Trang

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

Nhìn lại Công Giáo Mỹ năm 2016

Nhìn lại Công Giáo Mỹ năm 2016

Cuối năm, ký giả Inés San Martín của tập san trực tuyến Crux muốn nhìn lại Công Giáo Mỹ qua các biến cố lớn trong năm 2016. Đó là cuộc chạy đua giữa Trump và Clinton dưới mắt người Công Giáo, cuộc bầu cử ban lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cái nhìn của người Công Giáo về tệ nạn súng ống giết người tại Mỹ và cuộc đấu tranh của Dòng Tiểu Muội Người Nghèo chống Chính Phủ Obama.

Cuộc bầu cử năm 2016

Mặc dù các người ủng hộ ông vốn tin, hay đúng hơn, vốn mơ ước ông sẽ chiến thắng ngay từ lúc ông tuyên bố ra tranh cử, nhưng mọi cơ may dường như đều chồng chất chống lại Donald Trump. Trước ngày bầu cử 8 tháng Mười Một, mọi cuộc thăm dò đều cho thấy Hilarry Clinton đang nắm chắc phần thắng.

Ấy thế nhưng, bất chấp mọi mẩu khôn ngoan chính trị hợp qui ước nào, Trump đã làm kinh ngạc thế giới qua việc thắng chức tổng thống Hoa Kỳ.

Dù người Công Giáo vốn có tiếng chia rẽ, Trump vẫn đã tìm cách chiếm được đa số phiếu của họ, 52 phần trăm chọi với 45 phần trăm, một khuynh hướng bỗng trở nên hiển nhiên trong mấy ngày trước cuộc bầu cử. Người Tin Lành và Mormons cũng ủng hộ Trump, khiến các quan sát viên tin rằng tôn giáo, một lần nữa, đã tự chứng tỏ là một nhân tố quyết định trong nền chính trị Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, về số phiếu Công Giáo, kết quả tổng quát cho thấy sự phân rẽ rõ rệt về sắc dân: người Công Giáo Da Trắng ủng hộ Trump với bách phân 60 so với 30, trong khi người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha bỏ phiếu cho Clinton với bách phân 67 so với 26.

Dù nhiều người có thể hoài nghi ý hướng của ông ta, Trump đã đưa ra một số hứa hẹn phù hợp với giáo huấn Công Giáo, nhất là về phá thai, tự do tôn giáo, và phản đối lương tâm, cũng như hứa sẽ bổ nhiệm thẩm phán tối cao phò sự sống.

Ấy thế nhưng, một phần cương lĩnh của ông ta khá khó nhá đối với giáo huấn Công Giáo, đặc biệt là các vấn đề thuộc học thuyết xã hội, từ án tử hình tới di dân.

Liên quan tới cuộc tranh luận tại Hoa Kỳ về việc cải cách di dân, thời điểm gây tranh cãi đối với Trump là hồi tháng Hai khi Đức Phanxicô thăm Mễ Tây Cơ, trong đó, ngài có dừng lại tại biên giới Mỹ Mễ như một lời nhắn rõ rệt nhằm ủng hộ quyền di dân. Trên chuyến máy bay trở về Rôma, được hỏi cảm nghĩ về việc ứng cử viên Trump muốn xây tường dọc biên giới, Đức Phanxicô đã trả lời rằng một người như thế “không phải là người Kitô hữu”.

Thực ra, Đức Phanxicô muốn nói tới đề xuất xây tường, chứ không hẳn người đưa ra đề xuất này, nhưng dù sao, đây cũng là một khoảnh khắc gây bối rối cho người Công Giáo.

Cũng thế, sự lôi cuốn của Bà Clinton đối với cử tri Công Giáo gặp trở ngại lớn vì vụ tai tiếng hồi giữa tháng Mười liên quan tới việc rì rỏ điện thư của các nhân viên và cố vấn tranh cử của bà; các điện thư này cho thấy họ chế nhạo các người Công Giáo bảo thủ về xã hội và cho rằng Giáo Hội cực kỳ chậm tiến trong các liên hệ phái tính.

Một số người coi các điện thư trên là xúc phạm và chống Công Giáo, một số người khác coi chúng như những trao đổi quan điểm hợp pháp về Giáo Hội giữa các nhân viên của bà, nhưng đối với những người bảo thủ, các điện thư này làm tăng thêm cảm tưởng: Clinton và đội ngũ của bà khinh bỉ các cử tri tôn giáo nghiêm túc.



Bầu cử ban lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ

Tuy không có tính rầm rộ bằng, nhưng cuộc bầu cử Đức Hồng Y Daniel DiNardo của Tổng Giáo Phận Galveston-Houston và Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Tổng Giáo Phân Los Angeles làm chủ tịch và phó chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ chỉ sau cuộc bầu cử Ông Trump làm Tổng Thống Hoa Kỳ có 10 ngày cũng rất đáng lưu ý.

Đức Hồng Y DiNardo đương nhiên được bầu làm chủ tịch vì ngài vốn là phó chủ tịch dưới thời Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của tổng giáo phận Louisville.

Ấy thế nhưng, Đức Tổng Giám Mục gốc Mễ Tây Cơ Gomez thì không đương nhiên như thế, đến nỗi đến vòng phiếu thứ ba, ngài mới được bầu làm phó chủ tịch. Tiếp ngay sau đắc thắng của Trump, việc bầu một vị giáo phẩm hết lòng say mê tranh đấu cho quyền di dân được mọi người coi là một tuyên bố chính trị hết sức mạnh mẽ về các ưu tiên của giới lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, người ta đã lầm lúc ấy và vẫn còn lầm lúc này khi coi việc bầu Đức Tổng Giám Mục Gomez hoàn toàn như một lời tuyên bố chống Trump.

Được coi như một người có quan điểm mạnh mẽ nhưng không có tính ý thức hệ, vị giáo phẩm của Los Angeles được nhiều vị trong hàng giáo phẩm Hoa Kỳ ưa chuộng; nhiều vị coi ngài rất xứng đáng lãnh nhận mũ Hồng Y.

Điều cũng có tính quyết định là người nói tiếng Tây Ban Nha hiện chiếm tới 1 phần 3 số giáo dân của ngài (nếu nói về những người dưới 18 tuổi, thì họ chiếm tới 1 nửa), và Đức Tổng Giám Mục Gomez, một người Mỹ gốc Mễ Tây Cơ, là cách để các giám mục nhìn nhận tầm quan trọng mỗi ngày một tăng của nhóm người này.

Nói thì nói thế thôi, nhưng danh tiếng của Đức Tổng Giám Mục Gomez tăng lên rõ rệt sau ngày 9 tháng Mười Một, lúc ngài chứng tỏ rất nhiều lần rằng ngài là người ủng hộ cuộc cải tổ di dân toàn diện, một cuộc cải tổ có xem xét tới sự kiện “hệ thống của chúng ta đã sụp đổ từ lâu, các chính khách của chúng ta đã thất bại, không hành động đã quá lâu, đến nỗi những người mà chúng ta đang trừng phạt đã trở thành láng giềng của chúng ta”.

Các giám mục đáp ứng bạo lực súng đạn

Các nhà lãnh đạo Công Giáo lên án vụ thảm sát ngày 12 tháng Sáu tại quán ba Pulse dành cho người đồng tính ở Orlando, nơi 49 người bị giết và 53 người khác bị thương trong một cuộc bắn súng chết người hàng loạt của một tay súng duy nhất.

Đức Tổng Giám Mục Kurtz, lúc ấy là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, trong một tuyên bố tại một cuộc họp báo, đã nói rằng “Thức tỉnh sau vụ bạo động không bút nào tả xiết ở Orlando nhắc ta nhớ rằng sinh mạng con người thật qúy giá xiết bao”.

“Chúng tôi cầu nguyện cho các nạn nhân, các gia đình của họ và mọi người chịu ảnh hưởng bởi hành vi tàn bạo này. Tình yêu thương xót của Chúa Kitô mời gọi chúng ta liên đới với những người đau khổ và quyết tâm hơn nữa để bảo vệ sự sống và phẩm giá mọi người”.

Nhưng một số giám mục còn công bố lời tuyên bố riêng của mình trong những ngày giờ sau đó. Tất cả đều kết án bạo lực và ngỏ lời chia buồn với các gia đình nạn nhân, và một số vị cũng nhìn nhận rằng biến cố đầy kinh hoàng này nhắm vào vào những người đồng tính hay đổi giống (LGBT).

Chẳng hạn, Đức Cha Robert Lynch của St. Petersburg, Florida, gián tiếp liên kết vụ nổ sung này với các lời dạy và tuyên bố của các nhà lãnh đạo Công Giáo. Ngài viết: “Đáng buồn thay, chính tôn giáo, trong đó, có chúng ta, đã nhắm, phần lớn bằng lời, và còn thường nuôi dưỡng việc khinh mạn người đồng tính nam nữ và người đổi giống. Các vụ tấn công hôm nay vào người LGBT nam nữ thường gieo các hạt giống khinh miệt, rồi kỳ thị, mà sau cùng sẽ dẫn tới bạo lực”.

Nhưng không phải ai ai cũng nhất trí như thế.

Đức Cha Thomas Wenski, Tổng Giám Mục giáo khu Lynch, trong bài giảng của ngài để khai mạc chiến dịch Hai Tuần Lễ cho Tự Do Tôn Giáo, đã cảnh cáo người ta không được đổ lỗi cho “một tôn giáo đặc thù nào hay tôn giáo nói chung phải chịu trách nhiệm về sự tàn bạo này”. Ngài cho rằng nếu làm thế, sự thật sẽ trở thành “một thương vong khác sau cuộc tấn công khủng bố do một con sói duy nhất thực hiện”.

Suốt năm và trên khắp nước, các giám mục Công Giáo đã lên tiếng chống lại bạo lực súng đạn; trong nhiều trường hợp, các ngài đã kêu gọi phải kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn.

Đức Hồng Y Blaise Cupich, lúc ấy còn là Tổng Giám Mục, hồi tháng Sáu, đã tuyên bố rằng: “tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ bắt đầu cuộc thảo luận công cộng trong gia đình, trong khu phố, trong các nhà thờ, nơi làm việc của chúng ta về điều ta thực sự cần trong tư cách một xã hội”.

“Chúng ta không thể tiếp tục lối sống có quá nhiều cuộc nổ sung và giết người trên các đường phố của ta… nhất là các loại vũ khí tự động có hỏa lực cao, những loại vũ khí quét đường như người ta quen gọi này đã làm nhiều người ngã gục. Chúng ta không cần điều này ở các đường phố của chúng ta và nay là lúc để chúng ta nói lên điều đó và nắm tay nhau để hành động”.

Hồi tháng Bẩy, sau vụ nổ súng giết người nữa, lần này ở Dallas, khiến 5 cảnh sát viên chết và 6 người nữa bị thương, Đức Cha Kevin Farrell – nay là Hồng Y, bộ trưởng thánh bộ Gia Đình, Giáo Dân và Sự Sống, đã bày tỏ sự an ủi đối với các nạn nhân và kêu gọi chấm dứt bạo lực súng đạn.

Đầu năm nay, để trả lời các quy định của chính phủ Obama liên quan tới việc kiểm soát súng đạn gắt gao hơn và luật lệ của tiểu bang Texas cho phép các chủ nhân có phép giữ súng được trưng bầy súng ống một cách công khai, Đức Cha Farrell đã cho công bố một tuyên bố ngỏ lời cám ơn Thiên Chúa về sự can đảm của Tổng Thống Obama “dám trám các lỗ hổng trong luật lệ kiểm soát súng ống đáng trách nhằm giảm thiểu con số các vụ nổ súng hàng loạt, giết người và tự tử, vốn đã trở thành một cơn dịch tại xứ sở ta”.

Đức Cha Farrell cũng tuyên bố rằng súng đạn phải được ngăn cấm tại các cơ sở của Giáo Phận: “chính sách này bắt nguồn từ niềm tin này: các nhà thờ, trường học và các nơi thờ phượng khác của chúng ta nhằm làm nơi cung thánh, địa điểm thánh, nơi người ta tới để cầu nguyện và tham dự thừa tác vụ của Giáo Hội”.

Hồi tháng Tám, mọi giám mục của Missouri đã ký một bản tuyên bố khuyến khích các công dân có thiện chí “đừng trở thành mồi cho quan niệm này: chúng ta được an toàn hơn trong tư cách cá nhân và xã hội nếu mọi người luôn được trang bị ở khắp nơi”.

Tự do tôn giáo và các Tiểu Muội Người Nghèo

Năm năm trước đây, các giám mục Hoa Kỳ có phát động sáng kiến “Hai Tuần cho Tự Do”, một chiến dịch kéo dài hai tuần, được tổ chức khoảng ngày 4 tháng Bẩy, Ngày Độc Lập, nhằm đáp ứng điều các vị coi như xâm thực quyền tự do của các nhóm tôn giáo được sống thực các niềm tin tôn giáo của họ và tích cực tham dự vào đời sống quốc gia.

Cố gắng trên đặc biệt có ý nghĩa vào năm 2016, khi có cuộc đấu tranh trước Tối Cao Pháp Viện giữa Nhà Trắng và các Tiểu Muội Người Nghèo về chỉ thị phải mua bảo hiểm ngừa thai do chính phủ Obama áp đặt.



Kết quả, Tối Cao Pháp Viện, đến lúc đó không còn chánh án Antonin Scala, đã quyết định không phán quyết, nên đã yêu cầu hai bên cung cấp thêm dữ liệu, một yêu cầu được nhiều người coi như lời thúc đầy hai bên tìm giải pháp tương nhượng.

Những yêu cầu như thế khá hiếm, và có thể cho thấy ý muốn của các thẩm phán không muốn có phán quyết 4-4. Nhưng trong khi ấy, Tòa đã ngưng không cho thi hành việc phạt vạ và các chế tài khác đối với việc không thi hành chỉ thị.



Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Tám với Crux, Nữ Tu Constance Veit, phát ngôn viên của các Tiểu Muội Người Nghèo, nhìn nhận rằng đã có những lúc kể từ lúc bắt đầu cuộc đấu tranh lâu dài chống chỉ thị, bà tự hỏi liệu di sản của dòng có buộc các bà phải tiếp tục tranh đấu mãi không.

Bà nói: “chúng tôi có lịch sử từ hồi bắt đầu dòng của mình phải xử lý với các hoàn cảnh bất khoan dung tôn giáo. Trong các cộng đồng dòng nữ tại Hoa Kỳ, chúng tôi có một lịch sử lâu dài hơn nhiều dòng khác, một lịch sử sâu sắc và có tính quốc tế nhiều hơn, và điều này đã nằm sẵn trong DNA của chúng tôi”.

Từ ngày Ông Trump hứa sẽ thu hồi một phần, nếu không tất cả, Đạo Luật Chăm Sóc Vừa Túi Tiền (Affordable Care Act), và tôn trọng tự do tôn giáo, các luật sư của Dòng Tiểu Muội Người Nghèo lạc quan về viễn ảnh vấn đề của họ sẽ được giải quyết nhanh chóng sau khi tân chính phủ nhậm chức.

Dòng Tiểu Muội Người Nghèo chỉ là một nhóm liên quan tới vụ Zubik v. Burwell. Vụ này còn liên quan tới Các Linh Mục Phò Sự Sống, các giáo phận Pittsburgh và Erie ở Pensylvania, và tổng giáo phận Washington cũng như nhiều nhóm tôn giáo khác không được hưởng quyền đặc miễn của các Giáo Hội.


Vũ Văn An12/19/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét