11/01/2016
Thứ Hai sau Chúa Nhật 1 Quanh Năm
Bài Ðọc
I: (năm II) 1 Sm 1, 1-8
"Anna
buồn sầu, vì Chúa đã để bà phải son sẻ".
Khởi đầu sách
Samuel quyển thứ nhất.
Khi ấy, có một
người quê ở Rama-Sôphim, miền núi Ephraim, tên là Elcana, con của Giêrôha, Giêrôha
con của Êlihu, Êlihu con của Thôhu, Thôhu con của Súp, người Ephratha. Elcana
có hai người vợ: một tên là Anna, người kia tên là Phênenna. Và Phênenna có nhiều
con, còn Anna thì không có con. Vào những ngày luật quy định, ông này thường rời
quê mình lên Silô để thờ lạy Chúa các đạo binh và hiến dâng của lễ. Tại Silô,
có hai người con của Hêli là Ophni và Phêni, cả hai đều là tư tế của Chúa. Ngày
kia Elcana đi tế lễ, ông chia phần cho bà vợ Phênenna và tất cả các con trai
con gái của bà. Ông buồn sầu chia cho Anna có một phần, mặc dầu ông yêu bà: vì
Thiên Chúa để cho bà phải son sẻ. Cả đối thủ của bà cũng làm cho bà buồn phiền
và nhục mạ bà, vì Chúa đã để bà phải son sẻ. Hằng năm, mỗi lần đến ngày lên đền
thờ Chúa, Elcana đều chia phần như thế, và Anna cũng đều bị khiêu khích như vậy.
Bà than khóc và không ăn uống gì. Vậy Elcana, chồng bà, đã nói với bà rằng:
"Hỡi Anna, sao bà khóc, và không ăn uống gì? Sao bà buồn như vậy? Tôi đây
chẳng quý hơn mười đứa con sao?"
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 115,
12-13. 14 và 17. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ hiến dâng Chúa lời
ca ngợi làm sinh lễ (c. 17a).
Hoặc đọc:
Alleluia.
Xướng: 1) Con lấy
gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho con? Con sẽ lãnh
chén cứu độ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. - Ðáp.
2) Con sẽ giữ
trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. Con sẽ hiến dâng Chúa
lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. - Ðáp.
3) Con sẽ giữ
trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài, trong nơi hành lang
nhà Chúa, ở giữa lòng ngươi, Giêrusalem hỡi! - Ðáp.
Alleluia: 1 Sm
3, 9
Alleluia,
alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có
lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 1,
14-20
"Anh em
hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".
Tin Mừng Chúa
Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Sau khi Gioan bị
bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người
nói: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám
hối và tin vào Tin Mừng".
Ðang lúc đi dọc
theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển,
vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: "Hãy theo Ta,
Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người". Lập tức bỏ lưới,
các ông theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-côbê con ông Giêbêđê
và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ
cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Sám hối
và tin vào Tin Mừng
Trong sưu tập về
các thánh ẩn tu trong sa mạc, có kể giai thoại như sau: Có hai tội nhân quyết
tâm vào sa mạc để ăn chay đền tội. Nguyên một năm ròng rã, mỗi người giam mình
trong một túp lều riêng, ngày đêm ăn chay, cầu nguyện và đánh tội. Ngày ngày
các tu sĩ của cộng đoàn nọ đem thức ăn đến tận căn lều riêng cho từng người.
Sau đúng một năm thử thách, các tu sĩ nhận thấy có sự khác biệt giữa hai người:
một người thì vui vẻ, khỏe mạnh; một người thì ốm o buồn phiền. Cả hai đến
trình diện trước Bề Trên cộng đoàn để chờ xem họ có xứng đáng được gia nhập cộng
đoàn hay không. Khi được hỏi suốt một năm qua, họ đã suy niệm về những gì.
Người ốm o buồn
sầu cho biết:
- Trong năm
qua, ngày ngày tôi nhớ lại những tội đã phạm, từng giây từng phút tôi nhớ đến
những hình phạt sẽ gánh chịu, tôi sợ hãi đến mất ăn mất ngủ.
Ðến lượt mình,
người vui vẻ khỏe mạnh trả lời:
- Suốt một năm
qua, từng giây từng phút, tôi hằng cảm tạ Chúa vì đã tha thứ cho tôi: tôi luôn
nghĩ tới tình yêu của Ngài.
Các tu sĩ trong
cộng đoàn rất cảm kích trước tâm tình của người vui tươi khỏe mạnh vì lòng sám
hối của anh đã biến thành lời ca cảm tạ tri ân tình yêu Chúa.
Sám hối là khởi
đầu của sự nên thánh. Dĩ nhiên, không phải tất cả những vị thánh đều bắt buộc
phải là những tội nhân, nhưng tất cả đều phải bắt đầu với ý thức về tội lỗi và
sự yếu hèn của mình. Càng ý thức về con người tội lỗi, bất toàn của mình, con
người càng cảm nhận được tình yêu của Chúa. Ðó là cảm nhận của vua Ðavít, của
thánh Phêrô, của thánh Augustinô và của tất cả các vị đại thánh trong lịch sử
Giáo Hội.
Lời đầu tiên
Chúa Giêsu dùng để khai mạc sứ mệnh của Ngài chính là: "Hãy sám hối và tin
vào Tin Mừng". Chúa Giêsu đã nối kết sám hối với Tin Mừng. Tin Mừng là gì,
nếu không phải là tình yêu Thiên Chúa được thể hiện qua con người Chúa Giêsu
Kitô. Sám hối không chỉ là ý thức và hồi tưởng về tội lỗi của mình; sám hối
đích thực không dừng lại ở buồn phiền, sợ hãi và thất vọng, mà là ngõ tất yếu dẫn
đến Tin Mừng, nghĩa là vui mừng, hoan lạc.
Thiên Chúa mà
Chúa Giêsu mạc khải qua cuộc sống và nhất là qua cái chết của Ngài, là một người
Cha muốn được con cái yêu mến hơn là sợ hãi. Ðạo mà Chúa Giêsu thiết lập không
phải là đạo của buồn phiền, của khổ đau, nhưng là đạo của Tin Mừng, của tình
yêu, của hân hoan và hy vọng. Ðành rằng Thập giá là biểu tượng của Kitô giáo,
nhưng người Kitô hữu không dừng lại ở chết chóc, khổ đau, buồn phiền; trái lại
họ luôn được mời gọi để nhìn thấy ánh sáng, hy vọng, tin yêu và sự sống bên kia
Thập giá.
Ước gì Lời Chúa
hôm nay ban sức sống để chúng ta không bị đè bẹp dưới sức nặng của tội lỗi, của
yếu hèn. Xin cho chúng ta luôn tiến bước trong hân hoan và tin tưởng, vì biết rằng
Thiên Chúa là Cha yêu thương, không ngừng nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 1 TN2
Bài đọc:
I Sam 1:1-8; Mk 1:14-20.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cùng nhau làm việc.
Người Việt Nam
chúng ta rất thành công khi làm việc một mình; nhưng thường thất bại khi phải
làm việc chung với người khác. Lý do là vì chúng ta sợ: sợ bị mất quyền hành, sợ
người khác hơn mình, sợ phải san sẻ lợi lộc cho người khác. Để có thể làm việc
chung, chúng ta phải vượt qua những nỗi lo sợ này; phải cho các cộng sự viên của
mình cơ hội để họ chứng minh họ xứng đáng với niềm tin của chúng ta; và phải
nhìn thấy những mối lợi do sự làm việc chung mang lại hơn là lo sợ những gì
chúng ta phải mất.
Hơn nữa, để làm
việc chung có hiệu quả, trước khi trao công việc, chúng ta phải: huấn luyện để
các cộng sự viên biết làm những gì chúng ta trao cho họ; trao việc là phải trao
quyền hành: cộng sự viên là những người đại diện chúng ta để giải quyết vấn đề,
chúng ta cần cho họ biết trước những giới hạn về quyền hành nếu có; và phải
giúp mọi phương tiện, để họ có thể thi hành sứ vụ được trao phó.
Các Bài đọc hôm
nay cho thấy ích lợi của làm việc chung: Trong Bài Đọc I, tác giả nêu lên sự
tương phản giữa sự khinh thường và sự thông cảm hoàn cảnh đau khổ của bà
Hannah. Bà Peninnah luôn tìm cơ hội để chọc tức và khinh thường; trong khi ông
Elkanah luôn tìm dịp an ủi và yêu thương bà Hannah. Trong Phúc Âm, sau khi nhận
lãnh sứ vụ từ Chúa Cha, Chúa Giêsu mời gọi 4 môn đệ đầu tiên để Ngài huấn luyện
họ, trước khi sai họ đi để tiếp tục sứ vụ của Ngài trên trần gian.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài Đọc I: Hai thái độ trước nỗi đau khổ của tha nhân
1.1/ Thái độ khinh
thường và chọc tức của bà Peninnah: Trình thuật kể ông Elkanah có hai vợ: bà Peninnah và bà Hannah.
Bà Peninnah có con, còn bà Hannah không có con. Hằng năm, ông Elkanah đưa gia
đình lên thờ lạy và dâng hy lễ cho Đức Chúa các đạo binh tại Shiloh. Đến ngày
ông Elkanah dâng hy lễ, ông thường chia các phần cho bà Peninnah, vợ ông, và
cho các con trai con gái bà ấy. Còn bà Hannah, thì ông chia cho một phần ngon,
vì ông yêu bà, mặc dù Đức Chúa đã làm cho bà không sinh sản được.
Ông Elkanah đối
xử công bằng đồng đều và yêu thương mọi người trong gia đình; nhưng bà Peninnah
thì không. Bà luôn kiếm cơ hội để chọc tức và hạ nhục bà Hannah, vì Đức Chúa đã
làm cho bà không sinh sản được. Đây là điều thường xảy ra cho những người có
nhiều vợ, vì bà nào cũng muốn không những được chồng thương yêu; nhưng còn phải
ghét bỏ những bà khác.
1.2/ Thái độ thông
cảm với nỗi buồn tủi của bà Hannah: Khi nhìn thấy nỗi đau khổ của bà Hannah, ông Elkanah biết ông
không thể thay đổi tính kiêu ngạo và ghen tị của bà Peninnah; nên ông dành tình
yêu thương cho Bà Hannah nhiều hơn. Khi thấy bà khóc và không chịu ăn, ông
Elkanah an ủi bà: "Hannah, sao em khóc? Sao em không chịu ăn? Sao lòng em
rầu rĩ vậy? Đối với em, anh lại không hơn mười đứa con trai sao?"
Làm vợ mà không
có con là một sự sỉ nhục cho người đàn bà. Miệng lưỡi người thế gian thường cho
là hậu quả của việc ăn ở thất nhân ác đức. Đó là lý do bà Hannah u sầu đau khổ:
Bà biết mình không ăn ở thất nhân, ác đức; nên Bà đến cầu xin thống thiết với
Thiên Chúa. Nếu Ngài thương cất nỗi nhục nhằn và ban cho Bà một mụn con trai,
Bà sẽ dâng con trả lại cho Thiên Chúa, để nó phục vụ Ngài suốt đời; chứ Bà sẽ
không giữ con cho mình. Thiên Chúa đã thấu hiểu nỗi đau khổ của Bà; nên qua miệng
thầy cả Eli, Ngài hứa sẽ ban cho Bà điều Bà xin.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu gọi 4 môn đệ đầu tiên.
2.1/ Tôi sẽ làm
cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá: Trình thuật hôm nay bắt đầu sứ vụ công
khai rao giảng của Chúa Giêsu sau 30 năm ẩn mình tại Nazareth. Sứ điệp của Chúa
Giêsu cho mọi người: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại của Thiên Chúa đã đến gần.
Anh em hãy xám hối và tin vào Tin Mừng.” Hai điều quan trọng Chúa muốn nhấn mạnh
đến:
(1) Thời giờ đã
điểm, triều đại của Thiên Chúa đã đến: Giống như Thư Do-Thái, Marcô nhấn mạnh đến
sự xuất hiện quan trọng của Chúa Giêsu: tuy vẫn có sự liên tục trong Kế Họach Cứu
Độ, nhưng Chúa Giêsu mang Kế-hoạch này đến chỗ hoàn hảo.
(2) Anh em hãy
xám hối và tin vào Tin Mừng: Đây là điều kiện để con người được hưởng Ơn Cứu Độ
của Thiên Chúa.
Để kiếm người cộng
tác loan truyền sứ điệp, Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên. Ngài không xa lạ
gì với Biển Hồ Galilee và dân chài lưới, có thể Ngài đã từng dạo chơi chung
quanh, và đã nói chuyện với họ; nhưng hôm nay, Ngài mời gọi họ bỏ mọi sự để cất
bước theo Ngài. Nghề đánh cá là nghề khó nhọc và đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn:
phải thả lưới bắt cá khi nào cá đi tìm mồi, chứ không phải muốn thả lúc nào thì
thả. Thời giờ bắt cá thường là đêm tối cho đến lúc tảng sáng, đó là giờ ngủ của
con người. Chúa Giêsu chỉ hứa hẹn với các ông một điều: “Tôi sẽ làm cho các anh
thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Nói cách khác, Ngài hứa sẽ huấn luyện
các ông để cứu vớt linh hồn của người ta. Ngài muốn cho các ông nhận ra ý nghĩa
của cuộc đời bằng chính việc các ông đang làm: Đánh cá để kiếm của ăn sinh sống
không quan trọng cho bằng việc đánh cá để cứu linh hồn các con người đang cần đến
các ông.
2.2/ Thái độ của
các môn đệ khi được Chúa Giêsu gọi.
(1) Simon và
Anrê: Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Thái độ của hai ông đáp trả
rất can đảm và dứt khóat. Can đảm vì phải bỏ nghề nghiệp sinh sống, các ông
không chút thắc mắc “giải nghệ rồi làm gì ăn?” Dứt khóat vì quyết định rất
nhanh chóng, không tiếc nuối chút nào cả.
(2) Giacôbê và
Gioan: Các ông bỏ cha mình là ông Zebedee ở lại trên thuyền với những người làm
công, mà đi theo Người. Hai ông không những bỏ nghề mà còn bỏ cả cha, đấng sinh
thành ra mình. Chúa Giêsu phải có điều gì lôi cuốn các ông hơn là nghề nghiệp
và tình cảm gia đình.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa có
thể làm tất cả một mình, nhưng Ngài muốn sự cộng tác của con người. Ngài muốn
con người cộng tác với nhau để cùng nhau sinh sống và giúp đỡ lẫn nhau. Để có
thể làm việc chung, chúng ta cần tin tưởng, thông cảm, giúp đỡ, và tạo cơ hội
thuận tiện cho tha nhân để họ có thể đóng góp vào công việc chung.
- Chúng ta cần
tuyệt đối tránh thái độ kiêu ngạo, khinh thường tha nhân, và sợ họ hơn mình. Để
có được những điều này, chúng ta cần có tầm nhìn rộng lớn, tích cực, và những lợi
ích do làm việc chung mang lại.
- Chúng ta cần
phản ứng cách tích cực trước lời mời gọi của Thiên Chúa; nhất là trong việc rao
giảng Tin Mừng. Mỗi người được Chúa ban tài năng và hoàn cảnh khác nhau để góp
phần trong việc mang Lời Chúa đến cho mọi người.
Linh mục
Anthony Đinh Minh Tiên, OP
11/01/16 THỨ HAI TUẦN 1
TN
Mc 1,14-20
Mc 1,14-20
Suy niệm: Trong dịp hành hương
Fatima năm 2010, Đức Bênêđictô kêu gọi mọi tín hữu phải sám hối, vì “sự bách hại ác liệt
nhất đối với Giáo Hội không đến từ kẻ thù bên ngoài, mà xuất phát từ tội lỗi ngay
trong lòng Giáo Hội, vì thế Giáo Hội cần khẩn thiết học lại bài học sám hối,
cần chấp nhận thanh luyện.” Như vậy, sám hối trở thành “đặc sản” của Ki-tô
hữu, bởi mọi Ki-tô hữu phải từ bỏ tội lỗi, hướng lòng về với Chúa và uốn nắn
đời sống của mình theo Tin Mừng. Sám hối trở thành việc thường xuyên trong đời
Ki-tô hữu và là cách tiếp nhận quyền năng của lòng Chúa thương xót. Không như
một số người lầm tưởng Chúa thương xót là Chúa cảm thông sự yếu đuối của chúng
ta nhưng bất lực cứu độ; trái lại, lòng Chúa thương xót có quyền năng tha thứ
và cho chúng ta một cơ hội mới sống lại tình thân với Chúa. Một lời tổng nguyện
cổ xưa đã khẳng định quyền năng này của Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa là Đấng cao
cả vô song, Chúa đã mạc khải về quyền năng của Chúa trước hết là trong lòng
thương xót và sự khoan dung.”
Mời Bạn: Có người viết rằng, xấu hổ chẳng khác gì con sư tử thu
mình để phóng tới, thì đối với Ki-tô hữu, sám hối là cách thức đón nhận quyền
năng tha thứ và phục hồi từ Thiên Chúa để trở nên người mới.
Sống Lời Chúa: Dành vài phút trước khi ngủ để gặp gỡ Chúa và thực
hành sám hối.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa thương
xót tội nhân và sẵn lòng tha thứ để cứu độ họ. Xin đừng để con hư mất vì thiếu
lòng ăn năn sám hối.
Thấy
- Gọi - Bỏ - Theo
Hôm nay Đức Giêsu vẫn cần những con người dám sống
cho người khác, dám bỏ lại những điều rất quý giá và thân thương, dám bỏ lại cuộc
sống ổn định và ấm êm, tiện nghi và dễ chịu.
Suy niệm:
Sau khi chịu phép rửa của Gioan ở sông
Giođan
Đức Giêsu biết đã đến lúc mình phải rời bỏ
gia đình ở Nadarét,
phải chia tay với người mẹ thân yêu,
phải từ giã nghề nghiệp mà mình đã theo
đuổi mấy chục năm trời.
Sau khi nhận Thánh Thần từ trên xuống,
Đức Giêsu biết đã đến lúc mình phải lên
đường
dấn thân cho sứ mạng do Cha ủy thác.
Vùng Galilê là vùng Ngài bắt đầu rao giảng
Tin Mừng về Nước Trời (c.14).
Ngài mời người ta sám hối và tin vào Tin
Mừng mà Ngài rao giảng.(c.15).
Nhưng Đức Giêsu không nghĩ rằng mình có thể
tự mình làm mọi sự.
Ngài cần người cộng tác, dù nước Ítraen chỉ
là một nước bé nhỏ.
Đức Giêsu đi tìm môn đệ, và Ngài bắt gặp
các anh đánh cá nơi hồ Galilê.
Có hai đôi anh em ruột đã lọt vào mắt của
Ngài.
Ngài THẤY Phêrô và Anrê đang quăng lưới bắt
cá.
“Hãy theo tôi. Tôi sẽ làm các anh thành
những kẻ lưới con người” (c. 17).
Đây là một mệnh lệnh nhưng cũng là một lời
mời thân thương.
Ngài GỌI họ đi theo Ngài, theo chính con
người của Ngài,
chứ không phải theo một lý tưởng hay một
chủ nghĩa nào đó, dù là cao đẹp.
Theo Ngài sẽ dẫn đến một thay đổi lớn nơi
họ: từ lưới cá đến lưới con người.
Bây giờ con người là mối bận tâm của họ,
không phải là cá như xưa nữa.
Đức Giêsu cũng thấy cặp anh em ruột thứ hai
là Giacôbê và Gioan.
Họ đang vá lưới trong khoang thuyền với
người cha.
Khung cảnh cha con thật êm đềm, tưởng như
chẳng gì có thể làm xáo trộn.
Tiếng gọi của Thầy Giêsu vang lên, gây cuộc
chia ly.
Bốn anh đánh cá đầu tiên này đã BỎ để dáp
lại tiếng gọi của Thầy Giêsu.
Họ đã bỏ chài lưới, bỏ nghề dánh cá, bỏ
những thú vui của sông nước.
Hơn nữa họ còn bỏ gia đình, bỏ vợ, bỏ cha,
để gắn bó với Thầy Giêsu.
Họ bỏ một giá trị để sống cho một Giá Trị
lớn hơn,
bỏ một tình yêu để sống cho một Tình Yêu
lớn hơn.
Đức Giêsu đã có kinh nghiệm về sự đau đớn
khi phải từ bỏ như vậy.
Nhưng bỏ chính là để THEO (cc. 18.20).
Theo một Đấng sống không chỗ tựa đầu, và
bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh.
Hôm nay Đức Giêsu vẫn cần những con người
dám sống cho người khác,
dám bỏ lại những điều rất quý giá và thân
thương,
dám bỏ lại cuộc sống ổn định và ấm êm, tiện
nghi và dễ chịu.
Xin cho chúng ta nghe được tiếng gọi thì
thầm của Ngài và vui sướng đáp lại.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn
Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia
đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của
Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của
Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa.
Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu,
SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
11 THÁNG
GIÊNG
Thế Giới
Khát Khao Hòa Bình
Chất lượng đời
sống trong một quốc gia hay trong bất cứ cộng đồng nào khác đều tùy thuộc ở chỗ
có hay không có sự hòa bình và tình huynh đệ. Một khi thực sự có bầu khí hòa
bình, những năng lực hướng thiện phi thường sẽ được giải phóng, đem lại niềm
vui, thúc đẩy sáng tạo, giúp người ta đạt đến mức trưởng thành đầy đủ và làm việc
với nhau trong tinh thần con cái của Thiên Chúa Tình Yêu. Ở đâu có hiện diện
tinh thần huynh đệ đích thực, ở đó quyền lợi của kẻ yếu và của người cô thế cô
thân sẽ không bị chà đạp. Phẩm giá và thiện ích của mọi người sẽ được trân trọng
bảo vệ và tăng triển. Và chỉ có hòa hình khi người ta biết gìn giữ và củng cố
công bằng, tự do và lòng tôn trọng đích thực đối với bản tính con người.
Nhưng thế giới
hiện nay lại quen với tình trạng thiếu vắng tình huynh đệ, quen với sự kích động
bạo lực, sự phân biệt đối xử và sự bất công. Một thế giới như vậy quả đang
thách đố chúng ta biểu lộ tình người. Chất lượng của các cộng đồng và các quốc
gia đang bị đe dọa. Và mọi quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với thách đố
này.
Cả nhân loại là
một gia đình – một đại gia đình với tất cả những nét đa dạng của nó. Cổ võ cho
hòa bình, cho công bằng giữa các quốc gia và cho sự đoàn kết thực sự giữa các
dân tộc; đó là tôn chỉ ngày càng thôi thúc chúng ta hôm nay. Các vị lãnh đạo của
các quốc gia và các tổ chức quốc tế vẫn thường xuyên nói lên điều đó. Các kế hoạch
hòa bình được hậu thuẫn bằng nhiều cách thế khác nhau bởi hầu như tất cả các đảng
phái chính trị trên thế giới. Các phong trào quần chúng và công luận cũng đề
cao cùng một tôn chỉ ấy. Ở bất cứ nước nào, người ta cũng ngán ngẩm những xung
đột và chia rẽ. Cả thế giới chúng ta đang khao khát hòa điệu và hòa bình.
- suy tư 366
ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công
Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR
HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 11/01
1Sm 1, 1-8;
Mc 1, 14-20
Lời Suy
Niệm: Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại
Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối, và tin vào Tin Mừng”.
Thời kỳ đã mãn,
mà Chúa Giêsu khi loan báo ngay từ đầu sứ vụ của Người, được Thánh Phaolô Tông
Đồ nói trong thư Ga-lát là: “Thời gian Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm
con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật.” (Gl 4,4) cũng như trong thư gởi
cho giáo đoàn Ê-phê-sô: “Thời gian quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền
thủ lãnh của Đức Kitô” (Ep 1,10). Để những ai trông đợi Người, không còn phải
trông đợi nữa, nhưng phải biết Người đang hiện diện giữa họ, để họ biết canh
tân đời sống của mình bằng cách sám hối và tin vào Lời Người. Để được Cứu Độ.
Lạy Chúa Giêsu.
Chúng con đang được ở trong ơn Cứu Độ của Chúa. Xin cho mọi thành viên trong
gia đình chúng con vững tin vào Tin Mừng.
Mạnh Phương
11 Tháng
Giêng
Kho Tàng Ẩn Dấu
Chúng ta có
biết rằng trong cơ thể của con người chúng ta, những yếu tố nhỏ nhất lại đóng
vai trò quan trọng nhất không?
Lá lách của
chúng ta chỉ tiết ra một lượng men rất nhỏ, nhưng rất cần thiết để giúp tiêu
hóa chất Protin, chất béo trong thức ăn của chúng ta. Lượng dưỡng khí kết hợp với
hồng huyết cầu để làm cho máu thành đỏ chỉ là một số lượng nhỏ. Tuyến não thùy
nằm ở trong bộ não của chúng ta chỉ là một tuyến nhỏ nhưng vô cùng cần thiết bởi
vì nó tiết ra một kích thích tố cần thiết cho sự tăng trưởng của con người. Những
âm ba được truyền đến màn nhĩ trong lỗ tai là nhờ ở ba đốt xương nhỏ li ti nằm
giữa lỗ tai của chúng ta. Những tế bào hình nón nằm trong võng mô của đôi mắt
là những trạm tiếp nhận ánh sáng nhờ đó chúng ta mới thấy được. Mỗi một tế bào
trong cơ thể chúng ta chứa đựng những nhiễm thể mà chức năng chính là quyết định
về sự di truyền hay phái tính của mỗi bào thai. Tất cả những cơ cấu nhỏ bé và ẩn
tàng ấy đóng vai trò xem ra quan trọng nhất trong sự sống và hoạt động của cơ
thể con người.
Lại nữa, những
tác nhân gây ra không biết bao nhiêu bệnh tật giết người cũng là những sinh vật
nhỏ li ti mà mắt thường không thể nào trông thấy được. Phải chăng những cái nhỏ
li ti nhất lại không là những cái chứa đựng nhiều sức mạnh nhất? Và phải chăng
những công việc tầm thường vô danh nhất lại không là những công việc có giá trị
nhất trong cuộc sống con người?
Có lẽ không phải
do ngẫu nhiên hoặc vì chờ thời mà Con Thiên Chúa làm người, đã sống âm thầm ẩn
dật trong 30 năm trước khi công khai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. 30 năm âm thầm
ấy cũng có giá trị cứu rỗi như chính cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Với 30
năm âm thầm ấy, Chúa Giêsu muốn nói với con người rằng tất cả mọi sinh hoạt
trong cuộc sống con người, từ cái ăn, cái uống, cái ngủ nghỉ, tất cả đều được mặc
cho một giá trị cao cả và trường cửu.
Sống một cách
trọn vẹn, sống với tất cả niềm tin - tất cả những sinh hoạt tầàm thường và nhỏ
nhặt nhất trong cuộc sống âm thầm, có khi độc điệu, buồn chán: đó chính là bí
quyết để được hạnh phúc và bình an. Tất cả các vị thánh đều đi qua con đường
nên thánh ấy.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét