Lao động: Chẳng cần đức, chỉ cần tiền !!! Giáo hội nghĩ sao ?
Có chính quyền nào, Giáo hội nào giúp cho chủ và thợ đừng
giản lược lao động; coi lao động chỉ thuần tuý là sức lực vật chất thuận mua vừa
bán, người lao động chỉ là công cụ? Vì khi lao động bị giản lược là lao động
bị tha hoá, méo mó, mất tính nhân bản và cao quí: Con người cộng tác với Đấng Tạo
Hoá để xây dựng và phát triển thế giới này.
Ngày xưa ở thế kỷ 19, có Đức giáo hoàng viết một bài rất to:
Tân Sự.
Ngày nay, vẫn còn những điều mới mẻ và thay đổi: Toàn cầu
hoá; gây bao thay đổi. Đổi văn hoá, lao động, kinh tế, chính trị, xã hội và ai
cũng có thể bị tác động của toàn cầu hoá.
Đã có máy bay chở khách và hàng rất nhanh, lại có truyền
thông cực nhanh, khiến việc thương mại, sản xuất, tổ chức lao động, chủ và thợ
đều có những biến động, mà những nhà luân lý cũng nhiều phen phải chau đôi mày
vì những hệ luỵ của toàn cầu hoá.
Việt Nam bị tác động của toàn cầu hoá -đã đành- nhưng chính
Việt Nam còn bị ảnh hưởng thêm của sản phẩm “made in Việt Nam”: Kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa!
Người lao động Việt Nam, anh biết gì? Anh nghĩ gì?
Anh cũng vui vui khi chủ của anh đề nghị ” lương thoả thuận”?
Nhưng coi chừng, có những khuất tất đàng sau lương ấy: Thấp quá mà chẳng biết,
hoặc bị chủ giữ một phần, đến cuối năm mới trả…
Anh còn phải trả tiền để “mua công việc”, khi để được đi xuất
khẩu lao động, anh đã tiêu tốn đủ loại chi phí. Anh đã phải chia bao nhiêu cho
người tuyển anh?
Nếu anh được ai đó dẫn giải, anh sẽ hiểu ra thế nào là bóc lột
ở nước Việt Nam. Chính người Việt bóc lột người Việt, chưa phải bởi ông toàn cầu
hoá nào cả!
Xin anh hiểu cho
Xin anh hiểu cho, “lương công bằng” không được phép
thấp hơn mức sống của người lao động, đó là lẽ công bằng tự nhiên.
Xin anh hiểu cho: “Lương trả cho lao động phải như thế
nào đó để cho con người có phương tiện chăm lo đời sống vật chất, xã hội,
văn hoá và tâm linh của mình và của những người tuỳ thuộc mình“.
Xin anh đối thoại với ông chủ: Lương phải căn cứ trên năng
suất, chức năng của người lao động và hoàn cảnh của xí nghiệp, nhất là dựa vào
công ích.
Có thể tới một lúc nào đó, xin anh “công bố” rất to tiếng:
Ai không trả lương công bằng, trả lương không đúng hạn, trả lương không tương xứng
với việc làm của người lao động đều PHẠM TỘI BẤT CÔNG NẶNG NỀ.
Anh biết không, ý tưởng đẹp đẽ vừa nêu, đến từ Kinh Thánh đấy:
Lê vi 19,13; Đệ nhị luât 14,14-15.
Tắt môt lời, “đề nghị người chủ tôn trọng phẩm giá người lao
động chúng tôi “.
Và người chủ
Thế anh có thương yêu và tôn trọng chủ không, vì ông ấy cũng
là “hình ảnh Chúa”, cũng có “phẩm giá” như anh?
Anh thừa biết, người chủ “cũng khóc” đấy, cũng có gian nan
khốn khó, cũng bị cường hào ác bá tân thời nó siết đau lắm đấy, có khi phải hối
lộ đấy, lại còn nát óc quản lý những người lao động, mà không phải tất cả những
người đó đã sống xứng đáng. Có người tức tối chủ, hận đời, ghen ghét, muốn phá
tan cái nơi mà họ cho là bất công với họ, họ quên mất rằng lao động không chỉ
dùng làm công cụ kiếm miếng ăn hàng ngày, lao động còn là hành vi thể hiện phẩm
giá con người, tình trạng thất nghiệp là tình trạng ảnh hưởng đến cảm nhận về
phẩm giá của biết bao người.
Chủ và thợ
Nhìn vào Việt Nam, có lo lắng cho cả hai phía: Chủ và Thợ.
Có chính quyền nào, giáo hội nào giúp cho chủ và thợ đừng giản
lược lao động, người lao động; coi lao động chỉ thuần tuý là sức lực vật chất
thuận mua vừa bán, người lao động chỉ là công cụ? Vì khi lao động bị giản
lược là lao động bị tha hoá, méo mó, mất tính nhân bản và cao quí: Con người cộng
tác với Đấng Tạo Hoá để xây dựng và phát triển thế giới này.
Có ai nhắc chủ và thợ: Con người quan trọng nhất. Từ con người
mới có lao động.
Ước ao
Ao ước giới chủ thợ Việt Nam sẽ được đào tạo và giáo dục về
tính cao quí của lao động, và giữa chủ thợ sẽ có mối tương quan tốt đẹp. Lúc ấy,
tính luân lý trong lao động được coi trọng, xí nghiệp và xã hội được hưởng những
thành quả nhờ sự liên đới chủ thợ.
Minh Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét