Trang

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

10-01-2016 : (phần II) LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA năm C

10/01/2016
Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Năm C
(phần II)



Chủ đề :
Chúa Giêsu lãnh nhận sứ mạng

Chúa Giêsu chịu phép rửa
(Lc 3,15-16.21-22)
Sợi chỉ đỏ :
Sứ mạng của Chúa Giêsu là làm Đấng Messia, một Đấng Messia vừa cao sang trong thân phận Con Thiên Chúa, vừa khiêm tốn như một Người Tôi tớ.
- Bài đọc I (Is 42,1-4.6-7) : Hình ảnh Người Tôi Tớ được mặc khải cho ngôn sứ Isaia.
- Đáp ca (Tv 28) : "Tiếng Chúa vang rền trên sóng nước". Hai hình ảnh "nước" và "tiếng" sẽ được dùng lại trong bài tường thuật Chúa Giêsu chịu phép rửa.
- Tin Mừng (Lc 3,15-16.21-22) : Chúa Cha và Chúa Thánh Thần làm chứng cho Chúa Giêsu khi Ngài đang chịu phép rửa. Chúa Giêsu chính là Con yếu dấu của Thiên Chúa.
- Bài đọc II (Cv 10,34-38) : Thánh Phêrô hiểu biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa là lễ tấn phong Ngài làm Đấng Messia.

I. Dẫn vào Thánh lễ
Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa là gạch nối giữa giai đoạn Chúa Giêsu sống ẩn dật với giai đoạn Ngài rao giảng công khai : sau thời gian sống với gia đình tại Nadarét, Chúa Giêsu bắt đầu đi rao giảng. Việc đầu tiên Ngài làm là lãnh nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả ở sông Giođan. Như thế, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa cũng là gạch nối giữa mùa Giáng sinh với mùa Thường niên : Chúng ta đã cùng sống với Chúa Giêsu qua các biến cố giáng sinh và hiển linh. Kể từ hôm nay chúng ta sẽ cùng sống với Ngài qua các biến cố của đời rao giảng.
Trong dịp Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần đã lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, và tiếng Chúa Cha từ trời phán xuống xác nhận Ngài là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Đó cũng chính là thân phận kitô hữu của mỗi người chúng ta : chúng ta cũng đã lãnh nhận phép rửa, cũng được Chúa Thánh Thần ngự xuống. Vậy chúng ta cũng hãy noi gương Chúa Giêsu mà cố gắng sống xứng đáng là con của Thiên Chúa.

II. Gợi ý sám hối
- Do bí tích Rửa tội, chúng ta đã được nhận là con của Chúa. Nhưng chúng ta chưa sống xứng đáng với danh nghĩa ấy.
- Dù là Con Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã sống như một Người Tôi Tớ hạ mình phục vụ mọi người. Còn chúng ta, chúng ta không thích hạ mình, không ưa phục vụ.
- Chúa Giêsu luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngược lại chúng ta hay sống theo ý riêng.

III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Is 42,1-4.6-7) :
Ngôn sứ Isaia được Thiên Chúa soi sáng đặc biệt nên đã hiểu Đấng Messia tương lai là một Người Tôi Tớ. Ông đã mô tả Người Tôi Tớ trong 4 bài thơ. Đoạn được phụng vụ trích đọc hôm nay nằm trong bài thơ thứ I :
- Đó là người được Thiên Chúa tuyển chọn và Thiên Chúa rất hài lòng.
- Người đó rất hiền lành và dịu dàng : "không lớn tiếng, không nở bẻ gãy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói".
- Sứ mạng của Người Tôi Tớ là : a/ Tái lập công bình ; b/ nên ánh sáng cho muôn dân ; c/ giải thoát những người khốn khổ.
2. Đáp ca (Tv 28) :
Bài thơ này ca tụng Thiên Chúa uy phong. Sự uy phong của Thiên Chúa thể hiện qua việc Ngài thống trị các sức mạnh của thiên nhiên : Ngài ngự trên những ngọn thuỷ triều, tiếng Ngài vang rền trên sóng nước.
Chính Thiên Chúa uy phong ấy sẽ tấn phong Chúa Giêsu làm Đấng Messia của Ngài trong biến cố phép rửa.
3. Tin Mừng (Lc 3,15-16.21-22) :
Bài Tin Mừng này cho ta biết về người làm phép rửa và người được làm phép rửa :
1. Người làm phép rửa là Gioan Tẩy giả : lời giảng và hoạt động của ông đã khiến ông nổi tiếng, đến nỗi dân chúng nghĩ rằng ông chính là Đấng Messia. Gioan đã khiêm tốn thanh minh ông không phải là thế, và còn giới thiệu cho họ biết Đấng Messia thực sắp đến sau ông và cao trọng hơn ông nhiều.
2. Người lãnh nhận phép rửa là Chúa Giêsu. Chính Thiên Chúa (chim câu, tiếng từ trời) giới thiệu Ngài :
- Ngài là Con của Thiên Chúa ("Con là con của Cha")
- Là Đấng Messia mà Tv 2 và ngôn sứ Isaia đã tiên báo (Kiểu nói "Con là con của Cha" là tước hiệu Isaia dùng để nói về Đấng Messia ; kiểu nói "Hôm nay Ta sinh ra con" là của Tv 2 cũng nói về Đấng Messia).
4. Bài đọc II (Cv 10,34-38) :
Dân do thái có quan niệm hẹp hòi cho rằng Thiên Chúa là Chúa riêng của họ, và ơn cứu rỗi của Thiên Chúa được dành riêng cho họ. Vì thế, khi thánh Phêrô rửa tội cho ông Cornêliô một người thuộc dân ngoại, một số người do thái đã thắc mắc.
Thánh Phêrô biện minh rằng ông đã làm như thế cũng chỉ là theo đúng sứ mạng của Chúa Giêsu :
- Trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan, Ngài đã được Thiên Chúa tấn phong làm Đấng Messia : "Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Ngài".
- Sứ mạng Messia của Chúa Giêsu là mang Tin Mừng cho tất cả mọi người và mọi dân tộc, vì thế nên "Ngài đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người". Phêrô còn nói : "Thiên Chúa không tây vị ai. Nhưng ở bất cứ xứ nào ai kính sợ Người và thi hành sự công chính đều được Người đón nhận".
IV. Gợi ý giảng
1. Mỗi người đều có sứ mạng
Hai tiếng "sứ mạng" nghe có vẻ nghiêm trọng quá. Nhưng thực ra mọi người, mọi sinh vật, mọi thụ tạo - nói chung là mọi "hữu thể" - đều có sứ mạng :
- Sứ mạng của mặt trời là sưởi ấm các sinh vật trên mặt đất
- Sứ mạng của cây lúa là nuôi sống con người
- Thậm chí những con vi sinh nhỏ bé đến nỗi mắt thường không thấy được cũng có sứ mạng làm phân huỷ những chất thải.
Chúa Giêsu đã sinh ra trong trần gian với sứ mạng làm Đấng Messia mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Ngài đã chu toàn sứ mạng ấy một cách tuyệt hảo.
Mỗi người chúng ta cũng có sứ mạng. Vậy mỗi người hãy tự hỏi "Sứ mạng của tôi là gì đối với gia đình, đối với xã hội, đối với Giáo Hội, đối với anh chị em không cùng tín ngưỡng ?"
Tôi được sinh ra trên đời là vì sứ mạng. Nếu tôi không chu toàn sứ mạng, hay tệ hơn nữa, nếu tôi không lưu tâm gì đến sứ mạng, thì sự hiện hữu của tôi là vô ích, chỉ là ăn hại. Chúa Giêsu đã nói "Nếu muối mà nhạt thì chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp dưới chân".
2. "Con yêu dấu"
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Qua phép rửa, chúng ta cũng trở thành con Thiên Chúa. Về phần Chúa Giêsu, Ngài đã được khen là "Con yêu dấu của Cha".
Thế nào là một người "con yêu dấu" ?
- là biết ý của cha mình : Chúa Giêsu luôn cầu nguyện để biết ý của Chúa Cha.
- và luôn làm theo ý cha mình : Chúa Giêsu nói "Lương thực của Ta là làm theo ý của Cha Ta". Trong vườn Cây Dầu, sau khi đơn thành tỏ cho Chúa Cha biết Ngài rất sợ chén đắng của cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu nói tiếp ngay "Nhưng xin đừng theo ý con, mà hãy theo ý Cha".
Nếu chúng ta muốn trở thành con yêu dấu của Thiên Chúa thì chúng ta cũng hãy bắt chước Chúa Giêsu : luôn cầu nguyện, khi đã thấy được ý Chúa thì sẵn sàng bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa.
3. "Nếu…"
Nếu tôi là dân do thái lúc đó, có thể tôi cũng đi từ Galilê bên Chúa Giêsu suốt bốn năm ngày đường, tới sông Giođan để chịu phép rửa, mà không ngờ rằng Người là Đấng mà Gioan đang rao giảng. Khi tới nơi, chắc chắn tôi sẽ chen lấn Người để tôi được tới gần Gioan hơn. Tôi trố mắt nhìn và lắng tai. Gioan kêu gọi tôi sám hối. Tôi cảm động và rán lội tới sát Gioan. Tôi đẩy Người ra để xin Gioan rửa tôi trước, vì tôi nóng lòng mong đợi điều Gioan đang nói "Hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến". Rửa xong, tôi an tâm ra về mà không ngờ Người là Đấng Cứu Thế đồng hành với tôi, đứng sát bên tôi, đã bị tôi gạt Người ra ngoài.
Thực tế hàng ngày đã xảy ra trăm ngàn lần tôi cư xử như thế đối với những người bên cạnh tôi. Tôi không ngờ rằng họ là chi thể Đấng Cứu Thế. Tôi bao nhiêu lần xô lấn những người bên cạnh tôi để tôi được hơn, được trước họ mà chẳng nhớ gì lời Chúa dạy : "Con phải kính nhường và yêu mến người bên cạnh con". Thành thử ra tôi cũng không nhận ra Đấng Cứu Thế đang ở với tôi.
Nếu tôi được làm địa vị của Gioan tiền hô, thì khi vừa thấy Đấng Cứu Thế, tôi sẽ tự đắc hô to : Đấy, tôi nói có sai đâu. Ngài đến đây nè… Rồi tôi kêu gọi mọi người ủng hộ Ngài, hoan hô Ngài, đón rước Ngài, xin Ngài phất cờ giải phóng dân tộc, làm cho nước ta độc lập tự do giàu mạnh, đem quân xâm chiếm các nước, trở thành bá chủ hoàn cầu. Tôi rất phàn nàn và lấy làm tiếc vì không thể ngờ được rằng Gioan không làm như tôi mong muốn. Trái lại ông đã cúi mình xuống nhỏ nhẹ thưa với Ngài rằng "Tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài. Tôi chỉ rửa anh em trong nước, còn chính Ngài mới rửa chúng tôi trong Thánh Thần. Vậy xin Ngài rửa cho tôi đi để tôi được ơn cứu độ". Thật là con người đầy khiêm tốn, đầy tin tưởng, để rồi Gioan đã phó thác trót mạng sống mình cho Đấng Cứu Thế : dù phải chặt đầu, ông vẫn luôn quyết tâm chu toàn nghĩa vụ Thiên Chúa trao.
Còn Chúa Giêsu, Người rất từ tốn và ẩn mình tuyệt diệu hơn nữa. Người đã thưa lại Gioan : "Chúng ta cần phải chu toàn nghĩa vụ thánh như thế". Người đồng hóa mình với dân chúng, chịu những kẻ cậy sức mạnh xô đẩy, chèn ép để thông cảm với mọi nỗi xót xa của cuộc đời những kẻ thấp mũi bé miệng, neo đơn, cô thế cô thân. Người đã cúi mình trước Gioan làm phép rửa cho Người để cho những tội nhân biết cúi mình xuống trước tòa giải tội. Người đã dìm mình xuống nước để cứu vớt những kẻ chết trong dòng đời, cho họ được sống lại làm con chí ái với Người trong gia đình thiên quốc. Người chôn mình trong bản tính hư nát của loài người để cho con người được trường sinh vinh phúc.
Lạy Chúa Giêsu xin cho chúng con biết kính nhường nhau. Đó chẳng phải là kính mến Chúa sao ? Xin cho chúng con biết phó thác thân phận làm người, làm kitô hữu cho Đấng Cứu Thế. Chắc chắn chúng con sẽ được Người thanh tẩy và kết nạp chúng con vào nhà Cha chí ái trên trời. (Linh mục Vũ Khắc Nghiêm, "Xây nhà trên đá" Năm A)
4. Tình yêu cứu thế
Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều người đến dự. Tất cả các người được mời đều ăn mặc sang trọng và dùng xe đi đến. Trong số ấy có một người khách già. Rủi thay, vì già yếu nên ông cụ này khi xuống xe đã trượt chân té vào vũng bùn. Khách đến dự tiệc thấy vậy phá lên cười.
Xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng, ông quyết định quay về. Gia nhân nài nỉ cách mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc. Khi đó vị quan chủ tiệc bước ra sân, đi tới chỗ vũng nước đó, rồi cũng cố tình té ngã vào vũng nước. Thế là áo quần của ông quan cũng dơ dáy y như cụ già kia. Mọi người chung quanh chẳng ai dám cười nhạo nữa. Sau đó, vị quan lớn cầm tay ông cụ đưa vào phòng tiệc. Ông cụ chẳng còn lý do nào để chối từ.
*
Chỉ có hành động cố tình té ngã của vị quan lớn kia, mới có thể đưa ông cụ vào bàn tiệc.
Con Thiên Chúa trên tầng trời cao thẳm, lại hạ mình xuống làm kiếp phàm nhân.
Đấng thánh thiện vô cùng, lại khiêm nhu đứng xếp hàng bên những tội nhân.
Đấng xoá tội trần gian, lại hoà mình trong đoàn người tội lỗi.
Đấng thanh sạch vô biên, lại chịu dìm mình trong dòng sông "sám hối".
Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần, lại xin chịu phép rửa của Gioan.
Chính hành vi rất mực khiêm hạ của Đấng Cứu Thế đã cho thấy tình yêu sâu nặng của Thiên Chúa dành cho con người.
Chính thái độ tự huỷ tột cùng của Đấng Cứu Thế đã cho thấy tình yêu dấn thân của Thiên Chúa đối với con người cát bụi chúng ta.
Vâng, chính Thiên Chúa đã có sáng kiến tuyệt vời là tình nguyện hoá thân làm kiếp phàm nhân :
Để chia sẻ thân phận đói nghèo, khổ đau, bệnh hoạn của con người.
Để nếm cảm nỗi ray rứt khắc khoải của tội nhân.
Để thấu hiểu niềm khao khát đổi mới trong lòng người tội lỗi.
Vâng, chính Con Thiên Chúa đã thực hiện những phép lạ thật ngoạn mục ngay trước mắt con người,
Người đã muốn nên anh em với chúng ta để chia sẻ những gì Người đã nhận từ Cha : "Mọi sự của Cha là của Con".
Người đã muốn chung phận con người để chia sẻ phận Con Thiên Chúa : "Phàm là con cái thì chung huyết nhục, nên Người cũng chung phần huyết nhục với chúng ta" (Dt 2,14).
Người đã muốn chung phần khổ đau, để có thể cứu giúp những ai đau khổ : "Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách"(Dt 2,18).
Chiêm ngắm Đấng Cứu Thế cúi mình chịu phép rửa, chúng ta hiểu được thế nào là Tình Yêu : Một Tình Yêu vui lòng tự huỷ để cùng đồng hành với anh em cho đến cùng, một Tình Yêu sẵn sàng chia sẻ trọn vẹn cho anh em, một Tình Yêu chấp nhận cúi xuống để nâng anh em chỗi dậy cùng bước về nhà Cha.
Chiêm ngắm Đấng Cứu Thế cầu nguyện với Cha nơi dòng sông Giođan, chúng ta hiểu được thế nào là Hiệp Thông : Chính trong giây phút Hiệp Thông sâu đậm này mà Người cảm nhận được đầy tràn Thánh Thần và nghe được tiếng Cha âu yếm : "Con là Con của Cha. Hôm nay, Cha đã sinh ra Con" (Lc 3,22).
Ngày nay, chúng ta đã chịu phép Rửa của Đức Kitô trong Thánh Thần, chúng ta được mời gọi Hiệp Thông thân mật với Ba Ngôi Chí Thánh, chúng ta cũng được mời gọi lên đường phục vụ anh em, nhất là những anh em đang cần một Tình Yêu chia sẻ, đỡ nâng và trao ban trọn vẹn : Tình Yêu Cứu Thế !
Lạy Chúa, trong con mắt Chúa chúng con là tất cả. Xin cho chúng con luôn nhìn anh em bằng cái nhìn của Chúa, và yêu thương anh em chúng con bằng tình yêu trọn vẹn của Người. Amen. (TP)
5. Chuyện minh họa
Ở một nước kia có luật cấm đạo. Hai vợ chồng kia bị bắt đưa ra tòa vì tội là Kitô hữu. Người chồng tên là Moran.
Để cứu vợ chồng này khỏi tội, luật sư đã hùng hồn đọc bài biện hộ mà đại ý như sau :
- Hai thân chủ của tôi bị kết tội là Kitô hữu. Tôi xin chứng minh rằng sự thật không phải là thế.
- Họ có một cuộc sống đàng hoàng, siêng năng làm việc, không hề gian tham trộm cắp, không làm thiệt hại ai điều gì, không xích mích gì với hàng xóm… Như thế họ là những con người tốt, những công dân tốt. Không có gì sai trái.
- Ngày Chúa nhật họ đi dự lễ, ở nhà họ có bàn thờ và thường đọc kinh trước bàn thờ, họ đeo ảnh Thánh giá… Chính vì những biểu hiện bề ngoài này mà họ bị kết tội là Kitô hữu. Nhưng những biểu hiện bề ngoài ấy không đủ để kết luận họ thực sự là kitô hữu.
- Chính Thánh Kinh của Kitô giáo đưa tiêu chuẩn để xác định ai là kitô hữu thật : "Cứ xem quả thì biết cây" (Mt 7,15) ; Mà hoa quả chứng minh ai là kitô hữu là những việc bác ái yêu thương, như một câu Thánh Kinh khác : "Người ta cứ dấu này mạ nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con thương yêu nhau" (Ga 13,35). Nếu căn cứ vào những tiêu chuẩn này để xét, thì tôi dám khẳng định rằng thân chủ của tôi chắc chắn không phải là kitô hữu : mọi người đều không thấy họ có chút quan tâm nào đến những người nghèo, những người khổ sở, những người già yếu… ; mỗi khi có cuộc lạc quyên để giúp thiên tai, hoạn nạn, họ cũng đóng góp nhưng chỉ đóng góp cho có với người khác chứ thực sự ít hơn mọi người khác.
- Vì những bằng chứng trên, tôi xin quý tòa hãy hủy bỏ tội danh Kitô hữu của thân chủ tôi.
Toà tạm ngừng để nghị án. Sau đó Tòa kết luận : Tội danh Kitô hữu không được thành lập. Hai vợ chồng Moran được tự do ! (FM)
6. Bài giảng được gán cho Thánh Hippolite (+ 236)
Nếu Chúa chìu theo lời ngăn cản của Gioan mà không chịu phép rửa thì chúng ta đã bị mất mát biết bao điều quan trọng.
Trước đó các tầng trời bị đóng chặt, chúng ta không ai có thể đến được quê hương trên trời. Sau khi xuống thấp tận đáy, chúng ta không còn có thể trở về trên cao. Nhưng Chúa Giêsu đã chịu phép rửa. Không phải một mình Ngài chịu phép rửa, mà Ngài còn canh tân con người cũ và ban lại cho nó thân phận làm dưỡng tử của Thiên Chúa. Bởi thế lúc đó "trời mở ra". Các thực tại hữu hình được giao hòa với những thực tại vô hình ; các phẩm trật trên trời hớn hở vui mừng, dưới đất thì bệnh tật được chữa lành…
7. Suy nghĩ về phép rửa
Phép rửa không chỉ được ban một lần khi chúng ta được mang đến giếng Rửa Tội trong Nhà thờ.
Chúng ta được rửa bởi tất cả mọi biến cố xảy ra trong đời :
- Chúng ta được rửa bởi những cực nhọc, khó khăn : đó là những dòng nước biến động thanh luyện chúng ta khỏi những gì là gian trá và vô dụng.
- Chúng ta được rửa bởi những khổ đau, buồn rầu : đó là những dòng nước u ám nhưng có khả năng giúp ta lớn lên trong đức khiêm tốn và cảm thông.
- Chúng ta được rửa bởi niềm vui : đó là dòng nước róc rách khiến ta cảm nghiệm được vị ngọt của cuộc đời.
- Chúng ta được rửa bởi tình yêu : đó là dòng nước ấm áp làm cho đời ta tươi nở như hoa dưới ánh nắng mặt trời.
Phép rửa là một hạt giống, cần phải nẩy mầm trong suốt cả đời sống.

V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, khi chịu phép rửa tại sông Giođan, Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Vậy chúng ta cùng nguyện xin Người :

1. Chúa Giêsu đã tự hạ / đến xin ông Gioan làm phép rửa / hấu chỉ lối khiêm nhường cho người Kitô hữu học đòi bắt chước / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử / biết noi gương Chúa Giêsu mà phục vụ tha nhân trong yêu thương và khiêm nhường.
2. Chúa Giêsu đã dùng phép rửa mà thánh hóa nhân loại / và mở cửa cho những người thống hối trở về / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho kẻ có tội biết từ bỏ đời sống tội lỗi / mà quay trở về nẻo chính đường ngay.
3. Đức Kitô là ánh sáng muôn dân / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban ánh sáng đức tin cho hết thảy mọi người đang đi tìm Chúa.
4 Đức Kitô là nguồn hy vọng của những ai tin Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết tìm đến Chúa khi gặp gian nan thử thách / để được Người nâng đỡ ủi an.

Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã được Chúa Trời tuyển chọn, Chúa không nỡ nghiền nát cây lau đã gãy, cũng chẳng nỡ dập tắt tim đèn còn cháy. Xin cho tất cả chúng con cũng biết noi theo lòng nhân hậu của Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. Trong Thánh Lễ
Trước Kinh Lạy Cha : Qua bí tích Rửa tội, chúng ta được làm con Thiên Chúa như Chúa Giêsu. Vậy, cùng với Chúa Giêsu, chúng ta hãy dâng lên Chúa Cha lời kinh Lạy Cha.

VII. Giải tán
Thánh lễ đã hết, anh chị em lại trở về cuộc sống bình thường. Anh chị em hãy cố gắng sống xứng đáng là con của Thiên Chúa.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa (C)
Chúa Nhật, 10 Tháng 1, 2016
Chúa Giêsu chịu phép rửa và
Sự biểu thị Người là Con Thiên Chúa
Lc 3:15-16, 21-22
                               
                                                        
1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa là Thiên Chúa và là Cha của chúng con, xin ban cho chúng con biết được mầu nhiệm phép rửa của Con Cha.  Xin Cha cho chúng con có thể hiểu thấu được như Tác Giả Tin Mừng, Luca, đã hiểu; như các Kitô hữu tiên khởi đã hiểu.  Lạy Cha, xin ban cho chúng con có thể chiêm niệm được mầu nhiệm căn tính của Chúa Giêsu như Cha đã mặc khải tại phép rửa của Người trong nước sông Giođan và là Đấng hiện diện trong bí tích rửa tội của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, bằng cách lắng nghe Lời Chúa, xin Chúa dạy cho chúng con ý nghĩa trở thành con cái trong Chúa và với Chúa.  Chúa chính thật là Đấng Kitô bởi vì Chúa đã dạy cho chúng con trở nên con cái Thiên Chúa giống như Chúa.  Xin hãy ban cho chúng con một nhận thức sâu sắc về hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng mời gọi chúng con lắng nghe với lòng vâng phục và sự chú tâm.
Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con cầu xin Chúa làm dịu đi những lo lắng và sợ hãi của chúng con để chúng con có thể trở nên tự do, đơn sơ và hiền lành hơn trong việc lắng nghe tiếng của Thiên Chúa, Đấng đã mặc khải chính mình trong lời của Đức Giêsu Kitô, là người anh và là Đấng Cứu Chuộc của chúng con.  Amen!

2.  Bài Đọc  

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Bài tường thuật về phép rửa của Chúa Giêsu, được trình bày cho chúng ta trong phần phụng vụ của Chúa Nhật tuần này, mời gọi chúng ta suy gẫm về nó và chạm vào một câu hỏi quan trọng liên quan đến đức tin của chúng ta:  Đức Giêsu là ai? Vào thời Chúa Giêsu và suốt dòng lịch sử, câu hỏi này đã được trả lời theo vô số cách và những điều này cho thấy nỗ lực của loài người và các tín hữu muốn hiểu rõ hơn về mầu nhiệm con người của Chúa Giêsu.  Tuy nhiên, trong bài tập suy gẫm này của chúng ta, chúng ta muốn rút ra từ một nguồn tin đáng tin cậy và xác thực hơn, Lời của Thiên Chúa.  Trong lời mô tả cảnh Chúa Giêsu chịu phép rửa trên sông Giođan, Luca đã không quan tâm đến việc cho chúng ta biết các chi tiết cụ thể và lịch sử của sự kiện này, nhưng thay vào đó mời gọi chúng ta là những người đọc Tin Mừng trong năm phụng vụ này, hãy cân nhắc các yếu tố chính cho phép chúng ta nắm bắt được căn tính của Đức Giêsu.   
  
b)  Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Đoạn Tin Mừng này trích từ Phúc Âm Luca chứa hai lời tuyên bố về căn tính của Đức Giêsu, đó là lời tuyên bố của ông Gioan (3:15-16) và của chính Thiên Chúa (3:21-22).
-  Lời tuyên bố đầu tiên được gây ra bởi phản ứng của dân chúng về lời rao giảng và phép rửa hoán cải của ông Gioan:  liệu Gioan có phải là Đấng Kitô không? (3:15).  Gioan trả lời rằng có sự khác biệt lớn lao giữa phép rửa trong nước của ông và phép rửa được tác động trong “Chúa Thánh Thần và trong lửa” của Chúa Giêsu (3:16).
-  Lời tuyên bố thứ hai đến từ trời và được thực hiện trong khi Chúa Giêsu đang chịu phép rửa.  Trong bối cảnh, trong số những người chịu phép rửa đó cũng có hình ảnh của Đức Giêsu tiến đến để lãnh phép rửa (3:21).  Trọng tâm của cảnh không phải là phép rửa, mà là các sự kiện chung quanh nó:  tầng trời mở ra, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người và có tiếng nói công bố căn tính của Chúa Giêsu (3:22).

c) Tin Mừng:
15 Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: "Gioan có phải là Đấng Kitô không?", 16 Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: "Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!"
21 Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra, 22 và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".   
3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Trong thinh lặng, bạn hãy cố gắng làm sinh động trong lòng mình cảnh Tin Mừng vừa mới đọc.  Bạn hãy thử hòa mình với nó và biển nó thành những lời của riêng bạn, do đó xác định những ý nghĩ của bạn với nội dung hoặc ý nghĩa của những lời ấy.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.

a)  “Tiếng nói của Thiên Chúa” tuyên bố Chúa Giêsu “là Con Yêu Dấu duy nhất của Thiên Chúa” có tác dụng gì với bạn?
b)  Chân lý này có phải là một niềm xác tín có ý thức và được chia sẻ đối với bạn không?         
c)  Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa có đã thuyết phục được bạn rằng Thiên Chúa không phải là xa vời, cách biệt trong sự siêu việt của Người và không quan tâm đến nhu cầu cứu rỗi của loài người không?           
d)  Điều mà Chúa Giêsu bước xuống nước của sông Giođan để nhận lãnh phép rửa thống hối, trở thành một với những người tội lỗi, trong khi Người là Đấng vô tội, có khiến bạn ngạc nhiên không? 
e)  Chúa Giêsu không vướng tội lỗi, nhưng Người đã không từ chối để trở thành một với nhân loại tội lỗi.  Bạn có tin rằng ơn cứu độ bắt đầu với luật đoàn kết không?
f)  Là người đã được nhận phép rửa nhờ vào danh Đức Kitô, “trong Chúa Thánh Thần và lửa”, bạn có ý thức rằng bạn đã được mời gọi bởi Thiên Chúa để trải nghiệm tình đoàn kết của Thiên Chúa với quá khứ riêng của bạn, để bạn không còn bị đồng hóa với tội lỗi của cô lập và chia rẽ nữa, mà với tình yêu thương đoàn kết không?

5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề

a)  Bối cảnh của việc Chúa Giêsu chịu phép rửa  

Sau bài tường thuật về thời thơ ấu và việc chuẩn bị cho các hoạt động công khai của Chúa Giêsu, tác giả Luca cho chúng ta biết về các hoạt động của ông Gioan Tẩy Giả, việc Chúa Giêsu chịu phép rửa và bị cám dỗ.  Những đoạn này giới thiệu các hoạt động của Chúa Giêsu và cho chúng một ý nghĩa.  Thánh sử bao gồm trong một khung cảnh độc đáo và đầy đủ về tất cả các hoạt đông của Gioan:  từ lúc bắt đầu việc rao giảng của ông bên bờ sông Giođan (3:3-18) đến lúc ông bị bắt bởi tiểu vương Hêrôđê Antipas (3:19-20).  Khi Chúa Giêsu xuất hiện trong câu 3:21 để nhận phép rửa, ông Gioan không còn được nhắc đến nữa.  Qua sự im lặng này, Luca làm rõ ràng bài đọc của ông về lịch sử ơn cứu độ:  Gioan là ngôn sứ cuối cùng của lời hứa Cựu Ước.  Bây giờ trọng tâm của lịch sử là Đức Giêsu, và chính Người là Đấng bắt đầu thời đại của ơn cứu rỗi, được mở rộng vào thời đại của Giáo Hội.

Một yếu tố không đáng kể trong việc hiểu biết các sự kiện về những người đến trước Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu là hoàn cảnh địa lý và chính trị của đất Paléstine vào thập niên ba mươi.  Thánh sử muốn trình bày một khía cạnh lịch sử và ý nghĩa thần học về sự kiện Đức Giêsu.  Ông muốn nói rằng không phải quyền lực chính trị thế gian (đại diện bởi hoàng đế Xêda Tibêriô) cũng chẳng phải quyền lực tôn giáo (đại diện bởi các thượng tế) đã gán cho giá trị hoặc ý nghĩa cho các sự kiện của loài người; mà đúng hơn chính là “Lời của Thiên Chúa dựa theo Gioan, con ông Giacaria, sống trong hoang địa” (Lc 1:2).  Đối với Luca, khía cạnh mới hay khía cạnh phát triển của lịch sử được mở đầu bởi Đức Giêsu, nằm trong bối cảnh này hoặc tình hình chính trị của thế tục và sự thống trị và quyền lực tôn giáo.  Vào thời gian trước đây, trong bài tường thuật về các ngôn sứ, Lời của Thiên Chúa đã được nói đến trong một tình huống lịch sử-chính trị đặc thù, thế nhưng trong sứ điệp của Gioan có mang tính cấp bách:  Thiên Chúa đến trong con người của Đức Giêsu.  Vì vậy, lời của Chúa gọi Gioan Tẩy Giả từ trong hoang địa để sai ông đến với dân tộc Israel.  Nhiệm vụ của vị ngôn sứ cuối cùng này của Cựu Ước là để mở đường cho việc xuất hiện của Chúa ở giữa dân của Người (Lc 1:16-17, 76).  Ông hoàn thành nhiệm vụ này bằng cách chuẩn bị tất cả mọi người lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa qua phép rửa hoán cải (Gr 3:14; Ed 36:25), có nghĩa là một sự thay đổi trong lối nhìn về mối quan hệ của người ta với Thiên Chúa.  Thay đổi cuộc sống một người có nghĩa là thực thi tình huynh đệ và công bằng theo giáo huấn của các ngôn sứ (Lc 3:10-14).  Trái ngược với chủ nghĩa tuân thủ theo xã hội và tôn giáo, độc giả của Tin Mừng Luca được mời gọi mở lòng ra với con người của Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế.  Hơn thế nữa, Luca nhấn mạnh rằng ngôn sứ Gioan đã không giả vờ là đối thủ của Đức Giêsu.  Mà trái lại, vị ngôn sứ của sông Giođan đã thấy mình hoàn toàn lệ thuộc vào con người của Đức Giêsu:  “tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (3:16).  Một lần nữa, Đức Giêsu là Đấng mạnh mẽ hơn vì Người ban cho Chúa Thánh Thần.

Cuộc đời của Gioan kết thúc một cách thảm khốc theo cách của các ngôn sứ xa xưa.  Tính xác thực của một ngôn sứ được đo bằng sự tự do của người ấy khi phải đối mặt với quyền lực chính trị.  Thật vậy, ông can đảm lên án những hành động ác độc của Hêrôđê đối với dân tộc mình.  Có hai phản ứng đối với lời kêu gọi của ngôn sứ:  dân chúng và những người tội lỗi trở nên hoán cải, trong khi đó lại có phản ứng mạnh mẽ với việc đàn áp dã man.  Cuộc đời Gioan kết thúc trong ngục tù.  Qua sự kiện bi thảm này, Gioan dự đoán số phận của Chúa Giêsu, Đấng sẽ bị chối từ và bị giết, nhưng là Đấng trở thành điểm được nhắc đến cho những ai bị bách hại bởi quyền lực đàn áp.

Cuối cùng, sông Giođan là bối cảnh vật lý cho việc rao giảng của ông Gioan.  Luca có ý muốn thiết lập một sự ràng buộc chặt chẽ giữa dòng sông này và Gioan Tẩy Giả:  sau phép rửa, Chúa Giêsu sẽ không bao giờ trở lại sông Giođan lần nữa và Gioan sẽ không bao giờ vượt qua sông ấy để vào xứ Galilêa và xứ Giuđêa nữa, bởi vì những nơi này được dành riêng cho các hoạt động của Chúa Giêsu.

b)  Lời bình luận về văn bản:

i)  Lời của Gioan liên quan đến Chúa Giêsu (Lc 3:15-16)

Trong khung cảnh đầu tiên của đoạn Tin Mừng phần Phụng Vụ hôm nay, Gioan nói tiên tri một cách khẳng định rằng sẽ có một “đấng cao trọng hơn” ông đang đến. Đây là câu trả lời của vị ngôn sứ ở sông Giođan về ý kiến của đám đông cho rằng ông có thể là Đức Kitô.  Đám đông ở đây được gọi là những người trong sự kỳ vọng.  Đối với Luca, dân tộc Israel được xem là một dân tộc cởi mở và sẵn sàng để đón nhận ơn cứu rỗi của Đấng Mêssia (it ra là trong thời kỳ trước khi Chúa bị đóng đinh).  Những lời của ông Gioan vẽ lên những hình ảnh về Cựu Ước và hành động để tôn vinh con người thần bí mà ông tuyên bố đang trên đường đến:  “Đấng cao trọng hơn tôi đang đến” (3:16).

α.  Hình ảnh của “Đấng cao trọng hơn”
Ông Gioan Tẩy Giả bắt đầu phác họa hình ảnh của Đấng Kitô với tĩnh từ “cao trọng” đã được dùng bởi ngôn sứ Isaia trong quyển vua-Đấng Thiên Sai:  “dũng mãnh, mạnh mẽ như Thiên Chúa” (9:5) và một từ ngữ được dùng trong Cựu Ước để cho biết một đặc điểm của Đấng Tạo Hóa, được coi là chủ tể của vũ trụ và của lịch sử:  “Chúa là Vua hiển trị, Chúa mặc oai phong tựa cẩm bào, Người lấy dũng lực làm cân đai” (Tv 93:1).  Lời nói “Đấng đang đến” lặp lại một danh hiệu về hương vị Đấng Thiên Sai được tìm thấy trong Thánh Vịnh 118, một bài thánh ca rước kiệu được hát trong ngày lễ Lều:  “Phúc thay cho ai đến trong danh của Chúa”.  Luca áp dụng bài thánh vịnh này vào Chúa Giêsu khi Người tiến vào thành Giêrusalem.  Lời công bố về Đấng Thiên Sai nổi tiếng trong sách của tiên tri Dacaria mang cùng một sứ điệp:  “Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi…” (Dcr 9:9).

β.  Một cử chỉ khiêm tốn:  “Tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”
Đây là cách khác mà Thánh Sử mô tả hình ảnh Chúa Kitô và có một hương vị điển hình đông phương:  “cởi dây giày”.  Đây là công việc của một kẻ nô lệ.  Gioan Tẩy Giả xem mình như là tôi tớ của Đấng Thiên Sai sắp đến, hơn thế nữa ông còn cảm thấy khiêm hạ và không xứng đáng:  “Đấng mà tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”.
Sau đó, ông đưa ra phép rửa mà người được công bố sẽ thực hiện:  “chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa”.  Trong Thánh Vịnh 104:3, Chúa Thánh Thần được xác định như là yếu tố tạo dựng và tái tạo tất cả mọi loài: “Xin hãy sai Chúa Thánh Thần của Người, và họ sẽ được tạo dựng, và Người sẽ đổi mới mặt địa cầu”.  Tuy nhiên, lửa là điểm đặc biệt nhất cho biểu tượng thiên tính:  nó mang lại sức nóng và nhen nhúm, làm sinh động và phá hủy, nó là nguồn gốc của sự ấm áp và sự chết. 

ii)  Lời phán ra từ trời liên quan đến Đức Giêsu (Lc 3:1-22)

Trong cảnh thứ hai, chúng ta có một phác họa hay sự mặc khải mới về Đức Kitô. Lần này, chính Thiên Chúa, chứ không phải ông Gioan, đã họa vẽ hình ảnh của Đức Kitô với những lời trang trọng:  “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.  Lời giới thiệu và định nghĩa này về Đức Kitô được hỗ trợ bởi nghệ thuật bố trí thật sự và đặc biệt từ trời (các tầng trời mở ra… Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu… có tiếng từ trời phán) để cho thấy thiên tính của những lời được công bố về con người của Đức Giêsu.

α.  Chim bồ câu là biểu tượng của Chúa Thánh Thần, Đấng sở hữu các ngôn sứ, nhưng bây giờ được ngấm truyền trong sự viên mãn của Người về Đấng Thiên Sai được tiên báo bởi ngôn sứ Isaia:  “Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên Người” (11:2). Biểu tượng chim bồ câu cho thấy rằng với sự ra đời của Chúa Giêsu, sự hiện diện hoàn hảo của Thiên Chúa diễn ra, Đấng tỏ mình ra trong sự tràn đầy Chúa Thánh Thần.  Đó là sự viên mãn của Chúa Thánh Linh thánh hiến Đức Kitô cho sứ vụ cứu độ của Người và cho nhiệm vụ mặc khải với mọi người lời dứt khoát của Chúa Cha.  Chắc chắn rằng dấu hiệu chim bồ câu cho độc giả của đoạn Tin Mừng thấy về việc Chúa chịu phép rửa là để gặp gỡ nhân loại.  Việc gặp gỡ này được thực hiện trong con người của Đức Giêsu.  Ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu như là Đấng Cứu Thế – Đấng trong Cựu Ước vẫn chỉ đơn giản là một người phàm, dù rằng hoàn hảo – và bây giờ Thiên Chúa xác nhận Đức Giêsu như là Con Một “yêu dấu”.  Danh hiệu này cho thấy sự hiện diện tối cao của Thiên Chúa, vượt xa khỏi kinh nghiệm trong việc phụng tự hay bất kỳ khía cạnh nào khác của đời sống tại Israel.

β.  Tiếng nói Thiên Chúa là một dấu hiệu khác đi kèm với sự mặc khải của Chúa Giêsu trong nước của sông Giođan.  Giọng nói nhắc lại hai bản văn của Cựu Ước. Văn bản đầu tiên là một bản thánh vịnh về Đấng Cứu Thế có trích dẫn một số lời của Thiên Chúa nới với vị quân vương–Thiên Sai của Người:  “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh Con” (Tv 2:7).  Trong Cựu Ước cả hai hình ảnh về vị quân vương và Đấng Thiên Sai được coi như là dưỡng tử của Thiên Chúa.  Tuy nhiên, Đức Giêsu lại là con yêu dấu, đồng nghĩa với con một.  Văn bản thứ hai rọi sáng trên những lời được công bố bằng tiếng nói từ trời là một đoạn văn trích từ bài Ca Vịnh về người tôi tớ của Chúa và phần phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật tuần này cho chúng ta bài đọc đầu tiên:  “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng” (Is 42:1).  Hai hình ảnh này được giới thiệu bởi ngôn sứ Isaia hội tụ lại trong Đức Giêsu:  niềm hy vọng về Đấng Thiên Sai-quân vương và hình ảnh của Đấng Thiên Sai chịu đau khổ.  Thật là không chính đáng nếu nói rằng cảnh Chúa chịu phép rửa như được mô tả bởi Luca là một giáo điều thực sự về mầu nhiệm của con người Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế, vị quân vương, người tôi trung, ngôn sứ, Con Thiên Chúa.

ɣ.  Một lần nữa, từ tiếng nói từ trời, chúng ta có thể thấy phẩm chất siêu việt, thiên tính, độc đáo của Đức Giêsu.  Điều liên quan đến Chúa Giêsu đối với thế giới của Thiên Chúa sẽ trở nên rõ ràng, có thể cảm nhận, được trải nghiệm trong bản tính loài người của Ngài, trong những kẻ thân cận của Người ở giữa dân chúng, dọc theo những con đường ngược xuôi của Người tại Paléstine.
Vì vậy, Lời Chúa của Chúa Nhật này, thông qua việc Chúa Giêsu chịu phép rửa, là để giới thiệu Đức Giêsu với thế giới một cách long trọng.  Lời giới thiệu này sẽ chỉ được hoàn thành trên cây thập giá và trong sự phục sinh.  Thật vậy, trên thập giá, hai khuôn mặt của Đức Giêsu được giới thiệu, khuôn mặt vị cứu tinh qua cái chết của Người trên thập giá để cứu chuộc chúng ta, và khuôn mặt Thiên Chúa trong việc tuyên xưng đức tin của viên đội trưởng:  “Đích thực, người này là Con Thiên Chúa!”  Lời của Chúa trong ngày Chúa Nhật này, mời gọi chúng ta chiêm ngắm và thờ lạy khuôn mặt của Đức Kitô mà thánh Augustinô đã trình bày trong những suy tư của mình:  “Trong khuôn mặt ấy chúng ta cũng có thể trông thấy những nét đặc trưng của chúng ta, là những dưỡng tử được mặc khải trong phép rửa của chúng ta.”
                                                                                                                                                                                
6.  Thánh Vịnh 42

Khi chúng ta trải nghiệm sự im lặng của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta, chúng ta đừng nên nản lòng, nhưng chúng ta hãy luôn nuôi dưỡng lòng khao khát Thiên Chúa của chúng ta cùng với tất cả anh chị em.  Chúng ta hãy bước đi con đường Nước Trời, chắc chắn để tìm sự hiện diện của Người trong Đức Giêsu Kitô.
Tìm kiếm thánh nhan Chúa 
Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,
hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.

Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?

Châu lệ là cơm bánh đêm ngày,
khi thiên hạ thường ngày cứ hỏi:
"Này Thiên Chúa ngươi đâu? "

Tôi thả hồn miên man tưởng nhớ
thuở tiến về lều thánh cao sang
đến tận nhà Thiên Chúa,
cùng muôn tiếng reo mừng tán tạ,
giữa sóng người trẩy hội tưng bừng.

Hồn tôi hỡi, cớ sao phiền muộn,
xót xa phận mình mãi làm chi?
Hãy cậy trông Thiên Chúa, tôi còn tán tụng Người,
Người là Đấng cứu độ, là Thiên Chúa của tôi.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa là Thiên Chúa, khi Con của Chúa là Đức Giêsu đang chịu phép rửa tại sông Giođan bởi ông Gioan, Người đã cầu nguyện.  Tiếng nói thần thánh của Chúa đã nghe lời cầu nguyện của Người nên các tầng trời mở ra.  Chúa Thánh Thần cũng mặc khải sự hiện diện của mình dưới dạng chim bồ câu.  Xin Chúa hãy lắng nghe lời chúng con cầu nguyện!  Chúng con nài van Chúa gìn giữ chúng con với ân sủng của Chúa để chúng con có thể thực sự hành xử như con cái của sự sáng. Xin hãy ban cho chúng con sức mạnh để từ bỏ các thói tật của con người cũ để chúng con có thể được liên tục đổi mới trong Chúa Thánh Thần, được mặc lấy và thấm nhuần những suy nghĩ và cảm xúc của Chúa Kitô.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã quyết tâm chịu phép rửa bởi ông Gioan Tẩy Giả với phép rửa của sự thống hối.  Chúng con hướng lòng mình về Chúa để chúng con có thể học được cách cầu nguyện như Chúa đã cầu nguyện cùng Chúa Cha tại lúc Chúa chịu phép rửa, với sự tin tưởng hiếu thảo và lòng trung thành hoàn toàn theo ý muốn của Người.  Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét