Trang

Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

13-06-2017 : THỨ BA - TUẦN X THƯỜNG NIÊN - THÁNH AN-TÔN PA-ĐUA, Linh Mục, TIẾN SĨ HỘI THÁNH - Lễ Nhớ

13/06/2017
Thứ Ba tuần 10 thường niên
Thánh Antôn Pađôva, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh.
Lễ nhớ


* Chào đời khoảng cuối thế kỷ 12, tại Lít-bon, Bồ-đào-Nha, nhập hội kinh sĩ thánh Augustinô, nhưng sau khi làm linh mục được ít lâu, thánh Antôn hâm mộ lý tưởng sống Tin Mừng của thánh Phanxicô. Người đã đến Át-xi-di, sống bên cạnh thánh Phanxicô (năm 1221).
Với tài năng giảng thuyết ngoại thường, người được phái qua Pháp là nơi các giáo thuyết của phái Ca-tha đang hoành hành. Người lập một tu viện ở Bơ-ri-vơ La Gai-ác. Thánh nhân là người đầu tiên trong dòng dạy thần học cho anh em. Người qua đời tại Pađôva sau khi giảng tĩnh tâm mùa Chay tại đó (năm 1231).

Bài Ðọc I: (Năm I) 2 Cr 1, 18-22
"Ðức Giêsu không phải vừa "Có" lại vừa "Không", nhưng nơi Người chỉ "Có" mà thôi".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, xin Thiên Chúa là Ðấng trung tín, chứng giám cho rằng lời nói của chúng tôi đối với anh em không phải là vừa "Có" lại vừa "Không". Quả thế, Con Thiên Chúa là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng mà tôi, Silvanô và Timôthêu đã rao giảng nơi anh em, Người không phải vừa "Có" lại vừa "Không"; trái lại, nơi Người chỉ là "Có" mà thôi. Bởi chưng bao nhiêu lời hứa của Thiên Chúa đã thành "Có" ở nơi Người. Vì thế, nhờ Người mà chúng tôi hô lên lời "Amen" tôn vinh Thiên Chúa. Vậy Ðấng đã làm cho chúng tôi và anh em được đứng vững trong Ðức Kitô, và đã xức dầu cho chúng ta, chính là Thiên Chúa, Ngài đã ghi dấu trên mình chúng ta, và đã ban vào lòng chúng ta bảo chứng của Thánh Thần.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 129. 130. 131. 132. 133. 135
Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu của Chúa (c. 135a).
Xướng: 1) Kỳ diệu thay những lời Ngài nghiêm huấn, bởi thế linh hồn con vẫn tuân theo. - Ðáp.
2) Sự mạc khải lời Ngài soi sáng, và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm. - Ðáp.
3) Con há miệng để hút nguồn sinh khí, vì con ham muốn những chỉ thị của Ngài. - Ðáp.
4) Xin Chúa nhìn lại thân con và thương xót, như Chúa quen xử với những người yêu mến danh Chúa. - Ðáp.
5) Xin hướng dẫn con bước theo lời răn của Chúa, và chớ để điều gian ác thống trị trong mình con. - Ðáp.
6) Xin tỏ cho tôi tớ Ngài thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.


Alleluia: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 5, 13-16
"Các con là sự sáng thế gian".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn xử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Muối và Ánh Sáng
Muối là để làm gia vị, đèn là để soi sáng. Với hai hình ảnh này, Chúa Giêsu muốn nói lên sứ mệnh của Giáo Hội trong trần thế. Ngay từ đầu lịch sử của mình, Giáo Hội đã ý thức về sứ mệnh ấy. Giáo Hội là muối và ánh sáng của thế giới, bởi vì là Thân Thể của Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Giáo Hội luôn xác tín rằng tất cả chân lý về Thiên Chúa và về con người đã được Chúa Giêsu mạc khải và ủy thác cho Giáo Hội. Qua cuộc sống của mình, Giáo Hội bày tỏ cho nhân loại biết con người là ai? Con người bởi đâu mà đến? Con người sẽ đi về đâu? Qua cuộc sống của mình, Giáo Hội chứng tỏ cho con người cùng đích của cuộc sống, đó là sống với Thiên Chúa.
Các tín hữu tiên khởi đã xác tín về điều đó, cuộc sống bác ái yêu thương của họ đã là muối và ánh sáng cho nhiều người. Những tiến bộ về khoa học, văn hóa, kinh tế và ngay cả chính trị tại Âu Châu thời Trung Cổ quả là thể hiện vai trò muối và ánh sáng của Giáo Hội. Không ai có thể vai trò hạt nhân về phát triển của các Tu viện Công giáo. Văn minh Tây phương, dù muốn hay không, vẫn là văn minh Kitô giáo. Những giá trị tinh thần mà nhân loại đạt được ngày nay, như tự do, dân chủ, nhân quyền, đều là những giá trị xuất phát từ Kitô giáo. Qua những giá trị tinh thần ấy, chúng ta có thể nói rằng muối của Giáo Hội đã ướp được phần lớn trái đất, ánh sáng của Giáo Hội đã chiếu soi vào những góc tối tăm của tâm hồn.
Tuy nhiên, hình ảnh muối và ánh sáng vẫn luôn gợi lên cho chúng ta cái tư thế nhỏ bé của Giáo Hội. Người ta chỉ cần một lượng nhỏ muối để ướp một lượng lớn thực phẩm, một cái đèn nhỏ cũng đủ để chiếu dọi một khoảng không gian lớn. Phải chăng với hình ảnh của muối và ánh sáng, Chúa Giêsu không muốn ám chỉ tới cái vị thế đàn chiên nhỏ bé là Giáo Hội? Ðã qua hơn 2,000 năm lịch sử, các môn đệ Chúa Giêsu đã đi khắp thế giới để rao giảng cho mọi dân tộc. Nếu xét về con số, thì thực tế không thể chối cãi là hơn 2/3 nhân loại vẫn chưa trở thành môn đệ Chúa Giêsu, và càng ngày xem chừng những người mang danh hiệu Kitô càng nhỏ lại, nếu so với những người ngoài Kitô giáo.
Muối và đèn soi vốn là những hình ảnh gợi lên cho chúng ta cái tư thế thiểu số của Giáo Hội trong trần thế, nhưng lại mời gọi chúng ta xác tín về sứ mệnh vô cùng to tát của Giáo Hội. Bằng mọi giá, Giáo Hội phải ướp mặn thế giới, phải chiếu soi trần gian bằng chính chân lý cao cả mà Chúa Giêsu đã mạc khải và ủy thác cho mình. Cả vận mệnh nhân loại tùy thuộc sứ mệnh của Giáo Hội, do đó không có lý do nào cho phép Giáo Hội xao lãng sứ mệnh ấy. Thánh Phaolô đã nói lên sự khẩn thiết của sứ mệnh ấy như sau: "Gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện, cũng phải luôn luôn rao giảng Tin Mừng của Chúa".
Ðã có một lúc Giáo Hội gặp nhiều dễ dàng và thuận tiện trong việc thực thi sứ mệnh: cả một quốc gia, cả một lục địa đón nhận sứ điệp Tin Mừng. Thế nhưng, cũng có biết bao thời kỳ Giáo Hội bị khước từ, bị bách hại, đây chính là lúc không thuận tiện mà thánh Phaolô nói đến và cũng là lúc Giáo Hội càng phải rao giảng mạnh mẽ và kiên quyết hơn. Chính vì là thiểu số, và là một thiểu số bị loại trừ và bách hại, Giáo Hội lại càng phải ý thức hơn về vai trò là muối và ánh sáng của mình.
Một trong những nguy cơ lớn nhất đối với Giáo Hội chính là thỏa hiệp: thỏa hiệp để được một chút dễ dãi, thỏa hiệp để được một chút đặc quyền đặc lợi. Thực ra, đã là thỏa hiệp tức là đánh mất một phần căn tính của mình: thay vì muối để ướp cho mặn, thì muối lại đánh mất chất mặn của mình đi; đã là đèn dùng để soi sáng thì đèn lại bị đặt dưới đáy thùng; thay vì rao giảng lời chân lý, Giáo Hội thỏa hiệp để chỉ còn rao giảng lời của những sức mạnh đang khống chế mình. Xét cho cùng, sứ mệnh của muối và ánh sáng cũng chính là sứ mệnh của tiên tri. Số phận của tiên tri là số phận của thiểu số, nhưng là thiểu số dám lên tiếng rao giảng chân lý, sẵn sàng tố cáo bất công, và dĩ nhiên sẵn sàng hy sinh, ngay cả mạng sống mình.
Giáo Hội là muối và ánh sáng thế gian. Mỗi Kitô hữu tự bản chất cũng là muối và ánh sáng của thế gian. Họ sẽ đánh mất bản chất mặn của muối và tia sáng của ánh sáng, nếu chỉ vì một chút lợi lộc vật chất, một chút dễ dãi, mà họ thỏa hiệp với những gì đi ngược chân lý của Chúa Giêsu. Một cách cụ thể, người Kitô hữu sẽ không còn là muối và ánh sáng, nếu theo dòng chảy của xã hội, họ cũng lọc lừa, móc ngoặc, dối trá.
Nguyện xin Chúa ban thêm sức mạnh, để dù chỉ là một thiểu số, chúng ta vẫn luôn là muối có sức ướp mặn xã hội, là đèn có sức chiếu soi xã hội.
Veritas Asia


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Ba Tuần 10 TN1, Năm lẻ
Bài đọc2 Cor 1:18-22; Mt 5:13-16.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người được trang bị để làm vinh danh Thiên Chúa.
            Trong việc giao tiếp, danh giá của một người ảnh hưởng đến những gì họ nói và làm; ví dụ, khán giả thường tin vào danh giá của diễn giả, trước khi họ có thể tin vào những gì diễn giả nói. Nhưng danh giá là những gì diễn giả có được, chỉ sau một thời gian chứng minh cho khán giả biết mình là người có thể tin cậy được. Ngược lại, nếu khán giả nghi ngờ danh giá của diễn giả, họ sẽ không tin hay không thèm nghe, những gì diễn giả trình bày. Trong việc rao giảng Tin Mừng cũng thế, nhà rao giảng cần thiết lập danh giá của mình trước khi rao giảng Tin Mừng cho khán giả. Nếu nhà rao giảng có một cuộc sống bê bối hay gian dối, ông không thể làm cho người khác tin vào Tin Mừng ông rao giảng, vì "lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn."
            Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc Thiên Chúa đã trang bị cho con người đầy đủ để họ có thể làm chứng cho Ngài. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô xác nhận rõ ràng Đức Kitô đã làm cho tất cả những lời hứa của Thiên Chúa thành hiện thực. Phaolô và các môn đệ của ông noi gương Đức Kitô để sống và làm chứng cho sự thật này. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: anh em là muối để ướp và là ánh sáng để soi sáng cho thế gian. Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là "có" nơi Người.
1.1/ Đức Kitô là mọi tiếng "có" của Thiên Chúa: Thánh Phaolô xác quyết Đức Kitô hoàn thành những gì Thiên Chúa hứa với con người qua các Tổ-phụ và Tiên-tri: "Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là "có" nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên "Amen" để tôn vinh Thiên Chúa." Một vài ví dụ dẫn chứng điều này: lời Thiên Chúa hứa ban cho Abraham một giòng dõi đông như sao trên trời và như cát ngoài bãi biển, lời hứa ban Đấng Thiên Sai qua các tiên tri, lời hứa ban ơn cứu độ cho tất cả mọi dân tộc ... Tiếng "Amen" mà chúng ta thường thưa sau đoạn kết của các kinh nguyện: "chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen" có nghĩa "chớ gì được như thế." Vì Đức Kitô là nguồn mạch mọi ơn lành, chúng ta xin những điều đó nhân danh Ngài, và ước mong Thiên Chúa sẽ ban những điều chúng ta xin.
            Ngược lại với Thiên Chúa, con người không luôn luôn giữ những gì mình hứa. Vì thế, con người phải bắt chước Đức Kitô để luôn luôn biết nói, sống, và làm chứng cho sự thật. Thánh Phaolô phân giải với các tín hữu Corintô: "Xin Thiên Chúa trung thành chứng giám cho chúng tôi! Lời chúng tôi nói với anh em chẳng phải vừa là "có" vừa là "không." Vì Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng mà chúng tôi, là Sylvano, Timothy, và tôi, rao giảng cho anh em, đã không vừa là "có" vừa là "không," nhưng nơi Người chỉ toàn là "có."" Khi con người trung thành giữ những gì Đức Kitô dạy, họ làm chứng cho Ngài và cho Thiên Chúa.
1.2/ Thánh Thần là bảo chứng mọi tiếng "có" của Thiên Chúa: Thiên Chúa không những sai Đức Kitô để thực hiện những gì Ngài hứa với con người, mà còn gởi Thánh Thần của Ngài tới để giúp con người có sức để hoàn thành những gì Ngài đòi hỏi. Ví dụ, Đức Kitô đã chết để phục hồi sự sống cho con người; nhưng để có sự sống này, Thiên Chúa đòi con người phải tin vào Đức Kitô và giữ những điều răn Ngài dạy. Điều kiện này không phải dễ làm với sức con người; vì thế, Thiên Chúa, qua lời cầu xin của Đức Kitô, đã gởi Thánh Thần xuống cho các tín hữu. Thánh Phaolô xác nhận điều này: "Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Kitô và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thánh Thần vào lòng chúng ta làm bảo chứng." Bảo chứng hay tiền đặt cọc (arrabon) bảo đảm lời hứa của một người là thật. Khi Thiên Chúa gởi Thánh Thần, Ngài bảo đảm ơn cứu độ là của chúng ta, nếu chúng ta chịu theo sự hướng dẫn của Thánh Thần; nhưng nếu chúng ta không theo sự hướng dẫn của Ngài (như một người không chịu trả tiền nhà mỗi tháng), chúng ta sẽ không đạt tới ơn cứu độ.
2/ Phúc Âm: Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ.
2.1/ Hai biểu tượng: Để dẫn chứng điều Thiên Chúa đã ban mọi ơn lành đầy đủ cho con người để họ có thể làm vinh danh Thiên Chúa, Đức Kitô dùng hai hình ảnh để cắt nghĩa cho các môn đệ:
            (1) Muối: Hai công dụng chính của muối là ướp mặn thịt cá cho khỏi hư và thêm gia vị cho thực phẩm. Muối không giữ vị mặn cho mình, nhưng được dùng cho các thực phẩm khác. Chúa Giêsu tuyên bố: "Chính anh em là muối cho đời." Muối không ướp mặn là muối vô dụng, như lời Chúa cảnh cáo: "Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi."
            Một trong những điều chúng ta có thể so sánh với muối là tình yêu. Giống như muối đến từ biển, tình yêu đến từ Thiên Chúa vì Ngài là tình yêu. Con người không phải là nguồn tình yêu, nhưng nhận được tình yêu từ Thiên Chúa, qua Đức Kitô. Con người không giữ tình yêu để chỉ yêu mình, nhưng là để yêu thương Thiên Chúa và tha nhân. Nếu con người không biết yêu thương, con người không thể đạt đích điểm của cuộc đời, và cũng không thể làm vinh danh Thiên Chúa.
            (2) Ánh sáng: Hai công dụng chính của ánh sáng là soi sáng và sưởi ấm. Ánh sáng không giữ sự sáng cho mình, nhưng để soi sáng cho người khác. Chúa Giêsu tuyên bố: "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được." Ánh sáng không chiếu soi, sẽ trở thành vô ích như lời Chúa răn dạy: "Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà."
            Một trong những điều chúng ta có thể so sánh với ánh sáng là sự thật hay cuộc sống ăn ngay ở lành theo lề luật Thiên Chúa dạy. Như ánh sáng đến từ nguồn sáng là mặt trời, sự thật đến từ Đức Kitô, Lời của Thiên Chúa. Con người không phải là nguồn sáng, hay sự thật, nhưng nhận được sự thật từ Đức Kitô. Con người không giữ sự thật cho mình, nhưng sau khi biết sự thật, con người loan truyền sự thật cho người khác; sống và làm chứng cho sự thật để người khác nhận ra Thiên Chúa. Con người không biết sự thật không thể đạt đích điểm của cuộc đời, và không thể làm vinh danh Thiên Chúa.
2.2/ Bổn phận làm vinh danh Thiên Chúa: Sau khi được Thiên Chúa trang bị tất cả những điều cần thiết, con người có bổn phận làm vinh danh Thiên Chúa, như lời Chúa Giêsu dạy: "Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời."
           
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
            - Đức Kitô là tiếng "có" và "Amen" của Thiên Chúa. Chúng ta cũng phải noi gương Đức Kitô để luôn nói, sống, và làm chứng cho sự thật.
            - Thánh Thần là tình yêu và sự thật. Trước khi có thể loan truyền và làm chứng cho Thiên Chúa, chúng ta phải được thấm nhuần tình yêu và sự thật của Ngài.
            - Chúng ta được trang bị đầy đủ là để làm vinh danh Thiên Chúa. Hãy làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là Chúa duy nhất và yêu thương con người. 
Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

13/06/17
THỨ BA TUẦN 10 TN
Thánh An-tôn Pa-đô-va, linh mục, tiến sĩ HT
Mt 5,13-16
ĐIỀU ƯỚC CỦA CHÚA

“Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5,13.14)
Suy niệm: Dân Do Thái là dân Chúa chọn, dân tộc thánh thiện dành riêng cho Thiên Chúa. Họ có giao ước, lề luật thánh thiện, có các ngôn sứ đồng hành trong suốt dòng lịch sử. Biết bao nhiêu tâm hồn nghèo khó, công chính sống đẹp lòng Thiên Chúa, được Chúa chúc phúc. Chúa Giê-su biết rõ ơn gọi cao quí của dân tộc mình nhưng Ngài cũng thấy rõ những thối nát trong làm ăn buôn bán, điều hành xã hội và cả trong việc thờ phượng: cầu nguyện phô trương, giữ luật hình thức… Ngài rao giảng Tin Mừng, hiến thân chịu chết để chuộc tội cho con người hầu mang lại cho họ ơn cứu rỗi. Khi nói với các môn đệ: “Các con là muối cho đời… Các con là ánh sáng cho trần gian,” Chúa Giê-su muốn các môn đệ của Ngài tiếp nối sứ vụ của Ngài, mang đến cho trần gian một thuốc chữa công hiệu và cần thiết cho họ.
Mời Bạn: Làm muối cho đời, làm ánh sáng cho trần gian là làm cho Tin Mừng thấm nhập vào trong cuộc sống, các cơ chế gia đình, xã hội, văn hóa để biến đổi từ bên trong. Để trở thành sứ giả Tin Mừng, chúng ta phải để cho Tin Mừng thấm nhập và biến đổi chính con người chúng ta trước hết, để Chúa sống và hoạt động nơi chúng ta.
Sống Lời Chúa: Tôi siêng năng đọc Lời Chúa. Nhờ Lời Chúa, tôi nhận ra những gì nơi tôi hay chung quanh tôi cần thay đổi cho phù hợp với Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin dâng Chúa con người của con với những thương tích, tội lỗi và hèn yếu. Xin Chúa ban Thánh Thần xuống thanh luyện và biến đổi con nên giống Con Chúa hầu con có thể cùng với Ngài làm muối đất, làm ánh sáng cho trần gian.
 (5 phút Lời Chúa)

Mui cho đi (13.6.2017 – Th ba Tun 10 Thung niên)
Ch khi môn đ mang Ánh sáng ca Đc Giêsu, và tr nên ánh sáng, khi y h mi có th giúp thế gii này bng sáng.


 Suy nim:
Người ta thường định nghĩa Kitô hữu là người tin vào Đức Kitô,
là người sống mầu nhiệm Vượt Qua với Đức Kitô, Con Một Thiên Chúa,
hay đơn giản là người bạn của Ngài.
Chẳng thể nào nói đến Kitô hữu mà không nói đến mối dây với Đức Kitô.
Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, khi nói chuyện với các môn đệ,
những người vừa được nghe các Mối Phúc,
Đức Giêsu lại đưa ra một định nghĩa khác về họ.
“Các con là muối cho trái đất” (c. 13).
“Các con là ánh sáng cho thế giới” (c.  14).
Thế giới này, trái đất này, nằm trong định nghĩa về người Kitô hữu.
Không có Kitô hữu sống lơ lửng giữa trời và đất.
Họ thuộc về trời và thuộc về đất, về thế giới hiện tại và thế giới mai sau.
Họ được sai vào thế giới này để phục vụ bằng cách biến đổi.
Muối có nhiều công dụng.
Muối dùng để bảo quản cho khỏi hư, để nêm nếm cho đậm đà, để bón phân.
Muối cần cho sự sống thường ngày con người.
Đức Giêsu dùng hình ảnh muối để áp dụng cho các môn đệ.
Họ cần cho trái đất này,
Như muối thấm vào đồ ăn, họ phải có ảnh hưởng tích cực trên trái đất.
Điều làm cho muối là muối, đó là vị mặn.
Muối trở nên nhạt thì đánh mất chính mình rồi, chẳng đáng gọi là muối nữa.
Đức Giêsu tự nhận mình là Ánh sáng cho thế giới (Ga 8, 12; 9,5; 12, 46).
Bây giờ Ngài mạnh dạn gọi các môn đệ là ánh sáng cho thế giới.
Thế giới hôm nay đã được điện khí hóa khắp nơi.
Nhưng bóng tối và bóng mờ thì chỗ nào cũng có.
Cả bên ngoài lẫn bên trong tim con người.
Bóng tối thật là một quyền lực đáng sợ mà con người phải đối diện.
Chỉ khi môn đệ mang Ánh sáng của Đức Giêsu, và trở nên ánh sáng,
khi ấy họ mới có thể giúp thế giới này bừng sáng.
Thành thánh Giêrusalem ở trên núi, không sao giấu được.
Ngọn đèn được thắp lên cũng không để lấy thùng che lại.
Căn tính của người Kitô hữu cũng vậy.
Tự nó bừng sáng, tự nó quyến rũ, tự nó hồn nhiên tỏa hương.
Đừng sợ để người khác thấy điều tốt nơi mình,
nếu điều đó đưa người ta đến chỗ nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa.
Một phần ba thế giới là Kitô hữu,
bảy phần trăm người Việt Nam là Công giáo.
Chúng ta có thể làm được nhiều điều cho thế giới hôm nay.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu, Vua vũ trụ,
nếu Chúa là vua của hơn bốn trăm ngàn linh mục,
nếu Chúa là vua của bảy trăm ngàn nữ tu,
nếu Chúa là vua của hơn một tỉ người công giáo,
thì thế giới này sẽ đổi khác,
Hội Thánh sẽ đổi khác.
Chúng con không phải là một lượng men quá nhỏ.
Nếu khối bột chẳng được dậy lên,
thì là vì men đã mất phẩm chất.
Chúng con phải chịu trách nhiệm
về sự dữ trên địa cầu:
có nhiều sự dữ do chính chúng con gây ra.
Chúng con chỉ kêu cầu cho Nước Chúa mau đến,
nhưng lại không chịu xây dựng Nước ấy trên trần gian.
Lạy Chúa Giêsu Vua vũ trụ,
chúng con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa,
giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ,
nên nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa,
dù Chúa đã đến trái đất này từ 2000 năm.
Chúng con sợ Chúa đến làm phiền chúng con,
và không cho chúng con được yên ổn.
Ước gì một tỉ người công giáo
chịu để Chúa chi phối đời mình
và đưa Chúa đi vào những nơi Chúa chưa hề đến.
Như thế vũ trụ này
trở thành vũ trụ của Thiên Chúa.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
13 THÁNG SÁU
Hơn Hết Mọi Loài Thụ Tạo
Chúng ta vừa nới mô tả khuôn mặt độc đáo của con người trong tư cách là kẻ có thể hiểu biết và suy lý để đạt đến sự thật trong tận bản chất mọi sự. Con người có thể tự do chọn lựa làm điều đúng và tốt. Như vậy, con người được mời gọi nhận định những nhu cầu đích thực của đồng loại mình và thiết lập công lý. Và, thông thường, con người được mời gọi đảm nhận đời sống hôn nhân, trong đó người này tự nguyện trao hiến chính mình cho người kia và xây dựng một cộng đồng hiệp thông nhân vị. Chính mối hiệp nhất này là nền móng của gia đình và xã hội.
Nhưng tất cả không chỉ có vậy. con người còn được mời gọi đi vào trong một giao ước với Thiên Chúa. Quả thật, con người không chỉ là một tạo vật của Đấng Tạo Hóa mà còn là hình ảnh của Thiên Chúa. Mối quan hệ đặc biệt này giữa Thiên Chúa và con người làm cho việc thiết lập giao ước trở thành có thể. Chúng ta nhận ra giao ước này trong trình thuật về cuộc sáng tạo ở ba chương đầu Sách Sáng Thế. Chính sáng kiến đi trước của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, lập nên giao ước này. Và giao ước này vẫn không thay đổi xuyên qua lịch sử cứu độ cho đến khi Thiên Chúa thiết lập giao ước vĩnh cửu với con người trong Đức Giêsu Kitô.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


13 Tháng Sáu
Hãy Mai Táng Chính Mình

Một vị linh mục nọ đã có một sáng kiến rất ngộ nghĩnh để đánh động giáo dân trong giáo xứ. Một buổi sáng Chúa Nhật nọ, dân chúng bỗng nghe một lời rao báo như sau: "Một nhân vật trong giáo xứ vừa qua đời. Tang lễ sẽ được cử hành vào sáng thứ Tư tới". Nghe lời loan báo ấy, cả giáo xứ nhốn nháo lên. Người nào cũng muốn biết con người quan trọng ấy là ai.
Ðúng ngày tang lễ, mọi người trong giáo xứ nườm nượp kéo nhau đến nhà thờ. Từ cung thánh cho đến cuối nhà thờ, không còn một chỗ trống. Người ta đến không phải để cầu nguyện cho người quá cố cho bằng để nhìn mặt lần cuối cùng con người mà ai cũng muốn biết.
Sau thánh lễ, vị linh mục đến mở nắp quan tài để cho mọi người đến chào từ biệt lần cuối cùng người quá cố. Ai ai cũng sắp hàng để nhìn cho kỳ được người chết. Nhưng ai cũng đều ngạc nhiên, bởi vì thay cho thi hài của người chết, mỗi người chỉ nhìn thấy trong quan tài một tấm gương và dĩ nhiên, khi cúi nhìn vào quan tài, mỗi người chỉ nhìn thấy dung nhan của mình mà thôi.
Chờ cho mọi người làm xong nghi thức từ biệt ấy, vị linh mục mới giải thích: "Như anh chị em đã có thể nhận thấy, tôi đã cho đặt vào trong quan tài một tấm kính. Con người mà anh chị em nhìn thấy trong quan tài không ai khác hơn là chính mỗi người trong chúng ta. Vâng, đúng thế, thưa anh chị em, mỗi người chúng ta cần phải mai táng chính mình... Thánh lễ vừa rồi đã được cử hành cho tất cả chúng ta".
Bắt đầu sứ mệnh công khai của Ngài bằng cử chỉ dìm mình xuống dòng nước sông Giodan, Chúa Giêsu muốn loan báo cho mọi người thấy rằng Ngài đã vâng phục Ý Chúa Cha để đi vào Cái Chết và nhờ đó cứu rỗi nhân loại. Một cách nào đó, mầu nhiệm của Sự Chết và Sống lại đã được diễn tả qua việc Chúa Giêsu dìm mình trong dòng nước.
Thiết lập Phép Rửa như cửa ngõ để đưa chúng ta vào cuộc sống trường sinh, Chúa Giêsu cung muốn chúng ta tham dự vào mầu nhiệm chết và sống lại của Ngài. Dìm mình trong nước của Phép Rửa, chúng ta khởi đầu cuộc sống Kitô hữu bằng chính cái chết. Sống đối với chung ta có nghĩa là chết: chết cho những khuynh hướng xấu, chết cho những đam mê xấu, chết cho tội lỗi, chết cho ích kỷ, chết cho hận thù. Cuộc sống do đó đối với chúng ta cũng là một cuộc mai táng liên lỉ. Cũng như hạt lúa rơi xuống đất phải thối đi, cũng thế chúng ta phải chấp nhận chôn vùi con người cũ tội lỗi của chúng ta.
Lẽ Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét