05/12/2016
Thứ Hai tuần 2 mùa vọng
Bài Ðọc I: Is 35, 1-10
"Chính Thiên Chúa sẽ đến
và cứu thoát các ngươi".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Sa mạc và hoang địa hãy vui mừng,
đồng cỏ hoang hãy hoan hỉ và nở hoa; hãy nở hoa như cây thuỷ tiên, hãy tràn đầy
hân hoan và niềm vui! Hoang địa sẽ được vinh quang của núi Liban, và vẻ tráng lệ
của Carmel và Saron. Chính họ sẽ được thấy vinh quang của Chúa, và vẻ tráng lệ
của Thiên Chúa chúng ta.
Hãy nâng đỡ những bàn tay mỏi mệt,
và hãy làm vững mạnh những đầu gối rã rời. Hãy nói với những tâm hồn xao xuyến:
Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người
sẽ đến và cứu thoát các ngươi.
Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng
lên, và tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, và người
câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy lên nơi hoang địa, và suối sẽ chảy nơi đồng vắng.
Ðất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối nước. Hang dã thú
nơi chó rừng ẩn náu sẽ trở thành vườn lau vườn sậy.
Nơi ấy sẽ có những con đường người
ta sẽ gọi là thánh lộ, không tội nhân nào được qua đường đó; đường này sẽ thuộc
về các ngươi, và những kẻ ngây thơ sẽ không lạc lối. Ðường ấy sẽ không có vết
chân sư tử, và không ác thú nào đi trên đường này, chỉ những kẻ được giải phóng
đi trên đó thôi. Những kẻ được Chúa cứu thoát sẽ trở về, và vào thành Sion với
lời ca vang, cùng với triều thiên hân hoan trên đầu họ. Họ sẽ được niềm vui và
hoan hỉ; họ không còn đau khổ và than van.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12.
13-14
Ðáp: Này đây Chúa chúng ta sẽ đến và cứu độ chúng ta (Is
35, 4d).
Xướng: 1) Tôi sẽ nghe Chúa là
Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an.
Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự
trị trong đất nước chúng tôi. - Ðáp.
2) Lòng nhân hậu và trung thành
gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung
thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. - Ðáp.
3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều
thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước
thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người. - Ðáp.
Alleluia: Lc 3, 4. 6
Alleluia, alleluia! - Hãy dọn đường
Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của
Thiên Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 5, 17-26
"Hôm nay chúng tôi đã thấy
những việc lạ lùng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Ngày ấy, Chúa Giêsu đang ngồi giảng,
có cả những người biệt phái và tiến sĩ luật từ các làng mạc xứ Galilêa, xứ
Giuđêa và Giêrusalem đến nghe Người, và Người dùng quyền lực của Thiên Chúa chữa
nhiều người. Người ta khiêng một người bất toại đến, họ tìm cách vào nhà để đặt
người bất toại trước mặt Người. Nhưng không tìm được lối vào, vì dân chúng quá
đông, họ liền trèo lên sân thượng và thả người bất toại xuống giữa cử toạ trước
mặt Chúa Giêsu. Thấy lòng tin của họ, Người nói: "Hỡi người kia, tội ngươi
đã được tha!"
Các luật sĩ và biệt phái bắt đầu
lý luận rằng: "Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Chúa,
ai có quyền tha tội?" Chúa Giêsu biết rõ điều họ suy tính, liền nói với họ:
"Sao các ngươi lại nghĩ trong lòng như vậy? Nói rằng: "Các tội của
ngươi đã được tha", hay nói: "Ngươi hãy đứng dậy mà đi", đàng
nào dễ hơn? Song (như thế là) để các ngươi biết Con Người có quyền tha tội ở dưới
đất". Người nói với người bất toại rằng: "Ta bảo ngươi, hãy chỗi dậy
vác giường về nhà".
Tức thì anh ta chỗi dậy vác giường
đi về nhà và ca tụng Thiên Chúa. Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa; họ
kinh sợ và nói: "Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ lùng".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Tâm hồn
bình an.
Một buổi sáng tháng 7/1971, tại
một thành phố bên Hoa kỳ, một người đàn ông đã đến nộp mình tại một trạm cảnh
sát gần nhà. Ông thú nhận đã giết một người đàn bà cách đó 21 năm. Ông cho biết
trong 21 năm qua, ông không bao giờ chợp mắt được mỗi khi màn đêm phủ xuống.
Ông nói: “Chỉ vì một phút say sưa, tôi đã biến 21 năm qua thành một cơn ác mộng.
Giờ đây sau khi thú nhận tội lỗi, tôi cảm thấy thanh thản trong lương tâm, tôi
cảm thấy như được tái sinh”.
Những câu chuyện nộp mình và thú
nhận tội lỗi như trên đây không phải là chuyện hiếm có trong lịch sử nhân loại.
Riêng với người Kitô hữu, đó là một phần của cuộc sống đức tin. Trong những cao
điểm của năm phụng vụ, lời nhắc nhở của Giáo Hội về nghĩa vụ này lại càng tha
thiết hơn. Đặc biệt mỗi khi Mùa Vọng về, Giáo Hội khẩn khoản kêu mời chúng ta
chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Giáng sinh, Chúa của Hòa bình. Làm sao chúng ta cảm
nhận được bình an trong tâm hồn, nếu tội lỗi vẫn còn đè nặng lương tâm của
chúng ta?
Có lẽ, vì muốn nhắc nhở chúng ta
về sự cần thiết của Bí tích giao hòa, mà hôm nay Giáo Hội cho chúng ta lắng
nghe việc Chúa Giêsu chữa lành một người bất toại. “Này anh, tôi anh đã được
tha rồi”. Lời khẳng quyết của Chúa Giêsu với người bất toại cho chúng ta thấy
được ý nghĩa đích thực của niềm tin được tuyên xưng bởi chính miệng anh và đám
đông khiêng anh đến trước mặt Chúa. Thật thế, tuyên xưng niềm tin trước tiên là
nhìn nhận thân phận tội lỗi bất toàn của mình. Ngày nay, nhiều người đã có lý để
liên kết cơn khủng hoảng đức tin với việc đánh mất ý thức tội lỗi. Quả thực khi
con người không còn ý thức về tội lỗi nữa, thì điều đó cũng có nghĩa là trong
sâu thẳm của tâm hồn, con người cũng không còn cảm nhận được mối liên kết của
mình với Thiên Chúa nữa. Đánh mất ý thức về tội lỗi cũng có nghĩa là gạt bỏ
Thiên Chúa và chối bỏ những giá trị siêu việt trong cuộc sống.
Tuyên xưng đức tin không những
là nhận ra thân phận tội lỗi, bất toàn của mình, nhưng còn là nhìn nhận quyền
năng cứu rỗi của Thiên Chúa. Chỉ một mình Thiên Chúa Đấng tạo dựng con người mới
có thể tái tạo, nghĩa là tha thứ cho con người. Tha thứ đối với con người là
tái lập một quan hệ đã bị phá vỡ. Còn đối với Thiên Chúa, tha thứ chính là tái
tạo, là ban lại một sức sống mới đã bị đánh mất. Quyền năng tái tạo ấy của
Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã muốn thể hiện qua các phép lạ của Ngài, nhất là các
phép lạ chữa bệnh tật con người. Qua các phép lạ ấy, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy
chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tha thứ cho con người, chỉ một mình Thiên
Chúa mới có thể tái tạo con người. Đó là lý do tại sao trong phép lạ chữa người
bất toại, Ngài đã nói đến hành động tha thứ của Thiên Chúa.
Được Thiên Chúa tha thứ, được
Thiên Chúa cứu rỗi, được Thiên Chúa tái tạo để biến thành một tạo vật mới, đó
là sứ điệp quan trọng nhất mà Chúa Giêsu đã mang đến cho con người. Ngày nay,
qua Giáo Hội, Chúa Giêsu cũng không ngừng nói với chúng ta sứ điệp ấy. Qua Giáo
Hội, Ngài không ngừng nói với chúng ta như Ngài đã từng nói với các bệnh nhân
và những người tội lỗi đương thời của Ngài: “Hãy can đảm lên, tôi con đã được
tha”. “Ta cũng không kết án con”.
Mùa Vọng, tâm hồn chúng ta cảm
thấy rạo rực hân hoan vì bầu khí chuẩn bị mừng Chúa Giáng sinh. Những chuẩn bị
bên ngoài là cần thiết để gợi lên cho chúng ta ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng
sinh. Chúa Giêsu đã Giáng sinh là để chúng ta được sinh lại, được tái sinh.
Chúng ta cần được Ngài tha thứ và tái tạo, do đó không có chuẩn bị nào cần thiết
hơn là đến với Ngài trong Bí tích giải tội để được ơn tha thứ. Vào cuối đời, Đức
Gioan XXIII đã ghi lại trong nhật ký của Ngài: “Có hai ngõ dẫn chúng ta vào
thiên đàng: một là tấm lòng trong sạch, hai là sự thống hối. Là những con người
yếu đuối mỏng dòn, không ai trong chúng ta dám nghĩ đến ngõ thứ nhất, tuy nhiên
chúng ta có thể tin chắc vào ngõ thứ hai, Chúa Giêsu đã đi qua ngõ ấy”. Ngài đã
mang lấy Thập giá để đền bù tội lỗi chúng ta và mời gọi chúng ta bước theo
Ngài. Nhưng theo Ngài cũng có nghĩa là sám hối, chấp nhận mỗi ngày cần được
thanh tẩy thêm.
Ước gì Bí tích giải tội mà chúng
ta sốt sắng lãnh nhận trong mùa vọng này đem lại cho chúng ta bình an đích thực,
bình an mà các Thiên thần loan báo trong đêm Giáng sinh:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện
tâm”
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần II MV
Bài đọc: Isa
35:1-10; Lk 5:17-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tội
lỗi
Truyền thống Do-Thái tin có một
sự liên hệ giữa tội lỗi và hình phạt. Một ví dụ điển hình là chủ đề chính của
các Sách Tiên Tri: vì Israel phạm tội bất trung với Thiên Chúa, nên Ngài đã
dùng Assyria và Babylon như roi để sửa phạt họ. Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn
họ bị tiêu diệt muôn đời, nhưng muốn họ ăn năn hối cải để được sống. Trong Bài
đọc I, Tiên Tri Isaiah cho thấy hình ảnh huy hòang khi dân chúng biết ăn năn
xám hối, họ sẽ được trở về từ nơi lưu đày và được gặp gỡ Thiên Chúa. Trong Phúc
Âm, Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế mà các tiên tri nói tới. Ngài có năng quyền
chữa lành mọi bệnh phần hồn (tội lỗi) và phần xác.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Niềm vui vì được cứu độ
1.1/ Sự khác biệt giữa 2 cuộc sống: có Chúa và không có Chúa.
(1) Khi có Chúa can thiệp, sa mạc
khô cằn trở nên vùng đất phì nhiêu: “Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ
cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ,
và hân hoan múa nhảy reo hò. Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Liban,
vẻ rực rỡ của núi Carmen và đồng bằng Sharon. Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy
hoàng của Đức Chúa, và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta.”
(2) Con người có can đảm để sống: “Hãy
làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững
vàng. Hãy nói với những kẻ nhát gan: "Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của
anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.
Chính Người sẽ đến cứu anh em."”
(3) Mọi bệnh tật sẽ được chữa
lành: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ
què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.”
1.2/ Chỉ có những ai tay sạch lòng
thanh mới được tiến về Núi Thánh: Kẻ dữ
sẽ không được trở về: “Ở đó sẽ có một đường đi mang tên là thánh lộ. Kẻ ô uế sẽ
chẳng được qua. Đó sẽ là con đường cho họ đi, những kẻ điên dại sẽ không được
lang thang trên đó.” Những người được Đức Chúa giải thoát sẽ trở về, tiến đến
Sion giữa tiếng hò reo, mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu. Họ sẽ được hớn hở tươi
cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất.
2/ Phúc Âm: Này anh, anh đã được tha tội rồi!
2.1/ Năng quyền chữa bệnh của Đức
Kitô: Không ai có thể phủ nhận năng quyền
chữa bệnh của Đức Kitô, ngay cả các Kinh-sư và Biệt-phái. Điểm đặc biệt trong
trình thuật của Tin Mừng Luca hôm nay là cách thức họ đưa bệnh nhân đến với
Chúa Giêsu và cuộc đối thọai giữa Chúa Giêsu với các Kinh-sư và Biệt-phái về
năng quyền tha tội của Ngài.
“Một hôm, khi Đức Giêsu đang giảng
dạy, có mấy người Biệt-phái và Kinh-sư ngồi đó; họ từ khắp các làng mạc miền
Galilee, Judah, và Jerusalem đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa
lành các bệnh tật. Bỗng có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm
trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người. Nhưng vì có đám đông, họ
không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả
người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giêsu.”
2.2/ Năng quyền tha tội của Đức
Kitô: Cuộc đối thọai của Chúa Giêsu và
các Kinh-sư cùng Biệt-phái tập trung trong đề tài chính là Chúa Giêsu có quyền
tha tội không? Để chứng minh cho họ thấy Ngài vừa có quyền chữa bệnh vừa có quyền
tha tội; nói cách khác, Ngài chính là Thiên Chúa; Chúa Giêsu dùng 2 niềm tin của
họ để dẫn họ đến những điều họ phải chấp nhận.
(1) Niềm tin thứ nhất: tội
lỗi và hình phạt. Truyền thống Do-Thái tin có sự liên hệ giữa tội lỗi và hình
phạt; bệnh tật có thể là do tội của cá nhân đó hay cha mẹ anh ta, vì “đời cha
ăn mặn, đời con khát nước” (Jn 9:2, 34). Sách Xuất Hành tin cơn giận của Thiên
Chúa sẽ gíang xuống tới 5 đời con cháu (Exo 20:5).
(2) Niềm tin thứ hai: chỉ
Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đối thọai với họ về
năng quyền tha tội, khi Người bảo anh bại liệt: "Này anh, anh đã được tha
tội rồi." Các Kinh-sư và các người Biệt-phái bắt đầu suy nghĩ: "Ông
này là ai mà nói phạm thượng như thế? Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên
Chúa?" Điều họ nghĩ không sai: chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội (Isa
43:25, 55:7). Bất cứ ai tự nhận mình có quyền tha tội là phạm thượng, vì đã tự
coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.
(3) Lý luận của Chúa Giêsu: Hình
phạt được tha là tội lỗi được tha. Theo thủ tục của tòa án, hình phạt chỉ ra
sau khi đã kết án tội phạm; nếu chánh án tuyên bố tha bổng, đương sự không có tội
gì nữa. Ngay cả trong trường hợp đang xảy ra: Nếu các Kinh-sư và Biệt-phái tin
hình phạt là do tội lỗi gây ra, họ cũng phải tin nếu hình phạt (bệnh liệt) bị lấy
đi, tội lỗi cũng được tha.
Chúa Giêsu thấu biết họ đang suy
nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: "Các ông đang nghĩ gì trong
bụng vậy? Trong hai điều: một là bảo: "Anh đã được tha tội rồi!" hai
là bảo: "Đứng dậy mà đi!" điều nào dễ hơn? Đối với họ, điều dễ là điều
thứ nhất; đối với Chúa Giêsu, cả hai điều đều dễ dàng. Ngài có cả quyền chữa
lành và quyền tha tội.
(4) Hệ quả thứ nhất: Đức
Kitô có quyền tha tội. Chúa Giêsu nói với họ: “Vậy, để các ông biết ở dưới đất
này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Tôi truyền cho
anh: Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà!" Ngay lúc ấy, người
bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa
tôn vinh Thiên Chúa.
(5) Hệ quả thứ hai: Đức
Kitô là Thiên Chúa. Nếu các Kinh-sư và Biệt-phái thành tâm theo niềm tin của họ
tới cùng, đó là: “Không ai có quyền tha tội ngòai Thiên Chúa;” họ sẽ nhận ra Đức
Kitô là Thiên Chúa, vì Ngài vừa có năng quyền chữa bệnh vừa có năng quyền tha tội.
Nhưng họ đã không nhận ra những gì mà tòan dân nhận ra, vì sự ghen tị của họ:
“Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: "Hôm
nay, chúng ta đã chứng kiến những chuyện lạ kỳ!"”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta không thể đón Chúa với
tâm hồn tội lỗi, vì Chúa là Đấng vô cùng Thánh Thiện (I Jn 1:5).
- Con người chúng ta ai cũng phạm
tội; vì thế, chúng ta cần xưng thú tội lỗi trước khi được tha thứ và giao hòa với
Thiên Chúa. Nếu ai nói mình không phạm tội, người đó là kẻ nói dối và sự thật
không có trong họ (I Jn 1:8).
- Chúa Giêsu có quyền tha tội,
và Ngài ban cho các môn đệ và các linh mục (những người kế vị) quyền cầm giữ và
tháo cởi (x/c Mt 16:19, Lk 24:47, Jn 20:23). Chỉ cần chuẩn bị một thời gian ngắn
và xưng thú tội lỗi, chúng ta sẽ được Chúa ngự vào lòng.
Linh mục Anthony Đinh Minh
Tiên OP
05/12/16 THỨ HAI TUẦN 2 MV
Lc 5,17-26
Lc 5,17-26
Suy niệm: Cuộc đời mỗi con người đều bao hàm nhiều gánh nặng phải vác: gánh nặng gia đình, công việc, bệnh tật... Nhưng khủng khiếp nhất chính là gánh nặng của tội lỗi. Được sinh ra giống hình ảnh Thiên Chúa; nhưng rồi con người đã sa ngã và chuốc lấy thân phận tội nhân! Ánh nhìn của Thiên Chúa đã đi theo Ca-in đến cùng trời cuối đất, cào cứa lòng anh… Nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương, thứ tha, và cứu độ con người nơi Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã đến để chữa lành thương tích cả thể xác lẫn tâm hồn người ta. Trong Bí Tích Hoà Giải, gánh nặng tội lỗi nơi tôi được cất đi, – không phải như một tấm áo bẩn được giặt sạch, nhưng như một tấm áo mới tinh được ban tặng cho
tôi. Với con người, tha có nghĩa là bỏ qua song có thể vẫn còn ‘lưu hồ sơ’ để nhớ; còn đối với Thiên Chúa, thanghĩa là quên luôn. Sự thứ tha của Thiên Chúa là một cuộc ‘sáng tạo lại’! Gánh tội lỗi được cất đi hoàn toàn trong tâm hồn tôi, và tôi tìm lại được sự bình an trọn vẹn!
Mời Bạn: Lòng bạn có đang bị đè nặng bởi điều gì không? Hãy tìm lại niềm an bình sâu xa trong Bí Tích Hòa Giải – như một sự chuẩn bị căn bản nhất để mừng Lễ Chúa Giáng Sinh sắp tới.
Chia sẻ tâm trạng của bạn khi vừa qua khỏi một cơn bạo bệnh hay sau khi xưng tội và lãnh nhận ơn thứ tha.
Sống Lời Chúa: Tích cực cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ những người mang bệnh tật thể lý cũng như trong tâm hồn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin chữa lành mọi thương tích trong tâm hồn con, và ban lại cho con
niềm bình an sâu xa của con cái Chúa. Amen.
Đứng dậy mà đi (5.12.2016 – Thứ hai Tuần 2 Mùa Vọng)
Mùa Vọng là thời gian trỗi dậy, ra khỏi sự bất toại và bước đi. Có những bệnh bất toại về mặt thiêng liêng, khiến tôi không đến gần Chúa được, cũng không dám đến với anh em...
Suy niệm:
Bệnh tật nơi thân xác con người
có thể tượng trưng cho một thứ bệnh
tật nào đó nơi tinh thần.
Ít người mắc bệnh câm, nhưng ai
cũng có kinh nghiệm về sự câm nín,
do sợ hãi của chính mình hay do
bị đe dọa bắt phải im.
Ít người mắc bệnh điếc, nhưng lại
có quá nhiều cuộc đối thoại
mà hai bên chẳng hiểu nhau, vì mất
khả năng nghe.
Người mù không phải chỉ là người
không thấy ánh mặt trời,
nhưng còn là người không dám thấy
ánh sáng của sự thật,
không nhận ra hình ảnh người anh
em nơi khuôn mặt kẻ thù.
Không phải ai cũng có bàn tay
khô bại, không duỗi ra được,
nhưng ai cũng có lần thấy mình
khó đưa tay ra để bắt tay người khác.
Đức Giêsu đã chữa cả thảy bao
nhiêu bệnh nhân, chúng ta không biết.
Nhưng chắc Ngài đã không dừng lại
ở việc chữa lành thân xác.
Ngài muốn một sự lành mạnh nơi
toàn diện con người.
“Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như
nai” (Is 35, 6).
Lời của ngôn sứ Isaia trong bài
đọc 1 đã ứng nghiệm.
Khi anh bại liệt trỗi dậy, vác
giường và đi một mạch về nhà,
chúng ta thấy niềm vui bừng tỏa
trên khuôn mặt của anh và các bạn.
Cả gia đình của anh cũng sẽ ngập
tràn hạnh phúc
khi thấy anh trở về, đi đứng như
một người bình thường.
Nhưng có điều họ không nhận ra
đó là chuyện anh được tha tội.
Đức Giêsu đã tha tội cho anh dù
anh không xin,
vì điều anh quan tâm chỉ là sự bất
toại thể lý.
Nhưng tâm hồn anh đã bước đi,
trước khi đôi chân anh đi được.
Sự trỗi dậy của anh là sự trỗi dậy
của cả hồn lẫn xác.
Đức Giêsu có cơ hội để tỏ cho
nhóm các luật sĩ và Pharisêu thấy
không nhất thiết phải đi gặp tư
tế và dâng lễ đền tội mới được tha.
Chỉ bằng một lời nói đơn sơ dễ
dàng, Ngài có quyền ban ơn tha thứ.
Chính việc anh bất toại được chữa
lành làm chứng về quyền năng này.
Ngược với thái độ tin tưởng táo
bạo của anh bất toại và các bạn,
là thái độ thụ động ngồi của các
luật sĩ và Pharisêu.
Họ cứng nhắc trong suy nghĩ truyền
thống của mình :
chỉ một mình Thiên Chúa mới có
thể tha tội.
Họ không tin Đức Giêsu được chia
sẻ quyền ấy từ Cha,
dù họ đã tận mắt thấy anh bất toại
đi được.
Mùa Vọng là thời gian trỗi dậy,
ra khỏi sự bất toại và bước đi.
Có những bệnh bất toại về mặt
thiêng liêng,
khiến tôi không đến gần Chúa được,
cũng không dám đến với anh em.
Có những bất toại về trí tuệ khiến
tôi bị kẹt
trong những định kiến, thiên kiến,
thành kiến,
không dám mở ra để đón nhận những
sự thật bất ngờ và đáng sợ.
Có những bất toại về tình cảm
khiến tim tôi như bị cầm tù,
không sao thoát khỏi được chuyện
yêu ghét oán hờn dai dẳng.
Xin Giêsu giải phóng tôi, cho
tôi khỏi bất toại, để tôi được tự do.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều
khó.
Thuộc về Chúa thật là một
thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu,
SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 12
5 THÁNG MƯỜI HAI
Cuối Cùng Của Thời Cũ – Đầu Tiên Của Thời Mới
Trong tất cả mầu nhiệm của ngài,
Đức Ma-ri-a là thành viên ưu việt của Giáo Hội. Chính Mẹ là người mở đường cho
buổi khai nguyên của Giáo Hội. Mẹ gắn bó chặt chẽ với Giáo Hội trong lịch sử cứu
độ mà Mẹ hiện thân như một sự nhập thể và một hình ảnh sống động của chính Giáo
Hội, Hiền Thê Đức Kitô. Từ đầu cuộc đời của Mẹ, Mẹ có tất cả sự sung mãn của ân
sủng mà Đức Kitô ban cho Giáo Hội Người.
Trong ánh sáng này, chúng ta nhớ
lại chương 8 Hiến Chế Giáo Hội. Chú giải quan điểm của Thánh Luca, văn kiện này
của Công Đồng Vatican II nói với chúng ta: “Sau một giai đoạn lâu dài chờ đợi,
thời gian được viên mãn nơi ngài, Nữ Tử cao quí của Sion, và kế hoạch cứu độ mới
được thực hiện.” Ở mốc điểm quan trọng này của lịch sử, Đức Ma-ri-a là chỗ kết
nối giữa Cựu Ước và Tân Ước. Mẹ đại diện cho sự chấm dứt của cộng đoàn It-ra-en
đợi chờ Đấng Thiên Sai và đại diện cho sự khởi đầu của Giáo Hội Đức Kitô mới được
khai sinh. Mẹ vừa là sự thể hiện cuối cùng và hoàn hảo của con cái Thiên Chúa
sinh bởi Abraham dưới cơ chế Cựu Ước, vừa là sự thể hiện đầu tiên và tuyệt đỉnh
của con cái mới của Thiên Chúa được khai sinh bởi Đức Kitô. Nơi Đức Ma-ri-a,
chúng ta nhận ra các lời hứa, các điều báo trước, các lời ngôn sứ của Hội Thánh
trong Cựu Ước được hoàn thành. Với Mẹ, chúng ta cũng nhìn thấy Giáo Hội của Tân
Ước bắt đầu, không nhăn nheo tì tích, trong sự sung mãn của ân sủng Thánh Thần.
- suy tư 366 ngày của Đức
Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope
John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thứ Hai tuần II Mùa Vọng
Is 35, 1-10; Lc 5, 17-26.
LỜI SUY NIỆM: “Và kìa có mấy
người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào
đặt trước mặt Người” (Lc 5,18).
Trong câu chuyện mấy người cùng khiêng một người bại liệt đến với Chúa Giêsu để
xin Ngài chữa lành, khi gặp trở ngại bởi đám đông họ không thể đến gần được, họ
đã trèo lên mái nhà, lật mái để thòng bệnh nhân trước mặt Chúa, điều này chắc
có rất nhiều người cho là khùng điên. Trong xã hội ngày hôm nay, giữa chúng ta
biết bao nhiêu tổ chức từ thiện họ cũng đang làm như vậy, như là thực hiện căn
nhà tình thương, căn nhà mơ ước, vượt lên chính mình, lục lạc vàng, trái tim
cho em… và còn rất nhiều chương trình phục vụ người nghèo và người khuyết tật nữa,
nhưng rồi có rất nhiều người lại cho đó là cách quảng bá thương hiệu để làm
giàu. Còn mỗi người của chúng ta thì sao? Trong khi Giáo hội đặt chúng ta trước
một nguyên tắc sống “Ưu tiên chọn lựa người nghèo”
Mạnh Phương
05 Tháng Mười Hai
Thiện Nguyện
Hôm nay là ngày quốc tế những
người thiện nguyện, được Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1985 và cử hành lần đầu
tiên ngày 05 tháng 12 năm 1986. Ngày quốc tế những người thiện nguyện vừa là một
tưởng thưởng và biết ơn đối với không biết bao nhiêu người đang âm thầm phục vụ
không công những người đồng loại của mình, vừa là một lời gọi dấn thân phục vụ.
Hiện nay, trên khắp thế giới
có khoảng 35 cơ quan thiện nguyện chiêu mộ và gửi người đi khắp nơi để phục vụ
trong mọi lãnh vực: từ một cán sự y tá phục vụ trong rừng già Phi Châu, đến các
chuyên viên làm việc trong các dự án phát triển tại các nước thuộc thế giới đệ
tam, từ một thanh niên thiếu nữ âm thầm làm việc tại các nước nghèo đến các
chuyên viên tổ chức các cuộc lạc quyên: tất cả đều được thúc đẩy bởi một ý chí:
đó là phục vụ người anh em.
Ngày quốc tế những người thiện
nguyện cũng là một bài ca dành cho một nhân loại đã đạt được một bước tiến dài
trong sự trưởng thành. Bên cạnh những bước dật lùi vì chiến tranh, vì hủy hoại
lẫn nhau, nhân loại vẫn cố gắng tiến bước trong khát vọng và những nỗ lực nhân
đạo. Bước tiến ấy còn tiếp tục là nhờ ở tinh thần thiện nguyện, ý chí phục vụ
Ngày quốc tế thiện nguyện hôm
nay không phải là phụ trương của những ngày quốc tế khác rải rác trong suốt năm
như ngày Hòa Bình thế giới, ngày sức khỏe, ngày thực phẩm, ngày Giới Trẻ, ngày
Môi Sinh, ngày Nhi Ðồng, ngày Phụ Nữ v.v... Ngày hôm nay là khẳng định của một
ý niệm nền tảng cho tất cả mọi ngày quốc tế khác: ý niệm đó chính là tự nguyện
phục vụ.
Ngày quốc tế những người thiện
nguyện hôm nay không chỉ là ngày tưởng thưởng và biết ơn đối với những người
thiện nguyện. Ngày hôm nay là ngày của mỗi người chúng ta, bởi vì chúng ta chỉ
có thể sống trọn ơn gọi làm người khi chúng ta biết tự nguyện sống cho người
khác.
Chúa Giêsu là mẫu mực của thiện
nguyện... Là Thiên Chúa, Ngài đã đến trong thế gian để mặc lấy thân phận nghèo
hèn của con người. Trở nên con người, Ngài đã không sống giữa chốn giàu sang
phú quý, nhưng đến với những con người nghèo hèn nhất trong xã hội. Ngài đã phục
vụ và phục vụ cho đến chết. Ngài đã đến để làm cho bộ mặt thế giới này trở nên
nhân bản hơn. Cùng với Ngài, hàng hàng lớp lớp những con người dấn thân phục vụ
tha nhân đã tô điểm cho bộ mặt thế giới được thêm tươi tốt hơn. Quả thực, một
thế giới không có những người sống và chết cho tha nhân là một thế giới không
có nhân tính... Chúng ta hãy tưởng tượng một thế giới không có những thánh
Phanxicô thành Assisi, không có những Mahatma Gandhi, không có những Albert
Schweitzer, không có những Têrêxa Calcutta, không có những hội viên của Hội Chữ
Thập Ðỏ... một thế giới như thế quả thực là một thế giới buồn thảm. Một thế giới
không có những bàn tay đưa ra để chia sẻ, để san sẻ, để đỡ nâng, một thế giới
không có những tấm lòng tử tế: một thế giới như thế quả thực là một thế giới của
chết chóc...
Lẽ Sống
Lectio Divina: Luca 5:17-26
Thứ Hai, 5 Tháng 12, 2016
Thứ Hai sau CN II Mùa Vọng
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng
con,
Chúa ngự đến ở giữa dân của
Chúa;
Chúa đến với những người nghèo
khó và bất toại
Chúa mang lại cho họ ơn tha thứ
Và lòng từ ái dịu dàng của Chúa
Nhờ Đức Giêsu Kitô, Con của
Chúa.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con
lòng tin tưởng sâu xa
Rằng Chúa muốn giải thoát chúng
con
Khỏi sự chán nản và bất lực của
chúng con.
Xin Chúa ban cho chúng con một
niềm hy vọng tin tưởng, chân thành
Trong tình yêu lân tuất, chữa
lành của Chúa,
Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng
con.
2. Phúc Âm – Luca
5:17-26
Ngày ấy, Chúa Giêsu đang ngồi giảng,
có cả những người biệt phái và tiến sĩ luật từ các làng mạc xứ Galilêa, xứ
Giuđêa và Giêrusalem đến nghe Người, và Người dùng quyền lực của Thiên Chúa chữa
nhiều người.
Người ta khiêng một người bất toại
đến, họ tìm cách vào nhà để đặt người bất toại trước mặt Người. Nhưng
không tìm được lối vào, vì dân chúng quá đông, họ liền trèo lên sân thượng và
thả người bất toại xuống giữa cử tọa, trước mặt Chúa Giêsu. Thấy
lòng tin của họ, Người nói: “Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha!”
Các luật sĩ và biệt phái bắt đầu
lý luận rằng: “Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ
một mình Chúa, ai có quyền tha tội?” Chúa Giêsu biết rõ điều họ suy
tính, liền nói với họ: “Sao các ngươi lại nghĩ trong lòng như vậy? Nói
rằng: ‘Các tội của ngươi đã được tha’, hay nói: ‘Ngươi hãy đứng
dậy mà đi’, đàng nào dễ hơn? Song (như thế là) để các ngươi biết Con
Người có quyền tha tội ở dưới đất”. Người nói với người bất toại rằng: “Ta
bảo ngươi, hãy chỗi dậy vác chõng về nhà”. Tức thì anh ta chỗi dậy
vác chõng đi về nhà và ca tụng Thiên Chúa.
Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen
Thiên Chúa; họ kinh sợ và nói: “Hôm nay chúng ta đã thấy những việc
lạ lùng”.
3. Suy Niệm
- Chúa Giêsu đã ngồi xuống để giảng dạy. Người
ta thích nghe Chúa nói. Chủ đề của lời giáo huấn của Đức Giêsu là
gì? Người luôn nói về Thiên Chúa, Cha của Người, nhưng Người đã nói
theo một cách mới mẻ, lôi cuốn, khác với cách của các Kinh Sư và người Biệt
Phái (Mc 1:22-27). Chúa Giêsu đại diện cho Thiên Chúa là Tin Mừng tuyệt
vời cho đời sống nhân loại; một Thiên Chúa là Cha/Mẹ, Đấng yêu thương và chấp
nhận con người, và một Thiên Chúa không đe dọa và không lên án.
- Một người bất toại được bốn người khiêng
đi. Chúa Giêsu là niềm hy vọng duy nhất của họ. Nhìn thấy đức
tin của họ, Người nói với người bất toại: Tội của ngươi đã được tha! Vào
thời ấy, người ta tin rằng những kẻ bị khiếm khuyết về thể chất (bất toại,
v.v.) là bị trừng phạt bởi Thiên Chúa vì một số tội họ đã phạm. Vì
lý do này, những người bất toại và nhiều người tàn tật khác cảm thấy rằng họ bị
đã bị Thiên Chúa từ chối và loại bỏ! Chúa Giêsu thì giảng dạy trái lại. Niềm
tin mạnh mẽ như thế của người bất toại là một dấu hiệu hiển nhiên cho sự thật rằng
những ai tự giúp mình thì đã được Thiên Chúa chấp nhận. Đây là lý do
tại sao Chúa Giêsu tuyên bố: Các tội của ngươi đã được tha! Có
nghĩa là: “Thiên Chúa không hề từ chối ngươi!”
- Lời khẳng định của Chúa Giêsu đã không ăn khớp
với ý tưởng mà các Luật Sĩ có về Thiên Chúa. Vì lý do này, họ phản ứng: Người
này ăn nói phạm thượng! Dựa theo giáo huấn của họ, chỉ có Thiên
Chúa mới có thể tha tội. Và chỉ có thày cả mới có thể tuyên bố một
người đã được tha thứ và sạch tội. Trong mắt họ, làm thế nào mà Chúa
Giêsu, một người thế tục bình thường, lại có thể tuyên bố rằng người bất toại
đã được tha thứ và sạch tội được? Và như thế, nếu một người thế tục
bình thường có thể tha tội, thì các luật sĩ và thày cả có thể sẽ bị mất việc của
họ! Đây là lý do tại sao họ lại phản ứng và tự bào chữa.
- Chúa Giêsu giải thích hành động của Người: Nói
rằng: ‘Các tội của ngươi đã được tha’, hay nói: ‘Ngươi
hãy đứng dậy mà đi’, đàng nào dễ hơn? Một cách hiển nhiên, đối với
người ta, nói câu ‘các tội của ngươi đã được tha’ thì dễ dàng hơn, bởi vì không
ai có thể kiểm chứng hoặc chứng thực được điều này. Nhưng nếu một
người nói rằng: “Ngươi hãy đứng dậy mà đi”, trong trường hợp này mọi
người có thể trông thấy xem Người có quyền năng chữa bệnh hay không. Vì
vậy, nhân danh Thiên Chúa, Người đã có quyền năng tha tội, Chúa Giêsu nói với
người bất toại: “Ngươi hãy đứng dậy mà đi!” Chúa chữa
lành anh ta! Người đã cho thấy rằng tình trạng bất toại không phải
là một sự trừng phạt của Thiên Chúa bởi vì tội lỗi, và Người cho thấy rằng đức
tin của người nghèo là bằng chứng cho việc Thiên Chúa chấp nhận họ trong tình
yêu của Người.
4. Một vài câu hỏi
gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
· Tôi tự
đặt mình vào địa vị của những người giúp đỡ người bất toại: Liệu tôi
sẽ có đủ khả năng để giúp đỡ cho người bệnh tật không, khiêng người bất toại
lên sân thượng và làm như những gì bốn người kia làm không? Tôi có một
đức tin vững vàng như thế không?
· Hình ảnh
về Thiên Chúa mà tôi có và nó chiếu tỏa vào người khác là gì? Đó là
hình ảnh về Thiên Chúa của các luật sĩ hay của Đức Giêsu? Một Thiên
Chúa của tình thương hay của đe dọa?
5. Lời nguyện kết
Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa
phán,
Điều CHÚA phán là lời chúc bình
an
Cho dân Người, cho kẻ trung hiếu
Và những ai hướng lòng trí về
Người.
Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho
ai kính sợ Chúa,
Để vinh quang của Người hằng chiếu
tỏa trên đất nước chúng ta.
(Tv 85)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét