Trang

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Những con tốt thí trong “đệ tam thế chiến từng mảnh”

Những con tốt thí trên bàn cờ "đệ tam thế chiến từng mảnh"

Kể từ khi Mùa Xuân A Rập bùng nổ hồi cuối năm 2010 và đầu năm 2011 tới nay thế giới đã chứng kiến các vụ nổi dậy, đôi khi mau chóng biến thành các cuộc nội chiến tàn phá một số nước vùng Magreb bắc Phi và vùng Trung Đông, vốn đã nóng bỏng từ nhiều thập niên qua vì chiến tranh giữa Israel và người Palestin. Ngoài những tin tức và hình ảnh phiến diện được chọn lọc do các đài phát thanh truyền hình của thế giới tây âu phổ biến, có rất nhiều chi tiết  người dân thế giới không hề biết tới, nhưng  diễn tả những thảm cảnh đớn đau của các dân tộc bị bó buộc trở thành nạn nhân của điều mà ĐTC Phanxicô gọi là “đệ tam thế chiến từng mảnh”. Ỏ đây là thảm cảnh dầu sôi lửa bỏng của thế giới A Rập.
Trong số các lý do trực tiếp có nạn gian tham hối lộ của các chính quyền, nạn nghèo đói, thiếu các quyền tự do cá nhân, vi phạm các quyền con người, giá nhu yếu phẩm gia tăng, sự bất mãn của dân chúng và ước muốn canh tân chế độ chính trị ít nhiều độc tài chuyên chế.
Tia lửa nổi loạn bùng nổ ngày 18 tháng 12 năm 2010 bên Tunisia, sau khi ông Mohammed Bouazizi, một người bán rau trái, tự thiêu hôm trước đó để phản đối cảnh sát tịch thu hàng hóa sinh sống của gia đình ông. Ngày 27 tháng 12 phong trào phản đối lan tới thủ đô Tunisi, nơi các sinh viên tiến sĩ thất nghiệp xuống đường biểu tình phản đối nhà nước, nhưng bị cảnh sát đánh đập dã man. Thế là làn sóng xuống đường biểu tình của nhân dân Tunisia như một ngọn lửa lan nhanh sang các nước Siria, Libia, Ai Cập, Algeria, Iraq, Bahrein, Giordania, Gibutu, Yemen, và trong các mức độ nhỏ hơn tại Libăng, Mauritania, A Rập Sauđi, Oman, Sudan, Somalia, Marốc và Kuweit.
Trong năm 2011 đã có bốn quốc trưởng bị bó buộc phải từ chức hay chạy trốn: đó là tổng thống Zine El-Abidine Ben Ali của Tunisia trốn sang Arập Saudi vào tháng giêng,  tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập từ chức hồi tháng hai, đại tá Muhammar Gheddafi của Libia từ Tripoli chạy trốn về Sirte, nhưng bị phiến quân bắt và giết chết vào tháng 10 năm 2012.
Tại Bahrein đã có các vụ nổi dậy trong các năm 2011-2014, trong khi đã xảy ra các vụ biểu tình phản đối của dân chúng tại Giordania trong các năm 2011-2014, tại Algeria trong các năm 2010-2012, tại A Rập Sauđi trong các năm 2011-2014, tại Gibuti, Iraq, Libăng, Oman Tây Sahara trong năm 2011, tại Kuweit trong các năm 2011-2013, tại Mauritania trong các năm 2011-2013, tại Marốc trong hai năm 2011-2012, và cuộc nội chiến tại Yemen từ năm ngoái tới nay. Làn sóng phản đối cũng lan sang Albania và Iran trong năm 2011, là hai nước không thuộc khối các quốc gia A Rập.
Số người dân xuống đường biểu tình phản đối tại các nước A Rập lên đến 20 triệu người. Phiá các chính quyền A Rập đã huy động  2 triệu binh sĩ, 35.000 lính đánh thuê, với sự yểm trợ của 3.000 xe tăng, 5.000 đại bác và 1.000 phi cơ chiến đấu, để chống lại hàng chục ngàn phiến quân có 1.200 xe tăng, 2.400 đại bác, 1.300 máy bay chiến đấu. Chỉ tại Libia đã có 500 máy bay chiến đấu của khối NATO can thiệp. Số người thiệt mạng trong các cuộc nổi loạn đó đây trong các nước A rập vào khoảng 140.000 người.  
Hiện nay trầm trọng nhất là cuộc nội chiến tại Siria, đã kéo dài từ năm 2011 tới nay và vẫn tiếp diễn khiến cho hơn 300.000 người thiệt mạng, hàng trăm ngàn người khác bị thương, 4 triệu người tỵ nan tại các nước láng giềng, đông nhất là Thổ Nhĩ Kỳ 1,9 triệu và Libăng 1,1 triệu. Ngoài ra, có 7,6 triệu người tỵ nạn trong nội địa, và 12,2 triệu người cần được cấp thiết trợ giúp.  Bên Iraq hiện tượng Nhà nước Hồi IS đánh chiếm nhiều thành phố, kiểm soát nhiều vùng và lan sang Siria lại càng khiến cho tình hình nước này rối ren và thê thảm hơn. Chỉ từ  ngày 11 tháng giêng vừa qua các đoàn xe cứu trợ mới được phép chở phẩm vật tới một vài vùng như thành phố Madaya, nơi có 40.000 dân đang phải chết đói chết khát, vị bị quân đội chính phủ của tổng thống Bashar Al-Assad vây hãm từ tháng 7 năm ngoái tới nay. Dân chúng không còn gì ăn, phải nấu súp với cỏ và ăn thịt các thú vật nuôi trong nhà. Đã có 50 người chết vì đói, và hàng trăm trẻ em chỉ còn da bọc xuơng y như các tù nhân trong các trại tập trung của  Đức Quốc Xã hồi đệ nhị thế chiến.
Các nhân viên xã hội tại đây tố cáo chính quyền Damasco dùng  đói khát như khí giới, và cố ý gây khó dễ không cho các đoàn xe cứu trợ vào, tìm cách làm tiền, đánh cắp phẩm vật cứu trợ để bán ở chợ đen. Madaya là thành phố nằm giữa Damasco và biên giới Libăng, nơi có các phiến quân như Ahrar Al- Sham hoạt động. Cuộc sống của dân chúng trong thành phố Zabadani bị phiến quân chiếm đóng, và của hai thành phố Fouaa và Kefraya bị họ bao vây cũng vô cùng khốn khổ. Tuy nhiên chỉ có 10 trên 44 xe vận tải xe chở phẩm vật cứu trợ của tổ chức Nửa vành trăng đỏ Siria và của tổ chức Lương Thực thế giới được phép vào Madaya. Số còn lại bị chặn lại tại trạm kiểm soát của chính quyền.
Cũng trong các ngày qua các phi vụ bỏ bom của Nga cũng khiến cho một trường học bị phá huỷ tại miền bắc Siria, khiến cho 12 người chết, gồm các học sinh người lớn và cả giáo viên. Ngoài ra còn có các phi vụ bỏ bom của Hoa Kỳ và các nưóc Anh , Pháp.
Cha Firas Lutfi, người Siri thuộc dòng Phanxicô hèn mọn, bề trên một nhà của dòng tại Aleppo, nay trở thành nơi tiếp đón mọi người,  cho biết dân chúng sống trong cảnh thiếu thốn khổ sở và rất cần các nhu yếu phẩm cũng như điện nước và an ninh. Sau các vụ bỏ bom một nhà thương của dòng thánh Vinh Sơn De Paoli, đã có 50 bệnh nhân già được cha tiếp đón tại trung tâm. Trong khu phố này có an ninh nên trung tâm đã trở thành nơi sinh hoạt của mọi người. Ngoài ra, cha còn giúp dâng thánh lễ và ban bí tích cũng như làm việc bác ái trong một giáo xứ gần đó.
Theo cha, đây không phải là cuộc nội chiến của Siria, bởi vì có các binh sĩ của hơn 60 nước toàn thế giới tham gia. Mọi chiến cuộc đều vô lý, nhưng chiến tranh Siria có nhiều mầu sắc và nhiều thành phần tham dự cũng như nhiều lợi lộc, và rất tiếc cả trên bình diện quốc tế nữa, làm như thể là chính các cường quốc đang đánh nhau, không phải tại nhà họ, nhưng trên đất nước Siria. Và điều này khiến cho tình hình càng tồi tệ thêm. Ngoài ra, còn có các lợi lộc của vài nước láng giềng. Hoà bình là điều có thể có và phải làm. Nhưng cần phải xây dựng nó, như ĐTC đã khẳng định.
Điều đầu tiên theo cha là một dấn thân rõ ràng của cộng đoàn quốc tế để ngăn chặn dòng khí giới đổ vào đây. Thứ hai là cần phải ngăn chặn việc mua bán dầu hỏa, qua đó lực lượng Nhà nước hồi, là nhóm gây kinh hoàng nhất, có tiền để mua khí giới tàn sát nhân dân Siri. Và thứ ba, một khi đã ngăn chận được cỗ xe chiến tranh, các cơ cấu chính quyền phải bắt đầu tiến trình văn hoá, nghĩa là giáo dục nền văn minh hoà bình, gặp gỡ, đạp đổ các hàng rào ngăn cách đã được dựng lên trong năm năm qua.
Khía cạnh tôn giáo cũng quan trọng, vì các lực lượng thánh chiến này giết người nhân danh Thiên Chúa, cần phải có một giáo lý tái lập lại hình ảnh của Thiên Chúa đích thật, Thiên Chúa của hoà bình, Thiên  Chúa của lòng thương xót, Đấng yêu thương và là Cha của tất cả mọi người.
Trong khi Nga và Trung Quốc ủng hộ tổng thống Bashar Al-Assad, thì Hoà Kỳ và các nước đồng minh ủng hộ các lực lượng nổi loạn, và các nước A Rập thì bán khí giới cho tất cả mọi nhóm hồi tham chiến. Thế là trong “đệ tam thế chiến từng mảnh”, ở đây là Vùng Bắc Phi và Trung Đông, nhiều quốc gia A rập bỗng trở thành những con  con tốt thí đáng thương trên bàn cờ của “đệ tam thế chiến từng mảng”.
Linh Tiến Khải


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét