19/01/2016
Thứ Ba tuần 2 thường niên.
Bài Ðọc
I: (năm II) 1 Sm 16, 1-13
"Samuel xức dầu cho Ðavít trước mặt các anh em ngài; và Thánh Thần
ngự xuống trên ngài".
Trích sách Samuel quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Samuel rằng: "Ta đã loại bỏ
Saolê không cho cai trị Israel nữa, thế mà ngươi còn thương khóc nó đến bao giờ?
Ngươi hãy đổ dầu cho đầy bình và lên đường; Ta sai ngươi đến nhà Isai dân thành
Bêlem. Vì Ta chọn một người con của ông ấy lên làm vua". Samuel thưa:
"Làm sao mà đi được? Vì nếu Saolê hay biết việc đó, ông sẽ giết con".
Chúa nói: "Ngươi hãy tự tay bắt một con bê trong đàn, và nói: 'Tôi đến để
dâng lễ tế lên cho Chúa'. Ngươi sẽ mời Isai đến để dự lễ tế, Ta sẽ tỏ cho ngươi
biết việc phải làm, và sẽ chỉ cho ngươi biết phải xức dầu cho ai?"
Vậy Samuel làm như lời Chúa dạy và đi đến Bêlem. Các vị kỳ lão trong
thành bỡ ngỡ chạy đến Samuel mà nói rằng: "Ông đem bình an đến
chăng?" Ông đáp: "Phải, bình an! Tôi đến để dâng lễ tế cho Chúa. Các
ông giữ mình thanh sạch và cùng tôi đến dâng của lễ". Vậy ông làm cho Isai
và con cái ông ấy được thanh sạch và mời họ đến dâng lễ tế. Khi (họ) vào nhà,
Samuel gặp ngay Êliab và nói: "Có phải người xức dầu của Chúa đang ở trước
mặt Chúa đây không?" Và Chúa phán cùng Samuel: "Ðừng nhìn xem diện mạo,
vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi; Ta không xem xét theo kiểu con người, vì chưng
con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem tâm hồn". Isai gọi
Abinađab đến và dẫn đến trước mặt Samuel. Samuel nói: "Cũng không phải
Chúa chọn người này". Isai cho dẫn Samma đến. Samuel lại nói: "Nhưng
Chúa cũng không chọn người này". Isai lần lượt đem bảy đứa con mình ra
trình diện với Samuel. Samuel nói với Isai: "Chúa không chọn ai trong những
người này". Samuel nói tiếp: "Tất cả con ông có bấy nhiêu đó phải
không?" Isai đáp: "Còn một đứa út nữa, nó đi chăn chiên". Samuel
nói với Isai: "Ông hãy sai người đi gọi nó về, vì chúng ta không ngồi vào
bàn ăn trước khi nó về". Isai sai người đi tìm đứa con út. Ðứa út này có
mái tóc hoe, có đôi mắt xinh và gương mặt đẹp. Chúa phán: "Ngươi hãy chỗi
dậy, xức dầu lên nó, vì chính nó đó". Samuel lấy bình dầu ra, xức lên nó
trước mặt các anh em, và Thánh Thần Chúa ngự trong Ðavít từ ngày đó trở đi. Còn
Samuel đứng dậy trở về Rama.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 88,
20. 21-22. 27-28
Ðáp: Ta đã gặp
Ðavít là tôi tớ của Ta (c. 21a).
Xướng: 1) Xưa trong cuộc thị kiến, Chúa đã phán cùng bầy tôi Chúa:
"Ta đội mão triều thiên cho vị anh hùng, Ta cất nhắc người được kén chọn tự
trong dân. - Ðáp.
2) Ta đã gặp Ðavít là tôi tớ của Ta. Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người,
để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh người. -
Ðáp.
3) Chính người sẽ thưa cùng Ta: "Chúa là Cha tôi, là Thiên Chúa và Tảng
Ðá cứu độ của tôi". Và Ta sẽ đặt người làm trưởng tử, cao sang hơn các vua
chúa ở trần gian. - Ðáp.
Alleluia: Ga 8,
12
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta
sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 2,
23-28
"Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày
Sabbat".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa
bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: "Kìa Thầy xem. Tại
sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?" Người trả lời
rằng: "Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Ðavít đã làm khi ngài và các
cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế Abiata
thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã
cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?" Và Người bảo họ rằng: "Ngày
Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên
Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Linh hồn
của Lề Luật
Nói về luật pháp của con người, triết gia Schopenhauer đã ví von như sau:
"Luật pháp cũng giống như một mạng nhện, những con ong gấu thì vượt qua một
cách dễ dàng, những thứ ruồi nhặng thì kẹt lại". Ðây là một sự thật đau
lòng mà chúng ta chứng kiến mỗi ngày trên khắp thế giới: những con ong gấu, tức
những người làm ra luật, những kẻ có quyền thế trong tay, thường chiu qua những
kẽ hở của luật pháp một cách dễ dàng; thế lực của đồng tiền, vây cánh, ô dù,
giúp họ luôn đứng trên luật pháp mà chính họ lập ra.
Vào thời Chúa Giêsu không có chuyện ô dù, nhưng có một hạng người tự cho
mình có quyền lập ra luật, bắt người khác giữ luật, còn mình thì không muốn lay
thử một ngón tay. Tin Mừng hôm nay là khởi đầu của một cuộc đối đầu triền miên
giữa Chúa và hạng người này, tức là nhóm Biệt phái về vấn đề luật pháp. Chúa
Giêsu không phải là một người vô kỷ luật. Ngài sinh ra khi cha mẹ Ngài tuân
theo lệnh kiểm tra dân số do Hoàng đế La mã ban hành; sau này Ngài vẫn đóng thuế
như bất cứ một công dân của Ðế quốc nào. Trong lãnh vực tôn giáo Ngài tuân giữ
lề luật của Môsê. Ngài cũng chịu cắt bì, được hiến dâng trong Ðền thờ vì là con
trai đầu lòng, hằng năm lên Yêrusalem để mừng lễ, mỗi ngày hưu lễ Ngài cũng đến
Hội đường.
Tuy nhiên, như Chúa Giêsu đã có lần tuyên bố Ngài đến là để kiện toàn lề
luật, và kiện toàn lề luật là gì nếu không phải là mặc cho nó linh hồn là tình
yêu; không có tình yêu thì lề luật chỉ là những thây chết, nhưng nói đến tình
yêu là nói đến con người. Như vậy luật lệ là vì con người, là để giúp con người
sống chứ không phải để đàn áp và giết chết con người; luật lệ chỉ có ý nghĩa và
giá trị khi nó là một biểu lộ của tôn trọng và yêu thương đối với con người;
trái lại, tất cả những luật lệ nào đi ngược lại với sự sống và tình yêu, đều là
những luật lệ bất công. Trong Thông điệp "Tin Mừng Sự Sống" ban hành
năm 1995, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi các tín hữu mạnh mẽ và can đảm
chống lại những thứ luật lệ xúc phạm đến chính sự sống của con người, như luật
cho phép phá thai, luật cho phép kết liễu cuộc sống của bệnh nhân.
Là một xã hội, Giáo Hội cũng ban hành luật lệ. Tất cả lề luật của Giáo Hội
được tóm gọn trong một giới luật duy nhất và nền tảng, đó là yêu thương. Ăn
chay, giữ ngày Chúa nhật hoặc bao nhiêu khoản luật khác liên quan đến đời sống
hôn nhân, tất cả đều qui về một luật duy nhất là để giúp các tín hữu sống tôn
trọng và yêu thương con người. Như thế, người Kitô hữu chỉ có một giới răn để
tuân giữ, đó là giới răn yêu thương, và họ cũng chỉ có một tinh thần duy nhất để
tuân giữ lề luật, đó là tình yêu thương.
Nguyện xin Chúa hướng dẫn để chúng ta luôn sống đạo theo tinh thần yêu
thương ấy.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba, Tuần II TN
Bài đọc: Heb 6:10-20; I Sam 16:1-13; Mk
2:23-28.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người quí trọng hơn luật lệ.
Phẩm giá con người rất quí trọng trước mặt Thiên Chúa. Các Lề Luật
Ngài ban là để bảo vệ và phục vụ con người. Trong sự quan
phòng của Thiên Chúa, Ngài không bao giờ muốn cho con người phải làm nô lệ cho
Lề Luật và tội lỗi; nhưng muốn Lề Luật phục vụ con người và làm
cho đời sống con người được bảo vệ và an toàn hơn.
Các Bài Đọc hôm nay nói lên sự quan tâm của Thiên Chúa dành cho con
người. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, tác giả tường thuật việc Thiên Chúa chọn
người và phong vương cho một trẻ chăn chiên nhỏ nhất và không ai ngờ trong
những người con của ông Jesse; vì Ngài nhìn thấu tâm hồn cao đẹp của David.
David đã trở thành vị vua sáng giá nhất của Israel. Trong Phúc Âm,
các Pharisees tố cáo với Chúa Giêsu: các môn đệ của Ngài đã vi phạm
luật của ngày Sabbath. Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ của Ngài có lý do
làm như thế để bảo vệ sự sống. Ngài nhắc cho họ biết
luật lệlàm ra là vì con người, chứ không phải con người cho luật lệ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
2/ Bài đọc I
(năm chẵn): Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.
2.1/ Cuộc lựa chọn người làm vua trong số các con của ông Jesse: Thiên Chúa hứa
Ngài sẽ hành động trong ngôn-sứSamuel ngay tại nơi đang diễn ra cuộc lựa
chọn người làm vua trong gia đình ông Jesse. Cả ngôn sứ Samuel và ông
Jesse đều không hay biết hậu quả của những gì sắp xảy ra.
- Phản ứng của ngôn-sứ Samuel: Thoạt trông thấy Eliab, ông
nghĩ: "Đúng rồi! Người Đức Chúa xức dầu tấn phong đang ởtrước mặt Đức
Chúa đây!" Nhưng Đức Chúa phán với ông Samuel: "Đừng xét theo hình
dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không
nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa
thì thấy tận đáy lòng."
- Ông Jesse gọi Abinadab và cho cậu đi qua trước mặt Samuel, nhưng ông
Samuel nói: "Cả người này, Đức Chúa cũng không chọn." Ông Jesse
cho Samah đi qua, nhưng ông Samuel nói: "Cả người này, Đức Chúa cũng
không chọn." Ông Jesse cho bảy người con trai đi qua trước mặt ông Samuel,
nhưng ông Samuel nói với ông Jesse: "Đức Chúa không chọn những người
này."
2.2/ Thiên Chúa chọn một trẻ út chăn chiên làm vua cai trị dân
Người: Samuel lại hỏi ông Jesse: "Các con ông có mặt đầy đủ chưa?"
Ông Jesse trả lời: "Còn cháu út nữa, nó đang chăn chiên." Ông
Samuel liền nói với ông Jesse: "Xin ông cho người đi tìm nó về, chúng ta sẽ không
nhập tiệc trước khi nó tới đây."
- Ông Jesse cho người đi đón cậu về. Cậu có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và
khuôn mặt xinh xắn. Đức Chúa phán với ông Samuel: "Đứng dậy, xức dầu tấn
phong nó đi! Chính nó đó!" Ông Samuel cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu, ở giữa
các anh của cậu. Thần khí Đức Chúa nhập vào David từ ngày đó trở đi.
- Chính ông Jesse cũng không ngờ Thiên Chúa chọn David, một đứa trẻ út
đang chăn chiên ngoài đồng. Đó là lý do mà ông không buồn cho gọi con về; nhưng
Thiên Chúa nhìn thấu tâm hồn đẹp và các việc tốt lành của David. Ngài muốn chọn
cậu làm vua cai trị dân Ngài và David đã trở thành vị vua nổi
danh nhất của dân tộc Israel.
3/ Phúc Âm: Con Người làm chủ luôn
cả ngày Sabbath.
3.1/ Người Pharisees tố cáo các môn đệ Chúa Giêsu vi phạm ngày
Sabbath: Vào ngày Sabbath, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các
môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pharisees liền nói với Đức Giêsu: "Ông
coi, ngày Sabbath mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!" Có tất
cả 39 luật về ngày Sabbath ngăn cấm không cho làm việc, và các môn đệ phạm
4 luật bằng hành động bứt lúa để ăn: gặt (bứt lúa), xay (vò lúa trong
tay), sàng (thổi vỏ đi), và chuẩn bịbữa ăn (làm lúa sẵn sàng để ăn).
Sự tỉ mỉ của Luật có thể có thể làm chúng ta lắc đầu;
nhưng đối với các Rabbi, nó liên quan đến tội, và có thể gây ra cái chết.
Đó là lý do họ tố cáo các môn đệ với Chúa Giêsu, và họ chờ Chúa
sửa phạt các môn đệ.
3.2/ Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ của Ngài: Chúa Giêsu đưa
ra một trường hợp riêng đã được ghi lại trong Cựu Ước, và sau đó, Ngài thiết
lập một qui luật chung về ngày Sabbath.
(1) Trường hợp vua David (I Sam 21:1-6): Người đáp: "Các ông chưa
bao giờ đọc trong Sách sao? Ông David đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu
thốn và đói bụng? Dưới thời thượng-tế Abiathar, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn
bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai
được phép ăn ngoại trừ tư tế." Chúa Giêsu có ý muốn nói: trong
trường hợp phải bảo vệ sự sống, con người có thể vi phạm Lề Luật.
(2) Luật chung của ngày Sabbath: Người nói tiếp: "Ngày Sabbath được
tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbath. Bởi đó,
Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabbath." Điều này hiển nhiên, vì
con người được Thiên Chúa tạo dựng trước khi luật về ngày Sabbath ra đời.
Con người không được tạo dựng để trở thành nạn nhân hay làm nô lệ cho
luật lệ của ngày Sabbath. Sở dĩ có luật lệ về ngày Sabbath
là để bảo vệ con người, làm cho con người biết thân xác họ cần
được nghỉ ngơi, và linh hồn họ cần được nuôi dưỡng bởi thức ăn tinh
thần.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Phẩm giá con người chúng ta rất quí trọng trước mặt Thiên Chúa. Ngài đã
hy sinh Người Con của Ngài để cứu chúng ta thóat khỏi làm nô lệ cho Lề Luật,
tội lỗi, và sự chết.
- Nhờ lễ tế hy sinh của Người Con, chúng ta có thể đến
trực tiếp với Thiên Chúa mà không cần qua trung gian; đến bất cứlúc nào chứ không
phải đợi một ngày cố định trong năm.
Linh mục
Anthony Đinh Minh Tiên, OP
19/01/16 THỨ BA TUẦN 2
TN
Mc 2,23-28
Mc 2,23-28
Suy
niệm: Luật ngày sa-bát là
một ngòi nổ thường trực tiếp làm bùng lên những cuộc đụng độ giữa Đức Giê-su
và những người Pha-ri-sêu. Và bao giờ cũng vậy, đối với thói nệ luật đến mức phi nhân và
nô lệ hoá con người như
thế, Đức Giê-su luôn chống lại. Luật phục vụ cho con người, chứ không ngược
lại. Đây cũng là chuẩn mực tối hậu của luật Giáo Hội. Là một cơ chế lớn, Giáo
Hội cần một bộ giáo luật khá ‘kềnh càng’; tuy nhiên, bộ giáo luật ấy được đúc
kết ở điều cuối cùng (đ. 1752) như sau: “lex suprema, salus animarum” (luật
tối thượng là phần rỗi các linh hồn). Đáng tiếc là trong thực tế, thói nệ
luật xem ra vẫn còn vướng vất đâu đó, ít hay nhiều, nơi các ‘chủ chăn’ lẫn
‘con chiên’.
Mời Bạn: Nhìn ngắm thái độ
của Đức Giê-su đối với luật. Ngài không ‘nổi loạn’ dẹp bỏ hết luật lệ; song
Ngài cũng không đặt luật trên con người. Ngài trả luật về đúng vai trò và ý
nghĩa của nó.
Chia sẻ: Nhân câu chuyện về ngày
sa-bát, thử xét việc giữ luật ngày Chúa Nhật của chúng ta ngày nay: 1) Có
phải việc bỏ Thánh Lễ Chúa Nhật trong mọi trường hợp đều là tội trọng không?
2) Một người thường xuyên ‘đi lễ’ Chúa Nhật, nhưng cũng thường ngồi ngoài sân
tán gẫu, hút thuốc, nói chuyện trên điện thoại di động, v.v... thì có hoàn
thành bổn phận giữ ngày Chúa Nhật không?
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn làm mọi
việc bổn phận với tất cả tấm lòng.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, xin giúp
con biết làm các việc bổn phận một cách có chất lượng, bằng cách đặt cả tấm
lòng mình vào đó. Và xin giải phóng con khỏi thói nệ luật, để có thể sống
trong sự tự do của con cái Chúa.
|
Con
Người làm chủ ngày sabát
Trong thế giới quá cạnh tranh hiện nay, chúng ta
cần được nhắc nhở về chuyện nghỉ ngơi để sống cho mình, cho nhau, cho Chúa.
Ngày Chúa Nhật là thời gian tuyệt vời để sống cả ba chiều kích ấy.
Suy niệm:
Các kitô hữu gốc
Do Thái của Giáo Hội sơ khai
thường bị chê
trách vì đã lơ là trễ nải trong việc giữ ngày sabát.
Giữ ngày sabát
là điều hết sức quan trọng đối với người theo Do Thái giáo
Ai vi phạm ngày
này có thể bị xử tử (Xh 31, 14), bị ném đá (Ds 15, 32-36).
Qua bài Tin Mừng
hôm nay, Đức Giêsu hẳn đã soi sáng cho vấn đề này.
Câu chuyện xảy
ra vào một ngày sabát.
Khi thầy trò
băng qua đồng lúa, các môn đệ đã bứt các bông lúa.
Và hẳn họ đã vò
lúa trong tay trước khi có thể ăn hạt bên trong.
Theo sách Đệ nhị
luật (23, 26) thì hành động này được phép làm :
“Khi vào đồng
lúa của người đồng loại, anh em có thể lấy tay bứt bông lúa.”
Nhưng theo các
kinh sư, điều này bị cấm làm trong ngày sabát,
lý do là vì bứt
lúa và vò trong tay cũng giống với hành vi gặt và xay lúa,
mà gặt và xay
lúa là một trong ba mươi chín việc không được phép làm ngày sabát.
Từ đó người
Pharisêu kết luận việc các môn đệ bứt lúa là phạm đến luật Môsê.
Ngày nay chúng
ta có thể buồn cười về chuyện này,
nhưng nó nói
lên việc các kinh sư vì sợ người ta phạm luật
nên sau này đã
thêm thắt những quy định tỉ mỉ chi li.
Đức Giêsu đã trả
lời người Pharisêu bằng đức cách trưng dẫn chuyện vua Đavít.
Trong truyền thống
Do Thái, vua này thường được coi là đạo đức mẫu mực.
Đavít đã làm điều
không được phép làm, đó là ăn bánh tiến (x. 1 Sm 21, 1-6).
Bánh này gồm mười
hai ổ lớn được đặt trước nhà tạm (x. Lv 24, 5-9).
Vào mỗi ngày
sabát, bánh mới được thay, bánh cũ chỉ dành cho các tư tế.
Khi kể câu chuyện
về vua Đavít, Đức Giêsu muốn cho thấy rằng
nếu Đavít và
các thuộc hạ có thể được miễn giữ luật liên quan đến bánh thánh
thì Đức Giêsu
và các môn đệ trong trường hợp nào đó
cũng có thể được
miễn giữ ngày sabát thánh (x. 1 Mac 2, 34-38).
Theo Đức
Giêsu, ngày sabát được tạo cho loài người, chứ không phải ngược lại.
Người Pharisêu
có lẽ đã quên đi mục đích của việc giữ luật ngày sabát.
Thiên Chúa lập
nên ngày sabát để loài người có thời gian nghỉ ngơi
hầu nhớ đến
công trình tạo dựng và giải phóng của Ngài (Đnl 5, 14-15).
Ngày sabát đúng
là ngày của Chúa, dành cho Chúa,
nhưng nó cũng
là ngày cho loài người sau sáu ngày làm việc vất vả.
Ngày nay chúng
ta không còn giữ ngày sabát nữa,
nhưng giữ ngày
Chúa Nhật, ngày của Chúa.
Cám ơn vị nào
đã lần đầu tiên dùng từ này để chỉ ngày đầu tiên của tuần.
Trong thế giới
quá cạnh tranh hiện nay, chúng ta cần được nhắc nhở
về chuyện nghỉ
ngơi để sống cho mình, cho nhau, cho Chúa.
Ngày Chúa Nhật
là thời gian tuyệt vời để sống cả ba chiều kích ấy.
Cầu nguyện:
Ngày lại
ngày, lạy Thiên Chúa,
tôi sẽ đứng
trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,
hai tay cung
kính, lạy Thiên Chúa muôn loài,
tôi sẽ đứng
trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Dưới bầu trời
bao la,
trong cô đơn
và thầm lặng,
với tấm lòng
thanh tịnh,
tôi sẽ đứng
trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Trong thế giới
ồn ào vì nhọc nhằn,
huyên náo vì
đấu tranh,
giữa đám
đông hối hả lăng xăng,
tôi sẽ đứng
trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Và khi đã
hoàn tất việc đời,
lạy Thiên
Chúa muôn loài,
một mình, lặng
lẽ,
tôi sẽ đứng
trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
(R. Tagore -
Ðỗ Khánh Hoan dịch)
Lm Antôn
Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
19 THÁNG
GIÊNG
Ngắm Nhìn Mẫu
Gương Người Thợ Mộc Khiêm Nhường
Lao động đem lại
niềm vui và niềm thỏa mãn; nhưng lao động cũng đòi nỗ lực và khiến người ta mệt
mỏi, như ai cũng có thể cảm nghiệm được sau một ngày dài nhọc nhằn. Vui và thỏa
mãn, vì lao động cho phép người ta thể hiện vai trò thống trị mặt đất mà Thiên
Chúa đã ủy trao cho mình (St 1, 26 – 28). Thật vậy, Thiên Chúa đã nói với người
đàn ông và người phụ nữ đầu tiên: “Hãy sinh sôi nảy nở đầy mặt đất và chinh phục
nó. Hãy làm chủ cá biển, chim trời và muôn loài sống động trên mặt đất” (St 1,
28).
Thế nhưng,
không phải bao giờ chúng ta cũng thích loại công việc mà mình đang làm. Đôi khi
ta phải làm những công việc nguy hiểm. Chẳng hạn, rất nhiều người làm việc
trong các hầm mỏ sâu hun hút dưới mặt đất. Nhiều công việc rất nặng nhọc, đơn
điệu và gây buồn chán. Đó là thân phận con người chúng ta. Thánh Kinh viết rằng
vì con người bất tuân phục nên phải đổ mồ hôi mới có cái ăn. Rồi trong quá
trình canh tác trồng trọt, cũng vì sự bất tuân phục của con người mà mặt đất
không dễ dàng sản sinh hoa trái cho họ (St 3, 17 – 19). Dù sao, đối với những
con người lao động tín thác vào Thiên Chúa, những nỗi cố gắng nhọc nhằn của họ
bao giờ cũng gắn liền với niềm vui sướng – vì họ biết rằng mình đang tham dự
vào chính công trình của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo.
Đối với chúng
ta là những Kitôhữu, Đức Giêsu là mẫu gương hoàn hảo và là nguồn cảm hứng cho
công việc của chúng ta. Trong lao động, Đức Giêsu sống mối hiệp thông mật thiết
với Cha trên trời. Vì thế, chúng ta cần phải nhìn ngắm cung cách làm việc hằng
ngày của Đức Giêsu trong suốt những năm dài ở Na-da-rét. Đó là tấm gương tuyệt
hảo cho tất cả chúng ta. Ngắm nhìn chàng thợ mộc ấy, chúng ta sẽ nhận được niềm
phấn khởi và sự khích lệ lớn lao để kiên trung trong việc phục vụ nhỏ nhoi của
mình – dù đó là ngành nghề gì đi nữa.
- suy tư 366
ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công
Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR
HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 19-01
1Sm 16,1-13 ; Mc 2,23-28.
LỜI SUY NIỆM: Vào ngày Sa-bát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Các môn đệ Người bắt đầu bứt lúa trong khi đi đường. Những người Pharisêu liền nói với Đức Giêsu : “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kìa? Điều ấy đâu được phép!”
Giữ Lề luật của Thiên Chúa, là để giúp nhau sống tốt và đi đúng đường dẫn về Trời để gặp lại Ngài là Cha của mình. Nhưng trong cuộc sống của con người, lại lấy lề luật của Chúa để đánh giá nhau, hạ nhục nhau, làm khổ cho nhau. Đối với người Kitô hữu luôn phải tuân giữ lề luật của Chúa để đem lại những lợi ích cho bản thân và cho tha nhân, nên phải uân giữ với cả sự yêu thích và tích cực. Không những chỉ giữ luật “công bằng” nhưng Công bằng trong yêu thương, với lòng bác ái; không những không làm thiệt hại người khác, mà còn phải làm sinh lợi cho họ nữa, không những chỉ chúc bình an cho người anh em trên môi miệng, mà phải thực tâm mong cho họ được bình an...
Lạy Chúa Giêsu. Trong cuộc sống của chúng con, thường thường chúng con chỉ nhìn thấy những cái xấu nơi người anh em, mà quên đi những cái tốt nơi họ. Xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, biết nhìn những cái xấu để tránh và thấy những cái tốt để neo theo.
Mạnh Phương
19 Tháng
Giêng
Bàn Chân Năm Ngón
Một người
thanh niên tên là Tony Melendez bỗng trở nên quen thuộc với nhiều người kể từ
khi Ðức Gioan Phaolô II đến viếng thăm tiểu bang California, Hoa Kỳ dạo mùa hè
năm 1987. Nhiều người đã chứng kiến buổi lễ tiếp đón Ðức Thánh Cha hôm đó và
khó quên hình ảnh vô cùng cảm động khi vị Giáo Hoàng bước xuống từ một lễ đài
cao để ôm hôn một người thanh niên đang hát với tiếng đàn Guitar của mình. Ðiều
gì đã làm cho khung cảnh ấy trở nên khác lạ và giây phút ấy đã trở nên luyến nhớ
cho nhiều người?
Tony là hiện
thân của niềm Hy Vọng. Tony đã chào đời không có hai cánh tay. Nhưng Tony đã vận
dụng những ngón chân của mình để học đàn guitar. Không những thế, anh còn dùng
chân trong nhiều công việc khác như xếp quần áo, vắt một ly nước chanh.
Anh đã biết
biến sự tàn tật kém may mắn của mình thành một khả năng thuần thục. Ngạc nhiên
trước khả năng lạ lùng ấy của anh, nhiều người đã hỏi anh: "Bí quyết nào
đã giúp anh chẳng những chấp nhận chính mình để sống bình thường mà còn sử dụng
guitar một cách tuyệt diệu như thế?". Anh đã trả lời như sau: "Tôi đã
cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nhận lấy con và dùng con theo thánh ý Chúa. Tôi đã tự
hiến cho Chúa như một của lễ sống động và Chúa đã nhậm lời tôi".
Không ai trong
chúng ta chọn lựa được sinh ra hay không sinh ra. Không ai trong chúng ta chọn
lựa làm đàn ông hay đàn bà. Không ai trong chúng ta chọn lựa được làm người
xinh đẹp hay xấu xí, thông minh hay ngu đần, khỏe mạnh hay bệnh tật, giàu sang
hay nghèo hèn. Dưới mắt người đời, mỗi người chúng ta đến trong trần gian này với
cả một định mệnh. Người ta vẫn nói: có người sinh ra dưới một ngôi sao xấu, có
người sinh ra dưới một ngôi sao tốt, có người kém may mắn.
Nhưng trong ánh
mắt Tình Yêu của Thiên Chúa, thì số phận nào cũng là một hồng ân cao cả. Trong
chương trình Quan Phòng của Ngài, mỗi người, dù nhỏ bé hèn mọn, dù tàn tật bất
hạnh đến đâu, cũng đều có một chỗ đứng. Do những bất trắc của thiên nhiên, hay
do hậu quả của tội lỗi, nhiều người phải sinh ra với tất cả một gánh nặng của bất
hạnh. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc vì những hư hỏng ấy, Ngài luôn có
một chương trình cho mỗi người. Lắm khi chúng ta thấy được những kỳ diệu của
Thiên Chúa được thể hiện qua những bất hạnh, mất mát của con người.
(Lẽ Sống)
SỐNG LỜI CHÚA MỖI NGÀY
NĂM THÁNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Thứ ba, 19 tháng 1
Cầu nguyện cho những ai dấn thân phục vụ hành hương
1 Sa-mu-en 16,1-13 · Thánh Vịnh 88,20.21-22.27-28 · Mác-cô 2,23-28
Nghỉ Ngơi Trong Chúa
Ngày sa-bát được tạo ra cho loài người,
chứ không phải loài người cho ngày sa-bát. Mác-cô 2,27
Tôi không chắc rằng liệu tôi có thể hiểu
đúng nghĩa của từ nghỉ ngơi. Nhưng một điều gì đó mách bảo tôi rằng nghỉ ngơi
không chỉ đơn thuần là dừng mọi hoạt động thường ngày hay kiềm chế việc đi mua
sắm vào ngày Chúa Nhật.
Tôi đã từng trải nghiệm những công việc đầy
áp lực nhưng lại có cảm giác an bình, vì tôi biết rằng tôi đang làm điều mà bản
thân mình cảm thấy cần thiết, làm điều mà Chúa đã hoạch định cho tôi. Từ đó tôi
đã có những quyết định thanh thản và hoàn toàn tín thác vào sự quan phòng của
Chúa.
Tôi luôn nghĩ rằng mỗi khi chúng ta nghỉ
ngơi, là lúc chúng ta để cho Chúa làm việc, đó là sự tin tưởng vào Thiên Chúa,
tin rằng Ngài luôn yêu thương chúng ta và ban cho chúng ta những điều tốt đẹp
nhất.
Vì thế, mỗi khi chuẩn bị bữa tối, lúc xếp
hàng chờ ở bưu điện, khi đi nghỉ mát, hay lúc về nhà thăm gia đình vào những buổi
chiều Chúa Nhật, chúng ta vẫn có thể giữ ngày sa-bát, bằng cách từ bỏ những dự
định và kế hoạch riêng tư để tạo không gian cho Chúa, để từ đó chúng ta cảm
nghiệm trọn vẹn tình yêu của Chúa dành cho chúng ta và cho những ai đang cùng
chia sẻ cuộc sống với chúng ta.
Elizabeth Duffy
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, xin cho con biết
dành thời gian để nghỉ ngơi trong Chúa, lắng nghe tiếng Chúa và cố gắng thực
thi những điều Chúa muốn, hầu tâm hồn luôn được bình an và cuộc sống đem lại
nhiều hoa trái cho người chung quanh.
Quyết
tâm : Ưu tiên cho những việc cần thiết cho phần rỗi của bản thân và tha nhân.
(nguồn trích : Sống Lời Chúa số 2
– Mùa Thường Niên 1 của Tgp. Sài Gòn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét