Trang

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

17-01-2016 : (phần II) CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN năm C

17/01/2016
Chúa Nhật 2 Quanh Năm Năm C
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm C
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C
(Is 62,1-5; 1Cr 12,4-11; Ga 2,1-11)
CHỦ ĐỀ:
CÓ ĐƯỢC NIỀM VUI TRONG CHÚA
KHI BIẾT NGHE LỜI NGƯỜI
Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo
(Ga 1,5)
Thiên Chúa luôn gắn kết với con người và tìm mọi phương thế giúp con người sống an vui hạnh phúc dưới bóng Ngài. Con người có được điều đó là nhờ vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đã vượt lên trên những yếu đuối tội lỗi của con người. Quả thực, Thiên Chúa yêu con người, không phải vì con người đáng yêu, nhưng Người làm cho con người trở nên đáng yêu, bởi vì Ngài thương xót con người. Phần mình, con người sẽ được các điều đó nếu biết nghe và làm theo Lời Chúa.
I. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Is 62,1-5)
Đoạn sách Ngôn Sứ Isaia hôm nay nói về giao ước của Thiên Chúa với dân Ngài. Mặc dù họ không sống xứng đáng với giao ước đó, nhưng tình yêu của Thiên Chúa luôn dành cho con người: “Vì lòng mến Xion, Ta sẽ không nín lặng, vì lòng mếnGiêrusalem, Ta nghỉ yên sao đành”. Trong tương quan với Thiên Chúa, Giêrusalem, biểu tượng cho dân tộc Dothái, được xem như là “Hôn Thê” của Thiên Chúa. Vị Hôn Thê này đã nhiều lần phản bội lại vị Hôn Phu của mình để chạy theo những thần ngoại và tội lỗi, được diễn tả qua tình trạng “ngoại tình”, không thủy chung. Thế nhưng, vị Hôn Phu vẫn luôn tha thứ và yêu thương, khiến vị “Hôn Thê” này không bị người ta coi thường: “Chẳng ai còn réo tên ngươi: Đồ bị ruồng bỏ. Nhưng ngươi được gọi: Ái khanh lòng Ta hỡi. Vì ngươi sẽ được Đức Chúa đem lòng sủng ái”, nên “người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Chúa đặt cho”. Dân Thiên Chúa được tôn trọng, được chở che giữ gìn, có được vinh quang tỏ rạng và được Chúa yêu nhiều hơn, không phải do công trạng của mình, nhưng do được “Chúa đem lòng sủng ái”, nhờ vào tình yêu vô biên và lòng thương xót hải hà của Ngài.
2. Bài đọc II (1Cr 12,4-11)
Đoạn 1Cr 12 nói về sự hiệp nhất trong cùng một Thần Khí và vì ích chung, mặc dù có nhiều đặc sủng khác nhau. Lúc bấy giờ, trong cộng đoàn Côrintô không chỉ có hiện tượng phân bè chia phái (x. 1Cr 1,10-16) mà còn có sự chia rẽ nhau về những đặc sủng mà Thần Khí ban cho mỗi người. Họ đã không nhận biết nguồn gốc và mục đích của những đặc sủng. Tất cả những đặc sủng đều xuất phát từ một Thần Khí duy nhất và phải được thực hiện trong sự hiệp nhất để phục vụ Thiên Chúa và vì ích chung của Hội Thánh.
Quả thật, Hội Thánh hay cộng đoàn Kitô giáo được ví như là thân thể của chính Đức Kitô, trong đó các bộ phận của thân thể bao gồm mọi người, không phân biệt ai, phải hiệp nhất, tôn trọng và hợp tác với nhau (1Cr 12,12-13). Từ những điều trên, có thể rút ra hệ luận này: nền tảng xây dựng đời sống của Hội Thánh, của một giáo xứ hay cộng đoàn tu trì, là sự hiệp nhất;  ai gây ra một sự chia rẽ giữa các thành viên trong cộng đoàn là làm tan rã thân thể Đức Kitô (1Cr 1,13). Sự hiệp nhất của các tín hữu được nâng lên một mức độ cao hơn với sự đa dạng về đặc sủng mà Thần Khí ban cho mỗi người vì ích chung. Sự khác biệt và đa dạng làm nên tính phong phú và bổ túc cho nhau nhưng phải hài hòa trong hiệp nhất (1Cr 12,4-11). Các đặc sủng không thể là nguyên nhân khiến các tín hữu chia rẽ, kết án nhau và làm xáo trộn cộng đoàn bởi vì đều có một gốc chung từ Thiên Chúa và hướng tới một mục đích chung là kiến thiết Hội Thánh, xây dựng giáo xứ và cộng đoàn (1Cr13,1-13; x. 8,1-3). Một trong những dấu chỉ cho thấy chúng ta đang sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí Thiên Chúa đó là biết sống hiệp nhất với nhau và yêu thương nhau.
3. Bài Tin Mừng (Ga 2,1-11)
Bài Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay thuật lại dấu lạ Đức Giêsu đã thực hiện ở tiệc cưới Cana. Theo Tin Mừng Gioan, đây là dấu lạ đầu tiên trong bảy dấu lạ mà Đức Giêsu thực hiện trong sứ vụ công khai của mình, nhằm mạc khải vinh quang và chương trình của Thiên Chúa đã bắt đầu nơi sứ vụ của Người, để các môn đệ tin. Trong tiệc cưới này, Thân mẫu Đức Giêsu (tức Mẹ Maria), Đức Giêsu và các môn đệ Người được mời đến dự. Tiệc cưới của người Dothái thường kéo dài trong một tuần (x. St 29,27; Tl 14,10). Do đó, có thể thiếu rượu. Lúc đó, Mẹ Maria thấy gia chủ thiếu rượu; điều này sẽ khiến gia đình và cô dâu chú rể bẽ mặt, tiệc cưới mất vui. Thấu hiểu tình cảnh của họ, Mẹ đã báo cho Đức Giêsu: “Họ hết rượu rồi” như là cách xin Đức Giêsu ra tay để cứu giúp họ. Thế nhưng, Đức Giêsu đáp lại: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”. Câu trả lời có vẻ khó nghe nhưng có ý nghĩa rất lớn: “giờ” để Đức Giêsu ra tay hành động là nhằm để tỏ hiện vinh quang và thực hiện chương trình của Thiên Chúa là tùy thuộc vào ý Thiên Chúa, chứ không do ý của con người. Khi nào Thiên Chúa muốn, thì Người sẽ tỏ hiện và thi hành kế hoạch của Người.
Trong Tin Mừng Gioan, “dấu lạ” liên quan tới “giờ” vinh quang của Đức Giêsu, mà  đỉnh cao của “giờ” là cuộc khổ nạn và chết trên thập giá. Qua dấu lạ Cana, vinh quang của Đức Giêsu bắt đầu được tỏ lộ và tiến dần tới đỉnh viên mãn trong tương lai khi Đức Giêsu nói “Thế là đã hoàn tất!”, rồi Người gục đầu xuống và trao sinh khí trên cây thập giá (Ga 19,30).
Về khía cạnh mục vụ, điều quan trọng để “dấu lạ” có thể xảy ra là “Người bảo gì thì cứ làm theo”. Do đó, muốn được Đức Giêsu “tỏ mình ra” và ban “rượu ngon/ân sủng” tràn đầy thì các Kitô hữu phải lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, thực hành các giới răn, như Đức Giêsu đã khẳng định: “Ai có các điều răn của Thầy và tuân giữ, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,21). Thêm vào đó, khi làm dấu lạ hóa nước thành rượu vừa nhiều vừa ngon, Đức Giêsu đã cứu gia chủ thoát khỏi cảnh nhục nhã và làm vui lòng các thực khách. Như thế, phúc cho ai được Đức Giêsu đến hiện diện trong nhà mình vì Người sẽ ra tay đúng lúc và ban cho họ ân huệ dồi dào và tuyệt hảo. Niềm vui của cộng đoàn Kitô hữu không bao giờ bị vơi, ân sủng luôn dư tràn và chứa chan gấp bội nếu có sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô Phục sinh ở giữa họ.
Bài Tin Mừng cũng cho thấy rõ vai trò đặc biệt của Mẹ Maria trong công trình cứu độ của Thiên Chúa và trong đời sống của Kitô hữu. Mẹ Maria đã hiện diện từ lúc Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai (Ga 2,1) rồi trong giây phút hoàn thành sứ vụ này dưới chân thập giá (Ga 19,25-26). Trong những thời khắc đó, ngài hiện diện với vai trò của một người mẹ: làm trung gian chuyển cầu trước mặt Đức Giêsu cho chủ tiệc cưới là Hội Thánh và giúp mọi thực khách là các Kitô hữu thỏa lòng bằng rượu ngon (Ga 2,3). Đồng thời, ngài đóng vai trò làm người che chở Hội Thánh khi Đức Giêsu về cùng Chúa Cha (Ga 19,26). Trên tất cả, Mẹ Maria là một mẫu gương về niềm tín thác tuyệt đối và vô điều kiện vào Con Thiên Chúa. Đồng thời, Mẹ là vị Tôn sư dạy các Kitô hữu sống niềm tín thác đó (Ga 2,5) để nhờ tin mà được sự sống đời đời (x. Ga 20,30-31).
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Vì ngươi sẽ được Đức Chúa đem lòng sủng ái”. Thiên Chúa yêu thương từng người chúng ta; Người đã lập giao ước yêu thương này ngay khi tôi bắt đầu xuất hiện trong cuộc đời và tìm mọi cách để duy trì mối tương quan đó cho dù tôi bất xứng hoặc bất thủy chung. Tôi có nhận ra điều này không? Mỗi ngày sống của tôi là một phản chiếu từng nhịp đập của quả tim yêu thương mà Thiên Chúa đang trao ban cho tôi và lòng thương xót mà Thiên Chúa đang chạm vào lòng tôi. Tôi sống và đáp trả tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa như thế nào? Tôi có trân trọng sự sống và quý trọng những gì Thiên Chúa ban cho tôi như các mối tương quan giao hảo, hay sức khỏe, tài năng, tiền bạc... và có biết chia sẻ những điều ấy với người khác? Tôi có biết “thương xót như Chúa Cha” đã thương xót tôi?
2. “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa” và “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung”. Thánh Phaolô cho thấy rằng nền tảng đời sống của Hội Thánh, của một giáo xứ hay cộng đoàn tu trì, là sự hiệp nhất: ai gây ra một sự chia rẽ giữa các thành viên trong cộng đoàn là làm tan rã thân thể Đức Kitô. Ngài cũng nhấn mạnh rằng sự khác biệt và đa dạng làm nên tính phong phú và bổ túc cho nhau, khi có được sự hài hòa trong hiệp nhất (1Cr 12,4-11). Tôi có ý thức rằng các đặc sủng không thể là nguyên nhân khiến các tín hữu chia rẽ, kết án nhau và làm xáo trộn đời sống giáo xứ hay cộng đoàn? Lối sống của tôi có là nguyên nhân gây ra sự bất hòa cho người khác? Có khi nào tôi chỉ lo tìm kiếm những vinh quang trần thế, danh lợi cá nhân khi dấn thân phục vụ?
3. “Đức Giêsu làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người”. Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên để bày tỏ vinh quang của Người như là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ trần gian. Các môn đệ đã chứng kiến dấu lạ này, rồi nhận ra vinh quang của Đức Giêsu và họ đã tin. Thiên Chúa đã thực hiện nhiều dấu lạ trong cuộc đời của tôi: sự sống, đức tin, công việc, gia đình, bạn bè... Vậy, tôi có nhận biết những dấu lạ này mà qua đó giúp tôi có niềm tin mạnh mẽ hơn vào Thiên Chúa hay không? Tôi có biết rằng để được Đức Giêsu “tỏ mình ra” và ban “ân sủng” tràn đầy thì cần phải lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, thực hành các giới răn? Tôi có mời Đức Giêsu đến hiện diện trong nhà mình để Người sẽ ra tay đúng lúc và ban cho ân huệ dồi dào và tuyệt hảo, vì biết rằng niềm vui sẽ không bao giờ vơi, ân sủng luôn đầy tràn chứa chan nếu có Đức Giêsu Kitô hiện diện với tôi?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống và niềm vui đích thực cho con người. Chúng ta hãy cảm tạ tình thương và lòng nhân từ của Thiên Chúa, cùng tha thiết nài xin Người nâng đỡ đức tin của từng người và cộng đoàn chúng ta.
1. “Hãy kể cho muôn dân biết những kỳ công Chúa đã làm.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Dân Chúa luôn ý thức và tích cực dấn thân loan báo Tin mừng cứu độ cho con người thời đại, bằng chính chứng từ của bản thân và một đời sống gương mẫu.
2. Đức Giêsu thực hiện dấu lạ đầu tiên tại Cana để bày tỏ vinh quang của Người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết đón nhận các dấu chỉ thời đại như ơn Chúa soi sáng, để luôn hành động cách khôn ngoan vì một thế giới hòa bình và văn minh.
3. Chúa đã chúc lành cho gia đình mới tại Cana. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các bậc cha mẹ luôn ý thức trách nhiệm Chúa trao trong ơn gọi hôn nhân, biết chu toàn bổn phận vun đắp hạnh phúc gia đình và giáo dục con cái bằng tình yêu, lòng quảng đại và hy sinh.
4. “Người bảo gì, các anh hãy làm theo.” Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người đang hiện diện nơi đây biết sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, luôn yêu thương tha thứ và hết mình phục vụ, để trở nên dấu chỉ của lòng thương xót ở giữa mọi người.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng, phúc lành của Chúa luôn phong phú tràn trề cho con người. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn hết lòng tin tưởng vào tình thương của Chúa, và an vui thực thi ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Chủ đề :
Hôn ước giữa Thiên Chúa với loài người

Chúa Giêsu hóa nước thành rượu
(Ga 2,1-11)
Sợi chỉ đỏ :
Tình yêu hôn nhân rất tốt đẹp. Vì thế Chúa Giêsu đã tới Cana để dự tiệc cưới và chúc phúc cho đôi tân hôn (Bài Tin Mừng). Thiên Chúa còn dùng hình ảnh hôn nhân loài người để giúp người ta hiểu được phần nào tình yêu của Ngài đối với nhân loại (Bài đọc I)

I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Trong phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta sẽ nghe Thiên Chúa ngỏ lời "tỏ tình" với loài người chúng ta. Qua miệng ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa phán : "Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rẻ, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ".
Xin Chúa giúp chúng ta hiểu được tình Chúa yêu thương chúng ta đến mức nào.

II. Gợi ý sám hối
- Chúa đã yêu thương chúng con rất nhiều, nhưng đáp lại, chúng con yêu thương Chúa quá ít.
- Vì yêu thương chúng con nhiều, nên Chúa hy sinh rất nhiều cho chúng con, thậm chí Chúa đã chịu nạn chịu chết vì chúng con. Phần chúng con vì yêu thương Chúa ít nên chúng con ít khi chịu hy sinh vì Chúa.
- Yêu thương là cho đi. Chúa yêu thương chúng con vô cùng nên đã ban cho chúng con vộ vàn ơn sủng. Còn chúng con thì chẳng có gì để dâng cho Chúa.

III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Is 62,1-5)
Bài thơ này của Đệ Tam Isaia được sáng tác sau khi dân do thái được thoát cảnh lưu đày, hồi hương về cố quốc.
Khi nhìn ngược về quá khứ, tác giả hiểu rằng lưu đày là hình phạt xứng đáng đối với tội bất trung của dân. Nhưng khi nhìn vào hiện tại, tác giả cảm nhận được tình yêu nồng nàn của Chúa : dù dân đã phản bội nhưng Chúa vẫn yêu thương. Ngài đã cứu họ khỏi cảnh khốn cùng : "Chẳng còn ai réo tên ngươi là ‘đồ bị ruồng bỏ’, xứ sở ngươi hết bị tiếng là ‘phận bác duyên đơn’. Chẳng những thế, Chúa còn yêu thương họ như người chồng rất mực yêu thương người vợ mới cưới : "Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rẻ, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ".
2. Đáp ca (Tv 95)
Thánh vịnh 95 là tâm tình của người ý thức tình thương Thiên Chúa : vui mừng, ca tụng và loan báo "Hãy kể cho muôn dân được biết những kỳ công Chúa đã làm".
3. Tin Mừng (Ga 2,1-12)
Tường thuật này không phải đơn giản nói về một bữa tiệc cưới, nhưng còn là "dấu chỉ đầu tiên" qua đó Chúa Giêsu "bày tỏ vinh quang của Ngài" để cho "các môn đệ tin vào Ngài" (câu 11). Chúa bày tỏ những gì ?
1. Trước hết Ngài cho thấy Ngài Đấng khai mở một thời kỳ hoan lạc mới. Thánh Kinh thường dùng hình ảnh tiệc cưới để chỉ thời hoan lạc Messia, và hình ảnh chú rể để chỉ Đấng Messia. Trong đám cưới ở Cana, lẽ ra chú rể phải cung cấp đủ rượu cho khách dự tiệc, và như thế bữa tiệc mới vui mừng trọn vẹn. Thế nhưng chú rể ấy đã không chu toàn. Kẻ cung cấp rượu và làm cho bữa tiệc vui mừng trọn vẹn lại chính là Chúa Giêsu.
2. Ngài còn cho thấy Ngài đến để thiết lập một tín ngưỡng mới thay thế tín ngưỡng đã quá lỗi thời của người do thái : bài tường thuật có nhắc đến những chum đựng nước để cho người ta thanh tẩy trước khi dự tiệc. Đấy là một tục lệ tiêu biểu của đạo cũ. Hôm nay những chum ấy đã được Chúa Giêsu cho tràn ngập rượu mới, lại là thứ rượu ngon vượt sức tưởng tượng của người ta. Nghĩa là tín ngưỡng mới mà Chúa Giêsu thiết lập vượt xa tín ngưỡng cũ quá bám víu vào hình thức bề ngoài.
3. Bài tường thuật cũng nói tới "giờ" (Chúa Giêsu nói với Đức Maria : "Giờ con chưa đến"). "Giờ" là lúc Chúa Giêsu được vinh quang khi chịu chết trên Thập giá để tuôn ơn cứu độ cho loài người. Hôm nay ở Cana, tuy chưa tới "giờ" ấy, nhưng Ngài cũng tỏ chút vinh quang cho các môn đệ và người ta thấy trước qua việc Ngài làm phép lạ cho nước hóa thành rượu.
4. Vinh quang Chúa đã được hé lộ trước cũng do công của Đức Maria, kẻ đã tế nhị thấy hoàn cảnh khó khăn của chủ nhà và chủ động đến xin Chúa Giêsu can thiệp.
4. Bài đọc II (1 Cr 12,4-11) (Chủ đề phụ)
Có nhiều chia rẻ, đố kỵ và tranh chấp trong giáo đoàn Côrintô : người có tài thì khinh chê kẻ khác, kẻ bất tài thì đố kỵ, những kẻ có tài lại ganh ghét nhau.
Thánh Phaolô nhắc cho họ nhớ : (1) tất cả mọi tài năng đều là do Chúa Thánh Thần ban ; (2) mà ơn Chúa Thánh Thần ban thì khác nhau nơi mỗi người ; (3) và tất cả những ơn ban đó đều nhằm phục vụ lợi ích chug của Giáo Hội.

IV. Gợi ý giảng
* 1. Tình yêu của Chúa
Trong các thứ tình yêu, tình yêu nào nồng nàn tha thiết nhất ? Thưa là tình cha mẹ dành cho con cái, và tình vợ chồng đối với nhau. Nếu so sánh hai thứ tình đó với nhau thì tình yêu hôn nhân chắc là mạnh hơn. Bởi đó sách Sáng thế đã viết "Người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ và khắn khít với vợ mình" (St 2,24). Chúa Giêsu cũng đồng ý như thế nên đã trích dẫn lại câu ấy khi tranh luận với các người biệt phái (Mt 19,5). Cũng vì lý do đó nên khi muốn tỏ cho loài người biết Thiên Chúa yêu thương loài người đến mức nào, Thiên Chúa đã dùng hình ảnh tình yêu vợ chồng để minh họa.
Trong tình yêu vợ chồng, điều gì đáng quý nhất ? Thưa đó là sự hy sinh cho nhau và chung thuỷ với nhau. Hy sinh cho nhau nhiều chừng nào thì đó là bằng chứng yêu thương nhau nhiều chừng ấy. Dù gặp phải bao sóng gió, dù những khuyết điểm lỗi lầm thường xuyên đe dọa, nhưng vợ chồng vẫn yêu thương nhau đến chết, đó mới là tình yêu chân thật vững bền.
Thế nhưng, trong một trăm đôi vợ chồng, có bao nhiêu đôi hy sinh và chung thuỷ được như thế.
Rốt cuộc, dù con người được nếm vị ngọt của nhiều loại tình yêu, nhưng rất nhiều lần cũng phải thất vọng với những tình yêu nhân loại, cho dù đó là tình vợ chồng tha thiết nhất.
Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới là tình yêu chân thật và cao cả nhất : vì yêu thương chúng ta, Chúa Cha đã hy sinh ban chính Con Một của Ngài cho chúng ta ; vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu đã hy sinh đến nỗi chịu chết vì chúng ta : "Không có tình yêu nào cao trọng bằng tình yêu của người dám thí mạng vì người mình yêu". Mặt khác, dù loài người luôn phản bội, Thiên Chúa vẫn tha thứ và vẫn cứ yêu. Loài người đã nhiều lần bỏ Chúa, nhưng Chúa không bao giờ bỏ loài người.
Con người là một sinh vật yêu thương : con người cần yêu thương và cần được yêu thương. Chúng ta hãy tìm đến tình yêu Thiên Chúa. Chắc chắn chúng ta sẽ chẳng phải thất vọng bao giờ.
2. Phép lạ ở Cana
Thời nay đang có một cuộc khủng hoảng về gia đình : số người lập gia đình rồi li dị càng ngày càng nhiều ; nhiều người trẻ không muốn lập gia đình ; một số người chủ trương nếu thích nhau thì cứ sống chung với nhau, đến khi nào không thích nhau nữa thì chia tay, cần gì mà phải cam kết sống chung suốt đời.
Cuộc sống gia đình quả là rất khó khăn : Ngày mới cưới, tình yêu vợ chồng thắm nồng như ly rượu tân hôn. Nhưng chẳng bao lâu sau, rượu nhạt tình phai, thậm chí còn thiếu rượu. Tình yêu thủy chung, luôn cho đi mà không hề mệt mõi, không ngừng nhường nhịn nhau và tha thứ cho nhau. Một tình yêu như thế ở thời nay quả là một phép lạ.
Ở Cana, Chúa Giêsu đã làm phép lạ như thế : khi người ta thiếu rượu, Ngài đã làm cho có rượu dồi dào ; và rượu ấy Ngài đã làm ra từ những chum nước lã. Phép lạ này ngày nay Chúa vẫn tiếp tục làm, cho những ai thực lòng cầu xin Ngài. Tại sao những đôi vợ chồng đang gặp khó khăn không cầu xin phép lạ ấy ? Tại sao anh chị em không nhờ Đức Mẹ chuyển lời cầu xin ?
* 3. Ý nghĩa sâu xa của phép lạ hóa nước thành rượu
Tin Mừng theo Thánh Gioan thường có ý nghĩa rất sâu xa. Chẳng hạn đoạn Tin Mừng này, tuy nói về một đám cưới nhưng ý nghĩa không chỉ gói gọn trong đời sống hôn nhân mà bao trùm cả đời sống mọi người ; tuy nói về nước hóa thành rượu nhưng chỉ đến tất cả những thứ mà quyền năng Chúa Giêsu có thể biến đổi.
Việc Chúa Giêsu hóa nước thành rượu được Thánh Gioan gọi là "dấu chỉ" và còn là "dấu chỉ đầu tiên để bày tỏ vinh quang của Ngài". Dấu chỉ là cái gì đó trước mắt chỉ tới cái khác. Cái trước mắt ở Cana là nước thành rượu. Cái khác mà nước thành rượu chỉ tới là gì ? Thưa là điều được ngôn sứ Isaia tiên báo trong bài đọc I : đó là ngày mà Thiên Chúa biến đổi cuộc sống con người thành hoan lạc như tiệc cưới : "Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rẻ, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ".
Chúa Giêsu đã đến khai mạc ngày hoan lạc ấy. Ở Naim, Ngài đã biến đổi những giọt nước mắt đau thương của người mẹ khóc con thành những giọt lệ vui mừng khi con mình sống lại. Ở Giêricô, Ngài đã biến đổi cõi lòng héo úa vì ích kỷ của ông Dakêu thành một tâm hồn tươi tốt quãng đại. Cho tới lúc đã bị đóng đinh trên thập giá, Ngài vẫn tiếp tục biến đổi người trộm lành đang tuyệt vọng thành người khách mời đầu tiên dự tiệc thiên quốc. Và nhất là trong biến cố phục sinh, Ngài đã biến đổi sự chết thành sự sống.
Nếu đời bạn đang tẻ nhạt như nước lã. Hãy đến với Chúa Giêsu. Ngài sẽ biến đổi cho nước lã ấy thành rượu ngon tuyệt vời.
4. Hạnh phúc mong manh
Ở đất Vũ Bình có giống vượn đỏ như vang, nõn nà như tơ, trông xa lấp lánh rất là đẹp mắt. Có hai mẹ con vượn, mẹ thì khôn ngoan, tinh anh, con thì ngây ngô, nhẹ dạ, nhưng lúc nào mẹ con cũng đi bên nhau. Người đi săn không thể nào nhử mồi đánh bẫy được, mới lấy thuốc độc sát vào đầu mũi tên, rình lúc vượn mẹ vô ý thì bắn. Khi vượn mẹ bị trúng tên, biết mình không thể sống được, liền vắt sữa ra cho con uống, xong rồi lăn ra chết.
Người đi săn quay về phía vượn con, cầm roi quất vào xác vượn mẹ. Vượn con trông thấy kêu gào thương xót chạy lại gần, người đi săn liền vồ lấy mà bắt sống. Lúc về nhà, cứ đêm đêm, vượn con nằm phục bên xác mẹ thì mới yên, đôi khi lại ôm lấy mẹ kêu gào thảm thiết. Không được mấy hôm vượn con cũng lăn ra chết.
*
Tình mẫu tử của giống vượn lông đỏ làm cho chúng ta vô cùng xúc động : Tuy nhiên, chúng ta cũng có một người mẹ, hết lòng chăm lo cho từng đứa con còn lớn lao hơn gấp bội. Đó chính là Mẹ Maria.
Có thể nói, một trong những trang đẹp nhất của sách Tin Mừng Gioan, chính là bài tường thuật về"Tiệc cưới Cana". Chính nơi tiệc cưới này, Mẹ đã bày tỏ thật sâu sắc tình mẫu tử của người.
Theo tập tục Do thái, đám cưới kéo dài suốt bảy ngày, nhưng mới đến "ngày thứ ba" thì tiệc cưới Cana đã hết rượu. Thật là một tai hoạ bất ngờ, chủ tiệc vô cùng bối rối khó xử. Duy chỉ có Mẹ Maria nhận ra được tình thế gay go ấy. Sự nhạy cảm và lòng thương yêu của tình mẫu tử đã khiến Mẹ mạnh dạn thưa với Chúa Giêsu : "Họ hết rượu rồi" (Ga 2,3). Một câu nói ngụ ý nài xin kín đáo.
Nhưng lời đáp trả của Chúa Giêsu mới làm cho chúng ta thật sửng sốt : "Tôi với bà có can chi ? Giờ tôi chưa đến" (Ga 2,4). Qua câu này Chúa Giêsu chỉ muốn xác quyết tính siêu việt của Người : Hoàn toàn lệ thuộc Chúa Cha. Chắc Mẹ cũng không hiểu rõ chữ "Giờ" tức là giờ vinh quang của Chúa Giêsu sau cuộc tử nạn và phục sinh. Nhưng Mẹ vẫn một mực hoàn toàn tin tưởng vào Con của Mẹ, Mẹ mong Con làm một điều gì đó : "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo"(Ga 2,5). Quả thật, Chúa Giêsu có bảo và các người giúp việc đã làm.
Thế là Chúa Giêsu quyết định thực hiện một phép lạ đầu tiên trong cuộc đời công khai rao giảng, một phép lạ kiểu mẫu của các phép lạ kế tiếp. Tuy "Giờ" tôn vinh chưa đến, nhưng ngay lúc này, Người muốn biểu lộ giờ vinh quang ấy qua phép lạ Người sắp thực hiện để "Các môn đệ tin vào Người" (Ga 2,11).
Nhờ sự can thiệp của Mẹ mà phép lạ Cana đã được thực hiện, để đức tin của các môn đệ được củng cố và triển nở.
Nhờ sự đóng góp của Mẹ mà sáu chum nước lã đã biến thành 700 lít rượu ngon, để niềm vui của đôi tân hôn và khách dự tiệc được trọn vẹn.
Ngày nay, Mẹ vẫn nói nhỏ bên tai Chúa : "Họ hết rượu rồi".
Để cho bao mối tình đang nhạt phai được trở nên nồng thắm và tràn đầy tin yêu.
Để cho bao gia đình thiếu vắng tình yêu được củng cố và thuận hoà yêu thương.
Để cho bao tâm hồn đang chao đảo giữ vững được niềm tin và hy vọng.
Nếu ngày xưa Chúa Giêsu đã biến nước lã của Cựu ước thành rượu ngon của Tân ước, để mở ra một thời đại mới, thời đại thiên sai ; thì ngày nay, Người cũng muốn chúng ta biến cuộc đời lạt lẽo của mình thành rượu nồng tình yêu : yêu Chúa và yêu tha nhân, để mọi người được chan chứa niềm vui cứu độ.
Nếu Chúa Giêsu đã biến thứ nước tẩy uế của Do thái giáo thành rượu ngon hảo hạng, để thiết lập một trật tự mới ; thì Người cũng mời gọi chúng ta hãy biến đổi trái đất này thành một thế giới mới : chân thật, công bằng và yêu thương.
Lạy Chúa, chúng con luôn khát khao kiếm tìm hạnh phúc, nhưng dường như hạnh phúc thật mong manh. Xin Chúa hãy đến dự những bữa tiệc cuộc đời chúng con, để mang lại cho chúng con một hạnh phúc vững bền.
Xin Mẹ Maria luôn là đấng Bầu Cử cho chúng con trước toà Chúa mỗi khi chúng con gặp khó khăn bối rối, nhất là khi chúng con đã vơi cạn rượu nồng tình yêu. Amen. (TP)
5. Đức Maria, gương mẫu của sứ vụ
Tin Mừng thánh Gioan chỉ nhắc tới Đức Maria có hai lần : một lần ở Cana lúc Chúa Giêsu mới bắt đầu sứ vụ, và một lần dưới chân thập giá lúc Ngài hoàn thành sứ vụ. Hai lần ở đầu và cuối, ngụ ý bao hàm tất cả. Các Tin Mừng nhất lãm nói rõ hơn về điều này.
Trong biến cố Truyền tin, khi được hỏi có muốn làm mẹ Đấng Cứu Thế hay không, Người đã bỏ ý riêng sang một bên để quảng đại "Xin Vâng" theo thánh ý Chúa. Sứ vụ đôi khi có nghĩa là sẵn sàng gác sang một bên những chương trình riêng của mình, để đáp lại lời Chúa mời hợp tác trong chương trình của Ngài.
Trong biến cố Thăm viếng, khi vừa hay tin người chị họ của mình đã mang thai 6 tháng và đang cần người giúp đỡ, Đức Maria đã vội vã đến nơi. Sứ vụ đôi khi có nghĩa là phải có sáng kiến : thấy nhu cầu, và mau mắn phục vụ.
Trong biến cố Cana, Đức Mẹ thoáng nhận ra vẻ bối rối của nhà chủ, Người hiểu ngay là họ thiếu rượu, và Người đã xin Con giúp đỡ. Sứ vụ đôi khi cần phải tế nhị : nhận ra điều người ta đang cần, nhưng ý thức rằng bản thân mình không làm gì được, nên giới thiệu cho kẻ có khả năng giúp đỡ.
Trên đồi Golgotha, Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá nhìn con yêu dấu đang hấp hối, rất đau lòng nhưng chỉ biết lặng thinh. Sứ vụ có khi còn có nghĩa là chấp nhận bất lực không làm gì được, chỉ biết phó thác.
Tất cả chúng ta đều được Chúa trao sứ vụ : sứ vụ đối với gia đình, sứ vụ với Giáo Hội, sứ vụ với xã hội, sứ vụ với tất cả mọi người. Chúng ta hãy nhìn gương Đức Mẹ và bắt chước Người. (FM)
6. Chuyện minh họa
a/ Con sâu trong tảng đá
Một hôm Đức Ala gọi một Thiên sứ đến và truyền lệnh : "Ngươi hãy xuống trần gian để đưa về đây người đàn bà góa có 4 đứa con thơ". Thiên sứ ra đi, gặp ngay người đàn bà góa đang cho đứa con nhỏ nhất bú. Ngài nhìn người đàn bà với 4 đứa con dại, rồi lại lên Đức Ala để tha thiết nài xin rút lại lệnh truyền. Làm sao có thể nhẫn tâm tách lìa người mẹ khỏi những đứa con thơ ấy ? Nhưng lời van xin của Sứ thần chẳng mảy may đánh động được Đức Ala. Cuối cùng Sứ thần đành phải vâng lệnh Đức Ala mà cướp người mẹ góa khỏi bầy con thơ và đưa về trời.
Hoàn thành công tác, nhưng xem chừng vị thiên sứ lại có vẻ buồn. Phải, làm sao vui được trước cảnh chia ly giữa mẹ và con ? Thấy sứ thần buồn, Đức Ala gọi đến và đưa vào sa mạc. Ngài chỉ cho sứ thần thấy một tảng đá lớn và bảo đập nó ra. Tảng đá vừa vỡ đôi, sứ thần ngạc nhiên vô cùng, vì từ trong tảng đá một con sâu nhỏ từ từ bò ra. Chợt hiểu được ý nghĩa của sự kiện ấy, sứ thần bỗng thốt lên : "Ôi lạy Đấng tối cao, mầu nhiệm thay công cuộc sáng tạo của Ngài. Với sự khôn ngoan thượng trí và tình yêu vô biên, Ngài đã không bỏ mặc một tạo vật bé nhỏ như con sâu kia, thì hẳn Ngài cũng sẽ không quên được 4 đứa trẻ mồ côi là con cái của Ngài." (Trích "Món quà giáng sinh")
b/ Cái nhìn của bậc thánh nhân
Một buổi trưa hè nóng bức, Thánh Phanxicô Assisi sau khi đi đường mệt nhọc đã tìm được một chỗ nghỉ chân rất thoải mái. Chỗ đó là dưới một gốc cây có tàng lá che mát, bên dưới là một dòng nước trong lành mát rượi. Thánh nhân rửa tay rửa mặt xong xuôi rồi ngả mình dưới tàng lá. Bỗng dưng người bật khóc. Vì người nghĩ : từ không biết bao đời, Chúa đã biết hôm nay mình đến đây, Chúa biết mình mệt, cho nên Chúa đã đặt sẵn ở đây một bóng mát và một dòng suối để cho mình nghỉ ngơi.
Cái nhìn của bậc thánh nhân đã nhận ra những điều mà người phàm không bao giờ thấy được.

V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, chỉ Thiên Chúa mới có thể đem lại cho con người niềm vui chân thật và hạnh phúc trọn vẹn. Tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
1. Hội thánh là đại gia đình của những ai tin Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho tất cả mọi thành viên trong đại gia đình này / không chân thành yêu thương và quảng đại nâng đỡ nhau.
2. Trên thế giới ngày nay / tình trạng đổ vỡ trong đời sống hôn nhân và gia đình đang gia tăng đến mức báo động / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các gia đình luôn được hạnh phúc và bình an.
3. Gia đình tốt thì xã hội và Giáo hội mới tốt được / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các gia đình Kitô hữu / luôn quan tâm giáo dục đức tin và nhân bản cho con cái của mình.
4. Một trong những điều kiện hết sức quan trọng / đem lại hạnh phúc lâu dài cho đời sống hôn nhân và gia đình / đó là cần tìm hiểu kỹ lưỡng và chuẩn bị chu đáo trước khi kết hôn / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho giới trẻ của giáo xứ chúng ta / biết tích cực tham gia các khóa dự bị hôn nhân / trước khi cử hành bí tích Hôn phối.
Chủ tế : Lạy Chúa, nếu không có Chúa ban ơn giúp sức, chúng con không thể làm được việc gì thành công. Vậy xin thương ban ơn trợ giúp để mọi việc làm của chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành, đều nhờ bởi ơn Chúa. Chúng con cầu xin.
VI. Trong Thánh Lễ
Trước kinh Lạy Cha : Ở tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho nước hóa thành rượu, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria. Giờ đây, chúng ta cũng hãy nhờ Đức Mẹ chuyển cầu và kết hợp tâm tình với Chúa Giêsu, dâng lên Chúa Cha những lời nguyện chân thành của chúng ta.
Trước kinh Đây Chiên Thiên Chúa : Rượu ở tiệc cưới Cana là hình bóng của Bàn Tiệc Thánh mà chúng ta sắp được tham dự. Chúng ta hãy cảm tạ lòng nhân lành Chúa vì hồng ân này.
VII. Giải tán
Chúng ta đã cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa qua Thánh lễ vừa tham dự. Giờ đây tuy Thánh lễ sắp kết thúc nhưng chúng ta hãy tiếp tục sống trong tình yêu của Ngài, nhất là hãy trở thành dấu chỉ tình yêu ấy trước mặt mọi người.



Bài đọc thêm
* Được trích đọc cách bán liên tục từ Chúa nhật thứ 2 đến Chúa nhật thứ 8 trong bài đọc II.
A. Giáo đoàn côrintô
1. Thành phố Côrintô đã bị một viên tướng Rôma tên là L. Mumium phá hủy vào năm 146 trước công nguyên. Một thế kỷ sau nó được xây dựng lại bởi lệnh hoàng đế Jules César và trở thành một thuộc địa của đế quốc Rôma. Chẳng bao lâu sau nó thành thủ phủ của tỉnh Achaie của đế quốc.
2. Côrintô cũng là một hải cảng lớn với một nền thương mại phồn thịnh. Vì nằm trên tuyến đường nối hai miền Đông Tây, nên việc giao thông cũng tấp nập. Dân số thời ấy khoảng 600 ngàn, trong số đó 2/3 là nô lệ. Về tín ngưỡng, dân Côrintô thờ nhiều thần. Luân lý rất suy đồi, nạn dâm ô tràn lan (x. Rm 1,26-32).
3. Phaolô đến Côrintô lần đầu tiên trong chuyến du hành truyền giáo thứ hai. Ông đã lưu lại đây 18 tháng từ mùa đông năm 50 đến mùa hè năm 52. Ban đầu ông cũng hành nghề dệt lều và rao giảng trong hội đường do thái vào những ngày hưu lễ. Khi có Sila và Timôtêô đến tiếp thì ông hoàn toàn lo rao giảng. Nhiều người đã tin theo và Phaolô lập được một giáo đoàn mà đa số là người lương trở lại, phần đông thuộc giới hạ lưu nghèo khổ. Những tín hữu này rất hăng say sống đạo nhưng đầu óc còn thấm nhiễm tâm thức lương dân. Sau đó dân Côrintô đã đuổi Phaolô đi. Sau khi ông ra đi ít lâu, có một nhà trí thức do thái ở Alexandria tên là Apollo đến nối tiếp sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho dân Côrintô và thu được rất nhiều kết quả (x 1Cr 1,26-28 11,21-22).
B. Thư 1 Côrintô
1. Hoàn cảnh và mục đích
Năm 56, Phaolô đang ở Êphêxô thì được nhiều tin tức không tốt đẹp về giáo đoàn Côrintô : nạn bè phái, thói kiện cáo nhau trước tòa án lương dân, tội dâm ô v.v. Ngoài ra, nhiều tín hữu cũng có những thắc mắc về lương tâm và phụng vụ. Phaolô viết thư này để sửa dạy những thói xấu và giải đáp những thắc mắc ấy.
2. Bố cục
               - Lời chào                              01,01-03
               - Lời tạ ơn                              01,04-09
               - Sửa dạy những thói xấu :
                . Nạn bè phái                                    01,10--04,21
                . 1 trường hợp loạn luân                 05,01-13
                . Kiện cáo nhau                                06,01-11
                . Tội dâm ô                           06,12-20
               - Giải đáp những thắc mắc :
                . Về hôn nhân và đồng trinh          07,01-40
                . Vấn đề ăn đồ cúng                        08,01--11,01
               - Bàn về cộng đoàn phụng tự
                và các đoàn sủng                 11,02--14,40
               - Bàn về việc kẻ chết sống lại        ch 15
               - Kết                                       16,01-18
               - Lời chào                              16,19-24
Thư 1 Cr là một bức tranh cho thấy rõ hơn tất cả các thư khác của Phaolô về nếp sống của một cộng đoàn tín hữu sơ khai với những tâm trạng và những vấn đề của họ. Qua thư này ta cũng hiểu rõ hơn con người của Phaolô : một tông đồ nhiệt thành luôn muốn đem người ta về với Đức Kitô,một người thầy dạy dỗ tận tụy và có khi nghiêm khắc, và một người cha đầy tình yêu thương đối với các đứa con thiêng liêng của mình. Ngoài ra trong thư này chúng ta có được giáo lý rõ ràng vềBí tích Thánh Thể và Nhiiệm thể Đức Kitô.

Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật II Thường Niên (C)
Chúa Nhật, 17 Tháng 1, 2016
Phép Lạ Đầu Tiên của Chúa Giêsu
“Hễ Người bảo gì thì phải làm theo!”
Ga 2:1-12


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tác Tạo và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc  

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Bài Tin Mừng của ngày Chúa Nhật thứ hai mùa Thường Niên hôm nay đặt chúng ta trước bữa Tiệc Cưới tại Cana, trong xứ Galilêa.  Vào thời ấy, cũng như bây giờ, mọi người thích những dịp lễ lạc:  tiệc cưới hoặc lễ Rửa Tội, tiệc sinh nhật, tiệc mừng thánh Quan Thầy hoặc Bổn Mạng của Giáo Hội, lễ tất niên, tiệc và tiệc…  Có một số lễ vẫn còn khắc sâu trong trí nhớ của chúng ta, và với thời gian, luôn đạt được một ý nghĩa sâu sắc hơn.  Các ngày lễ khác, chúng ta quên mất.  Chúng ta không còn nhớ đến nữa bởi vì chúng đã làm mất đi ý nghĩa.  Tiệc cưới tại Cana, như được mô tả trong Tin Mừng của thánh Gioan (Ga 2:1-12), vẫn còn sống động trong trí nhớ của những người Kitô hữu, và nó đã cho ra một vài ý nghĩa sâu sắc hơn.     

Để hiểu được sự khám phá tiến triển này về tầm quan trọng của Tiệc Cưới tại Cana, chúng ta phải nhớ rằng Tin Mừng của Gioan thì khác với các sách Tin Mừng khác.  Gioan mô tả các sự kiện của cuộc đời Đức Giêsu theo một cách mà độc giả khám phá thấy trong một khía cạnh sâu xa hơn, chỉ có đức tin mới có thể cảm nhận được.  Đồng thời, Gioan giới thiệu bức ảnh chụp cùng với bức hình ghi lại bằng quang tuyến-X.  Đây là lý do tại sao trong khi đọc bài đọc, thiết tưởng chúng ta nên chú ý kỹ đến các chi tiết của văn bản, đặc biệt là hai điều sau đây:  (i) về thái độ và cách cư xử của những người trong câu chuyện và (ii) về những gì thiếu thốn và những gì có dư dật trong Tiệc Cưới tại Cana.    

b)  Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Ga 2:1-2:  Tiệc cưới.  Đức Maria có mặt, Chúa Giêsu là một trong những khách mời.
Ga 2:3-5:  Chúa Giêsu và Mẹ Người trước việc thiếu rượu.
Ga 2:6:  Những cái chum không, được dùng cho việc tẩy rửa.
Ga 2:7-8:  Sáng kiến của Chúa Giêsu và của các người giúp việc.
Ga 2:9-10:  Việc khám phá ra phép lạ bởi người quản tiệc.
Ga 2:11-12:  Lời bình luận của Thánh Sử.

c) Tin Mừng:

1 Vào ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi". Chúa Giêsu nói với mẹ: "Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến". Mẹ Người nói với những người giúp việc: "Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo".
Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy đổ nước đầy các chum". Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: "Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!" Và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang 10 mà nói: "Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này". 11 Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.
12 Sau đó Người xuống Caphárnaum làm một với mẹ Người, anh em (Người) và môn đệ của Người, nhưng các Ngài chỉ lưu lại ở đó ít ngày thôi.
  
3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.

a)  Điểm nào trong bài Tin Mừng này đã làm bạn hài lòng nhất và điểm nào tạo ấn tượng với bạn nhất?  Tại sao?
b)  Điều gì đã làm bạn cảm kích trong thái độ và trong cách cư xử của những người trong cuộc?  Tại sao?  
c)  Những gì đã thiếu thốn và những gì đã có dư dật trong tiệc cưới?  Chi tiết này có ý nghĩa như thế nào?
d)  Chúa Giêsu đã làm gì và bằng cách nào Người đã làm điều ấy để ban cho rượu được dư thừa? 
e)  Chúa Giêsu bắt đầu việc công bố về Nước Trời trong Tiệc Cưới.  Với cử chỉ này, Người muốn dạy cho chúng ta điều gì?
f)  Ngày nay, bài Tin Mừng này cho chúng ta sứ điệp gì?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề 

a)  Bối cảnh để hiểu được bức ảnh chụp và hình tia-X:  

Khi chúng ta nói “bức ảnh chụp”, chúng ta cho thấy các sự kiện trong đó, giống như khi chúng xuất hiện trước mắt chúng ta.  Khi chúng ta nói “hình chụp bằng tia-X”, chúng ta muốn nói đến một chiều hướng sâu xa hơn, vô hình đối với mắt chúng ta, được đính kèm trong các sự kiện mà chỉ có đức tin mới làm cho chúng ta cảm nhận được và mặc khải cho chúng ta.
Đó là cách thức mà Gioan mô tả các sự kiện ông chiếu quang tuyến-X vào những lời nói và cử chỉ của Chúa Giêsu.  Qua các chi tiết nhỏ nhặt và điểm quy chiếu này, ông làm rõ ràng khía cạnh biểu hiệu và, trong việc này, ông giúp chúng ta đi sâu hơn vào mầu nhiệm về con người và sứ điệp của Đức Giêsu.  Trong Tiệc Cưới tại Cana, xứ Galilêa, có sự biến đổi của nước dùng vào việc thanh tẩy của người Do Thái trở nên rượu cho Tiệc Cưới.  Chúng ta hãy nhìn kỹ vào các chi tiết Gioan miêu tả về bữa tiệc, trong một cách mà chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa sâu sắc hơn về phân cảnh xinh đẹp và rất nổi tiếng này.   

b)  Lời bình luận về văn bản:

Ga 2:1-2:  Tiệc cưới.  Chúa Giêsu là khách mời.
Trong Cựu Ước, tiệc cưới là một biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa dành cho dân riêng của Người.  Đó là những gì mọi người mong chờ trong tương lai (Hs 2:21-22; Is 62:4-5).  Và chính tại bữa tiệc cưới, chung quanh gia đình và cộng đồng, Chúa Giêsu thực hiện “phép lạ đầu tiên” của Người (Ga 2:11).  Mẹ Chúa Giêsu cũng có mặt tại bữa tiệc cưới.  Chúa Giêsu và các môn đệ là khách mời.  Mẹ Chúa Giêsu cũng dự phần vào tiệc cưới.  Điều này tượng trưng cho Cựu Ước.  Cùng với các môn đệ, Chúa là Tân Ước đang đến:  Thân Mẫu Chúa Giêsu sẽ giúp để đi từ Cựu Ước sang Tân Ước.

Ga 2:3-5:  Chúa Giêsu và Mẹ Người trước việc tiệc bị thiếu rượu
Ngay giữa bữa tiệc, xảy ra việc hết rượu.  Mẹ Chúa Giêsu nhận ra những giới hạn của Cựu Ước và đưa ra sáng kiến, để cho Tân Ước có thể được biểu thị.  Bà đến gần Chúa và nói với Người:  “Họ hết rượu rồi!”  Ở đây chúng ta có bức ảnh và hình chụp bằng tia-X.  Bức ảnh cho thấy Mẹ Chúa Giêsu giống như một người quan tâm đến vấn nạn của người khác và nhận biết rằng việc thiếu rượu sẽ làm hỏng bữa tiệc.  Bà không những chỉ nhận thấy được vấn đề, mà còn có sáng kiến hiệu quả để giải quyết nó.  Tấm phim chụp bằng tia-X cho thấy khía cạnh sâu xa nhất của sự liên hệ giữa Cựu Ước (Mẹ Chúa Giêsu) và Tân Ước (Chúa Giêsu).  Câu nói:  “Họ hết rượu rồi!” phát xuất từ Cựu Ước, và làm thức tỉnh trong Chúa Giêsu động tác đưa ra ánh sáng cho Tân Ước.  Chúa Giêsu nói “Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu?”  Đó là, sự liên kết giữa Cựu và Tân Ước là gì?  “Giờ Con chưa đến!”  Đức Maria đã không hiểu câu trả lời này theo nghĩa tiêu cực, như là một lời chối từ, bởi vì bà nói với những người giúp việc:  “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo!”  Chính trong việc làm đó Chúa Giêsu dạy rằng người ta đi từ Cựu Ước sang Tân Ước! Giờ của Chúa Giêsu, trong đó việc chuyển đổi từ Cựu Ước sang Tân Ước sẽ xảy ra, là cuộc Thương Khó, sự Tử Nạn và Phục Sinh của Người.  Việc nước hóa thành rượu là dấu hiệu dự đoán những gì mới mẻ sẽ đến từ sự Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu.
Vào cuối thế kỷ thứ nhất, những Kitô hữu tiên khởi đã thảo luận về việc sự hợp lệ của Cựu Ước.  Có người không còn muốn biết bất cứ điều gì về Cựu Ước nữa. Trong buổi gặp gỡ của các thánh tông đồ tại Giêrusalem, thánh Giacôbê đã bênh vực việc tiếp tục xử dụng Cựu Ước (Cv 15:13-21).  Trong thực tế, vào đầu thế kỷ thứ hai, nhóm lạc giáo Marcione đã khước từ Cựu Ước và chỉ tin vào những sách Tân Ước.  Một số người thậm chí còn khẳng định rằng sau khi Chúa Thánh Thần xuất hiện, ông Giêsu thành Nagiarét không nên được nhớ đến nữa, chúng ta chỉ nên nói về Chúa Kitô Phục Sinh mà thôi.  Nhân danh Chúa Thánh Thần, họ nói: “Giêsu đáng nguyền rủa!” (1Cr 12:3).

Ga 2:6:  Những chum nước dành cho việc thanh tẩy đã trống không
Đó là câu hỏi về một chi tiết nhỏ, rất quan trọng.  Những chum nước thông thường là đầy nước, đặc biệt là trong một bữa tiệc.  Ở đây chúng lại trống không!  Tại sao vậy?  Việc tuân giữ quy luật thanh tẩy, được điển hình bằng sáu chum nước, đã ráo cạn hết các khả năng của chúng.  Lề luật cũ đã thành công trong việc chuẩn bị để cho người ta có thể có sự kết hợp của ân sủng và biện hộ trước Thiên Chúa. Những chum nước, Giao Ước cũ, đã cạn khô!  Chúng không còn khả năng để tạo ra đời sống mới.

Ga 2: 7-8:  Chúa Giêsu và những người giúp việc
Lời khuyên của Thân Mẫu Chúa Giêsu cho các người giúp việc là mệnh lệnh cuối cùng của Cựu Ước:  “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo!”  Cựu Ước hướng về Chúa Giêsu.  Từ giờ trở đi, những lời nói, cử chỉ và hành động của Chúa Giêsu sẽ là những điều chỉ hướng cho đời sống chúng ta.  Chúa Giêsu cho gọi những người giúp việc và bảo họ đổ đầy nước vào sáu cái chum trống không.  Tổng cộng, hơn sáu trăm lít!  Ngay lập tức Người ra lệnh cho họ múc nước từ chum và đem đến cho người quản tiệc.  Việc khởi xướng của Chúa Giêsu diễn ra không có sự can thiệp của người quản tiệc.  Không phải Chúa Giêsu, cũng chẳng phải Đức Maria Mẹ Người, cũng không phải những người giúp việc hiển nhiên là những thân chủ. Không ai trong bọn họ đã đến xin phép người quản tiệc hoặc chú rể.  Sự đổi mới trao qua cho những người không thuộc về trung tâm quyền lực.

Ga 2: 9-10:  Việc khám phá dấu chỉ của người quản tiệc
Người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu và nói với tân lang:  “Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này!”  Người quản tiệc, Cựu Ước, công nhận cách công khai rằng Tân Ước thì tốt hơn!  Điều mà trước đó là nước dành cho nghi thức thanh tẩy của người Do Thái, giờ đây lại có dư giả rượu cho bữa tiệc.  Có rất nhiều rượu!  Hơn sáu trăm lít, và bữa tiệc thì sắp tàn!  Đâu là ý nghĩa của sự dư giả này? Sẽ phải làm sao đây với những rượu dư thừa đó?  Chúng ta đang uống rượu ấy cho đến bây giờ!

Ga 2:11-12:  Lời bình luận của Thánh Sử
Đây là dấu chỉ đầu tiên.  Trong sách Tin Mừng Thứ Tư, dấu chỉ đầu tiên xảy ra để giúp đỡ trong việc xây dựng gia đình, cộng đoàn, để hàn gắn các mối quan hệ giữa con người.  Sáu dấu chỉ khác sẽ nối tiếp.  Gioan không dùng chữ phép lạ, mà dùng chữ dấu chỉ.  Chữ dấu chỉ cho thấy rằng các hành động của Chúa Giêsu thay mặt cho người ta mang một giá trị sâu xa hơn, mà chỉ có thể khám phá ra được với hình tia-X của đức tin.  Cộng đoàn nhỏ đã được hình thành chung quanh Chúa Giêsu trong tuần đó, nhìn thấy dấu chỉ, đã sẵn sàng để cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc hơn và “tin tưởng vào Người”.

c)  Phần phụ chú:


  •  Một Đám Cưới nhiều chờ đợi hy vọng
Trong sách Tin Mừng Gioan, sự bắt đầu cuộc sống công khai của Chúa Giêsu xảy ra trong một tiệc cưới, giây phút của sự vui mừng lớn lao và hy vọng tràn trề.  Cũng vì lý do này, tiệc cưới tại Cana có một ý nghĩa tượng trưng rất mạnh mẽ.  Trong Kinh Thánh, hôn nhân là hình ảnh được dùng để biểu thị việc thực hiện sự kết hợp hoàn hảo giữa Thiên Chúa và dân của Người.  Cuộc hôn nhân này giữa Thiên Chúa và dân của Người đã được mong đợi trong thời gian lâu dài, trong hơn tám trăm năm!

Chính tiên tri Hôsê (khoảng năm 750 trước Công Nguyên), lần đầu tiên, ông đã đại diện cho niềm hy vọng của cuộc hôn nhân này khi ông thuật lại dụ ngôn về sự không chung thủy của người ta trước lời hôn ước của Đức Gia-Vê .  Chế độ quân chủ ở Israel đã từ bỏ Đức Gia-Vê và lòng thương xót của Ngài, dẫn đưa dân Israel hướng đến tà thần.  Nhưng ngôn sứ, chắc chắn về tình yêu của Thiên Chúa, nói rằng người ta sẽ được hướng dẫn lần nữa trong sa mạc để nghe lời hứa sau đây từ Thiên Chúa:  “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa!” (Hs 2:21-22). Cuộc hôn nhân này giữa Thiên Chúa và dân của Người chỉ ra rằng lý tưởng của việc xuất hành sẽ đạt được (Hs 2:4-25).  Khoảng một trăm năm mươi năm sau đó, tiên tri Giêrêmia dùng những lời của tiên tri Hôsê để tố cáo chế độ quân chủ của bộ tộc Giuđa.  Và ông nói rằng dân Giuđa sẽ có cùng chung sống phân như dân Israel vì lòng bất trung của họ (Gr 2:2-5; 3:11-13).  Nhưng tiên tri Giêrêmia cũng hướng tới niềm hy vọng cho một cuộc hôn nhân hoàn hảo với sự mới mẻ sau đây:  đó là người phụ nữ sẽ quyến luyến người chồng (Gr 31:22).  Và mặc dù cuộc khủng hoảng tạo nên bởi cuộc lưu đày ở Babylon, người ta không mất hy vọng rằng có một ngày cuộc hôn nhân này sẽ diễn ra.  Đấng Gia-Vê sẽ chạnh lòng thương xót với người vợ bị ruồng bỏ của mình (Is 54:1-8).  Với sự trở lại của người lưu vong, “người vợ bị ruồng rẫy” một lần nữa sẽ là người vợ được chấp nhận với sự vui mừng lớn lao (Is 62:4-5).

Cuối cùng, nhìn vào việc Mới Lạ đang xảy ra, Gioan Tiền Hô hướng về Chúa Giêsu, chàng rể đang được chờ đợi (Ga 3:29).  Trong lời giáo huấn của Chúa và trong các cuộc trò chuyện với mọi người, Đức Giêsu nói lại dụ ngôn của tiên tri Hôsê, ước mơ về cuộc hôn nhân hoàn hảo.  Người tự giới thiệu mình là chàng rể đang được mong đợi (Mk 2:19).  Trong cuộc nói chuyện với người phụ nữ Samaritanô, Chúa kín đáo tự giới thiệu mình là chàng rể thật sự, là người chồng thứ bảy (Ga 4:16-17).  Các cộng đoàn Kitô hữu sẽ chấp nhận Đức Giêsu như là chàng rể đang được mong đợi (2Cr 11:2; Êp 5:25-31).  Tiệc cưới tại Cana muốn cho thấy rằng Đức Giêsu là chàng rể đích thực đến với đám cưới đang được chờ đợi, mang lại rượu ngon và dồi dào.  Cuộc hôn nhân cuối cùng này được mô tả với những hình ảnh đẹp đẽ trong sách Khải Huyền (Kh 19:7-8; 21:1a; 22:5).

  •  Thân mẫu của Chúa Giêsu trong sách Tin Mừng của Gioan
Mặc dù bà không bao giờ được nhắc đến với tên là Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu xuất hiện hai lần trong sách Tin Mừng của Gioan:  vào lúc bắt đầu tiệc cưới tại Cana (Ga 2:1-5), và vào lúc kết thúc, dưới chân cây Thập Giá (Ga 19:25-27). Trong cả hai trường hợp, bà đại diện cho Cựu Ước đang chờ đợi Tân Ước đến, và trong cả hai trường hợp, bà góp phần vào sự xuất hiện của Tân Ước.  Đức Maria là sự nối kết hiệp nhất giữa những gì xảy ra trước đây trong quá khứ và những gì sẽ đến sau đó.  Tại Cana, Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, tượng trưng cho Cựu Ước, là người nhận thức được những hạn chế của Cựu Ước và bước tới những bước cần thiết để đạt được Tân Ước.  Tại chân Thập Tự Giá, bà đứng bên cạnh của “Người Môn Đệ Chúa Yêu”.  Người Môn Đệ Chúa Yêu là cộng đoàn phát triển chung quanh Chúa Giêsu, ông là người con sinh ra từ Cựu Ước.  Trước lời yêu cầu của Đức Giêsu, người con, Tân Ước, nhận Đức Maria, Cựu Ước, vào trong nhà mình.  Cả hai phải cùng đồng hành với nhau.  Thật ra, Tân Ước không thể hiểu được mà không có Cựu Ước.  Tân Ước sẽ không có nền tảng, hoặc căn bản.  Và Cựu Ước mà không có Tân Ước thì sẽ không đầy đủ:  một cây không có hoa trái.

  • Bảy ngày của việc Tạo Dựng Mới

Văn bản bắt đầu bằng cách nói rằng:  “Vào ngày thứ ba” (Ga 2:1).  Trong chương trước, Gioan đã lặp đi lặp lại câu nói:  “Vào ngày hôm sau” (Ga 1:29, 35, 43).  Vì điều này, nó cho chúng ta lược đồ sau đây:  Việc chứng tá của Gioan Tẩy Giả về Đức Giêsu (Ga 1:19-28) xảy ra vào ngày thứ nhất.  “Ngày hôm sau” (Ga 1:29), là ngày thứ hai, là ngày Chúa Giêsu chịu Phép Rửa (Ga 1:29-34).  Ngày thứ ba, việc mời gọi các môn đệ và ông Phêrô  xảy ra (Ga 1:35-42).  Vào ngày thứ tư, Chúa Giêsu gọi ông Philíphê và Philíphê gọi ông Nathanaen (Ga 1:43-51).  Cuối cùng,“ba ngày sau đó” đó là ngày thứ bảy, nghĩa là, vào ngày Thứ Bảy, dấu chỉ đầu tiên xảy ra, tại tiệc cưới ở Cana (Ga 2:1).  Trong suốt sách Tin Mừng, Đức Giêsu làm ra bảy dấu chỉ.

Thánh Gioan sử dụng đề cương của một tuần lễ để trình bày việc khởi đầu hoạt động của Chúa Giêsu.  Cựu Ước dùng cùng một đề cương để trình bày sự sáng tạo vũ trụ.  Trong sáu ngày đầu tiên, Thiên Chúa đã tạo dựng nên mọi thứ và đặt tên cho chúng.  Vào ngày thứ bảy, Người nghỉ ngơi, và không làm việc nữa (Ga 1:1-2, 4).  Trong cùng một cách, Chúa Giêsu trong những ngày đầu hoạt động của mình, Người thu nhận các môn đệ và thành lập cộng đoàn, nhân loại mới.  Vào ngày thứ bảy, đó là ngày Thứ Bảy, Chúa Giêsu không nghỉ ngơi, mà làm dấu chỉ đầu tiên.  Trong các chương kế tiếp, từ chương 2 cho đến hết chương 19, Người làm sáu dấu chỉ khác, luôn luôn vào ngày Thứ Bảy (Ga 5:16; 9:14).  Cuối cùng, vào buổi sáng Phục Sinh, khi bà Maria Mađalêna ra thăm mộ, ngày đó được viết là: “ngày thứ nhất trong tuần” (Ga 20:1).  Đó là ngày đầu tiên của sự sáng tạo mới, sau ngày Thứ Bảy dài lê thê trong đó Chúa Giêsu đã làm bảy dấu chỉ.  Bị buộc tội là làm việc trong ngày Thứ Bảy, Đức Giêsu đáp lại:  “Cho đến nay, Cha Ta vẫn làm việc, thì Ta cũng làm việc” (Ga 5:17).  Qua hoạt động của Chúa Giêsu từ Cana đến cây Thập Giá, Chúa Cha hoàn tất những gì còn thiếu sót trong việc tạo dựng cũ, trong một cách thức mà sự sáng tạo mới có thể nổi bật lên trong sự Phục Sinh của Đức Giêsu.

6.  Cầu Nguyện với Thánh Vịnh 148

Alleluia!  Ca tụng CHÚA đi, tự cõi trời thăm thẳm,
ca tụng Người, trên chốn cao xanh.
Ca tụng Chúa đi, mọi sứ thần của Chúa,
ca tụng Người, hỡi toàn thể thiên binh!

Ca tụng Chúa đi, này vầng ô bóng nguyệt,
ca tụng Người, muôn tinh tú rạng soi.
Ca tụng Chúa đi, hỡi cửu trùng cao vút,
cả khối nước phía trên bầu trời.

Nào ca tụng thánh danh ĐỨC CHÚA,
vì Người ra lệnh, là hết thảy được tạo thành;
Người định nơi cho tất cả đến muôn đời muôn thuở,
ban truyền lề luật, luật đó chẳng hề qua.

Ca tụng CHÚA đi, từ mười phương đất,
này thủy quái dị hình, này tất cả vực sâu,
lửa hồng mưa đá, tuyết trắng mây mù,
ngọn cuồng phong, cấp thừa hành lời Chúa.
Núi với đồi trùng trùng điệp điệp,
cây ăn trái và đủ loại bá hương,
thú vật rừng hoang cùng là gia súc,
loài bò sát và mọi giống chim trời.
Bậc vua chúa cũng như hàng lê thứ,
khanh tướng công hầu, thủ lãnh trần gian,
ai là nam thanh, ai là nữ tú,
khắp mặt bô lão, khắp mặt nhi đồng!

Nào ca tụng thánh danh Đức Chúa,
vì thánh danh Người cao cả vô song,
và oai phong vượt quá đất trời.
Thế lực dân Người, Người đã nâng cao.
Đó là bài ca tụng của những ai hiếu trung với Chúa,
của con cháu nhà Israel, dân gần gũi với Người.
7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét