Trang

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

15-12-2016 : THỨ NĂM TUẦN III MÙA VỌNG

15/12/2016
Thứ Năm tuần 3 mùa vọng

Bài Ðọc I: Is 54, 1-10
"Chúa kêu gọi ngươi như gọi người thiếu phụ sầu khổ".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Chúa phán: Hỡi người son sẻ, hãy reo mừng! Hãy vui mừng, hãy hân hoan, hỡi người không sinh nở. Vì con cái người phụ nữ bị bỏ rơi sẽ nhiều hơn con cái người có đôi bạn. Hãy mở rộng trại ngươi ở, hãy giăng trướng nhà ngươi, chớ để chật hẹp; hãy giăng dây cho dài, đóng cọc cho chắc. Ngươi sẽ bành trướng ra bên tả bên hữu, dòng dõi ngươi sẽ được các nước làm gia nghiệp.
Ðừng sợ, vì ngươi sẽ không phải thất vọng, đừng xấu hổ, vì ngươi sẽ quên sự hổ thẹn thời niên thiếu, và nỗi nhục nhã của thời goá bụa, ngươi cũng quên đi. Vì Ðấng thống trị ngươi là Ðấng đã tạo thành ngươi, Danh Ngài là Chúa Thiên Binh; Ðấng Cứu Chuộc ngươi là Ðấng Thánh Israel, Người là Thiên Chúa khắp địa cầu.
Chúa ngươi phán: như người thiếu phụ bị bỏ rơi và sầu muộn, Chúa gọi ngươi. Sao có thể ly dị người vợ trong buổi thanh xuân? Trong một thời gian ngắn, Ta đã bỏ ngươi, nhưng với lượng từ bi, Ta sẽ đón nhận ngươi. Chúa Cứu Chuộc ngươi phán: Trong cơn nóng giận, Ta đã ẩn mặt khỏi ngươi, nhưng trong tình yêu vĩnh cửu, Ta xót thương ngươi. Cũng như trong thời Noe, Ta đã thề rằng nước lụt Noe sẽ không tràn ra trên đất nữa, thì Ta cũng thề rằng Ta sẽ không giận ngươi, không trách ngươi nữa. Chúa thương xót ngươi phán: Dù núi dời, dù đồi chuyển, tình yêu của Ta đối với ngươi không hề thay đổi, và giao ước bình an của Ta luôn vững bền.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 29, 2 và 4. 5-6. 11-12a và 13b
Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ. - Ðáp.
2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan hỉ. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con. Lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời. - Ðáp.

Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Này đây Chúa đến để cứu dân Người. Hạnh phúc thay những ai sẵn sàng đón rước Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 7, 24-30
"Gioan là sứ thần dọn đường Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi những người Gioan sai đến đi rồi, Chúa Giêsu nói với đám đông về Gioan rằng: "Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc óng ả và đời sống xa hoa thì ở trong cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Chính về ông đã có lời chép rằng: "Này đây Ta sai sứ thần Ta đi trước con, và sẽ dọn đường cho con". Ta nói cho các ngươi biết, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một người nào cao trọng hơn Gioan, nhưng người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa lại cao trọng hơn ông".
Toàn thể dân chúng đã nghe Ngài, cả những người thu thuế đều vâng lời Thiên Chúa, và chịu phép rửa của Gioan. Còn những người Biệt phái và Luật sĩ đã khinh chê ý định của Thiên Chúa, và họ không chịu để Gioan thanh tẩy cho.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm:
1.     “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con”
Trong Mùa Vọng, Chúa Nhật II, Chúa Nhật III và trong suốt tuần III, từ thứ hai đến thứ sáu trước Tuần Bát Nhật chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta lắng nghe sứ điệp, chiêm ngắm chân dung và cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả, cũng như lắng nghe lời của Đức Giê-su về thánh nhân.
Hình ảnh của thánh Gioan xuất hiện trong Tin Mừng của hai Chúa Nhật Mùa Vọng liên tiếp, trong suốt tuần Tuần III và đặc đặc biệt trong Tuần Bát Nhật trước lễ Giáng Sinh, đủ để nói cho chúng ta biết rằng sứ điệp và cuộc đời của thánh Gioan có tầm quan trọng đặc biệt cho cách chúng ta đón nhận Đức Ki-tô, sống gắn bó với Đức Ki-tô và loan báo Đức Ki-tô.
Ngoài ra, tầm quan trọng của thánh Gioan còn được nhấn mạnh bởi sự kiện, chính ngài, vốn là một ngôn sứ cũng được loan báo bởi một ngôn sứ khác đi trước, đó là ngôn sứ Isaia ; như Thánh sử Mát-thêu nêu rõ:  : « Ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới » (Mt 3, 3); và như chính Đức Giê-su xác nhận trong bài Tin Mừng hôm nay:
Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến!
(c. 27)
Có thế nói, cùng với Đức Ki-tô, thánh Gioan cũng được Kinh Thánh loan báo. Chính vì thế mà, sự sinh ra, sự sống và sự chết của thánh Gioan đều loan báo Đức Ki-tô, đều trở nên một với Đức Ki-tô. Chúng ta, với tư cách là Ki-tô hữu nhờ phép Thanh Tẩy, trong ơn gọi gia đình hay tu trì, cũng được mời gọi trở nên một Gioan khác, nghĩa là sự sinh ra, sự sống và sự chết của chúng ta cũng phải loan báo Đức Ki-tô và trở nên một với Đức Ki-tô. Nhưng thực ra, Đức Ki-tô đã trở nên một với chúng ta trước rồi, qua sự sinh ra, sự sống và sự chết của Ngài ; và mỗi ngày, Ngài tiếp tục trở nên một với chúng ta ngang qua Lời của Ngài, ngang qua Mình và Máu Thánh của Ngài. Chúng ta chỉ cần đáp lại thôi, là ở lại và trở nên một với Đức Ki-tô.
Như thế, trước khi lắng nghe sứ điệp của thánh Gioan, thì chính cuộc đời của ngài đã là một sứ điệp mạnh mẽ và cuốn hút chúng ta rồi.

2.     “Thầy có thật là Đấng phải đến không?”
Khi nghe và nhất là cầu nguyện với các Tin Mừng nói về thánh Gioan trong những ngày vừa qua, chúng ta không thể không nhớ đến những điều lạ lùng xẩy ra cho thánh Gioan Tẩy Giả lúc ông còn trong bụng mẹ: “ông đã nhảy mừng” khi Đức Maria đem Đức Giê-su đến, lúc ấy cũng còn đang được hoài thai, nhưng trẻ hơn. (x. Lc 1, 39-45) Và chúng ta cũng có thể nhớ đến những lời đầy hi vọng của bố Zacharia nói về con của mình trong bài ca “Chúc Tụng” (Benedictus) bất hủ:
Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người.
(Lc 1, 76)
Như thế, những điều kì diệu và những mặc khải lạ lùng thủa ban đầu đã không miễn trừ cho thánh Gioan Tiền Hô khỏi những tìm kiếm, thậm chí tìm kiếm trong tăm tối để khám phá và gặp được Đức Ki-tô. Và thử thách ông đang trải qua thật tận căn, cả về số phận lẫn hành trình nhận ra “Đấng Phải Đến”, như thánh sử Luca kể lại trong bài tin Mừng hôm qua:
Ông Gio-an liền gọi hai người trong nhóm môn đệ lại, sai họ đến hỏi Chúa rằng: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”
(Lc 7, 18-19)
Đó cũng là như thế đối với hành trình đức tin của chúng ta, cho dù mọi sự đều thật rõ ràng và minh bạch về kiến thức đến từ kinh Tin Kính và việc học giáo lí, nhưng mỗi người chúng ta vẫn được mời gọi có kinh nghiệm đích thân nhận ra Chúa là Đấng phải đến trong thế giới, cộng đoàn, gia đình và trong cuộc đời của chúng ta. Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về những khó khăn đôi khi kéo dài và diễn ra trong tăm tối của hành trình tìm kiếm, gặp gỡ đích thân, hiểu biết và yêu mến Đức Ki-tô trong cuộc đời cụ thể của chúng ta, với những thăng trầm, buồn vui, vất vả và đầy thách đố. Vì thế, chúng ta cần kiên nhẫn tôn trọng hành trình này của nhau và của chính mình, chúng ta cần tập nhìn với cái nhìn của Chúa, thay vì xét đoán về người khác và về chính mình nữa. Mà cái nhìn của Chúa là cái nhìn cảm thông, kiên nhẫn và gợi mở.

3.     Mầu Nhiệm Vượt Qua
Gioan đang ngồi trong tù chờ bị xử trảm, nhưng Đức Giê-su lại tôn vinh ông, bằng cách tuyên bố về địa vị của ông cách long trọng:
Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gio-an.
(c. 28a)
Chúng ta đã có thể nhận ra mầu nhiệm Vượt Qua ở đây rồi, vì chính vào lúc thử thách nhất, bế tắc nhất, vào lúc cận kề cái chết và mất hết tất cả, kể cả mạng sống của mình, Đức Giê-su bằng Lời Hằng Sống của mình, tôn vinh Gioan ở mức độ toàn nhân loại, bởi vì, loài người chúng ta, ai cũng phải sinh ra từ mẹ, và Gioan là người lớn nhất trước mặt Thiên Chúa!
Đó là tương phản thứ nhất thuộc mầu nhiệm Vượt Qua. Thực ra, là thứ hai mới đúng, vì giữa chân dung Đấng phải đến và chân dung thực sự của Đức Giê-su, đã là tương phản thứ nhất rồi. Nhưng vẫn còn một tương phản nữa, khi Chúa nói:
Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa
còn cao trọng hơn ông
(c. 28b)
Người nhỏ nhất trong Nước Trời đã lớn hơn Gioan rồi, vậy những người còn lại sẽ còn lớn hơn biết bao! Đây là một cách nói của Đức Giê-su nhằm phá đổ thói quen thích xếp hạng, phân loại, phân cấp, phân bậc của con người và đồng thời mặc khải cho chúng ta một giá trị mới và một tương quan mới trong Nước Trời.
Để có mặt trên đời chúng ta phải sinh ra, và để có mặt trong Nước Trời, chúng ta cũng phải sinh ra, sinh ra một lần nữa, hay nói cách khác, chúng ta phải tái sinh cho giá trị mới và tương quan mới (x. Ga 3, 3). Cũng như việc cưu mang và sinh ra thể lí, việc cưu mang và tái sinh trong Nước Trời cũng dài lâu và khó khăn , nhưng niềm hi vọng và niềm vui bền vững cũng rất lớn.
*  *  *
Thánh Gioan Tiền Hô, tuy đến cuối đời vẫn chưa xác tín về “Đấng phải đến”, nhưng Đức Giê-su đã công bố long trọng phần phúc của ông rồi:
  • Phúc thứ nhất: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả.
  • Phúc thứ hai: ông Gioan đã là “công dân Nước Trời” rồi, trong mức độ ông loan báo Đức Ki-tô không chỉ bằng lời rao giảng, nhưng nhất là bằng cuộc đởi của mình, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết; như thế ông đã trở nên một với Đức Ki-tô.
Nếu mối phúc thứ nhất chỉ có Gioan mới có, vì ai trong chúng ta cũng lọt lòng mẹ, nhưng không cao trọng gì mấy, thì mối phúc thứ hai của thánh Gioan lại được ban cho tất cả chúng ta, đó là trở thành công dân Nước Trời, là trở nên một với Đức Ki-tô, qua việc làm chứng về Ngài bằng chính cuộc đời của chúng ta, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, trong trong hi vọng và trong niềm vui.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ.


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần III MV
Bài đọc: Isa 54:1-10; Lk 7:24-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nhận ra và đáp trả tình yêu Thiên Chúa.
Thiên Chúa rất yêu thương con người, và Ngài mong con người đáp trả tình yêu để được sống hạnh phúc với Ngài. Trong thực tế, con người không luôn đáp trả tình yêu Thiên Chúa, họ chạy theo những mối tình không mang lại hạnh phúc. Đó là lý do khiến Thiên Chúa phải sửa phạt để con người nhận ra đau là tình yêu thật mà quay về. Trong bài đọc I, tiên tri Isaiah muốn cho dân Do-thái nhận ra tình yêu trung thành của Thiên Chúa để họ biết ăn năn quay về. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả chuẩn bị tâm hồn dân chúng và chỉ cho họ đến với Chúa Giêsu. Đa số dân chúng và những người thu thuế đã nhận ra tội lỗi của họ và ăn năn thú nhận để được tha thứ; nhưng một số các kinh-sư và kỳ lão vẫn ngoan cố trong tội của họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Núi có dời có đổi, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi.
1.1/ Con người nhận ra sự phản bội của mình và quay trở về với Thiên Chúa: Trình thuật của Isaiah hôm nay nằm trong những chương cuối của Sách Isaiah Đệ Nhị, khi dân chúng Israel đang sống trong nơi lưu đày. Nhiệm vụ của tiên tri là làm cho dân chúng nhận ra tội lỗi và sự phản bội của họ, đồng thời tiên tri cũng trình bày lòng thương xót và tình yêu trung thành của Thiên Chúa. Họ bị mất nước nhà tan là vì họ đã chạy theo những vị thần chẳng cứu nổi ai. Họ bị đau khổ, nhục nhã là vì họ đã bỏ Luật của Thiên Chúa để chạy theo những đam mê của dục vọng và những lôi cuốn của thế gian dâng tặng.
Tuy nhiên, họ vẫn còn hy vọng quay trở về với tình yêu Thiên Chúa vì Ngài là Thiên Chúa của lòng thương xót, và tình yêu của Ngài mãi mãi vững bền. Nếu họ quyết tâm trở lại, Thiên Chúa sẽ đền bù tất cả những mất mát và ban cho họ được hạnh phúc hơn xưa. Tiên tri Isaiah xác tín với dân chúng: “Quả thế, Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh; Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Israel, tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất.”
1.2/ Thiên Chúa phải sửa phạt là để con người đừng hư mất: Tình yêu thật sự và trung thành không nghĩ đến việc khai trừ vĩnh viễn, nhưng nhấn mạnh đến việc ăn năn để nối lại tình xưa nghĩa cũ. Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người là tình thiên thu, chứ không phải là thứ tình tạm bợ, Ngài muốn yêu thương và sống hạnh phúc với con người suốt đời. Vì quá yêu con người nên Ngài không muốn họ phải hư đi; vì thế Ngài phải sửa phạt. Nếu Ngài không sửa phạt con người, Ngài sẽ mất họ đời đời. Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu trung thành khi Ngài sửa phạt con người. Trong nơi lưu đày, một số người đã nhận ra tình yêu đích thực của Thiên Chúa, họ ăn năn hối hận vì đã bỏ Thiên Chúa để quay sang thờ các thần ngoại, và giờ đây họ muốn quay về với Ngài.
Khi họ ăn năn quay về, Thiên Chúa lập tức tha thứ và nối lại nghĩa cũ tình xưa như lời Ngài bày tỏ: “Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp. Lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót.”
2/ Phúc Âm: Thiên Chúa sai Gioan tới để chuẩn bị tâm hồn dân đón nhận Đấng Thiên Sai.
2.1/ Sự cao trọng của Gioan Tẩy Giả: Đợi cho môn đệ của Gioan ra về, Đức Giêsu bắt đầu nói với đám đông về ông Gioan rằng: Anh em đi xem gì trong hoang địa?
- “Một cây sậy phất phơ trước gió chăng?” Gioan không phải là cây sậy phất phơ trước gió, nhưng là một cây cổ thụ hay một tảng đá vững chắc không có gì lay chuyển được. Niềm tin của Elijah vào Thiên Chúa vững vàng đến độ dù toàn dân chạy theo thần Baal trên núi Carmen, một mình ông vẫn chứng tỏ cho mọi người biết đó là sự sai lầm và họ cần quay về với Thiên Chúa thật. Niềm tin của Gioan vào Đức Kitô vững vàng đến độ ông sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời để chuẩn bị cho dân chúng sẵn sàng để đón Ngài và chỉ cho dân chúng thấy khi Ngài xuất hiện. Sau cùng ông đã chết để làm chứng cho sự thật.
- “Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Nhưng kẻ áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong cung trong điện.” Ngược lại, Gioan là một người sống hết sức đơn giản, ông không lệ thuộc quá nhiều vào vật chất như những người đương thời với ông. Vì vậy, ông có rất nhiều thời gian để thi hành sứ vụ Thiên Chúa trao phó.
- “Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa!” Vì khiêm nhường, Gioan không chịu nhận mình là ngôn sứ khi bị chất vấn bởi những người được sai đến bởi Thượng Hội Đồng từ Jerusalem; nhưng ông đã làm công việc của một ngôn sứ trong Cựu Ước. Giờ đây, ông được trao cho một nhiệm vụ cao cả là dọn đường cho Đấng Thiên Sai tới bằng cách chuẩn bị tâm hồn cho dân chúng để họ đón nhận Ngài.
Chúa Giêsu khen Gioan: “Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến!” Đây là những lời trong Sách Xuất Hành 23:20 với một ít sửa đổi: “Này, Ta sai một sứ giả đi trước con, để bảo vệ con trên đường và đưa con vào nơi Ta đã sửa soạn.” Và Ngài công khai khen Gioan trước mặt mọi người: "Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông.” Dĩ nhiên Gioan cũng thuộc về Nước Thiên Chúa vì cả cuộc đời của ông sẵn sàng chết cho Nước này. Điều Chúa muốn nhấn mạnh ở đây là sự quan trọng của việc vào được Nước Thiên Chúa, không có một vinh quang trên đời này có thể so sánh được.
2.2/ Kết quả của việc rao giảng của Gioan Tẩy Giả: Hai kết quả hoàn toàn trái ngược nhau được Chúa Giêsu đưa ra.
(1) Toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính và đã chịu phép rửa của ông. Đây là hạng người không biết nhiều về Lề Luật, và những người thu thuế được coi như những người tội lỗi công khai; nhưng chính vì họ khiêm nhường nhận mình không biết và tội lỗi, mà những lời rao giảng của Gioan thấm nhập tâm hồn họ. Họ khao khát được tẩy trừ tội lỗi để được Thiên Chúa cứu độ.
(2) Còn những người Pharisees và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông. Đây là hạng người có rất nhiều cơ hội để biết Thiên Chúa vì họ nắm giữ Lề Luật; nhưng thay vì để cho những lời của Lề Luật và các Ngôn Sứ soi sáng dẫn đường, họ để cho lợi nhuận bề ngoài che mắt, khiến họ ghen tương khi thấy toàn dân bỏ họ và chạy đến cùng Gioan. Họ không nhìn ra ông chính là tiên tri Elijah mà họ vẫn hằng mong đợi ông đến để dọn đường cho Đấng Thiên Sai. Hơn thế nữa, vì tính kiêu ngạo, họ cũng sẽ không nhận ra Đấng Thiên Sai mà họ hằng mong đợi và Lề Luật đã nói tới đang đứng trước mặt họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Để sống hạnh phúc, chúng ta phải đáp trả tình yêu thật sự và trung thành của Thiên Chúa. Nếu không, chúng ta sẽ phải trả giá cho sự phản bội và bất trung.
- Vì yêu thương, Thiên Chúa phải sửa phạt, nhưng Ngài cho rất nhiều cơ hội để chúng ta biết ăn năn quay về. Chúng ta đừng cứng lòng, nhưng hãy biết năm lấy cơ hội để trở về và đáp trả tình thương của Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

15/12/16 TH NĂM TUN 3 MV
Lc 7,24-30

Suy nim: Gio-an Ty gi làm gì mà được Đc Ki-tô nói là “còn hơn c ngôn s na”? Trong thi Cu Ước, có rt nhiu ngôn s. Các ngài thc thi s v vào nhng thi đim nguy kch nht trong lch s Dân Chúa, nói Li ca Chúa đ nhc nh h thc hin giao ước và cũng báo trước Đng Cu Thế s đến đ thiết lp giao ước mi. Gio-an Ty gi còn hơn thế: bi vì chng nhng ngài là Ê-li-a xut hin đ báo tin “Đng phi đến” đã đến, mà hơn thế na ngài còn làm phép ra cho Đc Ki-tô và gii thiu đích danh: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đng gánh ti trn gian”; ngài là bn l chuyn tiếp t Cu Ước sang Tân Ước. Chúng ta còn nh nhng li rao ging ca Chúa Giê-su cũng bt đu t  s đip mà Gio-an Ty gi loan báo: “Anh em hãy sám hi, vì Nước Tri đã đến gn” (so sánh Mt 3,2 và Mt 4,17).
Bn ơi! Khi bn lãnh nhn bí tích ra ti, Đc Ki-tô cũng trao cho bn s v ngôn s đó. Và mi khi bn ôm p Chúa Giê-su Thánh Th trong lòng bn, bn được sai đi đ loan báo cho mi người, qua đi sng chng nhân ca bn, rng: Nước Thiên Chúa đã đến ri trong lòng thế gii, trong lòng tôi”. Hơn c mt ngôn s, bn đang tham d vào s v cu thế ca Đc Ki-tô.
Chia s: Nhóm ca bn cùng thc hin mt vic làm chng cho Đc Ki-tô.
Sng Li Chúa: Dành ít phút tâm s vi Chúa Giê-su Thánh Th đc bit sau khi rước l.
Cu nguyn: Ly Chúa, qua bí tích Ra Ti, Chúa trao cho con s v làm ngôn s. Xin cho con trung thành làm chng nhân ca Chúa.

Hơn c ngôn s na (15.12.2016 – Th năm Tun 3 Mùa Vng)
Chúng ta cũng không vào hoang đa đ sng đc thân. Nhưng li sng ca chúng ta phi khiến người đương thi đt nhng câu hi v Đc Giêsu, v vĩnh cu, v ý nghĩa cuc sng.


Suy nim:
“Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Lc 7, 23).
Dưới góc độ nào đó, có thể nói Gioan đã “vấp ngã” vì Đức Giêsu.
Khuôn mặt của Ngài không như những gì ông nghĩ và mong đợi.
Ông ngỡ ngàng vì Đức Giêsu hành động ngược với điều ông trình bày.
Rõ ràng Gioan vẫn thuộc về thời đại cũ. 
Nhưng Đức Giêsu tôn trọng vị thế của Gioan,
và đã hết lời ca ngợi ông trước mặt dân chúng.
Gioan đã gây nên một phong trào rộng lớn nhằm canh tân.
Ông sinh ra một cách lạ lùng và sống cũng lạ lùng.
Hoang địa là nơi ông chọn để sống một mình và cất tiếng gọi sám hối.
Tiếng gọi này thu hút đến nỗi người ta kéo nhau đến gặp ông.
“Anh em đi xem gì trong hoang địa ?” 
Câu hỏi này được Đức Giêsu nhắc đến ba lần (cc. 24-26).
Gioan hẳn không phải là một cây sậy dễ uốn mình theo mọi chiều gió.
Nếu thế thì ông đã chẳng bị bắt và tống ngục.
Gioan cũng không phải là người ăn mặc sang trọng trong cung.
Ông sống khổ hạnh cả về ăn lẫn mặc (Lc 1, 15; 7, 33).
Nếu hoang địa lôi kéo bao đoàn người háo hức đổ về
thì chỉ vì người ta muốn tìm gặp một vị ngôn sứ.
Dân chúng tin Gioan là vị ngôn sứ mà họ chờ đợi đã lâu.
Họ mong được nghe Thiên Chúa nói sau thời gian dài thinh lặng. 
Đức Giêsu khẳng định Gioan còn lớn hơn một ngôn sứ nữa (c.26),
bởi lẽ ông chính là người đi trước dọn đường cho Ngài (c. 27).
Ông thuộc về một thời đại đã qua, nhưng ông giới thiệu về thời đại mới.
Ông là ngôn sứ cao trọng hơn các ngôn sứ của Cựu Ước
vì ông trực tiếp chỉ cho mọi người thấy Đấng Cứu độ.
Dọn đường cho Chúa Giêsu đến là việc chúng ta vẫn phải làm.
Ngài vẫn cần những Gioan mới để mở đường cho Ngài vào,
để trở thành nhịp cầu cho con người thế kỷ 21 gặp và tin.
Chúng ta không thể mặc áo lông lạc đà hay ăn châu chấu.
Chúng ta cũng không vào hoang địa để sống độc thân.
Nhưng lối sống của chúng ta phải khiến người đương thời
đặt những câu hỏi về Đức Giêsu, về vĩnh cửu, về ý nghĩa cuộc sống.
Chấp nhận làm người dọn đường cũng phải chấp nhận thất bại.
Những người bình dân và tội nhân đã tin vào sứ điệp của Gioan (c. 29),
còn những người trí tuệ hơn lại khước từ, không chịu phép rửa (c. 30).
Khước từ Gioan là khước từ ý định cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu. 
Kitô hữu chúng ta được diễm phúc hơn Gioan
vì được thuộc về Nước Thiên Chúa do Đức Kitô khai mở (c. 28).
Chúng ta đang được hưởng những ân phúc mà Gioan chưa được hưởng.
Gioan chỉ cho dân tộc mình thấy Đấng Cứu Độ,
còn chúng ta được sống tình thân với Đấng Cứu Độ và nên một với Ngài.
Kitô hữu cũng phải chấp nhận sống trong một thứ hoang địa khắc khổ nào đó,
để tiếng kêu của mình dễ được con người hôm nay nghe hơn.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
15 THÁNG MƯỜI HAI
Ngài Đã Vượt Qua Mọi Giới Hạn
Một trong những đặc điểm của đức tin Kitô giáo chúng ta, đó là Thiên Chúa hiện diện rất gần gũi chúng ta. Thánh Tông Đồ Phaolô tuyên bố: “Chúa đang đến gần,” và chân lý này không ngừng âm vang trong suốt cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa gần gũi bởi vì Ngài đã tự mạc khải chính Ngài cho con người. Ngài đã ngỏ lời qua các ngôn sứ, và trong thời sau hết, Ngài đã nói qua Con của Ngài (Dt 1,1-2).
Thiên Chúa gần gũi, bởi vì nơi người Con này, nơi Lời vĩnh cửu, Ngài đã trở thành phàm nhân. Sinh hạ tại Bê-lem bởi Đức Trinh Nữ Maria, Đức Giêsu Na-da-rét đã ‘làm việc bằng đôi tay con người, suy nghĩ bằng trí óc con người, đã yêu mến bằng trái tim con người’ – như chúng ta đọc thấy trong một văn kiện của Công Đồng. “Ngài đã thực sự trở nên một người ở giữa chúng ta, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi” (MV 22). Thậm chí Ngài đã trở thành thấp hèn, vâng phục cho đến chết. Ngài bị xử tử trên Thập Gía. Có thể nói rằng trong hành động tiến tới với con người, Ngài đã vượt qua mọi giới hạn.
Hơn nữa, tiến tới với con người, Ngài đã mặc lấy hình dạng của bánh và rượu trong Bí Tích Thánh Thể. Ngài đã trở nên lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta. Một lần nữa, qua Bí Tích Thánh Thể, Ngài đã vượt qua mọi giới hạn mà con người có thể tưởng tượng ra.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 15-12
Is 54,1-10; Lc 7,24-30.

Lời suy niệm: “Tôi nói cho anh em biết trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không ai cao trọng hơn ông Gioan; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông.”
Với sứ vụ và đời sống của Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu tỏ ra yêu mến và khen ngợi ông một cách chân tình: “Những người sinh ra bởi người nữ, không ai cao trọng hơn ông Gioan”; nhưng Chúa Giêsu không dừng lại ở Gioan, mà Người còn cho biết: “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông”. Điều này giúp cho mỗi người phải biết sống tốt với anh em và với thiên nhiên cùng các tạo vật khác; cũng như trong việc thờ phượng Thiên Chúa, để hưởng được hạnh phúc như Chúa Giêsu cho biết.
Lạy Chúa Giêsu. Nhờ phép Rửa Chúa truyền ban, mà chúng con đã nhận lãnh, đã biến đổi chúng con thành một tao vật mới. Xin cho tất cả chúng con luôn gìn giữ cho nó được tinh tuyền cho đến khi ra trước tòa Chúa để được hưởng hạnh phúc đời đời trong Nước Thiên Chúa.
Mạnh Phương



15 Tháng Mười Hai
Xin Một Chút Ánh Sáng
Triết gia Diogène nổi tiếng là người hạnh phúc nhất trên đời, thế nhưng cuộc sống của ông lại rất đơn sơ nghèo nàn. Ông sống trong một cái thùng, ngày ngày nằm đọc sách nhờ ánh sáng qua lỗ hỏng ở vách thùng. Cơ nghiệp của ông vỏn vẹn chỉ có một cái bát gỗ dùng để múc nước sông mà uống. Thế nhưng, một hôm ra sông để lấy nước, ông thấy có một em bé chăn cừu dùng hai tay để vục nước mà uống. Thế là ông ném cái bát đi và từ đó chỉ dùng tay mà uống nước.
Vua Hy Lạp nghe biết ông là người hạnh phúc nhất đời bèn tìm đến tận nơi để thăm. Thấy ông đang nằm đọc sách, nhà vua lại gần để hỏi xem ông có cần gì không. Diogène không trả lời. Nhà vua hỏi vặn nhiều lần, ông điềm tĩnh trả lời như sau: "Hạ thần chỉ xin bệ hạ một điều và chỉ một điều mà thôi: xin bệ hạ tránh ra để hạ thần có đủ ánh sáng mà đọc sách". Diogène đã đuổi khéo nhà vua vì sợ bị sa vào tròng danh lợi mà mất cái niềm vui thảnh thơi trong cuộc đời thanh bần đơn sơ.
Ai trong chúng ta cũng muốn giàu có. Thế nhưng giàu có không hẳn đem lại hạnh phúc thật sự cho chúng ta. Chỉ có những ai có tinh thần nghèo khó, chỉ có những ai không coi tiền của như cứu cánh của cuộc đời, những người đó mới thực sự có hạnh phúc.
(Lẽ Sống)

Lectio Divina: Luca 7:24-30
Thứ Năm, 15 Tháng 12, 2016

Thứ Năm sau CN III Mùa Vọng                                      


1.  Lời Nguyện Mở Đầu

Lạy Chúa, ý thức về tội lỗi của chúng con làm chúng con buồn bã, và khiến cho chúng con cảm thấy mình bất xứng để phục vụ Chúa, chúng con nhận ra rằng chúng con cần ơn cứu rỗi của Chúa và sự thứ tha của Chúa Cha.  Một lần nữa, xin Chúa hãy sai sứ giả Chúa, bởi vì vị ấy dọn đường cho Con Chúa trước mặt chúng con:  chúng con muốn đi theo một cách trung thành, xin hãy để cho chúng con được đắm chìm trong phép thanh tẩy của lòng thương xót Chúa.  Xin hãy ban cho chúng con niềm vui mừng của Chúa và xin cứu rỗi chúng con với sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, Con Chúa, Đấng hằng sống hằng trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

2.  Phúc Âm – Luca 7:24-30                                                                       

Khi những người Gioan sai đến đi rồi, Chúa Giêsu nói với đám đông về Gioan rằng:  “Các ngươi đi xem gì ở hoang địa?  Một cây sậy phất phơ trước gió ư?  Vậy các ngươi đi xem gì?  Một người ăn mặc lả lướt ư?  Nhưng những người ăn mặc óng ả và đời sống xa hoa thì ở trong cung điện nhà vua.  Vậy các ngươi đi xem gì?  Một tiên tri ư?  Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa.  Chính về ông đã có lời chép rằng: 

‘Này đây Ta sai sứ thần Ta đi trước con, và sẽ dọn đường cho con’. 

Ta nói cho các ngươi biết, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một người nào cao trọng hơn Gioan; nhưng người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa lại cao trọng hơn ông”.
Toàn thể dân chúng đã nghe Ngài, cả những người thu thuế đều vâng lời Thiên Chúa, và chịu phép rửa của Gioan.  Còn những người Biệt Phái và Luật Sĩ đã khinh chê ý định của Thiên Chúa, và họ không chịu để Gioan thanh tẩy cho.

3.  Suy Niệm

Chúng ta đang bước vào những ngày lễ của Tuần Cửu Nhật Giáng Sinh và hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, và giúp cho sự lựa chọn của chúng ta rõ ràng, khẳng định và mạnh mẽ:  Chấp nhận lời đề nghị của Gioan Tẩy Giả, và sau đó chúng ta đến gặp ông trong Con Đường đã chuẩn bị; đặt mình về phía tội nhân và do đó cần được hoán cải, hay là về phía những kẻ tự coi mình đã có được ơn cứu rỗi và không cần bất cứ điều gì.
Đoạn Tin Mừng này của Luca giúp chúng ta bước vào một cuộc đối thoại và sự đối mặt riêng tư mạnh mẽ với Chúa Giêsu, bởi vì Chúa, với những câu hỏi và lời tuyên bố của Ngài, đã đặt trước chúng ta trong tâm điểm của Con Đường tâm linh, con đường mà có lẽ ta đã đến và nó vẫn còn ở trước mặt.

-  Điều đầu tiên cần nhấn mạnh là việc Chúa Giêsu lặp lại câu hỏi ba lần với đám đông:  “Các ngươi đi xem gì?”  Nó quan trọng, bởi vì tại đây văn bản, nếu diễn giải theo nghĩa đen, có nghĩa là:  “Các ngươi đến để xem gì?”  Dùng những chữ này, Chúa đặt nó trong một ánh sáng tích cực, làm nổi bật một sự cam kết tâm linh, một tiến trình đã bắt đầu.
-  Nhưng đồng thời, Chúa muốn giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về những gì đã xảy ra bên trong chúng ta, Chúa muốn xua tan bóng tối của chúng ta, Người muốn thúc đẩy chúng ta hướng về các quyết định xác thực và quan trọng hơn.  Và, giống như Người vẫn thường làm với các môn đệ của mình, vẫn đối với chúng ta, Người bẻ bánh Lời Chúa, mặc khải ý nghĩa của Kinh Thánh, mượn một câu nói từ lời tiên tri của ngôn sứ Malakhi, Chúa Giêsu ban cho chúng ta chìa khóa thực sự về hình ảnh ông Gioan Tẩy Giả.  Ông là một sứ giả, sứ giả của Thiên Chúa, ông mở và dọn đường cho Đấng Cứu Thế sắp đến.  Ông Gioan là lằn ranh giữa Cựu Ước và Tân Ước, là nhịp cầu dẫn đến miền Đất Hứa thực sự, Chúa Giêsu là cửa ngõ vào Vương Quốc Thiên Chúa.   
-  Tuy nhiên, theo như lời Chúa Giêsu nói trong những câu cuối cùng, nó vẫn còn là một tiến trình chuyển đổi.  Sau khi được tự do, sau khi đã nhìn thấy, chúng ta phải lắng nghe và nhận phép thanh tẩy (câu 29).  Có nghĩa là, bạn phải chấp nhận mình trở thành con đường của cởi mở, chân thành sẵn lòng cho tiếng nói của Thiên Chúa trong tất cả những việc này, không sợ hãi, không ngần ngại điều gì, chúng ta nên dìm mình trong sự tự tin, cũng như trong phép thanh tẩy.  Bạn hãy nhận lấy đại dương lòng thương xót, và để cho mình chấp nhận hoàn toàn, trong vòng tay của Chúa Cha.   
-  Bản nhạc kết thúc với lời nhắc đến kế hoạch của Thiên Chúa, bởi vì Người sẵn lòng muốn yêu thương chúng ta, kế hoạch ơn cứu độ của Ngài.  Thiên Chúa mong ước, muốn dẫn dắt chúng ta đến với Ngài vì ơn cứu độ và hạnh phúc tràn đầy, nhưng phải do lời đáp trả tự ý của chúng ta, đó là tình yêu.  Và một lần nữa, thánh Luca trình bày cho chúng ta một sự chọn lựa rõ ràng, được diễn tả bởi hai động từ:  “phần gia nghiệp” và “dọn chỗ”.  Sự chọn lựa là ở nơi chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân

-  Tôi có nhận thấy mình ở trong số những kẻ ra xem và đã thấy không?  Tôi có thực sự làm cuộc tiến trình tâm linh này, tối thiểu, đã hướng dẫn tôi:  vì Thiên Chúa, mầu nhiệm của thánh ý Ngài trong đời sống của tôi và các anh em, trong các tình huống, ngay cả những lúc mệt mỏi nhất hay bực dọc nhất không?
Và mắt tôi có đã thực sự mở ra để trông thấy, hoặc thậm chí để chiêm ngắm, để có thể đi quá một chút “khỏi bề mặt của sự vật, vượt khỏi vẻ bề ngoài của người ta và sự việc không?
Và tôi nghĩ rằng nếu những bước này chưa xảy ra, bây giờ, khi Người đang mở ra trước tôi một một năm dài chuẩn bị cho việc Chúa Giáng Sinh, tôi có muốn thực hiện điều cam kết này, tôi có muốn bước ra và nhìn thấy Thiên Chúa trong cuộc đời tôi không?
-  Ông Gioan mà tôi được giới thiệu trong bài Tin Mừng này, là một vị tiên tri, một sứ giả, người dọn đường cho Chúa.  Tôi suy nghĩ về sự thực này, tôi có sẽ mở lòng mình ra để cho quyền năng Lời Chúa được công bố không, tôi có thật sự bắt đầu lắng nghe sứ điệp mà Thiên Chúa muốn ban cho cuộc đời tôi, cho con người tôi không?  Nều có một con đường được vạch ra cho tôi, thì tôi có quyết định đi theo con đường đó không?
-  Và cuối cùng, bước quan trọng nhất.  Tương tự, khi tôi chọn lựa, tôi cũng có cần phải nhận ra vòng tay của Chúa Cha không?  Tôi có đã lao mình vào đại dương tình yêu của Người để nhận lấy một phép thanh tẩy mới không?  Tôi có vẫn còn lo ngại mình bị ướt, được Ngài dang tay ôm lấy, bởi sự hiện của Ngài, bởi thần khí của Ngài trong cuộc đời tôi không?  Tôi có muốn bắt đầu một cuộc sống mới ngay ngày hôm nay không?  Và tôi có cho dấu hiệu nói rằng sự chọn lựa của tôi là đúng không?  Có lẽ, tôi sẽ đi xưng tội, tham dự Thánh Lễ một cách sốt sắng hơn chăng?
Vâng, tôi thực sự muốn bước vào trong đại dương thương xót và dìm mình hoàn toàn trong đó, không chút chống đối, không chút do dự lưỡng lự.  Amen 

5.  Lời nguyện kết

Chỉ có Chúa, Chúa là phần gia nghiệp của con.

Lạy Chúa, xin gìn giữ con,
vì bên Ngài, con đang nương náu.
Con thưa cùng Chúa:  “Ngài là Chúa con thờ,
ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc?”
Còn thần ngoại xứ này, những thần linh xưa con sùng mộ,
vẫn gia tăng tàn phá, và thiên hạ tới tấp chạy theo.
Máu tế thần, con quyết chẳng dâng,
tên của thần, môi con không tụng niệm!

Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
Phần tuyệt hảo may mắn đã về con,
vâng, gia nghiệp ấy làm con thỏa mãn.

Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy,
ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.
Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.
Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.
Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.
Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!

(Tv 16:1-11)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét