Trang

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2016

Niềm hy vọng giúp chúng ta hoán cải và tiến tới gặp gỡ Chúa

Nim hy vng giúp chúng ta hoán ci và tiến ti gp g Chúa

Niềm hy vọng kitô cần thiết trong những thời điểm đen tối của lịch sử, vì nó giứp dọn đường cho Chúa, nghĩa là trở về với Thiên Chúa, hướng con tim về Thiên Chúa và bước đi trên con đường này để tìm thấy Ngài, và chuẩn bị gặp gỡ với Hài Nhi Giêsu giáng sinh làm người.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8000 tín hữu và du khách hành hương
tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần 7-12-2016. ĐTC đã bắt đầu loạt bài giáo lý mới về niềm hy vọng kitô. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:
Hôm nay chúng ta bắt đầu một loạt bài giáo lý mới về đề tài hy vọng kitô. Thật rất quan trọng, vì niềm hy vọng không gây thất vọng. Sự lạc quan gây thất vọng nhưng niềm hy vọng thì không. Chúng ta cần nó biết bao nhiêu, trong các thời điểm xem ra tối tăm này, trong đó nhiều khi chúng ta cảm thấy bị lạc lối trước sự dữ và bạo lực vây quanh, trước nỗi khổ đau của biết bao anh chị em của chúng ta. Cần có niềm hy vọng! Chúng ta cảm thấy lạc lõng và cả một chút chán nản nữa, bởi vì chúng ta cảm thấy mình bất lực và xem ra sự tối tăm này không bao giờ kết thúc. Nhưng không được để cho niềm hy vọng bỏ rơi chúng ta, bởi vì Thiên Chúa với tình yêu của Ngài bước đi với chúng ta. “Tôi hy vọng vì Thiên Chúa ở bên tôi”: điều này tất cả chúng ta có thể nói: “Tôi hy vọng, tôi hy vọng vì Thiên Chúa bước đi với tôi. Ngài bước đi và cầm tay tôi dẫn đi.” Thiên Chúa không bỏ chúng ta một mình. Và Chúa Giêsu đã chiến thắng sự dữ và đã mở ra cho chúng ta con đường của sự sống.
Và khi đó, đặc biệt trong mùa Vọng này, là thời gian chờ đợi, trong đó chúng ta chuẩn bị tiếp đón một lần nữa mầu nhiệm ủi an của sự Nhập Thể và ánh sáng của lễ Giáng Sinh, thật là quan trọng  suy tư về niềm hy vọng. Chúng ta hãy để Chúa dậy chúng ta biết hy vọng có nghĩa là gì. Như vậy chúng ta hãy lắng nghe các lời Sách Thánh, bắt đầu với ngôn sứ Isaia, là vị ngôn sứ lớn của mùa Vọng, là sứ giả lớn của niềm hy vọng.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: trong phần thứ hai của sách, Isaia hướng tới dân Israel với lời loan báo của sự ủi an: “"Hãy an ủi, an ủi dân Ta: Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong.  Có tiếng hô: "Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Giavê, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang Giavê sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Giavê đã tuyên phán.” (Is 40,1-2°.3-5).
Thiên Chúa Cha an ủi bằng cách dấy lên các người ủi an, và xin họ củng cố dân, con cái Ngài, loan báo rằng thời gian lao đã hết, khổ đau đã hết, và tội lỗi đã được tha. Đây là điều chữa lành con tim sầu khổ và hốt hoảng. Vì thế ngôn sứ xin chuẩn bị đường cho Chúa, rộng mở cho các ân huệ và ơn cứu độ của Ngài.
Đối với dân sự ủi an bắt đầu với khả thể bước đi trên con đường của Thiên Chúa, một con đường mới, được uốn thẳng và có thể đi được, một con đường cần chuẩn bị trong sa mạc, để có thể đi ngang qua và trở về quê hương. Bởi vì dân chúng, mà ngôn sứ nói với, đang sống thảm cảnh cuộc lưu đầy bên Babilonia, và giờ đây nghe nói rằng có thể trở về quê hương, qua một con đường được làm cho thoải mái, rộng rãi, không có thung lũng và núi đồi. Như thế chuẩn bị con đường ấy có nghĩa là chuẩn bị một con đường của ơn cứu độ và giải thoát khỏi mọi chướng ngại và vấp ngã.
ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: lưu đầy đã là một thời gian thê thảm trong lịch sử của dân Israel, khi họ đã mất tất cả, quê hương, sự tự do, phẩm giá và cả niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa nữa. Họ cảm thấy bị bỏ rơi và không có niềm hy vọng. Trái lại, này đây lời mời gọi của ngôn sứ tái mở con tim cho niềm tin. Sa mạc là nơi trong đó khó sống, nhưng chính ở đấy sẽ có thể bước đi để trở về, không phải chỉ trở về quê hương, mà trở về với Thiên Chúa, hy vọng và vui cười trở lại. Khi chúng ta ở trong tối tăm, trong các khó khăn, thì nụ cuời không đến, và chính niềm hy vọng dậy chúng ta tươi cười để tìm ra con đường dẫn chúng ta tới Thiên  Chúa. Một trong những điều đầu tiên xảy ra cho những người tách rởi khỏi Thiên Chúa đó là họ không có nụ cười.
Có lẽ họ có thể cười ha hả, tràng này sau tràng khác, nói giỡn, cười cợt đấy… nhưng họ không có nụ cười. Nụ cười thì chỉ có niềm hy vọng mới trao ban cho thôi: đó là nụ cười của niềm hy vọng tìm thấy Thiên Chúa.
Cuộc sống thường là một sa mạc, thật khó bước đi trong cuộc sống, nhưng nếu chúng ta tín thác nơi Thiên Chúa, nó có thể trở thành tươi đẹp và rộng thênh thang như một xa lộ. Chỉ cần đừng bao giờ mất niềm hy vọng, chỉ cần tiếp tục tin luôn luôn, mặc cho tất cả. Khi chúng ta đứng trước một em bé, có lẽ chúng ta có thể có biết bao vấn đề và khó khăn, nhưng nụ cười đến bên trong chúng ta, bởi vì chúng ta đứng trước niềm hy vọng: một em bé là một niềm hy vọng! Và chính như thế mà chúng ta phải nhìn trong cuộc sống con đường hy vọng đưa chúng ta tới chỗ tìm ra Thiên Chúa. Thiên Chúa đã trở thành Hài Nhi cho chúng ta. Và Ngài sẽ làm cho chúng ta tươi cười, Ngài sẽ ban cho chúng ta tất cả!
Chính các lời này của ngôn sứ Isaia đã được thánh Gioan Tẩy Giả dùng trong lời rao giảng mời gọi hoán cải: Ngài nói như thế này: “Có tiếng kêu trong sa mạc: hãy dọn đường của Chúá” (Mt 3,3). Đó là một tiếng nói kêu lên ở nơi đâu xem ra không có ai có thể lắng nghe - ai có thể nghe trong sa mạc - và kêu lên trong sự lạc lõng vì cuộc khủng hoảng lòng tin. Chúng ta không thể chối cãi rằng thế giới ngày nay đang bị khủng hoảng niềm tin. Người ta nói: “Tôi tin nơi Thiên Chúa, tôi là kitô hữu”- “Tôi thuộc tôn giáo này… “. Nhưng cuộc sống của bạn thật xa việc là tín hữu kitô; thật xa Thiên Chúa! Tôn giáo, niềm tin đã rơi vào một kiểu nói: “Tôi tin?” – “Phải”. Nhưng đây là việc trở về với Thiên Chúa, hướng con tim về Thiên Chúa và bước đi trên con đường này để tìm thấy Ngài. Ngài chờ đợi chúng ta. Đó là lời rao giảng của thánh Gioan Tẩy Giả: chuẩn bị. Chuẩn bị gặp gỡ với Hài Nhi sẽ ban cho chúng ta nụ cười.
Khi Gioan Tẩy giả loan báo Chúa Giêsu đến, các người do thái như thể là còn đang sống kiếp lưu đầy, bởi vị họ ở dưới sự thống trị của Roma, khiến cho họ là những người xa lạ trong chính quê hương của mình, bị cai trị bởi những kẻ xâm lăng quyền thế, quyết định về cuộc sống của họ. ĐTC khẳng định trong bài huấn dụ:
Nhưng lịch sử đích thật – lịch sử sẽ tồn tại trong sự vĩnh cửu – là lịch sử mà Thiên  Chúa viết với các người bé mọn của Ngài: Thiên Chúa với Maria, Thiên Chúa với Giêsu, Thiên Chúa với Giuse, Thiên Chúa với những kẻ bé mọn. Các kẻ bé mọn và đơn sơ ấy chúng ta tìm thấy chung quanh Chúa Giêsu giáng sinh: ông Dacaria và bà Elidabét, là các người già cả bi ghi dấu bởi sự hiếm muộn, Maria trinh nữ trẻ được đính hôn với Giuse, các mục đồng, bị khinh miệt và không có giá trị nào. Họ là những kẻ bé mọn đã được đức tin của họ làm cho trở nên lớn, các người bé mọn biết tiếp tục hy vọng. Và niềm hy vọng là nhân đức của những kẻ bé mọn. Những kẻ lớn lao, nhừng người thoả mãn không biết tới niềm hy vọng; họ không biết nó là cái gì.
Chính những người bé nhỏ với Thiên Chúa, với Chúa Giêsu biến đổi sa mạc của lưu đầy, của cô đơn tuyệt vọng, của khổ đau, trở thành một con đường trên đó bước đến gặp gỡ vinh quang của Chúa. Và chúng ta đi tới kết luận: Vậy chúng ta hãy để cho mình được dậy dỗ hy vọng, chúng ta hãy tin tưởng chờ đợi Chúa đến, và bất cứ sa mạc nào của cuộc sống chúng ta – mỗi người biết mình đang bước đi trong sa mạc nào - cũng sẽ trở thành một ngôi vườn nở hoa. Niềm hy vọng không gây thất vọng.
ĐTC đã chào nhiều đoàn hanh hương khác nhau, đặc biệt các học sinh trường Saint Régis Saint-Michel, các tín hữu đến từ Puy và Velay cũng như thành viên hội cải tiến các bài giảng Pháp. Ngài cũng chào các phái đoàn đến từ Anh quốc, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Nigeria,  Australia và Hoà Kỳ, cũng như các tín hữu đến từ Ba Lan, Bồ Đào Nha, và Đức trong đó có phong trào Schoenstadt và các tín hữu Lagundo và Bolzano. Ngài chúc mọi người mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm sốt sắng và biết noi gương Mẹ sống kết hiệp với Thiên Chúa, tín thác và thực thi  thánh ý Chúa.
Chào các tín hữu nói tiếng A rập đặc biệt một nhóm linh mục Iraq phục vụ tại Âu châu ĐTC khuyên họ đừng để mất đi niềm hy vọng là nhân đức kitô giúp nhìn xa hơn các vấn đề, các khổ đau, khó khăn và tội lỗi, và trông thấy vẻ đẹp của Thiên Chúa.
Trong các nhóm tiếng Ý ĐTC chào đặc biệt  các nữ tu dòng Bác Ái, các nghệ sĩ tham gia chương trình hoà nhạc Giáng Sinh lần thứ 24, do hiệp hội “Don Bosco trên thế giới” tổ chức. Ngài chúc mọi người luôn vun trồng niềm hy vọng, và sự hiền dịu trong cuộc sống.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người
Linh Tiến Khải


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét