09/01/2016
Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh
Bài Ðọc I: 1 Ga 5, 14-21
"Chúa nhậm lời chúng ta kêu cầu".
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, này là sự chúng ta tin tưởng nơi Chúa: là hễ
chúng ta xin sự gì hợp ý Người, thì Người nhậm lời chúng ta. Và chúng ta biết
Người nghe nhận mọi điều chúng ta xin, vì chúng ta biết rằng chúng ta có kêu cầu
Người. Ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa tới sự chết, thì hãy cầu xin
và Người sẽ ban sự sống cho kẻ phạm thứ tội đó. Có thứ tội đưa đến sự chết, tôi
không bảo ai cầu xin cho người phạm tội ấy đâu. Mọi sự gian tà đều là tội, và
có thứ tội đưa đến sự chết.
Chúng ta biết rằng ai sinh ra bởi Thiên Chúa, thì không phạm tội,
chính sự sinh ra bởi Thiên Chúa gìn giữ họ, và ma quỷ không làm gì được họ.
Chúng ta biết rằng chúng ta bởi Thiên Chúa mà ra, và toàn thể thế gian đều phục
luỵ ma quỷ. Và chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và đã ban cho chúng ta
ơn thông hiểu, để chúng ta nhận biết Chúa chân thật, và được ở trong Con chân
thật của Người. Chính Ngài là Thiên Chúa chân thật và là sự sống đời đời. Các
con thân mến, hãy giữ mình xa các tà thần.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 149, 1-2. 3-4. 5 và 6a và 9b
Ðáp: Chúa yêu thương dân Người (c. 4a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen
ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy vui mừng vì Ðấng tạo tác bản thân,
con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. - Ðáp.
2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với
cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ
khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. - Ðáp.
3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những
nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho
mọi tín đồ của Chúa. - Ðáp.
Alleluia: Dt 1, 1-2
Alleluia, alleluia. - Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa
đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là trong
những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 3, 22-30
"Bạn hữu của tân lang vui mừng vì tiếng nói của tân
lang".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ Người đến đất Giuđêa. Người ở
lại đó với họ và làm phép rửa. Cũng có Gioan làm phép rửa tại Ainon, gần Salim,
vì ở đó có nhiều nước, và người ta đến để chịu rửa. Vì chưng, khi ấy Gioan chưa
bị tống ngục. Xảy ra có cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và người
Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến cùng Gioan và nói với ông: "Thưa Thầy,
người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan, mà Thầy đã làm chứng cho, nay cũng làm
phép rửa và ai nấy đều đến cùng người!" Gioan trả lời rằng: "Người ta
không tiếp nhận gì mà không phải bởi trời ban cho. Chính các ngươi đã làm chứng
cho tôi là tôi đã nói: Tôi không phải là Ðấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước
Người. Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe
tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm vui của tôi như
thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Gioan làm chứng lần cuối
“Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Đó là tâm tình của
thánh Gioan Tẩy Giả mà Giáo hội muốn gửi đến chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay.
Thật vậy, ảnh hưởng của Chúa Giêsu càng lớn, thì vai trò của
Gioan càng lu mờ. Ba Phúc âm Nhất lãm đã làm nổi bật sự kiện ấy khi đặt sứ vụ
công khai của Chúa Giêsu chấm dứt vai trò của Gioan Tẩy Giả.
Gioan đã diễn tả vai trò tiền hô của mình qua câu nói bất hủ:
“Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Thay vì ghen tức, buồn phiền, Gioan
đã vui mừng đóng trọn vai phụ của mình. Như một quản trò trong tiệc cưới, Gioan
đã khơi dậy niềm vui và hướng mọi người đến với Tan Lang là Đức Kitô.
Ngày nay, người Kitô hữu cũng tiếp tục vai trò của Gioan Tẩy Giả.
Phương châm hành động của họ là: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Nhỏ
lại trong những khuynh hướng xấu lôi kéo chúng ta vào tội lỗi, nhỏ lại trong những
đam mê, ích kỷ của chúng ta, để nhờ đó Chúa Kitô đước lớn lên trong chúng ta.
Nguyện cho ánh sáng và sức sống của Đức Kitô tràn ngập tâm hồn
và cuộc sống chúng ta, để chúng ta đạt tới tầm mức viên mãn của chính Ngài.
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh
Bài đọc: I Jn 5:14-21; Jn 3:22-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải
tránh xa tội lỗi!
Tội lỗi của con người là lý do tại sao Chúa Giêsu xuống trần
gian để gánh tội cho con người, và cứu con người thóat khỏi quyền lực của tội.
Nhưng có phải vì thế mà con người không phạm tội nữa không? Vấn đề rất nguy hiểm
ngày nay là nhiều người đã mất hết ý thức về tội lỗi, họ không còn coi bất cứ gì
là tội nữa.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những gì liên quan đến tội lỗi.
Trong Bài Đọc I, Thánh Gioan phân biệt 2 thứ tội: tội đưa đến cái chết và tội
không đưa đến cái chết. Con người chỉ có thể cầu nguyện cho những người mắc tội
không đưa đến cái mà thôi. Trong Phúc Âm, các môn đệ của Gioan phạm tội ghen-tị,
khi họ thấy người ta tuôn đến với Chúa Giêsu nhiều hơn là tới thầy của họ.
Gioan cho họ 3 lý do tại sao không nên ghen-tị: Mọi quyền năng đến từ Thiên
Chúa, phải biết mình và biết người để có sự bình an, và con người phải vui mừng
khi thấy Thiên Chúa được vinh quang.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tội đưa đến cái chết và tội không đưa đến cái chết
1.1/ Điều kiện để Thiên Chúa nhận lời cầu xin của con người:
(1) Thiên Chúa nhậm lời chúng ta, khi chúng ta xin điều gì hợp ý
Người: Thiên Chúa lắng nghe tất cả những lời cầu xin của con người, nhưng không
phải ngài sẽ nhận lời tất cả các lời cầu xin; Ngài chỉ nhận lời những điều hợp
ý Ngài mà thôi. Điều này dễ hiểu, vì có những lời cầu xin ích kỷ chỉ biết vun xới
cho mình, hay những lời cầu xin Thiên Chúa làm hại người khác, hay bắt Thiên
Chúa cư xử ngược lại với bản tính của Ngài. Điều con người nên làm khi cầu nguyện
là luôn kết thúc với câu “nếu đẹp ý Chúa.” Chỉ có Thiên Chúa mới biết rõ ràng
và chắc chắn điều gì tốt đẹp cho con người, và Ngài sẽ sẵn sàng ban những điều
tốt đẹp đó cho con cái của Ngài.
(2) Tội đưa đến cái chết và tội không đưa đến cái chết: Gioan
nói về 2 thứ tội này, nhưng không cắt nghĩa rõ ràng: “Nếu ai biết anh em mình
phạm thứ tội không đưa đến cái chết, thì hãy cầu xin, và Thiên Chúa sẽ ban sự sống
cho người anh em ấy; đó là nói về những ai phạm thứ tội không đưa đến cái chết.
Có một thứ tội đưa đến cái chết, tôi không bảo phải cầu xin cho thứ tội ấy. Mọi
điều bất chính đều là tội, nhưng có một thứ tội không đưa đến cái chết.” Theo ý
kiến sau cùng của các học giả và giáo huấn của Giáo-Hội: tội đưa đến cái chết
là tội của những người mất hết ý thức về tội lỗi, hay của những người tin tưởng
Chúa sẽ tha hết mọi tội mà không cần phải ăn năn, xám hối, và sửa đổi. Nếu con
người cầu xin Chúa cứu những người này là vi phạm sự công bằng của Thiên Chúa;
nhưng con người có thể cầu xin cho họ có cơ hội trở lại khi họ còn sống.
1.2/ Hai trường hợp của con người trong thế giới: Đọan văn này rất khó hiểu;
chúng ta phải hiểu nó trong văn mạch của tòan thư Gioan I. Trước tiên, Gioan
không có ý nói tất cả các Kitô hữu không phạm tội, vì ngay trong đọan văn trên,
Gioan đã phân biệt 2 thứ tội: tội đưa đến cái chết và tội không đưa đến cái chết.
Điều ngài muốn làm ở đây là phân biệt 2 lọai người: người thuộc về Thiên Chúa
và người thuộc về thế gian.
Thánh Gioan viết: “Chúng ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa
sinh ra, người đó không phạm tội; nhưng có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra giữ gìn người
ấy, và Ác thần không đụng đến người ấy được. Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc
về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác thần.”
Theo Gioan, thế giới là bãi chiến trường giữa sự thiện và sự ác; trong đó có những
người thuộc về Thiên Chúa và những người thuộc về Ác thần. Người thuộc về Thiên
Chúa có thể phạm tội vì yếu đuối xác thịt; nhưng họ luôn có ý thức về tội lỗi
và muốn giao hòa cùng Thiên Chúa. Người thuộc về Ác thần không có hay đánh mất
hết ý thức về tội lỗi; họ không còn coi điều gì là tội nữa.
2/ Phúc Âm: Tội lỗi phát xuất từ sự ghen-tị của con người.
2.1/ Sự ghen-tị của các môn đệ của Gioan: Trình thuật kể lý do của
sự ghen tị: “Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đi tới miền Judah. Người ở lại nơi
ấy với các ông và làm phép rửa. Còn ông Gioan, ông cũng đang làm phép rửa tại
Aenon, gần Salim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa.
Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gioan và một người
Do-Thái về việc thanh tẩy. Họ đến gặp ông Gioan và nói: "Thưa thầy, người
trước đây đã ở với thầy bên kia sông Jordan và được thầy làm chứng cho, bây giờ
ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông." Gioan đã nói
rõ về sự khác biệt của 2 Phép Rửa: Phép Rửa của ông làm là Phép Rửa để tha tội;
Phép Rửa của Chúa Giêsu là Phép Rửa ban Thánh Thần. Sự tranh luận xảy ra có thể
tại sao cần có 2 Phép Rửa, nhưng điều chính chi phối môn đệ của Gioan là họ
ghen tị khi thấy Chúa Giêsu được nhiều người đến với hơn thầy của họ.
2.2/ Thuốc chữa bệnh ghen-tị: Gioan Tẩy Giả cho các môn đệ và cho chúng ta 3
liều thuốc để chữa bệnh ghen tị:
(1) Mọi hồng ân đều đến từ Thiên Chúa: Ông Gioan trả lời:
"Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.” Hay nói như Thánh
Phaolô: Mọi quà tặng đều đến từ một nguồn là Chúa Thánh Thần; không phải để
khoe khoang, nhưng để phục vụ. Hay nói như kiểu Phúc Âm, Thiên Chúa càng ban tặng
nhiều bao nhiêu, Ngài càng có quyền đòi lại nhiều bấy nhiêu.
(2) Biết mình là có bình an và niềm vui: Điều làm cho con người
có bình an là phải biết mình. Gioan Tẩy Giả rất bình an vì ông biết mình và biết
Đức Kitô: “Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: "Tôi đây không
phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.” Gioan có niềm vui khi
thấy nhiều người tuôn đến với Đức Kitô, vì đó phù hợp với sứ vụ của ông. Gioan
so sánh Đức Kitô với chú rể, và cô dâu là dân chúng tin vào Đức Kitô; còn ông
chỉ là người phù rể: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú
rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó
là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn.”
(3) Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi: Đây là châm
ngôn của Gioan và nên là kim chỉ nam cho hết mọi người khi chúng ta phục vụ
Thiên Chúa. Bổn phận của chúng ta cũng giống như Gioan là dọn đường cho mọi người
và chỉ cho họ đường đến với Thiên Chúa; chứ không lợi dụng việc phục vụ Thiên
Chúa để tìm lợi nhuận, nổi tiếng, và thỏa mãn các nhu cầu của chúng ta. Khi mọi
người đã tới được với Thiên Chúa, chúng ta vui mừng vì đã hòan tất sứ vụ, và sẵn
sàng để lui vào bóng tối.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Kitô đã xuống trần để cứu chúng ta thóat khỏi quyền lực của
tội lỗi và sự chết. Ngài đã thiết lập Bí-tích Hòa Giải để sẵn sàng tha thứ các
tội của con người.
- Con người chúng ta vẫn có thể phạm tội vì còn mang trong người
những yếu đuối và tính đam mê xác thịt. Mỗi khi đã lỡ phạm tội trọng, chúng ta
cần chạy đến với Bí-tích Hòa Giải để được tha tội.
- Điều tối nguy hiểm là chúng ta đánh mất ý thức về tội lỗi hay
tin Chúa sẽ cứu tất cả mọi người mà không cần ăn năn xưng tội. Đây chính là thứ
tội mà Thánh Gioan gọi là “tội đưa đến cái chết.”
Lm. Anthony ĐINH MINH
TIÊN, OP.
09/01/16 THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH
Ga 3,22-30
Ga 3,22-30
Mời bạn quan
sát cuộc đối thoại giữa Gio-an Tẩy giả và các môn đệ. Các môn đệ của Gio-an rõ
là ‘khéo lo’ cho thầy mình. Họ thấy Chúa Giê-su là người trước đây đã đến chịu
phép rửa của thầy mình, bây giờ cũng làm phép rửa và càng ngày càng thu hút dân
chúng, nên họ lo ngại thế giá của thầy mình bị lu mờ. Họ báo cáo tình hình cho
thầy mình nghe, nhưng lời lẽ của họ không dấu được vẻ ghen tỵ. Gio-an Tẩy giả
thật xứng danh là vị tiền hô của Đấng Cứu Thế cả trong việc giáo dục môn sinh
của mình. Ông tự làm mình lu mờ đi, để dạy cho các môn đệ biết vai trò đích
thực của “người được sai đi” làm sứ giả của Đấng Mê-si-a và hơn nữa không ít
lần ông đã sai họ đến với Chúa Giê-su để họ trở thành môn đệ Người.
Bạn ơi, bạn
được mời gọi để làm Gio-an Tẩy giả ngay nơi bạn sống: Thay vì tạo những hào
quang củng cố chính mình hay gây gương xấu cản lối tha nhân đến với Chúa, chúng
ta hãy biết làm mình “lu mờ đi” để “tiếng nói của Chúa Ki-tô được nghe thấy”.
Thư chung của HĐGMVN 2007 vẫn còn tính thời sự: những nhà giáo dục, các thầy cô
giáo, nói rộng ra, mọi Ki-tô hữu đều là những người có trách nhiệm giáo dục đức
tin. Họ chính là “đại sứ của Đức Ki-tô… bằng
chính đời sống và lương tâm kitô hữu,” nhờ đó “mọi người sẽ nhìn thấy họ mà
gặp được Thiên Chúa” (số
26).
Sống Lời Chúa: Tìm
đọc và học Thư chung của HĐGMVN 2007 về giáo dục Kitô giáo. Bạn và nhóm của bạn
làm gì cho những người đang bị thiệt thòi về giáo dục văn hoá và giáo dục đức
tin?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ ý riêng và lòng háo danh, để con
liên lỉ tìm kiếm và thi hành ý Chúa.
Mọi người đều đến với ông
Khi người ta
kéo đến với Đức Giêsu để chịu phép rửa, thì ông Gioan biết rằng mình đã thành
công trong sứ vụ của mình, sứ vụ làm nhịp cầu cho Dân Chúa và Đức Giêsu Kitô gặp
nhau.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu tỏ
mình
tại một nơi nào đó thuộc vùng đất Giuđê.
Nơi đây Đức Giêsu và các môn đệ ở với nhau,
và Ngài đã làm phép rửa.
Tại một nơi khác có tên là Ênôn, gần Salim,
có lẽ thuộc vùng Samaria,
Gioan Tây Giả cũng đang làm phép rửa
cho những người đến với ông.
Như thế ở hai nơi khác nhau, có hai phép
rửa khác nhau,
được làm bởi hai người khác nhau.
Ta không thấy có gì khác biệt về bản chất
giữa hai phép rửa này.
Chỉ có điều là phép rửa của Đức Giêsu thu
hút được nhiều người hơn.
Các môn đệ của ông Gioan đã nhận thấy điều
đó
và họ đi báo cho Thầy Gioan của mình một
tin không vui:
“Mọi người đều đến với ông ấy!” (c. 26).
Họ khó chịu vì Đức Giêsu, người đã từng
được Thầy của họ làm chứng,
người đã sống bên Thầy ở bên kia sông
Giođan (c. 26),
bây giờ lại nổi tiếng hơn Thầy.
Ông Gioan lại chẳng hề khó chịu chút nào.
Ông chưa bao giờ quên sứ mạng của mình là
làm chứng cho Đức Giêsu,
Đấng mà ông đã thấy Thần Khí ngự xuống khi
chịu phép rửa..
Gioan biết sự cao trọng của mình nằm ở đâu:
Ông là người được Thiên Chúa sai đến trước
Đức Kitô (c. 28).
Ông không phải là chú rể, ông chỉ là bạn
của chú rể,
vì thế ông không có quyền “có cô dâu”
(c.29).
Cựu Ước coi dân Ítraen là cô dâu (Is 62,
4-5; Gr 2, 2; Hs 2, 21).
Tân Ước coi Giáo Hội Kitô là cô dâu (2 Cr
11, 2; Ep5, 25-27. 31-32).
Ông Gioan coi Đức Giêsu là chú rể, và ông
đứng đó nghe chàng.
Ông vui mừng hớn hở khi nghe được tiếng nói
của chàng.
Khi người ta kéo đến với Đức Giêsu để chịu
phép rửa,
thì ông Gioan biết rằng mình đã thành công
trong sứ vụ của mình,
sứ vụ làm nhịp cầu cho Dân Chúa và Đức
Giêsu Kitô gặp nhau.
Ông như reo lên vì mãn nguyện: “Đó là niềm
vui của Thầy,
niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn” (c.29).
Chúng ta không quên ơn Gioan, không quên sự
xóa mình của ông.
Đức Giêsu được hiển linh, được nổi bật,
chính vì Gioan đã chịu lu mờ đi.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự khác trở thành bé
nhỏ.
Xin cho con thấy Chúa
thật bao la,
để cả mặt đất cũng
chưa vừa cho con sống.
Xin cho con thấy Chúa
thật thẳm sâu,
để con dễ đón nhận nỗi
khổ đau sâu thẳm nhất.
Lạy Chúa Giêsu,
xin làm cho con thật
mạnh mẽ,
để không nỗi thất vọng
nào
còn chạm được tới con.
Xin làm cho con thật
đầy ắp,
để ngay cả một ước
muốn nhỏ
cũng không còn có chỗ
trong con.
Xin làm cho con thật
lặng lẽ,
để con chỉ còn loan
báo Chúa mà thôi.
Xin Chúa ngự trong con
thật sống động,
để không phải là con,
mà là chính Ngài đang sống.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
09 Tháng Giêng
Cánh Cửa Sổ
Trong nhiều năm qua, cứ mỗi lần mùa Giáng Sinh đến, một đài
truyền hình bên Phi Luật Tân đều cho trình chiếu một phim ca vũ nhạc kịch mang
tựa đề: "Tiếng âm nhạc".
Trong cuốn phim, một nữ tập sinh thủ vai chính mang tên là
Maria phải trạm trán với một quyết định quan trọng có thể thay đổi cả hướng đi
của cuộc đời cô: Một là tiếp tục đường tu, hai là chấp nhận đóng vai trò làm mẹ
của 7 đứa bé mồ côi. Cô đã thốt lên một câu mang đầy ý nghĩa: "Khi Thiên
Chúa đóng cửa chính, thì ở đâu đó trong gian nhà, Ngài luôn mở một cánh cửa sổ".
Trong cuộc sống, hàng triệu nguời mang niềm tin Kitô hình
như cũng phải đương đầu với những cửa chính bị đóng kín mang nhiều hình thức của:
những thử thách, đàn áp, nghi kỵ, thất bại, bệnh tật v.v… Nhưng họ luôn luôn ngẩng
cao đầu lên để thưa: "Amen", một lời thưa, một câu nói biểu lộ niềm
tin không bao giờ xao xuyến, lung lay bất chấp mọi nghịch cảnh.
Họ có thể so sánh với những vĩ nhân trên thế giới đã từng
thực hiện được những kỳ công bất chấp những khó khăn có thể so sánh với những
then cài: - Họ giống như văn sĩ John Milton hoàn thành hai tuyệt tác văn chương
mang tựa đề là: "Thiên Ðàng đã mất" và "Thiên Ðàng được tìm lại",
trong lúc đã sống hoàn toàn trong đêm tối dày đặc, không thấy được một tia sáng
mặt trời, không ngắm được các màu sắc sặc sỡ của một cánh hoa cũng như không thể
thả hồn theo mộng trước những vẻ đẹp của thiên nhiên, - Họ giống như nhạc sĩ
Beethoven sáng tác những khúc đại hòa tấu xuất sắc nhất, kể cả đại khúc giao hưởng
thứ 9, trong lúc ông đã không nghe được một tiếng chim hót, một tiếng suối chảy
róc rách hay một tiếng khóc của trẻ thơ vì đôi tai ông bị điếc hoàn toàn.
"Khi Thiên Chúa đóng cửa chính, thì ở đâu đó trong gian
nhà, Ngài luôn mở một cánh cửa sổ".
Bước vào cuộc sống hằng ngày của năm mới, chúng ta, những
người mang niềm tin Kitô, phải khám phá ra những cửa sổ bé nhỏ Thiên Chúa luôn
hé mở để cho chúng ta thấy:
Một tia sáng trong những vấn đề chúng ta tưởng là hoàn
toàn đen tối. - Một luồng gió mát trong những hoàn cảnh chúng ta tưởng là hoàn
toàn ngột ngạt khó thở. - Một tia hy vọng trong những trường hợp chúng ta tưởng
là hoàn toàn tuyệt vọng.
Lẽ Sống
SỐNG LỜI CHÚA MỖI NGÀY NĂM THÁNH
LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Thứ Bảy, 9 tháng 1 – Sau lễ
Chúa Hiển Linh
1
Gio-an 5,14-21 ·
Thánh Vịnh 149,1-2.3-4.5-6a.9b ·
Gio-an 3,22-30
Trên Cả Tà Thần
Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, hãy tránh xa các
tà thần!
1 Gio-an 5,21
Đoạn
văn ngắn trên trích trong Thư Thứ Nhất của thánh Gio-an nhấn mạnh một điều rằng
dù chúng ta đang sống dưới những mối đe dọa của sự dữ, vẫn luôn có một quyền
năng lớn hơn đang hiện diện gần chúng ta. Chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta thuộc
về Thiên Chúa một cách trọn vẹn! Sự sống đời đời đã hiện diện nơi chúng ta, do
đó chúng ta có thể phân định được những gì là dung và tốt cho linh hồn mình.
Quả thực, sự dữ vẫn còn quấy động cuộc
sống của chúng ta và chúng ta được nhắc nhở hơn bao giờ hết phải chống lại các
ngẫu tượng. Hãy nhớ rằng một phần nơi bản thân chúng ta chưa được trưởng thành.
Có nghĩa là, bản thân chúng ta vẫn còn là một đứa trẻ cần phải được lưu ý, vì
trẻ em thì luôn tò mò. Chúng ta có thể tiếp cận với điều tốt hay với các ngẫu
tượng.
Hãy chỉ
ra những ngẫu tượng của bạn hôm nay để thấy những gì đang lôi cuốn bạn ra khỏi
con đường thánh thiện?
Nt. Macrina Wiederkehr,
O.S.B.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, xin giúp con nhận
diện các ngẫu tượng hay tà thần trong cuộc sống hôm nay, và xin giữ gìn con trước
cơn cám dỗ của tiền bạc, hư danh, dục vọng và những đam mê bất chính.
Quyết tâm : Luôn hướng về Chúa là thần
tượng duy nhất của cuộc đời.
(nguồn trích Sống Lời Chúa số 1 – Mùa Vọng và Giáng Sinh của Tgp. Sài
Gòn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét