Tầm nguyên các vụ ly khai
trong lịch sử Kitô giáo: Giáo Hội Chính Thống
Trong các ngày từ ngày
18 tới 25 tháng giêng là tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các kitô hữu với đề
tài “Được mời gọi để loan báo cho tất cả mọi người các kỳ công của Chúa”. Nhân
dịp này kính mời quý vị cùng chúng tôi truy tầm nguồn gốc các vụ ly giáo khiến
cho Kitô giáo bị chia rẽ lớn trong dòng lịch sử của mình. Có ba vụ ly giáo trầm
trọng nhất: trước hết là vụ ly giáo giữa giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính
Thống năm 1054, rồi vụ ly giáo của Giáo Hội Tin Lành do Martin Luther khởi
xướng năm 1517, và vụ ly khai của Anh giáo do vua Henry VIII quyết định năm
1534.
Kitô giáo đã do Chúa Kitô
thành lập tại Palestina trong ba năm rong ruổi rao truyền Tin Mừng, xua trừ quỷ
dữ và chữa lành tật bệnh. Chúa Giêsu đã tuyển chọn Đoàn Mười Hai Tông Đồ và các
môn đệ để các vị cộng tác với Ngài, và truớc khi về Trời Ngài đã truyền cho các
vị “ra đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa
Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dậy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền
cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 2819-20).
Sau khi nhận được Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần, các vị bắt đầu thi
hành sứ mệnh này, như kể trong chương 2 sách Tông Đồ Công Vụ. Từ đó Kitô giáo bắt
đầu lan nhanh, không chỉ trong đất Palestina, nhưng cả trong nhiều vùng khác nữa
bên Tiểu Á, và lan sang cả Roma thủ đô của đế quốc. Năm 313 sau khi hoàng đế
Costantino ký sắc lệnh Milano hủy bỏ bắt đạo, Kitô giáo bắt đầu phát triển mạnh
và nhanh hơn. Năm 330 hoàng đế Costantino xây thành phố mang tên mình là
Costantinopoli và tuyên bố nó là thủ đô thứ hai của đế quốc với tước hiệu là
“Roma mới”. Năm 395 sau khi hoàng đế Teodosio qua đời, đế quốc Roma bị
chia thành hai miền Đông và Tây. Nhưng ngay trong các năm cuối cùng của Đế
quốc, quyền bính chính trị, văn hóa và tôn giáo bắt đầu ngày càng di chuyển
sang phiá Đông. Thế rồi khi Đế quốc bên Tây sụp đổ năm 476, Đế quốc bên Đông và
đặc biệt là Costantinopoli ngày càng chiếm địa vị quan trọng. Sự chia rẽ cũng
ngày càng gia tăng, vì bên Tây nói tiếng Latinh, trong khi bên Đông nói tiếng
Hy lạp. Tất cả các yếu tố này khiến nảy sinh ra 8 cuộc ly khai trong 8 thế kỷ
giữa Roma và Costantinopoli.
Thật ra, ngay trong các thế kỷ
đầu đã xảy ra các chia rẽ giữa các kitô hữu. Năm 451 sau Công Đồng Chung
Calcedonia đã xảy ra sự chia rẽ đầu tiên, bởi vì vài Giáo Hội Đông Phương không
chấp nhận các kết luận của Công Đồng này. Thế là nảy sinh ra các Giáo Hội Đông
Phương Cổ gồm Giáo Hội Sirô chính thống Siria, Giáo Hội Assirrô hay Caldea bên
Ba Tư, tức Iran ngày nay, Giáo Hội Sirô chính thống bên Ấn Độ, Giáo Hội Armeni
bên Armenia, Giáo Hội Copte bên Ai Cập và Giáo Hội Etiopi bên Etiopia.
Năm 691-692 Giáo Hội Bisantin
cử hành Công Đồng Trullano đưa ra 102 khoản luật và thực hiện một cuộc cải
cách, nhưng không được Giáo Hội Tây Phương chấp nhận. Lễ Giáng Sinh năm 800 khi
hoàng đế Carlomagno, vua người Franc bên Pháp từ năm 768 và vua người
Longobardi bên Italia từ năm 774, được Đức Giáo Hoàng Leo III đội
triều thiên đăng quang hoàng đế của Đế Quốc Thánh Roma trong đền thờ thánh
Phêrô, thì Đông Phương mất dần quyền tối thượng bênh vực Kitô giáo của mình, và
nhường chỗ cho Tây Phương. Vào khoảng năm 1.000 các hiểu lầm ngày càng trở nên
sâu đậm, đến độ ĐGH Leo X đã phải gửi một phái đoàn sang Costantinopoli để tái
lập các liên lạc giữa Giáo Hội Roma và Giáo Hội Đông Phương. Phái đoàn Roma do
ĐHY Umberto da Silva Candida hướng dẫn. Nhưng trong thực tế cuộc gặp gỡ giữa
các sứ bộ của Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng Phụ Costantinopoli Michele
Cerulario, đã có các hiệu quả trái nghịch dẫn đưa tới thất bại.
Ngày 16 tháng 7 năm 1054 hai
phái đoàn Roma và Costanttinopoli ra vạ tuyệt thông cho nhau. Thế là xảy ra cuộc
chia rẽ lớn nhất trong lịch sử của Kitô giáo. Kể từ đó Kitô giáo chia thành hai
nhánh: Giáo Hội Công Giáo, tức đại đồng, bên Tây Phương và Giáo Hội Chính Thống,
tức trung thành với giáo lý đích thật, bên Đông Phương.
Có hai lý do chính dẫn tới sự
chia rẽ này: thứ nhất là vấn đề “Quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng” và thứ
hai là từ “Filioque” thêm vào Kinh Tin Kính Niceno-Costantinopoli. Trong hai
Công Đồng Chung Nicea năm 325 và Costantinopoli năm 381 Giáo Hội đã đưa công thức
Kinh Tin Kinh. Công Đồng Chung thứ ba nhóm tại Êphêxô đã thiết định rằng Kinh
Tin Kính không thể được thay đổi nữa. Tại Toledo bên Tây Ban Nha, tức bên Tây
Phương, vào năm 587 các kitô hữu đã thêm vào từ “Filioque” để ám chỉ rằng Chúa
Thánh Thần bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, và được phụng thờ và tôn
vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Mục đích của việc thêm vào này là để
chống lại lạc thuyết của Ario là đan sĩ, Giám Mục và thần học gia, sống giữa
các năm 256-336, cho rằng bản tính thiên chúa của Chúa Con thấp hơn bản tính
thiên Chúa của Thiên Chúa Cha, và vì thế đã có một thời trong đó Ngôi Lời của
Thiên Chúa đã không hiện hữu, và vì vậy đã được tạo dựng sau đó. Chỉ vào năm
1014 từ này mới được dùng trong Kinh Tin Kính và chỉ vào năm 1274 trong Công Đồng
Lyon nó mới được chính thức đưa vào trong Kinh Tin Kính.
Liên quan tới “quyền tối thượng
của Đức Giáo Hoàng, người kế vị Thánh Phêrô, các văn bản phúc âm cho thấy rõ
ràng tông đồ Phêrô đã có một vai trò hàng đầu so với mười một tông đồ
khác. Sau khi Chúa Giêsu về Trời các tông đồ đã hướng tới Phêrô để có một hướng
dẫn trong vài thời điểm quan trọng.
Trước khi qua đời các tông đồ
đã chọn các người kế vị là các Giám Mục. Trong tất cả các Giám Mục, người kế vị
tông đồ Phêrô đã tiếp tục có quyền bính cao hơn và được gọi là Giáo Hoàng để
phân biệt với các Giám Mục khác. Như thế Giáo Hoàng là thủ lãnh của Giáo Hội,
vì là người kế vị tông đồ Phêrô. Đối với các kitô hữu đông phương trong thời
gian trước khi xảy ra vụ ly khai lớn, Đức Giáo Hoàng đã không được coi là đầu của
toàn thể Giáo Hội, kể cả Giáo Hội Đông Phương. Đối với họ, nếu phải có một vị
lãnh đạo, thì vị đó phải là Đức Thượng Phụ của thành phố quan trọng nhất, nơi
hoàng đế sinh sống, tức là Đức Thượng Phụ Costantinopoli. Vì thế họ cho việc Đức
Giáo Hoàng đòi có quyền trên 4 toà Thượng Phụ khác là không đúng. Tưởng cũng
nên ghi nhận rằng vào thời hai Giáo Hội Đông Tây ra vạ tuyệt thông cho nhau,
ĐGH Leo III đã qua đời, quyền bính của ĐHY Umberto, đặc sứ của ĐGH cũng suy giảm,
và vì thế đã không thể ra vạ tuyệt thông cho Đức Thượng Phụ Cerulario. Hơn nữa
đã không có Công Đồng Chung nào đã ra vạ tuyệt thông cho Giáo Hội kia. Nhiều
Giáo Hội Đông Phương khẳng định rằng họ vẫn hiệp thông với Giáo Hội Tây Phương,
mặc dù các Giáo Hội này không là thành phần của Giáo Hội Chính Thống. Các biến
cố tiếp theo như các các cuộc thập tự chinh lại càng làm cho Đông và Tây
xa nhau hơn nữa. Đặc biệt cuộc thập tự chinh năm 1204 đã gia tăng sự chia rẽ
này giữa hai bên, vì các binh sĩ thập tự quân công giáo đã đánh chiếm thành
Costantinopoli, cướp bóc và tàn sát các kitô hữu chính thống. Sau cùng biến cố
Costantinopoli rơi vào tay quân hồi Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ năm 1453 đã không cho
phép các cuộc tiếp cận giữa Roma và Costantinopoli, nghĩa là giữa các tín hữu
công giáo và các tín hữu chính thống. Vì thế bắt đầu từ thế kỷ XV hai Giáo Hội
ngày càng xa rời nhau hơn.
Thế rồi từ năm 1917 trở đi,
và nói chung từ năm 1944, chế độ cộng sản Liên Xô đã khiến cho các Giáo Hội
chính thống của Nga và của vùng Tây Âu châu phải sống dưới sự kìm kẹp và bị điều
kiện hóa trầm trọng. Sự kiện này xem ra đã khiến cho người ra nghĩ rằng đông
phương đã trở thành vô thần, và đã khiến cho Giáo Hội Công Giáo coi đông phương
là đất truyền giáo, đến độ năm 1992 các Thượng Phụ nhóm họp tại Costantinopoli
đã phản đối chống lại các hoạt động truyền giáo, cho rằng Giáo Hội Công Giáo
tìm chiêu dụ tín đồ gây thiệt hại cho lộ trình hoà giải các kitô hữu đông
phương và các kitô hữu tây phương.
Sự kiện đó là cho tới nay
Giáo Hội Tây Phương và Giáo Hội Đông Phương vẫn còn chia rẽ và mỗi Giáo Hội tự
định nghĩa là “Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”.
Điều này gợi ý rằng với cuộc Ly giáo chính phía bên kia đã bỏ Giáo Hội đích thật.
Do đó các tín hữu công giáo gọi cuộc Ly giáo là “Cuộc ly giáo lớn của Đông
Phương”, trong khi các tín hữu chính thống thì nói đó là “Cuộc Ly giáo của người
Latinh”.
Sau đây là các nét chính yếu
diễn tả bản chất của Giáo Hội Công Giáo: Các điểm quy chiếu của Giáo Hội là
Thánh Kinh, Truyền Thống, trung thành với các lễ nghi, việc tôn kính Đức Maria
và các Thánh, và Huấn quyền của Đức Giáo Hoàng diễn tả quyền tối thượng của
thánh Phêrô, quyền giáo huấn của các Giám Mục và các linh mục. Giáo Hội có các
cộng đoàn tu sĩ, các đan sĩ và giáo dân nam nữ. Hàng giáo sĩ và tu sĩ sống độc
thân. Có Bẩy bí tích: Rửa Tội, Thánh Thể, Thêm Sức, Giải Tội hay Hoà Giải, Truyền
chức thánh, Hôn Phối và Xức dầu bệnh nhân. Tín hữu công giáo tin và sùng kính Đức
Maria như là Mẹ Thiên Chúa. Lễ nghi phụng vụ là Thánh Lễ ngày thường và lễ trọng.
Tham dự lễ trọng là điều luật, quy chiếu Mười Điều Răn dậy thánh hóa các ngày lễ.
Trong Thánh lễ việc thánh hóa hay truyền Phép bánh và rượu được cử hành trước
tín hữu, và bánh thánh là bánh không men. Phụng vụ được tất cả mọi tín hữu tham
dự tích cực. Các nhà thờ có nhiều ảnh tuợng và hình vẽ diễn tả các chuyện Thánh
Kinh, Đức Mẹ và các Thánh.
Và sau đây là các đặc thái của
Giáo Hội Chính Thống. Các điểm quy chiếu của Giáo Hội là Thánh Kinh, Truyền Thống,
trung thành với các lễ nghi, việc tôn kính Đức Maria và các Thánh. Thánh công đồng
quy tụ các Thượng phụ và các Giám Mục. Các linh mục có quyền lập gia đình,
nhưng không được làm Giám Mục. Các linh mục nào muốn làm Giám Mục phải sống độc
thân. Các cộng đoàn đan sĩ rất đông đảo và quan trọng, các vị không được lập
gia đình. Giáo Hội Chính Thống cũng có 7 bí tích như Giáo Hội Công Giáo. Tín hữu
cũng tin và sùng kính Đức Maria như Mẹ Thiên Chúa. Thánh lễ chỉ được cử hành
ngày Chúa Nhật và không có luật buộc tham dự. Lễ nghi thánh thể rất dài và phức
tạp. Trong thánh lễ việc truyền phép được thực thi sau một bức màn, giống như
các tư tế do thái khi họ cầu nguyện trước Hòm Bia Giao Ước. Bánh dùng là bánh
có men thường. Các nhà thờ chính thống có các ảnh Icone vẽ trên gỗ.
Như thế đâu là những
khác biệt chính giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống?.
Liên quan tới quyền tối thượng
của Đức Giáo Hoàng, Giáo Hội Công Giáo dựa trên việc kế vị thánh Phêrô và tin
vào quyền này của người kế vị thánh nhân. Giáo Hội Chính thông không chấp nhận
sự kiện này. Mỗi Giáo Hội Chính Thống tự quản trị mình. Liên quan tới quyền
không thể sai lầm của Đức Giáo Hoàng Giáo Hội Công Giáo chấp nhận khi ĐGH tuyên
bố các tín điều. Giáo Hội Chính thống không chấp nhận quyền này. Liên quan tới
từ “Filioque” Giáo Hội Công Giáo đã thêm vào Kinh Tin Kính trong Công Đồng
Toledo năm 587. Trong Kinh Tin Kính cùa Giáo Hội Chính Thống không có từ
“Filioque”. Ngôn ngữ sử dụng trong phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo là tiếng
Latinh hay các tiếng bản xứ. Giáo Hội Chính Thống dùng tiếng Hy Lạp trong phụng
vụ. Trong Giáo Hội Công Giáo hàng giáo sĩ bắt buộc phải sống độc thân. Trong
Giáo Hội Chính Thống các linh mục được quyền lập gia đình, ngoại trừ các Giám Mục
và các đan sĩ phải sống độc thân. Giáo Hội Công Giáo không chập nhận ly dị.
Giáo Hội Chính Thống chấp nhận ly dị. Các linh mục công giáo có thể để râu, các
linh mục chính thống thường để râu dài. Trong các nhà thờ công giáo có các tượng
ảnh thánh và hình vẽ, trong các nhà thờ chính thống chỉ có các icone, tức các
hình vẽ trên gỗ là các cửa sổ mở lên trời. Giáo Hội Công Giáo có tín điều
Đức Maria vô nhiễm nguyên tội và Đức Mẹ hồn xác lên Trời, Giáo Hội Chính Thống
không chấp nhận hai tín diều này. Giáo Hội Công Giáo thừa nhận có Luyện ngục,
Giáo Hội Chính Thống không thừa nhận Luyện ngục. Giáo Hội Công Giáo có tất cả
21 Công Đồng. Giáo Hội Chính Thống chỉ có 7 Công Đồng đầu tiên. Giáo Hội Công
Giáo cử hành Thánh Thể với bánh không men, Giáo Hội Chính Thống cử hành Thánh
Thể với bánh mì, tức bánh có men.
Tưởng cũng nên ghi nhận rằng
ngay từ trước vụ ly khai năm 1054 các Giáo Hội Đông Phương đã không thừa nhận
quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng, người kế vị thánh Phêrô, từ “Filioque”
trong Kinh Tin Kính, Luyện ngục trong giáo lý và bánh không men trong việc cử
hành Thánh Lễ.
Mỗi giáo hội chính thống tự
quản gồm Công Nghị các Giám Mục do một thượng phụ lãnh đạo của một Giáo Hội
quan trọng chủ sự. Các Giáo Hội Chính Thống chính gồm Giáo Hội Chính Thống
Costantinopoli với Đức Thượng Phụ là thủ lãnh danh dự của Chính Thống giáo toàn
thế giới, Giáo Hội Chính Thống Alesandira, Hy lạp, Rumania, Serbia, Nga
và Bulgaria.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét