Tương thuật
thánh lễ và Kinh Truyên Tin của ĐTC ngày lễ HIển Linh
Lúc 10 giờ
sáng hôm qua mùng 6 tháng giêng lễ Hiển Linh hay lễ Chúa tỏ mình cũng thường
được gọi Là lễ Ba Vua, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trong đền thờ thánh
Phêrô và lúc 12 giờ trưa ngài đọc kinh Truyền Tin với tín hữu và du khách hành
hương.
Cùng đồng tế
thánh lễ với ĐTC có mấy chục Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và hơn 100 linh mục.
Tham dự thánh lễ ngoài ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh còn có nhiều tu sĩ nam nữ
và 8.000 giáo dân.
Bài đọc một
bằng tiếng Anh trích chương 60 sách ngôn sứ Isaia kêu gọi Giêrusalem bừng sáng
lên vì vinh quang của Thiên Chúa như bình minh xuất hiện và chiếu toả trên nó.
Chư dân và vua chúa sẽ đi về ánh sáng của nó, mọi nguồn giầu sang và của cải
muôn dân nước sẽ tràn đến nó… Thánh vịnh 71 được hát bằng tiếng Ý: Mọi dân tộc
trên trái đất sẽ tôn thờ Chúa. Bài đọc hai bằng tiếng Tây Ban Nha trích thư
thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêxô, trong đó thánh nhân đề cập đến kế hoạch Thiên
Chúa đã uỷ thác cho thánh nhân và mầu nhiệm Đức Kitô mà Thiên Chúa đã mạc khải
cho thánh nhân cũng như cho các Tông Đồ và ngôn sứ: đó là trong Đức Kitô và nhờ
Tin Mừng các dân ngoại cũng cùng được thừa kế gia nghiệp với người Do thái,
cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa. Phúc Âm được
hát bằng tiếng Latinh kể lại biến cố ba nhà Đạo Sĩ theo ánh sao tìm đến Bếtlêhem
thờ lậy Chúa Hài Nhi. Tiếp đến Phó tế loan báo ngày lễ Phục Sinh và nói: “Anh
chị em rất thân mến, xin hãy biết cho rằng như chúng ta đã vui mừng vì Chúa
Giêsu Kitô sinh ra, thì nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng tôi cũng loan
báo cho anh chị em niềm vui sự sống lại của Chúa Cứu Thế chúng ta. Ngày
mùng 10 tháng 2 sẽ là lễ Tro, bắt đầu việc chay tịnh của mùa Chay thánh. Ngày
27 tháng 3 anh chị em sẽ tươi vui cử hành lễ Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô Chúa
chúng ta. Ngày mùng 5 tháng 5 lễ Chúa lên Trời. Ngày 15 tháng 5 lễ Chúa Thánh
Thần hiện xuống. Ngày 26 tháng 5 lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Ngày 27 tháng 11
sẽ là Chúa Nhật thứ I mùa Vọng của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Xin dâng Ngài
danh dự và vinh quang đến muôn đời Amen.”
Các Đạo
Sĩ đại diện con người thuộc mọi phần trên trái đất được tiếp nhận vào nhà của
Thiên Chúa. Trước Chúa Giêsu không còn có chia rẽ chủng tộc, ngôn ngữ và văn
hóa nào nữa
Giảng trong
thánh lễ ĐTC nói:
Các lời của
ngôn sứ Isaia – hướng tới thành thánh Giêrusalem – mời gọi chúng ta đi ra, ra
khỏi các đóng kín của mình, ra khỏi chính mình và nhận biết ánh sáng rạng ngời
chiếu soi cuộc sống chúng ta. “Hãy đứng lên, hãy mặc lấy ánh sáng, vì ánh sáng
ngươi tới, vinh quang Chúa chiếu sáng trên ngươi” (Is 60,1). Ánh sáng của ngươi
là vinh quang của Chúa. Giáo Hội không thể ảo tưởng chiếu sáng với ánh sáng của
riêng mình. Thánh Ambrogio nhắc nhớ điều đó với một kiểu diễn tả đẹp bằng cách
dùng mặt trăng như phép ẩn dụ để nói về Giáo Hội: “Giáo Hội thật như là mặt
trăng rạng ngời không phải với ánh sáng riêng của mình, nhưng với ánh sáng của
Chúa Kitô. Từ Mặt Trời của sự công chính Giáo Hội kéo ra sự rạng ngời của mình,
và như vậy có thể nói rằng: “Không còn phải là tôi sống nữa, nhưng là Chúa Kitô
sống trong tôi” (Exameron, IV,8,32). Chúa Kitô là ánh sáng thật chiếu sáng; và
Giáo Hội thành công trong việc soi sáng cuộc đời của con người và các dân tộc
trong mức độ Giáo Hội cắm neo nơi Chúa, trong mức độ Giáo Hội để cho Ngài soi
sáng. Vì thế các Giáo Phụ đã nhận ra nơi Giáo Hội “mầu nhiệm ánh sáng”.
Chúng ta cần
ánh sáng đến từ trên cao này để tương ứng một cách trung thực với ơn gọi chúng
ta đã nhận lãnh. Loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô không phải là một
lựa chọn giữa biết bao lựa chọn chúng ta có thể làm, nó cũng không phải là một
nghề nghiệp. Đối với Giáo Hội, truyền giáo không có nghĩa là chiêu dụ tín đồ; đối
với Giáo Hội truyền giáo tương đương với diễn tả chính bản chất của mình: được
Thiên Chúa chiếu sáng và phản ảnh ánh sáng của Chúa. Không có một con đường
khác. Truyền giáo là sứ mệnh của Giáo Hội. Có biết bao nhiêu người chờ đợi nơi
chúng ta sự dấn thân truyền giáo này, bởi vì họ cần Chúa Kitô, họ cần biết
gương mặt của Thiên Chúa Cha.
Tiếp tục bài
giảng ĐTC nói các Đạo Sĩ mà Phúc Âm thánh Mátthêu nói tới, là chứng tá sống động
của sự kiện các hạt giống chân lý hiện diện khắp nơi, bởi vì chúng là ơn của Đấng
Tạo Hóa, mời gọi tất cả mọi người nhận biết Ngài như là Cha tốt lành và trung
tín. ĐTC định nghĩa các đạo sĩ như sau:
Các Đạo Sĩ đại
diện con người thuộc mọi phần trên trái đất được tiếp nhận vào nhà của Thiên
Chúa. Trước Chúa Giêsu không còn có chia rẽ chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa nào
nữa: nơi Hài Nhi đó toàn thể nhân loại tìm thấy sự hiệp nhất. Và Giáo Hội có bổn
phận nhận biết và làm nổi bật lên một cách rõ ràng hơn ước muốn của Thiên Chúa,
mà mỗi người mang trong chính mình. Cũng giống như các Đạo Sĩ, cả ngày nay nữa,
có biết bao nhiêu người sống với “con tim bất an”, tiếp tục hỏi mà không tìm ra
các câu trả lời chắc chắn. Họ cũng kiếm tìm ngôi sao chỉ đường tới Bếtlêhem.
ĐTC nói thêm
trong bài giảng: Trên trời có biết bao nhiêu ngôi sao! Thế nhưng các Đạo Sĩ đã
theo dõi một ngôi sao mới khác, đối với họ chiếu sáng rất nhiều hơn. Họ đã thăm
dò lâu cuốn sách lớn của trời để tìm ra một câu trả lời cho các vấn nạn của
mình, và sau cùng ánh sáng đã xuất hiện. Ngôi sao ấy biến đổi họ. Nó khiến cho
họ quên đi các lợi lộc thường ngày và họ lập tức lên đường. Họ lắng nghe một tiếng
nói trong nội tâm thúc đẩy họ đi theo ánh sáng đó, và nó đã hướng dẫn họ cho tới
khi họ tìm thấy vua người Do thái trong một căn nhà nghèo nàn tại Bếtlêhem.
Tất cả những
điều này là một giáo huấn cho chúng ta. Thật là điều tốt, nếu hôm nay chúng ta
lập lại câu hỏi của các Đạo Sĩ: “Vua dân Do thái đã sinh ra ở đâu? Chúng tôi đã
trông thấy ngôi sao của người và chúng tôi đến thờ lậy người” (Mt 2,2). Chúng
ta được thôi thúc, nhất là trong một thời đại như thời đại chúng ta, đi kiếm
tìm các dấu chỉ mà Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta, vì biết rằng chúng đòi hỏi
dấn thân của chúng ta để đọc chúng và hiểu biết ý muốn của Chúa. Chúng ta được
mời gọi đi đến Bếtlêhem để tìm Hài Nhi và Mẹ Người. Chúng ta hãy đi theo ánh
sáng Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta! Ánh sáng toả lan từ gương mặt của Chúa
Kitô, tràn đầy thương xót và trung thành. Và một khi đã đến trước mặt Chúa,
chúng ta hãy thờ lậy Người với tất cả con tim và hãy dâng cho Ngài các món quà
của chúng ta là sự tự do, trí thông minh và tình yêu thương. Chúng ta hãy nhận
ra rằng sư khôn ngoan thật dấu ẩn trong gương mặt của Hài Nhi này. Chính tại
đây, trong sự đơn sơ của Bếtlêhem mà cuộc sống của Giáo Hội tìm ra tổng hợp của
nó. Chính tại đây, suối nguồn của ánh sáng lôi cuốn mọi người đến với mình và
hướng dẫn bước đi của các dân tộc trên con đường hòa bình.
Các lời nguyện
giáo dân đã được đọc bằng tiếng Pháp cầu cho ĐTC và các Giám Mục, xin Chúa là Đấng
đã dặt các vị làm chủ chăn dân Người làm cho các vị trở thành những người loan
báo Tin Mừng cứu độ mạnh mẽ và dịu hiền. Lời cầu tiếng Tầu xin Chúa hướng dẫn lịch
sử tới chỗ thành toàn thực sự và hướng dẫn nó kiếm tìm thiện ích đích thật của
các dân tộc và mọi người. Lời cầu tiếng Swahili xin Chúa săn sóc mọi người cho
thiên thần của Ngài canh giữ bước chân của họ và khơi dậy các cử chỉ tiếp đón
và tình huynh đệ. Lời cầu tiếng A Rập xin Chúa là Đấng tự tỏ hiện ra với người
chân thành tìm kiếm Ngài, lôi cuốn và gợi hứng cho họ với vẻ đẹp và chân lý của
Chúa. Lời cầu tiếng Singale xin Chúa là Đấng đã sinh ra các tín hữu như con cái
trong Người Con của Chúa, làm cho họ trở thành những người thờ phượng danh Chúa
đích thực và các chứng nhân đáng tin cậy của tình yêu Người.
Hàng chục
linh mục đã giúp ĐTC cho tín hữu rước Mình Thánh Chúa.
Cần phải
biết ngước mắt nhìn trời và có con tâm trí rộng mở để có thể gặp gỡ Chúa Giêsu
Lúc 12 giờ
trưa ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin với tín hữu tụ tập tại quảng trường thánh
Phêrô. Cũng như mọi năm, đoàn rước Ba Vua cỡi lạc đà, với nhiều ban nhạc đã khởi
hành từ Lâu đài thiên thần cuối đại lộ Hòa Giải để tiến về quảng trường với các
nhóm người thuộc nhiều thành phố khác nhau tham dự trong sắc phục thời Trung Cổ
rất đẹp
Trong bài huấn
dụ ĐTC nói: trình thuật tin mừng liên quan tới ba Đạo Sĩ từ Phương Đông đến Bếtlêhem
để thờ lậy Đấng Cứu Thế trao ban cho lễ Hiển Linh một hơi thở đại đồng. Đó là
hơi thở của Giáo Hội, ước mong cho tất cả mọi dân tộc trên trái đất có thể gặp
gỡ Chúa Giêsu và sống kinh nghiệm tình yêu thương xót của Ngài.
Chúa Kitô mới
sinh ra chưa biết nói, nhưng tất cả mọi người, được đại diện bởi ba Đạo Sĩ, đã
có thể gặp gỡ, nhận biết và thờ lậy Người. Vừa khi tới Giêrusalem các vị nói với
vua Hêrôđê: “Chúng tôi đã trông thấy ngôi sao của Người mọc lên và chúng tôi đến
thờ lậy Người” (Mt 2,2). Họ là những người uy thế, thuộc nhiều miền khác nhau
và có các văn hóa khác nhau, họ đã đi tới đất Israel để thờ lậy vị vua đã giáng
sinh. Giáo Hội đã luôn luôn nhìn thấy nơi các vị hình ảnh của toàn nhân loại,
và với việc cử hành lễ Hiển Linh, Giáo Hội, với sự kính trọng, như muốn hướng dẫn
mọi người nam nữ của thế giới này đến với Hài Nhi đã sinh ra để cứu chuộc tất cả
mọi người.
ĐTC nói tiếp
trong bài huấn dụ: Trong đêm Giáng Sinh Chúa Giêsu đã tự tỏ hiện cho các mục đồng,
là những người khiêm tốn và bị khinh bỉ; họ đã là những người đầu tiên đem một
chút hơi ấm vào trong hang đá Bếtlêhem lạnh lẽo. Giờ đây có ba Đạo Sĩ từ các
vùng đất xa tới, cả họ nữa cũng đã được lôi kéo tới Bếtlêhem môt cách huyền bí.
Các mục đồng và các Đạo Sĩ rất khác nhau, nhưng có một điều làm họ giống nhau:
đó là trời. Các mục đồng Bếtlêhem chạy tới ngay lập tức để trông thấy Chúa
Giêsu, không phải vì họ đặc biệt tốt lành, nhưng vì họ canh giữ đoàn vật ban
đêm và khi ngước mắt nhìn trời, họ đã trông thấy một dấu chỉ, họ lắng nghe sứ
điệp của nó và đi theo nó. Các Đạo Sĩ cũng vậy: họ đã dò xét bầu trời, họ đã
trông thấy một ngôi sao mới, họ giải thích dấu chỉ và lên đường. ĐTC nói thêm
trong bài huấn dụ:
Các mục đồng
và các Đạo Sĩ dậy cho chúng ta biết rằng để gặp gỡ Chúa Giêsu cần phải biết ngước
mắt nhìn trời, không khép kín trong chính mình, nhưng có con tâm trí rộng mở
cho chân trời của Thiên Chúa, là Đấng luôn luôn khiến cho chúng ta ngạc nhiên,
biết tiếp đón các sứ giả của Người và trả lời với sự mau mắn và quảng đại.
“Khi trông
thấy ngôi sao, các Đạo Sĩ đã cảm thấy niềm vui rất lớn” (Mt 2,10). Cả chúng ta
nữa cũng được an ủi lớn, khi trông thấy ngôi sao, hay khi cảm thấy mình được hướng
dẫn, chứ không bị bỏ rơi cho số phận. Và ngôi sao đó là Tin Mừng, là Lời Chúa,
như thánh vịnh nói: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường
con đi” (Tv 119,105). Ánh sáng này hướng dẫn chúng ta tới với Chúa Kitô. Không
lắng nghe Tin Mừng thì không thể gặp gỡ Người! Thật thế, các Đạo Sĩ khi theo
ngôi sao đã tới nơi có Chúa Giêsu. Và ở đây “họ trông thấy Hài Nhi với Đức
Maria, Mẹ Người, họ phủ phục và thờ lậy Người” (Mt 2,11). Kinh nghiệm của các Đạo
Sĩ khích lệ chúng ta đừng bằng lòng với sự tầm thường xoàng xĩnh, đừng “sống vật
vờ”, nhưng tìm kiếm ý nghĩa các sự vật, đam mê dò xét mầu nhiệm cao cả của cuộc
sống. Và nó cũng dậy chúng ta đừng lấy làm gương mù gương xấu vì sự bé nhỏ và
nghèo nàn, nhưng nhận ra sự uy nghiêm trong cái khiêm tốn, và biết quỳ gối xuống
trước sự khiêm tốn ấy.
Xin Đức
Trinh Nữ là Đấng đã tiếp đón các Đạo Sĩ tại Bếtlêhem giúp chúng ta ngước mắt
nhìn vào chính chúng ta, để cho mình được hướng dẫn bởi ngôi sao của Tin Mừng để
gặp gỡ Chúa Giêsu, và biết hạ mình xuống thờ lậy Người. Như thế chúng ta sẽ đem
tới cho người khác một tia ánh sáng của Người và chia sẻ với họ niềm vui
của con đường cuộc sống.
Tiếp đến ĐTC
đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.
Sau Kinh
Truyền Tin ĐTC đã bầy tỏ sự gần gũi tinh thần với các anh chị em Kitô Đông
Phương mừng lễ Giáng Sinh vào thứ năm hôm nay, và gửi tới mọi người lời chúc mừng
bình an và hạnh phúc.
Lễ Hiển Linh
cũng là Ngày Nhi Đồng Truyền Giáo Quốc Tế. Đây là lễ của trẻ em, với lời cầu
nguyện và các hy sinh, các em trợ giúp các bạn đồng trang lứa cần được
giúp đỡ, bằng cách trở thành thừa sai và chứng nhân của tình huynh đệ và chia sẻ.
ĐTC cũng
chào nhiều nhóm khác nhau hiện diện tại quảng trường, đặc biệt là đoàn rước lịch
sử dân gian, năm nay dành cho vùng Valle dell’Amaseno. ĐTC cũng nhắc cho mọi
người biết cũng có các đoàn diễn hành trong nhiều thành phố bên Ba Lan với sự
tham dự rộng rãi của các gia đình và các hiệp hội, cũng như hang đá sống tại
Toà Thị Sảnh Roma, do Hiệp hội chuyên chở các bệnh nhân hành hương Lộ Đức và
các Tu sĩ Hèn Mọn Phanxicô, thực hiện với sự tham dự của các người tàn tật.
Sau cùng
ngài chúc mọi người lễ Hiển Linh tươi vui an bình.
Linh Tiến
Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét