Thiên Chúa chúc lành cho hôn nhân và muốn là Phu Quân
của từng người
Thiên Chúa chúc lành cho hôn
nhân, và muốn là Phu Quân của từng người
Phép lạ hoá nước thành rượu tại
tiệc cuới làng Cana là một dấu chỉ Thiên Chúa chúc lành cho hôn nhân. Tình yêu
giữa một người nam và một người nữ là một con đường tốt giúp sống Tin Mừng,
nghĩa là bước đi trên lộ trình của sự thánh thiện. Nhưng mỗi một người đều được
mời gọi gặp gỡ Chúa như Phu Quân của cuộc đời mình.
Kính thưa quý vị thính giả,
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 50.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự
buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô.
Mở đầu bài huấn dụ ĐTC đã đề
cập đến trình thuật phép lạ biến nước thành rượu ngon trong tiệc cuới làng
Cana, nơi Mẹ Maria, Chúa Giêsu và các môn đệ đầu tiên được mời tham dự. Khi
nghe Mẹ Maria cho biết họ thiếu rượu, Chúa Giêsu trả lời là giờ con chưa đến,
nhưng rồi ngài đã làm phép lạ. Thánh sử Gioan ghi: “Đây là khởi đầu các dấu lạ
Chúa Giêsu làm. Ngài biểu lộ vinh quang Ngài, và các môn đệ tin nơi Ngài” (Ga
2,11). ĐTC định nghĩa các phép lạ như sau:
Như thế các phép lạ là các dấu
chỉ kèm theo lời rao giảng Tin Mừng, và chúng có mục đích khơi dậy và củng cố
niềm tin nơi Chúa Giêsu. Trong phép lạ thành toàn tại Cana, chúng ta có thể nhận
ra một cử chỉ lòng nhân hậu của Chúa Giêsu đối với đôi vợ chồng, một dấu
chỉ phước lành của Thiên Chúa đối với hôn nhân. Như thế, tình yêu giữa một người
nam và một người nữ là một con đường tốt giúp sống Tin Mừng, nghĩa là để tươi
vui bước đi trên lộ trình của sự thánh thiện.
Nhưng phép lạ Cana không chỉ
liên quan tới đôi vợ chồng. Mỗi người đều được mời gọi gặp gỡ Chúa như Phu Quân
của cuộc đời mình. Đức tin kitô là một ơn chúng ta nhận được với bí tích Rửa Tội,
và nó cho phép chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Đức tin trải qua các thời gian tươi
vui, đau khổ, ánh sáng và bóng tối, như trong mọi kinh nghiệm của tình yêu.
Trình thuật đám cưới Cana mời gọi chúng ta tái khám phá ra rằng Chúa Giêsu
không tự giới thiệu như là một thẩm phán sẵn sàng lên án các tội lỗi của chúng
ta, cũng không như là một vị chỉ huy bắt buộc chúng ta theo lệnh của mình một
cách mù quáng. Ngài tự biểu lộ như Phu Quân của nhân loại: như là Đấng đáp trả
các chờ mong và các lời hứa của niềm vui ở trong con tim của từng người trong
chúng ta.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:
Như vậy chúng ta có thể tự hỏi: tôi có thật sự biết Chúa như thế không? Tôi có
cảm thấy Ngài như là Phu Quân cuộc đời tôi không? Tôi có đang đáp trả lại trên
cùng làn sóng của tình yêu hôn nhân, mà Ngài biểu lộ cho tôi và cho mỗi người mọi
ngày hay không? Đây là việc ý thức rằng Chúa Giêsu tìm chúng ta và mời gọi
chúng ta dành chỗ cho Ngài trong cùng thẳm con tim của chúng ta. Và trên con đường
đức tin này với Ngài chúng ta không bị bỏ rơi một mình: chúng ta đã nhận được
ơn Máu Chúa Kitô. ĐTC giải thích ý nghĩa các chum nước như sau:
Các chum nước bằng đá, mà
Chúa Giêsu khiến đổ đầy nước để biến thành rượu, là dấu chỉ việc bước từ giao ước
cũ sang giao ước mới. Thay vì nước dùng cho việc thanh tẩy theo lễ nghi, chúng
ta đã nhận được Máu Chúa Giêsu, đã đổ ra một cách bí tích trong Thánh Thể, và một
cách đổ máu của cuộc Khổ Nạn và trên Thập Gía. Các Bí Tích tuôn trào từ Mầu Nhiệm
Phục Sinh đổ vào trong chúng ta sức mạnh siêu nhiên, và cho phép chúng ta nếm
hưởng lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.
Xin Đức Trinh Nữ, mẫu gương của
việc suy gẫm các lời nói và các việc làm của Chúa, giúp chúng ta tái khám phá
ra với đức tin vẻ đẹp và sự phong phú của Thánh Thể và các Bí Tích khác làm cho
tình yêu của Thiên Chúa hiện diện cho chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ luôn luôn
ngày càng say mê Chúa Giêsu hơn, Phu Quân của chúng ta, và đi gặp Ngài với đèn
sáng của đức tin tươi vui, và như vậy trở thành các chứng nhân của Ngài trong
thế giới.
Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền
Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.
Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã nhắc
tới Ngày Quốc Tế của người Di Cư và Tỵ Nạn, trong bối cảnh Năm Thánh Lòng
Thương Xót, được cử hành như Năm Thánh của người di cư. Ngài nói: Tôi vui sướng
thân ái chào các cộng đoàn chủng tộc hiện diện tại đây đến từ Italia, đặc biệt
là vùng Lazio. Anh chị em di cư và tỵ nạn thân mến, mỗi người trong anh
chị em đều mang trong mình một lịch sử, một nền văn hoá, các giá trị quý báu.
Nhưng rất tiếc thường khi cũng là các kinh nghiệm của bần cùng, áp bức và sợ
hãi. Chúng ta đừng để đánh cắp đi niềm hy vọng này và niềm vui sống vọt lên từ
kinh nghiệm của lòng thương xót Chúa, kể cả nhờ những người đã tiếp đón và trợ
giúp anh chị em. Ước chi việc bước qua Cửa Thánh và Thánh Lễ, mà anh chị em sẽ
sống trong chốc lát nữa đây, làm cho con tim của anh chị em tràn đầy niềm vui.
Tôi xin cám ơn các tù nhân nhà tù Opera đã dâng cúng bánh lễ chính họ đã
làm cho buổi cử hành này. ĐTC đã mời mọi người vỗ tay hoan hô các tù nhân.
Tiếp đến ngài chào nhiều nhóm
khác nhau như hiệp hội Napredak Sarajevo, các sinh viên vùng Badajoz và Palma
de Mallorca bên Tây Ban Nha cũng như các bạn trẻ Osteria Grande tỉnh Bologna
Trung bắc Italia. Sau cùng Ngài xin mọi người cùng đọc một Kinh Kính Mừng cầu
nguyện cho các nạn nhân của các vụ khủng bố xảy ra trong các này vừa qua bên
Indonesia và Burkina Faso. Xin Chúa tiếp nhận họ vào Nhà Ngài và nâng đỡ dấn
thân của cộng đoàn quốc tế trong việc xây dựng hoà bình.
Vào lúc bốn giờ chiều ĐTC đã
đến thăm hội đường Do thái tại Roma. Đây là lần thứ ba một vị Giáo Hoàng đến
thăm hội đường này, sau Đức Gioan Phaolo II và Đức Biển Đức XVI. Ngỏ lời
với cộng đoàn Do thái, ĐTC đã khẳng định rằng các tín hữu Do tháí là các anh chị
lớn của các kitô hữu trong đức tin của những người thuộc cùng một gia đình của
Thiên Chúa. Như là tín hữu do thái và công giáo chúng ta được mời gọi lãnh các
trách nhiệm đối với thành phố Roma, bằng phần đóng góp tinh thần và tạo thuận
tiện cho việc giải quyết các vấn đề khác nhau hiện nay. ĐTC cầu mong sự gần
gũi, hiểu biết và quý mến nhau ngày càng gia tăng giữa hai cộng đoàn lòng tin.
Chính vì thế mà ngài đến thăm cộng đoàn do thái đúng ngày 17 tháng giêng, là
ngày HĐGM Italia cử hành “Ngày đối thoại giữa các tín hữu công giáo và do
thái”. Ngài cũng lập lại điều đã nói ngày 28 tháng 10 năm vừa qua nhân kỷ niệm
50 năm Tuyên ngôn Nostra aetate về đối thoại giữa Công Giáo và Do Thái giáo và
biết ơn Thiên Chúa đã khiến cho tương quan giữa hai bên thay đổi trong 50
năm qua. “Sự thờ ơ và chống đối biến thành cộng tác và nhân hậu. Từ thù địch và
xa lạ trở thành bạn hữu và anh em. Với Tuyên ngôn Nostra aetate Công Đồng đã vạch
ra con đường: “có” với việc tái khám phá ra gốc rễ do thái của Kitô giáo;
“không” với mọi hình thức bài Do thái và lên án mọi xỉ vả, kỳ thị và bách hại bắt
nguồn từ đó”. Tài liệu đã định nghĩa trên bình diện thần học lần đầu tiên một
cách rõ ràng các tương quan của Giáo Hội Công Giáo với Do Thái Giáo. Ngày mùng
10 tháng 12 năm 2015 Ủy ban đối thoại với Do thái giáo cũng đã công bố một tài
liệu mới, liên quan tới các vấn đề thần học nảy sinh trong các thập niên qua. Để
hiểu biết chính mình các kitô hữu không thể không quy chiếu gốc rễ do thái, và
tuy tuyên xưng ơn cứu độ qua niềm tin vào Chúa Kitô, Giáo Hội thừa nhận tính
cách không thể thu hồi của Giáo Ước Cũ và tình yêu liên lỉ và trung thành của
Thiên Chúa đối với dân Israel.
Cùng với các vấn đề thần học
các tín hữu do thái và kitô không thể quên các thách đố mà thế giới đang phải
đương đầu như cống hiến cho nhân loại sứ điệp kinh thánh về việc săn sóc thụ tạo
cho một môi sinh toàn vẹn; dấn thân và củng cố hoà bình và công lý trước các
xung khắc, chiến tranh, bạo lực và bất công xâu xé nhân loại. Bạo lực của con
người trên con người trái nghịch với mọi tôn giáo, đặc biệt đối với ba tôn giáo
nhất thần. Sự sống là thánh thiêng, Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống
và Ngài luôn luôn muốn thăng tiến và bảo vệ nó. Mọi bản vị con người như thụ tạo
của Thiên Chúa, là anh em của chúng ta, một cách độc lập với nguồn gốc hay tôn
giáo của họ. Mọi người đều được nhìn với lòng nhân hậu như Thiên Chúa là Đấng
giang bàn tray thương xót cho tất cả mọi người và săn sóc mọi người cần đến
Ngài nhất: những người đau yếu, bị gạt bỏ ngoài lề, không được bênh đỡ. Nơi đâu
sự sống gặp nguy hiểm, chúng ta lại càng được mời gọi che chở nó…
Trong lịch sử của mình dân Do
thái đã phải sống kinh nghiệm bạo lực và bách hại cho tới vụ diệt chủng người
do thái âu châu. Chỉ vì là dân Do thái sáu triệu người đã là nạn nhân của sự dã
man vô nhân được thi hành nhân danh một ý thức hệ muốn thay thế Thiên Chúa bằng
con người. Ngày 16 tháng 10 năm 1943 hơn một ngàn người đàn ông phụ nữ và trẻ
em của cộng đoàn do thái Roma đã bị đầy sang trại tập trung Auschwwitz. Hôm nay
tôi muốn đặc biệt tưởng niệm họ. Không bao giờ được quên các khổ đau, các âu lo
và nước mắt của họ. Và quá khứ phải là bài học cho hiện tại và tương lai. Cuộc
diệt chủng Do thái Shoah dậy chúng ta phải rất tỉnh thức để tức tốc can thiệp bảo
vệ nhân phẩm và hoà bình.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét