Trang

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận, giầu tình yêu và thành tín

Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận, giầu tinh yêu và thành tín

Thánh Kinh giới thiệu Thiên Chúa như Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, chậm giận, giầu tình yêu và thành tín, luôn luôn sẵn sàng tiếp đón, thông cảm và thứ tha.
Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với  gần 7.000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến chúng tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư hôm qua. Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói:
Hôm nay chúng ta bắt đầu các bài giáo lý liên quan tới lòng thương xót theo viễn tượng kinh thánh, để học biết lòng thương xót, bằng cách lắng nghe điều chính Thiên Chúa dậy dỗ chúng ta với Lời Ngài. Chúng ta bắt đầu với Thánh Kinh Cựu Ước, chuẩn bị cho chúng ta và dẫn chúng ta tới mạc khải tràn đầy của Chúa Giêsu Kitô, nơi Người  lòng thương xót của Thiên Chúa Cha được vén mở một cách thành toàn.
Trong Thánh Kinh Chúa được giới thiệu như là “Thiên Chúa xót thương”. Đó là tên của Ngài, qua đó Ngài vén mở cho chúng ta  gương mặt và con tim của Ngài. Khi tự vén mở cho ông Môshê như kể trong sách Xuất Hành, chính Ngài tự định nghĩa như thế này: “Chúa, Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận, giầu tình yêu và thành tín” (Xh 34,6). Cả trong các văn bản khác chúng ta cũng tìm thấy công thức này, với vài thay đổi, nhưng luôn luôn nhấn mạnh trên lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa, là Đấng không mệt mỏi tha thứ (x. St 4,2; Ge 2,13; Tv 86,15; 103,8; 145,8; Nkm 9,17). Chúng ta hãy cùng nhau duyệt xét một lần các từ này của Thánh Kinh nói với chúng ta về Thiên Chúa.
Chúa “thương xót”: lời này khơi dậy một thái độ của sự hiền dịu như thái độ của một bà mẹ đối với con minh. Thật thế, từ do thái được Thánh Kinh dùng khiến nghĩ tới ruột hay cung lòng mẹ. Vì thế hình ảnh gợi lên là hình ảnh của một Thiên Chúa xúc động và hiền dịu với chúng ta như một bà mẹ, khi ôm lấy đức con nhỏ vào vòng tay, chỉ ước mong yêu thương, che chở, giúp đỡ và sẵn sàng trao ban tất cả, cả chính mình. Đó là hình ảnh mà từ này gợi lên. Như thế đó là một tình yêu có thể định nghĩa trong nghĩa tốt lành là “nội tạng”.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Thế rồi cũng có viết rằng Chúa “trắc ẩn” trong nghĩa ân xá, cảm thương, và trong sự cao cả của Ngài Ngài cúi xuống trên kẻ yếu đuối và nghèo túng, luôn luôn sẵn sàng tiếp đón, cảm thông và tha thứ. Ngài như người cha của dụ ngôn thánh Luca kể trong Phúc Âm (x. Lc 15,11-32): một người cha không khép kín trong giận dữ vì đứa con út bỏ đi, nhưng trái lại tiếp tục chờ đợi nó – ông đã sinh ra nó - rồi ông chạy ra gặp nó và ôm hôn nó, không để cho nó kết thúc sự xưng thú của nó – làm như thể ông bịt miệng nó lại - tình yêu và niềm vui của ông to biết chừng nào vì đã tìm lại được con. Và rồi ông cũng đi gọi người anh cả giận dữ và không muốn vào mừng lễ; anh là đứa con luôn luôn ở trong nhà nhưng sống như là một đầy tớ hơn là một người con, thế mà người cha cũng cúi xuống trên anh, mời anh vào nhà, tìm mở rộng trái tim anh cho tình yêu, để không có ai bị loại trừ khỏi lễ mừng của lòng thương xót. Lòng thương xót là một lễ mừng.
Về Thiên Chúa thương xót này người ta cũng nói rằng Ngài “chậm giận” dịch sát chữ là “có hơi thở dài”, có nghĩa là với hơi thở rộng rãi của lòng quảng đại và có khả năng chịu đựng. Thiên Chúa biết chờ đợi, các thời gian của Ngài  không phải là các thời gian của sự không kiên nhẫn của con người. Ngài như người nông phu khôn ngoan biết chờ đợi, để cho hạt giống có thời gian lớn lên, cho dù có cỏ lùng (x. Mt 13,24-30).
ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:
Và sau cùng Chúa tự tuyên bố là “cao cả trong tình yêu và lòng thành tín”. Định nghĩa này về Thiên Chúa đẹp biết bao! Ở đây có tất cả. Bởi vì Thiên Chúa cao cả và quyền năng, nhưng sự cao cả và quyền năng này được trải dài ra trong việc yêu thương chúng ta, là những người bé nhỏ, bất lực. Từ “tình yêu “ được dùng ở đây ám chỉ lòng trìu mến, ân phước, lòng tốt. Nó không phải là tình yêu của tiểu thuyết truyền hình… Chính tình yêu đi bước trước, không tuỳ thuộc nơi các công nghiệp của con người, nhưng tùy thuộc sự nhưng không vô biên. Đó là sự ân cần của Thiên Chúa, mà không gì có thể ngăn chặn được, kể cả tội lỗi, bởi vì nó biết vượt qua tội lỗi, chiến thắng sự dữ và tha thứ sự dữ.
Một “lòng thành tín” vô hạn: đó là từ cuối cùng trong mạc khải của Thiên Chúa cho ông Môshê. Lòng trung thành của Thiên Chúa không bao giờ suy giảm, bởi vì Chúa là Đấng Giữ Gìn, Đấng không ngủ, nhưng liên tục canh thức trên chúng ta để đưa chúng ta tới sự sống như nói trong thánh vịnh: “Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước, xin Người chớ ngủ quên. Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!
Giavê giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. Giavê giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.” (Tv 121,3-4.7-8).
Và vì Thiên Chúa thương xót này trung thành trong lòng từ bi của Ngài, và thánh Phaolo nói lên một điều hay đẹp: nếu bạn không trung thánh với Ngài, Ngài sẽ vẫn trung thành, bởi vì Ngài không thể tự chối bỏ chính mình. Lòng trung thành trong sự thương xót chính là bản chất của Thiên Chúa. Vì thế Thiên Chúa luôn luôn và hoàn toàn đáng tin cậy. Một sự hiện diện vững vàng và ổn định. Đó là sự chắc chắn của đức tin chúng ta. Và như vậy trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, chúng ta hãy hoàn toàn phó thác mình cho Ngài, và hãy sống kinh nghiệm được yêu bởi vì “Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và cao cả trong tình yêu và lòng trung thành này”.
ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau và chúc mừng năm mới 2016 mọi người lần nữa. Với các tín hữu Pháp ngài nói hôm nay phụng vụ nhớ thánh Hilario, Giám Mục thành Poitiers, và thánh Rémi, Giám Mục thành Reims. Tôi đặc biệt mang vào lời cầu nguyện của tôi nước Pháp, dân chúng và các vị lãnh đạo. Tôi cầu chúc mỗi người được ơn tiếp nhận lòng thương xót Chúa và mang nó đến cho các anh chị em khác. Chào các nhóm nói tiếng Anh, cũng như các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nhà ĐTC cầu chúc Năm Thánh Lòng Thương Xót là thời gian ân sủng và canh tân tinh thần, giúp mọi người cảm nhận được tình yêu thương của Thiên Chúa từ bi nhân hậu và thương xót, cũng như nếm hưởng trước hơi ấm và ánh quang gương mặt của Thiên Chúa từ bi sẽ được chiêm ngưỡng trong cuộc sống mai sau. Chào các tín hữu đến từ Giordania, Thánh Địa và vùng Trung Đông, ĐTC nói Thiên Chúa từ bi mời gọi chúng ta biết thương xót nhau như con cái đích thật của Chúa.
Ngài cũng chào nhiều đoàn hành hương Italia do các Giám Mục hướng dẫn. Ngài cầu chúc việc bước qua Cửa Thánh cũng khích lệ họ có các hành động thương xót trên thể lý cũng như tinh thần đối với tha nhân.
Ngài mời gọi giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn trong Năm Thánh này hãy là những người tiếp nhận và chia sẻ sự dịu hiền của Thiên Chúa Cha. Ngài khuyến khích người trẻ đem tình yêu Chúa đến cho các bạn đồng trang lứa; người đau yếu tìm được nâng đỡ trong sự vuốt ve của Chúa, và các cặp mới cưới biết là các chứng nhân cho vẻ đẹp của hôn nhân, qua tình yêu chung thủy của họ.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người
Linh Tiến Khải


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét