩ
đã thấy gì: một Hài Nhi với mẹ Người trong một căn nhà nghèo
hèn. Ngôi sao đã dẫn đường cho họ, như nói ở trên, đã dẫn họ tới một
hài nhi đơn sơ và nghèo hèn, Đấng mà họ nhận ra là vị vua của dân Do-thái.
Họ đã quỳ gối sụp lạy Người và dâng tiến Người
những lễ vật tượng trưng: vàng (vì Người là vua); nhũ hương (vì đằng
sau bản thể con người của Hài Nhi đó, có sự hiện diện thiên tính của Thiên
Chúa); mộc dược (vì Đấng từ trời đã mặc lấy xác loài người, đến để chịu chết).
ii) Cuộc hành trình của các vị Đạo
sĩ: cuộc hành trình của đức tin:
Không có gì sai lầm khi nghĩ rằng cuộc hành
trình của ba Đạo Sĩ là một cuộc hành trình đích thực của đức tin, đó là một
cuộc hành trình của những người tuy không thuộc về dân riêng của Chúa, đã tìm
thấy Đức Kitô. Khi bắt đầu cuộc hành trình, luôn luôn có một dấu
hiệu đòi hỏi được nhìn thấy ở đó nơi mỗi người sống và lòng quyết
tâm. Các nhà Đạo Sĩ đã tìm kiếm, đã nghiên cứu các tầng trời, trong
Kinh Thánh, về Thiên Chúa, và từ nơi có dấu hiệu: một ngôi
sao. Nhưng để bắt đầu một cuộc hành trình đức tin, nếu chỉ tìm kiếm
hoặc học hỏi về các dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa thì chưa
đủ. Một dấu hiệu có nhiệm vụ khơi lên lòng ước ao đòi hỏi một thời
gian nào đó để thực hiện, một con đường của kiếm tìm, của đợi
chờ. Lời bày tỏ mà thánh Edith Stein mô tả trong cuộc hành trình đức
tin của bà thật có ý nghĩa: “Thiên Chúa là chân lý. Ai đi tìm kiếm
chân lý là đi tìm kiếm Thiên Chúa, dù rằng có chủ đích hay không”.
Một niềm ước ao thực sự gợi lên một câu
hỏi. Trong khi đó, các vị Đạo sĩ đi tìm Đức Giêsu bởi vì trong lòng
họ đang có những thắc mắc mạnh mẽ. Kinh nghiệm được gặp gỡ Đức Giêsu
như thế thực sự là một việc khích lệ cho công việc mục vụ: có nhu
cầu không ban đặc ân một giáo lý được tạo bởi những điều chắc chắn hoặc mối
quan tâm về việc cung cấp cho các câu trả lời có sẵn, mà là khơi dậy trong con
người ngày nay các câu hỏi quan trọng về những vấn đề cốt yếu của nhân loại. Đây
là những gì mà một vị Giám Mục từ miền trung nước Ý đề nghị trong một lá thư
mục vụ: “Giới thiệu Chúa Kitô và Tin Mừng trong sự nối kết với những
vấn nạn căn bản về sự tồn tại của loài người (sống – chết, tội lỗi – sự dữ,
công bằng – nghèo khó, hy vọng – vỡ mộng, bác ái – hận thù, sự liên hệ giữa các
cá nhân trong gia đình, ngoài xã hội, các mối quan hệ quốc tế, v.v…), để tránh
sự nhầm lẫn giữa các câu hỏi về nhân loại và các câu trả lời của chúng ta” (Gm.
Lucio Maria Renna).
Câu trả lời, như chúng ta được giảng dạy bởi
kinh nghiệm của ba vị Đạo Sĩ, được tìm thấy trong Kinh Thánh. Và nó
không phải chỉ là một câu hỏi về kiến thức trí tuệ hay hiểu biết về nội dung
của Kinh Thánh, như trong trường hợp của các vị kinh sư, nhưng về đường đi đến
được hướng dẫn bởi lòng mong ước, bởi thắc mắc. Đối với ba vị Đạo
Sĩ, chỉ cần sự chỉ dẫn của Thánh Kinh đã soi sáng họ hoàn thành giai đoạn cuối
cùng của cuộc hành trình: Bêlem. Ngoài ra, Lời của Chúa
cho phép họ thấy trong các dấu hiệu khiêm nhu của một ngôi nhà, của Hài Nhi
Giêsu với Đức Maria, mẹ Người, Vua dân Do-Thái, Đấng đang được dân Israel mong
đợi.
Các vị Đạo sĩ ngưỡng mộ Người và khám phá ra
trong Đức Giêsu là Đấng mà họ tìm kiếm đã lâu. Trên một khía cạnh
khác, người đọc rất ngạc nhiên bởi sự chênh lệch giữa những cử chỉ và các món
quà dâng tiến của các vị Đạo sĩ và thực tế khiêm tốn hiện diện trước mắt họ;
nhưng mặt khác, chắc chắn rằng Hài Nhi mà ba vị Đạo sĩ triều bái chính thực là
Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ thế gian đang được mong chờ. Và vì thế cuộc
hành trình đã trở nên cuộc hành trình của mỗi người đọc của câu chuyện có ý
nghĩa này về ba vị Đạo sĩ: bất cứ ai đi tìm kiếm, dù cho có xa Thiên
Chúa cách mấy đi nữa, vẫn có thể tìm thấy Người. Thay vào đó, những
ai cho là mình đã biết tất cả mọi sự về Thiên Chúa và tin rằng ơn cứu rỗi của
họ đã được bảo đảm, thì có nguy cơ bị vong thân khi gặp gỡ
Người. Trong một chương trình giáo lý được tổ chức tại Cologne vào
dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kỳ thứ 20, đức Tổng Giám Mục Bruno Forte đã phát
biểu như sau: “Ba vị Đạo sĩ đại diện cho tất cả những ai đi tìm kiếm
chân lý, sẵn sàng để sống cuộc sống của họ như trong một cuộc sống lưu đày,
trên đường đi đến cuộc gặp gỡ với ánh sáng đến từ trên cao”.
Ngoài ra, kinh nghiệm của ba vị Đạo Sĩ dạy cho
chúng ta biết rằng trong mọi nền văn hóa, trong mỗi con người luôn có những kỳ
vọng sâu xa đòi hỏi phải được đáp ứng. Từ đây bắt đầu cho một trách
nhiệm đọc những dấu hiệu của Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử loài người.
5. Suy Gẫm
- Sau khi đọc đoạn Tin Mừng này, tôi đã sẵn sàng để làm sống lại
cuộc hành trình của ba vị Đạo Sĩ chưa?
- Những điều khó khăn gì bạn đã gặp phải trong sự hiểu biết sâu xa
về Đức Giêsu Kitô? Làm cách nào bạn đã có thể khắc phục được chúng?
- Trong việc đi tìm kiếm chân lý, bạn có biết cách làm thế nào để
tin tưởng, để lên đường và để lắng nghe Thiên Chúa không?
- Trong ánh sáng của Lời Chúa, bạn có thể thay đổi những gì trong
đời sống của bạn?
6. Thánh Vịnh 72:1-11
Đây là một bài Thánh Vịnh tiến vua, được soạn
ra để chào mừng ngày nhà vua đăng quang lên ngai. Cộng đồng Kitô hữu
nguyên thủy đã không có nghi ngờ trong việc được trông thấy hình ảnh Đấng
Mêssia trong thân phận con người.
Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,
để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
Núi đem lại cảnh hoà bình trăm họ,
đồi rước về nền công lý vạn dân.
Người sẽ bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ,
ra tay cứu độ kẻ khó nghèo,
đập tan lũ cường hào ác bá.
Nguyện chúc Người tuổi thọ sánh vầng ô,
như bóng nguyệt đến muôn đời muôn kiếp!
Mong Người xuống tựa mưa sa nội cỏ,
ơn vũ lộ thấm nhuần cả đất đai.
Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.
Dân vùng sa mạc khúm núm quy hàng,
tất cả đối phương nhục nhằn cắn cỏ.
Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, và Saba,
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.
Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
muôn dân nước thảy đều phụng sự.
Bài ca tụng Chúa
Chúng con chúc tụng vinh quang Đức Chúa Cha,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,
để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
Núi đem lại cảnh hoà bình trăm họ,
đồi rước về nền công lý vạn dân.
Người sẽ bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ,
ra tay cứu độ kẻ khó nghèo,
đập tan lũ cường hào ác bá.
Nguyện chúc Người tuổi thọ sánh vầng ô,
như bóng nguyệt đến muôn đời muôn kiếp!
Mong Người xuống tựa mưa sa nội cỏ,
ơn vũ lộ thấm nhuần cả đất đai.
Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.
Dân vùng sa mạc khúm núm quy hàng,
tất cả đối phương nhục nhằn cắn cỏ.
Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, và Saba,
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.
Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
muôn dân nước thảy đều phụng sự.
Bài ca tụng Chúa
Chúng con chúc tụng vinh quang Đức Chúa Cha,
danh thánh Chúa uy linh cao cả;
cùng với Chúa Con và Chúa Thánh Thần
luôn mãi vinh quang đến muôn thuở muôn đời.
7. Lời nguyện kết
Xin vâng, Amen!
Ôi lạy Chúa Cha, Chúng con nói lời đó với
Chúa,
với tất cả tâm tình chúng con
hòa đồng với tâm tình của Con Cha
và của Đức Trinh Nữ Maria.
Chúng con nói với toàn thể Hội Thánh
và cho cả nhân loại.
Xin hãy ban cho chúng con, đang tập họp với nhau
trong tình yêu,
sau lời “xin vâng” trong giờ của thập giá
xin cho chúng con có thể trong cùng một tiếng
nói thống nhất,
trong một ca đoàn mạnh mẽ,
trong một sự huy hoàng nói không nên lời,
hát bài ca này đến muôn đời
trên Thiên Đàng tôn nghiêm
Amen! Alleluia!
(Nt Anna Maria Canopi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét